Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Sách GLHTCG_Phần 3_Đoạn 2_Chương 1_Mục 4

CHƯƠNG HAI

"NGƯƠI PHẢI YÊU THƯƠNG
NGƯỜI THÂN CẬN NHƯ CHÍNH MÌNH"

Đức Giê-su nói với các môn đệ : "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 13,34).

2196

Để trả lời câu hỏi về điều răn trọng nhất Đức Giê-su nói "điều răn đứng hàng đầu là : Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất; ngươi phải yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết tâm trí và hết sức lực ngươi"; điều răn thứ hai là : "Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình". Chẳng có điều răn nào khác quan trọng hơn các điều răn đó" (Mc 12,29-31).

2822.

Thánh Phao-lô tông đồ cũng nhắc : "Ai yêu người thì đã chu toàn lề luật. Thật thế, các điều răn như : Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn của người khác, cũng như các điều răn khác đều tóm lại trong lời này : "Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình". Đã yêu thương thì không làm hại cho người đồng loại; yêu thương là chu toàn lề luật vậy" (Rm 13,8-10). )

Mục 4: ĐIỀU RĂN THỨ TƯ

"Hãy trọng kính cha mẹ ngươi, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi" (Xh 20,12)

"Người hằng vâng phục các ngài" (Lc 2,51)

"Chính Đức Giê-su cũng nhấn mạnh về "điều răn này của Thiên Chúa" (Mc 7,8-13). Thánh tông đồ Phao-lô cũng dạy : "Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ, theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. "Hãy tôn kính cha mẹ". Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa : "để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này" (Ep 6,13) (x. Đnl 5,16).

2197 1897

Điều răn thứ tư mở đầu phần hai của Thập Giới, ấn định trật tự của đức ái. Thiên Chúa muốn rằng sau Người, chúng ta phải tôn kính cha mẹ, vì đã sinh thành dưỡng dục, và dạy cho chúng ta biết Thiên Chúa. Chúng ta cũng phải tôn kính những người được Thiên Chúa trao ban quyền hành để mưu ích cho chúng ta.

2198 2419

Điều răn này được trình bày dưới hình thức tích cực, ấn định những bổn phận phải chu toàn, và chuẩn bị cho những điều răn tiếp theo, đòi buộc con người phải tôn trọng sự sống, hôn nhân, của cải trần thế và lời nói. Đấy là một trong những nền tảng của học thuyết xã hội của Hội Thánh.

2199

Điều răn thứ tư nói đến bổn phận con cái đối với cha mẹ, vì đây là tương quan phổ quát nhất. Điều răn này còn rộng mở tới bổn phận của học trò đối với thầy, thợ với chủ, kẻ thuộc cấp đối với người chỉ huy, công dân đối với tổ quốc và với tất cả những người điều hành, cai trị đất nước.

Điều răn này cũng bao hàm và hiểu ngầm những bổn phận của cha mẹ, giám hộ, thầy cô, người lãnh đạo, nhà cầm quyền, nghĩa là tất cả những ai có quyền trên kẻ khác hay trên một tập thể.

2200 2304

Điều răn thứ tư có kèm theo phần thưởng : "Ngươi hãy trọng kính cha mẹ để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi" ( Xh 20,12; Đnl 5,16 ). Ai tôn trọng điều răn này, ngoài những lợi ích thiêng liêng, còn nhận được những lợi ích trần thế là an bình và thịnh vượng. Ngược lại, vi phạm điều răn nầy sẽ gây nhiều thiệt hại lớn cho cộng đoàn và cho cá nhân.

I. GIA ĐÌNH TRONG KẾ HOẠCH CỦA THIÊN CHÚA

Bản chất của gia đình

2201 1625

Hôn nhân và gia đình được thiết lập trên sự ưng thuận của đôi vợ chồng, nhằm vào lợi ích của họ cũng như vào việc sinh sản và giáo dục con cái. Tình yêu vợ chồng và việc sinh sản con cái tạo ra những tương quan nhân vị và những trách nhiệm hàng đầu, giữa những phần tử trong gia đình.

2202 1882

Vợ chồng và con cái tạo thành một gia đình. Gia đình tự hình thành và có trước sự công nhận của công quyền. Người ta xem gia đình là nền tảng để từ đó xác định những tương quan khác trong thân tộc.

