Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Những Câu Chuyện Suy Ngẫm Phần 9

Câu Chuyện từ  1 - 10
Câu Chuyện từ 11 - 20
Câu Chuyện từ 21 - 30
Câu Chuyện từ 31 - 40
Câu Chuyện từ 41 - 50
Câu Chuyện từ 51 - 60
Câu Chuyện từ 61 - 70
Câu Chuyện từ 71 - 80
Câu Chuyện từ 81 - 90
Câu Chuyện từ 91 - 100
Câu Chuyện từ 101 - 110

81. SỰ SỐNG CỦA CÂY CỎ NHỎ

Mùa xuân này, cỏ nhỏ mọc đầy cả một đồng bằng rộng lớn, một vùng phơi phới đi lên.

Thần vận mệnh ngạc nhiên nói:

- "Tụi bây không phải đã chết hết rồi hay sao?"

Cỏ nhỏ trả lời:

- "Ông bóp nghẹt được sinh mệnh, nhưng không bóp nghẹt được sức sống".

(Trích: Truyện đồng thoại dành cho người lớn)

Suy tư:

Ba trăm năm đạo Chúa bị bách hại ở Rô-ma, tưởng chừng như... tuyệt chủng, thế nhưng trong âm thầm nó vẫn lớn mạnh, đến khi được tự do giữ đạo, thì đã trở thành cây cổ thụ lớn.

Giáo Hội Việt Nam cũng đã điêu đứng dưới thời các vua chúa, các quan quyền ngoại đạo đã hớn hở vui mừng, vì đã tiêu diệt được đạo "Gia-tô", nhưng khi cơn bách hại qua đi, thì hạt giống đức tin đã tràn lan khắp nước...

Thế gian có thể cướp mất mạng sống của chúng ta, nhưng sức sống thì thế gian ma quỷ không làm gì được, càng giết thì càng sống, càng cấm càng bành trướng, bởi chính Thiên Chúa là nguồn sống, mà có loại thụ tạo nào có thể giết được Thiên Chúa chứ là Đấng tạo dựng nên mình chứ ?

Không ai có thể giết được Thiên Chúa, nhưng thế gian ma quỷ có thể giết Thiên Chúa trong tâm hồn của chúng ta, nghĩa là chúng nó dùng những cám dỗ đam mê xác thịt, tiền tài danh vọng chức quyền và những hưởng thụ...

Về mục lục

82. CÂY CỎ NHỎ KHÔNG ĐẦU HÀNG

Thần của vận mệnh vội vàng muốn đoạt đi sinh mệnh của cây cỏ nhỏ.

Ông ta dùng ánh mặt trời gay gắt đốt cháy, dùng mưa rào làm ngập lụt, dùng gió tuyết ức hiếp, cuối cùng cây cỏ nhỏ bị che mất hơi thở.

Thần vận mệnh cười độc ác:

- "Cuối cùng mày cũng phải đầu hàng".

Cây cỏ nhỏ lấy hơi thở cuối cùng nói:

- "Sự sống cho ông, sự cao quý thì giữ lại".

(Trích: Truyện đồng thoại dành cho người lớn)

Suy tư:

Trước gươm đao, các vị tử đạo không biết đầu hàng, thà chết chứ không bỏ đạo, chối Chúa.

Bảy anh em và bà mẹ thời Cựu ước đã thà chịu chết chứ không lỗi lề luật của cha ông (2 Mcb 7, 1-41).

Đọc hạnh các thánh, càng đọc càng thấy các ngài thật anh hùng, và ước gì mình cũng được tử đạo như các ngài...

Nhưng có thứ tử đạo nhẹ nhàng mà hiệu quả không kém, đó là tử đạo cho "cái tôi" của mình, nghĩa là từ bỏ cái ý riêng của mình để bắt nó đi theo hướng khác, hướng về Nước Trời. Cách tử đạo này không đổ máu, không có lý hình roi vọt, nhưng khó mà vượt qua nổi, nếu chúng ta không biết trang bị cho mình bằng thứ vũ khí: Cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện.

Chỉ có cầu nguyện mới làm cho những hy sinh hãm mình và đau khổ của chúng ta đơm bông kết trái thêm nhiều mà thôi.

