Sidebar

Thứ Hai
29.04.2024

Suy Niệm Tuần III TN

Thứ Hai Tuần III Thường Niên Mc 3:22-30

1.Ghi nhớ: "Ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời" (Mc3,29)

2. Suy niệm: Thiên Chúa là Đấng nhân từ luôn tha thứ. Thế mà cũng có tội Chúa chẳng tha đó là tội phạm đến Chúa Thánh Thần. Đây là tội gì mà nặng vậy? Theo bối cảnh của bài Tin Mừng thì đây là tội cố tình che lấp quyền năng của Thiên Chúa bằng thế lực sự dữ. Hay nói khác đi là họ cố tình chối bỏ sự quyền năng và sự tha thứ của Thiên Chúa. Khi dựng nên con người Thiên Chúa đã ban cho con người được giống hình ảnh Thiên Chúa, có tự do... Do đó con người có quyền đón nhận hay không đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa. Vì thế, cho dù Thiên Chúa muốn cứu độ hết mọi người nhưng vẫn có những người vẫn không đón nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa vì họ chối từ. Thiên Chúa như đã trở nên yếu nhược trước sự tự do của con người. Cho nên được đón nhận hay không được đón nhận, được tha thứ hay không được tha thứ là nơi tự do của mỗi người

3. Sống Lời Chúa : Trở nên mềm mại theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

4. Cầu nguyện : Lạy Chúa là Cha vô cùng nhân ái, chúng con là những tội nhân đã được lòng khoan nhân của Cha tha thứ. Xin cho chúng con biết đón nhận ơn tha thứ của Cha với lòng tạ ơn chân thành. Amen.

