Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Những Câu Chuyện Suy Ngẫm Phần 6

Câu Chuyện từ  1 - 10
Câu Chuyện từ 11 - 20
Câu Chuyện từ 21 - 30
Câu Chuyện từ 31 - 40
Câu Chuyện từ 41 - 50
Câu Chuyện từ 51 - 60
Câu Chuyện từ 61 - 70
Câu Chuyện từ 71 - 80
Câu Chuyện từ 81 - 90
Câu Chuyện từ 91 - 100
Câu Chuyện từ 101 - 110

51. CHẾT HOẶC KHÔNG CHẾT

Mùa xuân hỏi:

- "Có cái gì so với cái chết lại càng đau khổ hơn không?"

Đấng tạo hóa đáp:

- "Giữa chết và không chết".

- "Nghĩa là sao?"

- "Thể xác sống, mà tâm hồn thì đã chết rồi".

(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")

Suy tư:

Người ta thường dùng câu này để thoá mạ những người sống thất nhân ác đức: "Cái thằng cha (con mẹ) vô lương tâm".

Vô lương tâm tức là không có lương tâm.

Nói vậy thì thật oan cho họ bởi vì ai cũng có lương tâm cả, chẳng qua là vì họ không được ai dạy dỗ chỉ bảo cho mà thôi, hoặc là vì đi theo bạn bè xấu, hoặc là sống trong hoàn cảnh mà hằng ngày bắt buộc phải tiếp xúc với những con người xấu, cho nên lương tâm họ dần dần trở nên chai lì, xơ cứng...

Có những người họ biết như thế là không tốt, nhưng không còn cách gì khác, họ tự cho mình là đồ phế bỏ của xã hội.

Có những người không còn lương tâm nữa, nên hành động của họ gây căm tức, phẩn uất cho mọi người.

Họ đau khổ đã đành, nhưng những người còn có lương tâm thì đau khổ hơn, nhất là những bạn bè và những người thân yêu của họ.

Người thân xác còn sống nhưng tâm hồn đã chết thì đáng sợ hơn cọp dữ, bởi vì họ sống và hành động theo ích kỷ của mình; họ gây đau khổ cho người khác hơn cả sự chết, bởi vì chết chỉ có một lần, nhưng đau khổ do người vô lương tâm gây ra thì xảy ra hàng ngày trong cuộc sống của họ.

Thật đáng thương hại !

Về mục lục

52. PHƯƠNG PHÁP LÀM GIÀU

Con kiến hỏi:

- "Có cách gì có thể làm cho chúng ta thêm giàu có không?

Đấng tạo hóa nói:

- "Có, sự thoả mãn".

(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")

Suy tư:

Con người ta thường có túi tham không đáy.

Bạn thử lấy cái thùng không đáy mà đi gánh nước xem sao? Gánh cả ngày cũng không được một... lon sữa bò, chứ đừng nói là một thùng lớn.

Lòng tham không đáy tức là không bao giờ thoả mãn với những gì mình có: có tiền muốn có thêm, có xe rồi đòi mua xe model hơn, có ti vi đòi mua video, có vi tính đòi "chơi" mạng lưới internet hiện đại hơn, có vợ rồi lại đòi thêm vợ nữa.v.v...

Vậy mà Đấng tạo hóa lại nói thoả mãn là làm thêm sự giàu có, thật rắc rối ?

Nhưng lời Ngài nói đếu là sự thật, nếu chúng ta thoả mãn với những gì mình có, rồi vui thú hưởng thụ những gì mình đang có với tất cả vui vẻ và tạ ơn, mà không mơ ước được như người này người nọ, không ghen tương hậm hực với người khác, không phải là ta đã giàu có sao?

Thỏa mãn chính là vui vẻ chấp nhận những gì mình đang có, đó chính là sự giàu có rất dễ dàng tìm kiếm trong cuộc sống của chúng ta.

Về mục lục

53. XÂY MỘT BỨC TƯỢNG ĐIÊU KHẮC

Để nhớ thương ân đức của Đấng tạo hóa, mọi người quyết định xây một bức tượng của Ngài.

