Sidebar

Chúa Nhật

05.05.2024

Suy Niệm Tuần III Phục Sinh 2012

THỨ HAI TUẦN III PHỤC SINH
Thánh Giorgiô, tử đạo, Thánh Ađalbertô, tử đạo

Ga 6, 22 - 29

1. Ghi nhớ: "Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh". (Ga 6, 27)

2. Suy niệm: Qua phép lạ hoá bánh ra nhiều cho nhiều người ăn, Chúa Giêsu không những nuôi con người ta về mặt thể xác mà Người còn muốn cho con người hướng về một thực tại cao hơn, cao hơn là giá trị vật chất mà hiện nay họ đang được hưởng đó là Chúa Giêsu sẽ nuôi sống họ bằng một lương thực thường tồn. Nhưng cái con người cảm thấy mình cần thì ngắn ngủi, hạn hẹp, họ chỉ thấy cái trước mắt đó là được no nê mà không nhìn xa hơn là Chúa Giêsu nhờ quyền phép của mình mà làm cho họ được no nê, họ chỉ mong được cơm bánh vật chất, vì thế họ chạy đến cùng Người.

Qua bánh vật chất nuôi sống thể xác, Chúa Giêsu mời gọi con người thưởng thức bánh nuôi sống linh hồn đó là tin vào tin vào Người. Tin vào Người để kết hợp với Người, tin vào Người để cùng đi với Người trên con đường vâng phục Chúa Cha và tin vào Người để được sống cùng Người.

3. Sống Lời Chúa: Ai tin vào Ta thì được sống đời đời.

4. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trở nên bánh trường sinh nuôi sống chúng con, xin cho chúng con biết năng đón nhận Mình Máu Thánh Chúa hầu chúng con được sống cùng Chúa trong bình an.

THỨ BA TUẦN III PHỤC SINH
Thánh Fiđêlê Sigmaringen, linh mục, tử đạo

Ga 6, 30 - 35

1. Ghi nhớ: "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói, và ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ". (Ga 6, 35).

2. Suy niệm: Sống trên trần gian, con người đi tìm cho mình sự hạnh phúc. Nhưng trải qua nhiều sóng gió của cuộc đời nhiều người cảm nhận rằng: đời là một cuộc chiến đấu kéo dài với nhiều đau khổ và không bao giờ con người thấy thoả mãn nên mãi đi tìm. Dân chúng đi theo Đức Giêsu cũng thế, họ vừa được ăn bánh no nê đến độ còn dư lại 12 thúng đầy, thế mà hôm nay họ lại chạy theo Chúa Giêsu để cầu mong được no nê cơm bánh.

Khát vọng của con người là khát vọng vô biên nên những giá trị giới hạn không thể làm thoả mãn được con người nên con người mãi làm hoài cho mình được hạnh phúc mà chẳng gặp. Tiền tài, danh vọng... chỉ là nhất thời nên con người không thể hạnh phúc với những thứ ấy. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể đáp ứng lại khao khát thâm sâu của con người. Qua phép lạ hoá bánh ra nhiều, Chúa Giêsu báo trước tấm bánh trường sinh là chính Người, Người sẽ là tấm bánh bẻ ra cho muôn người nên ai tin vào Người, đón nhận sự sống của Người thì được sự sống trường sinh. Chỉ có Chúa là Đấng vô biên mới có thể lấp đầy khát vọng vô biên của con người.

3. Sống Lời Chúa: Đón nhận sự sống Thiên Chúa qua Bí tích Thánh Thể.

4. Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là Đấng Hằng Sống, xin cho chúng con biết năng kết hợp với Chúa để chúng con được cùng Chúa hưởng phúc trường sinh.

THỨ TƯ TUẦN III PHỤC SINH
Thánh Marcô, Tác giả Sách Tin Mừng

Mc 16,15-20

1. Ghi nhớ: "Còn các tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng" (Mc 16, 20).

2. Suy niệm: Đặc tính của người môn đệ Chúa Kitô là được kêu gọi và sai đi. Vì thế người môn đệ không phải ra đi rao giảng theo ý mình nhưng là theo Ý Chúa và làm công việc của Chúa. Qua việc Chúa Giêsu sai các tông đồ đi rao giảng ta nhận thấy được tình thương của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người và sự đồng hành của Chúa trên con đường rao giảng của các tông đồ.

Thánh Marcô đã nghe lời Chúa, sống lời Chúa và ghi lại đức tin của mình vào Đức Kitô như một cách thế truyền giáo với khả năng của mình. Qua Marcô, Chúa đã dùng phương tiện là chính con người ông mà mạc khải mầu nhiệm về Thiên Chúa. Cũng vậy mọi người Kitô hữu là những dụng cụ tốt trong bàn tay Thiên Chúa để loan báo tin mừng nếu mọi người để cho Chúa "toàn quyền" trên cuộc đời mình.

3. Sống Lời Chúa: Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa.

4. Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa muốn mọi loài được cứu chuộc. Thánh Marcô dùng khả năng biên soạn Tin Mừng để rao giảng. Xin cho chúng con biết dùng khả năng của mình, mà loan báo ơn cứu chuộc của Chúa.

THỨ NĂM TUẦN III PHỤC SINH
Ga 6, 44 - 51

1. Ghi nhớ: "Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời". (Ga 6, 51)

2. Suy niệm: Nhìn vào trong cộng đoàn các tông đồ, chúng ta thấy đó là tập hợp của những con người khác nhau, của những con người không có gì nổi bật trong xã hội Do thái... Vậy mà họ được kêu gọi để trở nên những người xây dựng Giáo hội mà Chúa sẽ thiết lập qua cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu. Vì vậy, để có thể trở nên người môn đệ của Chúa, người tin vào Chúa thì không phải duy chỉ có sức của mình mà là ơn ban, ơn kêu gọi của Thiên Chúa.

