Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Phát Huy Truyền Thống Văn Hóa Dân Tộc Trong Nền Giáo Dục Kitô Giáo - Tháng 12 năm 2008

CHỦ ĐỀ: PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ DÂN TỘC
TRONG NỀN GIÁO DỤC KITÔ GIÁO

TOÀ GIÁM MỤC VĨNH LONG
103 đường 3/2, P. 1
Tx Vĩnh Long

Vĩnh Long, ngày 21.11.2008

V/v Phát Huy Truyền Thống Văn Hoá Dân Tộc

Kính gởi: Các Linh Mục, Tu Sĩ
Anh Chị Em giáo Dân Giáo Phận Vĩnh Long

Thư Mục Vụ năm 2007 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về Giáo Dục Kitô giáo, nêu lên vấn đề Phát Huy Truyền Thống Văn Hoá Việt Nam. Phúc Âm được rao giảng trên đất nước Việt Nam, chắc chắn không nhằm bắt ép các tín hữu sống theo khuôn mẫu nào, của Phương Tây hay của Do Thái. Hội Thánh Công Giáo chỉ đến để phục vụ.

Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người, sinh ra trong Dòng Tộc David, sinh sống như người Do Thái, theo tập tục Do Thái: Được cắt bì vào ngày thứ tám, được Thánh Giuse và Đức Maria tiến dâng trong Đền Thờ theo như Luật dạy (Luca 2,21-24). Chúa nhập thể, chấp nhận kiếp sống phàm nhận để hội nhập vào gia đình nhân loại, cho thấy Chúa gần gũi chúng ta, liên hệ với mọi người, Chúa làm người Do Thái, không phải là để bắt buộc chúng ta trở thành Do Thái, nhưng để cho chúng ta một điều quí giá nhất, đó là được làm con cái của Thiên Chúa, không phân biệt Do Thái hay Lương Dân. Chúa không lấy đi những gì tốt đẹp nơi con người, nhưng cho nó chức vị cao cả và còn liên kết nó với đồng loại, vì Chúa là Bình An, làm cho cả hai nên một, Do Thái và các dân ngoại. Hội Thánh là Đại gia đình Kitô hữu, con cái Chúa giờ đây là đoàn dân mới được kêu gọi và tuyển chọn trong Đức Giêsu Kitô. Thế nên Isaia đã cho thấy trước hình ảnh của Hội Thánh, Jerusalem mới, qui tụ các dân tộc:

“Hướng về ánh sáng ngươi (Sion), các dân cất bước,
Và vua chúa , theo ánh sáng bình minh rạng trên ngươi…
Vì đổ về ngươi, nguồn phong phú biển cả
Và đến cho ngươi, của cải muôn dân” (Isaia 60, 3.5).

Hội Thánh cũng vậy, không phá huỷ các giá trị văn hoá của các dân tộc, nhưng truyền đạt các chân lý và giá trị của Phúc Âm, đổi mới các nền văn hoá ấy từ bên trong, và thu dụng những yếu tố tích cực sẵn có từ các nền văn hoá ấy (x. Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Á, 21).

Nếu chúng ta đi vào chi tiết, thì làm sao để nhận ra những giá trị đặc thù của dân tộc mình, để phát huy, để thăng tiến?

Hội Thánh có mặt tại Việt Nam để phục vụ. Ngôn ngữ là phương thế cần thiết để truyền đạt, nên các vị Thừa sai đã có sáng kiến thay thế Tiếng Nôm bằng Quốc Ngữ, dễ đọc dễ viết. Các Trường Công Giáo trước đây đã góp phần đào tạo biết bao thế hệ trí thức cho Đất Nước Việt Nam.

Hội Thánh góp phần rất lớn để huỷ bỏ tệ nạn đa thê, tảo hôn, củng cố gia đình, giúp xây dựng tình yêu hôn nhân bất khả phân ly, lo cho các gia đình có nề nếp nhờ cổ võ sinh hoạt chung, kinh sáng kinh tối trong gia đình, các việc cử hành ở Nhà Thờ… Đó là phát huy những gì tốt đẹp đã có hoặc loại bỏ những gì không thích hợp, không công bằng, như tính cách bất bình đẳng giữa Nam và Nữ trong chuyện dựng vợ gả chồng.

Người Việt Nam vốn có lòng hiếu kính Ông Bà Tổ Tiên, tôn trọng Họ Hàng. Đạo Công Giáo cũng có những Nghi Tiết, những Kinh Lễ: cầu hồn, an táng, Kính nhớ Ông Bà Tổ Tiên, trong dịp cưới hỏi, dịp Tết Nguyên Đán, nhằm củng cố và nâng cao Truyền Thống dân tộc.

Ngày nay, xã hội phát triển mạnh về khoa học kỹ thuật, nhưng xem thường các giá trị đạo đức: trẻ em ít được dạy cho biết tôn sư trọng đạo (học trò đánh Thầy), con cái được nuông chiều, dễ hư hỏng; các Bạn Trẻ (Sinh Viên, Học Sinh, Công Nhân sống xa nhà) bị lôi kéo vào những tệ nạn, những đám cưới vội vã, bất đắc dĩ, những vụ lấy chồng nước ngoài chỉ vì lợi lộc, bất chấp những hệ quả về sau.

Phát huy Truyền Thống Văn Hoá trong xã hội đang thay đổi, với chiều hướng thực dụng, đặt lợi lộc lên trên các giá trị, phải công nhận là khó khăn. Đây là trách nhiệm của mọi người. Người Công Giáo chúng ta phải bảo toàn ánh sáng Đức Tin, và trông vào sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, là Đấng sẽ làm cho những nỗ lực của chúng ta đạt kết quả, là mang lại cho Xã Hội, cho con người một nền Văn Minh Tình Thương.

+ Tôma Nguyễn Văn Tân
Giám mục Vĩnh Long

Tháng 12/2008

CHỦ ĐỀ:
PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ DÂN TỘC
TRONG NỀN GIÁO DỤC KITÔ GIÁO

I. THƯ MỤC VỤ SỐ 37

Sau hết, vì luôn là một sinh hoạt gắn liền với một không gian nhất định, giáo dục phải được liên kết với truyền thống văn hoá của không gian ấy. Đặt vấn đề giáo dục Kitô giáo tại Việt Nam có nghĩa là đặt vấn đề phát huy truyền thống văn hoá Việt Nam. Dân tộc chúng ta luôn tự hào về tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo. Truyền thống ấy nếu trong quá khứ đã góp phần làm phong phú nền văn hoá Việt Nam và sản sinh những danh nhân làm vẻ vang đất nước, thì nay phải trở thành một trong những tiêu chí của nền giáo dục Kitô giáo tại Việt Nam.

II. DẪN GIẢI

Giáo dục (dạy đạo) là nền của giáo dục). Cần biết phát huy truyền thống văn hoá trong việc giáo dục.

Văn hoá, có thể hiểu là lối sống mở mang, cao siêu hơn lối sống ăn lông ở lỗ, sống quê mùa (sống hiếu học, tôn sư trọng đạo chưa đủ gọi là văn hoá, có thể kể ngũ luân, ngũ thường vào hệ văn hoá).

Biết dùng văn hoá địa phương nên như tiêu chí để giáo dục, mới thích ứng, mới đạt hiệu quả.

III. CHUYỆN MINH HOẠ

NGƯỜI MẸ, NGƯỜI THẦY TUYỆT VỜI

"Nghèo đói là trường đại học tốt nhất. Nếu con có thể tốt nghiệp trường đại học này, thì những trường đại học như Thiên Tân, Bắc Kinh con chắc chắn đều đỗ". Lời nói của người mẹ nông dân ít học là động lực để cậu học sinh nghèo An Kim Bằng dày thêm ý chí và nghị lực trên đường đời.

Tháng 1/1997, An Kim Bằng đã giành chiến thắng tại kỳ thi Olympic Toán toàn Trung Quốc với điểm số tuyệt đối, lọt vào đội tuyển Quốc gia, cả 10 kỳ thi kiểm tra ở đội tuyển em đều là người đứng đầu. Với thành tích đó, em được sang Argentina tham gia kỳ thi Olympic Toán quốc tế.

Nộp xong phí báo danh, em gói những sách vở cần chuẩn bị và tương đậu cay của mẹ lại, chuẩn bị lên đường.

Giáo viên chủ nhiệm và thầy giáo dạy Toán thấy em vẫn mặc bộ quần áo thải của người khác cho, những thứ áo quần màu sắc chả đâu vào đâu, kích cỡ khác nhau, bèn mở tủ áo của em ra, chỉ vào những áo trấn thủ vá, những áo bông tay đã phải nối hai lần, vạt đã phải chắp ba phân, hỏi: "Kim Bằng, đây là tất cả quần áo của em ư?"

Em chả biết nói sao, vội đáp: "Thầy ơi, em không sợ người khác chê cười! Mẹ em thường bảo, Phúc Hữu Thi Thư Khí Tự Hoa - trong lòng có sách vở tất mặt mũi sáng sủa - em mặc những thứ đồ này đi Mỹ gặp Tổng thống Bill Clinton em cũng chẳng thấy ngượng".

Có chữ thì nghèo cũng không ngại !

Ngày 27/7/1997, Olympic Toán học Thế giới lần thứ 38 (IMO) chính thức khai mạc tại Argentina và An Kim Bằng nhận được Huy chương Vàng. Em kể lại:

Chúng tôi thi liên tục suốt năm tiếng rưỡi, từ 8h30 phút sáng tới 2h chiều. Ngày hôm sau công bố kết quả. Đầu tiên công bố Huy chương Đồng, tôi không muốn nghe thấy tên mình. Sau đó công bố Huy chương Bạc, cũng không có tên tôi. Cuối cùng, công bố Huy chương Vàng, người đầu tiên, người thứ hai, người thứ ba là tôi.

Tôi khóc lên vì sung sướng, trong lòng tự nói: "Mẹ ơi, con mẹ thành công rồi!".

Tin tôi và một người bạn nữa đoạt Huy chương Vàng kỳ thi Olympic Toán học ngay chiều hôm đó đã được Đài Phát thanh Nhân dân Trung ương TQ và Đài Truyền hình Trung ương TQ đưa.

Ngày 1/8, chúng tôi vinh quang trở về, lễ đón long trọng được Hiệp hội Khoa học Trung Quốc và Hội Toán học TQ tổ chức. Khi đó, tôi muốn về nhà, tôi muốn sớm gặp mẹ, tôi muốn chính tay tôi đeo tấm huy chương Vàng chói lọi lên cổ mẹ...

Hơn mười giờ đêm tối hôm đó, tôi cuối cùng đã đội trời đêm về đến nhà. Người mở cửa là ba tôi, nhưng người một tay ôm chặt lấy tôi vào ngực trước, lại chính là mẹ tôi.

Dưới trời sao vằng vặc, mẹ tôi ôm tôi rất chặt...Tôi lấy tấm huy chương vàng đeo lên cổ mẹ, khóc một cách nhẹ nhõm và sung sướng. Mẹ là người thầy vĩ đại nhất!

