Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Sống Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi - Tháng 01 năm 2007

CHỦ ĐỀ: SỐNG MẦU NHIỆM CHÚA BA NGÔI 

I. THƯ MỤC VỤ số 2

Theo thánh Phaolô, Kitô hữu khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, được dìm vào trong nước thanh tẩy, tượng trưng cho việc dìm vào trong cái chết của Chúa Giêsu, thì cũng như Người đã từ cõi chết sống lại nhờ quyền năng vinh hiển của Thiên Chúa Cha, họ cũng được sống một đời sống mới (x. Rm 6, 3-4).

Đó là đời sống có Thiên Chúa, suối nguồn tình yêu:
"Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời" (Ga 3,16). Chính nhờ tình yêu này, con người có thể nhận ra dung mạo đích thực của Thiên Chúa và hân hoan tìm đến với Ngài. Đó cũng là đời sống đến từ Chúa Giêsu, quà tặng Tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại. Là Con yêu dấu của Thiên Chúa "Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập giá" (Pl 2,8) để giao hoà thế gian tội lỗi với Thiên Chúa và làm cho nhân loại trở nên con người mới, con người biết "nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu" (Ga 19,37) để nhận lấy ơn cứu độ. Đó cũng còn là đời sống năng động trong Chúa Thánh Thần, năng lực tình yêu. Nhờ Chúa Thánh Thần, Kitô hữu thông hiệp vào mầu nhiệm Tử Nạn - Phục Sinh của Chúa Giêsu để can đảm bước theo con đường của Thầy chí thánh và sống theo gương Ngài.

II. DẪN GIẢI

Nhờ được rửa tội chúng ta có đời sống mới Sống mới do Chúa Cha ban. Nhờ Chúa Con. Chúa chịu chết... để chuộc lại tình trạng làm con Chúa . Ai tin vào Chúa Con thì được sống đời đời. Chúa Thánh Thần cho cái sống mới, được lớn mạnh và thiện hảo như Chúa Kitô.

III. CHUYỆN MINH HỌA

HAI TỜ GIẤY BẠC

Thông thường khi xếp tiền vào ví nhiều người thương phân loại tiền, để những tờ bạc cùng mệnh giá nằm sát nhau. Thế nên tờ giấy bạc 01
đồng hiếm khi có được may mắn đứng cạnh tờ giấy bạc 100 đồng. Nhưng rồi một lần nọ, vô tình người chủ gập hai tờ giấy bạc có giá trị cách nhau 100 lần thành một cuộn nhỏ. Vui mừng vì được gặp một người bạn lớn, tờ bạc 01 đồng bắt đầu bắt chuyện, hỏi han vế thế giới mà tờ bạc 100 đồng kia từng đi qua.

Tờ bạc 100 đồng hứng chí khoe: “Tớ từng có mặt trong tất cả các khách sạn sang trọng nhất, đắt tiền nhật. Các tỉ phú luôn mang tớ đi theo tới các nơi sóng bạc. Tớ làm cho ví của 500 doanh nhân giàu nhất nước Mỹ căng phồng. Tớ từng ở đâu ư? Tớ đã đi từ Nam tới Bắc, tớ đã tới hầu hết các nước trên thế gian nầy ...” Chăm chú lắng nghe tờ 100 đồng kể xong, anh bạn 01 đồng trầm ngâm nói: “Quả tình mình chưa bao giờ được tới những nơi sang trọng như bạn kể. Nơi mình có mặt nhiều nhất là những thùng quyên góp giúp người nghèo và trẻ em bất hạnh”. ( Quốc Anh sưu tầm, báo Người Lao Động 28.12.2006)Đời sống của người tín hữu, những người có Chúa Kitô phải được thể hiện qua những hành động cụ thể của tình yêu thương anh em mình. Bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu.

IV. DIỄN GIẢI

Một câu hỏi luôn trổi dậy trong tâm thức con người: làm sao để sống đời đời? Chính cái chết và cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu đã biến đổi đời sống của chúng ta, các Kitô hữu. Thật vậy, nhờ Phép Rửa tội chúng ta được tham dự vào đời sống của Chúa (x. Rm 6,3-4). Chúa Giêsu đến trần gian để cứu chuộc mỗi người chúng ta, nghĩa là biến đổi đời sống chúng ta, làm cho chúng ta không chỉ sống mà còn sống tròn đầy, sống hạnh phúc đời đời.Chúa không chỉ cứu chuộc linh hồn chúng ta mà còn cả thân xác nữa. Đời sống thần linh của Chúa cũng được thông ban cho ta cả hồn lẫn xác để sống hài hoà với nhau: gia đình, xã hội và với vạn vật.Chúng ta nhìn lại một vài cột mốc lịch sử cứu độ, lịch sử lòng yêu thương Thiên của Thiên Chúa để nhận ra đâu là sự sống mà Thiên Chúa muốn con người đón nhận.