2203 369

Khi tạo dựng người nam và người nữ, Thiên Chúa đã thiết lập gia đình và đặt nền tảng cơ bản cho nó. Các phần tử trong gia đình đều bình đẳng về nhân phẩm. Vì lợi ích chung của các phần tử và của xã hội, gia đình có một số trách nhiệm, quyền lợi và bổn phận.

1655-1658

Gia đình Ki-tô giáo

2204 533

"Gia đình Ki-tô giáo bày tỏ và thể hiện một cách đặc biệt sự hiệp thông trong Hội Thánh vì lẽ đó... phải được coi là một "Hội Thánh tại gia" ( x. FC 21, x. LG 11 ), là một cộng đoàn đức tin, đức cậy và đức mến ( x. Ep 5,21-6,4, Col 3,18-21; 1 Pr 3,1-7 ). Tân Ước cho thấy gia đình có một tầm quan trọng đặc biệt trong Hội Thánh.

2205 1702

Gia đình Ki-tô giáo là một hiệp thông nhân vị là dấu chỉ và hình ảnh của sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Việc sinh sản và giáo dục con cái phản ánh công trình sáng tạo của Chúa Cha. Gia đình được mời gọi tham dự vào sự cầu nguyện và hy tế của Đức Ki-tô. Kinh nguyện hằng ngày và chăm đọc Lời Chúa củng cố đức mến trong gia đình. Gia đình Ki-tô giáo mang sứ mạng loan báo Tin Mừng truyền giáo.

2206

Những mối tương quan trong gia đình đưa tới những cảm nghĩ, những tình nghĩa, những sở thích, những quyền lợi giống nhau, nhất là do việc biết tôn trọng lẫn nhau. Gia đình là một cộng đoàn ưu việt được mời gọi để thực hiện "sự đồng tâm nhất trí giữa vợ chồng và sự ân cần cộng tác của cha mẹ trong việc giáo dục con cái" ( x. GS 52,1 ).

II. GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI

2207 1880 372 1603

Gia đình là tế bào căn bản của đời sống xã hội, là xã hội tự nhiên, nơi đó, người nam và người nữ được mời gọi tận hiến cho nhau trong tình yêu và trong việc thông truyền sự sống. Quyền bính, sự ổn định và đời sống tương giao nơi gia đình là nền tảng cho tự do, an ninh và tình huynh đệ của xã hội. Gia đình là cộng đoàn, nơi đó từ thời thơ ấu, con người được học biết tôn trọng những giá trị luân lý, tôn thờ Thiên Chúa và biết sử dụng tự do. Đời sống gia đình chuẩn bị cho đời sống xã hội.

2208

Gia đình phải sống thế nào để các thành viên biết quan tâm và nhận trách nhiệm đối với những người trẻ và những người già, người đau yếu, tật nguyền và nghèo khổ. Có nhiều gia đình đôi khi không đủ sức giúp nhau như vậy. Bấy giờ, những người khác, những gia đình khác và xã hội, phải chăm lo cho những người này. "Thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân, và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian là đạo đức tinh tuyền và không tì ố trước mặt Thiên Chúa Cha" (Gcb 1,27)

2209 1883

Gia đình phải được xã hội giúp đỡ và bảo vệ bằng những biện pháp thích ứng. Nơi nào các gia đình không đủ khả năng chu toàn phận vụ, các tổ chức xã hội khác có bổn phận trợ giúp và nâng đỡ cơ chế gia đình. Theo nguyên tắc bổ trợ, những cộng đoàn lớn không được lấn quyền hay xen vào đời sống của các gia đình.

2210

Gia đình rất cần thiết cho đời sống và phúc lợi xã hội ( x. GS 47,1 ), nên xã hội đặc biệt có trách nhiệm nâng đỡ và củng cố hôn nhân và gia đình. "Chính quyền phải nhìn nhận, bênh vực và phát huy bản chất đích thực của hôn nhân và gia đình, phải bảo vệ nền luân lý chung và giúp cho gia đình được sung túc, vì đó là những bổn phận mà chính quyền phải coi như một sứ mạng thiêng liêng phải chu toàn".