Ngày 12/8, trường Trung học số 1 của Thiên Tân chật ních người, mẹ được ngồi lên bàn Chủ tịch danh dự cùng với các quan chức Cục Giáo dục Thiên Tân và các giáo sư Toán học hàng đầu. Hôm đó, tôi đã phát biểu thế này:

"Tôi muốn dùng cả sự sống của tôi để cảm tạ một người, là người mẹ đã sinh và nuôi nấng tôi. Mẹ tôi là một người phụ nữ nông dân bình thường, nhưng những đạo lý mẹ dạy tôi nên người đã khích lệ tôi cả đời. Năm tôi học lớp 10, tôi muốn mua cuốn sách "Đại từ điển Anh-Trung" để học tiếng Anh, mẹ tôi không có tiền, nhưng mẹ vẫn nghĩ cách giúp tôi.

Sau bữa cơm sáng, mẹ tôi mượn một chiếc xe cải tiến, chất một xe rau cải trắng, hai mẹ con tôi đẩy ra chợ huyện cách hơn bốn mươi kilơmét bán rau. Đến được chợ đã gần trưa, buổi sáng đó tôi và mẹ chỉ ăn hai bát cháo ngô nấu với khoai lang đỏ, lúc đó bụng đói cồn cào, chỉ mong có ai tới mua cho cả xe rau ngay. Nhưng mẹ vẫn nhẫn nại mặc cả từng bó, cuối cùng bán với giá 1 hào một cân. Hai trăm cân rau đáng lẽ 21 tệ, nhưng người mua chỉ trả 20 tệ.

Có tiền rồi tôi muốn ăn cơm, nhưng mẹ bảo nên đi mua sách trước, đó là việc chính của ngày hôm nay. Chúng tôi đến hiệu sách hỏi, giá sách là 18 tệ 2 hào 5 xu, mua sách rồi còn lại 1 tệ 7 hào 5 xu. Nhưng mẹ chỉ cho tôi 7 hào rưỡi đi mua hai cái bánh bột nướng, một tệ kia còn phải cất đi để dành cho tôi làm học phí.

Tuy ăn hết hai cái bánh nướng, nhưng đi bộ tiếp 40km về nhà, tôi vẫn đói tới mức hoa mắt chóng mặt, lúc này tôi mới nhớ ra tôi đã quên không phần cho mẹ ăn một miếng bánh nướng nào, mẹ tôi chịu đói cả ngày, vì tôi mà kéo xe suốt 80km đường xa.

Tôi hối hận tới mức chỉ muốn tát cho mình 1 cái, nhưng mẹ tôi chỉ bảo: "Mẹ ít văn hoá, nhưng mẹ nhớ khi nhỏ được thầy giáo dạy là, Golgi có nói một câu: Nghèo đói là trường đại học tốt nhất. Nếu con có thể tốt nghiệp trường đại học này, thì những trường đại học như Thiên Tân, Bắc Kinh con chắc chắn đều đỗ."

Khi mẹ nói thế mẹ không nhìn tôi, mẹ nhìn ra con đường đất xa xôi, cứ như thể con đường đất đó có thể thông tới tận Thiên Tân, đi thẳng tới Bắc Kinh.

Tôi nghe mẹ bảo thế, tôi không thấy đói nữa, chân tôi không mỏi nữa..

Nếu nghèo đói là trường đại học tốt nhất, thì tôi muốn nói rằng, người mẹ nông dân của tôi chính là người thầy giỏi nhất của đời tôi".

Dưới khán đài, không biết có bao nhiêu đôi mắt đã ướt đẫm, tôi quay về phía người mẹ, tóc hoa râm của tôi, cúi người xuống kính cẩn... Tôi sẽ đi dù đường còn xa…

Ngày 5/9/1997 là ngày tôi rời gia đình đi nhập học ở ĐH Bắc Kinh, khoa Toán.

Ngọn khói bếp dài cất lên từ trên nóc ngôi nhà nông dân cũ nát gia đình tôi. Người mẹ chân thập thễnh của tôi đang nấu mì sợi cho tôi. Những bột mì này có được nhờ mẹ đổi 5 quả trứng gà cho hàng xóm. Chân mẹ bị thương vì mấy hôm trước, để thêm tí tiền cho tôi nhập học, mẹ đẩy một xe chất đầy rau từ thôn ra thị trấn, trên đường bị trật chân.

Bưng bát mì, tôi đã khóc!

Tôi buông đũa quỳ xuống đất, xoa nắn chỗ chân sưng phồng lên to hơn cả cái bánh bao của mẹ, nước mắt rơi xuống đất... Nhà tôi ở Thiên Tân, làng Đại Hữu Đới, huyện Vũ Thanh. Tôi có một người mẹ, người thầy tốt nhất thế gian tên là Lý Diệm Hà.

(Trích VietNamNet, Trang Hạ tổng hợp và dịch từ báo chí Trung Quốc)

Cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên của con cái. Chính từ gương sáng và lời dạy bảo của cha mẹ mà con trẻ học hỏi một nhân cách sống để nên người, có ích cho mình và cho xã hội.

IV. DIỄN GIẢI

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc hiếu học. Từ ngàn xưa cho đến nay việc học luôn là mối quan tâm hàng đầu của hầu hết mọi gia đình, dòng tộc. Bởi vì “nhân bất học, bất tri lý” (Tam Tự Kinh) nghĩa là con người không học không thể thực hiện được đạo lý của cuộc sống làm người. Và học để thăng tiến con người: “không thành danh cũng thành nhân”, không có công danh gì trong xã hội thì cũng nên người.

Muốn con thành người, văn hay chữ tốt thì phải trọng thầy, tìm thầy cho con. Bốn câu lục bát sau đây diễn tả mối quan tâm của bà mẹ nghèo đãm đang, vượt mọi nghịch cảnh tìm cho được người thầy – mẫu mục về đạo đức và tri thức - để dạy con thành người:

"Bồng bồng mẹ bế con sang
Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo
Muốn sang thì bắc Cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy"

Vì đò dọc, đò ngang không có, người mẹ phải cố gắng bắt cầu cao, (“kiều”, tiếng cổ còn có nghĩa là cao) cho con vượt sông, tức là vượt mọi khó khăn tìm thầy để con học kiến thức và đạo đức của người thầy mà nên người.

Bốn câu lục bát nầy nói lên ý nghĩa tôn sư trọng đạo, tôn trọng, yêu kính người thầy và học theo đạo lý thầy dạy của tộc chúng ta vậy.

Người xưa quan niệm “tầm sư học đạo”, tìm thầy không chỉ để học chữ nghĩa văn chương mà còn học đạo lý của thánh hiền: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Lễ ở đây, theo tâm thức của người xưa cũng như nay, là lễ nghĩa, là quy luật sống, là đạo lý làm người, là lối sống xứng với nhân phẩm con người (Theo Gs. Trần Văn Đoàn, Đại Học Quốc Gia Đài Loan, Lễ Nghĩa Trong Nền Đạo Đức Khổng Mạnh, catholic.org.tw). Vai trò của người làm thầy chính vì thế mà được xã hội kính trọng và tôn vinh, được xếp hàng thứ hai sau vua và trước cả người cha (quân, sư, phụ). Câu “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ cũng là thầy, nữa chữ cũng là thầy) cũng là để nói lên lòng kính trọng đối với người làm thầy…

Vì học vấn chính là chìa khoá để mở cửa vào tương lai cho con cái nên các bậc cha đều quan tâm lo lắng về tương lai con cái mình, qua việc chạy đôn, chạy đáo tìm trường, tìm thầy cho con học hành để một mai được công thành, danh toại.

Thế nhưng, vấn đề đặt ra cho ngày hôm nay là các bậc phụ huynh thường chú trọng đến việc thành đạt mà thiếu đặt nặng yếu tố rất quan trọng là đào tạo nhân cách cho con em mình. Chính nhân cách đạo đức mới là nên tảng cho cuộc đời của chúng sau nầy. Bởi vì xã hội băng hoại không phải vì thiếu nhân tài, nhưng là vì thiếu những người có nhân cách và đạo đức. Đại Tướng Omar Bradley trong thế chiến thứ II đã từng nói về vấn đề nầy như sau: “Chúng ta đã nắm bắt được bí mật của nguyên tử nhưng lại khước từ “Bài Giảng Trên Núi”. Thế giới đã đạt đến sự tiến bộ khoa học nhưng lại đánh mất lương tri của con người. Thế giới ngày nay là một anh chàng khổng lồ với năng lượng hạt nhân, nhưng chỉ là trẻ sơ sinh về mặt đạo đức”.

Cha mẹ nhận lãnh từ Thiên Chúa sứ mạng sinh sản và giáo dục con cái mình theo đường lối của Chúa. Trách nhiệm của cha mẹ là làm sao cho con cái nên người. Điều nầy đòi hỏi các cha mẹ Kitô hữu phải cố gắng ưu tiên rèn luyện cho con cái mình một nhân cách tốt lành, theo mẫu gương tốt lành và nhân từ của Chúa Giêsu, để tương lai của chúng được tốt đẹp, đồng thời góp phần kiến tạo một xã hội theo nền “văn minh tình thương” (ĐTC Giaon PhaolôII). Xây dựng nhân cách nơi một đứa trẻchính là dạy cho con cái những nguyên tắc hành xử một cách đạo đức,theo chuẫn mực đạo đức, để con em chúng ta tự mình ứng phó với mọi hoàn cảnh trong cuộc sống của chính mình. “Lời truyền dạy đó phải nhắm đưa tới đức mến phát xuất từ tâm hồn trong sạch, lương tâm ngay thẳng và đức tin không giả hình” (1Tm 1,5).

Chính vì thế, ngoài việc giao phó con em mình cho những thầy, cô, có tâm huyết, các bậc cha mẹ cần phải nổ lực hết mình trong việc đào tạo nền tảng nhân cách đạo đức cho con em mình, qua việc dành thời giờ gần gủi với chúng, lớn lên với chúng về mặt thể lý cũng như tinh thần, để kịp thời uốn nắn, sửa chữa những khiếm khuyết trong giai đoạn hình thành nhân cách của chúng.

Nhờ được nuôi dưỡng trong môi trường đạo đức, được học hỏi gương sáng từ cha mẹ, con trẻ biết cách thích ứng với mọi tình huống cuộc sống, bằng tấm lòng nhân từ, yêu thương, nhân hậu, trung thực, vị tha, được hấp thự từ Chúa Giêsu, qua mẫu gương của cha mẹ, gia đình. Nhân cách đạo đức giúp chúng biết nhận ra trong thành công của mình có sự góp sức của nhiều người để biết ơn và chia sẻ với người khác; nhất là khi thất bại, biết khiêm tốn học hỏi và vượt khó, tiến lên. Biết nhận ra đâu là cám dỗ, cạm bẫy, để can đảm khước từ. Nói chung, biết sống với tha nhân như người người con cùng một Cha trên trời.

Thực tế ngày nay cho thấy các cha mẹ thường chỉ chú trọng mức độ thành tài của con cái mình, để có công danh sự nghiệp, thành đạt trong xã hội sau nầy…mà ít chú trọng đến việc làm sao cho con em mình được phát triển về mặt đạo đức, hay nếu có chăng thì chỉ cho đó là chuyện phụ thuộc, để rồi nuối tiếc về sau!

