Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Sấm Truyền Cũ_Truyện 01_10


SẤM TRUYỀN CŨ
Truyện Thứ Nhất
đến Truyện Thứ Mười

TRUYỆN THỨ NHỨT
ĐCT DỰNG NÊN TRỜI ĐẤT MUÔN VẬT
(Trước Giáng Sinh 4004 năm)

Vốn ĐCT, là Đấng vô thuỷ vô chung, định bởi không mà dựng nên cho có. Vậy thuở sơ khai, Chúa phép tắt vô cùng gầy nên càn khôn vạn vật, mà còn vô loài vô tính, u minh hỗn độn, chưa phân ra. Đoạn Chúa làm mọi sự hoàn tất trong sáu ngày hay là sáu khoản.

  • Ngày thứ nhứt, ĐCT dựng nên bầu trời cùng trái đất không, còn lộn lạo tối tăm; đoạn Người dựng nên sự sáng mà phân sự tối ra.
  • Ngày thứ hai, Chúa dựng nên các tầng trời bền chặt vững vàng, gọi là Phiramamentô.
  • Ngày thứ ba, đất cùng nước còn lộn lạo, thì Chúa phán dạy rẽ ra làm hai, một giống một nơi, nước thì hội tụ ở xung quanh trái đất, gọi là biển; đoạn mới phán dạy đất sinh ra các giống thảo mộc hoa quả, cây nào giống nấy, để ngày sau trổ sinh lâu dài.
  • Ngày thứ bốn, Chúa dựng nên hai vừng sáng lớn ở trên cao, để soi khắp mọi nơi dưới thế, gọi là hai vừng nhựt nguyệt: mặt nhựt thì soi sáng ban ngày, mặt nguyệt thì soi sáng ban đêm; mà bởi nhựt nguyệt cán triền luân chuyển, cho nên ta kể dặng có ngày có tháng, mà chia ra làm giờ làm khắc. Cũng một ngày ấy, Chúa dựng nên các toà sáng láng, bài có thứ tự ở trên cao dưới tầng trời, gọi là các tinh tú, cũng gọi là Phiramamentô.
  • Ngày thứ năm, Chúa dựng nên các loài có giác hồn hay sống; Người định dùng bởi biển mà sinh mọi giống cá mú lớn nhỏ, đoạn Người phán truyền cho nó ngày sau sinh sản cho nhiều. Người cũng sinh nên các giống chim, cho nó lông cánh hay bay, cũng bởi biển mà ra.
  • Ngày thứ sáu, Chúa dạy đất sinh nên các giống lục súc côn trùng, kể chẳng xiết. Cũng một ngày ấy, Người tạo nên người ta, là giống sang trọng tốt lành hơn hết mọi loài mọi vật thế giái này; vì chưng có một loài người ta có linh hồn, có trí khôn sáng láng, hay suy xét lẽ, biết phân lành dữ, biết thờ phượng Chúa sanh thành vạn vật. Chúa đặt tên người thứ nhứt là Adong.
  • Vậy đến ngày thứ bảy, đã hoàn thành đủ no mọi sự, thì ĐCT mới thôi.Cho nên Chúa dạy lấy ngày thứ bảy làm ngày lễ lạy, đừng làm việc xác, để tạ ơn ĐCT.

Trong đoạn này chẳng có nói đến sự ĐCT sinh dựng nên Thiên thần khi nào. Song le ông thánh Augutinô gẫm rằng: khi ĐCT phán dạy sự sáng rẽ ra khỏi tối tăm, ấy là Chúa sinh Thiên thần; mà bởi trong chín phẩm Thiên thần, có kẻ quyết lòng nguỵ, thì ĐCT mới chia ra làm hai. Vì vậy nói sáng láng rẽ ra khỏi tối tăm, nghĩa là Thiên thần lành gọi là sáng láng, đặng ở chực chầu ĐCT; mà thần dữ, gọi là tối tăm, thì phải đày khốn nạn đời đời.

Ấy vậy trước hết ĐCT muốn cho chúng ta suy gẫm, hễ ai chẳng vưng lệnh Chúa, mà theo ý riêng, thì chẳng đặng thanh nhàn vui vẻ thật; bằng ai kính mến Người trên hết mọi sự, liền đặng an thật. Sau là ĐCT muốn cho chúng ta suy gẫm,dầu ai có quờn thế sang trọng mặc lòng, mà muốn trở lòng nguỵ cùng Chúa, mà dành lấy sự lành mình, như bởi sức mình mà làm đặng, thì chẳng khỏi phạt sa xuống chốn khốn nạn vô cùng. Bằng thánh Thiên thần lành ở hết lòng cùng ĐCT, thì nên gương cho chúng ta bắt chước, mà bền lòng thờ phượng Chúa; cũng một lẽ ấy, những nguỵ thần, là một bài giơ trước mắt chúng ta, lại như tiếng lớn kêu bên tai chúng ta rằng: ĐCT phá huỷ tang hoang kẻ kêu ngạo, mà vun trồng ơn phúc cho người khiêm nhường mà chớ.