2211

Cộng đoàn chính trị có bổn phận tôn trọng, trợ giúp và nhất là bảo đảm cho gia đình có được các quyền sau đây :

- Quyền tự do lập gia đình, quyền sinh con cái và giáo dục chúng theo những xác tín luân lý và tôn giáo của mình;

- Quyền bảo toàn dây liên kết vững bền của hôn nhân và cơ chế gia đình;

- Quyền tự do tuyên xưng đức tin và thông truyền đức tin, quyền giáo dục đức tin cho con cái bằng những phương tiện và cơ chế cần thiết;

- Quyền tư hữu, tự do làm việc, có việc làm, có nhà ở, tự do di cư;

- Quyền được chăm sóc y tế trợ cấp tuổi già, phụ cấp gia đình, tùy theo cơ chế của các quốc gia;

- Quyền được bảo vệ an ninh và cuộc sống lành mạnh, tránh các nguy cơ như : xì ke ma túy, dâm ô đồi trụy, nghiện rượu v.v....

- Quyền tự do liên kết với các gia đình khác để lập hội đoàn và như thế, được đại diện bên cạnh công quyền ( x. FC 46 ).

2212 225 1931

Điều răn thứ tư cũng làm sáng tỏ các mối tương quan khác trong xã hội : Anh chị em ruột, là con cái của cha mẹ chúng ta; anh chị em họ, là những con cái của tổ tiên chúng ta; đồng bào là con cái của tổ quốc; các tín hữu là con cái của Mẹ Hội Thánh; mỗi con người là một người con của Đấng chúng ta gọi là "Cha chúng con". Do đó, các mối tương quan với tha nhân đều là những tương quan nhân vị. Tha nhân không phải là một "cá nhân" giữa tập thể, nhưng là "một con người" phải được mọi người đặc biệt lưu tâm và tôn trọng.

2213 1939

Con người họp thành những cộng đồng nhân loại. Để quản trị các cộng đồng một cách tốt đẹp, không những phải bảo đảm các quyền chu toàn các bổn phận, tuân giữ các khế ước, nhưng phải có lòng nhân hậu của người biết mưu cầu công bình và tình huynh đệ, nhờ đó có được quan hệ tốt đẹp giữa chủ và thợ, giữa nhà cầm quyền và công dân.

III- BỔN PHẬN CỦA CÁC PHẦN TỬ TRONG GIA ĐÌNH

Bổn phận con cái

2214 1858

Tình phụ tử của Thiên Chúa là nguồn mạch của tình phụ tử nơi loài người (Eph 3,14). Vinh dự của cha mẹ đặt trên nền tảng này. Lòng tôn kính của con cái còn vị thành niên hay đã trưởng thành, phát sinh từ lòng yêu mến tự nhiên liên kết chúng với cha mẹ ( x Pr 1,8 ;Tb 4,3-4 ). Chính luật Chúa đòi hỏi lòng tôn kính ấy ( x. Xh 20,12 ).

2215

Lòng tôn kính của con cái đối với cha mẹ (hiếu thảo) phát xuất từ sự biết ơn đối với những người đã cho chúng được sống và nhờ tình yêu và công lao của họ, giúp chúng lớn lên về tầm vóc, khôn ngoan và ân sủng. "Hãy hết lòng tôn kính cha con, và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy con lấy chi đáp đền cho cân xứng"? (Hc 7,27-28)

2216 532

Lòng hiếu thảo được bày tỏ qua sự ngoan ngoãn và vâng phục chân thành. "Hỡi con, lệnh cha con truyền, hãy lo tuân giữ; lời mẹ con dạy, chớ bỏ ngoài tai... Những lời đó sẽ hướng dẫn con lúc con đi, sẽ giữ gìn con khi con nằm, sẽ cùng con chuyện trò khi con thức dậy" (Cn 6,20-22). "Con khôn giữ lời cha nghiêm huấn, kẻ nhạo báng chẳng nghe lời sửa dạy" (Cn 13,1).

