Sidebar

Thứ Ba
07.05.2024

Tản Mạn - Được Kêu

Thương hiệu - theo định nghĩa của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO): là một dấu hiệu đặc biệt để nhận biết một sản phẩm hàng hoá, hay một dịch vụ nào đó được sản xuất hay được cung cấp bởi một cá nhân hay một tổ chức.

 Đi kèm với thương hiệu (brand) của một sản phẩm hay một dịch vụ nào đó ta thường thấy có các ký hiệu đi kèm; chẳng hạn như:

® là ký hiệu của Registered, có hàm ý thương hiệu của sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ. Ký hiệu Registered ® được đặt cạnh một nhãn hiệu (có thể bao gồm tên, biểu tượng, hình ảnh, màu sắc,...) đã được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.

Ví dụ: nhãn hiệu thể thao NIKE®, thuốc tây FORLAX ®1Og ...

Hoặc TM là ký hiệu của Trademark, nghĩa là nhãn hiệu cầu chứng. TM là ký hiệu để phân biệt sản phẩm hoặc dịch vụ của chính một công ty này với một công ty khác.

Ví dụ: thương hiệu xe TOYOTATM, thời trang GUCCITM, nước ngọt COCA COLATM...

Cũng vậy, để cho dễ hình dung, dễ hiểu. Ơn gọi (hay được kêu) được xem như là một thương hiệu của nhà Đạo, được cung cấp bởi ông Chủ Thượng Trí là Thiên Chúa; trong đó các nhãn hiệu giáo sĩ, tu sĩ là những sản phẩm đã được cầu chứng hay bảo hộ độc quyền bởi ông Chủ Thượng Trí - Thiên Chúa.

Còn theo sách vở, ngôn ngữ nhà Đạo thì Ơn gọi (Vocation) là ơn thiên triệu, là ơn Thiên Chúa kêu gọi tìm về đức Tin, về cuộc sống đời đời. Có hai thứ ơn gọi: ơn gọi chung và ơn gọi riêng.

Ơn gọi linh mục, tu sĩ là ơn gọi riêng. Nói là "riêng"; vì Thiên Chúa kêu gọi từng cá nhân đặc tuyển, không có tính cách bắt buộc, Chúa muốn gọi ai tùy ý Ngài muốn (x. Mc 3,13).

Thiên Chúa có nhiều kiểu Gọi (Kêu) khác nhau: Gọi trực tiếp, hoặc gọi qua trung gian, hoặc gọi trong thâm tâm người được gọi. Ơn gọi của Chúa thường không có vẻ đột ngột, chớp nhoáng mà Chúa thường dùng những hoàn cảnh, dữ kiện, khả năng, và mọi hướng chiều khác nhau để bày tỏ. Khi Ngài gọi ai thì cũng ban ơn cho người đó nhận thức và quyết định; để họ chu toàn Ơn gọi phục vụ Giáo hội hoặc Ơn gọi tận hiến trong bậc sống riêng của mình.

Vì vậy, nếu không có Ơn gọi thì chúng ta không thể nào hiểu được ý định và ý muốn của Thiên Chúa đối với con người. Thế nhưng con người tội lỗi, mãi nghi ngờ Thiên Chúa và đố kỵ với anh em mình, luôn khó lòng chấp nhận ân huệ và lòng đại lượng của Thiên Chúa: Họ ghen tị khi người khác được hưởng những ân huệ và lòng đại lượng này (x. Mt 20,15) và khi họ được hưởng thì họ tự phụ xem đó là một giá trị do mình tạo ra.

Thế mới biết, ơn gọi là một cái gì đó rất tư riêng, rất bí ẩn, rất kỳ diệu, và rất không sao hiểu nổi; chỉ còn biết phó thác nỗi khắc khoải của cá nhân ai được gọi (được kêu) trong việc tạ ơn "những ý định không dò xét được, và những đường lối không thể hiểu được của Thiên Chúa" (x. Rm 9,11-13)

Đúng là không tài nào hiểu được ! Vì Ơn gọi là chuyện rất riêng tư của mỗi người.