Thứ Ba Thánh Phaolô trở lại Mc 16, 15-18

Thánh Phaolô là một vị Tông đồ trụ cột của Hội thánh, ngài đã thành lập rất nhiều giáo đoàn thời giáo hội sơ khai và viết nhiều thư có giá trị về thần học tín lý và luân lý. Thế nhưng, khi tìm hiểu về tiểu sử ngài, chúng ta thấy Ngài là một người từng bách hại Kitô Giáo khi Ngài chưa hiểu chương trình của Thiên Chúa đối với dân tộc Do Thái và thế giới. Sau khi hiện ra với Ngài, Thiên Chúa đã dùng ngài làm khí cụ đắc lực cho việc truyền bá Tin Mừng, đặc biệt cho dân ngoại. Thánh Phaolô có đủ điều kiện nên người có danh vọng. Ngài là một Rabbi Do thái, có đặc quyền của công dân Rôma nên dễ dàng được mọi người kính trọng. Nhưng từ khi được Chúa Giêsu kêu gọi thì ngài đã sử dụng tất cả khả năng và lòng nhiệt thành để làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô. Ngài nói với những ngừơi Do thái: tôi đã mấy lần vào tù, 30 ngày lênh đênh trên biển... so với những Tông đồ khác, tôi nhiệt thành không kém. Sau khi trở lại Kitô giáo, ngài đã dành trọn cuộc sống của mình cho Chúa Kitô : tôi sống nhưng không phải là tôi sống nhưng là chính Chúa Giêsu sống trong tôi. Ngài trở thành Tông đồ đồng hình dạng với Đức Giêsu Kitô, trở nên của lễ toàn thiêu dâng lên Thiên Chúa, đổ máu đào làm chứng cho Đức Kitô giữa thành Rôma. Cuộc đời thánh Phaolô là mẫu gương cho chúng ta noi theo. Mỗi người chúng ta đã lãnh nhận sứ mạng tông đồ, đã học biết giáo lý Chúa và tự hứa sống chứng tá cho tình thương của Thiên Chúa đối với loài người. Chúng con có nhiệm vụ rao giảng lời Chúa cho cho bạn bè và và những người chúng con gặp gỡ, minh chứng về phẩm giá làm con Chúa của mình. Thế nhưng, trong một thời gian dài vừa qua, chúng con tuy không như thánh Phaolô bắt đạo, nhưng chúng con còn lơ là với nhiệm vụ làm chứng cho Chúa giữa đời, chưa sống đạo nhiệt thành. Điều này chúng con biết rõ là Chúa không thích vì Chúa đã nói: các ngươi nóng thì ra nóng, lạnh ra lạnh, không thì ta mửa ra. Lạy Chúa, Chúa biết chúng yếu đuối, hay sống rập khuôn theo lối sống của những người xung quanh, chưa bíết giá trị thật của mình với những khả năng và hạn chế nhất định ... xin Chúa cho chúng con biết vượt lên mặc cảm tự ti và tự tôn để khẳng định giá trị cao quý của mình là con Chúa trong thân phận con người mỏng dòn chóng qua của chính mình. Chúng con cần học tập nơi thánh Phaolô về lòng hăng say, nhiệt thành trong công việc truyền giáo. Ngài đã hết lòng với lý tưởng vì Nước Trời, không chút tính toán. Ngài phục vụ Giáo hội Chúa với lòng trung thành tuyệt đối. Ngài hiểu được rằng chỉ nơi đức Kitô mới có ơn cứu độ, mới là tất cả cho ngài. Dù gian lao,mệt nhọc, thiếu thốn, bắt bớ... thánh Phaolô vẫn luôn chu toàn bổn phận mà ngài thấy có trách nhiệm. Ngài đã viết nhiều thư để dạy dỗ,khích lệ, các giáo đòan sống đạo và giữ vững niềm tin trong mọi cơn gian nan thử thách. Qua những bức thư này, chúng ta hiểu rõ về giáo lý, về thần tính và giá trị của việc cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô hơn. Chính thánh Phaolô đã thấm nhuần những lời dạy của Đức kitô trong tâm trí và diễn tả mầu nhiệm "thân mình Chúa Kitô" trong chính cuộc sống và lời dạy của ngài. Đối với thánh Phaolô, Hội Thánh gồm những người đã tái sinh trong Chúa Thánh Thần không phân biệt trước đó là dân Israel hay dân ngoại. Hơn nữa,ngài còn cho chúng ta thấy rõ công việc cứu chuộc được liên kết trong mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi: việc cứu chuộc bởi Chúa Con, do sáng kiến của Chúa Cha, nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Mọi người chúng ta đều được Chúa Ba Ngôi yêu thương và kêu mờI đến với suối nguồn tình thương, đến để lãnh sự sống tròn đầy của Đấng Tạo Hoá là Chủ muôn loài. Lạy thánh Phaolô, mẫu gương của lòng nhiệt thành, yêu mến Chúa và hết lòng vì phần rỗi tha nhân, xin cầu cùng Chúa cho chúng con biết kính sợ Chúa và nhiệt thành phục vụ tha nhân. Xin cho chúng con biết cho đi, hy sinh vì người khác để Thiên Chúa, Đấng giàu có vô cùng sẽ trả công bội hậu cho chúng con. Chính Chúa đã biến đổi Phaolô và dẫn ngài đi trong đường lối Chúa và hiến thân loan báo Tin Mừng, xin Chúa cũng biến đổi chúng con nên những tín hữu nhiệt thành, ý thức trách nhiệm của người Kitô hữu và luôn biết cầu nguyện cho mọi người đạt được hạnh phúc thật đời đời trên Thiên quốc.

Thứ Tư Tuần III Thường Niên Mc 4:1-20

1.Ghi nhớ: "Hạt được ba chục, hạt được sáu chục, hạt được một trăm" (Mc4,8)

2. Suy niệm: Có một điều lạ là những hạt lúa trổ bông không đều nhau cho dù cùng rơi trên mảnh đất tốt. Tại sao có hạt ba chục, tại sao có hạt sáu chục...? Tại sao không là một trăm hết? Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn này để cho thấy khả năng của mỗi người đón nhận Lời Chúa có khác nhau. Cho dù họ có cùng một nhiệt tình, có cùng một niềm hăng say.. thì vẫn có những kết quả khác nhau. Qua đó ta thấy được rằng Lời Chúa được đón nhận tuỳ khả năng của mỗi người và với khả năng đó mà con người phải phát huy hết khả năng của mình làm cho hạt giống Lời Chúa sinh sôi nẩy nở. Có thể là không đều nhau nhưng là đã phát huy hết năng lực của mỗi người. Đối với Chúa quan trọng không phải là kết quả nhiều hay ít nhưng là việc sử dụng "nén vàng" Chúa trao như thế nào có hiệu quả nhất.

3. Sống Lời Chúa : Phát huy hết khả năng Chúa trao để làm ích cho gia đình, xã hội, Giáo hội.

4. Cầu nguyện : Lạy Chúa, mỗi người chúng con được Chúa ưu ái trao cho những phần gia sản để sinh lời. Xin cho chúng con biết dùng khả năng của mình mà sinh nhiều hoa quả tốt đẹp như lòng Chúa mong chờ. Amen.