CHÚA THÁNH THẦN: NĂNG LỰC TÌNH YÊU

Công Đồng Nicê-Constantinôpôliđã tuyên tín: “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống” . Chính nhờ Chúa Thánh Thần mà chúng ta được thông dự vào sự sống của Chúa Kitô. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng hướng dẫn và khơi gợi lên trong lòng ta đi tìm con đường hạnh phúc mà Thiên Chúa gọi mời . Chính Ngài là Đấng soi sáng lương tri chúng ta và lấp đầy tâm hồn chúng ta sự hiện diện của Thiên Chúa. Và cũng chính Ngài đã phán dạy qua các ngôn sứ, gợi lại trong tim ta tình yêu không ngơi nghỉ và luôn đổi mới của Chúa Cha, được thể hiện nơi Chúa Con. Chính Chúa Thánh Thần dẫn lối cho tâm hồn chúng ta nhận ra con đường hạnh phúc là chính Chúa và sự sống của Người.

CHÚA CHA: SUỐI NGUỒN TÌNH YÊU

Khởi đầu công cuộc tạo dựng Thiên Chúa đã dựng nên con người với tất cả lòng yêu thương và ban cho con người sự sống dồi dào. Thế nhưng, thay vì đón nhận. Ađam đã tìm cách chiếm đoạt. Khi cãi lệnh Chúa ăn trái cấm là ông đã khước từ đón nhận ơn ban của Chúa, muốn tự mình chiếm đoạt việc biết lành biết dữ, điều mà Thiên Chúa dành riêng cho một mình Người. Và thế là nguyên tổ loài người đã đánh mất sự sống đời đời, sự sống của Chúa. Nhưng Thiên Chúa không bỏ mặc con người trong sự chết và cô đơn: Qua Noe, với Giao ước sau Lụt Đại Hồng Thuỷ (x. St 8,10-9,17), Chúa đã chìa tay ra để nối lại mối dây thân ái mà con người đã đan tâm cắt bỏ.Bằng một phương pháp sư phạm mới - khác với phương pháp ở Vườn Địa Đàng - vì con người hiện không còn sống gần và sống thân tình với Chúa nữa, Thiên Chúa tiếp tục chỉ cho con người con đường hạnh phúc và dẫn họ vào đời sống của Thiên Chúa. Với Giao Ước Noe, Thiên Chúa đã khởi đầu chương trình tái tạo một cuộc sống mới cho nhân loại.Từng chút một qua thời gian, Thiên Chúa dạy cho con người con đường hạnh phúc, tức là có được sự sống đời đời, sự sống từ bởi Chúa. Qua việc ban Mười Điều Răn, Thiên Chúa dạy cho Dân Israel cách sống giữa người với người và đồng thời cách sống đối với Chúa. Hai cách sống nầy chỉ là hai mặt của một vấn đề mà sau nầy chúng ta sẽ gặp thấy nơi lời dạy của Chúa Giêsu: yêu Chúa thì phải yêu người; yêu người là yêu Chúa.Các ngôn sứ cũng lần lượt lập lại lời mời gọi nầy của Chúa. Mời gọi chứ không áp đặt, cũng giống như cách Chúa đối xử với nguyên tổ xưa. Từ thế hệ nầy sang thế hệ khác, các ngôn sứ nhắc nhớ Israel rằng Thiên Chúa yêu thương họ và muốn dẫn đưa họ vào cuộc sống đích thực, là nhận biết và tôn thờ Chua, bất chấp những lỗi lầm và xa cách của họ đối với Chúa và với anh em mình.

CHÚA GIÊSU: ĐƯỜNG, SỰ THẬT VÀ SỰ SỐNG

Con đường dẫn đến sự sống mà xưa Thiên Chúa hướng dẫn qua các ngôn sứ, thì nay Ngài mặc khải cách tròn đầy qua Con Một của Ngài. Con đường mà xưa Ngài dẫn dắt riêng Israel thì nay Ngài ngài chỉ lối cho hết mọi người. Tiếng Chúa xưa phán trong hoang địa, thì nay Ngôi Lời của Chúa Cha nhập thể làm người và tỏ hiện ra. Sự sống, quà tặng mà Thiên Chúa ban cho con người chính là Chúa Giêsu, Con Một của Người, là tình yêu mà Thiên Chúa dành cho con người. Sự Sống đã đến trong trần gian để cho con người múc nguồn sự sống của Thiên Chúa. Ngài đến để biểu lộ tình yêu Thiên Chúa và ban Thánh Thần cho chúng ta. Thánh Gioan, một cách đặc biệt, chỉ cho ta thấy điều nầy.Khi Nicôđêmô hỏi làm sao để được vào Nước Thiên Chúa, có phải chui vào lòng mẹ một lần nữa để được sinh ra trong đời sống mới không (x. Ga 3), thì được Chúa Giêsu trả lời một cách tỏ tường: “Thật, tôi bảo thật ông, không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. Cái gì bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái gì bời Thần Khí sinh ra là thần khí” (Ga 3, 5-6). Dìm mình trong nước Rửa tội, tức là chết và sống lại với Đức Kitô Phục sinh, chúng ta sống cuộc sống mới, cuộc sống vĩnh cửu, cuộc sống của Chúa: “Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay sống lại cho Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô ” (Rm 6, 11). Chủ đề sự sống đời đời được Thánh Gioan lập đi lập lại nhiều lần, như khi Chúa Giêsu nói vơi người thiếu phụ Samaritanô về nước hằng sống (x.Ga 6, 40 ), về sự sáng (x.Ga 8, 12 ), về Vị Mục Tử tốt lành (x. Ga 10). Đức Kitô mời gọi mỗi người chúng ta sám hối tội lỗi, thay đổi đời sống, để bước vào đời sống của Chúa. Đây là một ân ban do tình thương của Chúa dành cho chúng ta. “Không ai có tình yêu cao cả hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì ban hữu mình” (Ga 15, 13). Giống Chúa Giêsu hy sinh mạng sống vì yêu thương, chúng ta cũng được mời gọi từ bỏ chính mình, để có thể nhận được hồng ân của Chúa, hồng ân sự sống vĩnh cửu.

