Sidebar

Thứ Bảy
05.10.2024

Suy Niệm Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa A

  1. Thiên Chúa Rất Khiêm Nhường
  2. Nầy Là Con Yêu Dấu Của Ta
  3. Vâng Theo Ý Cha
  4. Hiến Thân Vì Yêu
  5. Mầu Nhiệm Yêu Thương
  6. Gương Khiêm Hạ - Yêu Thương 

 

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM A
Mt 3, 13 - 17

 

Sông Giođan, tiếng Do Thái là "yarad" có nghĩa là đi xuống. Sông Giođan phát nguồn từ ngọn núi Hermon ở độ cao 520m. Suốt 220 km đường dòng sông không ngừng đi xuống. Trước tiên sông chảy vào hồ Halê, chỉ còn 68m trên mực nước biển. Kế đó sông chảy vào biển hồ Galilê nơi Đức Giêsu thường qua lại và các tông đồ thường chài lưới. Ở đây lòng hồ sâu 212m dưới mực nước biển. Sông tiếp tục chảy xuống miền Nam đổ vào biển Chết. Ở đây là độ sâu 394m dưới mực nước biển. Có thể nói đây là điểm thấp nhất của địa cầu.

Khi Đức Giêsu bước xuống sông Giođan để chịu phép rửa. Người đã xuống chỗ thấp nhất không chỉ về chiều sâu theo không gian địa lý, mà còn về chiều sâu tâm lý xã hội. Bước xuống để sông để Giođan Gioan Tẩy Giả làm phép rửa, Đức Giêsu đã hoà mình vào dòng người tội lỗi cần sám hối. Tuy đến trần gian để cứu độ người tội lỗi, nhưng Đức Giêsu đã hạ mình xuống ngang hàng với người tội lỗi, liên đới với họ và trở nên người anh em của họ. Không ai nhận ra Người. Mọi người đều cho rằng Người là một trong những kẻ tội lỗi.

Nếu chúng ta đã được chứng kiến một Thiên Chúa hạ mình xuống làm người  trong đêm Giáng sinh, làm một em  bé nghèo hèn, thì dường như điều này chưa đủ đối với tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa, nên hôm nay Người lại hạ mình xuống thêm một bậc nữa, xuống tận đáy xã hội nhân loại khi nhận mình tội lỗi.

Bước vào cuộc đời công khai, Đức Giêsu bắt đầu xuất hiện để rao giảng Phúc âm. Trước khi ra gặp gỡ dân chúng. Đức Giêsu đã tới dìm mình trong dòng sông Giođan. Để chuẩn bị ra gặp loài người, Đức Giêsu cảm thấy cần phải thanh tẩy. Mặc lấy xác phàm, Đức Giêsu chưa cảm thấy mình gần gũi với nhân loại. Người còn hạ mình xuống làm một người tội lỗi. Người dìm mình xuống dòng sông Giođan, dường như muốn mượn làn nước trong xanh tẩy sạch đi những gì ngăn cách để Người thực sự là một người anh em của mọi người.

Dòng nước Giođan dù có trong xanh đến mấy cũng không đủ sức rửa Thiên Chúa làm người. Thực ra chính Người tự rửa mình bằng sự khiêm nhường thẳm sâu. Khiêm nhường là một phép rửa, vì khiêm nhường là tự quên mình, là chết đi một chút. Dìm mình vào dòng sông là chấp nhận đau khổ và chết đi.

Người ta thường nói: "Không ai thấy được tình yêu. Người ta chỉ thấy được những bằng chứng của tình yêu". Bằng chứng  tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta đó là: "sự hạ sinh làm một em bé nghèo hèn yếu ớt, và đó là sự khiêm nhường hòa mình vào đoàn lũ những tội nhân". Đến dìm mình trong dòng sông Giođan, tình yêu đã thúc đẩy Người đi những bước táo bạo, bất ngờ. Mượn dòng nước sám hối xóa đi mọi khoảng cách còn lại giữa Thiên Chúa và con người.

Cử chỉ khiêm nhường của Người là một lời mời gọi chúng ta. Nếu chúng ta cảm thấy mình còn xa cách Chúa. Nếu ta cảm thấy mình cần phải được thanh tẩy. Đừng ngần ngại thay đổi đời sống. Hãy mạnh dạn tiến lên lãnh nhận phép rửa của Đức Giêsu,  để trở nên gần gũi với Người. Nếu ta chưa thể lãnh nhận phép rửa trong cái chết tủi nhục như Đức Giêsu, ta vẫn có thể thanh tẩy trong phép rửa khiêm nhường. Hãy rửa mình trong dòng lệ sám hối.

