Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Sống Ơn Gọi Nên Thánh - Tháng 02 năm 2007

CHỦ ĐỀ: SỐNG ƠN GỌI NÊN THÁNH

I. THƯ MỤC VỤ số 3

Vinh dự được làm con Thiên Chúa đòi buộc Kitô hữu phải lớn lên mỗi ngày trong tình yêu của Ngài, trưởng thành hơn trong niềm tin cậy mến và nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, hiện thân của Tình Yêu. Nói cách khác, Kitô hữu được mời gọi để trở nên hoàn hảo và thánh thiện, như Chúa Giêsu đã dạy: "Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện" (Mt 5,48).

Công Đồng Vaticanô II, trong Hiến chế "Ánh sáng muôn dân" cũng xác nhận lại đòi hỏi đó: "Mọi Kitô hữu đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành" (LG 11, 3). "Vì thế, tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và sự trọn lành của Đức Ái" (LG 40, 2).

II. DẪN GIẢI

1. Nên thánh là nhiệm vụ:

Vì được vinh dự làm con Chúa;
Vì phải sống tin cậy mến trưởng thành;
Vì phải sống đồng hình đồng dạng với Chúa Ktiô;
Chính Chúa Giêsu đã dạy tín hữu phải sống hoàn thiện như Chúa Cha.

2. Cồng đồng Vaticanô II cũng đòi tín hữu, dầu trong địa vị nào cũng phải nên Thánh, nên trọn hảo.

III. CHUYỆN MINH HỌA

KHI KHÔNG NHÌN THẤY ĐÍCH

Đó là một buổi sáng sương mù phủ kín, ngày 4 tháng 7 năm 1952, khi Florence Chadwick bước xuống nước bơi vượt eo biển từ đảo Catalina đến bờ biển California. Bơi đường trường không phải là một điều mới lạ đối với Florence, bởi cô từng vượt biển Manche (giữa nước Anh và Pháp) ở cả hai chiều.

Buổi sáng hôm đó nước lạnh cóng, còn sương mù thì dày đến nỗi cô khó có thể nhìn thấy chiếc thuyền trong đoàn. Sau khi đã bơi hơn 15 tiếng đồng hồ, cô yêu cầu mọi người kéo cô lên thuyền. Huấn luyện viên của Florence ráng hết sức để động viên cô, bởi họ đã rất gần bờ, nhưng cô chỉ nhìn thấy sương mù và sương mù. Vì thế cô đã bỏ cuộc khi cách đích không tới nửa dặm !

Sau đó cô tâm sự : “Không phải tôi biện hộ cho mình, nhưng nếu tôi nhìn thấy bờ, tôi đã có thể bơi đến đích”. Không phải cái lạnh hay sự sợ hãi, hay kiệt sức đã khiến cho Florence Chadwick thất bại, mà chính là sương mù.

Hai tháng sau, cũng chính tại eo biển đó, cũng khoảng cách đó, Florence Chadwick đã lập một kỷ lục mới, bởi vì giờ đây cô có thể nhìn thấy đất liền.

Nhiều lúc chúng ta cũng thất bại, không phải vì chúng ta sợ hay bởi áp lực của những người chung quanh hay tại bất cứ điều gì, mà chỉ vì chúng ta không nhìn thấy đích của mình (HOAIBAO.COM).

Mục đích tối hậu của cuộc đời người Kitô hữu là sống kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa, là nên một với Chúa Kitô. Chỉ trong Chúa con người mới được bình an và hạnh phúc thật. Nhờ ân ban của Chúa, bằng đức tin mãnh liệt, đức mến thiết tha và đức cậy vững vàng, chúng ta có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin” (2Tm 4,7). Khi viết những lời nầy cho Timôthêô, Phaolô đang bị tù tại Rôma, sắp bị hành quyết, nhưng thánh nhân ý thức rằng mình đã sống hết mình cho Đức Kitô và không có gì để hối tiếc về điều đó.

Chúng ta cũng được mời gọi sống hết mình cho Đức Kitô, là mục đích tối hậu của đời người, với tất cả tài năng, sức lực của chúng ta, con người chúng ta, không chút hối tiếc. Và Chúa sẽ dẫn dắt, đỡ nâng cho chúng ta đi hết cuộc hành trình đời người cho một mục đích là chính Chúa.

Chỉ khi thấy rõ mục đích đời mình, chúng ta mới có thể sống hết mình và đạt được cùng đích đời người, tương tự như Florence Chadwik, có nhìn thấy bờ mới có thể gắng sức bơi đến đích được.

IV. DIỄN GIẢI

Thư Mục Vụ trích lời Công Đồng Vaticanô II: "Mọi Kitô hữu đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành" (Hiến Chế Tín Lý Ánh Sáng Muôn Dân 11, 3 ) tức là trở nên “đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu” . Vậy trước tiên chúng ta cần tìm xem Giáo Hội hiểu thánh thiện theo nghĩa nào?

Từ ngữ thánh thiện có nghĩa rất quan trọng trong Cựu ước, nhưng mang ý nghĩa khác với ngày nay. Đây là một từ ngữ tôn giáo chỉ sự trong sạch, không vướng mắc lỗi lầm, tì ố. Còn theo nguyên ngữ thì thánh thiện chỉ sự tách rời khỏi tội lỗi. Chỉ một mình Thiên Chúa là thánh một cách tuyệt hảo, tách biệt khỏi những gì là ô uế, trần tục. Nhưng Thiên Chúa làm cho thánh (thông ban sự thánh thiện) tất cả những gì mà Người chiếm hữu để cứu độ dân Người và tất cả mọi người; chính vì vậy mà Người dành riêng cho mình những nơi chốn, những con người, những đồ vật, các thời gian quy định, các nghi thức nhất định.v.v . Tất cả các sự vật đều ít nhiều là thánh theo mối giây liên kết chúng với Người.