 

Ơn gọi như là ván bài đánh đổi. Như trường hợp của một "lão tiền bối" mà khi nghe chuyện tôi khâm phục sát đất: Vào năm 1983, "lão tiền bối" đã đi hết năm năm thần học của Chủng viện Giáo phận, sắp sửa thụ phong linh mục. Bấy giờ Chúa lại gọi "lão" vào một con đường khác: Con đường tu Dòng. Sau nhiều lần suy nghĩ, cân nhắc, cầu nguyện, phó thác đời mình trước Thánh Thể. Cuối cùng "lão" quyết định trình bày cùng Đức Cha Giáo phận, tùy Ngài định đoạt số phận của mình. Sau khi nghe "lão tiền bối" trình bày nỗi lòng của mình. Đức Giám Mục Giáo phận im lặng rồi nói: "Nếu nhà Dòng không nhận, thầy vẫn có thể ở trong Địa phận của tôi. Nhưng thầy sẽ không được chịu chức. Thầy sẽ đi giúp xứ, bao lâu tôi không biết, cho đến khi tôi gọi"...Rồi Đức Cha an ủi thêm: "Thầy không phải lo gì cả, thầy cứ tìm hiểu thánh ý Chúa đi. Ở đâu cũng là phục vụ cho Giáo Hội".

Nghe đến đây tôi hết sức cảm phục "lão tiền bối" đã đấu tranh trong thâm tâm mãnh liệt giữa một bên là ơn gọi, với một bên là gia đình; giữa một bên là thánh giá thánh hiến, với một bên là hạnh phúc quyền bính. Vì "lão" là dân tị nạn bên Âu Châu. Từ Âu Châu qua Mỹ, "lão" mất cái quyền tị nạn, không có thường trú nhân. Do đó, nếu thụ phong linh mục, "lão" sẽ có thường trú nhân ngay, điều này lợi lắm vì "lão" có thể làm giấy bảo lãnh cả gia đình qua Mỹ ("lão" là anh cả của bảy đứa em), điều đó thôi thúc "lão" rất nhiều. Trăn trở ấy cứ bảo "lão" thụ phong linh mục đi đã, sau đó hãy vào Dòng. Cứ giấu Đức Cha việc này, sau hẳn tính... "Lão" bị dằn vặt, vì nếu "lão" tính toán hơn thiệt, thì đời linh mục của "lão" sẽ không trong sáng. Nhưng còn gia đình "lão" thì sao, giữa lúc biết bao người đang qua Mỹ theo diện đoàn tụ dành cho người Việt Nam?

Cuối cùng "lão" quyết định đi gặp và trình bày tất cả với Đức Cha như vừa mới kể. Vì tuyệt đối không thể có tính toán trần thế xen lẫn trong ơn gọi, bởi lẽ ơn gọi này không thuộc về trần thế; làm việc giữa trần thế, nhưng không đến từ trần thế!

Sau khi nghe Đức Cha phán như trên, "lão" có hơi buồn và trăn trở nhưng "lão" thấy mình đi đúng hướng. Khó khăn thì không hết nhưng có bình an trong lòng. "Lão" dần hiểu bình an mà Chúa nói với các môn đệ không như bình an của thế gian. "Lão" cũng mơ hồ cảm thấy một nỗi niềm xót xa xảy ra về vấn đề bảo lãnh gia đình của mình. Rồi đến khi được nhận vào Dòng, Cha Bề Trên lại cho biết phải ít nhất là phải đợi sáu năm nữa, theo chương trình đào tạo của Dòng. Thời gian quá dài làm "lão" ngán ngẩm. Có những ngày dài "lão" rất ái ngại, hơi nản. Rồi thì những ngày dài chờ đợi cũng qua. Ngày "lão tiền bối" bước lên bàn thánh cũng đã đến. Thế nhưng chương trình bảo lãnh đoàn tụ gia đình cũng không còn. Đổi lại "lão" xem đó như là cả gia đình của "lão" được tham dự vào ơn gọi của mình. "Lão" rất sung sướng và quý ơn gọi này, xem như là ván bài đánh đổi để có được hạnh phúc đời mình.

 

Ơn gọi như một lựa chọn để chết. Chuyện của hắn cũng vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX. Đang trau dồi, tôi luyện thuận lợi suông sẻ. Đùng một cái Nhà bị mượn chưa rõ hạn mức thời gian, Anh Em Chú Bác ly tán: kẻ đi an trí, nghỉ dưỡng lâu dài; người hồi quy cố hương; nọ bôn ba ra quê Ngoại... Có người rủ rỉ bảo hắn ở quê Nội không nhìn nhận, dung dưỡng; thì đến quê Ngoại... tiếp tục... sự Gọi việc Kêu cũng vậy.