Khiêm nhường sám hối là bước khởi đầu để ta đón nhận Phúc Âm. Khiêm nhường sám hối là quay trở về với Cha, sống trọn tâm tình của người con hiếu thảo. Khi khiêm nhường trở về, ta sẽ gặp được người Cha nhân hậu đang đứng chờ ta. Người sẽ nói với ta như nói về Đức Giêsu: "Đây là con Ta yêu dấu. Ta hài lòng về con".

Lạy Đức Giêsu! xin giúp chúng con biết đến với Chúa và đến với anh em bằng sự khiêm nhường sám hối. Amen.

 

THIÊN CHÚA RẤT KHIÊM NHƯỜNG
Mt 3, 13 - 17

 

Tội lớn nhất và để lại hậu quả ghê gớm nhất là tội kiêu căng.

Vì sao Luxiphe và một số Thiên Thần trở thành Ma Quỉ trong Hoả ngục? Do kiêu căng mà ra. Tại sao loài người phải đau khổ và phải chết? Cũng phần lớn do kiêu căng mà ra! Tại sao có chiến tranh và hận thù? Vì có một số người tự đề cao mình, muốn người khác phục tùng sức mạnh và nguyên tắc của nhóm mình lãnh đạo. Một cách nào đó cũng là muốn tỏ khả năng của mình ra và bắt người khác phải nể phục.

Chính sự kiêu căng dẫn đến đau khổ và chết chóc. Vì vậy, Thiên Chúa đã đến trong thân phận khiêm tốn để giải thoát loài người đang đắm chìm trong ảo vọng. Ngài là Thiên Chúa quyền phép vô cùng mà đến trần gian mang thân phận như một người tôi tớ. Ngài không dùng quyền thống trị mà dùng trái tim nhân từ, thương xót đối với mọi người, kể cả kẻ có tội. Người không bẻ gẫy cây lau bị giập. Cây lau có giá trị gì mà Ngài lại đối xử nhân từ với nó như vậy, nhất là khi nó đã giập rồi. Chúa đối xử với loài người cũng như vậy đó. Loài người đáng là chi mà Chúa để ý chăm nom, nhất là khi loài người nhiều lần chống lại Chúa, đáng bị phạt, đáng tội chết. Vậy mà Chúa lại nương tay và còn đến nâng đỡ dậy nữa. Dân Do Thái bao nhiêu lần lỗi phạm mà Chúa không loại trừ họ. Ngài thật là kiên nhẫn. Thay vì xử phạt loài người, Chúa đến lãnh lấy án phạt đó. Con Một Ngài là Đức Giêsu Kitô tự nguyện đứng vào hàng ngũ tội nhân dù Ngài vô tội. Tội tày đình của con người Chúa lãnh thay. Điều này vượt quá mong đợi của loài người khiến cho thánh Gioan Tẩy Giả không hiểu. Chúa sai Gioan Tẩy Giả đến sông Giođan kêu gọi dân chúng sám hối và làm phép rửa cho kẻ có tội, bây giờ chính Chúa lại  nhờ ông làm cử chỉ đó cho Ngài! Làm sao Đấng trong sạch đến rửa tội cho nhân loại lại xin lãnh phép rửa dành cho tội nhân được? Hành động của Thiên Chúa vượt quá suy nghĩ của Gioan Tẩy Giả và của loài người. Việc chịu phép rửa của Chúa Giêsu là việc làm biểu lộ tình thương vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại. Chúa lãnh án phạt dành cho loài người. Tội của loài người Chúa đền thay, cái chết do ông bà nguyên tổ gây cho nhân loại Chúa lãnh dùm. Còn gì hạnh phúc hơn cho loài người chúng ta. Chính Chúa đã hạ mình đứng chung với tội nhân và xin nhận phép rửa. Chính lòng khiêm tốn của Chúa có sức đền bù tội kiêu căng của loài người chúng ta.

Loài người cho rằng mình giỏi, chinh phục được thiên nhiên. Tuy chúng ta luôn có những khám mới, đạt được nhiều thành tựu đáng hoan nghênh. Nhưng thử hỏi chúng ta đã chinh phục bao nhiêu rồi. Trong vũ trụ có cả trăm tỉ hệ mặt trời, chúng ta đã vượt ra khỏi Thái Dương Hệ của mình hay chưa để đi chinh phục vô số hệ mặt trời khác.