2217

Bao lâu còn chung sống với cha mẹ, con cái phải tuân giữ mọi điều cha mẹ dạy, vì lợi ích của mình và của gia đình. "Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa" (Cl 3,20) ( x. Eph 6,1 ). Trẻ em còn phải vâng lời thầy cô và người giám hộ. Theo lương tâm, nếu thấy vâng theo một lệnh truyền nào đó là làm điều xấu, thì con cái không buộc phải vâng lời.

1831

Khi trưởng thành, con cái vẫn phải tôn kính cha mẹ, biết đón trước ý muốn của các ngài, sẵn sàng bàn hỏi và chấp nhận những lời khuyên cáo đúng đắn của cha mẹ. Khi không còn chung sống với cha me,) con cái vẫn phải tôn kính, vì lòng tôn kính này bắt nguồn từ sự kính sợ Thiên Chúa, một trong bảy ơn Chúa Thánh Thần.

2218

Điều răn thứ tư còn cho những người con đã trưởng thành biết trách nhiệm của họ đối với cha me, về vật chất cũng như tinh thần, khi các ngài già yếu, bệnh tật, cô đơn hay hoạn nạn. Chúa Giê-su nhắc lại bổn phận biết ơn này ( x. Mc 7,10-12 ).

"Đức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái, cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con. Ai tôn kính cha thì bù đắp lỗi lầm, ai trọng kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện họ sẽ được lắng nghe. Ai trọng quí cha sẽ được trường thọ và ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng" (Hc 3,2-6).

"Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già, bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người. Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa" (Hc 3, 12-13, 16).

2219

Lòng hiếu thảo tạo bầu khí thuận hòa trong đời sống gia đình, ảnh hưởng đến các mối tương quan giữa anh chị em. Lòng hiếu thảo sưởi ấm bầu khí gia đình. "Con cháu là vinh quang của tuổi già" (Cn 17,6). "Anh em hãy ăn ở khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại". Hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau" (Eph 4,2).

2220

Các Ki-tô hữu còn phải biết ơn những kẻ đã giúp mình lãnh nhận đức tin, ân sủng bí tích Thánh Tẩy và đời sống trong Hội Thánh. Những người này có thể là cha mẹ, ông bà, những phần tử khác của gia đình, các vị mục tử, giáo lý viên, thầy cô giáo hay bạn bè. "Tôi hồi tưởng lại lòng tin không giả hình của anh, là lòng tin đã có nơi cụ Lô-ít, bà ngoại anh và nơi bà Eu-ni- kê mẹ anh và tôi xác tín rằng nơi anh cũng vậy" (2 Tm 1, 5).

Bổn phận của cha mẹ

2221 1653

Tình yêu vợ chồng không chỉ triển nở qua việc sinh con, mà còn qua việc giáo dục đời sống luân lý và tâm linh cho chúng nữa. "Vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục quan trọng đến nỗi không gì thay thế được" ( x. GE 3 ). Quyền và bổn phận giáo dục con cái là quyền và bổn phận căn bản, bất khả nhượng ( x. FC 36 ).

2222 494

Cha mẹ phải xem con cái như những người con của Thiên Chúa và tôn trọng chúng như những nhân vị. Họ phải dạy cho con cái biết chu toàn luật Thiên Chúa, bằng cách chính họ cũng cho thấy mình vâng phục thánh ý Cha trên trời.

2223 1804

Cha mẹ là những người đầu tiên có trách nhiệm giáo dục con cái. Họ thể hiện trách nhiệm này qua việc xây dựng một mái ấm gia đình dựa trên  tình âu yếm, lòng tha thứ, tôn trọng lẫn nhau, chung thủy và tinh thần phục vụ vô vị lợi. Mái ấm gia đình là nơi thích hợp cho việc giáo dục các đức tính, nơi đây con cái học biết hy sinh, phán đoán lành mạnh, tự chủ, là những điều kiện cho tự do đích thực. Cha mẹ phải dạy cho con cái biết "coi trọng các chiều kích tâm linh hơn là những gì thuộc thể lý và bản năng" ( x. CA 36 ). Cha mẹ có trách nhiệm quan trọng là phải nên gương tốt cho con cái. Khi biết nhìn nhận những thiếu sót của mình trước mặt con cái, cha mẹ có uy tín hơn để hướng dẫn và sửa dạy con cái :

"Thương con cho roi cho vọt, ai biết giáo dục con sẽ được thỏa lòng về con" (Hc 30,1-2). "Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng bằng cách khuyên răn và sửa dạy thay mặt Chúa" (Eph 6,4).