TRUYỆN THỨ HAI
ĐCT CHO ÔNG ADONG Ở TRONG VƯỜN ĐỊA ĐÀNG

ĐCT dựng nên trời đất muôn vật đã đoạn, mà bởi vì có ý lập loài người để mà cai trị mọi loài khác trong thế giới này, thì Chúa đem ông Adong vào chốn vui vẻ, đã sắm sữa mọi cây giống tốt tươi, cùng mọi thứ trái trăng ngon ngọt, gọi là Vườn Địa Đàng. Vã trong vườn ấy có hai cây mầu nhiệm, một là cây hằng sống, hai là cây thông monh biết lành dữ, gọi là Cây tường tri thiện ác. Vậy Chúa phú vườn thanh nhàn vui vẻ này cho người nguơn tổ ở gìn giữ mà làm ăn. Lại vì Chúa có ý cho ông ấy nhớ luôn, mình có bề trên phải thờ phượng chịu luỵ, là ĐCT đã sanh thành mình, thì mới phán dạy rằng: Các giống trái trăng trong vườn này, bay muốn ăn giống nào thì mặc lòng; song Tao cấm một điều, là chớ có đá đến trái cây biết lành dữ; nhược bằng ngày nào bay phạm lệnh ấy, thì phải chết, chẳng sống đâu.

Đoạn ĐCT dạy các loài cầm thú đến trước mặt ông Adong, phú mặc cho ông ấy đặt tên cho mỗi loài ngoại vật; mà ông ấy đặt gì cho giống nào, thì tên ấy có lẽ lý ám hạp trong hình tích giống ấy thảy thảy.

Nhưng mà khi ấy ông Adong có một mình, chưa có ai làm bạn cùng; thì ĐCT chẳng để vậy, nên cho ông ấy ngủ, mà ngủ ra thể mầu nhiệm, khác chi như khi nguyện gẫm mà mất tính ngũ quan: vậy đang khi ấy, ĐCT lấy xương sườn cụt ông Adong, mà dựng nên một người nữ, đặt tên là Evà; Đoạn ĐCT đem đến trước mặt ông Adong; ông ấy liền thức dậy mà nói rằng: người này sanh bởi tính xương thịt tôi: ấy vậy cho đến rốt cùng đời, người đờn ông phải lìa cha mẹ mà kết làm một cùng vợ, để cho hai người nên một xương một thịt cùng nhau.

Vậy các thánh sư gẫm rằng: khi ông Adong ngủ làm vậy, ấy là ví dụ ĐCG đang sinh thì trên cây thánh giá, là khi Hội thánh mới sinh bởi công nghiệp Chúa cứu thế; cũng là khi nước cùng máu bởi cạnh nương long Người mà ra, nên mạch ơn thánh cho chúng ta đặng nhờ trong các phép Bí tích. Vậy ĐCG bởi trời mà xuống, là như lìa ĐC Cha, mà đến kết bạn làm một cùng Hội thánh. Lại khi Chúa đem người nào trong Hội thánh lên trời, thì Người phán rằng: Này là người bởi xương thịt Tao mà ra, nên sẽ hiệp làm một cùng Tao đời đời chẳng cùng.


TRUYỆN THỨ BA
ÔNG ADONG PHẠM TỘI

Khi ông Adong và bà Evà còn hưởng phước thanh nhàn trong vườn Địa đàng, ma quỉ thấy hai người này hãy còn ngay thật, ở hết lòng cùng ĐCT, nên nó phân bì số phận phước lộc loài người, mà giận ghét, cùng dốc lòng cám dỗ, hòng làm hại cho hai người phải hư, cùng lây đến cả và dòng dõi phải hư với nữa.

Vậy quỉ làm mưu kế, dùng con rắn là giống độc địa binh bải hơn các giống ngoại vật khác, mà cám dỗ đờn bà cho dễ hơn. Vậy mới hiện hình con rắn, đến phỉnh phờ bà Eva, mà hỏi rằng: Nhơn sao ĐCT cho hai ông bà ăn mọi giống trái trong vườn này, mà cấm một giống trái này mà làm chi? Khi ấy bà Eva chẳng hồ nghi lời gian, thì trả lời rằng: ĐCT đã dặn mới tôi chẳng khá hái lấy trái này mà ăn; bằng ngày nào phạm lịnh người, thì sẽ phải chết, chẳng sống đâu. Vậy ma quỉ gạt đờn bà mà rằng: Chẳng hề chi mà lo sợ, hai ông bà chẳng chết đâu: hãy nghe lời tôi mà ăn, thật chẳng phải nao. ĐCT cấm sự này, bởi vì ý Người chẳng muốn cho hai ông bà đặng sáng láng như Người mà chớ. Ngày nào hai ông bà ăn trái này, thì con mắt đặng thông suốt sáng láng, giống như ĐCT vậy.