Chỉ vấn đề động đất và tuyết rơi mà loài người cho rằng mình kiểm soát được, nhưng thực tế cho thấy là nhiều lúc chúng ta chưa ngăn ngừa được hậu quả. Điều này cho thấy sức loài người kém cõi, giới hạn. Dù thời nay mệnh danh là thời đại văn minh của khoa học kỹ thuật, vậy mà những gì chúng ta chinh phục được cũng chưa đáng là gì so với những kỳ bí của vũ trụ. Chúng ta vẫn phải tiếp tục khám phá để biết nương theo qui luật của thiên nhiên mà tồn tại chứ không thể bắt nó theo ý mình được.

Ước chi loài người biết khiêm tốn hơn để hiểu được chính mình, hiểu biết Chúa, hiểu được giới hạn của khoa học và tín thác vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Xin mỗi người biết nhìn nhận tội mình, và trông cậy vào tình thương cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô. Người đã giáng thế để lãnh tội thay cho nhân loại, để những ai tin vào Người thì được Nước Thiên Đàng làm gia nghiệp.

NẦY LÀ CON YÊU DẤU CỦA TA
Mt. 3, 13 - 17.

Anh chị em thân mến.

Trong những lần xem Ti Vi, chắc anh chị em không khỏi khó chịu vì những chương trình quảng cáo. Nó cứ làm cho thời gian phải dài ra, nó cứ làm cho những cuộc vui phải bị gián đoạn. Nhưng vì nhu cầu, nên những người làm chương trình không thể đáp ứng đúng với những gì mà mọi người đòi hỏi được.

Có một lần đang chương trình quảng cáo, bỗng dường như có một lời nhắc nhở, vì hiện nay có những người đi khuyến mãi cho mặt hàng đang quảng cáo, nhưng bổn hiệu không có nhờ đến họ, mà họ tự động đi chào hàng. Họ đi giới thiệu mặt hàng không biết xuất xứ từ đâu, nhưng lại mang nhãn hiệu đã được quảng cáo. Nếu ai thông báo để loại trừ được những hành động như thế sẽ được thưởng.

Tôi chợt giật mình và nhớ lại: có rất nhiều người đi giới thiệu sản phẩm, nhưng không biết họ có được chuẩn nhận hay không, hay họ chỉ làm việc theo ý riêng để tìm lợi lộc cá nhân, bất chấp những thiệt hại cho người khác. Nếu như thế họ không bao giờ làm vui lòng ai được, vì họ không mang lợi ích cho mọi người.

Nầy là Con Yêu Dấu của Ta, Con đẹp Lòng Ta.

Tíếng từ trời phán ra, để chuẩn nhận cho sứ mạng Thần Linh mà Chúa Giêsu đang thực hiện. Ngài đến với Gioan, nhưng ông nầy ngần ngại, vì thấy điều nghịch lý. Chúa Giêsu nhắc nhở: "chúng ta cần chu toàn bổn phận như thế". Gioan cũng đã chu toàn bổn phận, chu toàn những gì mà ông đã được sai đi để thi hành, chu toàn để giúp đỡ cho người khác và mang ích lợi cho nhiều người. Chính vì chu toàn trong vâng phục mà ông chứng kiến được sự chuẩn nhận từ Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng chu toàn sứ mạng trong sự vâng phục, mà sự chuẩn nhận cách long trọng đã được thực hiện.

Nầy Là Con Yêu Dấu Của Ta, Con Đẹp Lòng Ta.

Một lời chuẩn nhận long trọng cho người biết thi hành cách chu đáo sứ mạng được trao. Thi hành sứ mạng trong vâng phục hoàn toàn, để mang lợi ích và niềm vui cho mọi người.

Mỗi người trong chúng đã được trao một sứ mạng. Mỗi người cũng đang thực hiện sứ mạng mà mình đã lãnh nhận. Nhưng chúng ta đang thực hiện sứ mạng với sự vâng phục, để chu toàn cách trọn vẹn hầu mang ích lợi và niềm vui cho nhiều người. Hay chúng ta đang thi hành sứ mạng để tìm những gì cho bản thân riêng tư? Mỗi người để một chút suy tư, để một ít phút để nhìn lại những việc làm đã qua, chúng ta sẽ nhìn thấy được mục đích của cuộc sống, qua đó chúng ta nhận thức được chúng ta đang thi hành sứ mạng cho ai, cho chính mình hay cho Thiên Chúa.

