Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Sấm Truyền Cũ_Truyện 161_162

SẤM TRUYỀN CŨ

Truyện Thứ 161 dến Thứ 162

TRUYỆN THỨ MỘT TRĂM SÁU MƯƠI MỐT
ÔNG GIONATA PHẢI CHƯỚC DỐI MÀ CHẾT
(Trước giáng sinh 160 năm)

Ông Giuđa sinh thì đoạn, thì phe ngũ nghịch trong nước Giudêu nổi lên mà tranh hoành, và sát hại các kẻ ngay thật. Vậy khi ấy những kẻ theo ông Giuđa thuở trước, xin ông Gionata, là em người, lãnh công trị dân. Thì ông Gionata phải nghe mà lãnh lấy qui mô, song bởi vì sức yếu, chống chẳng lại tướng vua Đêmêtriô, nên phải trốn ẩn nơi khác trọn hai năm mà một ngày một đặng mạnh thế hơn. Vậy khỏi hai năm, tướng vua liền đem binh đến đánh người; thì tướng ấy phải thua mà cầu hoà cùng ông Gionata. Nhưng mà quân Giudêu hằng ghen ghét ông Gionata, nên làm rối loạn trong nước luôn.

Chẳng khỏi mấy năm, vua Đêmêtriô lại đem binh đánh vua nước Egíptô, mà phảỉ tử trận; thì vua nước Êgíptô liền kết nghĩa cùng ông Gionata. Vậy ông Gionata đánh giặc cùng các nước xung quanh, mà hằng đặng thắng trận, cho đến khi ông Triphônô, là tướng vua Alêxanđôrô trị nước Êgíptô, muốn soán ngôi. Song le tướng này biết có ông Gionata phò tá, thì khó mà thành việc đặng, nên nó làm mưu mời ông Gionata đi dạo chơi cùng nó. Khi thấy ông Gionata đem bốn muôn quân mạnh mẽ theo hầu, thì nó can rằng: Ngài đem quân nhiều làm chi cho tốn hao, nào có giặc giã gì? Rày bốn phương thiên hạ đặng thái bình, ngài hãy cho quân về nghỉ, xin ngài đi cùng tôi trong thành nọ thành kai mà chơi; vua đã truyền lịnh cho tôi giao thành ấy cho ngài, đoạn tôi trở về tâu vua tự sự. Ông Gionata nghe lời nó, liền cho quân mình trở về; còn để hai ba trăm quân đi cùng mình mà vào thành Tôlêmay theo tướng ấy; chẳng ngờ khi đến đó, nó liền đóng cữa thành lại, và dạy giết hai trăm quân hộ vệ, và cầm ngục người ở thành đó.

Các thánh gẫm rằng: kẻ làm đầy tớ ĐCT phải khôn ngoan, chớ vội tin lời kẻ dua nịnh phỉnh dối.

Ông thánh Hiêrônimô thánh sư lại rằng: kẻ giả nhơn đức mà phỉnh dỗ người ta, thì là xấu hổ lắm; mà người nhơn đức, chẳng hay lo tránh chước dối, mà phải mắc người ta phỉnh dỗ mình, thì cũng xấu hổ như vậy. Cho nên kẻ làm đầy tớ ĐCG, phải thật thà như chim bồ câu, mà phải khôn ngoan như con rắn. Hai nhơn đức này, thật thà, khôn ngoan, cả hai phải nên một; kẻo thật thà mà thôi thì ra dại dột, lại khôn ngoan mà chẳng thật thà thì ra xảo quyệt; song le, khôn ngoan và thật thà, thì mới nên đầy tớ ĐCG cho trọn mà chớ.


TRUYỆN THỨ MỘT TRĂM SÁU MƯƠI HAI
ÔNG XIMONG LÊN CHỨC THẦY CẢ
(Trước giáng sinh 143 năm)

Trong năm anh em nhơn đức này, đã chết hết bốn người, còn một mình ông Ximong sót lại. Ông này là người nhơn đức, hằng cứ giữ như lời cha xưa đã cố ngôn, cùng nôi theo gương các em cho trọn. Vậy ông ấy nói cùng chư tướng nước Giuđêa rằng: chư tướng cùng cả và dân làm chứng, con mắt mọi người đã thấy, âbý lâu năm trước, cả và nhà mới tôi phải chịu khó nhọc vì đạo thánh Chúa là ngằn nào. Các em tôi liều mình cứu dân Isarae mà phải chết hết, còn sót một mình tôi; nhưng tôi chẳng có muốn tránh trút nghĩa vụ cho đặng an thân dật lạc; thân tôi chẳng phải châu báu gì hơn các em tôi. các em tôi đã chịu làm sao, thì tôi cũng muốn chịu như làm vậy.

Ông ấy nói bấy nhiêu điều đoạn lo tính lẽ nào mà cứu ông Gionata, cho khỏi tay tướng Triphônô đang giam cầm. Khi ấy tướng Triphônô sai kẻ đến nói cùng ông Ximong rằng: nếu mà muốn chuộc em, thì nộp một số bạc, thì nó sẽ cho ông Gionata ra khỏi thành; nó hãy đòi hai con trai ông Gionata, hãy còn nhỏ, để ở cùng nó, làm con tin cho nó đặng vững lòng; ví bằng chẳng làm vậy, thì nó sẽ giết ông Gionata. Ông Ximong vốn thì đã biết thằng gian trá này muốn bắt lấy con ông Gionata mà giết cho tuyệt.