Thứ Năm Tuần III Thường Niên Mc 4:21-25

1. Ghi nhớ : "Hãy để ý tới điều anh em nghe. Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa" (Mc 4,24).

2. Suy niệm : Chân lý về Nước Thiên Chúa đã được Chúa Giêsu rao giảng một cách tỏ tường. Chúng ta chưa hiểu hoặc chưa đón nhận chân lý ấy, ánh sáng ấy, bao lâu chúng ta chưa đem ra thực hành những điều Chúa dạy. Vâng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành là phương thế giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn và đào sâu hiểu biết về Chúa hơn.

Càng cố gắng đọc, học hỏi và sống Lời Chúa, ơn Chúa sẽ giúp chúng ta ngày một mộ mến và sống đúng theo thánh ý Chúa. Lời Chúa và Mình Chúa chính là lương thực không thể thiếu cho đời sống người tín hữu chân thành tìm kiếm Nước Chúa. Tính tự mãn, ganh ghét, oán thù, ngoan cố, cản trở chúng ta đón nhận ánh sáng Lời Chúa Chúa và thông truyền cho anh em.

3. Sống Lời Chúa : Siêng năng đọc Lời Chúa và rước Chúa.

4. Cầu nguyện : Chúa đã chỉ cho chúng con phương thế để đạt sự trọn hảo trong đường nên thánh là Lời Chúa và Mình Thánh Chúa. Xin cho chúng con biết vâng theo thánh ý Chúa. Amen.

Thứ  Sáu Tuần III Thường Niên  Mc 4:26-34

1.Ghi nhớ: "Đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, hạt giống vấn nẩy mầm và mọc lên" (Mc 4,27)

2. Suy niệm: Những lời sống động từ chính miệng Chúa Giêsu phán ra có một sức mạnh tự bản chất. Giống như hạt giống, Lời Chúa vẫn âm ỉ trong lòng người nghe. Sức mạnh của Lời Chúa vẫn hằng tác động trên mỗi con người. Như thế không phải ta tự sức mình mà có thể đón nhận Lời Thiên Chúa nhưng là chính Lời Chúa tác động trên mỗi người chúng ta. Biết được điều này để chúng ta vững tin vào Chúa hơn, cũng như để Lời Chúa hành động trong chúng ta. Nước Thiên Chúa là một thực tại lớn lao cho dù hiện tại chỉ là một tiểu số bé nhỏ. Với sức mạnh của Lời Chúa thì Nước Thiên Chúa sẽ trở thành nơi nương náu cho các dân tộc.

3. Sống Lời Chúa : Siêng năng học hỏi Lời Chúa.

4. Cầu nguyện : Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã cho Con Chúa là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con xuống thế làm người và không ngừng dạy dỗ chúng con. Xin cho chúng con năng nghe Lời của Con Chúa để được ở trong mái nhà của Chúa. Amen.

Thứ Bảy Tuần III Thường Niên Mc 4:35-41

1.Ghi nhớ: " Người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh" (Mc 4,41)

2. Suy niệm: Theo quan niệm của người Do Thái, biển cả được tượng trưng cho thế lực của sự dữ. Biển trong bài Tin Mừng hôm nay lại là biển về đêm làm tăng thêm sự lớn mạnh của sự dữ. Chúa Giêsu đang ở trong thuyền với các môn đệ, khi các môn đệ đang cố công lèo lái con thuyền qua cơn sóng dữ thì Chúa Giêsu lại bình tâm tựa đầu mà ngủ. Việc Chúa Giêsu bình tâm như thế cho ta thấy rõ quyền năng của Chúa Giêsu lớn mạnh hơn nhiều so với sự dữ. Một người hùng mạnh làm sao nao núng trước kẻ thù đang đuối sức. Có Chúa ở với các môn đệ thì họ được an toàn qua cơn sóng dữ. Ta cũng hãy như thế, hãy kêu cầu Chúa trong những cơn thử thách của chúng ta. Tin chắc rằng có Chúa ở với ta thì không có gì có thể chống lại chúng ta.

3. Sống Lời Chúa : Cầu nguyện với Chúa mọi nơi mọi lúc để Người nâng đỡ chúng ta.

4. Cầu nguyện : Lạy Chúa là Đấng quyền năng thượng trí, xin cho con luôn biết bám vào Chúa mà hành động, vì con tin chắc rằng có Chúa ở cùng con thì cuộc đời con sẽ bước đi trong bình an của Chúa. Amen.

3380    09-02-2011 21:17:09