Vã bà Eva nghe chước dối trá dường ấy, thì trong lòng đã xiêu hết nữa phần; lại đi đến cội cây cấm mà xem cho tướng tận, thì thấy trái tốt lành thơm tho lắm; ăn rồi lại đem cho ông Adong ăn với, thì ông ấy xiêu lòng theo vợ mà ăn.

Cho nên các thánh sư gẫm rằng: Ông thánh Giốp phải khốn nạn quá cực, đầy cả và mình những vít tích lở lói, từ tên đầu cho đến dưới chơn, mà chẳng khấng nghe lời vợ cám dỗ, bỏ nghĩa cùng ĐCT. Mà ai ngờ là ông Adong ở nơi vui vẻ thanh nhàn, chẳng hề phải sự gì mà cực khổ mà sa chước hèn mọn, ăn một miếng ngon mà làm hư minh, và con cháu mình đời đời phải khốn với!.

Lại cũng gẫm rằng: Tội ông Adong phạm, là tội rất quái gở độc dữ vô ngằn,vì ông ấy có trí sáng phi thường, cùng rõ biết mình phạm lịnh Chúa,thì phải chết: dầu vậy cũng cả lòng ăn trái cấm, thì làm cho mọi sự khốn khó đè lấy trên đầu mình, và miêu duệ mình đời đời. Cho nên khi con người ta còn ở trong lòng mẹ, thì đã mất nghĩa cùng ĐCT rồi, cùng đã ra loài tôi tá ma quỉ, phải khốn nạn vô cùng là chẳng hề đặng thấy mặt ĐCT; vì cứ lẽ công chính, cây nào sinh ra trái nấy, và loài tội lỗi sinh ra loài tội lỗi mà chớ.

Vậy khi ta gẫm tội này rất quái dị dường ấy, thì phải ghen ghét chước ma quỉ cám dổ là dường nào! Vì chưng thuở xưa nó lấy chước nào mà cám dổ bà Eva phải sa ngã, thì rày nó lại lấy muôn muôn chước giống như vậy, mà xúi giục lòng ta cãi lịnh Chúa. Ấy bà Eva đã từng biết chước ma quỉ là chước dối trá lấm, vì trước từng nghe lời ĐCT đe phạt thật, chẳng phải là lời không đâu. Cho nên chúng ta chớ nghe chước ma quỉ xúi giục lòng ta, mà lấy lời ĐCT làm nhẹ như lời không làm chi; vì chưng ý ma quỉ nó muốn phỉnh con cháu, như đã phỉnh tổ tông thuở trước vậy.


CHUYỆN THỨ BỐN
ÔNG ADONG PHẢI PHẠT

Ông Adong và bà Eva phạm tội đoạn, khi dầu hết xem thấy mình ở trần truồng, thì mới hiểu biết mình đã có lỗi và mất nghĩa cùng Chúa; vì khi chưa có phạm tội, thì hai ông bà chẳng hay hổ ngươi sự ở trần truồng trước mặt nhau: thật khi ấy hãy còn sạch sẽ như thánh Thiên thần, và tính xác hãy còn chịu luỵ phép linh hồn mọi đàng. Mà đến khi mình đã phạm tội đoạn, thì mới hổ ngươi trước mặt nhau, cho nên kiếm giống lá chuối mà che lấy thân thể, kẻo loã lồ. Đoạn hai ông bà nghe tiếng ĐCT đòi mình, thì chẳng còn ứng tiếng như thuở trước, song những sợ sệt khiếp vía kinh hãi, một toan ẩn mình cho khỏi mà thôi.

Vậy khi ĐCT kêu ông Adong rằng: Adong ở đâu? Thì ông ấy thưa rằng: Tôi sợ ra trước mặt Chúa tôi, vì tôi rày ở trần truồng. Vậy ĐCT quở rằng: Bởi bay phạm lịnh Tao, nên bay rày phải xấu hổ; ai bảo bay ăn trái Tao cấm? Khi ấy lẽ thì ông Adong phải nộp mình tạ tội, chẳng ngờ người lấy lẽ chữa mình, mà trách ĐCT rằng: Đờn bà kia, Chúa cho làm bạn cùng tôi, nó đã dỗ dành tôi ăn trái ấy. Đoạn ĐCT quở bà Eva, thì bà ấy cũng chữa mình mà rằng: Bởi con rắn đã phỉnh tôi, nên phạm phải trái ấy.