Về mục lục

83. NGỖNG TRỜI KIÊU NGẠO

Ngỗng trời từ lúc du học trở về nước, càng ngày càng cảm thấy cha mẹ là đạo đức giả khó mà thông cảm, những lời nhạt nhẽo của bạn bè, của xã hội là lỗi thời. Quả thật, nó không thể chịu đựng nổi và không ngừng chỉ trích trách móc:

- "Trời ạ, thế giới này sao lại trở thành ngu đần, vô tri như thế chứ ?"

- "Bé con, sửa đổi lại không phải là thế giới này, mà chính là nhà ngươi đó". Đấng tạo hóa nhẹ lời nói tiếp: "Nếu tri thức để cho người kiêu ngạo, thì tri thức sẽ làm cho người ấy té nhào. Nếu học vị để cho người ham hư vinh, thì học vị giống như một bức tường vậy, đem người ta đóng kín ở bên trong..."

(Trích: Truyện đồng thoại dành cho người lớn)

Suy tư:

Có người được may mắn đi học nước ngoài, vinh vang tự đắc coi bạn bè không ra gì.

Có người ra nước ngoài học được vài chữ, thì khoe khoang khắp cùng bờ cõi trái đất: "Tôi học ở một ngôi trường nổi tiếng, ở đây giáo sư dạy giỏi...", nhưng thực chất họ học hành chẳng ra cái giống gì cả.

Các bạn trẻ thường có tính sính ngoại, đồng ý là các nước ấy văn minh, tiến bộ, nhưng ta nên học những cái hay của họ để áp dụng cho mình, cho cộng đoàn và cho tổ quốc.

Có người mới học được vài chữ, nói nôm na bình dân theo kiểu Việt Nam mình là "chữ nghĩa không đầy lá mít", mà đã chê bai sách nầy viết chẳng ra gì, sách kia viết chẳng ra hồn, chê luôn cả những tác phẩm giá trị về văn học, tôn giáo và khoa học.

Tôi nghiệm thấy rằng, họ chê vì họ không đủ trình độ để hiểu, đọc mà chẳng hiểu gì, đọc như trẻ em tiểu học đọc sách đại học, đọc được mặt chữ, còn ý nghĩa thì như người mù sờ voi.

Lúc nào đọc mà không hiểu gì cả, thì nên khiêm tốn nói: tôi không hiểu gì cả, có lẽ phải học thêm, thì đã tiến bộ rồi vậy.

- Khiêm tốn mà học hỏi thì như than hồng âm ĩ cháy mãi không thôi.

- Học hỏi trong khiêm tốn, thì như mặt trời từ từ ló dạng ở phương đông, cho đến lúc toả sáng, đem lại ánh quang cho mọi người.

Chúa Giê-su đã nói Nước Trời không mạc khải cho những kẻ thông thái khôn ngoan đó sao ?

Đố các bạn biết tại sao?

Đơn giản là: tâm hồn của họ đã chứa đầy mọi thứ thông thái khôn ngoan của thế gian rồi, còn chỗ đâu nữa để chứa những sự vĩ đại của Nước Trời chứ!

Về mục lục

84. ẨN TRỐN

Cú mèo, vì để tìm tòi bản chất của sinh mệnh và các định vị trong vũ trụ, bèn quyết định đóng cửa một năm, nó triệu tập hội nghị ký giả và chiêu đãi đặc biết, rồi nói rõ lý do bế quan [của mình], và yêu cầu mọi người không nên quấy rầy tâm trạng của nó.

Không hẹn mà gặp, cò trắng cũng đúng lúc, vì để điều chỉnh quan hệ với Đấng tạo hóa và theo đuổi sự yên lặng cho tâm hồn, nên nghĩ rằng cần phải lui đến một nơi tu viện thật thanh vắng để tĩnh tâm. Trước khi đi, nó kính nhờ mỗi một bạn hữu dù quen hay không quen cầu nguyện cho nó: "Lần này tôi phải nhịn ăn bảy ngày, nhất định các anh phải cầu xin cho tôi".

