2760 18-04-2016 22:11:26Nhân ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Thiên Triệu, chúng ta ‘nhìn lại’ Ơn Gọi Đan Sĩ của mình
( An Phước )
I. Hiến Pháp Hội Dòng Xitô Thánh Gia dạy rằng : “Chức Linh Mục không phải là mục tiêu mà các Đan Sĩ nhắm tới, nhưng là một hồng ân cần thiết cho Cộng Đoàn” (108). Sống trong một Hội Dòng có đặc tính là Giáo Sĩ và Giáo Dân, mơ ước trở thành Đan Sĩ và trở thành Linh Mục… nơi mỗi anh em khi bước vào Đan Viện, đó là “ước muốn một nhiệm vụ cao đẹp”. Chính thánh Phaolô đã nói với Giám Mục Timôthê : “Đây là lời đáng tin cậy: ai mong được làm Giám Mục, người ấy ước muốn một nhiệm vụ cao đẹp” (1 Tm 3,1). Tuy nhiên, đừng quên rằng ‘Ơn Gọi’ trở thành Đan sĩ hay Linh mục, chính yếu là để “sống với Chúa, và để Ngài sai đi” (Mc 3, 14). Và vấn đề là làm thế nào để chu toàn nhiệm vụ Mục Tử Nhân Lành sau khi “được Đức Giám Mục đặt tay lên đầu” thánh hiến.
Nhân ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Thiên Triệu, chúng ta ‘nhìn lại’ Ơn Thiên Triệu của mình. Mình có sống với Chúa, là lắng nghe tiếng Ngài trong từng giây phút sống, để nên một với Chúa khi gian nan hay trong hạnh phúc. Mình có để cho Chúa sai đi, là sẵn sàng đi theo con đường Ngài đã đi, thực thi sứ mạng Ngài trao bất chấp những gì xảy ra.
II. Chúng ta ‘nhìn lại’ mình dưới lời giáo huấn của ĐHY Ivan Dias, Tổng Trưởng Thánh Bộ Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc; và của ĐTC Phanxicô trong Sứ Điệp Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Ơn Thiên Triệu lần thứ 53 năm 2016.
A)- Theo ĐHY Y Ivan Dias (x. Huấn từ khai mạc Tĩnh Tâm Linh Mục Giáo Phận Phan Thiết, ngày 10.01.2011, ĐGM Giuse Vũ Duy Thống).
ĐHY Ivan Dias, Tổng Trưởng Thánh Bộ Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc, Đại Diện Đức Thánh Cha chủ toạ lễ bế mạc Năm Thánh 2010 tại Thánh Địa La Vang, Tổng Giáo Phận Huế. Sau đại lễ, ĐHY Ivan Dias đã gặp các Giám Mục Việt Nam.
Trong buổi gặp này, Ngài mời gọi tất cả Giám Mục chia sẻ lại cho các Linh Mục và Chủng Sinh của mình về 3 chữ D rất cần thiết trong đời sống của người thuộc về Giáo Hội. 3 chữ D đó là: Doctrine, Discipline, Dévotion.
1. Doctrine, về giáo thuyết.
Mỗi Linh Mục hôm nay được mời gọi nắm vững Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, Giáo Huấn Giáo Hội Công Giáo, Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, bởi vì nếu không nắm vững những hướng đi trong đó, khi Linh Mục ứng xử với Giáo Dân, nhiều khi có những cái chưa chuẩn mực, và nếu như cả một Giáo Hội mà lại không nắm vững về Doctrine này thì rất nguy hiểm, sẽ đưa Giáo Hội đến chỗ không cứu vãn được.
Tại sao Tòa Thánh phải lên tiếng về Giáo Hội Trung Quốc ? Câu trả lời cho biết vì yếu về giáo thuyết. Nếu hiểu Giáo Hội không thể tự lực tự cường được thì người ta sẽ có chọn lựa khác. Chẳng phải nói đâu xa, trường hợp của Giáo Hội Việt Nam ngày nay cũng cho thấy thấp thoáng nguy cơ.