Nếu chúng ta nhìn thấy trong cuộc sống mà bao nhiêu người phải run sợ hay e dè khi nhìn thấy mình. Nếu chúng ta chỉ biết tranh đấu để cho mình được lợi, còn người khác thì không cần biết đến. Nếu chúng ta chỉ biết làm cho thỏa mản những gì mình suy tính mà không cần biết lắng nghe để phân biệt phải trái, tốt xấu. Đó là chúng ta đang thi hành sứ mạng cho bản thân mình. Nếu như thế chúng ta cũng đang trong tình trạng bị những lời khuyến cáo để loại trừ ra khỏi cuộc sống. Khi đó chúng đang thi hành sứ mạng nhưng không được trao ban, mà chúng ta chỉ là một tên giả hiệu, chỉ đội lớp bên ngoài và giả danh chứ thật sự thì hoàn toàn khác.

Có những lần, chúng ta nhìn thấy uy tín của mình bị tổn hại vì một lý do nào đó, mà biết chấp nhận không than phiền, hay tìm cách đòi hỏi phải đền bù xứng đáng cho thỏa mãn tính kiêu căng. Nếu có lần chúng ta nhìn thấy quyền lợi của mình bị chạm đến, của cải riêng tư phải bị tốn hao vì người khác, mà chúng ta biết vui lòng cho đi. Có những lần chúng ta bị tủi nhục dường như không chỗi dậy được, hay bị những hiểu lầm đáng tiếc mà không thể biện minh. Nếu chúng ta biết chấp nhận những điều đó vì lợi ích chung, nếu chúng ta biết chấp nhận vì nhìn thấy Thánh Ý Chúa để rồi vâng phục cách trọn vẹn. Lúc đó chúng ta cũng nhận được lời tuyên bố long trọng: "Đây là con yêu dấu của Ta, con đẹp lòng ta".

Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa cho mỗi người biết trung thành trong Ơn Chúa, để biết lắng nghe và thi hành trọn vẹn những điều Chúa truyền dạy.

VÂNG THEO Ý CHA
Mt 3, 13 - 17

Hôm nay chúng ta bước sang giai đoạn I của mùa Thường Niên trong năm Phụng vụ 2007. Mùa Thường niên giới thiệu cho chúng ta suy niệm kỹ hơn về tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Tình yêu ấy được thực hiện trọn vẹn nơi Chúa Giêsu - Con Một yêu dấu của Chúa Cha. Trước khi công khai ra đi loan báo Tin mừng, Chúa Giêsu đã lãnh nhận phép rửa của Thánh Gioan Tẩy Giả. Biến cố này cho thấy Chúa Giêsu bắt đầu thực hiện ý định của Chúa Cha từ ngàn đời. Đó là đem ơn cứu rỗi đến cho loài người.

Tiếng Chúa Cha từ trời phán: "Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người". (Mt 3, 17b) nhằm xác định vị thế thật của Chúa Giêsu. Là Con Một Chúa Cha hằng sống nhưng giờ đây Chúa Giêsu đã tự nguyện sống trong thân phận con người yếu đuối ngoại trừ tội lỗi. Người đã hòa mình với mọi người để đón nhận phép rửa của Gioan. Chính điều đó đã làm vui lòng Chúa Cha.

Không phải chỉ hôm nay mà trọn cả cuộc đời của mình, Chúa Giêsu đã luôn vâng phục trọn vẹn theo thánh ý Chúa Cha. Có lần Người đã nói với các môn đệ: "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người" (Ga 4, 34). Ý muốn của Chúa Cha là đem ơn cứu chuộc đến cho con người. Bởi vì Người thấy con người đang phải sống trong cảnh lầm than khốn khổ do tội lỗi mình gây nên.

Trong việc thi hành ý muốn của Chúa Cha nhiều lúc Chúa Giêsu phải chịu bị người ta hiểu lầm. Thấy Chúa Giêsu hòa mình với những người thu thuế và những người tội lỗi thì bị một số người cho Người chính là "tay ăn nhậu" (Mt 11, 19). Người đã thực hiện lời tiên tri Isaia loan báo về người tôi trung của Thiên Chúa : "Cây lau bị giập, người không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi" (Is 42, 3).

Không chỉ bị người ta hiểu lầm mà Chúa Giêsu còn phải chịu bao điều thiệt thòi và đau đớn về mình. Trong vườn Cây Dầu đứng trước cái chết sắp đến Người đã thưa cùng Chúa Cha: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha." (Mt 26, 39).