2224 1939

Gia đình là môi trường tự nhiên để chuẩn bị con người sống tình liên đới và nhận các trách nhiệm trong cộng đồng. Cha mẹ phải dạy cho con cái biết tránh những thái độ thỏa hiệp và sa đọa đang đe dọa xã hội loài người.

2225 1656

Nhờ ơn bí tích Hôn Phối, cha mẹ nhận trách nhiệm và đặc quyền giáo dục đức tin cho con cái. Cha mẹ là những sứ giả đầu tiên của đức tin, khai tâm cho con về các mầu nhiệm đức tin từ lúc chúng còn nhỏ. Họ phải đưa con cái, hòa nhập vào đời sống của Hội Thánh ngay từ lúc còn thơ bé. Nếp sống gia đình có thể tạo nên những tâm tình tốt đẹp, chuẩn bị và nâng đỡ đức tin sống động cho con trong suốt cuộc đời.

2226 2179

Cha mẹ phải giáo dục đức tin cho con cái ngay từ tuổi ấu thơ. Việc giáo dục này khởi đầu ngay khi các phần tử trong gia đình giúp nhau lớn lên trong đức tin, nhờ chứng từ của một đời sống đạo phù hợp với Tin Mừng. Việc dạy giáo lý trong gia đình đi trước, đồng hành và làm phong phú thêm các hình thức giáo dục đức tin khác. Cha mẹ có sứ mạng dạy cho con cái biết cầu nguyện và khám phá ra ơn gọi làm con Thiên Chúa ( x. LG 11 ). Giáo xứ là cộng đồng Thánh Thể và là trung tâm đời sống phụng vụ của các gia đình Ki-tô giáo, nên là nơi tốt nhất để giáo dục đức tin cho trẻ em và cha mẹ chúng.

2227 2013

Con cái cũng góp phần giúp cho cha mẹ sống thánh thiện ( x. GS 48,4 ). Mọi người và mỗi người phải biết quảng đại và sẵn sàng tha thứ cho nhau khi gặp những xúc phạm, gây gỗ, bất công và thiếu quan tâm (x. Mt 18,21-22, Lc 17,4). Tình yêu thương lẫn nhau và đức ái của Chúa Ki-tô đòi buộc như thế.

2228

Khi con cái còn nhỏ, cha mẹ tôn trọng và yêu thương chúng qua việc chăm sóc và lưu tâm dưỡng dục, đáp ứng những nhu cầu thể xác và tâm linh của chúng. Khi chúng lớn lên, cha mẹ tôn trọng và tận tụy giáo dục con cái biết sử dụng lý trí và tự do.

2229

Cha mẹ là những người đầu tiên có trách nhiệm giáo dục con cái, nên có quyền chọn lựa cho con cái một trường học theo ý mình. Quyền này là quyền căn bản. Cha mẹ phải cố gắng chọn lựa trường học nào giúp chu toàn tốt nhất trách vụ của người giáo dục đức tin (x. GE 6). Nhà Nước có bổn phận bảo đảm và giúp đỡ để cha mẹ thực thi quyền ấy.

2230 1625

Khi đến tuổi trưởng thành, con cái có bổn phận và có quyền chọn lựa nghề nghiệp và bậc sống. Con cái có những trách nhiệm mới nhưng vẫn giữ tương quan đầy tín nhiệm đối với cha mẹ, sẵn sàng bàn hỏi, lắng nghe ý kiến và lời khuyên bảo của cha mẹ. Cha mẹ phải tránh ép buộc con cái trong việc chọn nghề, cũng như trong việc chọn người bạn đời. Dù phải dè dặt, cha mẹ vẫn có thể giúp đỡ con cái bằng những ý kiến khôn ngoan, nhất là khi con cái chuẩn bị lập gia đình.

2231

Có những người không lập gia đình để chăm sóc cha mẹ, anh chị em, hoặc để dồn hết tâm trí vào một nghề nghiệp hay một lý do cao đẹp khác. Họ có thể góp phần lớn lao vào lợi ích của gia đình nhân loại.