Nhiều đêm hắn trằn trọc, tự vấn: Tại sao hắn có mặt tại chốn này, mà không phải nơi khác trong thế giới bao la mênh mông này? Tại sao quãng đời ngắn ngủi của hắn lại diễn ra lúc này, hoàn cảnh cảnh này mà không phải lúc khác trong dòng thời gian vĩnh cửu? Tại sao hắn lại là con cháu Lạc Hồng, mà không là cháu chắt của những chủng tộc anh em khác? Từng ngày sống, mỗi ngày đi qua, cũng có lúc tự hỏi không biết mình nên làm điều gì, và điều gì không nên làm. Tình cảnh Quo Vadis[1]  ùa về tràn ngập cả trí lòng hắn, thổn thức, bổi hổi, xao xuyến... Một Phêrô đang trốn chạy để tránh khỏi bị đóng đinh ở Rôma, bỗng gặp thầy Giêsu và thầy đã trả lời rằng: "Eo Romam crucifigi iterum", thay cho câu hỏi "Quo vadis, Domine?" bất thường của mình. Hắn nhận ra ý thầy Giêsu khéo nhắc Phêrô phải can đảm chấp nhận như là, để hoàn trọn sứ vụ của mình. Đi đâu? Về Rôma thôi, Phêrô!

...Nếu cái chết là kết tủa của sự tái sinh, thì khi một người ra đi, cũng là lúc người đó đang trở về. Nhìn sự sống và cái chết từ khía cạnh này cũng giống như khi ta nhìn nước trong một dòng sông, và tự hỏi liệu ta nên nói nó đang trôi đi hay đang chảy đến vậy. Hắn quyết đoán: Ở lại đất Nội. Hắn được thăm hỏi lụy cảnh cặn kẽ tận tình, với sự quan tâm chăm nom chu đáo, tận thưởng cảm nếm khổ khó, trải nghiệm nhọc cực... đủ đầy. Giữa sôi động rền vang sóng nước, sấm nổ ầm ầm, nước lũ mênh mông chực chờ nuốt chửng hắn; hắn vẫn nghe rõ tiếng Chúa trong cơn phong ba bão táp, xô đập trôi dạt khắp nơi... (x. Tv 29). Hắn biết chắc Chúa luôn giữ gìn những ai thành tín. Việc Gọi của hắn từ đó đã trở thành tiếng âm vang... vang vọng, vang mãi trên cung bậc khác. Hắn luôn miệng tạ ơn Chúa; vì công trình của Chúa đã thực hiện trong biến cố đời mình. Trên đất bằng, hắn vẫn vững đôi chân và tự nhủ: Nếu phải có hơn thua; thì hôm nay mình phải hơn mình hôm qua! Và không ngừng "...chúc tụng Đức Chúa đã không bỏ mặc hắn, làm mồi ngon cho thiên hạ nuốt chửng..." (x. Tv. 123); vẫn tự nhắc nhở mình làm tròn phận vụ của một đầy tớ tín-ái cho ông chủ thượng trí Thiên Chúa trên cung bậc khác của cuộc đời. Chẳng nuối quá khứ, không mơ tương lai, vui sống hiện tại. Hắn là thế đó!!


Ơn gọi như sự đùa bỡn của Thiên Chúa. Tôi cũng được biết em một quãng dài. Hoạt bát, nhanh nhẹn, hồn nhiên, liếng thoắng, chuộng cười. Tốt. Siêng. Kỷ luật. Quy tắc. Nhưng hễ tới giờ huấn đức thì... thích "ngái" hơn thích nghe âm tần "moral" đều đều; lắm khi trong phụng vụ Lời Chúa cũng... "say nồng" ngây ngất tình Ngài. Đến hôm nay thì Cha cũng vẫn thích... nhắm mắt như xưa để "chiêm niệm" những khi có thể được... ở mọi lúc, mọi nơi.