Được chọn và được đặt riêng ra giữa các dân tộc, Israel trở thành dân tộc thánh, là tài sản đặc biệt của Thiên Chúa, là nơi Thiên Chúa hiện diện. Nhưng được dành riêng cho Chúa bề ngoài không chưa đủ, để thật sự là thánh, cần phải được đặt riêng ra ở trong lòng, nghĩa là hoàn toàn thuộc về Chúa, tận tâm với Người qua sự vâng lời, yêu mến và công chính. “Các con hãy là thánh, vì Ta, Ta là thánh ” (Lv 19,2). (Dictionnaire de la foi chrétienne, pp. 762-763). Sự thánh thiện ở đây vừa bao hàm ý nghĩa luân lý vừa có nghĩa trong sạch, tinh tuyền.

Theo Tân ước, mọi sinh linh được tạo thành là thánh, hoặc do được thánh hiến để phục vụ Thiên Chúa, hoặc do được thông dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa. Tín hữu được gọi là thánh vì được hiến thánh cho Chúa qua Phép Rửa tội.

Tân ước nhấn mạnh hơn Cựu ước tình trạng thánh thiện nội tâm của con người: cố gắng noi theo sự hoàn hảo tinh tuyền của Thiên Chúa. Do đó, thánh nhân là không chỉ là người được thánh hiến cho Chúa, mà còn hợp nhất với Chúa bằng cuộc sống trong sạch, thực hành các nhân đức và xa lánh điều dữ: “Người đã chọn ta trước khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người ” (Ep 1,4). Theo Thánh Phaolô, Kitô hữu không chỉ xa tránh tội nhưng còn phải bước theo Chúa Giêsu và bắt chước Người để Hội thánh được nên thánh thiện và không tì ố: “Nhờ Đức Giêsu Kitô là con người bằng xương bằng thịt đã chịu chết, Thiên Chúa cho anh em được hoà giải với Người, để anh em trở nên thánh thiện tinh tuyền và không có gì đáng trách trước mặt Người ” (Cl 1, 22).

Các Giáo Phụ dạy: “Sự thánh thiện đòi người tín hữu chẳng những phải sạch tội, phải được thanh tẩy khỏi những lỗi lầm đã qua, nhưng đồng thời còn phải thực sự đổi mới tâm hồn nhờ ơn Chúa Thánh Thần ” (Vacant et Mangenot 884).

Thiên Chúa là Đấng thánh tuyệt đối vì Người là Tình Yêu tuyệt hảo. Thiên Chúa mời gọi chúng ta thông dự vào sự thánh thiện và hạnh phúc của Người. Những ai đáp lại lời mời gọi của Chúa sẽ được thông dự vào sự thánh thiện của Chúa ngay từ đời nầy và một cách trọn vẹn trong cõi đời đời.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, trong bài giảng ngày Lễ Các Thánh Nam Nữ 01.01.2006 (ZENIT.org), đã suy niệm về đời sống các thánh như sau:

Trước tiên, Đức Thánh Cha mượn lời của Thánh Bênađô để trả lời cho câu hỏi về ý nghĩa của ngày lễ các Thánh Nam Nữ: “Các thánh không cần sự tôn vinh của chúng ta; các ngài cũng chẳng nhận gì từ sự tôn kính của chúng ta”. Phần tôi : “Thánh Bênađô phải thú nhận rằng mỗi khi suy nghĩ về các thánh, tôi thấy lòng bừng cháy lên ngọn lửa khát khao mãnh liệt”. Đó chính là ý nghĩa của Đại Lễ Các Thánh Nam Nữ: khi chiêm ngắm mẫu gương ngời sáng của các thánh, chúng ta rộn lên nỗi khát khao được sống như các thánh; sống gần Chúa, trong ánh sáng của Chúa, trong đại gia đình các bạn hữu của Chúa.

Sống thánh chính là sống gần gủi với Chúa, sống trong gia đình của Ngài. Đó chính là lời mời gọi của Công Đồng Vaticanô II và được chúng tôi lập lại cách long trọng hôm nay, Đức Thánh Cha nói.

Nhưng làm sao có thể nên thánh, nên bạn hữu của Chúa? Để nên thánh không cần phải thực hiện những công trình vĩ đại, hay có được những đặc sủng dị thường; nhưng trước tiên, cần phải lắng nghe Chúa Giêsu và bước theo Người bất chấp những khó khăn: “Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người đó” (Ga 12, 26). Ai tín thác vào Chúa và yêu mến Người một cách chân tình - như hạt lúa mì gieo vào lòng đất “thì sẳn sàng chết cho Người. Bởi vì, ai muốn giữ mạng sống mình, sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình, sẽ được sống” (x. Ga 12, 24-25).

Kinh nghiệm của Hội Thánh cho thấy muốn nên thánh thì phải luôn đi qua con đường thập giá, con đường từ bỏ chính mình. Cuộc đời các thánh nam cũng như nữ là cuộc đời của những người luôn sống theo chương trình của Thiên Chúa và họ đã phải vượt qua những đau khổ lớn lao. “Họ giặt và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên ” (Kh 7,14); “tên của họ được ghi trong trong sổ hằng sống” (x. Kh 20, 12) và nơi cư ngụ vĩnh viễn của họ là Thiên đàng.

Kinh nghiệm của các thánh khích lệ chúng ta hăng hái bước theo các ngài và cảm nhận niềm vui của những người biết tín thác vào Chúa. Bởi vì nguyên do thật sự của buồn phiền và bất hạnh của nhân loại là do sống xa Thiên Chúa.