Hai người đổ lổi làm vậy, song le bởi ĐCT chẳng hay nghe lời chữa mình đổ tháo quái gở, thì trước hết Chúa quở phạt con rắn, từ này về sau , nó phải bò trệt ngực cọ đất, lại phải ăn đất nữa; và ngày sau sẽ có người Nữ già giệt trên đầu nó. Đoạn ĐCT mới phạt hai ông bà; người nữ sẽ phải chịu cực đau đớn nhiều đàng, nhứt là khi sinh đẻ con, thì chịu cực lắm; và trọn đời, phải chịu luỵ người đờn ông. Ấy mọi đời người đờn bà hằng chịu phạt như vậy. Bằng ông Adong, thì ĐCT phạt rằng: Bởi mày đã nghe lời đờn bà hơn lời Tao, thì đất này sẽ sinh ra cho mày những giống gai gốc cùng những cỏ hoang; mày phải đổ mồ hôi chịu khó nhọc mà làm, mới đặng ăn, cho đến khi chết, thì xác mày lại trở nên đất.

Đoạn ĐCT cho hai ông bà mặc áo da thú vật, lại nhiếc rằng: Rày bay đã nên giống Tao chưa? Nay chẳng khá để cho bay ăn trái cây thường sinh nữa, kẻo bay hằng sống. Nên Chúa đuổi hai ông bà ra khỏi vườn Địa đàng, và đặt một Thiên thần cầm gươm lửa, mà giữ cửa vườn ấy.

Vậy hai ông bà ra khỏi chốn vui vẻ, thì bơ vơ như khách đày vậy; khải đi thơ thẩn và khóc lóc trách tội lỗi mình; một thấy trên đất mọi nơi sinh ra gai gốc rậm rạp bờ bụi hiểm hóc, là những dấu tích nhắc lại lỗi mình đã trở lòng nguỵ cùng ĐCT. Lại hai ông bà nhớ luôn sự thanh nhàn đã nếm, khi hãy còn đặng nghĩa cùng ĐCT, mà sánh lại cùng những sự khốn nạn này, thì thảm thiết thống hối là ngằn nào! Sau nữa suy xét mình đã giết con cháu mình, khi chưa sinh ra, cho nên trong lòng thêm buồn bực lo lắng, ai hầu kể xiết! Vậy hai ông bà ấy nên gương kẻ ăn năn tội nên, và Hội thánh hằng lấy gương này, mà giục lòng ta ăn năn khóc lóc, hầu đặng khỏi tội tổ tông mình mang, cùng tội mình đã làm, cũng điều nhờ bởi công nghiệp Chúa cứu thế chuộc tội.


TRUYỆN THỨ NĂM
THẰNG CAIN GIẾT ÔNG ABÊLÊ
(Trước giáng sinh 3876 năm)

Bởi ma quỉ ghét loài ta, nên đã giục lòng ông Adong và bà Eva phạm tội; và bởi nó chuyên lòngghen ghét luôn, thì chẳng khỏi bao lâu, nó lại giục lòng con ông Adong, là thằng Cain, giết em mình là ông Âbêlê. Thánh kinh rằng; Ông Abêlê thật là người nhơn đức, làm nghề chăn chiên, hay tế lễ thượng tiến ĐCT những của tốt. Còn thằng Cain làm nghề ruộng cũng hay dưng cho Chúa những của trong vườn, là các giống hèn xấu mà thôi: lại có lòng độc dữ phân bì cùng ghét em, cho nên ĐCT chẳng nhìn lấy của lễ của nó, một nhậm lấy của lễ của ông Abêlê mà thôi. Vậy ĐCT thương yêu ông Abêlê chừng nào, thì thằng Cain thêm ghen ghét và khiến làm hại cho em chừng ấy.

Ắt truyện này nên ví dụ kẻ lành kẻ dữ đều ở trong Hội thánh, thì kẻ lành chẳng khoi ghen ghét; mà kẻ lành càng làm việc lành phước đức thì kẻ dữ càng thêm lòng độc ác; song le kẻ lành phải nhịn nhục kẻ dữ, như ông Abêlê làm xưa. Ắt người chẳng có lẽ cho khỏi ở làm một cùng thằng Cain, nhưng mà đợi trông hoặc là khi nào nó trở lòng hiền lành chăng.

Lại chăng những là ông Abê lê nhịn nhục thằng Cain, mà ĐCT cũng còn thương nó nữa. Và muốn chữa lấy tật nguyền nó cho đã.Vậy ĐCT hỏi nó rằng: vì ý nào mày có lòng lo ra buồn bực, mà phàn nàn làm vậy? ví bằng mày làm sự lành, thì mày chóng được phước; nếu mà có lòng độc dữ làm sự tội lỗi, thì tội mày sẽ làm hại mày mà chớ. Mày lấy lòng ghen ghét sự lành kẻ khác làm chi? Song le bấy nhiêu lời Chúa phán dạy như vậy, chẳng có làm cho nó chừa bớt tính nết xấu.

