Sidebar

Thứ Tư
08.05.2024

Nó - Một đứa cháu dâu trẻ, ở tận gần cuối vùng cực nam của đất nước. Nó vừa loáng thoáng nhận ra rằng tình cảm bà nội chồng và mình vừa chớm kết nụ yêu thương, thì đã kết thúc không kịp đơm những trái ngọt. Nó cũng lờ mờ nhận ra ngày nay người ta ngày càng ít kiên nhẫn để theo đuổi, vun đắp, nắn xây tình cảm gia đình... nên dường như mọi người trong gia đình chồng thường vội vàng sống, vội vàng yêu, vội vàng quên, cạn nghĩ, cạn tình thâm quyến?!!!

Càng ngày, mọi người trong gia đình chồng càng làm mòn đi giá trị của tình yêu thương bởi những cảm nhận hời hợt, bởi những so đo tính toán tầm thường, bởi những lời hứa mông lung và những cái kết chẳng còn dư vị. Những chợt nghĩ, chợt nhận càng chóng vánh, nó thấy vết thương càng sâu. Những tình cảm nhạt nhòa qua đi chóng vánh, càng không để lại một điều gì cả ngoài những tiếc thương khôn nguôi.

Thế mới biết:

Một số người thoảng qua cuộc đời ta,
Một số khác ở lại đôi chút và ghi dấu trong tim ta,
Và từ dạo đó, ta dường như không còn như xưa nữa.

(Khuyết danh)

Thế đó ! Trong đời thường của cuộc sống, con người có quá nhiều hạnh phúc nhưng nhiều khi họ không biết. Hạnh phúc có khi là sức khỏe; có khi là đủ cơm ăn áo mặc cho dù thức ăn không ngon, áo mặc không đẹp; có khi là một gia đình tuy nghèo nhưng biết quan tâm, thương yêu nhau, và luôn có sự bình an thật... Nhiều người cứ tưởng rằng họ bất hạnh, nhưng họ đâu biết rằng còn có bao nhiêu người bất hạnh ở xung quanh. Nhiều người đâu hiểu rằng khi có và còn người thân yêu bên mình là đã hạnh phúc rồi. Cho dù người đó là người không hoàn hảo, là người còn nhiều khuyết điểm, là người mắc nhiều sai lầm và thường làm ta tổn thương. Hoặc chỉ là một người bệnh tật, già yếu, sống vô thức, ngu ngơ như một đứa bé... xem ra không còn hữu ích chi.

Bà nội chồng của nó là hiện thân của hạnh phúc gia đình của chồng, của bác, của chú, của cô của chồng nó... cho dù bà không còn ý thức về sự hiện hữu của mình trên đời này do hậu quả va quẹt xe cộ đã lâu và áp lực cuộc sống già lão chất chồng lên người bà!

 Hạnh phúc đó giờ đã vỡ oà, tan biến khi bà nội chồng của nó đã ngừng thở, dù bình dưỡng khí dang dở hai phần ba vẫn còn nơi đầu giường bệnh!

Chiều nay, giữa gian cung thánh của nhà thờ vùng huyện lỵ. Nó cảm thấy lạnh mặc cho ngoài trời đang nắng hỗn oi nồng. Lạnh... Cái lạnh của sự trống vắng tình thâm. Lạnh... cho những thờ ơ, bàng quan còn vương vất đeo đuổi. Lạnh bởi những giọt nước mắt muộn màng hối tiếc... Nó thay mặt gia đình nói ít lời từ biệt bà của chồng, cám ơn cha sở và họ đạo trước khi kết thúc nghi thức tiễn biệt.

Nó lạc giọng hẳn, mếu máo rồi vỡ oà tiếng nấc. Khóc rống lớn tiếng. Khóc nghẹn. Khóc hối. Khóc tiếc. Khóc thương... cho bà nội của chồng nó. Chen lẫn giữa những âm tiết nấc nghẹn sụt sùi là những tình cảm cạn cùng:

"Hu...mm, hic. Hnm...m... Nội ơi, giờ đây con cháu của nội không biết nói sao cho đủ đầy tình yêu và sự hy sinh mà nội đã dành suốt cả một đời lam lũ khó nhọc của mình để con cháu chúng con có được như ngày hôm nay. Những tình cảm một đời chắt chiu lo lắng của nội chỉ được chúng con đáp trả bằng sự thờ ơ, vô cảm một cách ích kỷ. Hic... hic... Con thật sự cảm thấy quá hổ thẹn và xấu hổ trước tấm lòng biển trời bao la của nội đã chăm chút cho từng người con, từng đứa cháu như chúng con đây. Hu... hu... hu... Nỗi thẹn nhục càng chồng dày thêm, vì khi chợt nhận ra những điều trân quý này thì nội đã vĩnh viễn ra đi, không một lời than thở, trách mắng con chá...u...u...

Hnm... hunm... Lạy Chúa chí ái, xin Lòng Từ bi của Chúa đoái thương đến linh hồn bà nội của chúng con đang cầu nguyện lúc này. Chúng con đội ơn Thiên Chúa vì những ân sủng Ngài đã ban cho bà nội chúng con được chu toàn kiếp phận của người có niềm tin vào Chúa. Nguyện xin Chúa lòng lành ban muôn phúc lành cho nội chúng con; xin Chúa an ủi bù đắp những bất hạnh tủi sầu mà bà phải mang vác trong đời của mình vì sự rẻ rúng, bội bạc, bất hiếu lâu nay của chúng con... Hu... hu...u...u"

Một cách rõ rằng là: Nghèo không hẳn là Tội. Nhưng nghèo dễ làm con người ta mắc Tội, nếu không biết nép giữ mình trong Lễ. Vì thế, Đức Khổng Tử nói khi trả lời câu hỏi của Nhan Hồi (học trò): "Khắc kỷ, phục Lễ, vi Nhân" là vậy! Tức là: Biết kìm hãm khắc chế bản thân mình, để trở về qui phục dưới Lễ, tức là Nhân (đạo làm người).

