Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Phẩm Giá Sự Sống

Từng là người giàu có nhất thế giới, Bill Gates - nhà sáng lập tập đoàn Microsoft đã cùng vợ ông cho đi hàng tỷ USD để góp phần cứu giúp hàng triệu người trên toàn thế giới. Thật đáng khâm phục những công việc mà Bill Gates đang làm với Quỹ Từ Thiện Bill và Melinda Gates, khi ông cho đi hàng tỷ USD của mình để phục vụ cho sự sống còn và phát triển của con người.

Mới đây theo Business Insider, một trong 10 dự án ấn tượng nhất từ Quỹ từ thiện của Bill và Melinda Gates Gates là:

- Chi 2 tỷ USD để chống lại HIV, góp phần giảm tỷ lệ nhiễm HIV mới, từ năm 2001 - 2008. Quỹ này bỏ tiền vào vắc-xin, ngăn chặn sự bùng phát của căn bệnh thế kỷ ở Châu Phi và làm giảm chi phí điều trị của người mắc bệnh.

- Chi 1,5 tỷ USD cho phụ nữ và các vấn đề sức khỏe trẻ em, với mục đích làm giảm tỷ lệ tử vong ở phụ nữ và trẻ em ở các nước thứ ba.

- Đầu tư cho Chương trình loại trừ hoàn toàn bệnh bại liệt trên thế giới.

- Ngoài ra, Quỹ Gates cũng đầu tư vào việc tìm kiếm vắc-xin phòng bệnh sốt rét và các loại thuốc diệt muỗi mới.

Nhìn chung các dự án nói trên đều nhằm mục đích nâng cao phẩm chất và giá trị cho cuộc sống con người trên toàn cầu, nhằm tiêu diệt bệnh tật cứu vãn sự sống cho người nghèo và bất hạnh, nhằm xây dựng phúc lợi giàu giá trị nhân bản cho nhân loại.

Ngược lại với hình ảnh trên là một thực trạng quá đau lòng và đáng suy ngẫm!

- Theo thống kê mới nhất của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam cho biết trong quý I năm nay (2011): Việt Nam là nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên (từ 15-19 tuổi) cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới. Cũng theo bản báo cáo Guttmacher Institute của Hội Kế hoạch hóa Gia đình, Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ phá thai cao nhất, với khoảng 2 triệu ca phá thai hằng năm, có nghĩa là có khoảng 111 trong số 1.000 người phụ nữ từ lứa tuổi 15-44 phá thai hằng năm, hay nói một cách khác là cứ 100 lần mang thai, thì có 58,3 trường hợp thai bị phá!

- Theo ghi nhận của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, hàng năm có trên 5.000 ca nạo phá thai, trong đó có 30% thai phụ dưới 24 tuổi. Còn tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, con số này thấp hơn chiếm khoảng 18%, nhưng tuổi đời của thai phụ lại trẻ hơn nhiều, trung bình là 20 tuổi.

- Trung tâm Nghiên cứu Giới tính, Gia đình và Môi trường phát triển (CGFED) công bố, Việt Nam là một trong 3 nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, đáng báo động có tới 20% người nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên. Tính trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15-19, nhiều em đã nạo hút thai nhiều lần.

- Gần đây nhất trong thượng tuần tháng Tám năm 2011, chương trình Thời sự lúc 19h00 của Đài truyền hình Việt Nam cũng đưa tin: "loạn" các cơ sở, dịch vụ nạo hút thai phát triển và mọc lên như nấm; quảng cáo bảng hiệu công khai, hẳn hòi ở khắp phố phường Hà Nội. Làm đau đầu các cơ quan chức năng trong việc cấp giấy phép, quản lý và kiểm tra, ...

Nguyên nhân chủ yếu của việc nạo phá thai là do tình trạng ngày càng dễ dãi trong quan hệ tình dục ở lứa tuổi vị thành niên và thành niên; buông thả lố đà trong quan hệ, lối sống trước hôn nhân; cũng không loại trừ hệ quả của một kiểu giáo dục thiếu nhân bản, thiếu định hướng, và thực dụng như hiện nay!

Trên đây là một con số kỷ lục, khá ấn tượng cho các bậc sinh thành và giáo dục phải nhức nhối! Qua đó, cho thấy chuẩn đạo đức luân lý làm người của không ít bạn trẻ hiện nay đang trên đà tuột dốc thảm hại, khó mà kềm hãm chặn chắn lại. Bởi làn sóng chủ nghĩa tương đối (relativism) cùng với chủ nghĩa hưởng thụ vật chất (material comsumerism) và chủ nghĩa tục hóa (secularism)  đang  lừa dối  con người tới mức coi thường hay khinh chê  mọi giá trị luân lý, đạo đức; để từ đó  quyến rũ  con người ở khắp nơi lao mình đi tìm tiền của, thú vui và  hư danh trần thế; bằng mọi giá, bất chấp lương tri và đạo đức là nền tảng cho một đời sống nhân-luân xứng đáng với địa vị  là con người!