Tất cả chỉ vì thương con người nên Chúa Giêsu đón nhận thánh ý Chúa Cha một cách vui vẻ. Đó là của lễ làm đẹp lòng Chúa Cha nhất. Bởi lẽ máu chiên bò và của lễ toàn thiêu Cha không ưng nhận. Cha chỉ nhận những ai biết thi hành thánh ý Cha thôi. (Dt 10, 6 - 9)

Nhờ vâng theo thánh ý Chúa Cha mà Chúa Giêsu đã đem lại ơn cứu độ cho con người chúng ta. Trước hết chúng ta hãy cảm tạ Người với lòng cảm mến sâu xa nhất. Tâm tình cảm tạ đẹp nhất là chúng ta noi gương bắt chước Người mà luôn biết thi hành thánh ý Chúa Cha trong đời sống của mình.

HIẾN THÂN VÌ YÊU
Mt 3, 13 - 17

Việc Chúa Giêsu xếp hàng chung với những người khác đến xin Gioan làm phép rửa khiến cho Gioan cảm thấy ngỡ ngàng. Theo ông, đó là chuyện ngược đời, nên ông lên tiếng can ngăn Đức Giêsu. Giờ đây, suy gẫm về đoạn Tin mừng này, chúng ta cảm thấy thắc mắc và khó hiểu về quyết định của Chúa Giêsu khi Ngài đến xin Gioan làm phép rửa cho Ngài. Ta đặt câu hỏi: Chúa Giêsu có cần thiết để làm như thế không? Ngài có tội lỗi gì mà cần đến phép rửa cầu xin ơn tha tội? Nhưng việc Đức Giêsu đến với Gioan để xin ông làm phép rửa cho Ngài mang nhiều ý nghĩa thâm sâu. Giờ đây, chúng ta nhắc đến 2 ý nghĩa chính yếu này.

1. Dấu chỉ của sự tự hiến:

Tin mừng thuật lại là Chúa Giêsu rời bỏ xứ Galilê mà đến với Gioan ở sông Giođan để ông làm phép rửa cho Ngài. Đây là quyết định mang tính dứt khoát và tự nguyện của Chúa Giêsu để nói lên rằng, Chúa Giêsu xin chịu phép rửa của Gioan là một sự tự hiến chứ không phải là một sự đòi buộc do tội lỗi, vì Ngài là Đấng vô tội.. Chúa Giêsu tự đồng hoá mình với tội nhân. Ngài muốn liên đới với tội nhân để cứu vớt chính những tội nhân ấy. Ý nghĩa tự hiến nằm ở nơi đây. Khi Ngài tự ý liên đới mình với tội nhân, Ngài vừa cứu chữa họ, vừa giúp họ nhận ra chân lý quan trọng này là: Thiên Chúa yêu thương hết mọi người, đặc biệt là yêu thương tất cả những ai bị gạt bỏ bên lề cuộc sống, những ai biết hết lòng cậy trông vào lòng thương xót của Thiên Chúa.

Có chuyện kể rằng: Một gia đình nọ có một đứa con trai duy nhất, nên cha mẹ câu hết lòng yêu thương câu và dành những gì tốt đẹp nhất cho cậu. Dù thế, người cha tỏ ra rất cứng rắn với những sai lỗi của cậu, và người mẹ cũng đồng tình với cách giáo dục đó. Một lần nọ, người con trai của họ vì ham chơi và bị bạn bè quyến rũ, cậu đã trốn học để ra ngoài bãi biển vui đùa và chơi bóng. Người cha biết chuyện không hay đó nên đã kiên quyết xử phạt người con trai rất yêu quí của mình. Ông quyết định để đứa con của mình phải trải qua một đêm trên một căn gác chật chội và nóng nực. Nhưng đêm hôm đó, người cha không tài nào chợp mắt được vì ông quá tội nghiệp người con của mình. Nửa đêm, ông quyết định lấy mền gối lên trên gác để ngủ với con trai của mình. Điều ngạc nhiên là khi ông leo lên tới căn gác thì đã thấy người vợ của ông đã ở đó với người con trai của họ từ hồi nào chẳng biết. Thế là 3 người cùng trải qua một đêm trên căn gác chật chội và nóng nực đó suốt đêm. Chỉ có đứa con phạm lỗi, nhưng 3 người cùng chịu phạt.