Vậy có một lần nó giận lắm, nhưng mà giấu để nín trong lòng, ngoài miệng thì khéo nói hiền lành cùng em rằng: Ta ra ngoài đồng chơi cùng nhau.

Thì ông Abêlê chẳng hồ nghi sự gì, liền đi theo nó cho đến nơi vắng vẻ: Khi ấy thằng Cain trở chụp cổ em mình mà giết đi, phạm tội cực trọng dường ấy. Đoạn ĐCT hỏi nó rằng: Nào em mày ở đâu? Thì nó thưa dối rằng: tôi nõ biết, phải tôi gìn giữ nó sao? Vậy ĐCT quở thằng Cain mà rằng: sao vậy? tiếng máu em mày nơi trần thế, nó đã kêu oan thấu trời, đến tai Tao nghe rồi. Vậy thì mày sẽ phải chúc dữ trên đời, bình bồng khắp xứ cùng đào tị mọi nơi.

Vậy các thánh sư gẫm rằng: Ông Abêlê là ví dụ ĐCG chịu quân Giudêu lấy lòng ghen ghét, mà giết Người; còn thằng Cain là ví dụ quân Giudêu bây giờ hãy còn chịu phạt, vì tội cực trọng ấy; cho nên nó như Cain, chẳng còn có đất nào riêng, mà ở cho bằng an; một phải đào tản đi các nước, chịu phạt vì tội mình; mà đến nơi nào, thì gặp những sự khốn nạn nơi ấy, chẳng có khi yên nhàn. Lại truyện thằng Cain dạy kẻ nào muốn thờ phượng ĐCT, thì chớ có ghen ghét anh em: những kẻ làm đầy tớ ĐCT, lẽ thì thà chịu ức hiếp, chẳng thà trả lòng dữ.

Ông thánh Ghêlêgori Giáo tông phán rằng: Hễ ai chẳng khấng nên giống ông thánh Abêlê, thì mắc phải giống thằng Cain, lại phải chịu phạt như nó đời này và đời sau nữa.


TRUYỆN THỨ SÁU
ÔNG NOE ĐÓNG TÀU

Từ ông Adong mới sinh đặng con cái, chẳng khỏi bao lâu thiên hạ đã nhiều; song le càng nhiều thì càng thêm ngũ nghịch, bỏ lề luật Chúa, làm những sự xấu xa quái gở, và phạm các giống tội dị thường, Vậy khi ông Adong qua đời rồi, thì con cháu người quen làm nhiều điều quá lẽ, đáng ĐCT phạt. Trong sách nói rằng: khi ấy loài người chẳng còn lòng kính mến ĐCT, một có lòng động lòng lo làm những sự trái, cho nên ĐCT lòng lành vô cùng phải tiếc công mình đã dựng nên loài người, và quyết định bởi lòng công bình vô cùng mà phạt kẻ dữ, kẻo loài người càng lâu càng dể Chúa, mà chẳng còn sáng danh người nữa. Khi ấy trong muôn vàn người ta, còn có một ông Noe giữ nghĩa cùng ĐCT; mà bởi ông ấy nhơn đức mọi đàng, thì chẳng những là khỏi phạt, lại nên kẻ ĐCT dùng mà cứu vớt dòng dõi ông Adong.

Vậy ĐCT phán cùng ông Noe rằng: Chúa đã dốc lòng làm lục lớn, huỷ hoại trôi trác cả và loài người ta, và các loài cầm thú. Song le ông Noe đặng nghĩa cùng Người, thì dạy ông ấy đóng một chiếc tàu lớn, để ngày có lụt cả đặng chở mình cùng con cái mình và các giống muông chim, một giống một đôi cho sống. Vậy ông Noe vưng lời Chúa dạy, trong lòng chẳng hồ nghi; trước hết đóng tàu lâu năm mời rồi. ĐCT để cho ông Noe đóng tàu lâu như vậy, vì Chúa có ý cho loài người ta đặng suy nghĩ và sửa mình cho khỏi phạt. Nhưng mà ai nấy đều vô tình vô ý, cũng như giáo hữu đời này, hằng nghe lời ĐCT đe ngày sau phán xét, song cũng chẳng chừa lỗi, cho đến chết, mà bỗng chúc mắc phải khốn nạn vô cùng, thì mới biết; cũng như kẻ đời ấy, khi mắc phải lụt cả, thì mới từng biết việc ông Noe đóng tàu, ắt chẳng làm điều vô lý, và chẳng mất công đâu. Vậy thì ĐCT ngăm đe lâu năm trước, Người sẽ phạt đời ấy, để cho chúng ta suy gẫm, Chúa hay nhịn nhục là thể nào. Song những kẽ nương cậy lòng lành ĐCT nhịn nhục, mà nuôi lấy tội mình, thì ngày sau sẽ chịu phạt nặng sa xuống trên đầu nó, như sấm sét vậy, chẳng còn có lẽ gì mà kêu oan đặng, vì chưng ngày trước những dễ duôi lời ĐCT truyền đã quá lẽ lắm.