Tiếp tay với cha mẹ, thầy cô, còn có các vị mục tử mà nhiệm vụ đặc biệt của các ngài là chăm sóc đàn chiên. Mỗi họ đạo là một gia đình lớn. Mối quan tâm lớn nhất của người chủ gia đình thiêng liêng phải là làm sao cho thế hệ tương lai được phát triển cả về kiến thức lẫn đời sống đạo đức.Làm sao để con trẻ cảm nhận và sống thân tình với Chúa Giêsu, sống có Chúa trong cuộc đời. Chính nhờ việc học giáo lý một cách linh hoạt, sống động, việc đón nhận ân sủng các Bí tích một cách trang trọng, sâu lắng theo độ tuổi của các em, và việc chuyên cần học hỏi, sống Lời Chúa, mà đức tin của chúng ngày càng được định hình. Thiếu một trong hai nổ lực trên, việc đào tạo con em chúng ta sẽ khiếm khuyết trầm trọng: hoặc có đức mà không có tài (khả năng), chỉ sống tốt cho mình mà khó giúp được người khác; hoặc tệ hại hơn, có tài (khả năng) mà không có đức, dẫn đến những hành động gây nguy hiểm cho bảøn thân và cộng đồng xã hội một cách sâu rộng.

Để xây dựng đời sống người tín hữu từ lúc nhỏ đến khi trưởng thành được phát huy đúng mức, chúng ta dựa theo truyền thống hiếu học đạo lý của dân tộc để thúc đẩy con em chúng ta ngày càng phát triển về mặt đạo đức cũng như kiến thức, như Thư Mục Vụ của HĐGMVN nhận định: “Đặt vấn đề giáo dục Kitô giáo tại Việt Nam có nghĩa là đặt vấn đề phát huy truyền thống văn hóa Việt Nam” (TMV s ố 37).

Xin Chúa giúp sức chúng con, các cha mẹ, các thầy cô, các mục tử trong công trình giáo dục con em chúng con nên người theo chương trình mà Chúa mong muốn. Amen.

KIỂM ĐIỂM

  1. Có nghĩ đạo là văn hoá của Âu không thể xâm nhập vào văn hoá Á. Có nghĩ như thế không?
  2. Có nhận biết Đạo Chúa, đạo chung cho nhân loại, cho nên vẫn thích hợp cho mọi nơi, mọi dân tộc.
  3. Dầu sao, con người vẫn tự do. Giáo dục (dạy đạo) không áp đặt, nhưng khuyến khích, đề nghị. Cũng không mặc cảm hay tự phụ, mà giúp con người phát huy văn hoá của mình để nên hoàn thiện.

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Giáo Hội được Chúa Giêsu quy tụ từ nhiều dân tộc, nhiều nền văn hoá khác nhau. Khi càng phát huy sắc nét văn hoá của dân tộc mình, thì Giáo Hội càng trở nên phong phú. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện cho mọi người:

  1. Chúa phán: “Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn lề luật”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, luôn làm phát huy các truyền thống tốt của văn hoá dân tộc mình, cho danh Chúa hiển sáng.
  2. Chúa phán: “Các con phải ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu biết phát huy các truyền thống văn hoá phù hợp với văn hoá Kitô-giáo, cho mọi người nhận biết Chúa Kitô.
  3. Chúa phán: “Phần Thầy, Thầy bảo anh em: Hãy yêu kẻ thù”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu phát triển văn hoá bác ái Kitô-giáo, cho mọi người biết yêu thương nhau, và cho thế giới được hoà bình.
  4. Chúa phán: “Tại sao các ông dựa vào truyền thống các ông mà vi phạm điều răn của Chúa”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, vừa phát huy các truyền thống văn hoá dân tộc mình, vừa biết chu toàn luật Chúa.

Kết thúc: Lạy Chúa là Đấng tạo thành mọi vật thật tốt đẹp. Xin cho chúng con biết nhận ra thánh ý Chúa trong hết mọi sự, và cùng với Thánh Thần Chúa, chúng con làm phát triển các truyền thống văn hoá các dân tộc hợp với ý Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

GIÁO DỤC ĐỨC TIN TRONG GIA ĐÌNH VIỆT

Dân tộc Việt Nam có hơn 4000 năm văn hiến, và cũng có thể nói dân tộc này đã có một bề dầy truyền thống mà không phải dân tộc nào cũng có được. Với truyền thống đó, dân tộc Việt Nam hãnh diện sánh vai cùng bạn bè năm châu mà không mất đi bản sắc dân tộc mình, một dân tộc hiếu học, trung nghĩa, tôn sư trọng đạo và đậm đà truyền thống gia đình. Có thể thấy được điều này một cách dễ dàng qua những câu ca dao, tục ngữ là kết tinh của truyền thống cha ông để lại cho con cháu. “Ầu ơ mười hai giờ kiểng đổ nhà thờ, Sao anh không học đặng nhờ tấm thân”, “Chẳng tham ruộng cả ao liền, chỉ tham cái bút, cái nghiên anh đồ” hay câu “Dốt kia thì phải cậy thầy,vụng kia cậy thợ thì mày làm nên”… đã nói lên truyền thống văn hoá lâu đời của dân tộc Việt Nam.

Trong thư mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam số 37 viết về vấn đề giáo dục đức tin cho người Việt Nam như sau: “Vì luôn là một sinh hoạt gắn liền với một không gian nhất định, giáo dục phải được liên kết với truyền thống văn hoá của không gian ấy…”. Vì thế, trong khi thi hành nhiệm vụ là Mẹ và Thầy, Giáo hội mà đặc biệt là Giáo hội Việt nam phải đặc biệt lưu ý tới truyền thống văn hoá của dân tộc Việt. Trong phạm vi bài viết này xin được khai mở nơi khía cạnh giáo dục đức cho dân tộc Việt nam là dân tộc có bề dầy truyền thống gia đình.

Gia đình, ông bà tổ tiên là yếu tố quan trọng làm nên con người Việt: "Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn đạo hiếu mới là đạo con". Vì vậy, khi rao giảng Tin mừng cần lưu ý tới sự tôn ty trật tự trong gia đình, trật tự này đã được Nho giáo “thiết lập” trước khi Kitô giáo được truyền vào Việt Nam. Thật là một thuận lợi khi người Việt nam đã có những quan niệm về ông Trời, về sự bất tử của linh hồn của những người đã khuất… Khi đạo Công giáo truyền vào Việt nam đã biết phát huy những điểm thuận lợi này mà làm cho Tin mừng được lan rộng trên mảnh đất hình chữ “S” này.

Ngày nay, gia đình nhiều thế hệ ở đất nước chúng ta vẫn còn khá phổ biến, đặc biệt nơi các vùng nông thôn, nơi mà con cháu có thể học hỏi truyền thống của cha ông một cách rõ ràng qua cách sống, cách tương quan với xã hội, với tôn giáo… nói một cách nào đó, cái đức mà cha ông để lại cho con cháu chính là gương sống tốt, tạo ảnh hưởng tốt cho con cái mai sau. Khi giáo dục đức tin cho người tín hữu đòi hỏi các nhà giáo dục đức tin nên lưu tâm một cách đặc biệt đến vai trò làm gương trong đời sống gia đình. Con cháu sẽ không thể có một mẫu gương cụ thể nào nếu những người gần gũi, những người trong gia đình, những thế hệ đi trước không là những tấm gương tốt.

Nằm trong vùng văn hoá Á Đông, dân tộc Việt mang nặng tính cách hiền hoà, nặng tình cảm nên việc truyền bá đức tin cũng đòi hỏi phải được đi vào trong tâm chứ không phải chỉ trên trí hiểu. Đức Tin vào Thiên Chúa phải được đi vào trong dòng sống của dân tộc, một Thiên Chúa gần gũi với dân tộc Việt, với gia đình Việt thì như thế Tin mừng của Thiên Chúa mới có thể triển nở cách mạnh mẽ trên quê hương đất nước chúng ta.

VII. HỌC KINH THÁNH

BÀI 35: NGÔN SỨ AMOS VÀ OSÊ

Đây là hai ngôn sứ đã viết đầu tiên, nghĩa là hai vị này đã để lại những lời sấm và giáo huấn của họ qua những quy?n sách mang tên họ.

Cả hai vị ngôn sứ nầy có nhiều điểm giống nhau, vì sứ mạng của họ đều ở Vương quốc Israel (miền Bắc) vào khoảng năm -750.

1/ Cuộc đời của Amos

Amos sống nghề chăn nuôi tại Têcôa, cách Bêlem 9 cây số về phía Đông Nam. Người miền Nam nên ông không thích những vấn đề ông gặp ở miền Bắc, ông nêu chúng ra và tố cáo. Là người thôn quê nên ông chướng tai gai mắt trước cảnh phồn vinh của Bêthel và Samaria. Ông càng khó chịu khi kẻ giàu có sống sa đọa, phung phí còn người nghèo lại phải sống trong lầm than cơ cực.

2/ Sứ điệp của Amos

- Ông tố cáo những người có quyền có của xử án bất công, bốc lột người nghèo để sống giàu sang phè phỡn (Am 4, 1-12; 6, 1-7; 8, 4-6).

- Rao truyền nền đạo đức sùng kính nội tâm: điều đẹp lòng Chúa không phải là sát tế nhiều chiên bò, nhưng là thực hành công bình và bác ái (4, 4-5; 5, 14-15. 21-27).

3/ Cuộc đời của Osée

Người ta không biết rõ ông sinh năm nào, nhưng có lẽ cùng thời với Amos. Ông gốc miền Bắc và thi hành sứ mệnh tại miền Bắc. Ông cũng lên tiếng nói với những hạng người mà Amos tố cáo. Tuy lời chỉ trích của ông rất đúng và mạnh mẽ nhưng được nói lên với lòng yêu thương và cảm tình rõ rệt.

4/ Sứ điệp của Osée.

Điểm độc đáo nơi Osée là ông gặp cảnh “éo le” trong đời s?ng hôn nhân để từ đó ông cảm nghiệm được sự “cay đắng” qua việc dân Israel phản bội Thiên Chúa Giavê mà thờ các tà thần dân ngoại. Ông cưới cô Gôme, một cô gái điếm, cô đã sớm bỏ ông. Ông vẫn yêu cô ấy và tìm kiếm đưa cô trở về. Qua đó giúp ông nhận thức thảm kịch Israel từ bỏ Thiên Chúa. Israel là bạn trăm năm của Thiên Chúa, nhưng họ đã thất trung chạy theo các tà thần dân ngoại, tuy nhiên Thiên Chúa vẫn luôn tìm kiếm, cứu vớt đem họ về với Ngài.

Ông là nguời đầu tiên dám so sánh tình Chúa thương dân Ngài với tình yêu vợ chồng. Chúa Giêsu đôi lần cũng dùng cách so sánh nầy. Thánh Phaolô cũng triển khai đề tài nầy (x. Eph 5, 21- 32).

Lời Chúa: “Vì Ta muốn tình yêu chớ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là đựơc của lễ toàn thiêu” ( Os 6, 6).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết nương tựa vào Chúa để không vấp ngã; và nếu lỡ vấp ngã thì mau mắn chỗi dậy để tiếp tục bước đi. Amen.

VIII. SỐNG ĐẠO

MÙA VỌNG

Hòn Vọng Phu có tượng đá hình thiếu phụ mãi nhìn xem trời biển, trông chồng ngoài chiến trận trở về. Bốn Chúa Nhật Tháng 12, Hội thánh cũng muốn chúng ta ước mong, gặp gỡ, giao tiếp và kết hợp với Chúa.