Chắc chắn đêm hôm đó là đêm đáng nhớ nhất của người con. Có lẽ, nó sẽ nhận ra tình yêu của cha mẹ nó dành cho nó lớn lao như thế nào. Người cha không bỏ hình phạt mà ông đã ra cho người con; bà mẹ cũng không xin ông tha phạt cho con vì họ muốn người con của họ ý thức hành vi lỗi phạm của mình. Nhưng khi người con bị phạt là cả nhả 3 người cùng chịu phạt. Câu chuyện trên cũng phần nào giúp chúng ta thấy được cách hành động của Thiên Chúa dành cho con người tội lỗi.

Trước lỗi phạm của con người, Thiên Chúa chắc chắn rất xót xa khi Ngài dùng cách thức này hay cách thức khác để sửa dạy họ. Nhưng không khi nào Thiên Chúa dứt tình với con người. Một khi đã làm điều gì rồi, thì Thiên Chúa làm cho tới nơi tới chốn. Một khi đã tạo dựng nên con người là tác phẩm yêu thương của Thiên Chúa, thì Ngài yêu họ đến cùng, dù họ có phản bội hay sai lỗi với Ngài. Thiên Chúa không bỏ rơi con người khi con người sa ngã, mà Ngài tìm cách để gần gũi con người hầu cứu vớt họ và giúp họ nhận ra tình thương của Ngài dành cho họ để họ sống tốt hơn và trung tín hơn trong mọi sự.

2. Nêu gương trong việc chu toàn Bổn phận:

Chu toàn bổn phận có nghĩa là làm cho nó nên trọn nghĩa. Sở dĩ, Đức Giêsu khi chịu phép rửa của Gioan để làm tròn bổn phận đó là vì Ngài vừa khiêm hạ vừa siêu thoát và muốn mặc cho Phép rửa một ý nghĩa tròn đầy. Ý nghĩa này được bày tỏ ra khi Đức Giêsu chịu phép rửa của Gioan: Trời mở ra, Thánh Thần Chúa ngự xuống và có tiếng từ trời phán ra: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta".

Chu toàn việc bổn phận là nên thánh. Không ai trở nên hoàn hảo và thánh thiện nếu không chu toàn việc bổn phận của mình. Van Kaan đã nói: "Việc đạo đức nhất là việc bổn phận. Tránh né việc bổn phận là tránh né Thiên Chúa".Mỗi người chúng ta đều có những cộng việc bổn phận nhất định. Cụ thể là bổn phận của ta đối với Thiên Chúa, đối với chính mình và đối với người khác. Hằng ngày, ta hãy xét mình theo những công việc bổn phận của mình để biết mình sống như thế nào trong ngày hôm đó.

MẦU NHIỆM YÊU THƯƠNG
Mt 3, 13 - 17

Lúc còn bé, trong tư tưởng tôi không bao giờ chấp nhận hai hình ảnh trong Kinh Thánh mà tôi cho là lạ đời, trái ngược với cuộc sống đời thường. Hình ảnh đầu tiên là Chúa Giêsu mà lại đến xin ông Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho mình. Hình ảnh thứ hai lại càng làm cho tôi khó chấp nhận hơn. Đó là, Thầy Giêsu lại rửa chân cho các tông đồ học trò của mình. Sau này lớn lên tôi mới ngộ ra được, tình yêu mà Thiên Chúa dành cho con người qua những hành động mà ngày trước tôi cho là kỳ lạ đó, thì nay tôi mới cảm nghiệm được Đức Giêsu là người chấp nhận:

