Sidebar

Thứ Sáu
03.05.2024

Thư Mục Vụ Tháng 04 Năm 2012

TOÀ GIÁM MỤC VĨNH LONG
103 đường 3/2Vĩnh Long

Ngày 23.3.2012


Kính gởi:  Các Linh Mục,
                 Các Tu Sĩ Nam Nữ,   
                Anh Chị Em Giáo Dân Địa Phận Vĩnh Long

V/v Hội Thánh  là Gia Đình của Thiên Chúa

1. Trong Sách Lễ Rôma,  chúng ta tuyên xưng Hội Thánh là Gia Đình của Thiên Chúa:

Lạy Chúa, chúng con nài xin Chúa hằng xót thương chăm sóc gia đình của Chúa, Vì chúng con chỉ cậy trông vào ơn bởi trời, xin Chúa luôn giữ gìn chúng con.  (Chúa Nhật V Thường Niên, lời nguyện đầu lễ).

Cũng trong Sách Lễ Rôma, chúng ta đọc :

Lạy Chúa, xin ban cho Gia Đình của Chúa  ngày càng hăng say làm các việc thiện, xin  cho chúng con khi sống ở đời nầy, được đầy đủ những ơn cần thiết, nhờ đó  chúng con đạt tới  phúc lộc đời sau (Thứ Tư tuần II Mùa Chay).

Thư chung hậu Đại Hội Dân Chúa xác quyết rằng "Hình ảnh Giáo Hội - Gia Đình gần gũi với tâm thức, kinh nghiệm và suy nghĩ của tín hữu Việt Nam" (số 10).

Thế nhưng chúng ta có thể nhận thấy ảnh hưởng của xã hội thực dụng hôm nay đang làm lung lạc gia đình, phá đổ nền tảng vững bền của tổ chức nầy, khi dung túng cho việc nam nữ chung sống ngoài hôn nhân, hôn nhân đồng tính, ly hôn ly dị . Và tất nhiên  không tôn trọng cũng như không thấy trách nhiệm đối với sự sống của con cái.

2. Chân Phước Gioan Phaolô II đã gọi Hội Thánh là Cộng Đoàn Hiệp Thông bắt nguồn từ Gia Đình Thiên Chúa Ba Ngôi, tham dự vào sự hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi, xây dựng theo hình ảnh Gia Đình Thiên Chúa Ba Ngôi:

"Khi sống tại thế, Chúa Giêsu đã gọi những ai Người muốn, để giữ họ lại bên Người và để chuẩn bị họ theo gương Người sống cho Chúa Cha và cho sứ mệnh mà Người đã lãnh nhận (x. Mc 3,12-15). Vậy nên Người đã khai sinh một gia đình mới tập hợp qua mọi thời đại những ai sẵn sàng 'thi hành ý muốn của Thiên Chúa' (x. Mc 3,32-35). Sau khi về trời, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, Người đã thiết lập chung quanh các Tông đồ một cộng đoàn huynh đệ, được tập hợp trong lời ca tụng Thiên Chúa và trong một kinh nghiệm hiệp thông cụ thể"  (x. Cv 2,42-47; 4,32-35) (x. Tông huấn  Vita consecrata, 41).

Dựa trên Kinh Thánh,  Công Đồng Vaticanô II gọi các tín hữu là con cái Thiên Chúa, và họp thành một gia đình trong Chúa Kitô (x. Do Thái 3,6 ;  LG 6 , 28, 51).

Thiên Chúa đã dựng nên con người không phải để sống riêng rẽ, nhưng để tạo nên sự liên kết xã hội: Theo hình ảnh Chúa, Ngài đã dựng nên con người là nam là  nữ  (x. St 1,27). Cũng thế, Thiên Chúa không muốn thánh hoá và cứu rỗi nhân loại cách riêng rẽ, nhưng Ngài muốn qui tụ họ thành một đoàn dân, để họ nhận biết  chính Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện ( LG 9; GS 32).

3. Mầu Nhiệm Hiệp Thông là mục đích của công trình tạo dựng và kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa, là điều căn bản (x. Gioan Phaolô II, Đời Thánh Hiến, số 41). Hiệp Thông với Thiên Chúa trong tình con thảo với Cha, và hiệp thông với nhau như anh chị em một nhà.