Sự thánh thiện đòi hỏi một cố gắng kiên trì, nhưng trong tầm tay của mỗi người; bởi vì nên thánh không phải do sức con người, nhưng trước hết, là ân ban của Chúa, Đấng ba lần thánh. Cuộc sống chúng ta có được là hồng ân yêu thương Chúa ban, qua Đức Giêsu Kitô. Làm sao chúng ta lại dửng dưng không đáp đền ơn Chúa bằng một đời sống biết ơn của con cái đối với Cha trên trời? Trong Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa trao ban chính mình cho chúng ta và mời gọi chúng ta gắn bó mật thiết với Người. Chính vì thế, càng nên giống Chúa Giêsu và gắn bó với Người, chúng ta càng được múc lấy sự thánh thiện của Thiên Chúa. Và chúng ta sẽ nhận ra rằng Thiên Chúa yêu thương ta vô cùng. Điều đó thúc đẩy chúng ta cũng yêu thương anh em mình. Mà yêu thương thì luôn bao hàm việc từ bỏ chính mình, tự hủy chính mình. Niềm vui thực sự sẽ đến với chúng ta.

Nên thánh còn là sống Các Mối Phúc (x. Mt 5, 3-10). Các thánh đã sống trọn hảo Các Mối Phúc và họ đã trở nên “đồng hoá” với Chúa Giêsu. Bởi vì Chúa Giêsu thật sự sống nghèo khó, đau khổ, dịu hiền, đói khát sự công chính, hay thương xót, trong sạch, kiến tạo hoà bình và bị bách hại vì lẽ công chính. Các Mối Phúc hoạ lại dung mạo Chúa Giêsu và mầu nhiệm cuộc đời của Người: Chết-Sống lại, Đau khổ-Niềm vui Phục sinh. Đây chính là con đường dẫn chúng ta đến cõi phúc. Mỗi người trong điều kiện sống của mình, được Chúa mời gọi bước vào cõi phúc với Chúa, bằng cách sống như Người. Và với Chúa Giêsu, điều không thể sẽ trở thành có thể; ngay cả con lạc đà cũng có thể chui qua lổ kim (x. Mc 10,25). Nhờ ơn Chúa và duy chỉ nhờ ơn Chúa, chúng ta có thể nên trọn hảo như Cha trên trời là Đấng trọn lành (x. Mt 5, 48).

Muốn sống thánh phải kết hợp với Chúa vì Chúa là Đấng thánh. Vấn đề là chúng ta có thực sự muốn sống thánh không? Mục đích cuộc đời đã sáng tỏ, xin Chúa cho chúng ta can đảm sống như Chúa và với Chúa, sống thánh, để được nên một với Chúa và được hạnh phúc đời đời.

KIỂM ĐIỂM

1. Chúng ta có xác tín: hễ là tín hữu thì phải là thánh không ?
2.
Có hiểu thánh là gì ? Và có biết phải làm gì để mình được và đúng là thánh ?
3.
Có nghĩ tưởng thánh là dành riêng cho nhà tu, hay đặc biệt cho hạng người siêu việt thôi ?
4.
Trong đời sống có khi nào tâm trạng muốn nên thánh ?
5.
Có cố gắng để nên thánh không ? Hay sống theo lệ thói qua ngày ?

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Kêu mời: Anh chị em thân mến,

"Mọi Kitô-hữu đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành” . Đó là lời khẳng định của Thánh Công Đồng Vaticanô II. Bởi chúng ta là con cái Thiên Chúa, nên chúng ta được mời gọi nên thánh. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:

1. Chúa phán: “Các con hãy nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, nhờ biết sắp xếp công việc, thời giờ, mà tiến triển hơn trên con đường nên thánh.

2. Chàng thanh niên hỏi Chúa Giêsu: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?” . Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu, biết ham muốn những sự trên trời, biết chọn lựa những việc làm và lời nói, hướng đến những sự thánh.

3. Chúa phán: “Tiên vàn hãy lo việc Nước Thiên Chúa, còn mọi sự khác Người sẽ ban cho” . Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu, luôn làm sống động ơn trọng của bí tích Thánh Tẩy, mà hướng tới sự thánh thiện của Chúa.

4. “Các con hãy vào hưởng sự vui mừng của Chúa ngươi, vì xa Ta đói, các ngươi đã cho ăn” . Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, và sống bác ái yêu thương nhau.

Kết thúc: Lạy Chúa là Cha chí thánh, Con Chúa mời gọi mọi người nên thánh như Cha trên trời. Xin ban Thánh Thần thánh hoá chúng con nên những người con của Chúa, hầu đáng được hưởng phước trên Nước Trời. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

SỐNG YÊU THƯƠNG

Những tiến bộ của khoa học kỷ thuật ngày càng vén mở cho chúng ta nhiều điều bí ẩn, và đẩy lui được những mê tín vị đoan. Tuy nhiên, có một bức màn luôn che kín, mà chúng ta vẫn quen gọi là “thế giới bên kia”.

Nói đến thế giới bên kia, dường như con người lại thích nói đến những sức mạnh của tăm tối. Phim ảnh, nghệ thuật ở thời đại nào cũng đầy dẫy những chuyện về ma quái.

Niềm tin Kitô giáo cũng nói đến những tác động của ma quỉ, và khi một người trở lại đạo, Giáo Hội luôn đòi buộc người đó phải từ bỏ ma quỉ và những việc làm của nó. Như vậy, là Kitô hữu có nghĩa là từ bỏ ma quỉ và thuộc về Thiên Chúa.

Dù muốn hay không, tôi và bạn, mỗi người chúng ta đều đã có mặt trên trái đất này rồi. Hình như có ai đó đã ví sự có mặt ấy như một cuộc vượt biển. Đứng giữa trời biển mênh mông, người ta cần phải biết mình đi về đâu, và nhắm hướng nào để tiến tới. Với người Kitô hữu, chỉ có một định hướng duy nhất trong cuộc đời, đó là Tình Yêu. Yêu Thương là ơn gọi của người Kitô hữu, sống Yêu Thương là sống ơn gọi nên thánh, bởi vì trong muôn loài sinh sống trên mặt đất này, chỉ có con người là tạo vật duy nhất mang lấy hình ảnh của Thiên Chúa. Mà Thiên Chúa là Tình Yêu, cho nên dấu ấn mà Ngài đã ghi tạc nơi con người không gì khác hơn là Tình Yêu. Chỉ có con người mới biết và phải sống Yêu Thương. Do đó sống Yêu Thương là sống theo chương trình của Thiên Chúa. Đó là con đường nên thánh.