1. Sống với tội nhân.

Đức Giêsu đến trần gian để cứu chuộc nhân loại bằng con đường tự hạ, khiêm tốn. Ngài không hề cách xa trong hành động cũng như cách cư xử. Nhất là với tội nhân, Ngài không xem mình như một vị Thiên Chúa đến để xét xử, trừng phạt, mà Ngài đến cho họ được sống và sống dồi dào. Qua cử chỉ Đức Giêsu xin nhận phép rửa chứng tỏ Ngài không bao giờ muốn xa cách tội nhân, luôn tạo điều kiện cho tội nhân dễ gần bằng cách: "Vốn là Thiên Chúa, nhưng lại không coi mình ngang hàng với Thiên Chúa, trái lại Người đã trút bỏ mọi vinh quang để mặc lấy thân phận nô lệ và trở nên giống một phàm nhân" (Pl 2,6). Nếu xét theo cái nhìn tâm lý thì Đức Giêsu là một nhà tâm lý đại tài, Ngài không để cho mình và tội nhân có một khoảng cách nào, nhưng Ngài kéo khoảng cách đó gần đến nỗi tội nhân có thể sống như một người bạn thật thân mật và gần gũi. Ngài cũng chấp nhận bị xã hội bỏ rơi, khinh khi nhục mạ như tội nhân. Ngài hoàn toàn giống họ chỉ trừ tội. Đức Giêsu là trung tâm điểm cho đời sống Kitô hữu, Ngài đã làm như thế, đã hạ mình như thế còn chúng ta thì sao? Trong cuộc sống xung quanh ta có nhiều người thánh thiện lắm! Đi lễ đọc kinh lần hạt mỗi ngày, dưới con mắt người đời họ là những người còn trên cả đạo đức. Nhưng đối với tội nhân thì họ lại tránh xa khinh miệt. Chính sự khinh miệt của ta làm cho người tội nhân không có thiện cảm, chính sự xa cách làm cho họ không thể đến gần. Ta và họ cùng sống trong một họ đạo mà như ở hai thế giới khác nhau. vậy, thì chúng ta là những người đã mặc lấy Đức Kitô thì chúng ta hãy nên giống Đức Kitô.

2. Yêu thương tội nhân.

Đức Giêsu đã tự hạ mình như một tội nhân, mặc dầu Người vô tội. Ngài đã chứng thực tình yêu của mình không phải bằng lời nói suông mà bằng chính cả cuộc sống, không hành động hào hoa bên ngoài, mà yêu thương tận đáy lòng. Cho dù chúng ta có thấp hèn yếu kém đến dâu đi nữa thi Thiên Chúa vẫn như người Cha nhân hậu đang chờ đón ta, Ngài biết tất cả rồi, Ngài không bao giờ hối hận về ta, cho dù chúng ta thánh thiện hay tội lỗi, thành công hay thất bại... Do đó ta không nên tự ti mặc cảm là người tội lỗi phải tránh xa, mà hãy biết nhìn nhận mình là người yếu kém để được nâng đỡ. Đặc biệt là biết xin Gioan Baotixita " Chịu phép rửa" tỏ lòng ăn năn thống hối, để cải tà quy chính trở về với tình thương và xin Ngài tha thứ để được ban tặng cuộc sống mới, một cuộc sống đích thực sinh động và biến đổi tâm hồn chúng ta.

3. Đồng hành cùng tội nhân.

Chắc chắn hôm nay có rất nhiều người kéo đến cùng Gioan Tẩy Giả, trong đó có cả Đức Giêsu, Ngài cũng đồng hành với họ, cũng đứng xếp hàng đợi tới phiên mình, chấp nhận phép rửa thống hối, mặc dù Ngài vô tội. Ngài đã đi trên con đường mà tội nhân đã đi; cũng xếp hàng muốn nhập đoàn vào hàng ngũ để cùng chia sẻ và gánh vác những đời tội lỗi bị người đời xa cách. Ta thấy, Gioan Tẩy Giả là vị ngôn sứ được nhiều người kính nể qua lời nói cũng như hành động. Vậy mà trong tư tưởng của ông cũng không chấp nhận một vị Thiên Chúa mà lại đồng hành cùng với tội nhân như thế. Ông muốn kéo Ngài ra "chính tôi phải được Ngài rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi sao"

Có thể một khía cạnh nào đó tư tưởng của Gioan Tẩy Giả cũng tương tựa tư tưởng của "những Pharisêu thời nay": tự cho mình là thánh thiện, đạo đức không chịu đi chung thuyền với người khác là những nhà giảng thuyết tuyệt vời nhưng hành động lại thiếu thiết thực. Vẫn chưa dám đồng hành. Ngược lại cũng có rất nhiều người đi theo Đức Giêsu từ bỏ giàu sang danh vọng, hạ mình giúp đỡ trẻ em đường phố, giúp đỡ người bệnh tật, phong hủi, dạy lớp tình thương, cùng sống cùng ăn cùng sinh hoạt cùng chia sẻ... và cuối cùng bị mang bệnh của người anh em. Ôi một Đức Kitô tuyệt vời!