Đối với Chúa, chúng ta mặc dầu tôn thời Chúa, có nói được chúng ta là những vọng phu không?

Tôn thờ thì có tôn thờ, cũng đọc kinh xem lễ, cũng như giữ luật Chúa. Vì Chúa dựng nên tôi, nên tôi hoàn toàn lệ thuộc Chúa, lẽ phải đòi buộc tôi tôn thờ Chúa, không thờ Chúa, Chúa có thể phạt ngay đời này.

Tôn thờ Chúa để có thể ngay đời này Chúa ban cho tôi được may mắn, sống khoẻ mạnh giàu sang.

Hoặc tệ hơn nữa có hạng người bề ngoài thờ Chúa nhưng bên trong thì thờ tửu, sắc, tài, khí: bốn bức tường vây hãm con người. Họ nghĩ “tứ đổ tường” lại hạnh phúc cho con người.

Nhưng dưới đời có chi làm cho con người được hạnh phúc hoàn toàn. Phúc đời tạm thì không đầy đủ và không vĩnh cửu. Tửu sắc kéo dài thì sinh chán nản và dĩ nhiên không trường tồn. Chỉ có Chúa mới là thiện hảo tuyệt đối. Gặp Chúa, kết hợp với Chúa mới được hạnh phúc chân thật và vĩnh cửu.

Chúng ta cũng biết mục đích tối chung (sau hết) của con người là kết hợp với Chúa. Sách giáo lý đã bảo: Chúa dựng nên con người để thờ phượng kính mến Chúa và hưởng phúc đời đời. Kết hợp là hiệu quả và càng có thể nói là nguyên nhân của thờ phượng, yêu mến và hạnh phúc.

Mặc dầu Chúa ở trong ta (ai không tội trọng sau Rửa tội thì Chúa vẫn ở trong ta và ta là đền thờ Chúa). Nhưng giữ đạo thì chúng ta không mấy khi nhớ Chúa trong tâm hồn.

Tháng 12, Mùa Vọng là mùa nhắc nhở, thúc đẩy chúng ta nhớ Chúa trong tâm hồn chúng ta, giúp chúng ta khát vọng tìm gặp Chúa, giao tiếp với Chúa và kết hợp với Chúa.

Khát vọng Chúa như khát vọng người tình, người yêu, xem như khởi điểm, nhưng thực đúng là nền tảng cho cuộc kết hợp với Chúa, là mục đích Chúa chỉ định và là hạnh phúc thật cho con người.

LỄ GIÁNG SINH

Lễ Giáng Sinh cũng thường gọi là lễ Sinh Nhật: Mừng ngày Chúa sinh ra nơi trần thế.

Bên Âu, dân chúng kể lễ này là trọng nhất vì dân chúng dùng cả tháng để dọn lễ. Còn chính trong ngày lễ, gia đình, dòng tộc quy tụ nhau, dự buổi dạ tiệc “réveillon” rất linh đình.

Ngay ở Việt nam chúng mình, ít ra giới khá giả, dẫu là người lương cũng tổ chức réveillon vui đẹp!

Còn đối với chúng ta là tín hữu tôn thờ Chúa, Lễ giáng sinh có gợi lên cho chúng ta những tâm tình tốt đẹp hay cũng “vui nhậu” như toàn dân thiên hạ?

Đúng ra Lễ Giáng sinh là một Lễ Trọng, mặc dầu không trọng hơn lễ Phục sinh hay Lễ Hiện xuống… Lễ Giáng sinh nhắc chúng ta tất cả các mầu nhiệm của đạo: Chúa tạo dựng, Chúa Ba Ngôi, Chúa tái tạo cứu chuộc và các mầu nhiệm khác….

Chúa giáng sinh: nhập thể, nhập thế để nên giống chúng ta, gần chúng ta, nhất là để cứu chuộc chúng ta. Chúa mang lấy xác thể mới có thể tử nạn, để đền tội lỗi chúng ta, để gần chúng ta, dạy dỗ và làm gương cho chúng ta. Chúa giáng trần và tử nạn để tỏ tình thương yêu vô hạn. Tình yêu của Chúa vô cùng.

Lễ để nhớ thôi sao? Vui lễ mà chính Chúa là niềm vui, là nguồn vui chúng ta lại bỏ quên. Ít ra chúng ta phải đón tiếp Chúa. Dĩ nhiên phải có tâm hồn trong sạch. Khi chịu lễ, cảm xúc Chúa vào ngự trong lòng và giữ lâu dài (ăn uống với Chúa, làm việc với Chúa…)

Không những đón tiếp, kéo dài sự hiện diện của Chúa mà cũng nên nương nhờ Chúa trong tất cả mọi sự. Vì thật ra không có việc nào trong đời mà không nhờ ơn Chúa.

Lễ giáng sinh, xin cho chúng ta biết đón tiếp Chúa, giữ Chúa trong tâm hồn và nương nhờ Chúa trong các hành vi của cuộc sống.

SUY NIỆM VỀ TÌNH YÊU

Chúa là Tình Yêu. Các việc tại ngoại đều do tình yêu. Cũng do tình yêu, Chúa tạo dựng con người, cho con người có tình yêu; không yêu không còn phải là con người. Chúa cũng chỉ định mục đích tối chung của con người là kết hợp với Chúa, đó là hiệu quả của tình yêu.

Các điều luật của Chúa tóm qui về 2 điều: Kính mến Chúa và yêu người.

Trong cuộc sống đạo của chúng ta, chúng ta có nghĩ đến khởi điểm và cùng đích của đời mình không? Nghĩa là có suy nghĩ đến tình yêu không?

Thánh Tôma đã định nghĩa: Yêu là muốn sự lành cho người mình yêu. Chúng ta suy nghĩ về tình yêu của Chúa. Tình yêu nội tại nơi bản thể Chúa là Ngôi Ba, là một mầu nhiệm cao siêu mà những nhà thông thái, thần bí tìm hiểu; còn chúng ta đơn thường nên cảm nghĩ về tình Chúa thương chúng ta.

Thương không phải chỉ “Muốn sự lành, điều lành thôi…mà Chúa “CHO” tất cả cho chúng ta. Chúa cho chúng ta hữu thể, nghĩa là cho chúng ta có, không phải mãi là không không.

Đặc tánh của hữu thể chúng ta là gồm mọi yếu tố căn bản của vũ trụ: Vật vô tri, ngũ hành (Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả , Thổ) và vật có sống: cây cỏ, vật có cảm giác: cầm thú… Trên vật vô tri, Chúa lại ban cho con người có linh tính hữu tri, nghĩa là có hiểu biết, có thương yêu.

Nhờ đó chúng ta đại diện các loài vô tri, hướng về Chúa, biết mình lệ thuộc về Chúa. Hơn nữa, Chúa còn siêu hoá bản tính tự nhiên…cho con người có được cái biết như Chúa biết, thương cái thương như Chúa thương. Cái biết cái thương như thế là giống với chính sự sống của Chúa. Chúng ta thường gọi là sự sống siêu nhiên, đó là con người không chỉ hướng về Chúa, hoàn toàn tuỳ thuộc Chúa mà còn được phần nào kết hiệp với Chúa.

Đó là hiệu quả của tình yêu, điểm cao vời nhất mà con người lãnh nhận nơi Chúa, để phần nào đáp lại tình Chúa yêu. Đó cũng là mục đích tối chung của con người, là hạnh phúc tuyệt đối con người đón nhận nơi Thiên Chúa.

Trong công trình tạo dựng chúng ta thấy được tình Chúa thương. Chúa là tình yêu, nhưng Chúa đâu chỉ yêu thương có thế thôi. Ngài là tình yêu và là tình yêu vô cùng!

Qua công trình tái tạo cứu chuộc chúng ta càng phải bỡ ngỡ hơn nữa. Khi tạo dựng từ hư vô, Chúa ban cho hữu thể và hữu thể có những phần tốt đáng Chúa thương, có khả năng đáp ứng tình thương. Nhưng nguyên tổ đã phá đổ chương trình của Chúa.

Trong chương trình tái tạo, Chúa thể hiện tình yêu tuyệt vời vô cùng, con người không thể hiểu nổi. Chúa yêu những người không đáng yêu, yêu người thù địch, yêu người làm hại mình, khinh thị mình, giết mình và muốn tiêu diệt mình.

Chúa không những vì yêu mà cả đời vác thánh giá, rốt cuộc bước vào đường tử nạn, chịu đánh đòn, chịu đội mão gai, chịu đóng đinh vào thập giá và chết tức tưởi vì yêu.

Dưới đời, từ cổ chí kim có ai vì yêu mà chịu chết như thế. Tình yêu bao la của Thiên Chúa, tình yêu vô cùng của Chúa tình yêu.

Chúng ta có nghĩ đến tình yêu của Chúa không? Tình yêu của Chúa là cho ta tất cả, không cho bản tính Chúa được thì Chúa lại mang bản tính của con người để tận hiến cho tình yêu.

Chúng ta thờ Chúa nhưng có yêu Chúa không? Có đáp lại tình yêu? Có chịu khó nhọc để tỏ lòng yêu Chúa và có sẳn sàng chết vì tình yêu?

Đời sống đạo của chúng ta còn rất kém!

Cảm nghĩ về TÌNH YÊU CỦA CON NGƯỜI

Chúa là tình yêu, tạo dựng con người là vật thọ tạo và ban cho con người có tình yêu, nhưng diễn tiến của tình yêu nơi con người có phần khác.

Chúa dựng nên nguyên tổ có nam, có nữ và Chúa ban cho nam nữ có tính năng thu hút nhau (âm dương tương thôi). Nam ưa nữ, nữ ưa nam mà bề ngoài có vẻ e thẹn; nhưng e thẹn là để thu hút. Qua thời gian tiếp xúc thì cảm thấy mình thiếu sót, mong được bổ túc. Mong được bổ túc là muốn cho những thiện hảo của đối phương làm của mình, nói được là bắt đầu thương yêu. Nếu cả hai quên mình, cho những chi mình có cho người yêu và nếu cả hai đều có ý như thế, thì đúng là tình yêu hiếnthân. Gặp được tình yêu hiến thân đúng là hôn nhân hạnh phúc.

Chúng ta vẫn biết: bổ túc cho nhau là điều cần để hợp nhau, vui sống với nhau. Không phải dễ! Bổ túc cho cái gì thiếu. Có những cái cho người khác lại không cần; còn những cái họ cần thì mình lại thiếu. Sau một thời gian sống chung thấy không thích hợp, có thể sinh ra chán nản, đi tới tình trạng ly dị.

Người ta hay nói “giai ngẫu tự thiên thành”, Trời ban mới được tốt đôi đã đành, mà chính con người cũng phải cộng tác để vượt qua những khác biệt, dung hoà những thích hợp để sau cùng đạt kết quả liên kết với nhau nên một.

Tình yêu hiến thân gặp được tình yêu hiến thân thì gia đình mới đạt hạnh phúc. Cho được hạnh phúc thì đòi phải khổ nhọc, tranh đấu với chính mình, chịu khó diệt trừ những khác biệt nơi mình, đón nhận khác biệt của người bạn, lại cố gắng dung hoà những thiện hảo bổ túc cho nhau. Đó là tình yêu trong hôn nhân, để truyền sinh và lãnh trách nhiệm nuôi dạy con cái.