Lại đã dân Giudêu thương tiếc ông Gionata lắm, nên e dân ngờ mình chẳng muốn cứu em; cho nên ông ấy muốn tránh cho khỏi tiếng xấu, bèn đem bạc cho tướng Triphônô, cùng giao hai con ông Gionata cho nó nữa. Khi tướng Triphônô đặng một hòm bạc cùng hai con trai ông ấy rồi, thì nó liền giết hết ba cha con, đoạn cất binh đi đánh vua Êgíptô.

Từ ất ông Ximong trị dân Giudêu bình an lâu năm, nhưng mà chẳng khỏi kẻ thù nghịch. Vì chưng thằng rể người muốn cướp quờn, thì giết người đangkhi ăn bữa. Ông Ximong sinh thì đoạn, cả và dân khóc lóc thương tiếc lắm, cùng chọn con ông ấy, tên là Gioan, lên làm thầy đạc đức.

Đến đây đã hết Sấm truyền, nên phải dùng truyện người Giudêu chép sau này, cho ta đặng biết các việc xảy ra cho đến đời vua Erode thể nào. Vậy ông Gioan này làm thầy cả đạc đức đặng hai mươi chín năm mới qua đời, để qườn cho con tên là Arixitôbôlô; mà ông ấy khi qua đời, lại để qườn cho Alêxanđôrô lên chức thầy cả, mà cai trị cả và dân. Ông ấy đã qua đời rồi, thì có hai con trai, người đầu lòng tên là Hiricanô, con thứ hai là Arixitôbôlô; Hiricanôtrị dân, cách khôn ngoan trí tuệ lắm. Khi mẹ còn sống, thì hai anh em hoà thuận cùng nhau; đến khi mẹ đã chết rồi, thì hai anh em làm giặc đánh nhau, mà người em giành đặng chức người anh.

Khi ấy ông Antiphatê, là cha vua Erode, là người dòng dõi hèn hạ,miêu duệ ông Êgiau thuở trước, chẳng phải dòng dõi ông Giacóp; nhưng mà người này có tài lắm, thì binh phe ông Hiricanô, cùng cậy thế tướng nước Rôma, mà giành qườn lại đặng. Vậy tướng nước Rôma bắt Arixitôbôlô cùng hai con trai ông ấy mà đem về thành Rôma, thì Horocanô đặng qườn thầy cả cai trị nước Giuđêa. Đến sau, khi vua Xêsarê thứ nhứt lên trị nước Rôma, vua này binh vực ông Arixitôbôlô, thì cho ông ấy trở về nước Giuđêa. Nhưng mà khi ông này về đến nơi, thì phải quân giặc giết đi, chẳng kiịp làm việc gì. Nên Hiricanô đặng giữ qườn cai trị dân, vì có Antiphatê, là cha vua Erode, phò tá luôn. Song Antiphatê cũng đặng quờn cả trong nước Giudêu, làm quan trấn thủ cả và nước ấy, mà nhỏ hơn qườn thầy cả; còn Erode là con Antiphatê, cũng đặng làm quan trấn thủ nước Galilêa. Đang lúc trong nước bằng an, thì cha của vua Erode là Antiphatê phải quân nguỵ giết. Thuở ấy vua nước Pharatia làm giặc cùng nước Rôma, nên tràn ra đến xứ Giuđêa, vua này cất chức ông Hiricanô, lại giết em Erode, cho nên Erode thấy chẳng còn thế giữ chức trấn thủ nữa, thì trốn sang thành Rôma: mà bởi vì khéo chước, nên đặng trở về làm vua nước Giuđêa, mà đánh giặc cùng thầy cả vua Pharatia đã đặt lên bấy lâu. Vua Erode bắt đặng thầy cả ấy, cùng cầm tù ở thành Antiôkia, cho đến khi thầy ấy chết tại đó. Vua Erode đặng bình an, thì cưới bà Marianê, là con gái ông Hiricanô, là dòng dõi thầy đặc đức thuở trước; mà bà ấy còn một người em út, tên là Arixitôbôlô, mới bảy tuổi; chẳng khỏi mấy tháng, vua Erode làm chước mà giết trẻ ấy trong nhà tắm. Cho nên vua Erode cướp nước Giuđêa mà cai trị đặng ba mươi bảy năm.

Đời hoàng đế Âucuxitô trị vì nước Rôma, cả và thiên hạ bình an thới thạnh đặng bốn mươi năm, thì ĐCT mới ra đời, như lời thánh tiên tri đã hứa thuở trước rằng: Bao giờ bĩnh qườn nước Giuđêa đã về tay kẻ ngoại quốc, thì Chúa cứu thế sẽ giáng sinh, mà người lập lại nước vua thánh Đavít; nhưng mà nước người là nước thiêng liêng, cai trị phần linh hồn chúng dân, và người khuyên dạy thiên hạ chê bỏ mọi sự sang trọng đời này.

Vậy trước khi ĐCG ra đời một trăm năm, thì trong nước Giuđêa những giặc giã, anh em đồng bào đương tranh chém giết nhau, chẳng khi đừng, đó là dấu loài người đã ra hư hốt lắm rồi. Cho nên đã đến tuần theo lời thánh tiên tri đã phán trước rằng: Bao giờ thiên hạ đầy dẫy tội lỗi đáng cho Chúa phạt, thì khi ấy Người sẽ lấy lòng thương xót, ban xuống mọi ơn đầy dẫy mà làm phước cho cả và thiên hạ.


2219    17-03-2011 09:54:01