THỨ HAI TUẦN XV THƯỜNG NIÊN
Thánh Bônaventura, Giám mục
Mt 10, 34 - Mt 11, 1
1. Ghi nhớ: "Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo" (Mt 10, 34)
2. Suy niệm: Chúa Giêsu ngày xưa đã tuyên bố, Ngài đến trần gian không phải để đem đến sự bình an mà là đem gươm giáo. Điều đó quả là không sai, bởi vì Ngài đến, Ngài đã thổi vào trong tâm hồn con người, một luồng gió mới, luồng gió của tình yêu thương chân thành. Ngài cũng rỉ vào tai con người, một lời mời gọi dấn thân cho tình yêu thương. Đón nhận luồng gió đó, đáp trả lại lời mời gọi ấy, là con người phải trải qua một cuộc chiến đấu cam go, chiến đấu không những với ngoại cảnh, mà còn chiến đấu cả trong nội tâm nữa.
Cuộc chiến đấu đó không chỉ diễn ra trong một thời gian, hay một giai đoạn nào đó trong cuộc đời của mỗi người, mà nó diễn ra trong suốt cuộc đời của chúng ta. Đó là cuộc chiến đấu giằng giai. Cuộc chiến đấu ấy chỉ chấm dứt, theo như lời của Thánh Augustinô: "Tâm hồn con khắc khoải lo âu cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa".
3. Sống Lời Chúa: Tin tưởng vào Lời Chúa mà chấp nhận sống với những người mình không ưa, không thích và không hợp với mình.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết kiên trì trong cuộc chiến đấu trong cuộc đời của chúng con và nhất là biết tận dụng thứ vũ khí mà Chúa gởi đến cho mỗi người chúng con, đó là Lời Chúa và Thánh Thể. Được như thế, chắc chắn phần thắng sẽ về phía chúng con. Amen
THỨ BA TUẦN XV THƯỜNG NIÊN
Đức Mẹ Núi Carmelo
Mt 11, 20 - 24
1. Ghi nhớ: "Đức Giêsu bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối" (Mt 11, 20)
2. Suy niệm: Từ ngàn xưa, các tiên tri đã từng lên tiếng tố cáo tội ác tại các đô thị. Sôđôma là trường hợp điển hình nhất, đến độ danh từ Sôđôma đã đồng nghĩa với những gì là đồi truỵ, tội lỗi nhất.
Chúa Giêsu cũng tiếp tục truyền thống tiên tri ấy khi Ngài lên tiếng chúc dữ một số thành phố, như Kho-ra-din, Bet-sai-đa, Ca-phac-na-um. Tại đây Chúa Giêsu đã rao giảng và làm nhiều phép lạ, đồng thời kêu gọi lòng sám hối, nhưng đâu đâu, người ta cũng dành cho Ngài sự dửng dưng và chống đối.
Chỉ có tinh thần sám hối mới giúp chúng ta nhận ra Nước Trời. Không phải là người Do Thái thì đương nhiên thuộc về dân Chúa, cũng không phải là người nghèo thì đương nhiên được cứu rỗi. Nếu chúng ta không sám hối và hoán cải tâm hồn để sống theo lời Chúa, thì cho dù có rơi vào cảnh cùng cực đến đâu, có kêu cầu Danh Chúa đến đâu, chúng ta vẫn không đương nhiên được cứu rỗi.
3. Sống Lời Chúa: Thiên Chúa không chờ đợi để trừng phạt, nhưng mời gọi con người sám hối
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết lắng nghe tiếng Chúa và không ngừng hoán cải để được sống trong bình an của Chúa. Amen
THỨ TƯ TUẦN XV THƯỜNG NIÊN
Mt 11, 25 - 27
1. Ghi nhớ: "Vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn" (Mt 11, 25)
2. Suy niệm: Chữ bé mọn đây không phải là dáng người thấp bé hay là trẻ con. Nhưng là người có tấm lòng đơn sơ như trẻ con, một tấm lòng biết mình là nhỏ bé trước Nước Trời bao la, biết mình túng thiếu đơn độc mà bám vào tay Thiên Chúa quan phòng. Chính vì biết mình nhỏ bé, nghèo nàn, đơn sơ mà các trẻ nhỏ biết sống tin tưởng, phó thác hoàn toàn trong vòng tay của cha mẹ.
Chúa Giêsu dạy chúng ta phải có những đặc tính trẻ thơ đó, trong mối tương quan với Thiên Chúa là Cha, để trở nên người bé mọn ngỏ hầu đón nhận mạc khải mầu nhiệm Nước Trời. Chính do lòng đơn sơ, không tự phụ kiêu căng của những người bé mọn sẽ được Thiên Chúa yêu thương, chúc phúc và mạc khải cho biết về Thiên Chúa.