Nếu chiều kích tôn giáo, mà trong đó Kitô giáo vẫn không được phép "chung sức" trong nhiệm cục văn hóa xã hội, giáo dục và y tế như hiện nay, thì con người sẽ gặp những bế tắc và hệ lụy khôn lường ngay trong chính cuộc sống dư tràn tiện ích hơn bao giờ hết như bây giờ!

Theo nhãn giới của con người hiện nay: Một khi Thiên Chúa không được con người nhìn nhận, Ngài bị đặt nằm ngoài rìa đời sống nhân loại; thì phẩm giá con người cũng bị lượng định sai, cũng bị xem rẻ, bị xem như một loại hàng hóa đang lưu thông trên thị trường, chỉ ngang hàng giá trị một loại sản phẩm công nghiệp nào đó. Vì thế, người ta sẵn sàng loại bỏ "mầm sống" của chính mình mà chẳng một chút mải may xao động! Tương tự như loại bỏ một sản phẩm bị lỗi ... kỹ thuật ở một trong những khâu của dây chuyền sản xuất vậy (!)

Rồi cũng vì xem "sự sống con người" như một loại sản phẩm; nên cũng không ngần ngại tìm mọi cách thế, bất chấp đạo đức luân lý nhân bản để tạo ra sản-phẩm-người trong ống nghiệm (invitro).  Một "sản phẩm người" chẳng cần biết đến tình yêu, chẳng cần biết đến tình liên đới, chẳng cần một định chế cam kết trong tương quan nào cả, thậm chí chả cần trách nhiệm gia đình, huyết thống ruột rà. Một "sản phẩm" chỉ biết thỏa mãn tính dục, phấn khích bản năng hưởng thụ và chắp vá lòng vị kỷ tùy tiện!

Bởi đó, thay vì là những con người yêu thương, thay vì các mối liên kết gia đình; con người  trở thành những người chế tạo, những người có quyền kiểm soát các sản phẩm. Như thế là bác bỏ căn tính của mình. Vì nếu năng lực trao ban sự sống của con người, chỉ là như thể "tôi đã được sản xuất ra" và "tôi chỉ là thành phẩm cuối cùng của hệ thống sản xuất", thì rõ ràng đó là một bác bỏ chính phẩm giá làm con cái của Thiên Chúa, phẩm giá làm con cái của các bậc sinh thành nên mình!

Nhiều bạn trẻ biết đâu rằng: Từ tuần lễ thứ 4, Quá trình thụ thai đã diễn ra và một hợp tử gồm các tế bào đang âm thầm không ngừng phát triển, phân chia và bám chắc vào thành dạ con. Tuần thứ 6, Phôi mầm lúc này đã trở thành một bào thai thực sự. Nó lớn cỡ một hạt đậu, với xương sống và hệ thần kinh nguyên thủy đã hình thành; những mạch máu sẽ trở thành dây cuống rốn và trên phôi mầm những chiếc chồi bé xíu bắt đầu "nảy ra" (khởi thủy của các chi, chân tay sau này).  

Đến tuần thứ 11, Cuống rốn đã có thể thực hiện hoàn chỉnh vai trò của nó là cung cấp dưỡng chất và dẫn xuất các chất thải, loại ra khỏi bào thai. Thai nhi lúc này thực sự có hình dáng của một con người. Nếu những bà mẹ trẻ biết được như thế, thì chắc hẳn họ sẽ có những suy nghĩ và quyết định khác tích cực hơn là phá hủy "tiến trình sự sống" này!

Đến đây, chúng ta thấy phá thai báo hiệu một điều gì đó bàng bạc và bén rễ rất sâu trong tâm thức các bạn trẻ hiện nay. Đó chính là việc đánh mất căn-tính-nhân-bản, đến nỗi người nam và người nữ ngày nay không còn coi họ là người được mời gọi tham dự vào quyền lực sáng tạo của Thiên Chúa nữa.

Tình-yêu-nhân-bản thật sự thì không có điều kiện. Nó luôn thường hằng và bất biến giữa hai người - yêu và được yêu. Bất kể chuyện gì xảy ra đối với họ, họ vẫn quan tâm chăm sóc cho nhau. Nếu một trong hai người yếu đau, bệnh tật; hoặc gặp rủi ro, tai nạn và thậm chí bị bại liệt nằm một chỗ; họ vẫn yêu thương, chăm sóc nhau suốt đời. Trái lại, tình-yêu-vị-kỷ, là bạn chỉ hiến thân cho một ai đó, cho tới lúc bạn không còn thích họ nữa thì chấm dứt. Đường ai nấy đi!