Ở giữa biển khơi, con người có nhiều phản ứng khác nhau. Có người phó mặc cho sóng gió. Có người ra sức chèo chống mà không biết mình đi về đâu. Người khôn ngoan là người chẳng những ra sức chèo chống mà còn biết nhìn về một phương hướng nào đó để đi. Với chúng ta, những Kitô hữu, hướng của cuộc sống mà Thiên Chúa đã vạch ra cho chúng ta, chính là Chúa Kitô. Chúa Kitô là Đấng đã chỉ cho nhân loại biết thế nào là sống yêu thương thật sự. Thuộc về Chúa Kitô và sống dưới sự chỉ đạo của Chúa Kitô, tức là sống Yêu Thương.

Nếu thuộc về Chúa Kitô là thực hiện chương trình của Thiên Chúa, được cụ thể hóa trong con người Chúa Giêsu, thì thuộc về ma quỉ có nghĩa là đặt quyền lợi của mình lên trên quyền lợi của Thiên Chúa, là tự vạch ra cho mình một hướng đi khác với hướng đi mà Thiên Chúa đã qui định cho con người. Nói cách khác, Thuộc về ma quỉ là sống ích kỷ, bởi vì ích kỷ là tiếng nói “không” triền miên với Tình Yêu. Sống như thế là tự tạo ra cho mình một thế giới khác với thế giới Thiên Chúa đã tạo dựng, một thế giới trong đó Tình Yêu không bao giờ có chỗ đứng. Một thế giới như thế chỉ có thể được hướng dẫn bởi một sức mạnh nghịch lại với Tình Yêu mà thôi.

Trong suốt dòng lịch sử của mình, nhân loại luôn chứng kiến sự tàn phá của sức mạnh ấy. Và con người luôn cố gắng điểm mặt sức mạnh ấy. Con người luôn tìm cách đặt cho nó một tên gọi. Truyền thống kitô giáo gọi sức mạnh đó là Satan. Satan, trong tiếng Do thái, có nghĩa là địch thủ: địch thủ của Thiên Chúa, địch thủ của con người, địch thủ của Tình Yêu. Trong ngôn ngữ dân gian, chúng ta quen gọi đó là ma quỉ. Như vậy, ma quỉ chính là sức mạnh đối nghịch với Tình Yêu được nhân cách hóa. Ma quỉ hiện hữu cho và trong những ai tự đặt mình ở bên ngoài Tình Yêu. Thử hỏi có tội nào lớn hơn là sống mà không yêu thương ?

Con người thời nay, càng lúc càng nhạy cảm với hai chữ “Yêu Thương”. Tuy nhiên, bên cạnh những thể hiện đích thực của tình yêu, như là công bình, bác ái, liên đới, còn có biết bao hành động lệch lạc của một thứ tình yêu giả hiệu. Thảm kịch của con người thời nay là muốn vượt qua chân trời của yêu thương. Con người tưởng mình sống yêu thương, nhưng thực tế, họ đang chạy theo những thứ tình yêu giả tạo: đó là tình yêu đối với của cải vật chất, tình yêu đối với lạc thú, tình yêu đối với quyền bính và danh vọng. Con người đang xây lên một thức ốc đảo và tự giam mình vào đó. Sống như thế là thuộc về ma quỉ mà không hay biết.

Kitô giáo xác tín rằng: sống là một chọn lựa triền miên giữa Tình Yêu và sức mạnh đối nghịch với Tình Yêu. Nói cách khác, sống là một chọn lựa. Chọn Thiên Chúa, hoặc chọn ma quỉ. Chọn ma quỉ là sống bên ngoài Tình Yêu, ma quỉ luôn làm cho con người quay lưng lại với Tình Yêu và chỉ biết sống cho riêng mình. Trái lại, Chọn Thiên Chúa là luôn cố gắng, luôn quyết chí, sống Yêu Thương, dù trong cuộc sống nhiều lần té ngã.

Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu có lần đã khuyên một nữ tu bạn: “Em làm tôi nghĩ đến đứa bé mới đứng vững và mới tập bước đi. Nó nhất định muốn lên cầu thang để gặp mẹ nó ở trên lầu, Nó giơ bàn chân bé nhỏ của nó để bước lên bậc thang thứ nhất. Cố gắng vô ích ! Nó luôn té nhào, không tiến bộ chút nào.

Vậy em hãy nhìn xem đứa bé này và hãy là đứa bé này ! Em hãy thành tâm tập các nhân đức, hãy nâng bàn chân nhỏ bé của em lên, để bước lên cầu thang của sự thánh thiện, và em đừng tưởng có thể bước lên được bậc thứ nhất. Không, em không lên được đâu, nhưng Thiên Chúa cũng chỉ đòi em phải có quyết chí. Rồi từ trên cao, Ngài nhìn xem em cách rất âu yếm: một hôm, bị chinh phục bởi những cố gắng vô ích của em, Ngài sẽ đích thân đi xuống để bồng em trên cánh tay Ngài, mang em lên trời với Ngài, nơi đó em sẽ không bao giờ rời xa Ngài nữa ”.

VII. TÌM HIỂU KINH THÁNH

Bài 14: ĐÊM LỄ VƯỢT QUA ĐẦU TIÊN
(Xh 12)

Cuộc Vượt qua đầu tiên đã xảy ra như thế nào? Và nó có tầm quan trong ra sao đối với dân Israel?