Con thỏ không hiểu nói:

- "Kỳ cục, có phải chúng nó ẩn trốn không, làm cái gì mà chúng nó náo loạn cả lên, thiên hạ đều biết thế!"

(Trích: Truyện đồng thoại dành cho người lớn)

Suy tư:

Có người khi ăn chay thì la toáng lên: "Tôi đang ăn chay", có người khi làm được việc gì cho anh chị em thì "khiêm tốn" kể cách vô tư cho người khác nghe.

Ăn chay không phải là ăn ít đi, nhưng là ăn những cái mà ngày thường mình không thích, đó chính là hy sinh.

Có những người đến ngày ăn chay thì không đi làm việc, vì đang ăn chay sợ đói đi làm không nổi; có người thích kể cho người khác nghe chuyện ăn chay của mình, tiên tri Giô-na đã nói: "Hãy xé lòng, đừng xé áo".

Nhưng có người đâu có lòng nữa mà xé, vì mọi thứ họ có thì họ đều để cả bên ngoài bộ mặt rồi. Như vậy có phải là họ không có tấm lòng không ?

Về mục lục

85. ĐỐI THOẠI VỚI BÙN [3]

Có người hỏi bùn:

- "Anh không cảm thấy mình dơ bẩn hay sao?"

Bùn nói:

- "Nếu trong lòng anh sạch sẽ, thì sẽ nhìn thấy sự sạch sẽ của tôi; nếu trong lòng anh không sạch sẽ, thì trời đất vạn vật sẽ không gì là không dơ bẩn với anh".

(Trích: Truyện đồng thoại dành cho người lớn)

Suy tư:

Các thánh nhân đi đến đâu đều mang quà tặng đến đó phân phát cho mọi người.

Quà đây chẳng phải là tiền bạc, quà cáp, danh vọng mà là niềm vui, niềm hạnh phúc. Tại sao vậy, bởi vì các ngài nhìn mọi việc, mọi người bằng con mắt của Thiên Chúa, nghĩa là đối với các ngài, ai cũng là đẹp, ai cũng đáng yêu, dù họ là hạng người nào đi chăng nữa, vì chính họ là hình ảnh của Thiên Chúa.

Các ngài không lấy "bụng ta đo bụng người", nhưng các ngài đã lấy tình yêu của Chúa Ki-tô mà nhìn mọi việc. Xấu thì làm cho tốt, tốt thì càng làm cho tốt hơn, tốt hơn thì trở nên như các ngài là những sứ giả của Thiên Chúa, là môn đệ của Đức Ki-tô.

Đừng so sánh mình với ai, cũng đừng lấy ai để so sánh với mình, nhưng chỉ nhìn vào Đức Ki-tô và các thánh để so sánh, coi mình đã được như các ngài hay chưa, bởi vì các ngài là những hoa quả rất tốt đẹp của Ngài vậy.

Về mục lục

86. ĐỐI THOẠI VỚI BÙN [4]

Có người hỏi bùn:

- "Anh dốc lòng với đất, im hơi lặng tiếng, bị người giày xéo, áo ngoài lại không màu sắc, anh không cảm thấy buồn phiền chút nào cả sao?"

Bùn nói:

- "Khôn ngoan chân chính là (che giấu) ở bên trong, tài hoa chân chính là ở chổ trầm mặc; tôi để cỏ hoa cây cối sinh trưởng tràn trề, chất dinh dưỡng cung ứng cho chúng nó không thiếu, sinh mệnh của tôi thì vô cùng, sức mạnh còn chưa lộ ra rõ ràng đó sao?

(Trích: Truyện đồng thoại dành cho người lớn)

Suy tư:

Bố mẹ thường lo âu khi thấy con cái tài hoa phát tiết hết cả ra ngoài, đó là quan niệm của dị đoan: "Đa tài bạc mệnh, hồng nhan đa truân".

Con nít mà ăn nói hơi chút rõ ràng, nhanh nhẹn, thì nói là con nít ranh, lém...

Thanh thiếu niên mà ăn nói chững chạc, có chút hiểu biết, thì cũng nói: thằng lõi đời.

