Sidebar

Thứ Hai
29.04.2024

Tĩnh Tâm Linh Mục_2002_Đức Cha Tôma

GIẢNG TĨNH TÂM 2002

ĐỨC MARIA MẸ CÁC LINH MỤC


BÀI 1. "JE VOUS APPELLE AMIS" (Ga 15,15)

Sứ vụ mà Chúa Giêsu trao cho Hội Thánh, và cũng trao cho chúng ta, là sứ vụ yêu thương và phục vụ, đã được nhắc đến trong Tông Huấn Giáo Hội Tại Châu Á. Trong lòng Hội Thánh là cộng đoàn hiệp thông, do Bí Tích Truyền Chức Thánh, chúng ta có một vị trí đặc biệt, và tất nhiên một tư cách đặc biệt để cùng với dân Chúa thực hiện sứ vụ yêu thương và phục vụ.

Thưa quí cha, tôi nghĩ đến tình bạn mà Chúa Giêsu dành cho các Tông Đồ, cho các linh mục của Ngài. "Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, Thầy đã cho các con biết" (Gioan 15,15b).

Thật ra, Con Thiên Chúa làm người, đã cho chúng ta dễ thấy Chúa gần gũi chúng ta hơn, dễ đến với Chúa hơn. Chúa đã không tỏ ra xa lạ với chúng ta, nhưng yêu thương và quí mến chúng ta như một người bạn. Chúng ta có thể trở nên bạn của Chúa vì chính Chúa đã đi bước trước; Chúa đến để tìm kiếm chúng ta trong khi chúng ta quên Chúa, xa cách Chúa, khổ sở vì không thấy Chúa ở gần chúng ta; không thương mến Chúa và cũng không thấy được hình ảnh Chúa ở nơi anh em mình, chia rẽ nhau, tranh chấp, xâu xé nhau, áp bức đồng loại của mình.

Trong thời gian đi rao giảng, Chúa Giêsu muốn có những người bạn: Tân ước dùng từ ( Φιλωγ; Φιλος ) chỉ tương quan với Chúa và họ.

1. Gioan Tẩy Giả được gọi là bạn của vị Hôn Phu (Ga 3,29: ο δε Φιλος τον νυμΦιον ) từ này gợi lên sự gần gũi, hạnh phúc khi thấy người bạn của mình ngày càng nổi bật, còn mình ngày càng lu mờ đi.
2.
Hai môn đệ của Gioan: được Chúa đón tiếp "Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy" (Ga 1,39). Ta thấy đặc điểm nổi bật ở nơi hai môn đệ của Gioan: họ đã ở lại với Ngài lâu giờ, tự nguyện ở lại luôn, theo Ngài, thích được ở riêng với Ngài.
3.
Martha và Maria
+
Maria tiêu biểu cho sự phục vụ phát xuất từ tình yêu, hai lần lấy dầu thơm xức chân Chúa (Ga 11,2; 12,3).
+
Martha đi gặp Người, nói với Người như quen thuộc, nói với Người một cách chân thành và đơn sơ, đối thoại đầy tin tưởng.
4.
Lazarô : (Ga 11,11. 3,36)
+
Được Chúa gọi là "bạn của chúng ta" c.11
+
Sứ giả của Martha: " Người Thầy thương mến" (quem amas)
+ Người Do Thái: "xem Người thương anh ấy dường nào" (quomodo amabat eum)

Như thế, qua những người bạn trên đây ta thấy có yếu tố gần, và nhất là yêu mến Chúa Giêsu:
- Gioan Tẩy giả dọn đường cho Người.
- Hai môn đệ của Gioan thích được ở gần Người, quyết ở lại với Người.
- Maria phục vụ "xức thuốc thơm ở chân Người", bày tỏ tình thương mến.
- Martha nói chuyện thân thiện với Người.

Còn Lazarô không làm chi cả, Chúa Giêsu làm hết mọi sự. Lazarô là hiện thân của Chúa Giêsu "người được thương" vì Chúa Giêsu muốn sự việc như vậy, và Lazarô chấp nhận sáng kiến của Chúa.
Nét đặc biệt, nổi bật: "se laisser choisir" - bằng lòng được chọn, để được Chúa chọn.

5. Môn đệ Gioan được gọi là người môn đệ Chúa thương (Ga 13,23; 19,26;21,7; 21,20). Ở đây dùng từ (αγαπαω; ηγαπα ) (3 lần sau: 19, 26; 21,7. 20 nói đến sự thân mật với Chúa Giêsu.
6.
Phêrô (Ga 21,15):
+
ba lần Chúa hỏi Phêrô: "con có mến" αγαπας με ... πλεον τονφων "
+ lần 1 và 2, dùng từ: αγαπας
+ lần 3, dùng từ: Φιλεις με
+ Phêrô đáp: ( σν οιδασ γινωσκειςοπι Φιλω δε )

Phêrô tiêu biểu tình yêu tông đồ, để phục vụ Hội Thánh.
Gioan tiêu biểu sự kết hiệp huyền diệu với Chúa Kitô, thúc đẩy chúng ta hướng tới một sự thân thiện mới mẻ thực sự với Chúa Kitô.