Cuộc Vượt Qua đầu tiên chính là Sứ thần Thiên Chúa “vượt qua” cửa nhà người Israel có bôi máu chiên, nhờ đó các con cái Israel được an toàn trong khi các con đầu lòng của người Ai cập bị tiêu diệt. Giây phút “vượt qua” nầy người Israel đã không bao giờ quên dù trải qua các thế kỷ. Đây là giây phút mà Pharaon đã phải phóng thích các người nô lệ và để họ ra đi (Xh 12-13).

Lời Chúa: “Còn vết máu trên nhà các ngươi sẽ là dấu hiệu cho biết có các ngươi ở đó. Thấy máu, Ta sẽ vượt qua, và các ngươi sẽ không bị tai ương tiêu diệt khi Ta giáng họa trên Ai cập”. (Xh 12, 13).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con nhận ra hồng ân cứu chuộc của Con Chúa trên thập tự giá để chúng con luôn biết sám hối trong đời sống mình. Amen.

VIII. SỐNG ĐẠO HÔM NAY

NÊN THÁNH

Mỗi người chúng ta đều được mời gọi nên thánh. Nhưng thánh là gì? Sống thế nào để được gọi là người thánh, thường chúng ta không hiểu rõ.

Nhờ mặc khải chúng ta có thể nhận định: Sống thánh (người thánh) là sống thiện hảo hoàn hảo. Chỉ có Chúa là tuyệt thánh, ngoài Chúa ra không có người thánh, ngoại trừ những ai được Chúa thông ban, mới được là người thánh.Chúng ta mong nhờ ơn Chúa để tìm biết và sống thánh.

Nói chúng ta được Chúa gọi, nghĩa là Chúa muốn, Chúa chỉ định, nhưng không bắt buộc chúng ta như bắt nô lệ, nhưng để cho chúng ta dường như phải tự ham muốn và chịu khó mới có thể nên thánh được.

Ngày chúng ta chịu phép Rửa tội, chúng ta được Chúa ban cho thông phần sự sống của Chúa. Chính Chúa là Thánh, nên thông phần sự sống của Chúa, nói được là có phần thánh của Chúa. Khi Rửa tội xong, chúng ta kể được là người thánh; vì chúng ta có được ít ra là mầm mống căn nguyên sống thánh.

Ngay điều này chúng ta cũng chưa ý thức rõ rệt huống chi sống lớn lên, mức độ thế nào chúng ta cũng không thể hiểu, nhưng nhận định rằng cuộc sống siêu nhiên (thánh) phải lớn lên.

Thường chúng ta nghĩ thánh thì đầu tiên phải không có tội, sạch các thứ tội (mình nhận được khi chịu Rửa tội). Sau đó con người mà được thiện hạ gọi là thánh có thể kể những hạng người thiện hảo, quân tử … thực hiện được lối sống đức hạnh một cách anh dũng.

Cũng có giới người lầm tưởng: ai có khả năng làm phép lạ,sống khắc khổ, ăn chay, hãm mình đánh tội, thức khuya dậy sớm v.v . là hạng thánh (phép lạ chính đáng nếu Chúa không ban cho, thì không con người nào thực hiện được. Còn ma quỷ không ăn, không ngủ… khổ triền miên, nhưng không phải là thánh).

Thánh thật sự, thánh tiến triển lớn lên là chính sự sống siêu nhiên của Chúa ban. Sự sống đó lớn lên chúng ta nhận thấy được, nhờ ơn Chúa ban cho những tài năng chúng ta gọi là thiên phú đức. Những tài năng này hoạt động đó là sự sống được biểu lộ. Biểu lộ mạnh thì tỏ ra sống lớn lên, sống khương cường; dĩ nhiên những thiên phú đức này bao gồm các đức khác.

Tác động sống siêu nhiên càng mạnh thì có thể nhận thấy sống siêu nhiên, lớn lên, mạnh lên. Còn lớn lên toàn thiện , toàn hảo, chỉ có nơi Chúa; không bao giờ chúng ta đạt tới, chỉ mong nhìn lên cao và cố gắng mãi.

Để nên thánh chúng ta cố gắng đơn giản hóa: Chúa Kitô có cả nguồn sống của Chúa Cha, lại là hình ảnh hoàn hảo của chúa Cha tỏ hiện nơi Chúa Kitô.

Vậy cho được là thánh thì trước tiên chúng ta phải bám vào, kết hợp với Chúa Kitô để có sự sống. Tiếp đến chúng ta nhìn Chúa, noi gương hạnh Chúa để đạt đến viên mãn, giống hình ảnh Chúa … thì nói được chúng ta là thánh và cuộc sống thánh của chúng ta được lớn lên, sống như Chúa. Càng kết hợp thì càng hưởng sức sống (thánh) nhiều hơn. Càng giống Chúa thì càng tỏ ra sống cao siêu hơn.

Chúng ta phải là người thánh và là thánh nêu gương, nên men cho đời.

SUY NIỆM VỀ HIỆP NHẤT

Qua tuần lễ hiệp nhất chúng ta cũng đã theo ý Hội Thánh cầu cho hiệp nhất. Hội Thánh lưu tâm đến hiệp nhất các Kitô giáo. Thực tế có nhiều trăm giáo phái tự xưng mình là Kitô giáo. Còn chúng ta có thể nghĩ về sự hiệp nhất như thế nào?

Thiết nghĩ bản tính của Chúa là một Chúa Ba Ngôi. Các vật Chúa dựng nên ít nhiều phải có hình ảnh Chúa.

Chúa dựng nên các vật thụ tạo, mỗi vật đều tách biệt nhau. Nhất là con người Chúa ban cho có biệt vị, có biết muốn, có tự do, mỗi người đều là một biệt vị. Một biệt vị quy tụ nhiều khác biệt. Tuy nhiên các vật đều liên hệ nhau, ít nhiều tùy thuộc nhau. Dầu vậy các vật thọ tạo phải quy hướng về Chúa.

