THỨ HAI TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Lc 21, 12 -19
1. Ghi nhớ: "Đó là cơ hội để anh em làm chứng cho thầy".
2. Suy niệm: Tâm lý tự nhiên không ai thích chịu khổ. Tuy thế, ở khía cạnh tích cực đau khổ là cơ hội để rèn luyện nhân cách. Trong đau khổ con người sẽ dạn dày, kiên nhẫn và trưởng thành hơn.
Trong đoạn Phúc Âm ngắn này Đức Giêsu liệt kê hàng loạt những chuyện đau khổ. Ngài đã cảnh báo trước cho các môn đệ của Ngài rằng sẽ không thiếu những khó khăn đâu, kể cả chuyện mất mạng. Mà Ngài cũng trấn an là đừng lo vì lúc đó Thánh Thần sẽ ở cùng. Và những đau khổ ở đây còn hơn một cuộc thao luyện nhân cách bình thường. Đó là cơ hội để giống Đức Kitô chịu khổ mà làm chứng cho Thiên Chúa.
Giữa một thế giới tục hoá nặng nề như hiện nay. Giữa sự trở lại của nhiều tôn giáo cổ xưa, cũng như nhiều giáo phái mới ra đời. Giữa một trào lưu về một Thiên Chúa đã chết... Kitô hữu thực sự đang đứng trước một cuộc bách hại vô hình. Dù là không đổ máu nhưng cũng không kém phần khốc liệt. Nếu không vững niềm tin, không khôn ngoan đủ chúng ta dễ dàng chạy theo những giáo thuyết nghe có lý đó và rồi từ lúc nào chúng ta chối bỏ Thiên Chúa. Hoàn cảnh này đòi chúng ta phải dũng cảm và kiên trì hơn trong sứ vụ làm chứng của mình. Thách đố nhưng cũng là một ân ban.
3. Sống Lời Chúa: "Hai ông củng cố tin thần các môn đệ, và khuyên nhủ họ giữ vững đức tin. Hai ông nói: "Chúng ta phải chịu nhiều đau khổ mới vào Nước Thiên Chúa" (Tđcv 14, 22). Đừng ngại sống và chiến đấu cho niềm tin của mình.
4. Cầu nguyện: Lạy chúa, xin ban thêm niềm tin cho con để giữa cuộc đời đầy thử thách này con vẫn giữ được lòng trung thành sắc son. Amen.
THỨ BA TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN
Lc 21, 5-11
1. Ghi nhớ: "Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào".
2. Suy niệm: Đoạn Phúc Âm này Đức Giêsu tiên báo về sự sụp đổ của thành Giêrusalem. Điều này thật đã xảy ra. Đền thờ Giêrusalem xây dựng trong 40 năm, đẹp đẽ nguy nga, chắc chắn, người Do thái tự hào về ngôi đền thờ này. Nhưng nay nó chỉ còn là một phế tích. Người Do thái nhắc về nó như một kỷ niêm buồn mà thôi.
Không có gì tồn tại mãi với thời gian. Kể cả mạng sống được xem là quý báo của con người. Trong thời đại được gọi là văn minh này thì con người cũng không thể chống lại được với tử thần như ngày đêm rình rập nuốt lấy mạng sống. Thánh vịnh 90 đã nói: "Đếm tuổi thọ trong ngoài bảy chục. Mạnh dõi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian nan khốn khó. Cuộc đời thấm thoát chúng con đã khuất rồi" (Tv 90, 10).
Đó là cái hữu hạn của thân phận tạo vật. Đó là đoạn kết ai trong chúng ta cũng phải đi qua. Như thế dù vui buồn sướng khổ thì chúng ta cũng chỉ đến và ra đi một lần trong thế trần này. Biết vậy để chúng ta sống sao cho sau khi xuôi tay mà mắt không nhắm vì còn vấn vương, hối tiếc. Hơn thế nữa là sau khi nhắm mắt chúng ta được Vua Hằng Sống đón vào nhà của Người mà hưởng hạnh phúc muôn đời.