Nhưng tình yêu đâu phải chỉ trong gia đình. Tình yêu của Chúa rộng rãi, bao quát, không phải “cho” thôi mà còn hiến thân, chịu khó nhọc, chịu chết cho người Chúa thương. Mà Chúa thì thương mọi người!

Chúng ta thương Chúa mà cũng phải thương mọi người, vì tình thương Chúa đã ban cho chúng ta phải giống tình thương của Chúa. Không nên loại ra khỏi tình yêu những hạng người mình không thích, người thù mình, làm hại giết mình….

Đúng ra, chúng ta không có quyền ghét hận bất cứ ai. Tình của chúng ta phải ôm ấp tất cả mọi người. Không ai yêu Chúa mà lại không yêu người. Ai không yêu người thì không phải yêu Chúa. Yêu người như Chúa yêu, thì cũng phải sẳn sàng chịu khổ và chịu hết vì người. Yêu thiệt để như tình yêu bao la vô cùng của Chúa. Yêu ?

IX. MỤC VỤ THIẾU NHI

NÉT ĐẸP TRONG ĐỜI

Ngày nay, tôi nghe nói nhiều về hai chữ “văn hóa” nhưng tôi không hiểu rõ văn hoá là gì. Tôi cũng không muốn tốn nhiều thời giờ để tìm cách định nghĩ văn hoá là chi. Bởi đến nay con người chưa có một định nghĩa thống nhất về văn hoá kia mà. Tôi chỉ hiểu cách nôm na văn hoá là nét đẹp trong đời mà con người cần phải duy trì và phát huy.

Sống có trước có sau, có cội có nguồn. Đó là tư cách của người chịu ơn và biết ơn. Việc thờ kính tổ tiên không còn là chuyện mê tín nhưng là cơ hội để con người bày tỏ lòng mình với người đã khuất. Cha mẹ sinh ra tôi, nuôi tôi khôn lớn, hy sinh cho tôi đó là điều chắc chắn. Vậy dù có tôn giáo hay không tôn giáo tôi phải biết ơn cha mẹ tôi. Do đó cần có những buổi lễ để anh em họ hàng họp mặt chung vui. Người có lòng biết ơn thật sự là biết chăm lo khi cha mẹ còn sống, lo cầu nguyện, giỗ tế, mả mồ khi cha mẹ qua đời. Đó là tập quán hay vì nó giáo dục con người phải sống xứng đáng với cha ông, phải làm cho cha ông vẻ vang.

Hổ chết để da, người ta chết để tiếng. Tiếng để lại cho người sau đó là tiếng tốt, tiếng thơm. Đó là những phẩm chất thuộc về chính bản thân chứ không vay mượn ở nơi khác. Chính vì thế mục đích của giáo dục là xây dựng cho con người ý thức được về giá trị của cá nhân mình. Khi nói phải nói lời hay, lời đẹp, nói có văn hoá chứ không “văng tục”. Hành động luôn thể hiện tình thương chứ không phải “đả thương”. Những giá trị cá nhân có thể thâu tóm trong quan niệm vươn lên bằng chính tài năng, thể lực, học vấn , đạo đức để giành lấy sự thán phục của nhiều người.

Tôi vẫn thấy cuộc sống quanh ta có biết bao nét đẹp. Từ lời nói, cử chỉ, ăn mặc, cách ứng xử đòi hỏi con người phải biết gìn giữ và phát huy. Chúng ta đang ở vào thời đại mới, mọi thứ như cần phải được cấu trúc lại cho ăn khớp với nhau. Ta không thể khư khư giữ lấy cái cũ mà tự hào “đồ cỗ giá cao”. Ta cũng không thể giữ nguyên cái xưa rồi khoác lên nó một bộ áo hiện đại. Cần có sự kết hợp giữa cái bản địa và cái mới. Có khi chấp nhận ngoại lai mới tạo được đồ vật thích hợp với thế giới. Vì thế giới không chỉ riêng một quốc gia nào.

Con người phải trải qua thời gian đào luyện mới trở thành người tốt. Bản sắc văn hóa cũng cần trải qua một quá trình lắp ghép, nhào nặn mới trở thành cái gì độc đáo không Tàu không Tây nhưng cũng rất hiện đại. Để bảo vệ văn hoá ta cần nhận diện nói là văn hoá gì, cái mới của nó ở đâu, nhược điểm của nó là gì? Từ đó mới định dạng một lối sống mới mẻ mà không làm mất đi nét đẹp truyền thống đã có xưa nay.

X. MỤC VỤ GIỚI TRẺ

GÌN GIỮ GIA SẢN

Bất cứ dân tộc nào đều có những truyền thống tốt đẹp riêng. Những truyền thống tốt đẹp ấy giúp ích nhiều trong việc hình thành nhân cách con người. Dân tộc Việt nam ta cũng có nhiều truyền thống văn hoá dân tộc cần được thế hệ con cháu phát huy và gìn giữ.

“…Dân tộc chúng ta luôn tự hào về tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo. Truyền thống ấy nếu trong quá khứ đã góp phần làm phong phú nền văn hóa Việt Nam và sản sinh những danh nhân làm vẻ vang đất nước, thì nay phải trở thành một trong những tiêu chí của nền giáo dục Kitô giáo tại Việt Nam” (Thư chung HĐGMVN năm 2007)

Đúng vậy, ta thường nghe nói: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều – Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy” hay “Khôngthầy đố mày làm nên”. Ta không thể thành người tốt và có ích cho nhau nếu ta không biết tìm tòi học hỏi. Tìm tòi học hỏi những điều hay lẽ phải nơi những người đi trước.

Một trong những nét truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc Việt nam chúng ta là tôn trọng chữ Hiếu. Bởi lẽ, “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…”. Con cái trả hiếu cho ông bà cha mẹ qua việc gìn giữ những gia sản tốt đẹp mà các ngài để lại.

Gia sản tốt đẹp ấy là tinh thần gắn bó với quê hương đất nước qua việc gìn giữ và bảo vệ môi trường sống sạch đẹp bên trong lẫn bên ngoài.

Gia sản tốt đẹp ấy là biết kính trên nhường dưới, sống hoà thuận thương yêu nhau từ trong gia đình đến bên ngoài xã hội.

Gia sản tốt đẹp ấy là tinh thần vượt khó không ngại khó khăn thử thách.

Cách riêng với người Công giáo, gia sản tốt đẹp ấy là đời sống đức tin mạnh mẽ vào Chúa. Dám hy sinh cả mạng sống để bảo vệ đức tin…

Là người trẻ Việt nam, chúng ta hãy tiếp tục gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp mà cha ông đã để lại. Đó là chúng ta đang trả hiếu cho các ngài.

XI. MỤC VỤ ƠN GỌI

TRẢ LẠI NỀ NẾP GIA ĐÌNH

Ngày nay, các truyền thống trong gia đình đang bị “đánh cắp” một cách tinh vi. Những truyền thống đơn sơ nhưng rất hữu hiệu trong việc giáo dục gia đình đang được thay thế. Những bữa cơm gia đình giờ đây không còn nhiều gia đình giữ nữa. Những giờ kinh sáng tối được thay thế bằng những phương tiện giải trí, đi chơi với bạn bè hay đi học…

Cuộc sống càng phát triển nhu cầu hưởng thụ của con người càng cao những bữa cơm gia đình càng ít. Bữa cơm gia đình là nơi cha mẹ, con cái thân tình bên nhau. Nơi đó cha mẹ có thể chia sẻ cho nhau công việc làm ăn. Cũng nơi đó cha mẹ nhắc nhở con cái từ việc học hành cho đến cách sống. Thế nhưng, giờ đây những bữa như vậy không còn, vì cha mẹ còn bận việc; con cái lo học hành hay đi chơi với bạn bè. Chính nơi có thể dễ dàng chia sẻ và cảm thông không còn, những khó khăn trong gia đình rất dễ đưa đến những rạn nứt to hơn vì không có sự lắng nghe nhau.

Các phương tiện giải trí càng nhiều, đòi hỏi được hưởng càng lớn, những giờ kinh sáng tối trong gia đình càng bị đánh mất. Thay thế cho những giờ mà cha mẹ và con cái ngồi trước bàn thờ của gia đình để cầu nguyện là những chương trình TV không thể bỏ được. Ngay cả người là cha, làm mẹ cũng sẵn sàng bỏ giờ ấy (thôi hôm nay nghỉ một bữa vì phim hay qua, rồi ngày qua ngày cứ bỏ thì một ngày nào đó đáng mất luôn). Cha mẹ bỏ, con cái cũng bỏ những câu kinh sáng tối thưa dần trong xóm đạo.

Không những truyền thống trong gia đình bị đánh mất, mà ngay cả những truyền thống tốt đẹp nơi cộng đồng Họ đạo cũng bị lấy đi. Những giờ mà họ đạo quây quần bên đài Đức Mẹ, đài Thánh Giuse đâu còn nữa. Những phong trào sinh hoạt Thiếu nhi (điều mà Giáo phận đang muốn cũng cố) cũng không thể thực hiên được vì ngày nay các em hầu như đi học suốt tuần kể cả ngày Chúa nhật, rồi học thêm, học bù. Những giờ giáo lý cũng ít dần.

Nguyên nhân của những việc trên là ngày nay các em đi học rất nhiều. Học thêm đủ thứ, học bù tùm lum. Rồi cha mẹ cũng ít quan tâm đến việc giáo dục đức tin cho con cái bằng những truyền thống kia.

Bắt đầu từ gia đình không có được những truyền thống tốt đẹp, Họ đạo mất dần những phương thế hữu hiệu trong việc đồng hành với các em phải chăng việc vun trồng ơn gọi tương lai đang gặp những khó khăn. Ai cũng thấy được khó khăn nhưng để có thể giải quyết thật không phải dễ chút nào! Một mình Cha sở - người ươm trồng ơn gọi-không chưa đủ mà cần sự cộng tác từ rất nhiều phía: gia đình, những người thiện chí, các đoàn thể trong Họ đạo… Mỗi người mỗi đoàn thể phải ý thức bắt nguồn từ những truyền thống đơn sơ nơi gia đình, đoàn thể và Họ đạo. Từ đó giúp cho mầm ơn gọi tương lai gắn kết nhiều hơn với gia đình, đoàn thể trong Họ đạo và Họ đạo là nơi mà họ mục vụ sau này.

XII. MỤC VỤ QUỚI CHỨC

Tìm hiểu SẮC LỆNH TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN

Chương IV: Các Phương Thức Hoạt Động Tông Đồ

18. Tầm quan trọng của việc tông đồ tập thể

Với tư cách cá nhân, người Kitô hữu được mời gọi hoạt động tông đồ trong những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống. Tuy nhiên họ nên nhớ rằng con người, tự bản chất đã có xã hội tính., và Thiên Chúa đã vui lòng tập hợp, những người tin vào Chúa Kitô thành dân Thiên Chúa (x. 1P 2,5-10) và kết hợp họ thành một thân thể (x. 1Cor 12,12). Vậy hoạt động tông đồ tập thể rất phù hợp với đòi hỏi của các tín hữu dưới khía cạnh con người cũng như dưới khía cạnh Kitô hữu. Đồng thời nó cũng biểu lộ được dấu chỉ hiệp thông và hiệp nhất của Giáo Hội trong Chúa Kitô, Đấng đã phán: "Vì đâu có hai, ba người nhân danh Thầy hội họp lại, Thầy sẽ ở giữa họ" (Mt 18,20).