Ngoài Chúa là căn nguyên tuyệt đối, căn nguyên duy nhất cho vật hiện hữu. Chúa không dựng nên những vật hiện hữu cho ai khác. Vì chỉ mình Chúa hiện hữu, cho nên điều đó không thể được! Mọi hiện hữu thụ tạo phải hướng về Hiện Hữu Tuyệt đối căn nguyên là Đấng Tạo Dựng.

Do đó có thể quả quyết: Chúa tạo dựng những khác biệt, và những khác biệt này phải hướng về Chúa. Đó là hiệp nhất đúng với ý Chúa.

Để hướng về Chúa có phần thích đáng, siêu nhiên hơn, Chúa dựng nên con người và con người, được thụ hưởng quy tụ nơi mình các vật thọ tạo. Ngũ hành (kim , mộc, thủy, hỏa, thổ) đều có trong con người. Ngũ hành phải luôn hướng về Chúa nhưng chúng không có ý thức.

Con người vì quy tụ cả ngũ hành, nên có thể gọi là tiểu thiên địa, tiểu vũ trụ, lại được Chúa ban cho có ý thức, nên Kinh Thánh nói con người được Chúa ban cho làm vua vũ trụ, điều khiển ngũ hành, và mang nhiệm vụ hướng tất cả về Chúa nghĩa là thay thế vạn vật, tôn thờ Chúa, nhìn Chúa là chủ tể. Do đó, con người và vạn vật đều tuỳ thuộc vào Chúa, nói được hiệp nhất với Chúa.

Công trình này nguyên tổ đã phá vỡ vì không tuân lệnh Chúa. Chúa lại tái tạo bằng mầu nhiệm nhập thể, nhập thế.

Mầu nhiệm nhập thể nói lên tính cách vô cùng của Thiên Chúa. Việc chống đối Thiên Chúa Vô Cùng, thì tội phải kể là quá lớn. Con người dầu có khổ nhọc đến đâu, dầu có chết cũng không đền, không chuộc lại ơn nghĩa được. Chính Chúa mới đền, mới chuộc được.

Nhưng nói Chúa đền, Chúa chuộc thì vô lý! Mầu nhiệm nhập thể giải quyết: Nhân tính thể hiện việc đền tội, và thiên tính làm cho việc đền tội có đủ giá trị.

Qua việc nhập thể, Chúa tái tạo công trình, tạo cách biệt, mà cách biệt lại quy căn. Có thể nói đó là tái tạo thể chế hiệp nhất, tái tạo loài người hiệp nhất và tiến đến hiệp nhất với Chúa. Đối với loài người, Chúa muốn tạo nên vương quốc quy tụ cả nhân loại, thần dân của Chúa lại và để có điểm liên kết đậm đà hơn, Chúa muốn cho nhân loại thành một đại Gia đình của Chúa.

Về mặt con người, để kết hợp với nhau chúng ta có giáo lý hiệp thông: Các tín hữu liên kết chặt chẽ với nhau, hiệp nhau nên một Nhiệm Thể Chúa Kitô, đến nỗi nói được, chúng ta có cùng nguồn sống (sống siêu nhiên). Và mặc dù mọi người vẫn có sự sống siêu nhiên cá biệt nhưng hiệp thông chia sớt sức sống cho nhau.

Nhưng vấn đề hiệp nhất với Chúa chúng ta không nhận định rõ được làm sao để nên một với Chúa. Kinh Thánh chỉ nói Chúa ở trong ta, ta ở trong Chúa. Chính cái kết hợp, kết hợp như thế nào, chúng ta không biết được, không hiểu được.

Có thể mường tượng vũ trụ hướng về Chúa, hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa, con người có ý thức, đại diện, thay thế vũ trụ, hướng về Chúa, chúng ta thấy được có chút chi kết hợp với Chúa.

Con người được siêu nhiên hoá, thì hướng về Chúa không chỉ như là nhiệm vụ của vật thọ tạo, mà hướng về Chúa với tâm trạng làm con, hướng về Chúa với tình yêu Chúa ban. Liên kết với Chúa như con, như người tình thì vượt trên hiểu biết tự nhiên của chúng ta, nhất là mức độ sống siêu nhiên của tình yêu.

Dầu sao chúng ta cũng thấy được kết hiệp với Chúa là cốt yếu căn bản của đời sống tín hữu. Phải sống kết hợp, kết hợp, phải kết hợp sâu thẳm thêm mãi. Xác tín kết hợp là mục đích tối chung của chúng ta và cũng chính là hạnh phúc vĩnh hằng.

IX. MẠN ĐÀM

NĂM MỚI - ĐỔI MỚI

Minh niên tân nhật: Năm mới ngày cũng mới! Mặc dù năm nào cũng như năm nào, ngày nào cũng như ngày nào; nhưng ngày chưa tới, mình sắp trải qua, thì cũng gọi được là ngày mới.

Trong năm mới thì hoài bão của con người luôn muốn được những cái mới.

Tuổi trẻ chưa biết nhận định, nên không thấy ngày mai mình có cái chi mới hơn hôm nay. Nhưng có thể vui hưởng những áo quần mới hay những món quà nhỏ kỷ niệm đầu năm.

Tuổi xuân bắt đầu nghĩ tưởng, nên mong mỏi mình được có cái chi mới, mình chưa có; có cái chi sang, cái chi đẹp. Nhứt là nữ giới muốn trang điểm để thu hút nam giới.

Trưởng thành không còn cái vui của tuổi trẻ, không mong được vui như tuổi trẻ, không mấy ham muốn như tuổi xuân nhưng lại hoài bão những tươi đẹp huy hoàng cho tương lai.

Đến lúc già rồi, thì còn mong gì đổi mới, nên mới nữa! Da mồi, tóc bạc, không thể cãi lão hoàn đồng được. Muốn được thọ, muốn được quan tài (thọ) …thế thôi!!!