3. Sống Lời Chúa: "Chẳng lẽ lòng kính sợ của anh không làm anh tin tưởng và cuộc sống vẹn toàn chẳng giúp anh hy vọng hay sao?" (G 4,6). Việc chúng ta đến hay ra đi khỏi trần gian không thuộc quyền quyết định của chúng ta. Nhưng những ai đã sẵn sàng thì ngày ấy không là điều đáng sợ.
4. Cầu nguyện:Lạy chúa xin cho con luôn ý thức về cái giới hạn của mình để con biết chuẩn bị cho tương lai ngay lúc này. Amen.
THỨ TƯ TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN
Lc 21, 12 - 19
1. Ghi nhớ: "Người ta sẽ tra tay ngược đãi anh em, nộp cho các hội đường và nhà tù, và điệu đến trước mặt vua Chúa quan quyền vì Thầy. Đó là cơ hội anh em làm chứng cho Thầy". (Lc 21, 12-13)
2. Suy niệm: Cũng như Chúa Kitô phải chịu khổ hình rồi mới được vào trong vinh quang, thì các kitô hữu cũng phải trải qua những thử thách như vậy. Qua những thử thách đó mà người Kitô hữu có dịp tuyên xưng và thể hiện lòng trung thành của mình đối với Chúa. Vì thế mỗi người chúng ta phải can đảm trong mọi hoàn cảnh, nọi biến cố của đời sống đức tin. Còn riêng tôi, ngày hôm nay cái gì là thử thách, cái gì là trở ngại cho tôi trong đời sống đạo, đời sống đức tin? Tôi có vượt qua không?
3. Sống Lời Chúa: Thập giá trong đời sống thường ngày, giúp ta minh chứng tình yêu.
4. Cầu nguyên: Lạy Chúa, xin cho con luôn vững tin vào Chúa và cho con luôn biết kết hợp những đau khổ của con với mầu nhiệm khổ nạn của Chúa. Amen.
THỨ NĂM TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN
Lc 21, 20 - 28
1. Ghi nhớ: "Đó là những ngày báo oán, ngày mà tất cả những gì đã chép trong Thánh Kinh sẽ được ứng nghiệm".
2. Suy niệm: Trong những ngày cuối cùng của năm phụng vụ Giáo hội cho chúng ta nghe lại những bài Tin Mừng của ngày chung cục. Ngày được nói đến như điểm dừng của vạn vật để rồi sẽ được thiết lập một trật tự mới.
Thánh Kinh được Giáo hội nhìn nhận là mạc khải duy nhất và chân thật nhất của Thiên Chúa. Nơi Thánh Kinh không có sự sai lầm về chân lý đức tin và luân lý. Đây chính là nền tảng của mọi giáo huấn và lề luật của Giáo hội. Như thế một khi Thánh Kinh đã ghi nhận thì điều đó không thể không xảy ra. Tin vào Thánh Kinh để chúng ta có một hướng đi nhân bản hơn trong ánh sáng của Thiên Chúa.
Trân trọng Thánh Kinh là đúng nhưng vẫn chưa đủ. Sống điều Thánh Kinh dạy mới là điều quan trọng. Bởi Thánh Kinh không là một quyển sách để nghiên cứu thiên văn địa lý, hay dự đoán vận mạng tương lai nhưng nhằm cho con người nhờ làm theo những điều Thánh Kinh dạy mà linh hồn được cứu thoát. Như thế Thiên Chúa chẳng có lỗi gì khi con người bị "báo oán". Bởi "những gì Thầy đã nghe biết nơi cha Thầy thì Thầy đã cho các con biết" (Ga 15, 15).
3. Sống Lời Chúa: "Trời đất sẽ qua đi nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu"(Lc 21, 33). Tin vào Thánh Kinh là tin vào Lời Chúa. Làm theo Thánh Kinh hướng dẫn là sống đẹp lòng Chúa.