Hết rồi thời đối đầu, đã bước sang thời đối thoại. Nhưng đối thoại như thế nào để mình vẫn là Giáo Hội Công Giáo, đó lại là cả một tuyến mở ra cho suy nghĩ và vì vậy quan trọng là nắm vững giáo thuyết để có những quyết định phù hợp.
2. Discipline, về kỷ luật.
Đây là một vấn đề thường gây khủng khoảng cho các Giáo Hội phương Tây. Vấn đề Linh Mục lạm dụng tình dục là do việc không tuân thủ kỷ luật của Giáo Hội, để đến khi bùng nổ ra thì không vớt vát được. Hiện nay ở nhiều địa phận của Hoa Kỳ đã phải bán hết cơ sở của mình đi để trang trải cho việc xao lãng kỷ luật của một thời.
Đây là một vấn đề đau lòng. Do đó, tuân thủ kỷ luật đời sống Linh Mục là một cách để giúp Linh Mục một đàng thánh hóa bản thân và đàng khác tránh tất cả những hậu quả tai hại. Thời mới bước chân vào Chủng Viện, chắc chắn các Chủng Sinh đều thuộc lòng câu: ‘Ai sống theo kỷ luật là sống theo Ý Chúa’, và sau này trên bước đường lớn hơn, Linh Mục vẫn thường được nghe nhắc nhở: ‘hãy giữ luật thì luật sẽ giữ cho mình, sẽ bảo vệ mình’.
Nên chữ Discipline mời gọi mỗi người trong hướng đi đời Linh Mục cũng gắn bó với luật lệ của Giáo Hội cách khít khao.
3. Dévotion, lòng đạo đức sốt sắng.
Lòng đạo đức sốt sắng là gắn liền với những phong trào đạo đức, có một thời tưởng như bị bỏ rơi vì đi liền với lòng đạo đức bình dân của đại chúng. Thí dụ: chuỗi hạt Mân Côi, có một thời người ta rẻ rúng cho là loại Kinh dành cho phụ nữ, người nhàn rỗi, người già... nhưng sau này người ta cảm nghiệm được sức mạnh của Kinh Mân Côi, nhất là sức mạnh hoán cải, sức mạnh thánh thiêng giúp người ta tiến xa trên đường nên thánh.
Những cái thuộc loại Dévotion thì thường gắn liền với những hình thức văn hóa. Ví dụ: hành hương coi như chuyện đi chơi, nhưng ở đó cũng là một thứ Dévotion mời gọi Linh Mục không nên xem thường. Tất nhiên không thể loại trừ những hình thức Dévotion truyền thống tôn sùng Thánh Tâm, Chầu Thánh Thể, hay là những hình thức khác nhau dành cho các Thánh.
Một Linh Mục mà rẻ rúng những hình thức đạo đức bình dân thì coi chừng, tưởng là mình ở trên đỉnh cao trí thức, biết đâu lúc nào đó mình rớt xuống vực mà không hay. Lần chuỗi hạt Mân Côi, đó là một lời kinh tháp tùng Linh Mục trên mọi bước đường, trong mọi hoàn cảnh, đó là lời Kinh còn lại duy nhất sau khi đã quên đi tất cả. Gắn bó với một sự đạo đức như thế cũng là một cách giúp cho đời Linh Mục được vươn lên, được thăng tiến.
B)- Theo ĐTC Phanxico (x. Sứ Điệp Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Ơn Thiên Triệu lần 53 – năm 2016)
1. Như tựa đề sứ điệp cho lần thứ 53 năm 2016 ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Ơn Thiên Triệu “Giáo Hội, Mẹ của Ơn Gọi”, ĐTC Phanxico rất hy vọng là mọi Kitô hữu “có thể trải nghiệm được niềm vui thuộc về Giáo Hội” và tái khám phá ra ơn gọi của mình là “được sinh ra từ Dân Chúa và là quà tặng của Lòng Thương Xót Chúa”. Ngài khẳng định : “Giáo Hội là đền thờ của Lòng Thương Xót, và là "mảnh đất" cho mọi ơn gọi được nuôi trồng, trưởng thành và sinh hoa kết trái”. Và Ngài mời gọi : “tất cả anh chị em cùng sư tư về cộng đoàn tông đồ, và biết ơn vì những đóng góp của cộng đoàn đối với hành trình ơi gọi của mỗi cá nhân”.