Vì thế người Kitô hữu phải hiệp nhất cùng nhau để làm tông đồ. Họ phải làm tông đồ trong cộng đoàn gia đình cũng như trong giáo xứ và giáo phận là những cộng đoàn nói lên tính cách cộng đồng của hoạt động tông đồ. Hơn nữa họ phải làm tông đồ trong những đoàn thể tự do mà họ đã tự ý gia nhập.

Hoạt động tông đồ tập thể rất quan trọng 10* vì trong các cộng đoàn Giáo Hội, cũng như trong các môi trường khác nhau, hoạt động tông đồ thường đòi hỏi phải được chu toàn do một hoạt động chung. Bởi vì các Hội Đoàn được thành lập nhằm hoạt động tông đồ tập thể, nâng đỡ và huấn luyện các hội viên làm tông đồ, phối hợp và hướng dẫn hoạt động tông đồ của họ để có thể hy vọng nơi họ những kết quả phong phú hơn là nếu từng người hoạt động riêng rẽ.

Vậy trong những hoàn cảnh hiện tại, nơi nào có giáo dân hoạt động thì hoạt động tông đồ nhất thiết phải được củng cố dưới hình thức tập thể và có tổ chức. Vì chỉ có việc liên kết chặt chẽ các nỗ lực mới mong đạt được đầy đủ mọi mục tiêu của hoạt động tông đồ ngày nay và bảo vệ hữu hiệu những kết quả của việc tông đồ đó 3. Do đó điều quan trọng đặc biệt là làm sao cho hoạt động tông đồ tác động vào não trạng quần chúng và những hoàn cảnh xã hội của những người mà hoạt động tông đồ nhằm tới. Nếu không, họ thường sẽ không đủ sức chống lại áp lực của dư luận quần chúng hay của các định chế.

Gợi ý giải thích:

Chẳng những phải Làm Việc Tông Đồ cá nhân, mà còn phải làm việc Tông Đồ cùng với anh chị em, tính tập thể. Có nhiều lý do...

10* Tầm quan trọng của việc tông đồ tập thể. Việc tông đồ có tổ chưc rất thích hợp với bản tính xã hội của con người và với niềm tha thiết của Chúa là muốn thu thập mọi người tin vào Chúa Kitô thành Dân Thiên Chúa (x. 1P 2,5-10). Theo Sắc Lệnh các hội đoàn làm việc tông đồ cần phải có bốn đặc tính:

Mục đích phải là rao giảng Phúc Âm và thánh hóa mọi người.

Các hội đoàn phải cộng tác với hàng Giáo Phẩm, nhưng vẫn chịu trách nhiệm riêng.

Hoạt động của các hội đoàn này phải có tính cách cộng đoàn.

Hoạt động của giáo dân phải tùy thuộc vào sự hướng dẫn của hàng Giáo Phẩm.

Có những đoàn thể khác nhau: hoặc có tổ chức, hoặc tự do.

Nếu có đông giáo dân, thì phải hoạt động Tông Đồ có tổ chức.

Gợi ý thực hành

Ban Quới Chức có phải là một tập thể có tổ chức, có quy chế để hoạt động Tông Đồ không?

Chúng ta có phải tuân thủ 4 đặc tính của hội đoàn làm việc Tông Đồ không?

Ban Quới Chức có được phép không vâng lời Hàng Giáo phẩm không?

XIII. MỤC VỤ GIA ĐÌNH

GIÁO DỤC GIA ĐÌNH THEO TRUYỀN THỐNG

Mục tiêu giáo dục là việc đào luyện con người có đạo đức, có kiến thức, có khả năng với kỹ năng kỹ xảo tinh vi để xây dựng xã hội đầy tình người, bảo vệ và phát huy sự sống, văn minh tiến bộ…

Giáo dục Kitô Giáo là đào luyện các Kitô hữu mến Chúa yêu người, sống đạo đức thánh thiện, nhiệt tình phục vụ mọi người cách hiệu quả, xây dựng xã hội Việt Nam tốt đẹp, xây dựng Hội Thánh Việt Nam đạo đức thánh thiện, mang lại lợi ích tối đa cho mọi người. Nắm vững định hướng như vậy, chúng ta cùng đọc Thư Chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam số 37 : “Đặt vấn đề giáo dục Kitô Giáo tại Việt Nam có nghĩa là đặt vấn đề phát huy truyền thống văn hoá Việt Nam. Dân tộc chúng ta luôn tự hào về tinh thần hiếu học, tôn Sư trọng Đạo. Truyền thống ấy, nếu trong quá khứ đã góp phần làm phong phú nền văn hoá Việt Nam và sản sinh những danh nhân làm vẻ vang đất nước, thì nay phải trở thành một trong những tiêu chí của nền giáo dục Kitô giáo tại Việt Nam”.

Giáo dục gia đình Việt Nam đầm ấm, chúng ta không quên dân tôïc Việt Nam phát xuất từ một gia đình: Lạc Long Quân và Aâu Cơ sống đoàn kết yêu thương làm chủ và khai thác tài sản thiên nhiên một cách khéo léo, từ rừng sâu núi cao đến biển xa hải đảo, để tạo cảnh sống sung túc, gây dựng một dãi gian sơn gấm vóc Việt Nam oai hùng. Gia đình Việt Nam chân chỉ một vợ một chồng gắn bó quấn quít nhau như trầu cau, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, luôn giúp nhau thăng tiến, thành công trên đời. Gia đình này nằm trong đại gia đình, ông bà, cha mẹ, con cái gần gũi, thậm chí chung sống dưới một mái ấm gia đình thân thương trong tình hiếu thảo: trên thuận, dưới hoà “Công cha như núi Thái Sơn- Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…”anh chị em coi như thủ túc (tay, chân), gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau nghĩa là chị ngã em nâng. Con người trong gia đình như hạt muối giữa đại dương. Người trong gia đình hoàn toàn thông cảm, chia sẻ, phục vụ lẫn nhau giúp nhau thành công, mang lại danh thơm tiếng tốt cho nhau. Thế hệ đi trước hy sinh tài bồi cho thế hệ đi sau: “Hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Con cháu sống tốt đẹp, hữu ích làm “nở mày nở mặt, rạng danh cho ông bà cha mẹ”, “trâu chêùt để da, người ta chết để tiếng”.

Việc giáo dục vốn là việc của cha mẹ, ông bà cha mẹ đào luyện cho con cháu biết sống: nghĩa-lễ-trí-tính, cần kiệm liêm chính, chí công, vô tư. Con trai thì trung, hiếu. Con gái cần : công-dung-ngôn-hạnh…Chính con cháu sống hiếu thảo sẽ trọng kính yêu mến vâng lời, cộng tác, phụng dưỡng ông bà cha mẹ, cùng giúp ông bà cha mẹ tự tu dưỡng bản thân, chính ngôn định phận.

Gia đình công giáo đầm ấm, vì một mặt sống theo truyền thống dân tộc, mặt khác cũng sống theo mẫu gương gia đình nazareth. Mẫu gương tận tình yêu mến phụng sự Chúa và yêu thương phục vụ mọi người, sống theo tình mến.

Ước gì mọi thành viên trong gia đình đầm ấm đều sống đức mến trọn hảo “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tuông, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.”(Icor 13,4-7). Gia đình đầm ấm là gia đình sống trọn nghĩa yêu thương. Yêu thương là chu toàn lề luật Thiên Chúa, là lõi tuỷ văn hoá Việt nam.

PHÁT HUY - PHÁ HỦY

Ở một làng kia, đầu làng có một tấm bảng rất đẹp với dòng chữ rất to “Ấp văn hóa” sừng sững, uy nghi giữa trời đất. Mọi người trong làng đều rất hãnh diện về nó.

Một ngày nọ, có một người ở phương xa về thăm quê. Nhìn thấy gần tấm bảng, một cảnh vô cùng tấp nập: một đám người í ới. Thì ra là họ đang đánh nhau. Đi thêm một đoạn nữa, anh lại thấy một cảnh khác cũng tấp nập không kém đám trước: nhiều người loạng choạng xoay quanh một sòng bạc, tiếng chửi thề nói tục xen lẫn tiếng cãi cọ vang rõ mồn một. Thì ra là một đám giỗ. Và còn không biết bao “cảnh đẹp” bày ra trên đường về tới nhà.

Quá ngạc nhiên vì những gì mình đã gặp, anh hỏi người nhà:

-Tại sao ấp mình được mênh danh là ấp văn hóa?
- Tại anh chưa rõ đó thôi. Bây giờ người ta rất tiến bộ, mọi sự đã được “nâng cấp” hết rồi. Chẳng hạn: ngày xưa đánh số đề thì cần phải ghi giấy, trả tiền mặt. Bây giờ chỉ cần một cú điện thoại di đông là đủ. Ngày xưa đá gà phải xem màu, xem tướng, phải tới trường gà, thủ tục rất rườm rà. Ngày nay, chỉ cẩn thoả thuận qua di động, rồi hẹn nhau ở một điểm nào đó, chỉ cần 5 phút là đã phân thắng bại. Chuyện vui chơi, giải trí mà còn tiến bộ đến thế!

Trong sinh hoạt hàng ngày, người ta cũng tỏ ra rất có ý thức. Chẳng hạn, mấy người có tiền, có nhu cầu uống cà phê, uống bia cũng ngại người khác cho mình là khoe khoang, trưởng giả, nên cũng rất tế nhị đi vào những quán nghèo, đến nỗi đèn không đủ sáng để mà uống. Từ trẻ con đến người lớn, người ta có thể “văng tục hóa” văn chương của mình. Còn nhiều và còn nhiều sự khác nữa….dân làng mình văn minh đến thế, thì ấp mình được mệnh danh là ấp văn hóa thì có gì là quá đáng ?

À, ra là thế…!!!
Thật đáng buồn thay cho thực tại mà chúng ta đang sống!

Trong khi các nhà chức trách cố hết sức để kéo mọi người lên sao cho ngang tầm thế giới, thì nhiều người cố giả điếc làm ngơ, thậm chí còn làm hại những nổ lực ấy, khi buông mình theo những thói tầm thường, xấu xa.

Cha ông chúng ta đã dày công để tạo một nền văn hiến bốn ngàn năm cho con cháu được hãnh diện. Thế mà giờ đây, với những gì chúng ta đã thể hiện, chúng ta đã phá hỏng công trình đó.

Đã thưa dần những lời nhã nhặn, dạ thưa và những lời cảm ơn lịch sự. Có còn không tinh thần tôn sư trọng đạo? Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín còn trong tâm trí được mấy người?

Là người Kitô hữu Việt Nam, chúng ta may mắn nhận được hai nền giáo dục. Chúng ta đã tiếp nhận nó thế nào? Chúng ta đã thể hiện nó ra sao?

Là những Kitô hữu Việt Nam, xin đừng để công trình cha ông ra hư hoại, đừng phá hỏng nó ! Hãy gìn giữ và phát huy truyền thống của cha ông! Tại sao ta lại vô tâm, buông mình vào những tầm thường, đáng chê trách? Tại sao ta lại đang tâm phá hỏng khi người khác cố công xây? Tại sao ta lại dửng dưng khi bị người khác khinh thường?