Một tương quan cần được chăm sóc nhưng đã được Chúa dự liệu cho chúng ta bằng cách trao ban chính Chúa. Chúa đích thân trao ban chính mình.

Các Tông Đồ, trước khi được Chúa Giêsu nói công khai, "Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, Thầy gọi các con là bạn hữu...", đã luôn ở bên Chúa, gần Chúa, chứng kiến những việc Chúa làm, nghe những gì Chúa nói, nói với dân chúng, nói với các ngài, chia sẻ niềm vui.

Các ngài đã chia sẻ với Chúa những mệt nhọc, những chống đối, những lời vu khống của các luật sĩ và biệt phái. Các ngài đã dần dần trở thành những người tâm phúc của Chúa: phải theo gương Ngài, sống như Ngài.

Trong tuần tĩnh tâm, chúng ta hãy cố gắng sống gần Chúa Giêsu, nhìn Chúa, lắng nghe Chúa nói với chúng ta.

Xin cho chúng ta được trở nên những người bạn tâm phúc, những người sẵn sàng dấn thân cho sứ vụ yêu thương và phục vụ.

"Các linh mục được mời gọi kéo dài sự hiện diện của Chúa Kitô vị mục tử duy nhất và tối thượng, bằng cách sống chính lối sống của Người và nổ lực trở nên trong sáng đối với Người giữa đàn chiên được giao phó" (Pastores dabo vobis, 15c)

Vài câu hỏi để suy nghĩ và cầu nguyện

1. Tôi có nhận thấy mình là "bạn" của Chúa Cứu Thế trong mức độ nào? Như Phêrô? Như Gioan?

2. Đời linh mục của tôi có hạnh phúc không? Có lúc nào tôi cảm thấy đơn độc? buồn chán? Lúc đó tôi có nghĩ đến Chúa Kitô, cầu nguyện để được can đảm, thêm lòng tin...

Được gọi và được cộng tác vào công việc của Chúa Kitô là hồng ân, là vinh dự. Công việc có mang lại kết quả là do ơn Chúa, chính yếu là tuỳ ở ơn Chúa, cần có cố gắng, hy sinh của chúng ta và của người được chăm sóc, người được gắn bó với Chúa "không chỉ tâm đắc" : tôi cũng chưa nhiệt thành với sứ vụ.

Có lần nào trong đời linh mục, bạn tự hỏi vì sao Chúa chọn con?

Cha Timothy Radcliffe, Bề Trên tổng quyền dòng Đa Minh vừa mãn nhiệm (9 năm, từ 1992-2001), đã trả lời cho câu hỏi trên như sau: "Tôi không bao giờ tìm câu trả lời cho thắc mắc này! Tôi nghĩ cần tập cho mình một tâm trạng ít ý thức, ít để ý đến mình (non-consience de soi)

Khi tôi được gọi làm Bề Trên Tổng quyền, người ta hỏi tôi: -"Cha tìm kiếm gì? mong muốn gì? Tôi đã trả lời: -Tôi mong được Chúa xót thương và anh em thương xót tôi". Công việc của cha là lắng nghe và nâng đỡ (écouter et soutenir).

BÀI 2. CHÚA KITÔ BẠN CỦA NGƯỜI NGHÈO

'Do việc thánh hiến của Bí tích Truyền Chức Thánh, linh mục được gọi để đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, phải quen sống kết hợp thân thiết với Người như bạn hữu" (Vat II, O.T. số 8)

Để trở thành bạn hữu của chúng ta, con Thiên Chúa làm người đã từ bỏ vinh quang (forma Dei) để mặc lấy thân phận tôi đòi (forma Dei), khó nghèo, giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi, chúng ta sẽ làm những gì để trở nên bạn của Chúa? Chúng ta phải trở thành bạn hữu của Chúa Kitô, trước hết vì Chúa đã đến với chúng ta, "mặc xác phàm", sinh ra trong cảnh khổ nghèo, đã từ bỏ vinh quang. Là linh mục chúng ta phải trở nên bạn hữu của Chúa, vì Chúa mặc khải dự định của Chúa Cha và cho chúng ta vinh dự được thông phần sứ vụ của Người. Và chúng ta phải trở nên người tông đồ khó nghèo với Chúa, để rao giảng Tin Mừng cho người nghèo.