Ngài nhấn mạnh điều trên khi nhắc lại giáo huấn trong Tông Chiếu Misericordiae Vultus : “tôi nhắc lại những lời của thánh Bê-đa đáng kính đã nói về ơn gọi của Thánh Mattheu: "Miserando atque eligendo" - Do lòng xót thương và được tuyển chọn” (số 8). Hành động đầy lòng thương xót của Chúa đã tha thứ tội lỗi cho chúng ta và đưa chúng ta vào sự sống mới, nơi mà ơn gọi làm môn đệ và truyền giáo được hình thành. Mỗi ơn gọi trong Giáo Hội đều xuất phát từ ánh mắt xót thương của Chúa Giêsu. Hoán cải và ơn gọi luôn đan quyện vào nhau như hai mạt của một đồng xu, và chúng kết nối với nhau luôn mãi trong suốt toàn bộ sứ truyền giáo của người môn đệ.
Nên, yếu tố thứ I, là hoán cải.
2. Yếu tố thứ II, là tính Giáo Hội.
Mỗi người phải thuộc về Giáo Hội (x. ĐTC Phaolô VI- Evangelii Nuntiandi, 23). Sự tháp nhập vào các cộng đoàn Kitô hữu này đem lại chúng ta tất cả sự phong phú của đời sống Giáo Hội, đặc biệt là qua các bí tích. Ơn Thiên Triệu đến với chúng ta qua những phương thế trung gian là Cộng Đoàn (= Giáo Hội Địa Phương). Thiên Chúa kêu gọi chúng ta trở nên một thành phần của Giáo Hội, và nhờ đó chúng ta đã đạt đến một sự trưởng thành chắc chắn trong Giáo Hội, Thiên Chúa ban cho chúng ta một ơn gọi đặc biệt.
Hành trình Ơn Gọi ấy được hình thành cùng với các anh chị em, những người mà Chúa đã ban cho chúng ta: đó là ơn Thiên triệu. Sự năng động của Giáo Hội đối với Ơn Gọi là một liều thuốc giải độc đối với sự dửng dưng và chủ nghĩa cá nhân. Giáo Hội tạo nên sự hiệp thông, qua đó làm cho sự dửng dưng tan biến bởi tình yêu, vì Giáo Hội gọi mời chúng ta vượt qua chính mình và hãy đặt cuộc sống chúng ta trong sự phục vụ theo kế hoạch của Thiên Chúa, đón nhận mọi hoàn cảnh lịch sử của Dân Thánh Chúa.
Để đáp lại lời kêu gọi của Thiên Chúa, những người trẻ hãy nhìn vào viễn cảnh rộng mở của Giáo Hội riêng của họ; họ hãy chú ý đến các đặc sủng khác nhau và thực hiện một sự biện phân khách quan hơn. Bằng cách này, Cộng Đoàn sẽ trở thành nơi nương tựa và là Gia Đình nhờ đó ơn gọi được trổ sinh. Các ứng sinh chiêm ngưỡng một cách biết ơn về sự trung gian của Cộng Đoàn như là một yếu tố cần thiết cho tương lai của họ. Họ học biết và yêu thương anh chị em mình, những người theo đuổi ơn gọi của mình bằng những phương thế khác nhau; và những cam kết này được cũng cố nơi họ sự hiệp thông mà họ chia sẻ.