IV. GIA ĐÌNH VÀ NƯỚC TRỜI

2232 1618

Các liên hệ gia đình rất quan trọng nhưng không tuyệt đối. Đứa trẻ càng lớn lên, vươn tới tuổi trưởng thành và tự chủ về mặt nhân bản và thiêng liêng, ơn gọi riêng do Thiên Chúa ban càng được khẳng định rõ ràng và mạnh mẽ hơn. Cha mẹ phải tôn trọng và cổ võ con cái đáp trả và đi theo ơn gọi ấy. Phải xác tín rằng ơn gọi đầu tiên của Ki-tô hữu là bước theo Đức Giê-su ( x. Mt 16,25 ). "Ai yêu cha mẹ hơn Thầy thì không đáng làm môn đệ Thầy, ai yêu con trai hay con gái mình hơn Thầy thì không đáng làm môn đệ Thầy" (Mt 10,37).

2233 542

Trở thành môn đệ Đức Giê-su, là chấp nhận lời mời gọi thuộc về gia đình Thiên Chúa và sống như Người: "Ai thi hành ý muốn của Cha Ta, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em và là mẹ Ta" (Mt 12,49).

Với tâm tình vui mừng và biết ơn, cha mẹ phải đón nhận và tôn trọng ơn Thiên Chúa mời gọi một trong số con cái mình đi theo Người, trong đời sống trinh khiết vì Nước Trời, trong đời thánh hiến, hay trong thừa tác vụ tư tế.

V.-QUYỀN BÍNH TRONG XÃ HỘI DÂN SỰ

2234 1897

Điều răn thứ tư cũng dạy ta phải tôn trọng tất cả những ai được Thiên Chúa trao ban một quyền bính trong xã hội để mưu ích cho chúng ta. Điều răn này soi sáng các bổn phận của những người thực thi quyền bính cũng như những kẻ được phục vụ.

Bổn phận của chính quyền dân sự

2235 1899

Những người cầm quyền phải thực thi quyền bính như người phục vụ : "Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm đầy tớ anh em" (Mt 20, 26). Về mặt luân lý, việc thực thi quyền bính phải căn cứ vào Thiên Chúa là Đấng ban quyền, vào lý trí tự nhiên và đối tượng đặc thù của quyền này. Không ai được quyền truyền lệnh hay thiết lập điều gì trái với nhân phẩm và luật tự nhiên.

2236 2411

Phải thực thi quyền bính theo trật tự chính đáng các giá trị giúp mọi người dễ dàng sử dụng tự do và trách nhiệm. Cấp trên phải khôn ngoan thực thi công bằng phân phối bằng cách quan tâm đến nhu cầu và phần đóng góp của mỗi người, để tạo sự hòa thuận. Họ phải lưu tâm đừng để cho các luật lệ và các qui định được ban hành tạo ra nguy cơ đối nghịch lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể ( x. CA 25 ).

2237 357

Chính quyền phải tôn trọng các quyền căn bản của con người. Phải thực thi công bình với lòng nhân đạo khi tôn trọng quyền của từng người, nhất là quyền của các gia đình và những người khốn cùng.

Các quyền chính trị gắn liền với tư cách công dân, có thể và phải được công nhận theo các đòi hỏi của công ích. Các quyền ấy không thể bị công quyền đình chỉ khi không có lý do chính đáng và tương xứng. Việc thực thi các quyền chính trị nhằm mưu cầu lợi ích chung của quốc gia và của cộng đồng nhân loại.

Bổn phận công dân

2238 1900

Những người phục tùng quyền bính phải coi cấp trên như người đại diện Thiên Chúa, Đấng đã đặt họ làm người phân phát các ân huệ của Người ( x. Rm 13,1-2 ): "Vì Chúa, anh em hãy tuân phục mọi thể chế do loài người đặt ra. Hãy hành động như những con người tự do, không phải như những người lấy tự do làm màn che đậy sự gian ác, nhưng như những tôi tớ của Thiên Chúa" (1 Pr 2,13.16). Sự cộng tác trung thực của người công dân bao hàm quyền, đôi khi là bổn phận, phải lên tiếng phê phán những gì họ cho là có hại cho nhân phẩm và lợi ích của cộng đồng.