Phe loài chim kiến nghị xây trên dãy núi cao, chúng nó nói: "Như thế mới có thể hiện rõ sự cao cả và vĩ đại của Đấng tạo hóa".

Phe loài thú lại có ý kiến giằng co ngược lại, chúng nó nói: "Nên xây ở bên bờ biển, mới có thể biểu hiện ra sự rộng lớn và từ ái của Đấng tạo hóa".

Hai phe không bên nào nhượng bộ, cuối cùng, chúng nó quyết định hỏi chính Đấng tạo hóa, hy vọng đem tượng xây ở chỗ nào.

- "Thì xây ở trong lòng các ngươi"- Đấng tạo hóa nói tiếp: "Nếu trong lòng các ngươi thật có Ta, từng giờ từng phút ghi nhớ lời Ta, thông cảm bao dung cho nhau, yêu người khác như yêu chính mình, thì đó là cách tốt nhất để kỷ niệm và cám ơn Ta vậy".

(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")

Suy tư:

Trong thành phố, các tượng đài liệt sĩ được dựng lên ở các nơi công cộng, để tưởng nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ, đây là chuyện thường tình mà các dân tộc trên thế giới thường hay làm, nhưng trên thế giới lại có những hạng người thích bắt n gười khác ghi công của mình:

- Có những người có tiền của thì thích dâng cúng cho nhà thờ để làm công đức, nhưng chẳng bao giờ thấy họ đến nhà thờ tham dự thánh lễ.

- Có người nhiều tiền hơn, xây nhà dựng cửa cho người nghèo ở, gọi là thương yêu anh em đồng loại, nhưng đòi họ -những người nghèo- phải tuân theo những ý muốn của mình như là mafia vậy.

Phải nói là nhà thờ công giáo đa số cao to đẹp đẽ, hùng tráng và có tính nghệ thuật, cũng đúng thôi, vì là nơi thờ phượng Thiên Chúa cho nên phải làm cho xứng đáng, nhưng thử hỏi, có bao nhiêu tâm hồn tráng lệ để dâng hiến cho Thiên Chúa?

Có linh mục đi đến họ đạo nào là đập bỏ nhà thờ cũ (hay ít nữa là sửa lại) để xây lại theo ý của mình, rồi khánh thành rầm rộ, nơi cổng nhà thờ (hoặc nơi bậc cung thánh) khắc tấm bảng đồng thật nổi: "Nhà thờ đựơc khánh thành ngày... ... do LM Giuse Thạch Văn W... khởi công xây dựng", cũng oai danh lắm chứ. Nhưng trong họ đạo có bao nhiêu "con chiên" thiếu ăn, có bao nhiêu "bê" con thất học cần cha sở và họ đạo giúp đỡ một phần, có bao nhiêu cô gái bán thân nuôi mình và nuôi gia đình, họ đang cần sự an ủi hỏi thăm của cha sở và giáo xứ giúp họ làm nghề lương thiện, có bao nhiêu "nghé" con đang lang thang bụi đời, không đến nhà thờ học giáo lý.v.v... mà cha sở và họ đạo có lưu tâm chăng?

Đừng chú trọng đến việc xây nhà thờ bằng gỗ đá, nhưng nên tập trung xây nhà thờ trong tâm hồn các tín hữu. Nhà thờ thật cao to, tráng lệ, mà tâm hồn các tín hữu của mình thì cô đơn, xa Chúa xa Mẹ, sống xa hoa truỵ lạc, không yêu thương, không bác ái, thì nhà thờ cao to đẹp đẽ để làm chi ?

Thiên Chúa không thích như thế, Ngài thích các mục tử của Ngài chú trọng xây đắp bồi dưỡng các đền thờ sống động là các tín hữu; Ngài cũng muốn những con người hảo tâm nên xây dựng đền thờ của Ngài ở trong tâm hồn của mình, nghĩa là thực hành lời Chúa, sống yêu thương đồng loại, siêng năng tham dự thánh lễ, các bí tích v.v...

Đó chính là xây "tượng Chúa" ở trong lòng mình vậy!