Thế nhưng, nói đến cái nghèo, có thể chúng ta không thấy hấp dẫn. Nghèo thì làm được gì? Và chúng ta ngại nói về đức khó nghèo. Kinh nghiệm cho thấy, nghèo thì bẩn chật, hẹp hòi, hục hặc... "bần cùng sinh đạo tặc".

Vậy thì, Chúa có sứ điệp nào cho chúng ta, khi sinh xuống làm người nghèo, và công bố "Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó"?

Cha Timorthy Radeliffe kể lại một kỷ niệm vui, lúc ngài ở nhà tập của dòng Đa minh: lúc đó tỉnh dòng của ngài còn nghèo, các tập sinh cứ mỗi tuần nhận được 1,5 bảng Anh để bỏ túi, đủ để uống vài ly bia. Thế là các cậu lên tiếng phản kháng: "Các cha trong nhà thì được 2 bảng, như vậy là không công bằng. Chúng tôi phải được nhiều hơn hoặc phải bớt tiền túi của các cha". Điều bất ngờ là cha Bề Trên đã cho họ thêm tiền túi.

Chúng ta biết sự kiện Chúa sinh ra nghèo, chấp nhận hang đá Bê lem, máng cỏ để làm nơi chào đời, sống nghèo với gia đình Nagiarét bằng lao động tay chân, "con bác thợ mộc", "phải trốn chạy sang Ai cập", thông cảm với người nghèo, túng thiếu, bị khinh dể, bị đối xử bất công, một đời sống thiếu thốn vật chất, không được tôn trọng, không còn quyền được bảo vệ phẩm giá, mạng sống mình.

Cái nghèo của Chúa Giêsu còn là sự từ bỏ vinh quang, "không nghĩ mình phải dành địa vị ngang hàng với Thiên Chúa" (Phil 2,6), nhưng nghĩ đến công việc của Chúa Cha, tất cả cho sứ vụ, tất cả cho công việc của Chúa Cha, không có gì làm lu mờ sứ điệp: "Tin Mừng cho người nghèo".

Dự định hay kế hoạch tình yêu của Chúa Cha: không xây dựng Nước Chúa bằng thế lực - người ta mong đợi một Thiên Sai chính trị thông minh, thì Chúa lại dùng thập giá, bị lột trần, bị tước đoạt, bị vu khống.

Không tạo ảnh hưởng, mê hoặc bằng ban bố của cải. Phép lạ Chúa thực hiện như dấu chỉ của Thời Đại Thiên Sai, của ơn cứu độ, giúp người ta nhận thức và lãnh ơn Đức tin.

Chính tình yêu của Thiên Chúa là cốt lõi sứ điệp sứ điệp cứu rỗi được bày tỏ nơi Đấng Cứu Thế làm người nghèo. Mặc lấy bản tính con người là dấu chỉ thể hiện tình thương chia sẻ nếp sống nghèo, hoàn cảnh thiệt thòi của con người. Nhưng để thực hiện ơn cứu độ là phục hồi chức vị là con của Thiên Chúa, cho con người biết yêu mến Chúa và thương yêu đồng loại, cho con người thông phần sự sống của Thiên Chúa, thì trước hết là lòng thương xót của Thiên Chúa.

Khi làm mục vụ, để thực hiện sứ vụ yêu thương và phục vụ, chúng ta cần có một cái nhìn đức tin về con người, tôn trọng phẩm giá con người dưới ánh mắt yêu thương của Thiên Chúa Cha. Chúng ta chống lại tình trạng chậm tiến bằng việc phải lo phát triển cơ sở vật chất, nâng cao mức sống con người về vật chất và tinh thần, bảo vệ mạng sống con người, bảo vệ những quyền lợi của con người, xây dựng nền văn minh của ánh sáng tình thương, không phải là thứ tình đồng loại tự nhiên, nhưng là ơn Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta quí mến đồng loại như Chúa Giêsu.

Chuyện lớn quá, vượt quá tầm vóc, khả năng chúng ta, hãy khiêm nhường tin tưởng và mong đợi Chúa, hy vọng tất cả nơi Chúa.

Chúng ta hãy trở về với chính mình và tự vấn:

1. Tôi có tự đặt ra cho mình những tham vọng quá đáng? Có hay phiền trách người khác, muốn cho mọi người theo ý tôi? Tôi có hay phê phán không?
2.
Tôi có tự nhận những giới hạn của mình?
3.
Có vài dấu chỉ khó nghèo liên quan đến bản thân tôi, tôi có chấp nhận:
+
Khi thấy sức khoẻ của mình yếu kém?
+
Tôi có hay bực bội, tự hành hạ mình khi thiếu thốn, đang lúc tôi có thể chịu đựng để hiệp thông với cảnh nghèo của rất nhiều người khác? và để cảm nhận sứ điệp của Chúa Giêsu.
+
Tôi có sẵn sàng nghe người khác đến than thở, xem ra như chuyện mất thì giờ vô ích?
+
Tôi có bực tức khi thấy người ta chậm chạp, trễ hẹn, hoặc bị quấy rầy không đúng lúc?