Sự khôn ngoan của vua Sa-lô-mon thì chẳng có ai thấy, chỉ đọc trong thánh kinh một vài câu chuyện. Khôn ngoan của người đời là để làm lợi cho mình, tìm danh vọng địa vị, tiền tài, do đó mà nó chóng qua mau tàn.

Khôn ngoan đích thực của chúng ta là thập giá của Đức Ki-tô.

Khôn ngoan không bộc lộ ra bên ngoài, đi đâu cũng ngẩng cái mặt lên: ta là khôn ngoan, là cái rốn của tụi bây.

Khôn ngoan không phải là nói những lời cao siêu không ai hiểu, mà chính là những lời mộc mạc, phát xuất từ sự yêu mến lời Thiên Chúa, thấm nhuần lời của Thiên Chúa.

Bởi vì sự khôn ngoan của Thiên Chúa thì khác với sự khôn ngoan của loài người.

Về mục lục

87. NHÀ VUA VÀ VỊ TĂNG KHỔ HẠNH

Nhà vua trông thấy một vị tăng Hồi giáo khổ hạnh, bèn theo phong tục đông phương mà hỏi:

- "Ông yêu cầu ân huệ gì ?"

Vị tăng khổ hạnh trả lời:

- "Tôi xin một ân huệ nơi nô lệ của tôi thì thật là không thích hợp."

Thị về quở trách nói:

- "Thật là to gan, ngươi dám khinh mạn nhà vua như thế à ?"

Vị tăng khổ hạnh nói:

- "Ta có một nô lệ, đó là chủ nhân nhà vua của ngươi."

- "Có chuyện đó à, ai vậy ?"

- "Sự sợ hãi."

(Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Làm tổng thống, làm chủ tịch nước hoặc làm vua thì không còn sợ ai cả, bởi vì tất cả mọi quyền hành đều ở trong tay họ, nhưng có một chủ nhân mà tất cả mọi người đều phải toát mồ hôi sợ hãi, đó là sự sợ hãi của con người.

Làm người thì ai cũng có một sự sợ hãi: tổng thống thì sợ đảo chánh, chủ tịch nước thì sợ dân làm loạn, nhà vua thì sợ ám sát, người nghèo thì sợ đói, công nhân thì sợ mất việc.v.v...địa vị càng cao thì nổi sợ hãi càng lớn, nhưng nổi sợ hãi này rồi cũng hết khi tai qua nạn khỏi.

Có một chủ nhân mà tất cả mọi loại đều phải sợ hãi, đó là sự công bằng của Thiên Chúa.

Sự công bằng của Thiên Chúa làm cho người hiền đức vui mừng và người lương thiện được vui vẻ, nhưng nó lại làm cho kẻ ác đức, gian manh với anh chị em đồng loại phải sợ hãi tột cùng, bởi vì sự công bằng của Thiên Chúa nhận chìm kẻ gian ác xuống trong địa ngục đời đời kiếp kiếp, cho nên đó là nổi sợ hãi khủng khiếp nhất của ma quỷ và những kẻ tàn ác bất lương.

Kẻ lành thánh thì không sợ hãi, bởi vì chính Chúa là nơi nương náu của họ

Về mục lục

88. THÁNH NHÂN VÀ CON CHÓ

Có một ẩn sĩ thường nhập thần quá trớn, nên những người ở địa phương ấy đều coi ông ta là người thất thường.

Một hôm, vị ẫn sĩ đi khất thực được vài thức ăn, bèn ngồi ngay bên vệ đường mà ăn, một con chó chạy lại vẻ mặt đói đang nhìn ông ta, thế là người ăn một miếng chó ăn một miếng, giống như đôi bạn đang ăn cao lương mỹ vị vậy.

Những người thích náo nhiệt ồn ào vây lại coi càng lúc càng đông, có một người mở miệng cười nhạo:

- "Người này bị thần kinh không phân biệt được người và chó."

Vị ẩn sĩ lên tiếng trả lời:

- ¬"Ngài cười cái gì ? Ngài không nhìn thấy thần hộ trì (thần giáng phàm của tôn giáo Ấn Độ được đặt đối diện nhau trong chùa) và thần che chở ngồi đối diện nhau sao ? Một thần hộ trì được nuôi dưỡng, lại một thần che chở nuôi dưỡng. Chuyện đó thì có gì đáng cười chứ ? Thần hộ trì ạ !"

(Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Con người ta thường hay nhìn bên ngoài để phán đoán bên trong của người khác, cho nên họ thường trở thành quan tòa bất công lên án tha nhân và anh em chị em mình.

Vị ẩn sĩ chia sẻ phần cơm của mình với con chó đói mà lòng hân hoan như đang dùng bữa thịnh soạn với người bạn thân vậy, đó là tấm lòng nhân ái và nhìn thấy Đấng tạo hóa trong vũ trụ. Khác với những người có tiền có quyền trong xã hội ngày nay, họ bố thí giúp người mà coi người như con vật không đáng bố thí; họ giúp người những không phải nhìn thấy Đấng tạo hóa nơi tha nhân, nhưng nhìn thấy mình quá vĩ đại nơi họ.

Người kiêu ngạo và bất lương khi bô thí giúp người thì nhìn người như con vật, nhưng các thánh và người hiền đức khi cho chó ăn thì cũng nhìn thấy tình thương của Chúa trong mọi sự.

Về mục lục

89. CẢNH SÁT VÀ VỊ KINH SƯ

Có vị kinh sư người Do Thái trú ngụ tại một thôn trang nhỏ trên thảo nguyên lớn ở nước Nga, hai mươi năm nay, ngày nào cũng như ngày nào, từ sáng sớm ông ta vượt ra ngoài thảo nguyên lớn đi đến hội đường để cầu nguyện; mà hành động mỗi sáng mai như thế đều có một viên cảnh sát theo dõi, người này rất ghét người Do Thái.

Cuối cùng một buổi sáng nọ, viên cảnh sát này đi đến trước mặt vị kinh sư và ra lệnh cho ông ta nói ông ta đi đâu.

Vị kinh sư nói: "Tôi không biết."

- "Không biết, câu nói này có ý nghĩa gì ? Hai mươi năm qua tôi thấy ông vượt qua thảo nguyên này đi qua giáo đường bên ấy để cầu nguyện, vậy mà ông nói với tôi là ông không biết ?! Tôi sẽ cho ông biết thế nào là lễ độ mới phải."

Đang nói giữa chừng thì viên cảnh sát vươn tay nắm chòm râu của vị kinh sư già, đem ông ta bỏ vào tù, khi viên cảnh sát lấy ổ khóa để khóa lại thì vị kinh sư già chớp mắt nói:

- "Này ông bạn, trước đây tôi nói không biết, là nói đúng đó !"

(Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Liên tiếp hai mươi năm theo dõi vị kinh sư già vượt qua thảo nguyên lớn để đến hội đường cầu nguyện, vậy mà viên cảnh sát vẫn cứ làm bộ như không biết vị kinh sư già đi đâu, để kiếm cớ bắt bỏ tù !

Hai mươi năm mỗi ngày như mọi ngày vị kinh sư già mỗi sáng sớm đều vượt qua thào nguyên lớn để đi đến hội đường Do Thái để cầu nguyện, vậy mà khi bị viên cảnh sát bắt tra hỏi thì vị kinh sư già nói không biết mình đi đâu !

Vị sư già trả lời không biết mình đi đâu, vì viên cảnh sát đã biết vị kinh sư già đi đâu rồi mà vẫn còn hỏi, vậy thì vị kinh sư già trả lời "không biết" là rất đúng.

Người Ki-tô hữu sống trong mọi thời đại đều biết mục đích của mình đi đến nhà thờ là để được đón nhận ân sủng của Thiên Chúa qua thánh lễ và qua các bí tích, dù cho có những cản trở nguy hiểm khó khăn, bởi vì tình yêu của Chúa Giê-su chính là động cơ thúc bách họ đến với Ngài, để được ban ơn, che chở, an ủi và thêm sức mạnh cho đức tin của mình...

Tất cả mọi người người trên thế gian này đều biết người Ki-tô hữu đi đến nhà thờ để làm gì, chỉ có những người sáng mắt mà như mù, có tai mà như điếc, có lương tâm mà như không có, thì mới không biết người Ki-tô hữu đến nhà thờ để làm gì, cho nên họ vẫn luôn là những kẻ đối đầu với Thập Giá của Chúa Giê-su...