2239 1915 2310

Người công dân phải góp phần với chính quyền để mưu ích cho xã hội trong tinh thần tôn trọng chân lý, công bằng, liên đới và tự do. Lòng yêu mến và phục vụ Tổ Quốc phát xuất từ bổn phận tri ân và đòi hỏi của đức ái. Nhiệm vụ tùng phục quyền bính hợp pháp và phục vụ công ích đòi hỏi người công dân chu toàn vai trò của mình trong đời sống của cộng đồng chính trị.

2240 2265

Bổn phận tùng phục quyền bính và có trách nhiệm đối với công ích buộc người công dân phải đóng thuế, bầu cử và bảo vệ quê hương :

"Anh em nợ ai cái gì, hãy trả cho người ta cái đó : nộp sưu cho người đòi sưu, trả thuế cho người đòi thuế, sợ người phải sợ, kính người phải kính" (Rm 13,7)

"Người Ki-tô hữu cư ngụ trên quê hương mình, như những ngoại kiều thường trú. Họ chu toàn mọi bổn phận công dân và gánh chịu tất cả như ngoại kiều... Họ vâng phục luật pháp hiện hành nhưng đời sống của họ vượt trên luật pháp... Thiên Chúa đã cho họ một địa vị cao quí đến độ họ không bỏ đi được" ( Epitre à Diognète 5,5.19; 6,10 ).

1900

Thánh Phao-lô tông đồ cũng khuyến dụ chúng ta phải cầu nguyện và tạ ơn Chúa cho "vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh"(1Tm 2,2).

2241

Những quốc gia giàu hơn có bổn phận đón nhận theo khả năng, những người nước ngoài đến tìm kiếm an ninh và sinh kế mà họ không có được nơi chính quê hương họ. Chính quyền phải để tâm tôn trọng luật tự nhiên vốn đòi hỏi phải bảo vệ những khách kiều cư.

Vì công ích, chính quyền có thể quy định một số điều kiện pháp lý cho quyền nhập cư, nhất là đòi hỏi các người di dân phải tôn trọng các bổn phận đối với quốc gia tiếp nhận họ). Người dân nhập cư phải biết ơn và tôn trọng di sản vật chất và tinh thần của xứ sở tiếp nhận họ, tuân thủ luật pháp và chia sẻ các trách vụ trong nước ấy.

2242 1903 2313 450

Theo lương tâm, người công dân không được tuân theo những luật lệ của chính quyền dân sự khi chúng ngược lại các đòi hỏi luân lý, nghịch với các quyền cơ bản của con người hay giáo huấn của Tin Mừng. Khi những đòi hỏi của chính quyền nghịch với đòi hỏi của lương tâm ngay thẳng, Ki-tô hữu từ chối vâng phục chính quyền, vì phải phân biệt giữa việc phục vụ Thiên Chúa và việc phục vụ cộng đồng chính trị. "Của Xê- da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa" ( Mt 22,21). "Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người" (Cv 5,29):

1901

"Khi công quyền vượt quá quyền hạn của mình mà đàn áp công dân, thì lúc đó chính công dân cũng không nên từ chối những gì khách quan xét thấy phù hợp với đòi hỏi công ích. Họ được phép bênh vực các quyền lợi riêng của mình cũng như của đồng bào, chống lại những lạm dụng của công quyền, nhưng phải tôn trọng các giới hạn của luật tự nhiên cũng như luật Tin Mừng" (GS 74,5).

2243 2309.

Không được sử dụng vũ khí chống lại một chính quyền áp bức, trừ khi hội đủ các điều kiện sau đây :

1/ Có bằng cớ chắc chắn chính quyền vi phạm nghiêm trọng và lâu dài các quyền căn bản.

2/ Sau khi đã dùng mọi phương thế khác.

3/ Không gây ra những xáo trộn tệ hại hơn.

4/ Có đủ cơ sở để hy vọng thành công.

5/ Nếu không tìm được giải pháp nào khác tốt hơn.