Ơn gọi lớn lên trong Giáo Hội. Trong quá trình đào luyện, các ứng viên ơn gọi khác nhau cần trau dồi kiến thức về cộng đoàn Giáo Hội, khắc phục những cách nhìn thiển cận cho rằng tất cả chúng ta đều có khởi đầu như nhau. Để đạt đến cùng đích, thật hữu ích khi khám phá ra những trải nghiệm của các tông đồ khi cùng ở với các thánh tông đồ khác trong cộng đoàn, chẳng hạn như: qua việc đồng hành với một giáo lý viên tốt, để loàn truyền sứ điệp Kitô giáo; qua một cộng đoàn tu sỹ, để trải nghiệm việc truyền giáo tại những vùng xa xôi; qua việc chia sẻ cuộc sống của các đan sĩ, để khám phá những kho tàng quí báu của việc chiêm niệm; qua việc tiếp xúc với các nhà truyền giáo, để hiểu rõ hơn sứ vụ đến với muốn dân ad gentes; và qua sự đồng hành của các linh mục giáo phận, để đào sâu những trải nghiệm của đời sống mục vụ của linh mục trong giáo xứ và giáo phận. Đối với những người đã được huấn luyện, cộng đoàn Giáo Hội luôn vẫn là môi trường nền tảng của việc đào luyện, qua đó mà người ứng viên ơn gọi sẽ cảm nhận cảm giác của lòng biết ơn.
Ơn gọi được nuôi dưỡng bởi Giáo Hội. Sau khi cam kết dứt khoát, hành trình ơn gọi của chúng ta trong Giáo Hội không đi đến sự thành toàn, nhưng nó vẫn tiếp diễn trong sự sẵn sàng để phục vụ, và sự kiên trì và việc thường huấn của chúng ta. Ai đã tận hiến cuộc đời mình cho Chúa thì luôn sẵn sàng để phục vụ Giáo Hội ở bất cứ nơi đâu Giáo Hội cần. Nhiệm vụ của Phaolô và Barnabas là một ví dụ điển hình về sự sẵn sàng phục vụ Giáo Hội. Được sai đi bởi Chúa Thánh Thần và bởi cộng đồng của Antiokia (Cv 13, 1-4), họ đã trở lại cộng đồng ấy và kể cho cộng đoàn biết những gì Chúa đã làm qua họ (14: 27). Nhà truyền giáo nhận được sự đồng hành và nuôi dưỡng nhờ các cộng đoàn Kitô hữu, và sự trợ giúp này luôn tồn tại như một sự qui chiếu sống động, một miền đất hữu ích cung cấp sự an toàn cho tất cả những người đang trên hành trình hướng về sự sống đời đời.
3. Yếu tố thứ III là tinh thần trách niệm và biện phân Ơn Gọi.
ĐTC Phanxico kêu gọi tất cả anh chị em Kitô Hữu hãy ý thức trách nhiệm của mình đối với việc chăm sóc và biện phân các ơn gọi. Mãi đến hôm nay, cộng đoàn Kitô giáo luôn hiện diện trong việc biện phân các ơn gọi, trong việc huấn luyện và trong sự kiên trì của họ (x. Cv 1, 15; Cv 6, 2; Tt 1, 5-9 và Tông Thư Evangelii Gaudium, 107).
Các ơn gọi được trổ sinh từ Giáo Hội. Từ giây phút ơn gọi được hình thành cho đến lúc trở nên rõ ràng, điều cần thiết là có được một sự "nhận thức" chính chắn của Giáo Hội. Không ai được chọn gọi cách độc đoán cho một vùng đặc biệt, hoặc cho một nhóm hoặc cho một phong trào của Giáo Hội, nhưng đúng hơn là được chọn gọi cho Giáo Hội và cho thế giới.
Trong số những người tham dự vào các hoạt động mục vụ, các linh mục là những người đặc biệt quan trọng. Trong sứ vụ của họ, họ hoàn hiện những lời của Chúa Giêsu đã nói: "Ta là cửa chuồng chiên [...] Tôi là mục tử tốt lành" (Ga 10, 7-11). Việc chăm sóc mục vụ ơn gọi là một phần cơ bản của sứ vụ của các linh mục. Các linh mục đồng hành với những ai đang biện phận về ơn gọi của họ, cũng như những ai đã tận hiến cuộc đời của mình để phục vụ Thiên Chúa và của cộng đoàn.