Về mục lục

90. CHÚC TỤNG DANH ĐỨC CHÚA

Trong một thôn nhỏ nọ, trú ngụ một công nhân dệt, anh ta rất thành kính, ngày ngày đều đọc chúc tụng danh Đức Chúa, người trong thôn rất tín nhiệm anh ta. Sau khi dệt thành vải thì anh ta mang ra chợ để bán, khi khách hàng hỏi giá cả bao nhiêu thì anh ta nói:

- "Theo thánh ý của Chúa thì một mét là ba mươi lăm đồng; công giá là muời đồng; lợi nhuận -theo thánh ý Chúa- là bốn đồng, do đó một mét vải là bốn mươi chín đồng." Dân trong thôn rất là tin tưởng anh ta, từ đó về sau không trả giá nữa, cứ theo giá bán mà mua vải.

Người dệt vải mỗi tối đều đi đến giáo đường trong thôn để cầu nguyện, tán tụng danh Chúa. Một đêm nọ, anh ta một mình cầu nguyện trong giáo đường thì có một đám ăn trộm đến, đám người này đang cần người giúp khuân vác đồ ăn trộm, thế là kêu anh ta đi theo họ. Anh ta tùng phục đem đồ vật đội trên đầu và đi theo họ.

Cảnh sát đã nhanh chân đuổi đến nơi, bọn trộm đều vắt giò mà chạy, anh thợ dệt là người đã có tuổi đương nhiên chạy không kịp. Khi cảnh sát đuổi theo anh ta thì bắt được người và tang vật, thế là giam anh ta vào tù.

Ngày hôm sau bắt đầu xử tội, pháp quan hỏi anh ta có gì nói không, anh ta bèn trả lời như thế này:

- "Thưa quan tòa, theo thánh ý của Chúa, hôm qua tôi ăn tối xong, lại tuân theo thánh ý Chúa đi đến giáo đường cầu nguyện tán tụng danh Chúa. Sau đó đột nhiên tuân theo thánh ý Chúa một đám ăn cướp xông vào giáo đường, lại tuân theo thánh ý Chúa, chúng nó bắt tôi vác đồ đi theo chúng nó, vâng theo thánh ý Chúa cảnh sát đuổi đến, sau đó tôi bị bắt như thế này đây, lại còn nhốt trong ngục tù. Sáng hôm nay lại tuân theo thánh ý Chúa, tôi đứng trước mặt tòa án."

Pháp quan nói với cảnh sát: "Thả anh ta ra, tôi coi người này có chút bệnh loạn thần kinh."

Về đến nhà có người hỏi anh ta chuyện gì xảy ra. Anh thợ dệt thành thật nói:

- "Chúc tụng danh Chúa tôi bị bắt tới nơi pháp đình bị xử án, sau đó vâng mệnh danh Chúa tôi lại được tòa phán là vô tội."

(Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Cũng có những lúc người đời cho chúng ta -người Ki-tô hữu- bị loạn thần kinh, như vua Hê-rô-đe đã khinh dễ chế giễu Chúa Giê-su (Lc 23, 11) bởi vì chúng ta nhân danh Đức Chúa để phục vụ tha nhân, làm việc bác ái và nhân danh Đức Chúa để chịu những án bất công...

Cũng có những lúc người đời chê cười chúng ta -người Ki-tô hữu- là những kẻ dại dột, vì chúng ta luôn cam chịu thiệt thòi vì đức ái, vì tinh thần yêu thương của Phúc Âm...

Có những lúc người đời vu oan giá họa cho chúng ta, vì chúng ta vâng mệnh danh Đức Chúa để tìm kiếm sự công bằng, bác ái và yêu thương cho tha nhân, cho mọi người.

Vâng mệnh danh Đức Chúa là việc phải làm không những của người Ki-tô hữu, mà còn là của tất cả những ai có tâm hồn ngay thẳng và lương tâm chân chính.

Về mục lục

Lm. Giuse Maria Nguyễn Nhân Tài, csjb.

Sưu Tập tại http://gxnamlo.org

1659    17-04-2012 21:42:50