Về mục lục

54. CÁNH CỦA CON GÀ

Con lừa hỏi con gà:

- "Cũng có cánh tại sao đại bàng biết bay, mà anh thì chỉ có kiếm ăn trên mặt đất?"

Con gà lớn tiếng kinh ngạc:

- "Cái gì, tôi có cánh à?"

Con lừa cũng lớn tiếng kinh ngạc:

- "Hả, anh không có cánh sao?"

Con gà hoảng sợ giật mình khiếp vía:

- "Trời ạ, cái này là cánh của tôi sao ? Tôi còn cho rằng mẹ tôi cho tôi để làm áo gió chứ!"

(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")

Suy tư:

Bổn phận của các nhà giáo dục là không những truyền đạt kiến thức cho học trò, mà còn có bổn phận khơi dậy các khả năng có nơi học trò mà chính chúng nó cũng không biết, bằng không, nhân tài của đất nước sẽ dần dần mai một.

Một cộng đoàn trưởng thành là một cộng đoàn biết khơi dậy cái tôi của cá nhân, có nghĩa là biết làm cho mỗi cá nhân phát huy đựơc khả năng của mình để xây dựng cộng đoàn.

Nếu chúng ta là người lãnh đạo cộng đoàn lớn hay nhỏ, thì nên thúc đẩy các thành viên trong cộng đoàn phát huy các năng khiếu của họ, để cộng đoàn có thể phát triển và trưởng thành.

Chúa Giê-su đã làm như thế khi chọn các tông đồ, hãy nhìn các tông đồ xem sao, từng người với những năng khiếu riêng tư, đã được Chúa Giê-su chọn lựa, khuyến khích và đặt họ vào đúng công việc và khả năng của mỗi người, và thế là Giáo Hội của Chúa Giê-su ở trần gian phát triển mãi không ngừng cho đến ngày tận thế...

Về mục lục

55. QUÁ TRÌNH TÂM LÝ CỦA CHUỘT NHÀ KHI ĂN CẮP DẦU

Chuột nhà lần thứ nhất ăn cắp dầu, trong lòng đầy dẫy tội lỗi bất an, nó sám hối rằng: "Hồi nhỏ, mẹ dạy tôi làm người phải thanh thanh bạch bạch, tại sao tôi lại làm việc này để "kị" với người như thế này chứ ? Thật đáng chết cho rồi".

Lần thứ hai ăn cắp dầu, nó an ủi mình: "Tôi chỉ làm "sai" chút ít, vả lại kẻ khác cũng có lấy, tôi không lấy thì không uổng công cầm".

Lần thứ ba ăn cắp dầu, nó biện giải, nói dỏng dạc như có lý lắm: "Tôi thật không muốn ăn cắp, chính cái mùi thơm của dầu đã dụ dỗ tôi, sai trái không phải ở nơi tôi".

Sau lần thứ tư, kiến giải của nó là: "Xã hội này qúa không công bằng, chính là cần phải có người như tôi vậy, để nguồn của cải của xã hội cân bằng một chút..."

Từ đó về sau, chuột nhà không những trân tráo mà còn đàng hoàng ăn trộm.

Đây chính là quá trình tâm lý của chuột nhà khi ăn trộm dầu.

(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")

Suy tư:

Lương tâm thì chỉ có một, nhưng có lương tâm rộng, lương tâm hẹp, lương tâm bối rối...

Lương tâm rộng thì phán đoán dễ dãi dễ bị ma quỷ lợi dụng, và có khi phạm tội trọng mà vẫn cứ an tâm.

Lương tâm hẹp thì cái gì cũng cho là tội, có khi vì sợ tội (thực ra không phải tội) mà không dám làm việc bác ái.

Ma quỷ thích lợi dụng những người có lương tâm rộng để cám dỗ, và thường là có hiệu quả cao. Khi ta phạm tội, thì nó đưa ra nhiều lý do để nói là không có tội, mà nếu có thì cũng không đáng lắm, và cứ thế, cho đến khi chúng ta đắm mình trong tội mà không biết, "chiêu bài" mà ma quỷ hay sử dụng nhất là: Chúa nhân từ lắm. Ngài không phạt đâu, để tuần sau đi xưng tội... ...