Hãy tập để nói với Chúa Giêsu:

Lạy Chúa, này con đang chia sẻ sự khó nghèo của Chúa. Con thấy rõ: con không thể có được tất cả, ngay tức khắc. Con hiểu rằng chỉ một mình Chúa mới làm lắng dịu những khát vọng của con".

Khi tôi cầu nguyện, tôi có làm như một người nghèo, như một người ăn mày: khao khát, van xin ơn Chúa, sự tha thứ của Chúa, lòng thương xót của Chúa, vương quốc của Chúa?

Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì đã cho con được tham dự một chút vào hạnh phúc của người có tinh thần nghèo khó, và lời hứa Nước Trời của Chúa".

BÀI 3. CHÚA GIÊSU VÂNG PHỤC CHÚA CHA

"Christus factum est pro-nobis Obediem"

Chúng ta đọc những lời này thay vì những câu xướng đáp thường ở kinh tối thứ Năm, thứ Sáu Tuần Thánh. Chúa Kitô là Con Thiên Chúa làm người, trở nên vâng phục vì chúng ta.

Sứ vụ của chúng ta là sứ vụ yêu thương và phục vụ. Chúng ta tham dự vào sứ vụ của Chúa, nên chúng ta cần biết sống vâng phục. Đây cũng là một điều khó nói, ở vào thời điểm người ta thích nói đến tự do, dân chủ.

Hôm tuần vừa qua, anh g.x. Dhavernas, thuộc cơ quan KIN nói với tôi như thế này: "Người ta bảo Hội Thánh ít dân chủ". Anh ấy là một "laic consacré" nên chỉ nói lên dư luận của một số người không phải ý nghĩ của anh ấy,

Thực ra, trong Hội Thánh có nhiều nơi phản đối cách làm việc của Giáo Hội, của các cơ quan Trung Ương Toà Thánh, dường như muốn kiểm soát, điều khiển chặt chẽ mọi sinh hoạt của Hội Thánh. Tôi nghĩ rằng, ngày nay Hội Thánh tự trình bày như một Cộng Đoàn Hiệp Thông, nhấn mạnh việc tham gia của mọi thành phần dân Chúa, rồi sự có mặt của nhiều viên chức cao cấp thuộc nhiều dân tộc, quốc gia trong cơ quan lãnh đạo của Toà Thánh, cũng nói lên một sự cởi mở. Các khoá họp của Thượng Hội Đồng Giám Mục không phải là một sự tham gia sứ vụ của Hội Thánh, một sự chia sẻ trách nhiệm sao?

Cha Timothy Radcliffe, Bề Trên vừa mãn nhiệm của dòng Đa Minh, đã kể lại một kỷ niệm khác lúc còn ở Tập Viện. Suýt nữa cha bị đuổi vì tội leo tường để đi uống bia ban đêm, hút thuốc và chơi với bạn bè. Rồi một hôm, trong giờ Chầu Thánh Thể, Timothy bị bắt gặp đang đọc cuốn tiểu thuyết "người tình của Lady Chatterly".

Nhưng khi làm Bề Trên có người hỏi: - cha nghĩ sao về sự "vâng lời"? Cha đã trả lời: - "Tôi không nhớ đã gặp một khó khăn nào. Trong truyền thống của chúng tôi, vâng lời được liên kết chặt chẽ với đối thoại và tình huynh đệ".

Mỗi tuần, anh em trong nhà họp nhau, nghe nhau, trao đổi với nhau. Nhờ đó mọi quyết định dễ được chấp nhận, nhơ đó những Bề Trên biết thông cảm với đám trẻ.

Thế nhưng, người bạn mẫu mực của linh mục trong lãnh vực này vẫn là Chúa Giêsu.

Chúng ta không thể so sánh những vị bề trên tốt lành, khôn ngoan với Chúa Cha, chúng ta muốn nhìn Chúa Giêsu, nghe Chúa nói với chúng ta và tập sống theo gương của Người.

"Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Thật vậy, ýcủa Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết" (Ga 6,39-40)

Trong những lời xác quyết này, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy sứ vụ mà Chúa Cha giao phó cho Ngài, và ý muốn thực hiện sứ vụ vì yêu mến và vâng phục Chúa Cha.