Một trong những nguyên nhân dẫn đến phá thai chính là cuộc cách mạng tình dục, một cuộc cách mạng tự yêu mình cách bệnh hoạn, một cuộc cách mạng sát nhân, một cuộc cách mạng thấm đậm văn hóa sự chết; cắt bỏ các mối liên kết, tình bạn và tình yêu với người khác; cắt đứt tính dục khỏi cam kết yêu thương đầy nghiêm túc, cam kết san sẻ đầy trách nhiệm của một gia đình, và dĩ nhiên phá vỡ bổn phận làm cha làm mẹ, thực sự làm giảm thiểu nhân phẩm con người.

Đó là việc đánh mất căn tính của chính bản ngã mình như là chủ thể, tham dự vào quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa và được mời gọi trở nên cha mẹ.

Ðối với Phật giáo, sát sanh là điều ác đầu tiên được kể trong Ngũ giới cấm. Sát sanh đối với người Phật tử không những chỉ giới hạn trong phạm vi con người, mà còn bao gồm sự sống nói chung; từ những sinh vật vô tri như loài giun dế cho đến loài có lý trí, có tình cảm là con người. Ngay cả những hành vi thô bạo, gây đổ vỡ vô ích đối với những sinh vật không có sự sống cũng đã là một điều không nên làm. Huống hồ là đối với một thai nhi nhỏ bé, yếu ớt, không khả năng tự phòng vệ.

Vâng, đây là một nghịch lý đáng buồn. Ngày nay, khi có những con người muốn chiếm lấy quyền lực Thiên Chúa trên sự sống, và muốn thay thế Ngài để kiểm soát lúc khởi đầu của sự sống, theo cách đi ngược hẳn lại ý định của Thiên Chúa (ý định của tình yêu). Họ cảm thấy đầy quyền lực trong chốc lát. Nhưng sau đó, họ cảm thấy thất vọng, thậm chí còn bác bỏ cả căn tính của mình - đó là tình yêu. Bởi vì, con người được tạo ra là để yêu thương. Trái tim của con người được tạo ra là để dành cho tình yêu. Nếu con người sống không tình yêu thì kiếp nhân sinh này vô nghĩa và cô đơn, tẻ nhạt!

Ngày nay, có nhiều người tự thích cho mình là thần thánh. Họ cả quyết con người không có nguồn gốc hoặc nền tảng nào khác ngoài chính bản thân mình. Họ tự quyết định đúng - sai, tốt - xấu, thành - bại. Và thậm chí tự "thế thiên hành đạo", tự quyết định những ai được sống và những ai sẽ chết chỉ vì tư lợi, vì dục vọng thấp hèn của cá nhân họ.

 Những cám dỗ như thế luôn luôn chờ đợi sẵn và hiện diện muôn màu trong cuộc sống con người. Chúng dẫn những ai lỡ bước sa vào, đi đến một thực tại phù du, một tồn tại hư ảo không có chân trời, không có bình minh ló dạng, có tự do nhưng không có Thiên Chúa.

Ngược lại, đối với chúng ta - những tín hữu Kitô, những Giáo dân Đa Minh - ai cũng biết rõ chúng ta đã được tạo dựng trong tự do, trong hình ảnh Thiên Chúa. Mà Thiên Chúa là tình yêu! Tôi được dựng nên theo hình ảnh của Ngài, nên tôi phải khắc họa cho khuôn mặt của Thiên Chúa - khuôn mặt của tình yêu - hiện diện giữa đời thường! Chính vì vậy mà chúng ta phải đi tiên phong trong việc tìm kiếm chân lý và sự thiện, chịu trách nhiệm về hành động của mình, không chỉ là thực thi cách mù quáng, nhưng đồng sáng tạo trong nhiệm vụ nuôi dưỡng và làm đẹp các công trình sáng tạo của Thiên Chúa nơi những mầm-sống-tượng-thai. Thông qua Chúa Kitô chúng ta có thể thực sự thành công, và được thiết thân trong Ngài.

Nếu ta làm những việc đó trong mọi tương giao nhân bản, thì ta đã khởi đầu phục hồi được các nguyên tắc cần thiết giúp cho mọi sự-sống-nhân-bản được chấp nhận, được đặt để đúng vị thế ban đầu vốn có. Sự sống con người được tôn trọng đúng phẩm giá - quý hiển và vô giá -  không còn bị coi là một "sản phẩm" nữa! Mong thay!

Cát biển

1163    20-11-2011 21:55:46