Các tu sĩ có lương tâm rộng thì thường biện minh cho công việc của mình khi sai lỗi (hoặc đã lỗi) lời khấn: người ta ai cũng uống rượu mà mình không uống thì lập dị, người ta cười (sợ cười, sợ lập dị so với tội trọng thì cái nào đáng sợ hơn?), hoặc là: mình sống với người ta thì phải như người ta v.v...

Con chuột đã có "lương tâm rộng", nên dù đã có bốn lần phạm tội, mà nó vẫn có lời biện minh cho hành động phạm tội của mình, rốt cuộc nó trân tráo phạm tội mà không còn bị lương tâm lên án nữa.

Đường xuống hỏa ngục thì rộng thênh thang nên có nhiều người đi, nhưng đường lên thiên đàng thì chật hẹp nên ít người đi...

Về mục lục

56. CON DƠI KHÔNG BIẾT BƠI LỘI

Con dơi phê phán đại chúng hành động chậm chạp, phản ứng vụng về, nó cũng châm biếm chú thỏ mặc dù chạy nhảy được nhanh, nhưng không hiểu cái gì là đo bằng sóng âm thanh và luồng không khí; nó kinh ngạc về sự mù tịt của con rùa đối với tri thức về thiên văn; nó càng không thể chịu đựng con gà trống có cánh mà lại ngay cả bay như thế nào cũng không biết. Nó lớn tiếng la lên:

- "Trời ạ! Tôi không chịu nỗi những người vô tri này".

Một hôm, con dơi không cẩn thận và bị rơi xuống hồ nước và chết đuối.

Mặc dù nó hiểu biết thiên văn địa lý, nhưng đối với kỷ xảo bơi lội thì lại dốt đặc cán mai.

(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")

Suy tư:

Ông bác sĩ giỏi nhất thành phố về quê chơi, nhưng cũng chẳng biết làm sao mà bắt con cá lóc đang ở trong cái nơm dưới nước cho bằng bác nhà quê.

Các ông kỷ sư xây dựng biết bao nhiêu là công trình nổi tiếng, nhưng cũng chẳng làm sao đở đẻ cho con trâu được như chú bé chăn trâu.

Thế mới biết con người chúng ta không ai là thập toàn cả, anh giỏi thiên văn thì kẻ khác giỏi địa lý, chị hát hay thì có người khác đàn giỏi v.v...

Vậy thì chúng ta lấy cớ gì mà nói: "Trời ạ! Tôi không chịu nỗi những người vô tri này" chứ ?

Thiên Chúa ban cho mỗi người một khả năng và tri thức không giống nhau, là để chúng ta làm đẹp vũ trụ này như ý muốn của Thiên Chúa; khả năng không giống nhau là để chúng ta bổ túc cho nhau, giúp đỡ lẫn nhau, chứ không phải để chê người này người nọ.

Cái đáng chê là chê sự thoả mãn, kiêu ngạo và lười biếng của chúng ta.

Về mục lục

57. HỎI TRỜI

Hoa sen hỏi Chúa tạo vật:

- "Ngài coi, hơi thở của con có mùi thơm tự nhiên mặt mày đẹp đẽ cao thượng, ngọc cốt băng thanh, không quá cho phép chơi bời suồng sả, lại còn thực dụng. Lẽ nào con không xứng đáng đứng đầu muôn hoa độc nhất vô nhị giữa trời đất sao?

Đấng tạo hóa đáp lời:

- "Đứng đầu cũng là đứng cuối, quá lớn cũng là quá nhỏ".

Sen bác bỏ không chịu:

- "Vậy thì Ngài không phải là Đấng chí cao vô thượng à! Sao Ngài lại nói như thế?"

- "Cho nên"- Đấng tạo hóa nói: "Ta PHỤC VỤ và LO LIỆU cho chúng nhân".

(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")

Suy tư:

Từ khi nguyên tổ chúng ta phạm tội, thì con người trở nên kiêu ngạo, ai cũng muốn đứng trên đầu trên cổ của người khác.