"Lương thực của Ta là thực hiện ý của Cha, Đấng đã sai Ta". Chúa Giêsu vâng phục Chúa Cha không phải là giới hạn, không phải là đánh mất tự do của mình. Sự vâng phục này như lương thực ban sức mạnh và ban nghị lực cho Ngài. Mối tương quan của Ngài với Chúa Cha, dâng hiến mọi sự, đặt toàn thân trong tay Cha, đó là chính bản thể của Ngài: Con Chí Ái của Cha. Và Chúa Giêsu gọi các môn đệ, gọi chúng ta bước theo Chúa: "Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, kẻ phụng sự Ta cũng ở đó" (Ga 12,26). Theo Chúa Giêsu là đặt Nước Thiên Chúa trên tất cả, trên tư lợi, là sẵn sàng hy sinh. Bỏ hết mọi sự gì là của mình, không tìm kiếm cho mình điều gì, sẵn sàng bị thua thiệt (x. Phil 2,8).Đời linh mục của chúng ta là "propter salutem hominum et nostram subditi sumus illis".

Pastores Dabo Vobis 28:

Trong những đức tính cần thiết nhất cho thừa tác vụ linh mục phải kể đến tình trạng tâm hồn sẵn sàng. Do đó, linh mục không tìm ý riêng của mình, nhưng tìm ý của Đấng sai phái mình. Chính đức vâng lời trong trường hợp đời sống thuộc linh của linh mục mang những đặc tính riêng biệt:

1. Tông truyền : Yêu mến và phục vụ Hội Thánh trong phẩm trật không thể có sứ vụ linh mục ở ngoài sự hiệp thông với Giám mục, với cộng đoàn các Giám mục, với Đức Giáo Hoàng. (khi thụ phong linh mục đã hứa kính trọng và vângphục).

2. Cộng Đồng : Vâng phục là tham gia sứ mạng của Hội Thánh, của Chúa Kitô, để xây dựng Nước Chúa, là sống hiệp thông, trong tinh thần và sứ vụ. Vâng phục là khí cụ bảo vệ sự hiệp nhất của Hội Thánh, và cho Hội Thánh vững mạnh trong sinh hoạt rao giảng và làm chứng.

3. Mục vụ : Vâng phục là sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu hợp lý của đàn chiên, mà cũng thỏa mãn những khát vọng của chính mình (Tin Mừng, lòng tin, hy vọng, tình yêu Chúa...).

Chúa Giêsu đã vì chúng ta mà vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Chúa đã nêu gương vâng lời trọn vẹn, vâng lời vì yêu thương; thương mến Chúa Cha hết lòng nên lãnh lấy sứ vụ yêu thương và phục vụ phần rỗi nhân loại. "Không tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống vì bạn hữu mình" (Ga 15,31).

Lẽ nào chúng ta có thể dửng dưng trước những lời của Phaolô nói với tín hữu thành Philipphê: "chẳng có ai khác cùng chia sẻ một tâm tình với tôi và tận tâm lo lắng cho anh em".

Làm sao chúng ta lại thờ ơ buông xuôi, mà không sẵn sàng hy sinh, cộng tác với nhau, với Giám mục, với Hội Thánh để lo cho đoàn chiên của Chúa.

BÀI 4. CHÚA GIÊSU BẠN CỦA TÂM HỒN THANH KHIẾT

Ở cổng một Tu Viện, có ghi câu này: "Virgo Virgini Virginem commendavit". Đọc lên, ta nghĩ ngay câu nói ấy nói về ai rồi. Trên Thập Giá Chúa Giêsu "Đấng Thanh Khiết" phó thác Mẹ Khiết trinh cho môn đệ thanh khiết. Gioan được gọi là người môn đệ được Chúa yêu thương, chắc chắn vì Gioan có tâm hồn thanh khiết, kết hợp mật thiết, huyền diệu với Chúa Giêsu, dễ đồng cảm với Chúa, dễ nhận ra sự hiện diện của Chúa.

Chúng ta được mời gọi sống độc thân, sống thanh khiết để làm gì? Không phải là để nên bạn hữu của Chúa, gần Chúa hơn, dễ cảm nhận sự hiện diện của Chúa và làm chứng, nhắc nhở cho những người khác về sự hiện diện này sao?

Ơn gọi sống thanh khiết ngày nay là một trong những vấn đề khó nói, khó nghe. Thời đại của chúng ta đang gặp khủng hoảng: một xã hội phát triển mạnh về phương diện vật chất, tiện nghi, tạo nhu cầu mới, khuyến khích tiêu thụ, đưa đến một lối sống hưởng thụ, cổ võ tự do quá trớn, lấn át những giá trị luân lý, sống thác loạn hoặc chán ngán tự tử...

Trong lãnh vực gia đình, những cuộc ly hôn, ly dị dễ dàng, được luật pháp cho phép, phải chăng là một biểu hiện của lòng ích kỷ, lợi dụng nhau, thiếu dấn thân, trách nhiệm. Như thế gia đình đâu còn là trường học tốt để con người được đào tạo phát triển. Thay vì yêu thương chung thuỷ, hy sinh cho nhau, cho con cái - giáo dục về tình thương - thì lại bất hòa, mâu thuẫn rồi chia tay nhau - gương xấu thất tín cản trở sự phát triển cần thiết cho con cái: con người được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa để biết Chúa, tôn trọng và yêu thương tha nhân.