Tất cả câu trả lời trên đều cụ thể cho từng người, nội dung hàm chứa tính giáo dục con người một cách cụ thể. Chữ "Nhân" theo nghĩa hẹp rất rộng; "Nhân" là lý của yêu thương, là cái đức của tâm, hoặc làm điều nhân là giữ toàn tâm đức v.v...

Theo nghĩa rộng, chữ "Nhân" được Khổng Tử, Mạnh Tử xem như tư tưởng cốt lõi của Nho giáo (giáo ở đây không phải là tôn giáo, mà là giáo hóa con người). Do đó đạo đức của Nho giáo cũng có thể gọi là đạo của chữ Nhân, khi nói "Nhân giả nhị nhân giả". Chữ Nhân (); chiết tự ra gồm có chữ nhân () là "người", và chữ nhị () là hai. Nghĩa là: Nhân là mối quan hệ giữa người và người.

Đây chính là mọi quan hệ của con người trong gia đình và ngoài xã hội. Nếu xử lý hài hòa các mối quan hệ trên thì gia đình, xã hội sẽ trật tự, trên thuận dưới hòa, và con người được sống trong cảnh an bình... Từ đó cho thấy, "Nhân" chính là đạo làm người vậy!

Từ luận giải chữ "Nhân" nghĩa rộng trên, chúng ta thấy mối quan hệ giữa người và người đầu tiên phải được xử lý, phải được quy phạm đó là con cái và cha mẹ. Chúng ta ai cũng biết khi chào đời người gần gũi lo toan cho ta là các đấng bậc sinh thành (ông bà, cha mẹ). Do đó, theo Nho giáo đây là mối quan hệ đặc biệt ưu tiên trong mọi mối quan hệ xã hội. Những quy phạm về mối quan hệ này Nho giáo gọi là "đạo Hiếu" (Theo Nho giáo, bách hạnh hiếu là đầu, làm người phải đặt chữ Hiếu lên trên hết).

Vì vậy như đã nói, chính cái nghèo vật chất cơm ăn, áo mặc, nhà cửa,... làm cho con người ta dễ thiếu "Lễ" một khi thiếu vắng niềm tin nơi Thiên Chúa. Mà thiếu "Lễ" thì không còn là NGƯỜI đúng nghĩa NGƯỜI nữa rồi; bởi lẽ "Lễ" là kính trọng người, và tôn trọng mình; từ đó tạo nên mối hòa ái trong nhân luân. Nếu không có hay thiếu vắng "Lễ" thì từ đây bao hệ lụy phát sinh: bất nhân, bất nhẫn, bất hiếu, bất tín, bất nghĩa... Rồi cũng chính từ đó sinh ra bất hoà, bất an, ... trong lòng.

Chính vì thế, nếu người Kitô hữu kiên vững đức Tin thì chính khi thực thi Giới răn "Kính Chúa - Yêu người"; họ đã chu toàn đạo Trời - đạo Nhân - đạo Hiếu rồi vậy. Vì họ đã hiểu Nghèo chứ không Khổ; không phải cứ Nghèo thì phải Hèn; và hễ Nghèo thì Mạt. Nhưng chắc gì Giàu thì Có, nhất là "có"  Bình An và Hạnh Phúc! Giàu nhưng chưa chắc Sang; bởi vì Phú nhưng không hẳn phải có Quý đi kèm.

Biết bao người ngày nay ngó thấy ngon lành vậy; nhưng thật ra họ chỉ có An (yên lành) mà không có Lạc (vui vẻ). Nhà cao cửa rộng, thu nhập ổn định, sức khỏe dồi dào, kể cả gia đạo cũng êm xuôi, nhưng liệu lòng họ có được vui không. Ngược lại, cuộc sống nhiều khi có chuyện để lo toan còn dễ sống hơn là những ngày tháng nhàn cư vô vị, không đắng không ngọt... Đơn giản nhất là chuyện ẩm thực, hiện nay thấy ăn Ngon nhưng không Lành; vì còn quá nhiều vấn đề về thực phẩm không an toàn, nhất là hàng Trung Quốc. Thế mới biết không phải món nào khoái khẩu, ăn cảm thấy Ngon thì buộc phải Lành cả đâu (sic).

... Bà nội chồng nó nghèo tiền bạc, vật chất. Thiếu điều kiện chăm chút dạy dỗ các con của bà đàng hoàng để được bằng vai phải lứa như bao người khác, trái lại còn lôi thôi lếch thếch nữa là đàng khác. Nhưng bà "vừa đủ" đức Tin để sống làm con của Chúa. "Vừa đủ" đức Cậy để nép dựa vào Thiên Chúa Quan phòng một cách đơn sơ, mộc mạc, chân chất... giống như con người và tính cách giản dị của bà. Tuy dù bà nội chồng của nó đã lìa xa cõi đời, nhưng lửa đức Tin bà để lại vẫn còn le lói trong lòng gia đình, hứa hẹn một ngày bùng cháy mạnh mẽ.

Thế mới biết tuy Vắng nhưng không Lặng vậy!

CÁT BIỂN

1070    21-05-2013 19:14:06