SỐNG TRONG CHÚA

Để sống trong Chúa và với Chúa, chúng ta cần phải: Lắng nghe lời dạy bảo Chúa Thánh Thần, là Sự Sống và Đấng ban sự sống qua việc học hỏi và sống Lời Chúa. Đổi mới tâm hồn qua việc đón nhận ơn Chúa nơi các Bí Tích, nhất là Phép Thánh Thể. Nhờ việc đón nhận Chúa Phục sinh vào trong tâm hồn qua việc rước lễ, chúng ta giống Chúa ngày một hơn và được sống lại với Chúa. Sống sự sống của Chúa Ba Ngôi không phải làm cho chúng phát triển những tài năng cá nhân cho riêng mình, nhưng là mở rộng tâm hồn hướng đến tha nhân: đón nhận mọi người, nhất là những người khốn khổ và bất hạnh một cách thiết thực. Mỗi người là chi thể trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, thế nên tình thương của chúng ta không chỉ quy về những cá nhân đơn lẻ mà còn có tính cách cộng đoàn. Sống sự sống của Thiên Chúa cũng chính là biến cộng đoàn chúng ta đang sống trở thành cộng đoàn huynh đệ yêu thương, là không bỏ qua bất cứ điều gì mà chúng ta có thể thực hiện để giúp đỡ nhau. Bởi vì không cần phải đi tới cùng trời cuối đất để thực hiện những việc lớn lao, vượt sức con người, nhưng đôi khi chỉ cần biết nhịn nhục, biết chìa tay ra cho anh em, chịu khó một chút, biết nhín chút thời giờ cho những nhu cầu của anh em mình ...Đó chính là yêu thương một cách thiết thực. Sám hối chân thành, yêu thương mọi người cách cụ thể, rước lễ sốt sắng để Chúa Giêsu lớn lên trong ta, là chúng ta trở về nguồn suối của Thánh Thần Thiên Chúa, để được đổi mới, được tăng sức và được đảm bảo cho sự sống đời đời cùng với mọi anh em chúng ta. (Theo Matthieu Cassin, Vivre de la vie de Dieu, www.eleves.ens.fr) Lạy Chúa, xin mở rộng lòng chúng con đón nhận ân sủng Chúa, để chúng con sống gắn bó với Chúa và yêu thương nhau, nhờ đó chúng con được sống muôn đời. Amen

KIỂM ĐIỂM

Có nhận thức, trong chúng ta có sự sống siêu nhiên không ?
Sống siêu nhiên là tham gia (hay ít ra có được giống) sống sự sống của Chúa Ba Ngôi, chúng ta có ý thức không ?
Con người tự mình không thể đạt lại tình trạng nguyên tuyền. Chúng ta có thấy, có hiểu được điều này không ?

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Kêu mời: Anh chị em thân mến
Từ thuở ban đầu, Thiên Chúa đã tạo dựng loài người giống hình ảnh Thiên Chúa, Người còn thổi sinh khí của Người vào con người, cho họ có khả năng sống giống như Chúa Ba Ngôi đang sống. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện: 1. Chúa phán: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần ” . Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, nhờ đời sống đạo, luôn làm sáng danh Chúa Ba Ngôi. 2. Chúa phán: “Các con hãy nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu, chân thành sống đạo Chúa, giữ vững đức tin, và tiến triển trên đường nên trọn lành. 3. “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu, luôn lắng nghe và thực hành lời Chúa Kitô dạy, luôn hiệp thông nên một với Thánh Thể Chúa Kitô, nên con Thiên Chúa. 4. “Thánh Thần mà Cha sẽ ban nhân danh Thầy, Người sẽ nhắc nhở mọi điều Thầy đã truyền cho các con”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, luôn là đền thờ Chúa Thánh Thần, tin mến Chúa trên hết mọi sự. Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa dựng nên loài người giống hình ảnh Chúa, xin cho chúng con được hiệp thông trong tình yêu của Chúa Ba Ngôi, xin Thánh Thần Chúa dạy chúng con làm chứng nhân cho tình yêu Chúa, hầu đáng được hưởng phước thiên đàng. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