TRUYỆN THỨ BẢY
LỤC ĐẠI HỒNG THUỶ
(trước giáng sinh 2348 năm)

Đến ngày ĐCT đã định lấy nước lụt mà rửa cả và trái đất cho sạch tội lỗi, thì Người dạy ông Noe nhóm lại các giống muông chim cầm thú xuống tàu, hễ giống sạch sẽ thì bảy đôi, giống chẳng sạch thì hai đôi; đoạn đem thê tử xuống tàu nữa, là hai vợ chồng với ba con trai, một là ông Sem, hai là thằng Cam, ba là ông Giaphét, lại ba nàng dâu, thảy là tám người. Khi ấy ĐCT đóng cửa lại, kẻo nước thấm vào. Bỗng chúc liền bởi trời mưa xuống, trọn bốn mươi đêm ngày, chẳng ngớt. Cho nên chưa khỏi bao lâu, thì có lụt quái gở tràn lên bao lấy cả và trái đất, quá khỏi đảnh núi cao, hơn mười lăm thước; cả và loài người ta cùng các giống muông chim đều thì chết hết, chẳng có giống nào khỏi. Đang khi tiêu huỷ mọi sự làm vậy, có một tàu ông Noe nổi trên mặt nước, cứu chữa những kẻ ở trong ấy mà thôi.

Tàu này là ví dụ Hội thánh, càng chịu sóng gió, thì càng vững vàng; lại càng cao lụt, thì càng nổi lên trên cao hơn nữa. Vậy thuở trước những kẻ nhạo cười ông Noe, bấy giờ nó thấy người đã lo lẽ khôn ngoan lắm thì nó trách mình là ngằn nào!

Các thánh sư gẫm rằng: trong tàu ông Noe có các giống cầm thú, ấy là ví dụ Hội thánh, khi còn ở đời này, có kẻ lành kẻ dữ, có kẻ khôn kẻ dại, lộn lạo cùng nhau, chưa phân ra. Lại gẫm rằng: Gỗ đóng tàu nên ví dụ cây Thánh Giá, chở lấy thiên hạ cho khỏi biển hiểm thế này. Nước lụt giết kẻ có tội, cũng là ví dụ phép Rữa Tội giết tội lỗi.Vậy các giáo hữu hằng ngày phải đội ơn ĐCT đã làm phước cho mình đặng nên con Hội thánh, khỏi lụt tội lỗi đã tràn lên bao khắp cả và thiên hạ. Mà hễ ai ở trong tàu Hội Thánh, thì cũng chẳng khỏi lo sợ, như khi ông Noe ở trong tàu, phải chịu sóng gió thì cũng sợ sệt. ấy vậy kẻ ở trong Hội thánh chẳng khỏi đau đớn chịu khó, cũng chẳng khỏi kẻ dữ trong ấy làm hỗn hào; dầu vậy mặc lòng cũng phải chịu, vì ai ở ngoài hội thánh, thì phải chết mà chớ. Bằng kẻ hay nhịn nhục, bền lòng chịu luỵ các đấng bề trên, chẳng lìa Hội thánh, và cậy rất thánh giá ĐCG, mà dùng các phép bí tích cho nên, thì đặng rỗi và hồn và xác đời đời chẳng cùng.


TRUYỆN THỨ TÁM
ÔNG NOE RA KHỎI TÀU

Lụt đại hồng thuỷ bao khắp cả và đất 150 ngày đoạn, thì ĐCT nhớ lại ông Noe và mọi loài vật ở trong tàu; vậy Người khiến gió mạnh thổi ra, làm cho nước rặc xuống. Khỏi bảy tháng, thì tàu ông Noe mới hạ xuống, mà đổ trên núi nước Aramênia; từ khi ấy khỏi bốn tháng, ông Noe mới mở cửa sổ tàu ra, liền thả một con chim quạ cho nó đi thăm; nhưng mà nó chẳng trở về. Cho nên con quạ này là ví dụ kẻ có tội ra khỏi Hội thánh, vì mê sự hièn phần xác thịt, chẳng khấn trở lại đàng rỗi linh hồn. Từ ấy khỏi bảy ngày nữa, ông Noe lại thả một con chim bồ câu; song le bởi nó chẳng gặp nơi nào mà đỗ, liền trở về tàu. khỏi bảy ngày nữa, ông Noe lại thả con chim bồ câu ấy, thì nó lại trở về tàu, mà tha về một nhành cây Oliva mới đâm lá non, làm chứng ĐCT đã tha phạt thiên hạ, mà làm lành cùng loài người ta. Vậy ông Noe mới trổ mui tàu ra, dòm thấy đất đã ráo, mà chưa dám lên, một đợi lịnh ĐCT dạy thể nào đã. Vậy từ đầu lụt cho đến khi ấy là khỏi một năm chẳn, thì ông Noe cùng vợ con mới lên đất. Trước hết ông ấy làm một bàn thờ, mà tế lễ ĐCT, cám ơn Người đã phù hộ cách lạ dường ấy, đặng khỏi chết đuối cùng trăm ngàn sự khốn khó. Ông này tế lễ bởi lòng khiêm nhượng nhân đức, cho nên ĐCT nhìn lấy cửa lễ này, như giống thơm tho đưa đến thiên cung.