Chúa Giêsu là Nguyên Lý của sự Hiệp Thông: "Là trưởng tử của một đoàn anh em đông đúc, sau cuộc tử nạn và phục sinh, Người đã thiết lập nhờ hồng ân của Thánh Thần Người một sự kết hợp huynh đệ mới giữa tất cả những kẻ đón nhận Người với đức tin và đúc ái trong chính thân thể của Người là Hội Thánh, ở đó mọi người là chi thể với nhau, tuỳ theo những ơn đã lãnh nhận mà phục vụ lẫn nhau "  (GS 32).

Người cũng là mẫu gương cho chúng ta, gương yêu mến và vâng phục Chúa Cha: Người là Con Chí Aùi của Chúa Cha (Mt 3,17; 17,5). Được kêu gọi để hợ thành gia đình các con cái Thiên Chúa, chúng ta cử hành Thánh Lễ, để học sống theo gương vâng phục của Chúa Giêsu (Phil 2,,8) và gương yêu thương phục vụ của Người (Gioan 13,1; 15,13; Gal 2,20). Khi lãnh nhận Phép Thánh Thể, chúng ta được ban thêm lòng mến Chúa, thêm tình huynh đệ, cùng thêm ơn thánh để khử trừ các thói xấu ích kỷ, kiêu căng để khiêm tốn đón nhận tha nhân.

Vì thế, Chân Phước Gioan Phaolô II đã mạnh dạn quả quyết: "Việc tham dự vào sự hiệp thông Ba Ngôi có thể thay đổi những tương quan nhân bản" (Đời sống Thánh Hiến, số 41).

Sau cùng, Gia Đình của Thiên Chúa giúp ích gì cho các gia đình ?

Gia đình gặp khó khăn, bất hoà, con cái bất phục tùng, lêu lổng, nghiện ngập , gây ra nhiều đau khổ. Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI  ngỏ lời với các gia đình như sau:

"Chắc hẳn anh chị em đã nhận thấy rằng không có một đôi vợ chồng nào, tự sức riêng mình, lại có thể mang đến cho con cái của mình tình yêu và ý nghĩa của cuộc sống một cách thích đáng. Quả thật, để có thể nói với một ai đó: Cuộc đời của bạn thật tốt đẹp, mặc dầu tôi không biết được tương lai của nó, thì quyền bính và tính đáng tin đó phải lớn hơn quyền của các bậc làm cha làm mẹ.

Kitô hữu biết rằng Thiên Chúa đã giao quyền bính có một tầm vóc lớn hơn nầy cho một gia đình rộng lớn hơn mà Ngài đã thiết lập trong lịch sử nhân loại, nhờ Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô, và nhờ ơn Chúa Thánh Thần, gia đình ấy là Hội Thánh.

Chúng ta thấy Tình Yêu vĩnh cửu và bất diệt nầy đang tác động trong lòng Giáo Hội, một tình yêu mang lại một ý nghĩa trường tồn cho đời sống của mỗi người trong chúng ta, ngay cả khi chúng ta không biết được tương lai của cuộc sống.

Chính vì thế, mỗi gia đình Kitô giáo được xây dựng trong lòng Giáo Hội, là một Đại gia đình. Giáo Hội nâng đỡ và ôm lấy gia đình của anh chị em vào trong lòng mình, và làm cho anh chị em xác tín rằng gia đình của anh chị em được bảo vệ, bây giờ và mãi mãi về sau..." (Giảng tại giáo xứ Santo Antonio, Luanda, CN IV Mùa Chay 2009).

Đức Maria là Mẹ của Chúa Giêsu, Mẹ của Hội Thánh, Mẹ của chúng ta. Bên Mẹ, chúng ta có thể tìm lại được sự thanh thản và hy vọng làm cho chúng ta được hạnh phúc trong Chúa, và không hề cảm thấy mỏi mệt trong cuộc chiến vì sự sống.

Xin Mẹ gìn giữ  chúng ta luôn hợp nhất trong Đại gia đình của Thiên Chúa.

+ Tôma Nguyễn Văn Tân
         Giám mục của Anh Chị Em

783    01-04-2012 20:46:09