SỐNG LIÊN KẾT VỚI THIÊN CHÚA

Sống liên kết mật thiết với Thiên Chúa là đặc điểm đầu tiên của đời sống Kitô hữu. Đó chính là sống Đức Mến. Người giáo dân thường có những thắc mắc như sau, và được một nhà Tu Đức ẩn danh trả lời:Mến Chúa hoàn toàn là giới răn phải giữ để được cứu rỗi (Mt 22, 37 : “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” ). Vậy, nếu ta chưa tới được “yêu mến hoàn toàn” như vậy, thì có được cứu rỗi không ? ĐÁP: Theo Thánh Tôma, Đức mến hoàn toàn ta phải có để được cứu rỗi, không đòi buộc như một việc phải thực hiện được ngay, nhưng như mục đích phải tới. Vậy, ta phải muốn tới. Và Cajetan giải thích thêm: Chính vì là mục đích, nên để khỏi lỗi giới răn ấy, thì hễ còn trên đường đi tới mục đích ấy (chỉ khi có tội nặng mới trệch đường) là đủ, dù mãi đời sau mới tới được. Vậy hễ ai có Đức mến, dù ở bậc thấp nhất và như thế là còn trên đường về trời, thì người ấy còn trên đường đi tới Đức Mến hoàn toàn, và bởi đó không lỗi giới răn cần để được cứu rỗi. Như vậy, chỉ khi phạm tội nặng mới lỗi giới răn mến Chúa hoàn toàn.Nhiều người hỏi rằng: Chúa thì thiêng liêng ta không thấy, sao mà mến Chúa được ? Đáp: Xin trả lời bằng một câu chuyện giữa một thanh niên và một nhà ẩn sĩ: Thanh niên hỏi: con thấy các thánh chăm chú sốt sắng đọc kinh, nguyện ngắm, làm việc thờ phượng, lòng cảm thấy êm ái ngọt ngào, linh hồn được bình an phấn khởi; còn con thì lòng nguội lạnh trơ trơ, chẳng thấy gì là êm ái ngọt ngào thì con mến Chúa sao được ? Vị ẩn sĩ trả lời: Sao con lại bảo con không mến Chúa được, con đừng lầm mà nghĩ rằng, phải có êm ái ngọt ngào phấn khởi mới là mến Chúa. Không phải thế. Êm ái ngọt ngào phấn khởi là điều rất tốt, rất đáng ước ao, nhưng đấy chỉ là sốt sắng tùy phụ, không có cũng được, cái cốt yếu của lòng mến Chúa là ý chí quyết định làm tôi Chúa, theo ý Chúa, dù lòng trơ trơ không có êm ái ngọt ngào phấn khởi cũng được. Thanh niên: Vậy thì con yên tâm và có hy vọng mến Chúa được. Ẩn sỉ: Xin nhắc lại, nếu lòng trơ trơ, không cảm động, không phấn khởi, có khi còn chán nản mà có ý chí con vẫn quyết theo Chúa, thì con cứ an tâm, con đang mến Chúa đấy. Thanh nhiên: Tạ ơn ngài, nhờ ngài chỉ dẫn, con hiểu mến Chúa ở tại theo ý Chúa, chứ không cần an ủi ngọt ngào.(Theo sách: “Đời Sống Kitô Hữu” Luân Lý & Tu Đức phối hợp)

VII. TÌM HIỂU KINH THÁNH

BÀI 13: HÃY TRẢ LẠI TỰ DO CHO DÂN TA.

(Xh 7,8 -11,1 tt).1. Môisê đã thực hiện sứ mạng được giao phó như thế nào? Môisê trở lại Ai cập và bắt đầu thương lượng với Pharaon để dân Israel được ra đi. Pharaon đã không nghe cho đến khi mười tai họa giáng xuống đất nước Ai cập, đặc biệt là tai họa thứ muời: các con trai đầu lòng của người Ai cập bị giết chết ông mới nhượng bộ.2. Cụ thể mười tai họa đó là gì?

- Mười tai họa đó là: - Nước hóa thành máu (7, 14-25). - Ếch nhái (7, 26-8, 1-11). - Ruồi muỗi (8,12-15). - Ruồi mồng (8, 16-28) - Ôn dịch (9, 1-7). - Ung nhọt (9, 8-12). - Mưa đá (9, 13-35). - Châu chấu (10,1-20) - Tối tăm (10, 21-29).

- Các con đầu lòng Ai cập phải chết (11, 1-34).

Lời Chúa: “Mọi con đầu lòng trong đất Ai cập sẽ phải chết, từ con đầu lòng của vị Pharaon đang ngồi trên ngai báu, đến con đầu lòng của đứa đầy tớ gái ngồi sau cối xay, đến mọi con đầu lòng của loài vật ”. (Xh 11, 5). Cầu nguyện: Lạy Chúa mọi biến cố vui buồn trong đời con đều là lời mời gọi của Chúa, xin cho con nhận ra được tiếng Chúa và mau đáp trả. Amen.