Gia đình không con, hoặc vì ích kỷ làm cho con cái mất hạnh phúc, là đã đánh mất mùa xuân, ảnh hưởng xấu đến xã hội, đến Giáo Hội, thiếu ơn gọi hay thiếu người đi tu vì không có đất tốt để Chúa gieo hạt giống ơn gọi. Sự ra đi vì yếu đuối của một số tu sĩ, linh mục và cả giám mục lại càng làm cho người ta muốn đặt lại vấn đề độc thân.

Hội Thánh tin vào ơn Chúa Thánh Thần, nêu cao tình yêu trong đời sống hôn nhân cũng như trong đời sống thánh hiến. Đã có một THĐGM về hôn nhân và gia đình, và một Tông Huấn xác định tình yêu hôn nhân là một trong hai đường lối đặc biệt để nên thánh, để đạt tới sự hoàn hảo Kitô giáo. Cũng đã có một THĐGM về việc đào tạo và đời sống linh mục, và một THĐGM khác về đời sống thánh hiến.

Tông huấn "Pastores Dabo Vobis, số 29" trình bày ơn gọi sống thanh khiết độc thân của linh mục "sự thánh hiến cho Thiên Chúa một cách đặc biệt, với một tình yêu không san sẻ (1Cr 2,32-34) trong bậc độc thân là một ân huệ quí báu Chúa ban cho một số người".

Trước Tông huấn này, có giáo huấn của Công Đồng Vatican II (LG 42) gọi đời sống linh mục độc thân là: "dấu hiệu và sự khích lệ của Đức Ái, một nguồn suối đặc biệt, phong phú thiêng liêng trong thế gian". Luật độc thân linh mục diễn tả ý muốn của Hội Thánh ngay cả trước khi đương sự tỏ ý sẵn sàng chấp nhận. Động lực trong tương quan độc thân với Bí tích Truyền Chức Thánh ở chỗ Bí tích này biến linh mục đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, Phu Quân của Hội Thánh, Giáo Hội muốn linh mục yêu một cách trọn vẹn và không chia sẻ.

Trong tình yêu của linh mục gắn bó với Hội Thánh bằng đời sống độc thân, cũng như trong tình yêu hôn nhân có hai yếu tố: Nhận và Cho. Linh mục được Hội Thánh, được Chúa Kitô nhận làm bạn, làm người phục vụ các Mầu Nhiệm Thánh, phục vụ đoàn dân của Chúa, và đồng thời trao cho chúng ta sứ vụ, quyền để thi hành sứ vụ, Chúa còn cho chúng ta chính Chúa (trong thánh lễ chúng ta cử hành)... Ngược lại, linh mục đón nhận hồng ân, thì cũng trao toàn thân, tâm hồn, tự do của mình cho Chúa, cho Hội Thánh, bằng tình yêu trung thành.

Có khó khăn, có trở ngại cho đời sống độc thân, cha Timothy Radcliffe nói: có thể vì thiếu được đào tạo, chỉ dẫn, như bảo "tắm nước lạnh rồi chạy" (nghĩa là nhìn nhận có nguy cơ, và khi gặp nguy cơ thì chạy).

Để đứng vững:
Cần có sự thân mật với Chúa - cầu nguyện.
1. Dành sự tôn trọng, tuyệt đối cho Đấng đáng tôn trọng như thế.Đi vào sa mạc, ở đó gặp gỡ Chúa, sống với Chúa, thích được ở với Chúa.
2.
Anh em linh mục, linh mục đoàn, là chỗ tựa thứ hai của linh mục, khi chúng ta tìm được niềm vui, tình bạn, tiếng cười, hạnh phúc...
3.
Say mê học hỏi: Lời Chúa, phải có đam mê đê sống.

Tư vấn :

1. Tôi có xác tín về niềm vui lớn nhất là có được một lương tâm trong sáng, và sẵn sàng hy sinh để có được niềm vui này?
2.
Khi cảm thấy như Chúa vắng bóng, xa cách, các việc đạo đức, cầu nguyện lạt lẽo, tôi có nhận thấy cần thanh luyện tâm hồn, khiêm tốn, sám hối, xin lỗi Chúa, xin ơn tha thứ, dâng tâm hồn cho Thánh Thần thanh tẩy.

BÀI 5. LINH MỤC VÀ THÁNH LỄ

'Thưa anh em, vì lòng thương xót Thiên Chúa tôi khuyên anh em: hãy hiến dâng thân thể anh em làm lễ tế sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là sự thờ phượng thiêng liêng của anh em" (Rm 12,1).