Các quốc gia giàu có thì muốn thống trị các nước khác.

Người có tiền bạc ức triệu thì mua danh vọng, chức quyền để được làm ông này bà nọ.

Có người thích làm bề trên trong cộng đoàn dù trình độ chẳng đến đâu, võ vẽ vài chữ cũng muốn làm "anh hai" của cộng đoàn.

Chúa Ki-tô đến trần gian không phải để phục vụ đó sao? - "Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em" (Ga 13, 14-15).

Muốn làm lớn thì phải làm nhỏ, có nghĩa là phải phục vụ anh em trước.

Chúa Ki-tô vừa phục vụ vừa lo liệu cho chúng ta.

Ngài là Thiên Chúa nên Ngài LO LIỆU.

Ngài là con người nên Ngài PHỤC VỤ.

Chúng ta -người Ki-tô hữu- là con người nên chúng ta phục vụ tha nhân, phục vụ anh em, nhưng phục vụ cách chu toàn, phục vụ trong yêu thương, phục vụ trong lo liệu phó thác cho Thiên Chúa.

Về mục lục

58. VÒNG ĐEO TAY CỦA BÀ GẤU

Bà gấu mua một cái vòng đeo tay bằng ngọc biếc, rất là quý và nổi tiếng là hiếm có.

Bắt đầu từ hôm ấy, bà gấu không những thận trọng từng li từng tí khi đi bộ, mà còn cẩn thận khi làm việc. Thậm chí, buổi tối lúc cùng chồng thắm thiết cũng căng thẳng vạn phần, mỗi giờ mỗi khắc bà luôn giữ gìn cái vòng đeo tay bằng ngọc biếc của bà, chỉ sợ một chút vô ý sẽ làm vỡ nó.

Một hôm, bà ngắm nhìn cái vòng đeo tay ngọc biếc của mình, thích chí quá bèn khoe với Đấng tạo hóa:

- "Ngài coi cái vòng đeo tay bằng ngọc biếc của con có đẹp không?"

Đấng tạo hóa cười:

- "Ta chỉ nhìn thấy cái CÒNG tay ngọc biếc của con mà thôi".

(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")

Suy tư:

Của cải ngươi ở đâu thì lòng dạ ngươi ở đó.

Sắm được chiếc xe đời mới cũng không yên tâm vì đi đâu cũng sợ mất, đến chỗ gởi xe cũng chẳng dám gởi vì sợ tróc nước sơn, va quẹt...

Khi gia đình chưa khá giả, thì đi đâu cũng được, chẳng buồn nghĩ đến chuyện về sớm về muộn; nhưng khi giàu có lên thì tối ngủ cũng không yên, sợ trộm vào lấy xe, sợ kẻ cướp vào giết người cướp của...

Khi đã yêu rồi, thì đi đâu, làm gì cũng nghĩ đến người yêu, trong giấc ngủ cũng mơ thấy người yêu, đúng là của cải ngươi ở đâu thì lòng dạ ngươi ở đó.

Các bạn đừng cười, người yêu, vợ con cũng là của cải vật chất đấy nhé.

Hồi tôi còn học ở đại học, lúc học môn "Quản trị kinh doanh", giáo sư đã giảng về quản lý vật chất trong doanh nghiệp, ông nói: "Người yêu, vợ con cũng là một dạng của cải trong doanh nghiệp tình yêu của các anh chị...", cả lớp cười ầm lên, nhưng ngẫm nghĩ cũng đúng vậy.

Lời Chúa là của cải của chúng ta.

Bí tích Thánh Thể là của cải của chúng ta.

Cầu nguyện là của cải của chúng ta.

Chuỗi Mân Côi là của cải của chúng ta.

Chúng ta có mỗi giờ mỗi khắc nhớ đến và nâng niu giữ gìn không?

Về mục lục

59. TIẾC, KHÔNG TIẾC VỨT ĐI CÁI TÂM

Uất kim hương hỏi Đấng tạo hóa:

- "Có phương pháp gì để bỏ đi buồn phiền lo nghĩ và tạp niệm trong lòng của chúng ta không?"