VIII. SỐNG ĐẠO HÔM NAY

Năm vừa qua với chủ đề Sống Lời Chúa, HĐGM muốn chúng ta sống đạo trưởng thành hơn: phải tự nhận xét, hiểu biết, mà tự muốn sống đúng, sống tốt. Đó là sống trưởng thành, chứ không sống máy móc, hay theo tình cảm. Năm 2007 - 2008 HĐGM đưa đề mục Sống Đạo hôm nay. Hôm nay có chi đặc biệt để sống đạo? Cần phải thích ứng việc giữ đạo để lợi cho mình, cho xã hội và cho Hội Thánh. Sau đây là một vài gợi ý giúp chúng ta suy nghĩ. Sống đạo thì thời nào cũng phải sống, nhưng trong việc sống đạo cũng có nhiều thể cách, nhiều lề lối sống đạo. Sống đạo theo lối nhà tu, theo lối tín hữu thường, theo tánh cách gia đình, theo phương hướng của xã hội. Ngay trong những việc tôn sùng, chúng ta cũng thấy được, sống đạo thì không phải hoàn toàn độc đạo nghĩa là chỉ có một thể cách duy nhất nhưng có nhiều cách.Đề tài có vẻ khiêm tốn nhưng vẫn sâu xa, đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ và tìm kiếm sống đạo thế nào cho thích ứng và lợi ích cho hôm nay.Trước tiên chúng ta cũng nên tìm biết tâm trạng người đời nay (hôm nay) như thế nào? Không nói toàn thể, nhưng nói về tánh cách lan rộng.1. Xã hội vô thần. Một số khá lớn trong nhân loại không còn tin tưởng Chúa Bà, không thần, phật chi nữa, con người là chủ tể của vũ trụ và do đó:2. Xã hội vô luân. Một xã hội kể như bị thế tục hóa. Con người có thể làm chủ vũ trụ, có tự do còn có chi gò ép được con người! Nhưng không có Chúa thì dựa vào đâu để nhận định mình phải làm lành lánh dữ? Hiện thời, chúng ta thấy trên thế giới: giặc giã lan tràn, tranh tụnh hiếp đáp, huynh đệ tương tàn.... tánh cách cao quý của gia đình không còn, nhiều người kể đồng tính luyến ái là tốt, là tân tiến. Nhưng trong sự thật, theo luân lý, phải kể đồng tính luyến ái là xấu, là tội, làm mất phẩm giá con người, làm cho con người tệ hơn thú (vì thú không đồng tính luyến ái).3. Không Chúa và tự do thì con người sẽ như thế nào? Con người không tìm gặp được hạnh phúc mà rơi vào vòng nô lệ của tiền bạc danh vọng. Có tiền mua tiên vẫn được. Tiền có thể hiểu là hạnh phúc! Nhưng chắc tiền không mua được hạnh phúc. Còn danh thì là cái chi bên ngoài, chính phẩm giá đích thực là trong con người.

Nota:
Tình trạng vô thần, thế tục hoá, vô luân và tiền bạc danh vọng là chủ tể là tình trạng chung chung trong thế giới ngày nay. Đất nước chúng ta về mặt sống đạo kể là khả quan, nhưng phần lớn còn ở trong tình trạng tình cảm, có khi tệ hơn: thờ Chúa để Chúa ban phúc ở đời, khỏi bịnh, khỏi tai hại, lại ban phúc...Trước tình trạng như thế thì sống đạo hôn nay chúng ta phải giải quyết như thế nào?1. Sống đạo của chúng ta phải nên chứng tá, nên lời khêu gợi hướng dẫn cho đời tìm biết Chúa, như đèn sáng.2. Chúng ta nhớ: Sống đạo không chỉ cho riêng mình. Vì chúng ta là thành phần của nhiệm thể. Chúng ta có nhiệm vụ nên muối cho xã hội khỏi hư, nên men cho trần thế nên tốt. Do đó, không được để cuộc đời lôi cuốn vào lối sống vô luân, vô thần.3. Vì thế sống đạo hôm nay, đời phải nỗ lực, nhiệt thành hơn, sống đạo có phần thánh thiện hơn, để chúng ta có thể là đèn sáng, là muối, là men.Sống đạo hôm nay đời chúng ta phải nên dụng cụ của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần dùng để cải tạo và canh tân thế giới... và cả Hội Thánh.