Hãy cố gắng trở thành một Petrus Ký hay một Hàn Mặc Tử, để dân tộc và Giáo Hội được vẻ vang.

XIV. MỤC VỤ GIÁO LÝ VIÊN

GIÁO LÝ VIÊN, ƠN GỌI VÀ SỨ MẠNG (tiếp theo)

Anh chị GLV thân mến! Nếu ở bài viết trước, chúng ta đồng ý với nhau rằng GLV là người được Chúa Giêsu yêu thương mời gọi, là người hiểu biết Chúa Giêsu và là người biết yêu mến Ngài, thì trong bài viết này, chúng ta hãy tiếp tục tìm hiểu thêm về hai khía cạnh nữa trong ơn gọi của chúng ta:

1. GLV là người sống theo lời Chúa Giêsu dạy:

Kinh nghiệm cho thấy người GLV không thể nào làm cho người khác yêu mến Chúa nếu bản thân mình chưa yêu.Thật vậy, GLV phải là người có thể nói như thánh Phaolô, vị tông đồ nhiệt tâm lo việc truyền giáo cho dân ngoại: “ Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2 Cr 5, 14). Nếu không có tình yêu thì việc dạy giáo lý sẽ là 1 gáng nặng khiến ta ngại ngùng, ngao ngán và tìm cách tránh né. Bởi vì gắn liền với 3 chữ Giáo Lý Viên là những đòi hỏi rất lớn và rất quyết liệt: phải sống trung thực với chính mình. Đó cũng là đòi hỏi của ơn gọi làm GLV. Quả thực, GLV sẽ khó mà dạy những điều mình chưa nổ lực sống…

Nhưng cho dẫu việc dạy giáo lý là 1 trách nhiệm nặng nề đến đâu, chúng ta đừng quên lời của thánh Augustinô: “ Ubi amatur non laboratur”(khi yêu thì không cảm thấy mệt mỏi). Lời của thánh nhân phần nào khơi dậy và nâng đỡ ta. Để mỗi khi soạn giáo án, mỗi giờ đứng trên lớp GLV, mỗi khi gặp khó khăn trong trách nhiệm, ta vẫn cảm nhận được sự thích thú, êm ái và nhẹ nhàng.

Nhưng làm sao để có được tình yêu này?
Câu trả lời rất đơn sơ nhưng lại đòi một thiện chí rất mạnh: Hãy chấp nhận để cho Lời Chúa uốn nắn và biến đổi mình. (Vấn đề này sẽ được chia sẻ cụ thể trong những bài viết tiếp theo).

Bạn GLV thân mến! Nếu bạn không theo bước theo ơn gọi sống đời sống tu trì và thánh hiến, nếu bạn không có khả năng sống đời chiêm niệm như những vị ẩn tu và thần bí, nếu bạn không thể sống khắc khổ như những nhà khổ tu, thì bạ hãy là một GLV, và con đường nên thánh của bạn chính là con đường của giáo lý. Nó không ở đâu xa. Nó nàm ngay trong giờ giáo lý, ngay nơi cuộc sống vốn được lời Chúa hướng dân và tác động. Cuộc sống ấy tuy âm thầm nhưng có sức thu hút mãnh miệt.

2. GLV là người có khả năng chia sẻ về Chúa Giêsu cho người khác.

Sức thu hút nơi cuộc sống của người GLV chính là khả năng chia sẻ. Chấp nhận để cho Lời Chúa uốn nắn và biến đổi, dân dần người GLV sẽ “mặc lấy Đức Kitô” và “trở nên mọi sự cho mọi người”. là mọi sự cho mọi người là gì nếu không phải là khả năng chia sẻ về Chúa cho người khác.

Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo, số 24, dạy: “ Phải trở nên mọi sự cho mọi người để chinh phục mọi người cho Chúa Giêsu. Khi truyền đạt giáo huấn về các mầu nhiệm, về đức tin và phong hóa, các GLV phải liệu sao cho lời nói của mình tương xứng với tâm trí và sự hiểu biết của những người nghe”. Chắc chắn lời dạy này là 1 gợi ý rất tốt giúp ta chiêm ngắm và học theo Chúa Giêsu là nhà sư phạm gương mẫu. Bời khi rao giảng, Chúa Giêsu đã gặp nhiều hạng người. với mỗi hạng người, Chúa Giêsu đều có cách nói riêng. Với các biệt phái và tiến sĩ luật, Người tranh luận về lề luật. Với hạng người cùng đinh, nghèo hèn, Người dung lời lẽ đơn sơ và minh họa bằng những hình ảnh quen thuộc.

Chính vì thế, để có thể dạy giáo lý có hiệu quả, GLV cần học qua những môn có liên quan đến nội dung giáo lý như Kinh thánh, Lịch sử cứu độ, Phụng vụ, luân lý, bí tích,… và sư phạm giáo lý nhằm thấu hiểu tâm lý và có cách truyền đạt sao cho mọi giới, mọi lứa tuổi dễ tiếp thu và đón nhận( x .DGL 51).

Vì vậy, xin đề nghị:

GLV phải kiên trì và nghiêm túc tham dự các khóa học GLV của giáo phận tổ chức.

Tham khảo thêm tài liệu, sách báo…để bổ sung kiến thức và nâng cao tri thức

Nếu được, ở mỗi họ đạo GLV nhờ cha sở và ngững người có khả năng giúp soạn giáo án chung trước khi đứng lớp.

Các GLV nên dự giờ lớp của nhau để học thêm kinh nghiệm

Mỗi tháng, GLV nên gặp nhau 1 lần để chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy và giúp nhau giải quyết khó khăn và những sáng kiến khác

XV. TẢN MẠN

“NGHỀ” LINH MỤC

Khi có chuyện phải làm giấy tờ gì đó ở các cơ quan của chính quyền, các Linh mục phải ghi vào chỗ kê khai nghề nghiệp đang để trống là Linh mục. Người đời coi Linh mục là một nghề nghiệp hợp pháp, được nhà nước công nhận. Đó là một sự nhầm lẫn của những người không hiểu biết về tôn giáo. Nhưng sự nhầm lẫn ấy cũng không gây ảnh hưởng gì lớn lao nếu người “trong cuộc” đừng hiểu như vậy và cũng đừng sống như vậy.

Một vài nước trên thế giới, Linh mục thi hành thiên chức và tác vụ của mình rất giống như một công chức Đền thờ. Linh mục cũng có ngày nghỉ, được chỉ định giờ giấc để làm lễ, gặp gỡ giáo dân … Ngoài giờ đã định, người ta không biết tìm Linh mục ở đâu, vì Linh mục không ở nhà xứ. Nhà xứ cũng có nhưng im lìm hoặc chỉ có mặt của người nhân viên làm công việc mục vụ trong Giáo xứ!

May mắn thay, tình trạng ấy chưa xảy ra ở Giáo hội Việt nam. Nhưng hơi lạ là đã có một số Linh mục tự nguyện “biến mình thành một công chức” không hơn không kém. Các ngài cũng lên lịch để tiếp giáo dân, ghi rõ những giờ miễn tiếp khách … Cách nào đó thì làm việc có giờ giấc hẳn hoi cũng mang tính khoa học đấy, nhưng khi Linh mục tổ chức họ đạo theo kiểu ấy thì tình cha con, tình mục tử và đoàn chiên phần nào đã bị xa cách và mất đi ý nghĩa rất nhiều. Thiết nghĩ, đừng bao giờ vô tình hay cố ý biến thiên chức Linh mục thành một nghề nghiệp hay một công chức Đền thờ. Ước gì cũng đừng bao giờ có Linh mục nào tổ chức và cai quản họ đạo theo kiểu một công ty mà mình làm giám đốc điều hành. Bởi lẽ, Linh mục không nhằm giúp người ta làm ăn để được giàu có về của cải vật chất nhưng Linh mục đích thực là dẫn đưa giáo dân của mình đến với Thiên Chúa, giúp họ tăng trưởng trong đời sống đức tin và biết sống kết hợp mật thiết với Thiên Chúa.

Có một danh xưng rất hay và rất đúng với thiên chức Linh mục. Linh mục được gọi là một “Alter Christus”, một Đức Kitô khác. Bởi nơi Đức Kitô, có một sự sống nhân loại và một sự sống thần linh, thì cũng vậy, nơi Linh mục, người ta cũng tìm thấy có một sự sống thật nhân loại và một sự sống thật thần linh. Nhưng khốn nổi, nhiều Linh mục lại tỏ ra khi thì nhiều sự sống này, lúc thì hụt hẫng sự sống kia. Có những Linh mục dường như không bao giờ sống “sự sống của con người”. Các ngài hình như không bao giờ hiểu biết và cảm thông với những khó khăn của giáo dân, của giới gia trưởng hay hiền mẫu như mọi người vẫn hiểu … Vì thế, khi giáo dân gặp một Linh mục hiểu họ với những vấn đề trong cuộc sống của họ, thì họ đem cả tấm lòng của mình để gắn bó, yêu mến và chia sẻ. Họ sẽ chẳng bao giờ quên được hình ảnh của những Linh mục như thế.

Có nhiều Linh mục lại coi giáo dân của mình như những “ấu nhi”, nên đối xử với họ theo kiểu “trẻ con” hoài, khiến họ cảm thấy bị ngột ngạt và mất dần đi những sáng kiến riêng của họ. Lại có một xu hướng khác đáng quan tâm hơn là có nhiều Linh mục muốn trở thành “bồ bịch” với giáo dân của mình. Nhưng người ta vẫn ước mong các ngài chỉ là “người cha” mà thôi. Khi người cha trong gia đình thấy đứa con của mình đã lớn, thì ông nên đối xử với chúng như những người “đã thành nhân” chứ đừng coi họ là “ấu nhi” nữa. Nhưng cho dù chúng còn nhỏ hay đã lớn khôn rồi thì ông cũng nên coi chúng chỉ là “con cái” của mình chứ đừng coi họ là gì gì khác, nghe thấy khó chịu lắm.

Linh mục là người của Chúa, là người của Giáo hội và là người của mọi người … Ước gì Linh mục mãi mãi là hình ảnh của một Chúa Kitô khác, một mục tử nhân lành như lòng Chúa mong ước. Đừng bao giờ có ai hạ cấp thiên chức Linh mục vốn rất cao trọng mà vì yêu thương Thiên Chúa đã trao ban cho con cái loài người. Ước gì cũng đừng bao giờ có ai biến hay coi thiên chức Linh mục như một nghề nghiệp giống như các nghề nghiệp khác. Linh mục , với chức vụ của mình, không bao giờ là một nghề để kiếm cơm hay là một công chức Đền thờ như người đời lầm tưởng!

Và như phim Hàn, Tôi đã khóc…

Người ta nói giáo chức là “dứt cháo” (ăn cháo), thầy giáo là “tháo giày” (tức nghèo đến độ phải… tháo giày bán). Vậy mà những đồng nghiệp của tôi vẫn sống và vui với nghề.