Đấng tạo hóa trả lời cách đơn giản:

- "Vứt bỏ cái tâm đi".

Uất kim hương giật mình.

- "Như vậy thì không còn tâm hồn nữa hay sao?"

Đấng tạo hóa cười:

- "Thì còn nó đâu để mà buồn phiền lo nghĩ và tạp niệm chứ!"

(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")

Suy tư:

Đem cái tâm mà vứt đi thì con người chẳng khác gì người điên sống dở chết dở; đem cái tâm mà vứt đi thì con người sẽ trở thành con vật, và tội nghiệp hơn cả con vật; đem cái tâm vứt đi khi chúng ta vẫn còn biết suy tư, biết chọn lựa, thì quả là chuyện không đơn giản...

Đem cái tâm vứt bỏ đi khi chúng ta không bị điên thì quả là không phải chuyện dễ. Cuộc sống đầy lo âu, tiền ăn tiền mặc, tiền học phí cho con cái, tiền bảo hiểm, bị thất nghiệp, lo mất việc, sợ bị bệnh.v.v... làm sao mà không lo được chứ ?

Nhưng Chúa Giê-su đã dạy chúng ta: "Hãy coi chim trời, chúng nó không gieo không gặt, mà cũng không chết đói, hoa huệ ngoài đồng, không dệt không thêu, mà áo cẩm bào của vua Sa-lô-mon cũng không đẹp bằng... (Mt 6, 25- 34), có nghĩa là: hãy phó thác mọi sự cho Thiên Chúa.

Người Ki-tô hữu biết phó thác cho Thiên Chúa, tức là họ "biết" đem cái tâm mà vứt đi vậy, vứt vào tay yêu thương và quan phòng của Ngài, thì có gì mà tiếc chứ ?

Về mục lục

60. CON CÒ DIỆC TRẮNG TỰ THẮT NÚT

Con cò diệc trắng bị bệnh, cơm nước chẳng màng nghĩ tới, hơi thở yếu ớt suy nhược, không ngớt than vãn:

- "Khổ quá, quá khổ, có ai đến cứu giúp tôi với".

Cú mèo nói với Đấng tạo hóa cứu giúp, Ngài kiểm tra một hồi, rồi thở dài nói:

- "Nó không có bệnh tật gì cả, chỉ là đem cái tâm của mình buộc chặt mà thôi".

Cú mèo nói:

- "Như vậy thì mau giúp nó nới lỏng ra ạ!"

Đấng tạo hóa nói:

- "Chính nó tự thắt mình đấy, nó không tự giải tháo, thì người khác giúp đựơc cái gì chứ ?"

(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")

Suy tư:

Con người ta khi làm một chuyện gì trái với lương tâm, thì thường bị mặc cảm giày vò, hoặc vì cảm thấy mình thua thiệt với chúng bạn nhiều quá mà sinh ra mặc cảm, luôn thu mình trong cái vỏ mặc cảm thua thiệt- như con ốc thu mình trong cái vỏ cứng- và mặc cảm này càng ngày càng lớn không thể thu hẹp trong tâm hồn đựơc nữa, nên khi có cơ hội là bùng nổ ghê gớm (như hận đời, chán đời, và có thể đi đến giết người hay tự tử...)

Tự mình giam mình trong cái vỏ mặc cảm thì cũng giống như tự mình ngồi tù, giam mình trong bốn bức tường của mặc cảm, rồi yếm thế, chán đời, mất luôn nguồn sinh khí của tuổi trẻ, chẳng khác gì để phí tuổi thanh xuân trong nhà tù.

Không một bác sĩ nào có thể chữa lành cho chúng ta cái bệnh mặc cảm, các bác sĩ chuyên về khoa tâm lý trị liệu, cũng chỉ đưa ra phương pháp để giúp chúng ta mà thôi, còn trị liệu là do chúng ta tự chữa lấy.

Nếu chúng ta không tự mình chữa cho mình, thì không ai có thể giúp được chúng ta.

Về mục lục

Lm. Giuse Maria Nguyễn Nhân Tài, csjb.

Sưu Tập tại http://gxnamlo.org

4005    17-04-2012 21:40:11