SỐNG ĐẠO TRƯỞNG THÀNH

Thư chung H. Đ. G. M nhắn nhủ các tín hữu phải cố gắng học hỏi Lời Chúa, và sống Lời Chúa. Đó là bảo chúng ta phải sống đạo trưởng thành.Thật ra, từ nhỏ chúng ta đã học đạo, đón nhận đạo và đã giữ đạo. Tuy nhiên cách chung, chúng ta học đạo là học những câu thiệu, đón nhận đạo vì ông bà, cha mẹ, thầy cô dạy như vậy, mình nhận là đúng là thật, không chút chi nghi ngờ. Mình cũng giữ đạo vì người trên bảo mình làm như thế, mình đinh ninh là tốt,... nên cứ làm, ít nhiều làm theo lệ thói, máy móc. Giữ đạo như thế đó là sống đạo theo lối trẻ thơ, có thể nói một phần không nhỏ tín hữu Việt Nam sống đạo chưa trưởng thành. Trưởng thành là gì ? - Con người trưởng thành có thể hiểu là con người đã đến giai đoạn thể chất đầy đủ, và tâm trí đến lúc được vận dụng tốt. Nói trưởng thành thì hiểu về mặt tâm trí hơn là thể xác. Lớn thây nhưng ngu đần, thì không được kể là trưởng thành. Còn vận dụng tốt nghĩa là tâm trí có thể nhận định, phân biệt, chân - giả, thiện - ác và biết được mình nên làm những gì, và những gì không nên làm.Có thể nói: con người trưởng thành là con người có lương tri và vận dụng lương tri tốt. Nhưng bởi con người có hạn cho nên lương tri cũng bị hạn hẹp (lương tri: biết tốt, đúng)Dầu sao giữ, sống đạo trưởng thành đòi phải có suy nghĩ: tại sao tôi tin có Chúa? Tại sao tôi nhận định đời tôi phải có đạo? Vì cái tầm suy nghĩ tôi có hạn, nên Hội Thánh Thánh bảo tín hữu phải nhờ Lời Chúa mà nhận thấy được tại sao tôi tin Chúa, tại sao tôi giữ đạo.Suy và cảm nghiệm được lý do, và cương quyết tuân giữ, đó là lối sống trưởng thành.Nghiên cứu tận căn (Lời Chúa) thì những chân lý mới vào sâu trong tâm hồn.Giữ đạo, sống đạo theo lề thói, thiếu ý thức, giữ máy móc thì chưa nói được là sống đạo. Giữ đạo vì tình cảm kể là khả quan hơn, nhưng chưa đủ, chưa có, nếu chưa xác tín. Mặc dầu có thể tiến đến nhiệt thành. Nhưng nếu gặp thử thách, gặp đối tượng vừa sở thích hơn thì dễ đổ vỡ.Vậy, trong việc sống đạo, nghĩa là làm việc đạo, đòi phải có ý thức, nghĩa là nhận biết mình làm việc nầy có ý gì, do đâu mình phải làm như thế.Tiến cao hơn, nhờ vào ơn Chúa, mình ý thức được sống đạo đúng và tốt là sống đạo siêu nhiên - Nhận định Đạo là siêu nhiên - Làm việc đạo phải phát xuất từ sống siêu nhiên.

XI. TẢN MẠN

TÍNH SỔ

Cuối năm, đầu năm, những nhà kinh doanh lo tính sổ. Xuất nhập lời hay lỗ, và năm tới phải làm gì để bảo đảm và phát triển.Còn cuộc sống đạo, chúng ta có tính sổ, có kiểm điểm lời lỗ, có lo tính cho tương lai không ?Làm gì không có! Mỗi năm hai ba lần tĩnh tâm, họ nào không có. Nhiều khi tổ chức linh đình ào ạt nữa. Kinh đọc tối ngày, sinh hoạt lẫn cả đêm... dường như không còn khoản trống để thở.Có thật là tính sổ là tĩnh tâm không? Phất lên tổng đề tài kêu to hơn pháo. Thính giả chưa nghe đã ớn rồi. Mời diễn giả đặc biệt, nếu không ru êm, thì cũng tấn công mạnh cho tín hữu giựt mình. Có vào được tâm hồn tín hữu lay động họ cảnh tỉnh, canh tân đời sống không thì còn là vấn đề.Nhà tổ chức hài lòng vì ít ra mình cũng ra sức dùng phương pháp Hội Thánh chỉ dẫn, để giúp anh em giáo hữu.Còn diễn giả có thể cũng khoái chí. Bao nhiêu những sở thức của mình bị dồn nén lâu ngày, bây giờ có dịp biểu lộ. Đèn sáng ai lại giấu dưới chậu úp. Không dám nghĩ mình là phun châu, nhả ngọc (mặc dầu là Lời Chúa) vì sợ u đầu, vỡ trán thiên hạ ghê lắm!Còn thính giả nghe cũng vui vui. Mặc dầu mỗi Chúa Nhựt may mắn thưởng thức được những món ngon, nhưng ngày tĩnh tâm có nghệ nhân mới, nếu không có được như sơn hào hải vị, hay đặc sản của địa phương thì bề nào cũng có những chi khác thường. Có thể gợi được tính háo kỳ và gây mê thích nữa.Giả như có ai tọc mạch hỏi: các anh qua tuần tĩnh tâm có được những ý nghĩ gì ?Có thể có câu trả lời: Rằng hay thì thật là hay, nghe ra (dù không ngậm đắng nuốt cay), thông thái, dông dài dễ quên.Hay mà không nhớ chi hết! Đúng ra cũng có nhiều người suy nghĩ, kiểm điểm, vào toà cáo giải để giao hoà lại với Chúa,... cũng cảm động khá nhiều, ra khỏi nhà thờ mà chưa ngưng được dòng lệ... về đến nhà chị gặp anh chồng say xỉn,... chị sốt sắng lên ( sau buổi tĩnh tâm mà ), chưởi cho anh ta một mách tối trời luôn! Ông chồng khiếp quá , chui vào một xó đánh một giấc nồng, đến sáng dậy cũng chưa nổi!!!Tính sổ tĩnh tâm nói được là điểm cao trong sống đạo. Nhưng sống đạo mà chưa đạo! Cả cộng đoàn có thể giữ đạo bề ngoài chưa đi vào nội tâm: sống vì Chúa, sống với Chúa.