GƯƠNG KHIÊM HẠ - YÊU THƯƠNG
Mt 3, 13 - 17

Ngày lễ hôm nay vừa khép lại mùa Giáng Sinh, vừa mở ra mùa Thường Niên. Biến cố Chúa Giêsu đến dòng sông Giođan chịu phép rửa của Gioan vừa là sự kiện Con Thiên Chúa hiển linh cho mọi người, vừa là sự kiện khai mở cho cuộc rao giảng công khai của Chúa Giêsu. Qua biến cố nầy, ta học được bài học khiêm hạ và yêu thương mà Chúa Giêsu đã nêu gương cho ta.

Gioan, người dọn đường cho sự xuất hiện của Con Thiên Chúa, kêu gọi mọi người hãy ăn năn sám hối. Việc làm để tỏ lòng ăn năn là đến dòng sông Giođan để chịu phép rửa. Người người lũ lượt kéo đến với Gioan... Nhưng hôm nay, sự xuất hiện của một nhân vật đã gây ngỡ ngàng, bối rối cho Gioan. Nhân vật ấy chính là Chúa Giêsu. Đấng không vướng mắc một tội nào lại đến xin ông làm phép rửa! Đấng có quyền tha tội lại đứng vào hàng tội nhân! Gioan quá ngỡ ngàng không biết phải xử sự thế nào. Nhưng Chúa Giêsu đã giúp Gioan giải quyết vấn đề: "Bây giờ cứ làm thế đã, vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính" (Mt 3,15).

Việc làm của Chúa Giêsu trước tiên đã nêu ra bài học về đức khiêm nhường. Thói thường không ai thích hạ mình xuống cả, chỉ muốn vươn lên hơn người, có khi vươn lên thái quá thành kiêu căng trước mặt người đời. Có một thời người ta dùng cụm từ "câu lạc bộ những người thích nổ" để nói về những người tự tâng bốc mình lên vượt hơn cái mình có được. Chính kiêu căng đã làm cho Ađam - Eva và cả nhân loại phải khổ. Chúa Giêsu đã sửa lại thái độ kiêu căng nầy, Ngài "vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, mà đã mặc lấy thân nô lệ" (Pl 2,6-7). Ngài hạ mình xuống để nâng loài người sa ngã lên. Chính thái độ khiêm hạ đứng vào hàng tội nhân của Chúa Giêsu là động lực để ta nhìn lại mình, nhận ra mình là người tội lỗi cần đến ơn tha thứ của Chúa. Từ đó, ta mau mắn chạy đến tắm mình trong dòng sông ân sủng là phép giải tội, để luôn được đứng vào hàng con cái Chúa, có Chúa Giêsu dẫn đầu.

Trong đời sống thường ngày, khiêm hạ chính là nhìn nhận giá trị thật của chính mình: có những ưu điểm cần phát huy, nhưng cũng có những khuyết điểm cần sửa chữa. Tiếc rằng ngày nay người ta lại "tốt khoe, xấu che" , luôn tìm cách che đậy những khiếm khuyết và bằng mọi cách làm cho mình nổi trội với những ưu điểm, thậm chí là những ưu điểm giả tạo. Nhận ra giá trị thực của mình mới có thể giúp mình tiến bộ hơn.

Động lực thúc đẩy Chúa Giêsu có thái độ khiêm hạ chính là tình yêu của Ngài đối với nhân loại tội lỗi đang lầm than cơ khổ. Người đời có câu: "Yêu nhau trái ấu cũng tròn, ghét nhau trái bồ hòn cũng méo". Khi yêu, mọi khiếm khuyết, lỗi lầm của nhau sẽ được tha thứ, xoá bỏ. Ta hãy tập có cái nhìn yêu thương đối với mọi người mọi vật thì ta sẽ thấy thế giới nầy đáng yêu làm sao! Chiến tranh, chém giết, đau khổ đều xuất phát từ lòng thù hận, ghen ghét. Yêu thương sẽ giúp ta thấy mình không còn tranh đấu, không còn nhu cầu trổi vượt mà là sống khiêm nhu, hoà đồng với người, với vật.

Tham dự thánh lễ hôm nay, chúng ta hãy chiêm ngắm nhiều về lòng khiêm hạ và yêu thương của Chúa Giêsu. Để khi trở về với đời sống thường nhật, ta sống yêu thương hơn, khiêm hạ hơn. Sống trong nền văn minh sự chết, ta được mời gọi góp phần xây dựng nền văn minh tình thương. Đời thay đổi khi ta thay đổi. Hãy sống sao để khi ra trước toà Chúa, ta nhận được lời nói thân thương của Ngài: "Con là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về con" .

4602    07-01-2011 16:12:01