"Người tín hữu Kitô không thể chỉ bằng lòng với việc đi lễ. Họ phải trở thành hiến lễ với Chúa Kitô" (Cantalamessa l'Eucharistie notre Sanctification, tr 38).

Khi dâng thánh lễ, không những linh mục làm cho của lễ của các tín hữu được kết hợp với của lễ của Chúa Kitô, để nên hoàn hảo đẹp lòng Thiên Chúa, nhưng linh mục còn tế lễ chính mình, làm cho đời sống dấn thân theo Chúa Kitô: khó nghèo, vâng phục, thanh khiết được hoà với hiến lễ tình yêu Chúa Kitô tôn vinh Chúa Cha.

"Của lễ của chúng ta và của lễ của Hội Thánh, mà thiếu của lễ của Chúa Giêsu, sẽ không có giá trị vì, không thánh thiện, không đẹp lòng Chúa Cha, vì chúng ta là những tạo vật hư hèn, tội lỗi. Ngược lại, của lễ của Chúa Giêsu, mà không có của lễ của Hội Thánh là toàn thân thể của Người, thì chưa đủ" (Cantalamessa, op.cit, tr 37).

Chúa Giêsu thiết lập chức linh mục để kéo dài sự hiện diện của Người giữa Hội Thánh cách đặc biệt, thực thi sứ vụ của Chúa, nhất là thánh hóa các tín hữu.

Ngày 30/05/1980 tại Paris, Đức Gioan Phaolô II đã nói với các linh mục như sau: "Tôi làm Giáo Hoàng gần được 2 năm, làm Giám Mục hơn 20 năm. Tuy nhiên điều quan trọng nhất đối với tôi vẫn là sự kiện tôi làm linh mục, tôi có thể dângthánh lễ mỗi ngày, được tái diễn chính hy tế của Chúa Kitô, để cho người tôi dâng lại mọi sự cho Chúa Cha: đó là thế gian, nhân loại, chính bản thân tôi".

Phải, thánh lễ là ân huệ vô giá Chúa ban cho Hội Thánh, ban cho chúng ta để chúng ta sống dấn thân theo Chúa Giêsu trong đời sống khó nghèo, vâng phục và thanh khiết, cho sứ vụ yêu thương và phục vụ ơn cứu rỗi nhân loại.

Cha Timothy Radcliffe đã tâm sự như sau: "Với năm tháng trôi qua, tôi đã học biết yêu thích việc cử hành thánh lễ, giờ đây trở thành trung tâm của cuộc sống tôi và công việc học hỏi nghiên cứu thần học của tôi nữa.

Chính lúc Hội Thánh hiện tại hóa tấn kịch nằm ở trung tâm mối tương quan giữa Thiên Chúa và nhân loại, Thiên Chúa đặt mình trong tay chúng ta một ân ban tuyệt đối. Với cả cuộc sống và sự chết của Người, vai trò của linh mục không phải là chiếm giữ chỗ hoặc thay thế Chúa Giêsu để làm mục tiêu của mọi sự chú ý.

Bằng một cách nào đó, linh mục phải biến đi. Thật vậy, linh mục không thể nổi bật. Linh mục chỉ có mặt ở đó để làm tái diễn "tấn kịch" trong đó Chúa Giêsu hoàn toàn phú mình trong tay chúng ta.

Đó là giây phút của lòng quảng đại, của sự trao hiến hoàn toàn tự nguyện..."

Cử hành thánh lễ là đón nhận "ân ban" và hiến dâng: "Này là Mình Ta, này là Máu Ta". Chúng ta hiến dâng Chúa Giêsu thôi sao?

Raniero Cantalamessa giải thích: "cùng với của lễ chính là Chúa Giêsu, chúng ta phải dùng thân mình chúng ta và máu của chúng ta.

Thân mình nói về tất cả những gì tham dự vào cuộc sống chúng ta trong thể xác này: thời giờ, sức khoẻ, nghị lực, khả năng, cảm tính của chúng ta cho dù chỉ là một nụ cười, theo ơn Thánh Thần soi dẫn...

Máu của chúng ta nói về sự chết mà chúng ta dâng lên Chúa, không nhất thiết là sự chết thể lý khi hồn lìa xác, nhưng là sự tử đạo (Martyre) vì Chúa Kitô và vì anh em chúng ta: những nhục nhã, thất bại trong đời sống, cơn bệnh, mất khả năng do tuổi tác, tất cả những gì làm chúng ta đau khổ..."

Thánh lễ được nối dài trong cuộc sống: sau khi cử hành Thánh lễ, chúng ta bắt tay vào công việc, biến lời dâng hiến thành hành vi, cống hiến cho anh em, cho tín hữu: thời giờ, sức lực, kiên nhẫn, lắng nghe, đón nhận những lời phê phán, chống đối công khai hay kín đáo, những mâu thuẫn, những khác biệt về quan điểm.