Phóng sự 

CƠN BÃO DURIAN

Ngay tại tam giác Bình Đại-Ba Tri-Giồng Trôm. Ngày 05.12, lúc 5 giờ 30, lễ vừa xong, tôi tiển nhóm đi dự khóa linh hoạt viên lên đường. Thấy trời mù xám, ai cũng nghỉ là do ảnh hưởng bão như  những lần khác.   Lúc 6 giờ 30 mưa kèm theo gió từ hướng đông bắc càng lúc càng mạnh, những bóng đèn ở ngoài sân rơi xuống bể lốp bốp, những cành cây gãy rãi rác, bắt đầu có thiệt hại rồi đây, nhưng chưa đáng kể. Gió mưa dịu dần, cha con ra sân nhà thờ quét dọn nhanh. Cứ tưởng như vậy là êm, nào ngờ vào lúc 7 giờ, gió đổi hướng từ biển thổi lên theo hướng đông. Thật lạ mắt, một đàn chim biển vô số kể bay đen bầu trời, chắc sắp có điềm lạ trên trời chăng? Đúng vậy, mây đen cuồn cuộn kéo đến, gió giật mạnh chưa từng thấy, mưa trút xuống rát cả người. Trong cơn hoảng loạn không biết phải chạy tìm chỗ trú ẩn nơi nào, mạnh ai nấy chạy đến chỗ nào cảm thấy an toàn cho mình. Lúc bấy giờ tôi nhớ lại Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng, bài Phúc Âm theo Thánh Luca có đề cập đến ngày cánh chung, trời đất chuyển động dữ dội, không lẽ ngày hôm nay sao ! Trong cơn gió rít cuồn cuộn, những tấm ngói, cửa kính và tole đỗ bể tạo nên một thứ âm thanh của sụp đỗ và chết chóc. Điện bị cúp, điện thoại không còn hoạt động. May thay, còn điện thoại di động. Bình thường điện thoại di động tiện ích trong nhiều lãnh vực, đặc biệt trong cơn bão như thế này lại càng hổ trợ hiệu quả biết bao. Tôi gọi hỏi thăm các cha trong vùng như thế nào, mừng quá, cha nào cũng trả lời, có nghĩa là còn sống , chưa có cha nào tử vì “bão”. Không biết mình có đủ sức chịu đựng đến cùng hay không nữa, từng cơn gió giật cuồng phong bẻ gãy từng cụm cây cối, xô ngã từng ngôi nhà. Tường chừng như có một bàn tay vô hình khổng lồ nổi giận đập phá lung tung. Trời ơi, nước ở đâu mà lênh láng trong nhà đây. Thôi rồi, mái nhà bể từng mảng, gió lùa vào, mưa tuôn xối xả. “Tránh bão” thì có thể, nhưng “chống bão” thì đành bó tay. Tốt hơn hết, tôi bây giờ chỉ còn biết cầu nguyện dọn mình chết lành và phó thác mọi sự trong tay Chúa “Lạy Chúa, trong cơn đại hoạ, xin Ngài nhớ xót thương!” Tứ phía vọng lên tiếng la hoảng hốt thất thanh, chứng tỏ có nhiều thiệt hại nghiêm trọng, trong lòng cảm thấy bức xúc và xót xa quá, tôi mong bão mau qua để đi ra ngoài xem có ai thiệt mạng hay bị thương để giúp đỡ phần hồn cho họ.  Bên ngoài gió không còn mạnh, mưa cũng dịu dần, tôi vội mặc áo mưa chạy nhanh ra đường. Một cảnh điêu tàn chưa từng thấy ! Cây cối ngã ngổn ngang, nhiều ngôi nhà sập tan tành, những nhà khác xiêu vẹo hay tốc mái, nhìn gương mặt dân chúng hiện rõ vẻ bàng hoàng và đau khổ chưa biết phải làm gì trong cơn đại hoạ này. - Còn sống sót là may lắm rồi, cha ơi ! - Có nghe ai chết hay bị thương gì không? - Chúng con chưa thống kê được, nhưng xóm này có 2 người bị thương vừa chở đi bệnh viện. Một người đàn ông bị gãy tay và một người khác bị cột đè vẹo xương sống. - Nhà thờ và nhà cha có sao không ? - Không sập, nhưng ngói , cửa kính và tôle bị bể khá nhiều.
Tôi chạy qua xóm khác để biết thêm tình hình dân chúng ra sao. Đâu cũng vậy, tủ giường, bàn ghế ngã nghiêng. Mùng mền, củi bếp ướt trông thê thảm biết bao! Trở về với nhiều suy nghỉ, những ngày sắp đến họ sẽ sống ra sao. Lam lũ cả đời, chắt chiu từng ngày để gầy dựng nên căn nhà mái ấm gia đình mà bây giờ bị thiên tai xoá sạch. Cơn bão số 9 thật đen đủi , cái tên “durian” (trái sầu riêng) đầy gai góc tạo nên nổi sầu chung cho người dân tỉnh Bến Tre vốn đã nghèo sẳn.  Về đến nhà thờ, tôi thấy có một số giáo dân đang quét dọn. - Nhà anh em có sao không ? - Nhà con bị tốc mái tôle. - Còn nhà con bị sập một căn. - Anh em tụi con kêu gọi nhau đến nhà thờ của mình xem có bị gì không. Trong lúc gió giật, con cứ hồi hộp nhìn tháp nhà thờ, bởi vì nhà thờ mình vừa cao lại vừa cũ, Cũng may mà bão xãy ra ban ngày, nếu ban đêm thì thiệt hại sẽ cao hơn, nhất là số người chết và bị thương. Anh em dọn dẹp tạm ổn, còn phải về lo cho gia đình. Nóc nhà thờ cứ để vậy, chờ ít ngày sau nắng khô trần, mình sẽ lợp lại.  Cơn bão dù có mạnh đến đâu cũng không thể lay chuyển đức tin của người tín hữu. Họ có thể mất tất cả, nhưng đức tin vẫn tồn tại. Đó chính là sức mạnh tinh thần cần thiết để kiên trì khắc phục. Tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa Quan Phòng, hy vọng vào tình liên đới con người, sau cơn mưa trời lại sáng, sau cơn bão trời lại đẹp. Ngày hôm sau trời nắng đẹp quá, dường như không có chuyện gì xãy ra, mà người ta thì thất điên bát đảo !  “ Nguyện Đấng cứu dân mau đến cùng, nhìn cảnh nhân loại khóc than khổ đau ...” . Mùa Vọng năm 2006, bài thánh ca này diễn tả thật đúng tâm trạng những nạn nhân của cơn bão Durian. Bão ơi, xin đừng đến nữa, một lần là quá đủ rồi. 