4. Cầu nguyện:Lạy Chúa, xin cho chúng con không chỉ yêu Lời Chúa mà còn cố gắng làm cho Lời ấy thành hiện thực trong cuộc đời mình. Amen.
THỨ SÁU TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN
Lc 21, 29 - 33
1. Ghi nhớ: "Thế hệ này sẽ qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra".
2. Suy niệm: Lại có nhiều lời đồn đại về ngày quang lâm. Người ta lo lắng, hoang mang không biết ngày ấy xảy đến thế nào, bao giờ thì nó đến. Người ta lại đoán già, đoán non nhưng rồi cũng chẳng có điều gì được tỏ tường. Tuy nhiên, nhờ những tư tưởng đó mà người ta đi đến một chân lý là sẽ có ngày tận thế. Điều này thì hoàn toàn đúng cho người Công giáo. Khi chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin kính: "Ngày tận thế Người đến phán xét kẻ dữ người lành".
Như vậy, chúng ta phải ý thức rằng chúng ta không sống trong thời gian vô hạn. Cũng không sống trong một vòng tròn vĩnh cửu như quan niệm về cánh chung của trường phái Khắc Kỷ. Và Kitô giáo cũng không có luân hồi nghiệp báo. Cánh cung của mỗi người là chết, phán xét, thiên đàng, hoả ngục. Niềm tin này đã có trong Cựu Ước và được tái xác định qua mạc khải của Đức Giêsu. Trong ngày chung thẩm đó, chính Đức Giêsu là quan toà và tiêu chuẩn phán xét là thái độ đối với Đức Giêsu.
3. Sống Lời Chúa: "Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét" (Dt 9, 27). Trước khi vũ trụ này qua đi thì chúng ta phải đối mặt với ngày qua đi của chính mình. Bạn đã chuẩn bị gì?
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin Chúa đừng chấp tội chúng con, xin dẫn con vào chính lộ ngàn đời. Amen.
THỨ BẢY TUẦN XXXIV THƯỜNG NIÊN
THÁNH ANRÊ TÔNG ĐỒ
Mt 4, 18 - 22
1. Ghi nhớ: "Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người".
2. Suy niệm: Đoạn phúc âm này trình thuật việc Đức Giêsu gọi bốn môn đệ đầu tiên. Hai anh em Phêrô và Anrê. Hai anh em Giacôbê và Gioan. Cả bốn người nầy đều làm nghề chài lưới, cùng được gọi tại một nơi và một thời điểm. Nhưng điều đáng ghi nhận là thái độ dứt khoát theo Chúa của họ.
Được Thiên Chúa mời gọi là một hạnh phúc lớn lao. Hạnh phúc ấy sẽ trọn vẹn hơn khi ta dám bỏ mọi sự để đi theo tiếng gọi. không nên hiểu đơn giản ơn gọi là chỉ dành cho người tu trì. Mỗi người có ít là hai ơn gọi. Một ơn gọi cơ bản mà ai cũng được quyền có là ơn gọi làm con Chúa. Hai là ơn gọi riêng của từng người theo bậc sống của mình. Người sống trong bậc tu trì, người sống đời hôn nhân. Nhưng dẫu là bậc sống nào thì ta cũng được mời gọi nên thánh. Đó là tiếng gọi đẹp nhất mà người con Chúa phải dành hết tâm trí để đáp trả.
3. Sống Lời Chúa: "Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện" (Mt 5, 48). Trở nên thánh đòi chúng ta phải "bỏ mọi sự". Không chỉ là chài lưới, ghe suồng, ruộng vườn, vợ con... mà quan trọng là bỏ chính mình với những nặng nề của tham, sân, si. Để chúng ta hoàn toàn "nhưng không" trước mặt Chúa, cho trái tim ta chỉ sống và hành động như Đức Kitô đã sống và hành động.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hướng lòng con nghiêng về thánh ý Chúa, xin thánh hoá bản thân con trong chính những hoạt động hằng ngày của con. Amen.
1678 25-11-2013 09:54:37