Riêng Anh. Cần mẫn, chịu khó, hy sinh, cao thượng. "Đúng hẹn lại lên" thăm nom, chăm sóc, quà cáp, thuốc thang cho Anh Em "an trí", nghỉ dưỡng. Không bao giờ trễ hẹn... Đến ngày cả Nhà đoàn tụ họp mặt, Anh Em sum họp. Thì anh tuyên bố về quê cắm câu, mặc cho nhiệt huyết tiếng Gọi vẫn đang sôi sục, chỉ đơn giản bộc bạch khi có ai hỏi: "...đã xong phận sự" mà ông Chủ Thượng Trí giao phó - đã thi hành xong giềng mối thứ bốn về phần xác của Kinh Thương Người! Ông Chủ chỉ giao việc và bảo làm thế thôi, chỉ giao một nén! Anh vẫn hiền hòa, đơn giản, thánh thiện... như ngày nào, giữa dòng đời cuộn chảy.

Còn Bạn. Cũng ì ạch trên luống cày, đường bừa. Ráng hết hơi, xốc xếch, cố chịu đấm có ngày ăn... xôi, có lúc tưởng quỵ té không đứng lên nổi. Sa đi, ngã lại nhiều lần. Cảm nhận Chúa rất buồn khi lòng mình đuối yếu, khi tội mình quá dày, tâm hồn mình lắm ươn hèn...; nhưng vẫn còn vững tin vào lòng thương xót Chúa và tình Chúa thích đùa để dạy răn, uốn nắn...


Nhìn chung, tiếng Kêu việc Gọi ngày nay ngày càng đang hiếm hoi nơi các quốc gia ở tây Âu, bắc Mỹ; nhưng có chiều hướng nở rộ ở khu vực nam Mỹ, đông Âu, châu Á, châu Phi. Nhưng cho dù bất cứ nơi đâu, thời nào thì tiếng Gọi cũng có đối tượng. Thiết nghĩ đối tượng của tiếng Kêu Gọi hay nói khác đi là Người Được Kêu cần thiết phải đảm nhiệm vai trò và đức tính như sau, thì việc Gọi mới đủ tỏa sáng và triển nở trước trào lưu tục hóa và duy thế tục hiện nay:

Người Được Kêu phải đảm nhiệm vai trò ngôn sứ, vai trò bị chống đối, mà điều này ít có khi nào là một cảm nghiệm dễ chịu. Chính họ chứ không phải ai khác, giúp Giáo hội nhận ra những thiếu sót của mình trong việc phục vụ Dân Thiên Chúa, đây là một nhiệm vụ khó khăn đôi lúc bị xem là nổi loạn; bởi có nhiều công trình sau này được tán tụng không tiếc lời nhưng lại khởi đi trong sự chống đối;

Người Được Kêu phải đảm nhiệm vai trò tiền phong sáng tạo những con đường mới. Phải luôn sẵn sàng thay đổi, di chuyển, dấn thân; thay vì cố giữ tiện nghi và cố xây an toàn cho một đời sống ổn định;

Người Được Kêu luôn luôn tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa trước những biến động cuộc sống, biết lưu tâm tới những nhu cầu con người, đặc biệt là những người nghèo, những người bị áp bức, những người sống bên lề xã hội đang kêu cứu. Đó xem như là giả thiết một thách đố mà Thiên Chúa đề cập bằng một ý thức đầy đủ và một tấm lòng can đảm;

Người Được Kêu có trách nhiệm phải sống ung dung trước những hoàn cảnh bị chối bỏ và xung đột. Bởi vì, Người Được Kêu nhiều lúc bị xem là "cái gai nơi bàn chân" của thời đại, khi họ lưu tâm đến những con người mà Giáo hội hay xã hội bỏ mặc hay khước từ;

Người Được Kêu phải sống khiêm nhu, tươi nở trong tình yêu chứ không phải trong giận dữ và bạo ngược.

Người Được Kêu phải biết sống nghèo, không chỉ liên quan đến của cải vật chất; mà còn phải biết chia sẻ chính bản thân họ, thời giờ, năng lực, những khéo léo và tài năng của mình.

Người Được Kêu không phải chỉ biết Vâng Phục Bề Trên của mình; mà còn phải biết Lắng Nghe Thiên Chúa, Đấng nói với con người qua trung gian quyền bính nội tâm mà ai ai cũng có, song cũng qua đặc sủng, tầm nhìn và những quyết định của tập thể Cộng Đoàn.

CÁT BIỂN

[1] một tác phẩm nói về huyền sử Kitô giáo của văn hào Henryk Sienkiewicz (Ba Lan).

856    20-04-2013 02:48:05