XII. NGHỆ THUẬT SỐNG

NHỮNG MÓN QUÀ VÔ GIÁ 

Có những món quà bạn không cần phải mua nhưng lại vô cùng ý nghĩa và có giá trị lớn lao khi bạn trao tặng cho bạn bè, người thân và cho cả chính bạn.  - Món quà của sự Lắng Nghe . Hãy thực sự lắng nghe, chia sẻ những nổi đau, tâm sự vui buồn của người khác. Hãy lắng nghe không chỉ bằng đôi tai mà bằng tất cả tấm lòng.  - Món quà của sự Quan Tâm. Hãy dành thời gian để quan tâm đến người thân, bạn bè, đồng nghiệp, xem những vấn đề của họ như của chính bạn. Hãy để mọi người cảm nhận  được tình cảm của bạn qua những hành động bạn thể hiện hằng ngày.  - Món quà từ những Nụ Cười. Nụ cười là một ngôn ngữ không lời, nhưng có khả năng lan tỏa sức mạnh đến người khác một cách nhanh nhất. Một nụ cười làm niềm vui nhân đôi, làm nổi buồn trở nên nhẹ bỗng. Hãy trao tặng nụ cười cho những người chung quanh.  - Món quà của những Lời Khen Tặng. Những câu nói giản đơn nhưng chân thành như “anh tử tế quá “, “chị cắm hoa khéo lắm ” sẽ tạo thêm niềm vui và sự phấn chấn cho người khác.  - Món quà của sự Sáng Tạo. Mỗi ngày hãy thực hiện một điều bất ngờ nho nhỏ cho bạn bè và gia đình. Chắc chắn bạn cũng sẽ nhận được những điều bất ngờ thú vị từ họ.  - Món quà của sự Tri Ân. Những lời đơn giản nhất để bày tỏ lòng biết ơn đối với sự quan tâm, chia sẻ của người khác chính là “Chào bạn”“Cám ơn” cùng nụ cười chân thành.   Khi bạn trao tặng những món quà này cho những người bạn quan tâm cùng với một chiếc nơ đẹp chính là tấm chân tình của bạn, chắc chắn chúng sẽ trở thành những món qùa vô giá, cho người nhận và cho cả người trao tặng !Theo The gifts of life

848    21-04-2012 09:57:53