Trong đám đông những người nghe lời Chúa Giêsu rao giảng, có lẽ họ sẽ có những thái độ khác nhau, có người nghe lời Chúa thì phê bình, chỉ trích, có người nghe rồi lơ đễnh bỏ qua... Thật vậy, nghe lời Chúa không phải là một chuyện dễ dàng như tiếp nhận một số kiến thức mà là đón nhận chính Chúa. Nghe lời Chúa là bỏ đi con người cũ với những hình ảnh cũ mình tạo ra cho Thiên Chúa, nghe lời Chúa là bỏ đi con người hạn hẹp để đón nhận Thiên Chúa vào trong cuộc đời mình, nghe lời Chúa là chết đi cho con người yếu hèn để Chúa sống lại trong con người chúng ta.

3. Sống Lời Chúa: Phát triển đức tin bằng việc sống bác ái.

4. Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con thật diễm phúc được Chúa mời gọi trở nên con cái Chúa. Xin Chúa cho chúng con biết tận tình đáp trả lại tình yêu nầy hầu trở nên xứng đáng với tình Chúa yêu thương chúng con.

THỨ SÁU TUẦN III PHỤC SINH
Ga 6, 52-59

1. Ghi nhớ: "Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy" (Ga 6,56)

2. Suy niệm: Ở lại là hành động diễn tả một khát khao muốn sống gần nhau. Chúa Giêsu muốn sống gần với con người nên Ngài đã âm thầm ở lại trong Bí tích Thánh thể. Sự sống của thể xác cần được nuôi sống thế nào thì sự sống thiêng liêng cũng cần được bồi bổ nhờ chính Thịt Máu Chúa. Thân xác lớn dần theo tháng năm, sự sống thần linh cũng phải lớn dần trong ân sủng. Thịt máu Chúa Giêsu không phải là thứ thức ăn mang tính bùa phép nhưng chứa đầy sự sống và tình yêu. Chính Ngài đã đi qua cái chết, đã sống lại để ban cho con người sự sống mới. Do đó, ai kết hợp với Ngài cũng sẽ thông phần sự sống phục sinh của Ngài.

Được Chúa ở cùng là một hạnh phúc lớn lao. Bí tích thánh thể còn là dấu chỉ của hiệp nhất và yêu thương. Ơû lại với Chúa, ở lại với nhau dấu hiều của tình yêu thương thật sự. Bí Tích Thánh Thể là lời gọi mời cụ thể nhất để những ai đến với Chúa phải mặc lấy tâm hồn trong sạch, và những người đồng bàn với nhau phải loại bỏ ngăn cách hận thù. Ai sống trong yêu thương là đang sống trong sự sống thật mà Chúa Giêsu chuộc lấy bằng cái chết của Ngài.

3. Sống lời Chúa: Luôn chuẩn bị tâm hồn xứng đáng khi nhận Bí Tích Thánh Thể.

4. Cầu nguyện: Lạy Chúa, sự hiện diện của Chúa nơi Bí tích Thánh thể là sáng kiến tuyệt vời trong tình yêu. Xin cho con biết sống thân tình với Chúa, mỗi ngày đến gần Chúa hơn qua bí tích Thánh thể mà chúng con lãnh nhận.

THỨ BẢY TUẦN III PHỤC SINH
Thánh Phêrô Chanel, linh mục, tử đạo. Thánh Luy Grignion Monfort, linh mục.

Ga 6,60-69

1. Ghi nhớ: "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời" (Ga 6,68)

2. Suy niệm: Người môn đệ đã theo Chúa Giêsu nhưng vẫn còn ấp ủ những toan tính cho riêng mình. Khi thấy Thầy mình sắp phải đối diện với thánh giá khổ đau thì một số đã ra đi không lời từ biệt. Trong gian khó người ta mới hiểu rõ lòng người và bộ mặt thật của họ. Nếu sự nghiệp Chúa Giêsu cứ mãi đi lên, vinh quang cứ luôn tỏ rạng chắc chắn người theo Chúa mỗi ngày một đông. Nhưng rồi khi thấy có bóng dáng thập giá xuất hiện mọi sự dường như đã khác. Chính trong hoàn cảnh này người ta mới thấy được lòng trung thành của Phêrô.

Với Phêrô mọi sự thật đơn giản, chẳng có ai được coi là xứng đáng để ông đi theo ngoài Thầy Giêsu. Chỉ có thầy mới có lời ban sự sống. Vỗ tay reo trong lúc huy hoàng là chuyện nhỏ nhưng dám trung thành trong những lúc khó khăn mới là điều đáng tuyên dương. Có nhiều điều Phêrô không hiểu nhưng ông vẫn dám dấn thân, có nhiều thứ khiến ông cũng bối rối nhưng ông vẫn tin tưởng nơi Thầy. Theo Chúa không phải là đi theo một triết lý hay một một lý thuyết buộc ta phải trung thành. Nhưng là sự đáp trả cá nhân đối với Chúa Giêsu thể hiện qua lòng trung thành, nhất quyết theo Thầy dù gặp nhiều gian khó.

3. Sống Lời Chúa: Trung thành với Chúa trong đời sống hằng ngày.

4. Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là Đấng con hằng cậy trông, xin cho chúng con mỗi ngày luôn xác tín niềm tin của mình vào Chúa để con được sống bình an trong tình yêu Chúa.

1014    23-04-2012 09:36:22