Cộng đồng chính trị và Hội Thánh

2244 1910 1881 2109

Mọi cơ chế đều minh nhiên hay mặc nhiên dựa trên một nhân sinh quan. Từ đó, rút ra những tiêu chuẩn để phán đoán bậc thang các giá trị và đường lối hành động. Đa số các xã hội xây dựng cơ chế của mình dựa trên một điểm ưu việt nào đó của con người so với vạn vật. Chỉ có tôn giáo được Thiên Chúa mặc khải, mới nhận ra được nguồn gốc và định mệnh của con người, nơi Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo và Cứu Chuộc. Hội Thánh mời gọi các chính quyền nên có những phán đoán và những quyết định dựa trên chân lý mặ)c khải về Thiên Chúa và con người.

Các xã hội không biết đến hay từ khước mặ)c khải này, vì không muốn lệ thuộc vào Thiên Chúa, đều phải tìm nơi chính mình hay vay mượn ở một ý thức hệ nào đó, những tiêu chuẩn và cứu cánh cho mình. Khi không chấp nhận cho người ta bảo vệ một tiêu chuẩn khách quan về thiện ác, các xã hội ấy tự ban cho mình một quyền lực độc tài chuyên chế trên con người và trên định mệnh con người, cách công khai hay ngấm ngầm, như lịch sử từng minh chứng ( x. CA 45;46 ).

2245 912.

Do sứ mạng và thẩm quyền của mình, Hội Thánh không tự đồng hóa với cộng đồng chính trị, nhưng Hội Thánh vừa là dấu chỉ, vừa là người bảo vệ tính siêu việt của nhân vị. "Hội Thánh tôn trọng và cổ võ tự do chính trị cũng như trách nhiệm của các công dân" ( x. GS 76,3 ).

2246 2032 2420

Hội Thánh có sứ mệnh "nói lên nhận định luân lý của mình cả trong những vấn đề liên quan tới lãnh vực chính trị, khi các quyền căn bản của con người hay phần rỗi các linh hồn đòi hỏi, bằng cách sử dụng mọi phương tiện và chỉ những phương tiện nào phù hợp với Tin Mừng và lợi ích của thời đại và hoàn cảnh khác nhau" ( x. GS 76,5 ).

TÓM LƯỢC

2247

"Hãy thảo kính cha mẹ" (Dt 5,16, Mc 7,10).

2248

Theo điều răn thứ tư, Thiên Chúa muốn rằng, sau Người chúng ta phải tôn kính cha mẹ và những ai được Người trao ban quyền hành để mưu ích cho chúng ta.

2249

Hôn nhân được thiết lập trên giao ước và sự ưng thuận của đôi vợ chồng. Hôn nhân và gia đình nhắm tới lợi ích của đôi vợ chồng, cũng như việc sinh sản và giáo dục con cái.

2250

"Sự lành mạnh của con người, của xã hội nhân loại và Ki-tô giáo liên kết chặt chẽ với tình trạng tốt đẹp của cộng đồng hôn nhân và gia đình" ( x. GS 47,1 ) ).

2252

Cha mẹ là những người đầu tiên có trách nhiệm giáo dục đức tin, cầu nguyện và mọi đức tính tốt cho con cái tùy theo khả năng, cha mẹ có bổn phận đáp ứng những nhu cầu thể xác và tâm linh của con cái.

2253

Cha mẹ phải tôn trọng và tạo thuận lợi cho ơn gọi của con cái mình. Họ phải ý thức và dạy dỗ cho con biết rằng theo Đức Giê-su là ơn gọi đầu tiên của Ki-tô hữu.

2254

Công quyền phải tôn trọng các quyền căn bản của con người và các điều kiện để con người thể hiện tự do.

2255

Người công dân phải cộng tác với chính quyền để xây dựng xã hội trong tinh thần tôn trọng chân lý, công bằng, liên đới và tự do.

2256

Theo lương tâm, người công dân không được tuân theo các luật lệ của chính quyền khi chúng ngược lại đòi hỏi luân lý. "Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người" (Cv 5,29).

2257

Mọi tập thể đều phán đoán và hành động dựa trên một nhân sinh quan. Nếu không được ánh sáng Tin Mừng soi dẫn về Thiên Chúa và về con người, tập thể dễ trở thành độc tài.

3059    10-10-2014 17:02:36