4. Yếu tố thứ IV là hài hòa sự thánh thiện và trung tín với Ơn Thiên Triệu.
"Một dấu hiệu chắc chắn về đặc sủng này là đặc tính Giáo Hội của ơn gọi, đó là khả năng hoà hợp cách cân đối giữa đời sống thánh thiện của Thiên Chúa và trung tín của con người vì lợi ích của tất cả" (Tông Thư Evangelii Gaudium, 130).
Tất cả các tín hữu được mời gọi trân trọng sự phong phú của các ơn gọi trong Giáo Hội, qua đó, theo gương của Đức Trinh Nữ Maria, các cộng đoàn đức tin để có thể trở thành cung lòng của người mẹ đón nhận những quà tặng của Chúa Thánh Thần (x. Lc 1, 35-38). Giáo Hội như Mẹ hiền tìm thấy trong lời cầu nguyện liên lỉ cho các ơn gọi và trong công việc giáo dục và đồng hành với tất cả những ai được Thiên Chúa chọn gọi. Tình mẫu tử này cũng được diễn tả qua việc lựa chọn cẩn thận của các ứng viên cho sứ vụ của của người được phong chức và cho đời sống thánh hiến. Sau hết, Giáo Hội là Mẹ của mọi ơn gọi qua việc hỗ trợ liên tục cho những ai đã tận hiến cuộc đời của mình để phục vụ người khác.
III. Chúng ta cầu xin Chúa ban cho tất cả những ai đang trên hành trình ơn gọi trở nên Mục Tử biết chuyên cần trau dồi giáo thuyết Kinh Thánh (Doctrine), liên lỉ gắn bó với Chúa Giêsu như cành liền thân bằng đời sống Phụng Vụ (Dévotion) và có tinh thần kỷ luật tu đức (Discipline).
Chúng ta cũng cầu xin Chúa ban cho họ luôn cảm nhận sâu sắc mình thuộc về Giáo Hội; và hiểu rằng Chúa Thánh Thần sẽ củng cố nơi các Mục Tử, và tất cả các Tín Hữu, một cảm nhận sâu sắc của sự hiệp thông, sự biện phân và tình phụ tử hay mẫu tử thiêng liêng, để tất cả được đồng cảm với nhau mà thi thố Lòng Chúa Thương Xót cho nhau và cho người đời.
Và chúng ta cùng hiệp ý với ĐTC Phanxico dâng lời cầu nguyện : “Lạy Cha của lòng thương xót, Cha đã ban Con của Cha để cứu rỗi chúng con và củng cố chúng con luôn mãi bằng quà tặng Thánh Thần của Cha. Xin ban cho Cộng Đoàn Kitô hữu chúng con đang sống, lửa nhiệt thành và niềm vui, là nền tảng của đời sống huynh đệ và là nguồn nuôi dưỡng nơi các bạn trẻ khát khao dâng hiến chính mình cho Cha và cho công việc truyền giáo. Xin nuôi sống các Cộng Đoàn này bằng cam kết cung cấp những bài giáo lý tương thích về ơn kêu gọi và những cách thế hành động hướng đến mỗi ơn gọi được thánh hiến cách đặc biệt của mỗi người. Xin ban sự khôn ngoan cần thiết để biện phân ơn gọi, nhờ đó, trong tất cả mọi sự, tình yêu thương xót lớn lao của Cha được toả sáng. Xin Mẹ Maria, là Mẹ và là người hướng dẫn Chúa Giêsu, cầu bầu cho mỗi Cộng Đoàn Kitô hữu, nhờ đó, mọi sự được trổ sinh trong Chúa Thánh Thần, là nguồn của ơn gọi đích thực cho các dịch vụ của dân thánh Thiên Chúa”.
--
“.và Người đã yêu thương họ đến cùng”
“… and he loved them to the end”
(Ga 13,1b)