3. Sống Lời Chúa: "Chính Chúa Giêsu đã làm hết tất cả trong tôi, tôi chỉ trở nên bé nhỏ và hèn yếu" (Têrêsa Lixieux)
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết sống suốt đời với tâm hồn khiêm nhường, bé mọn theo Lời Chúa dạy.. Amen
THỨ NĂM TUẦN XV THƯỜNG NIÊN
Mt 11, 28 - 30
1. Ghi nhớ: "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng" (Mt 11, 28)
2. Suy niệm: Đi giữa dòng đời, trên đôi vai chúng ta phải gồng gánh nhiều thứ: gánh nặng của gia đình, gánh nặng của việc học hành, gánh nặng của công ăn việc làm, gánh nặng của những áp lực trong đời sống, gánh nặng của những lo âu khắc khoải trong chuyện tình cảm... có những lúc chúng ta tưởng mình ngã quỵ, có những lúc chúng ta chán nản trong cái vòng xoay đơn điệu từng ngày, có những lúc chúng ta như phải một mình bước đi trong đêm tối mênh mông, có những lúc chúng ta chới với không tìm đâu một chỗ bám tựa...
Chúa Giêsu vẫn ở đó, vẫn chờ đợi, vẫn mời gọi. Luôn có một vòng tay chờ đón chúng ta. Luôn có đó một bờ vai để chúng ta dựa vào những lúc mệt mỏi. Luôn có một khoảng không gian riêng tư để chúng ta được nghỉ ngơi bồi dưỡng.
3. Sống Lời Chúa: Giữa những ồn ào và bon chen của cuộc sống hằng ngày, hãy dành một khoảng riêng cho Chúa.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa, giữa những bộn bề của cuộc sống, giữa những ê chề của thất bại, giữa những vô vị của thành công, xin dẫn chúng con trở về bên Chúa để tâm hồn chúng con được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Amen
THỨ SÁU TUẦN XV THƯỜNG NIÊN
Mt 12, 1 - 8
1. Ghi nhớ: "Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế" (Mt 12, 8)
2. Suy niệm: Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có viết trong một bài hát của ông: "Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng". Thực ra, điều mà cố nhạc sĩ trải nghiệm không có gì mới so với giáo huấn của Chúa Giêsu cách đây hơn 2000 năm. Tấm lòng ở đây đó là tấm lòng của một con người đúng nghĩa là một con người, chứ không phải là "lòng chai dạ đá" hay là "lòng lang dạ thú". Làm người cần có một tấm lòng nhân nghĩa, nhân từ, nhân hậu, nhân ái. Thế nhưng, chúng ta không nhận thấy tấm lòng đó nơi người Pharisêu trong bài Tin Mừng hôm nay, khi họ tìm cách bắt lỗi các môn đệ của Chúa về một việc nhỏ nhặt. Chúa Giêsu đã khéo léo sửa lỗi họ, đồng thời mời gọi họ hãy sống như Chúa là Đấng có lòng nhân ái bao la.
3. Sống Lời Chúa: Hãy tập có một tấm lòng với mọi người bằng cách: không xét nét, không nói xấu, không khép lòng lại trước nhu cầu của anh chị em.
4. Cầu nguyện: Lạy Trái Tim Chúa Giêsu, xin uốn lòng chúng con trở nên bao dung như Trái Tim của Chúa, để con biết cảm thông với những yếu đuối, khuyết điểm của anh chị em con, như Chúa hằng cảm thông với những yếu hèn của con. Amen
THỨ BẢY TUẦN XV THƯỜNG NIÊN
Thánh Apôllinarê, giám mục
Mt 12, 14 - 21
1. Ghi nhớ: "Cây lau bị giập, Người không cần bẻ gẫy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng" (Mt 12, 20)
2. Suy niệm: Cây sậy có thể bị dập đi và khó đứng thẳng lại được. Tim đèn có thể lụi đi và ánh sáng chỉ còn chập chờn. Lời chứng của một người có thể bị lung lay, yếu ớt. Aùnh sáng đời người có thể chỉ là một ngọn đèn leo lét chứ không phải là ngọn lửa bùng cháy.
Nhưng Chúa Giêsu đến không để làm nản lòng người ta mà để khích lệ. Bởi vì Ngài là Đấng giàu lòng thương xót, một lòng thương xót gợi lên cho con người niềm tin tưởng và hy vọng. Vì dù tâm hồn đã đau thương, dập nát, sức sống đã tàn lụi, thì Thiên Chúa vẫn không chê bỏ chối từ, nhưng Ngài vẫn đặt hy vọng nơi con người.
3. Sống Lời Chúa: "Khi mọi thứ đã mất hết thì tương lai vẫn còn"(Ngạn Ngữ): Hãy đặt niềm hy vọng vào chính mình và người khác.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa, dù khi chúng con thành công hay thất bại, dù khi chúng con yếu hèn và bất xứng, xin cho chúng con luôn biết đặt niềm tin tưởng và hy vọng vào Chúa. Amen
982 14-07-2013 21:34:30