Đoạn ĐCT truyền cho ông Noe và con cái đặng sinh sản miêu duệ nối dòng, lập lại loài người ta ở thế gian cho đủ. Lại ĐCT để các giống muông chim cầm thú phải sợ hải loài người ta, và cho ông Noe muốn ăn giống nào thì ăn giống ấy : vì loài người ta thuở trước quen ăn trái trăng mà thôi. Từ lụt cả này mới biết ăn thịt. Sau nữa ĐCT kết nghĩa cùng ông Noe, mà chỉ cái mống mọc trên mây làm dấu, hễ khi nào có mưa xuống, mà thấy có mống mọc lên, thì chớ còn sợ lụt bao cả và đấtnhư phen này; cho nên từ ấy đến rày, chẳng còn thấy có lụt nào quái gỡ làm vậy nữa. ĐCT đã phạt một lần tỏ tường làm vậy, để cho kẻ có tội phải gẫm. Chúa có phép phạt là thể nào; bằng kẽ làm nghịch cùng Người, thì ngày sau phải khốn nạn là dường nào.

Ông thánh Amvoloxiô gẫm rằng: cái mống là ví dụ Hội thánh có lòng kính mến ĐCT, có ơn ĐCT soi sáng xung quanh, nhưng mà hãy còn ở thế gian, như trong áng mây tối tăm. Lại cái mống đặng sáng, và nhiều sắc nhiều màu tốt lành, bởi yếng sáng mặt trời mà ra; cũng một lẽ ấy, Hội thánh có nhiều giống tốt lành là bởi ơn thánh ĐCG, là mặt trời thiêng sáng soi luôn. Sau nữa trời đã quang mây sạch, thì cái mống mất đi, chẳng còn xem thấy; cũng một lẽ ấy, đến ngày tận thế thì xác hèn này sẽ trở nên đẹp đẽ, và Hội thánh sẽ hiệp lại cùng ĐCG chẳng còn ở thế gian nữa.


TRUYỆN THỨ CHÍN
ÔNG NOE CHÚC DỮ CHO THẰNG CAM

Từ khi khỏi lụt hồng thuỷ đặng ít lâu, thì ông Noe và con cái người mới nghỉ ngơi, khỏi lo lắng sợ hãi. Song chẳng may có một sự này làm chứng loài người ta đã hư hốt trong lòng quá lắm, và dầu đã thấy phần phạt nặng nề trước mặt làm vậy, cũng chẳng hay chừa tính xấu. Vậy trong ba con trai ông Noe, ĐCT khiến dùng để mà sinh lại cả và loài người ta, thì có một đứa phạm một tội trọng, đáng ông Noe quở phạt cùng chúc dữ; nên gương cho kẻ đời sau, hễ là con cái phải biết mình chẳng nên dễ ngươi cha mẹ; mà nếu hiếu như thằng Cam, thì ngày sau cũng phải phạt như dòng nó đều mắt phải sự dữ từ xưa đến rày.

Vậy ông Noe lên khỏi tàu, mới lo liệu việc làm, kẻo ở nhưng ăn uống của ĐCT, thì người làm rẫy, trồng cây nho đặt rượu, mà có một lần , chẳng dè sức rượu, uống thử quá chén, bèn say nằm ngủ loã lồ. Chẳng ngờ thằng Cam xem thấy cha nằm hở hao làm vậy, thì nhạo cười, nói quấy quá; lại kêu hai anh em đến xem chơi với. Nhưng mà hai người kia khôn ngoan lắm, chẳng nghe lời đứa dại dột, liền lấy áo đậy mình cha cho kín đáo. Khi ông Noe tỉnh giấc dậy, nghe nói lại lời thằng Cam nhạo cười vậy, thì người quở nó rằng: Mày dễ ngươi cha già vô ý, thì mày phải làm tôi hai anh em cho đến hết đời, và dòng dỗi mày phải làm tôi nữa.

Ấy truyện này dạy dỗ kẻ làm con cái, phải thảo kính cha mẹ; ví bằng người có làm sự gì lầm lỗi, thì phải ra sức che đậy cho khuất, chẳng khá nhạo cười.

