Sidebar

Thứ Ba
23.04.2024

Tản Mạn Việc Học Giáo Lý Hè

Nhìn các em thiếu nhi hăng hái đi học Giáo Lý, tôi thầm cảm tạ Chúa vì tưởng nghĩ đến một ngày mai xán lạn, bởi lẽ giới trẻ là tương lai của gia đình, của Họ Đạo, của Giáo Phận, của Giáo Hội và xã hội. Tuy nhiên, nỗi niềm lo lắng và khắc khoải cũng không ngừng lớn lên trong tôi. Nỗi niềm ấy như ngọn lửa rạo rực và thiêu đốt một cõi lòng yếu mềm nơi tôi.

Tôi sợ, bởi cái lo của một số bậc cha làm mẹ đã không nhận định đúng giá trị cuộc sống, cho nên xem thường việc giáo dục đức tin cho con em mình.

Tôi lo, bởi nỗi sợ của một số bậc làm cha mẹ chỉ sợ rằng con em mình học chữ nghĩa không bằng chúng bạn, cho nên sẵn sàng cho con em nghỉ học Giáo Lý để đi học thêm.

Tôi bàng hoàng, bởi sự bình thản của một số bậc làm cha mẹ khi bỏ qua mà không răn dạy con em khi chúng bỏ lễ, bỏ việc đạo đức là những dịp chúng có thể đến gần Chúa.

Tôi buồn, bởi niềm vui của một số bậc làm cha làm mẹ về kết quả học giỏi của con em mình nơi học đường, nhưng lại cho rằng chúng còn khờ nên không cho đi học Giáo Lý, dẫu biết rằng chúng đã đến tuổi.

Ai trong chúng ta lại không biết rằng: "Con cái là triều thiên của cha mẹ" như lời Thánh Kinh đã nói trong sách Châm Ngôn và Huấn Ca:

"Triều thiên của người già là đàn con cháu, vinh dự của con cái là chính người cha." (Cn 17,6)

và "Đức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái, cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con." (Hc 3,2)

Hơn nữa, con ngoan thì cha mẹ được nở mặt nở mày, con dại thì nỗi ô nhục trước hết cha mẹ là người gánh chịu:

"Con khôn làm cha vui sướng, con dại làm mẹ buồn phiền." (Cn 10,1).

Làm cha mẹ, ai cũng nỗ lực để con cái mình thành đạt. Dẫu cho có phải truân chuyên với ngàn nỗi khó khăn, có chịu đắng cay gian khổ, cha mẹ vẫn luôn sẵn sàng "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" để lũ cháu đàn con được hạnh phúc.

Chăm lo cho con cái thành công trên con đường học vấn cũng là mong cho con có được hạnh phúc. Tất nhiên, điều đó là đáng quý. Thế nhưng, con người đâu chỉ có cuộc sống ở đời tạm chóng qua này. Là người Kitô hữu, ta tin còn có sự sống vĩnh cửu đời sau. Ấy thế mà phần lớn trong chúng ta lại lo cái đời tạm này hơn cái vĩnh hằng, lo cái chóng qua hơn cái đời đời.

Chính từ lối suy nghĩ thực dụng ấy mới có chuyện: coi việc học trường đời hơn trường đạo, học chữ nghĩa hơn học Giáo Lý, tiếp xúc với văn minh thế tục hơn là đến với Chúa.

Chúng ta quên rằng con người chỉ phát triển toàn diện khi cố gắng học hành để mở mang trí tuệ đồng thời chăm lo để trao dồi đời sống tâm linh. Hai lãnh vực này giống như đôi chân của một con người. Chúng hỗ trợ nhau và làm cho đời sống con người được triển nở và phong phú hơn.

Louis Pasteur như là một thí dụ điển hình. Ông là nhà khoa học nổi tiếng người Pháp, là người đi tiên phong trong lĩnh vực vi sinh vật học. Dù bận rộn với công việc nghiên cứu khoa học, nhưng ông vẫn là người biết chăm lo cho đời sống tâm linh của mình. Ông có lòng yêu mến Đức Mẹ cách đặc biệt và siêng năng lần chuỗi Mân Côi. Công trình khoa học của ông làm cho ông trở nên nổi tiếng, nhưng đời sống đạo của ông làm cho mọi người mến yêu và nể phục.

Đã có bao giờ chúng ta tự hỏi: con cái chúng ta học giỏi nhưng nếu không được giáo dục đức tin để sống đạo, liệu chúng có trở thành người Kitô hữu tốt không ?

Tôi nghĩ là không. Tục ngữ có câu: "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng", mà Thiên Chúa là ánh sáng đem lại sự sống đời đời, vậy những ai không đến với nguồn sáng ấy thì chắc chắn sẽ ở trong đêm tối của tội lỗi. Như vậy, một khi con cái sống xa Thiên Chúa chúng có thể trở thành những đứa con ngoan hiền và hiếu thảo hay không !

Nếu con cái không hiếu thảo, không đạo đức và thánh thiện thì dẫu cho chúng giàu có và thành đạt trên con đường công danh, bậc làm cha mẹ có vui mừng hay không!

Đã có nhiều người than vắn thở dài rằng:

"Tôi còng lưng nuôi cho con ăn học, nay chúng thành đạt chúng lại hất hủi và bỏ rơi cha mẹ trong tuổi già cô quạnh. Chúng chạy theo tiền tài mà bỏ cả Chúa và Mẹ. Thật bất hạnh cho tôi."

Ai đã từng nghe những lời than thở ấy, hay ai đã trải qua nỗi khổ đau xé lòng nơi con cái như thế lại không ngậm ngùi xót xa. Còn những người cha người mẹ mà vô phúc gặp cảnh con cái như thế lại hối tiếc, vì đã thiếu trách nhiệm hay nhận định sai lầm về việc giáo dục con cái khi chúng còn thơ ấu.

Vậy để khỏi hối hận cách muộn màng và khỏi đau khổ vì con, bạn "Có con cái ư. Hãy giáo dục và uốn nắn chúng ngay từ thuở còn thơ" (Hc 7,23); bởi vì "Ai biết giáo dục con sẽ được thoả lòng về con, và được hãnh diện với những người quen biết" (Hc 30,2).

Hãy để con cái bạn đến với Chúa qua các giờ Giáo Lý, qua việc tham dự Thánh Lễ và qua các sinh hoạt hội đoàn của họ đạo. Nhờ đó, chúng được tiếp xúc và gần gũi với Chúa. Thiên Chúa là Cha nhân từ và luôn yêu thương con cái, Ngài sẽ nâng đỡ và trợ giúp con cái bạn, Ngài sẽ chúc lành cho những ai năng đến với Ngài. Và niềm vui của bạn sẽ không ai lấy đi được, bởi niềm vui ấy xuất phát từ chính Thiên Chúa, Đấng là nguồn bình an và hạnh phúc của tất cả những ai đến với Ngài.

Lm Pr Phạm Bá Trung

1473    23-06-2012 06:41:41