Chúng ta đã dâng "máu của chúng ta", tức là những đau buồn, thua thiệt. Đó là phần nhất hảo mà Thiên Chúa dành cho bất cứ ai, trong Hội Thánh, cảm thấy cần chịu đựng nhiều hơn.

Chúng ta còn phải hòa với của lễ của Chúa Kitô bằng dâng hiến chính chúng ta cho cân xứng phần nào? Tìm đâu ra sức mạnh để dâng hiến chính mình hoàn toàn như thế? Chúa Kitô đã dâng hiến chính mình cho Chúa Cha, làm của lễ, nhờ Thánh Thần hằng hữu (Dt 9, 14).

Phụng vụ nhắc cho chúng ta, khi nài xin Thánh Thần làm cho chúng ta trở nên của lễ hằng hữu đẹp lòng Thiên Chúa (Kinh nguyện Thánh Thể III).
Lạy Chúa, xin cho con biết dâng lễ sốt sắng!

BÀI 6
LINH MỤC LÀ THỪA TÁC VIÊN CỦA BÍ TÍCH GIAO HÒA

* Cuộc khủng hoảng hiện nay

Đức Giáo Hoàng Phaolô II có lý do để nói rằng trong khuôn khổ của năm hướng về Chúa Cha này, cần phải khám phá lại và cử hành một cách sốt sắng (avec ferveur) Bí tích Sám hối trong ý nghĩa thâm sâu nhất của Bí tích này bị rất nhiều người bỏ quên. Không phải đây là lần đầu tiên mà Bí tích này gặp khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng hiện nay có nhiều nguyên nhân:

  • Những quá đáng trong lối thực hành trước đây: trong việc xét mình (một luân lý khắt khe) một cách qui lỗi giả tạo, thái độ cứng rắn hoặc tò mò của một vài cha giải tội.
  • Mất ý thức tội lỗi: tội lỗi lan tràn phổ biến do các phương tiện truyền thông đại chúng, thiếu cầu nguyện, thiếu nhìn ngắm Chúa Giêsu trên thập giá, đánh mất ý thức cá nhân chịu trách nhiệm (do tâm lý xã hội), đổ tội cho tập thể thay vì cá nhân (đương sự);
  • Đánh mất nhận thức giá trị cụ thể trong phụng vụ: lạm phát dẫn giải và giảm bớt cử chỉ khả giác, bỏ đọc kinh chung và chỉ giữ lại có thánh lễ trơ trọi, linh mục trở thành linh hoạt viên của cộng đoàn, nguy cơ do đề cao cá nhân, đề cao tập thể (tôi chỉ thú tội với một mình Thiên Chúa, và với linh mục duy nhất là lương tâm của tôi hoặc tôi không chấp nhận cộng đoàn nào khác hơn là tập thể vô danh với trách nhiệm lỏng lẻo: ai còn có thể than khóc tội lỗi của mình?
  • Những khiếm khuyết tệ hại trong mục vụ hằng ngày: ít rao giảng về việc sám hối và ơn tha thứ, thiếu quan tâm đến luân lý bản thân, chán ngán của một số linh mục và ngày càng gia tăng việc giải tội tập thể trái phép.

* Vài dòng lịch sử

Chúa Giêsu đã thực thi quyền tha tội khi chữa lành cho người bại xụi tại Capharnaum: "Để các ngươi biết rằng Con Người có quyền tha tội ở dưới đất: Ta truyền cho con: hãy chỗi dậy, vác chõng mà về nhà" (Mc 2,10-11), Người lại ban quyền cho Hội Thánh (Mt 16, 19; 18,18)... Việc tha tội trước tiên được liên kết với Bí tích Rửa Tội (vừa tha tội, vừa ban sự sống mới trong Chúa Kitô). Nhưng vấn đề được đặt ra về những người, sau khi chịu phép Rửa Tội lại sa ngã phạm tội nặng, làm mất ơn thánh do Bí tích Rửa Tội và làm tổn thương đến sự hiệp thông với Hội Thánh và được lại ơn nghĩa với Chúa.

Như thế, các giáo phụ coi việc sám hối bí tích như tấm ván thứ hai của ơn cứu rỗi (seconde planche de salut) sau khi bị sa đắm trong tội lỗi.

Trải qua các thế kỷ, Hội Thánh có những cách thức cụ thể khác nhau để thực thi quyền tha tội, nay đã có những thay đổi. Vào những thế kỷ đầu, việc hoà giải các Kitô hữu phạm những tội nặng đặc biệt sau khi chịu phép Rửa Tội (như tội thờ ngẫu tư 975    19-02-2011 03:14:14