Còn đầu năm mới, ngày mới, tuổi trẻ vui áo mới. Vài ngày thì mới lại thành cũ. Tuổi xuân trang điểm cho nên mới bên ngoài thôi! Còn bên trong vẫn mốc meo, còn mốc meo, có khi còn bám đất vào đầy người! Trưởng thành có khi sống theo ảo tưởng mà thường không đạt nguyện.

Cái mới còn đâu ? Còn, phải còn và con người cần phải đổi mới luôn mãi.

Tuổi trẻ đổi mới bằng cách tìm hiểu, biết nhiều hơn, rộng hơn.

Tuổi xuân, không chú tâm trang điểm nhưng tăng cường đức hạnh: ngũ thường, tứ đức.

Tuổi già không những xác tín: Nhật nhật tân và giữ được “Thất thập tùng tâm bất du cũ” ( 70 tuổi muốn gì thì cứ làm nhưng không bao giờ sai luật). Đó là đời trong sạch! Điều chính yếu là sống như thế nào để người già không chỗ chê trách. Còn tuổi trẻ lại cảm phục theo gương. Nghĩa là đổi phải mới và mới mãi.

Cái mới có thể thực hiện, thực hiện được và phải thực hiện cho đến kỳ cùng.

Chớ gì chúng ta cảm thấy đời cần phải đổi mới, và luôn cố gắng đổi mới cuộc sống. Đối với người Công Giáo, sống mới là sống thánh, thánh luôn mãi.

TẾT

Ba ngày tết nhất là Mồng Một được gọi là Nguyên Đán: ngày đầu, ngày căn cội, ngày có ý nghĩa sâu xa trong cuộc sống. Chúng ta có thể nhận định:

1. Tết là Ngày Quy Tụ Gia Tộc

Con cháu vì nghề nghiệp, vì cầu thực, phải sống xa làng quê, Tết cố gắng về lại tổ đường, nhà cha ông …để nối lại dây liên kết, và thể hiện lại ít ra trong vài ngày cái cảnh sống chung ngày trước để nhắc nhớ những ưu điểm, những đức tính của gia tộc; nhớ lại những đức hạnh, những ý chỉ của cha ông. Đó là nhiệm vụ của con cái hầu lưu truyền lại cho thế hệ sau.

Thể chế gia tộc đã chìm mất từ lâu. Nhưng phần lớn gia đình Việt Nam vẫn còn giữ lại thể cách gia tộc vẫn muốn cho các thành phần trong gia tộc liên kết nhau và ngày càng đông mạnh để các gia tộc khác không lấn hiếp được; nâng đỡ nhau cho gia tộc mình ngày càng rạng rỡ.

Không những quy tụ người còn sống mà cũng mời thỉnh những tiền nhân đã quá vãng về sum hợp với con cháu. 30 Tết, rước ông bà về cùng vui với con cháu và phù hộ cho con cháu trong năm mới ít nhiều tham gia với cuộc sống chung gia tộc (hưởng cúng).

Trong cả cuộc đời, trong cả năm, chỉ có nguyên đáng mới là ngày quy tụ gia tộc, người sống xa và người chết

2. Tết Cũng Là Ngày Thiêng Thánh.

Ngày 23 Tết, đưa ông Táo về trời, để ông báo cáo những hành vi trong năm qua, và mong báo cáo tốt lành để trời ban cho năm mới phúc lạc. Bởi là ngày thiêng thánh nên con người phải giữ: không có gì tội lỗi xấu xa trong các hành vi của mình; không tội lỗi mà cũng không cau có; không nói lời nặng nề, khinh chê v. v mà phải nhịn nhục, làm lành thương yêu v. v để cho Nguyên Đán; ngày Tết nhờ cố gắng sống tốt, Trời thương ban cho cả năm được tốt đẹp, được an lành, hạnh phúc.

Nguyên Đán đúng là ngày tốt lành. Nhưng khổ nỗi thế hệ vô thần trần tục lại lấy vô luân, tửu sắc, tiền tài làm chủ tể. Dưới đời có được mấy ai nhận biết Nguyên Đán chính đáng, và biết thụ hưởng Nguyên Đán là một ngày xuân tươi đẹp cho tinh thần và thể xác, đáng là khởi điểm cho tứ thời trường xuân.

Đối với người Công giáo chúng ta trong Ba NgàyTết: Trước tiên, chúng ta cám ơn Chúa vì những ơn Chúa ban cho trong năm qua. Đầu năm cầu Chúa ban cho bình an, vì bình an là khởi điểm là căn cội cho phước lạc. Mồng Hai cầu cho ông bà tổ tiên (phần nào thể hiện việc hiệp thông). Mồng Ba thánh hoá cần lao. Cầu xin cho chúng ta biết chu toàn nhiệm vụ.

Nhờ thế, đối với chúng ta, Nguyên Đán là ngày tốt, mà mỗi ngày, ngày ngày đều là ngày tốt và là thời giờ Chúa ban. Chúa ban để chúng ta thích dụng hầu nên người tốt, người thánh.

X. TẢN MẠN

Năm mới có gì mới ?

Trong tháng 01 năm mới 2007 dã có hai sự kiện quan trọng: Ngày 11/01/2007, Việt Nam được chính thức gia nhập WTO. Và sau đó không bao lâu, ngày 25/01/2007, diễn ra cuộc gặp gỡ chính thức giữa ĐTC Bênêđitô XVI và Thủ Tướng Chính Phủ VN Nguyễn tấn Dũng. Về phía Việt Nam, cả hai sự kiện này đều có chung một hướng mở ra và hội nhập .