Lại trong ví dụ này cũng có ý mầu nhiệm này nữa: ông Noe là ví dụ ĐCG, thật là cha cả chúng ta; Người có lòng yêu dấu chúng ta quá hậu, cho nên Người uống chén đắng quá sức như say sưa vậy; nghĩa là chịu khốn khó cho đến chết xấu hổ trần truồng trên cây Thánh Giá; khi ấy quân Giudêu nhạo báng Người, như thằng Cam nhạo cười ông Noe, bởi ấy quân Giudêu phải phạt, làm tôi khốn nạn muôn đời.

Ông thánh Phaolô rằng: các giáo hữu chẳng nên hổ ngươi sự xấu hổ ĐCG. Ví chưng ĐCT đã giấu ẩn mọi sự sang trọng và mọi phước thật trong sự xấu hổ ấy. Sau nữa ta phải gẫm lời ông thánh Augutinô rằng: kẻ nào nhạo báng lẽ công chính, hay là kẽ nào muốn theo đòi thế gian, chẳng muốn bắt chước ĐCG chịu những sự khốn khó, ấy là kẽ dễ ngươi ĐCG , như thằng Cam dễ ngươi ông Noe, thì kẻ ấy sẽ chịu phạt, cùng sẽ làm tôi ma quỉ đời đời, như thằng Cam và con cháu nó phải chịu phạt, làm tôi cả và thiên hạ cho đến tận thế.


TRUYỆN THỨ MƯỜI
CON CHÁU ÔNG NOE XÂY THÁP
(Trước giáng sinh 2204 năm)

Chẳng khỏi bao lâu năm, con cháu ông Noe lại sinh đặng con cháu nhiều kể chẳng xiết, ai nấy mới lo liệu sang phương này đi phương kia; song le trước khi lìa nhau, thì nó toan làm một việc này, nên chúng nó dại dột kêu ngạo là thể nào, vậy nó rủ nhau xây tháp lên hầu tận trời: ấy là việc dại lắm, mà ý nó làm thì càng dại dột hơn nữa. vì chưng nó có ý làm cái tháp cao lớn ấy, để nên danh đồn hậu thế, lại hoặc ngày sau có lụt cả, thì sẽ lên ở trên tháp ấy, cho khỏi phép ĐCT phạt. Bởi ấy ĐCT muốn dạy dỗ chúng tôi, càng khiêm nhượng thì càng cao lớn; mà như có lỗi, thì phải lo buồn ăn năn tội, chẳng nên lo mưu chước, cho khỏi phạt làm chi. Vậy Chúa toan phá việc quân này làm, mà Người chẳng lấy sấm sét hay là giống gì giết nó, một làm cho quân ấy phải nói lộn tiếng quấc âm một người một tiếng khác nhau, chẳng còn hiểu nhau được nữa. Vậy đến nữa mùa xây tháp, thì nó phải bỏ đi, làm chẳng rồi; từ ấy về sau gọi là tháp Babêlê nghĩa là lộn xộn. cho nên chúng nó phải phân ly đòi nơi.

Các thánh sư rằng: tháp này là ví dụ các đạo dạy, kẻ lạc đạo bày đặt, muốn làm phe đảng, cho đặng danh tiếng trước mặt thế gian: song le chẳng khỏi bao lâu, liền mất sự hoà thuận cùng nhau, mà cải ra một người một tiếng, một người một đạo; cho nên thành tháp nó khiến làm cho khỏi phép Hội thánh sửa dạy, thì trở nên việc vô ích, một làm chứng cho kẻ đời sau biết sự dại dột và kiêu ngạo nó mà chớ.

Ông thánh Bênađô rằng: truyện này là ví dụ tình ý thế gian, thường lề kiếm chước móc cho khỏi tay ĐCT phạt, kẻo phép Chúa làm bề trên mình; lại muốn ghi tạc dấu tích sang trọng mình để ở đời, bấy nhiêu bởi loài người ta quen lấy lưỡi mà khen tài mình, và dạy kẻ bề dưới ngợi khen danh mình. Vậy thì ĐCT công bình phạt loài người ta lưỡi phải líu lo, chẳng hiểu tiếng nhau; mà các tiếng các nước khác nhau dường ấy, ấy là tiếng rao giữa đất trời rằng: hễ ai muốn làm ngụy cùng ĐCT, thì một mất công mà chớ. Lại kêu rằng: ai muốn lên trời, thì chớ có xây thành luỹ mà lên làm chi, đừng lo ra kêu ngạo, toan liệu những sự hoảng hốt. Ví bằng muốn đặng phước trọng ấy, hãy ở khiêm nhượng, mà hạ mình xuống trước mặt ĐCT, và chịu lụy cho trọn, thì mới đặng.


2453    17-03-2011 08:03:45