Ngoài đồng lương còm cõi hằng tháng, những học sinh cá biệt, hỗn láo, các bà mẹ nóng ruột con, thất lễ với thầy cô… Nói chung nghề giáo với tôi vẫn có những điều thú vị. Một sáng tôi vượt đèn đỏ trên đường Hồng Bàng, bất ngờ một chú công an tinh nghịch núp khuất bên gốc cây to xuất hiện và…”tuýt!”. Tôi chuẩn bị “bài ca con cá” (năn nỉ đó mà). Bỗng: “Ủa cô…”. Trời ạ, học trò cũ của tôi! Em học tôi ở trường dân lập nhiều năm trước, nay là cảnh sát giao thông. Em nhẹ nhàng nhắc tôi và cho tôi đi. Thế nhưng, như phim Pháp, em hết sức ngạc nhiên khi tôi “xin” được nộp phạt. Tại sao ư? Vì tôi đã từng dạy học sinh tinh thần trách nhiệm và bản lĩnh “dám làm dám chịu”. Cô giáo không làm khác được…

Một tối ngày nhà giáo 20-11, mưa dầm dề. Chợt nghe tiếng gọi cửa gấp rút. Thì ra em Ngọc, lớp 9B của mấy chục năm về trước trên Bình Long, nhiệm sở đầu tiên của tôi. Em tặng tôi hộp bút. Em đã có gia đình, hiện lái xe hàng và nhân dịp xe chạy ngang qua thành phố, em tạt vào thăm cô giáo cũ. Như phim Hồng Kông. Và cô giáo mếu…

Nếu kể những lần hội ngộ những học trò tinh nghịch cũng như tình cảm học sinh dành cho thầy cô, chắc nguyên tờ báo ghi không hết. Nói chung ngành nghề nào cũng có niềm vui, nỗi buồn. Riêng ngành giáo hình như niềm vui từ học trò, nỗi buồn từ ban giám hiệu, từ cơ chế…Mà niềm vui từ học trò cũng đủ cho người thầy đứng vững với nghề. Có lần cả lớp chỉ vài em thuộc bài lại còn nói chuyện râm ran. Tức mình tôi chửi ‘té tát” suốt gần một tiết. Thế mà giờ chơi gặp các em ở căng tin, các em cười vui gọi cô ơi ới, như giữa cô và trò chưa từng có chuyện gì xảy ra. Chợt nhớ bản nhạc ngày xưa của Phạm Duy: “Trả tôi lại tuổi trẻ bao dung…” Ừ, tuổi trẻ thật bao dung. Một lần ăn tối cùng với các đồng nghiệp, bữa ăn do một học trò cũ đãi. Cậu học trò hỏi thầy “Ngày xưa thầy có… ghét em không?”. Câu hỏi thật bất ngờ, hình như ngày xưa, cậu học trò này là học sinh cá biệt. Tỉnh bơ, đồng nghiệp của tôi nói: “Thầy giáo mà ghét học trò, làm sao làm thầy được, em…”. Đồng nghiệp tôi trả lời đúng. Không một thầy cô nào ghét học trò cả. Đó là lương tâm…

Thỉnh thoảng xếp lại kệ sách, tôi bắt gặp những lá thư của lớp học trò đầu tiên mà nay các em đã nên danh, nên người. Nào là…”cô xa nhớ”, “cô thương nhớ”…Có thể cuộc sống đa đoan, lắm khắc nghiệt, có khi các em quên thầy cô, nhưng chợt nhớ ra và nhớ đến tôi. Cũng như tôi, vòng quay cuộc đời nhà giáo đơn điệu, áo cơm cực nhọc, thi thoảng lại nhớ đến những gương mặt học trò. Những gì các em đã mang đến cho tôi là những kỷ niệm, những dấu ấn, những hành trang… để tôi đứng vững trên bục giảng hôm nay. Và cũng là niềm an ủi, niềm vui của ngày mai, khi về già, khi không còn đứng trên bục giảng nữa. Và sẽ như phim Hàn Quốc, tôi khóc!

NGUYỄN NGỌC HÀ
(Báo Người Lao Động, số 171 ra ngày 16-11- 2008)

XVI. MỘT LỐI SỐNG

Thư Tổng Thống Mỹ Abraham Lincoln gửi thầy hiệu trưởng ngôi trường nơi con ông theo học với tựa đề :  

XIN THẦY DẠY CON TÔI !

Con tôi sẽ phải học tất cả những điều này, rằng không phải tất cả mọi người đều công bằng, tất cả mọi người đều chân thật. Nhưng xin thầy dạy cho cháu biết cứ mỗi một kẻ vô lại ta gặp trên đường phố thì ở đâu đó sẽ có một con người chính trực; cứ mỗi một chính trị gia ích kỷ, ta sẽ có một nhà lãnh đạo tận tâm. Bài học này sẽ mất nhiều thời gian, tôi biết; nhưng xin thầy dạy cho cháu biết rằng một đồng đô-la kiếm được do công sức lao động của mình bỏ ra còn quí giá hơn nhiều so với năm đô-la nhặt được trên hè phố …

Xin thầy dạy cho cháu cách chấp nhận thất bại và cách tận hưởng niềm vui chiến thắng thầm lặng. Dạy cho cháu biết được rằng những kẻ hay bắt nạt người khác nhất lại là những kẻ dễ bị đánh bại nhất …

Xin thầy giúp cho cháu thấy thế giới kỳ diệu của sách… nhưng cũng cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thủa của cuộc sống: đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong ánh nắng và những bông hoa nở ngát trên đồi xanh.

Ở trường xin thầy dạy cho cháu biết chấp nhận thi trượt còn vinh dự hơn gian lận trong khi thi. Xin giúp cháu có niềm tin vào ý kiến riêng của bản thân; dù tất cả mọi người xung quanh cho rằng ý kiến đó hoàn toàn sai lầm…

Xin thầy dạy cho cháu biết cách đối xử dịu dàng với những người hoà nhã và cứng rắn với những kẻ thô bạo. Xin tạo cho cháu sức mạnh để không chạy theo đám đông khi tất cả mọi người đều chỉ biết chạy theo thời thế.

Xin dạy cho cháu biết lắng nghe tất cả mọi người nhưng cũng xin thầy dạy cháu biết cần phải sàng lọc những gì nghe được qua một tấm lưới chân lý để cháu chỉ đón nhận những gì tốt đẹp.

Xin dạy cho cháu biết mỉm cười khi buồn bã… Xin dạy cháu biết rằng không có sự xấu hổ trong những giọt nước mắt. Xin dạy cho cháu biết chế giễu những kẻ yếm thế và cẩn trọng trước sự ngọt ngào đầy cạm bẫy.

Xin dạy cho cháu rằng có thể bán cơ bắp và trí tuệ cho người ra giá cao nhất, nhưng không bao giờ cho phép ai ra giá mua trái tim và tâm hồn mình.

Xin dạy cho cháu ngoảnh tai làm ngơ trước một đám đông đang gào thét…và đứng thẳng người bảo vệ những gì cháu cho là đúng.

Xin đối xử dịu dàng với cháu nhưng đừng vuốt ve nuông chiều cháu bởi vì chỉ có sự thử thách của lửa mới tôi luyện nên được những thanh sắt cứng rắn.

Xin dạy cho cháu biết rằng cháu phải luôn có niềm tin tuyệt đối vào nhân loại.

Đây quả là một yêu cầu quá lớn, tôi biết, thưa thầy, nhưng xin thầy cố gắng hết sức mình… Con trai tôi quả là một cậu bé tuyệt vời.
(Ngọc Nga sưu tầm)

NHỮNG TÁC PHẨM ĐỂ ĐỜI

Nguyện đường Sitina trong nội thành Vatican đã được Đức Giáo Hoàng Sixtô thứ IV cho xây cất vào cuối thế kỷ thứ 15. Đây không những là nơi để các hồng y tự hợp để bầu Giáo hoàng hay là nơi để tổ chức những buổi họp quan trọng khác có tính thượng đỉnh. Nguyện đường Sixtina còn là một bảo tàng viện với những tác phẩm nghệ thuật bất hủ, nhất là những bức bích hoạ của Michelangelo.

Bất cứ du khách nào đến Rôma cũng tìm đủ mọi cách để được một lần chiêm ngắm các bức tranh được vẽ trên tường và trên tầng nhà này. Người thưởng lãm không những chỉ ngắm các bức tranh dưới khía cạnh lịch sử, nghệ thuật, văn hoá, nhưng còn để hồn hoà nhập vào niềm tin sâu sắc của nhà nghệ sĩ tài ba này. Thật thế, tất cả các bức tranh mà Michelangelo đã thực hiện trong nhà nguyện Sixtina đều được cảm hứng từ Thánh Kinh.

Nhà danh hoạ của chúng ta đã phải nằm ngửa trên một giàn gỗ hướng mặt về tần bản ròng rã không biết bao nhiêu năm thánh. Nóng lòng chờ đợi các tác phẩm của ông, ngày kia, Đức Sixtô đã to tiếng hỏi vọng lên từ dướùi đất: " Michelangelo, chừng nào ông mới hoàn thành công việc?". Từ trên giàn gỗ, nhà danh hoạ đáp lại: "chừng nào con có thể!". Vị Giáo hoàng dường như mất hết kiên nhẫn: "Thế ông có biết ông đã bắt đầu mấy năm rồi chưa? Thế mà tôi vẫn chưa thấy gì hết . . ." Một cách điềm tĩnh, Michelangelo trả lời: "Thưa Đức thánh cha, con không làm việc cho đời tạm này, mà cho đời sau..."

Có những bản nhạc, những tác phẩm văn chương, có những công trình kiến trúc đã trở thành bất hủ. Nghĩa là, qua dòng thời gian, người ta sẽ không bao giờ quên được những kiệt tác ấy. Nhiều khi chính tác giả của những công trình bất hủ ấy không bao giờ dám nghĩ đến sự trường tồn của tên tuổi mình như thế.

Danh hoạ và điêu khắc gia Michelangelo đã tiên đoán về số phận của những tác phẩm của mình. Quả thật, ông đã để lại cho muôn thế hệ mai sau tên tuổi của ông qua các sáng tác của ông. Tượng Pieta, tượng Môsê, tượng vua Đavit vá các bức hoạ trong nguyện đường Sixtina sẽ không bao giờ mai một với thời gian.

Tuy nhiên, cái bất hủ nơi con người chỉ là bóng mờ đối với cái vĩnh cửu nơi Thiên Chúa. Một cuộc chiến tranh tàn phá, một thiên tai vùi dập... thì tất cả mọi tên tuổi và dấu vết của con người đều tan biến. Duy chỉ có những gì được xây dựng trên nền tảng của vĩnh cửu mới được trường tồn mà thôi.

Thiên Chúa không tạo dựng tất cả mọi người đều là thiên tài để ai cũng có thể để lại cho hậu thế danh thơm tiếng tốt của mình. Tuy nhiên, tất cả mọi người đều được tạo dựng như một kiệt tác của vũ trụ. Kiệt tác đó sẽ mãi mãi đi vào vĩnh cửu của Thiên Chúa. Mỗi đời người là một công trình xây dựng cho vĩnh cửu. Mỗi một việc làm vô danh và nhỏ bé nhất cũng đều mang một giá trị vĩnh cửu.

XVII. SỐNG LỜI CHÚA: Mt 24,42

Anh em hãy tỉnh thức, Vì không biết ngày nào, Chúa của anh em đến.

1462    21-04-2012 15:09:36