Là thành viên thứ 150 của WTO, Việt Nam sẽ có được những quyền lợi về thương mại với các nước khác trong tổ chức này. Nhân tiện đây, chúng ta tìm hiểu đôi nét về WTO. Đó là những từ viết tắt của The World Trade Organisation, được thành lập từ 01/01/1995. Trụ sở đặt tại Genève ( Thụy Sĩ). Tổng Giám Đốc Điều Hành hiện nay là ông Pascal Lamy. Tính đến thời điểm này gồm có 150 thành viên. Mỗi hai năm họp chung một lần. Mục đích của Tổ chức này nhằm giúp cho các nhà sản xuất hàng hóa, các dịch vụ, những nhà doanh nghiệp xuất nhập khẩu … quản lý việc kinh doanh của mình và tuân thủ những khoản luật của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Từ đó, các nước thành viên sẽ được hưởng những quyền lợi ưu đãi về thuế quan và mậu dịch. Nói một cách cụ thể hơn, hàng hoá của các nước thành viên trong WTO nhập vào nước chúng ta sẽ có giá rẽ hơn trước đây, lý do là vì thuế nhập khẩu hạ thấp. Ngược lại, hàng hoá của chúng ta xuất khẩu sang nước thành viên WTO sẽ có thuế nhập khẩu thấp, giá thành sẽ rẻ hơn, dễ bán hơn … Như vậy, hàng hoá tràn vào thị trường Việt nam sẽ phong phú và giá bán sẽ rẻ hơn, sự cạnh tranh sẽ trở nên quyết liệt và cũng chưa chắc gì người dân nghèo làm ra tiền đủ để mua những mặt hàng giảm thuế nhập khẩu đó !

Đã có một đột biến về phương diện kinh tế thị trường , cuộc gặp gỡ cấp cao nhất giữa Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI và Thủ Tướng Chính Phủ Nguyễn tấn Dũng là một bước tiến khác về lãnh vực tôn giáo. Sau hơn 3 thập kỷ (chính xác là 32 năm), nhịp cầu này mới được nối lại tạo điều kiện thuận lợi cho những người công giáo tại Việt Nam. Trước đây, Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã nhiều lần bày tỏ thiện chí muốn sang thăm Việt Nam. Ý nguyện đó đã không thành và theo ngài sang thế giới bên kia. Tuy vậy, đó là mầm mống để có được sự kiện quan trọng ngày 25/01 vừa qua. Bởi vì trong lãnh vực ngoại giao, không phải một sớm một chiều mà người ta đạt được những thành công như vậy. Phải từng bước thăm dò, tiếp theo là nhiều bước thăm chừng để sau đó bắt tay nhau và ngồi vào bàn chuyện. Dư luận thế giới đánh giá rất cao Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI qua những lần gặp gỡ mới đây của ngài với những nước đặc biệt như Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.

Chúng ta có cơ sở để hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn. Chúa Thánh Thần muốn thổi đi đâu thì thổi, có lẽ Ngài đang thổi ở-đây-và-lúc này (hic et nunc). Một căn nhà cứ đóng cửa thì sẽ ngột ngạt, mở cửa ra sẽ đón ánh sáng mặt trời và ngọn gió xuân đang đến. Cầu mong Một Năm Mới với những sự kiện mới tốt lành và hy vọng.

XI. NGHỆ THUẬT SỐNG

CUỘC ĐỜI VÀ NHỮNG VÒNG TAY

Theo bạn, phần quan trọng nhất trên cơ thể con người là gì? Chắc hẳn câu trả lời của mỗi người sẽ không giống nhau. Riêng đối với tôi đó chính là vòng tay. Tôi sinh ra, lớn lên và trưởng thành và một ngày nào đó sẽ từ giả cõi đời này cũng trong những vòng tay.

Ngày tôi sinh ra, tôi được đặt trong vòng tay mẹ. Sau cơn vượt cạn, thân thể mẹ đau đớn, rã rời nhưng vòng tay vẫn mềm mại và ấm áp.

Rồi tôi lớn lên trong vòng tay của bà, trong những buổi trưa bà hát ru tôi ngủ. Bà già yếu lắm rồi nhưng vòng tay bà ôm tôi chặt lắm. Bà bảo ôm chặt để cháu bà không bị giật mình thức giấc.

Tôi tiếp tục trưởng thành trong vòng tay của cha. Tay cha to, chắc và chai sạn vì những vất vả đời thường. Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác lâng lâng khi được cha bồng bế trong giấc ngủ mơ màng.

Tôi đi học và vô tư sống trong vòng tay bè bạn. Tôi thường ngắm nhìn bức ảnh kỷ niệm chụp nhỏ bạn thân đang vòng tay ôm tôi dưới gốc phượng, miệng hai đứa đều cười tươi. Tình bạn thật ấm áp làm sao !

Tôi bước vào đời không tránh khỏi những vấp váp, sai lầm. Và vòng tay người tôi yêu đã dang rộng, chở che và giúp tôi đứng vững trước sóng gió cuộc đời. Vòng tay ấy cũng là nơi tôi tìm được cảm thông, chia sẻ và truyền cho tôi hơi ấm của tình yêu và hạnh phúc những năm tháng sau này.

Người hạnh phúc nhất là người đem đến hạnh phúc cho nhiều người khác. Tôi không chắc mình có đem lại hạnh phúc thật sự khi trao ban cho người khác những vòng tay không, nhưng tôi tin là mình đã làm được điều gì đó cho họ. Và chỉ riêng ý nghỉ đó thôi cũng làm tôi cảm thấy hạnh phúc.

Bờ vai là chỗ dựa tin cậy để tìm sự cảm thông và an ủi. Còn vòng tay lại xoa dịu nổi đau và chia sẻ niềm hân hoan. Vòng tay có thể nói thay những lời nói mà đôi khi ta không cần phải thốt thành lời. Và mỗi khi nhận được những thông điệp ấy tử vòng tay của người khác, bạn hãy nhớ rằng bạn đang là người may mắn và hạnh phúc nhất.

Hãy biết trao và nhận những vòng tay bạn nhé !

(Trích từ “hạt giống tâm hồn”)

 

1609    21-04-2012 09:56:14