Sidebar

Chúa Nhật

28.04.2024

Phản Công Quá Trễ

Một đài truyền hình ở Đức vừa phát sóng trực tiếp một buổi thảo luận rất gay cấn với sự tham dự của sáu bác sĩ nổi tiếng về bệnh xương khớp. Theo đánh giá của nhiều người theo dõi, buổi nói chuyện hào hứng vô cùng vì khán giả không chỉ có cơ hội thưởng thức tài tranh cãi của thầy thuốc không kém thầy kiện, mà còn có dịp đánh giá hai tiếng mâu thuẫn trong ngành y.

Theo các thầy lang chuyên nghề bẻ xương nắn khớp, có đến hơn 400 thể dạng bệnh chứng liên quan đến bộ máy vận động, từ viêm khớp chính hiệu do phong thấp bước qua bệnh lý do thoái hóa cột sống, bệnh của mô liên kết quanh khớp, bệnh của mạch máu nuôi khớp, cho đến viêm đầu xương vì bội nhiễm... Chẩn đoán bệnh khớp vì thế không dễ (nếu dễ thì cần chi đến thầy?!). Muốn định được bệnh cho đúng phải có bài bản đàng hoàng. Thầy thuốc vì thế phải tốn thêm nhiều năm sau khi tốt nghiệp mới mong trở thành bác sĩ chuyên khoa. Thầy mà còn gian truân đến thế mới hiểu về bệnh khớp, thì trách chi "trò" bệnh nhân sao cứ hiểu lầm hoài về hai tiếng thấp khớp.

Điểm đáng nói là không ai trong số sáu diễn giả của buổi thảo luận giải thích tại sao ngành y có nhiều thầy đến thế, mà không ai nghĩ đến cách thông tin sao cho người bệnh dễ hiểu về hậu quả tai hại của bệnh khớp, và quan trọng hơn nữa, về cách phòng ngừa bệnh khớp. Ở điểm này thì y khoa nước người và nước ta dường như có chỗ ăn ý. Ai bảo Đông là Đông, Tây là Tây?!

Định bệnh đã khó. Bước qua phần điều trị lại còn phức tạp hơn nhiều. Bệnh khớp tuy nhiều về thể loại nhưng may mắn làm sao lại có điểm tương đồng về cơ chế bệnh lý. Cho dù có khác nhau về tên gọi, nhưng bệnh khớp nào cũng có hiện tượng viêm tấy, không trong khớp thì đâu đó quanh khớp. Tưởng vậy dễ ăn thì lầm. Thầy thuốc chưa kịp vội mừng với tác dụng kháng viêm cấp kỳ của thuốc có cấu trúc corticosteroid thì đã ngỡ ngàng với phản ứng phụ làm mòn xương và khả năng gây lệ thuộc của thuốc. Có thuốc thì đúng là bớt đau. Nhưng ngưng thuốc lại bệnh. Tăng lượng thuốc để đánh nhanh, đánh mạnh thì xương loãng khi khớp chưa hết viêm! Thuốc cuối cùng chỉ có lợi cho... thầy thuốc! Đổi sang các loại thuốc kháng viêm không có cấu trúc steroid thì thuốc chẳng những không phải lúc nào cũng hiệu quả mà còn xoi mòn niêm mạc đường tiêu hóa. Làm sao dùng thuốc dài lâu cho đến khi khớp hết viêm khi dạ dày chịu trận không nổi? Liệu trình vì thế cứ bị gián đoạn nhát gừng, cứ như thầy thuốc cố tình nuôi bệnh!

Gần đây có loại thuốc mới kháng viêm bằng cách ức chế đúng ngay loại men làm sưng khớp. Thuốc do đó không làm loãng xương cũng không bào mòn đường tiêu hóa. Mừng húm! Chưa kịp mua thuốc thì thuốc đã bị thu hồi vì thuốc tuy phá men viêm khớp nhưng lại vô tình tiếp tay cho men làm máu dễ đóng cục trong mạch. Hậu quả là uống thuốc trị đau khớp mà bị nhồi máu cơ tim! Người bệnh sau khi chạy tứ phương lại trở về chỗ cũ, về điểm kẹt xe lúc ban đầu.

Đợi đến khi dùng thuốc không xong thì thầy thuốc mới chịu trở về với biện pháp hỗ trợ khớp xương. Nhiều thầy nay đã đồng ý khuyến khích việc phối hợp các hoạt chất thiên nhiên có công năng bảo vệ mặt khớp như glucosamin trong hải sản, dầu 3-Omega trong cá biển, chondroitin trong gân sụn động vật với chế độ dinh dưỡng thường ngày, hay ứng dụng tác dụng kháng oxy-hóa của một số sinh và khoáng tố như caroten, E.C, kẽm, selen, mangan, crôm... trong phác đồ điều trị bệnh khớp. Đi xa hơn nữa, không ít thầy thuốc nay cũng phải công nhận khả năng thay thế thuốc tổng hợp của nhiều loại dược thảo. Đương qui, Ngũ gia bì, Ngưu tất... đã không vô cớ mà được các nhà điều trị ở Đức đề cập rất thường trong thời gian gần đây. Vấn đề còn lại là người bệnh làm sao biết được cửa chính ở đâu để gõ cho đúng hầu tránh cảnh tiền mất tật mang vào tay lang băm qua lời đồn vô tội vạ! Đây cũng chính là điểm cần lưu ý trong bối cảnh nền y tế vẫn còn tranh tối tranh sáng ở nước mình. Như "Khu vườn kỳ lạ ở Long An" là một dẫn chứng.

Phương án điều trị bệnh khớp dựa vào cơ chế sinh học của dược liệu thiên nhiên với sự hỗ trợ của chế độ dinh dưỡng tuy đúng là hợp lý nhưng lại vướng một nhược điểm trong thực tế. Liệu có còn thay đổi được tình thế bi đát khi thay cầu thủ có khả năng làm bàn vào sân ở phút 87, sau khi đã bị dẫn trước 4-0 ?! Tại sao không chọn chiến thuật lấy công làm thủ ngay từ đầu? Muốn vậy phải phát hiện bệnh khớp càng sớm càng tốt. Muốn thế thì người có nguy cơ đau khớp phải chủ động áp dụng biện pháp phòng bệnh càng sớm càng hay. Nhưng chính việc phản công quá trễ lại đang là vấn đề.

Đúng là có điều gì đó mâu thuẫn trong ngành y. Một mặt, thầy thuốc tự hào với nhiều tiến bộ về kỹ thuật chẩn đoán lẫn phương tiện điều trị. Nhưng mặt khác, vẫn còn những điểm bế tắc tiếp tục tồn tại từ nhiều năm. Nghe qua có gì không ổn, nhưng với nhiều người trong ngành chữa bệnh thì dường như đó lại là điều rất đỗi bình thường. Ai sinh ra bệnh làm chi, để cho thầy thuốc có dịp cãi nhau "tưng bừng" như thế!

1206    10-01-2011 05:47:10