Sidebar

Thứ Hai
29.04.2024

Tĩnh Tâm Linh Mục_2004_Đức Cha Tôma


GIẢNG TĨNH TÂM LINH MỤC 2004

NĂM THÁNH THỂ-CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ


Chúng ta bước vào Năm Thánh Thể với Đại HộiThánh Thể Quốc Tế lần thứ 48 tại Guadalajara, Mexicô, từ 10 đến 17 tháng 10 năm 2004 với tiêu đề "Phép Thánh Thể là Ánh Sáng và Sự Sống của Thiên Niên Kỷ Mới". Năm Thánh Thể sẽ kết thúc với Thượng Hội Đồng Giám Muc Thế Giới tại Roma từ 2 đến 29 tháng 10 năm 2005 với tiêu đề "Phép Thánh Thể là Nguồn Mạch và Cao Điểm của đời sống và sứ vụ của Hội Thánh".


Năm Thánh Thể là gì? Hội Thánh mong đạt tới lợi ích nào ?


Năm Thánh Truyền Giáo mở ra để Tạ Ơn nhân dịp kỷ niệm 470 năm truyền giáo tại Việt Nam và cổ võ việc phục hưng đời sống đạo và nhiệt thành mở rộng Nước Chúa. NămThánh Giáo Phận Kỷ Niệm 150 Năm hai Thánh Anh Hùng Tuẫn Tiết vì Đức Tin , để Tạ Ơn Chúa và gia tăng lòng sùng kính các Thánh Tử Đạo, cầu xin ơn thánh hóa hàng Linh mục, ơn thánh hóa các Gia Đình, xin Chúa ban thêm nhiều ơn gọi để phục vụ Hội Thánh.


Năm Mân Côi và Năm Thánh Thể thì sao ?


Khi kết thúc Đại Năm Thánh 2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ban Tông Thư Novo Millennio ineunte ngày 6.1.2001 đề ra một chương trình mục vụ lớn lao cho Hội Thánh ( số 31). Chương trình đó là chiêm ngưỡng diện mạo Chúa Kitô.như một phần của phương pháp giáo dục nhắm tới một cấp bậc thánh thiện cao cả qua chính việc cầu nguyện (số 30-32). Chúa Kitô không chỉ ở trung tâm của lịch sử của Hội Thánh, mà còn ở trung tâm của lịch sử nhân lọai nữa. Chúa Kitô là "cùng đích của lịch sử nhân lọai, là điểm hội tụ của mọi khát vọng lịch sử và văn hóa, trung tâm của nhân lọai, là niềm vui của mọi tâm hồn, và sự thành tòan của mọi khát vọng"( Gaudium et Spes, 45 )


Đức Thánh Cha thiết lập Năm Mân Côi 2002-2003 với Tông Thư Rosarium Virginis Mariae ban hành ngày 16.10.2002, ngài trở lại chủ đề chiêm ngưỡng diện mạo Chúa Kitô, nhưng với đôi mắt và tâm hồn của Đức Maria, kêu gọi lần chuỗi Môi Khôi. "Kinh nguyện Truyền Thống nầy được Quyền Giáo Huấn của Hội Thánh khuyến khích và Dân Chúa rất mực sùng kính, mang sắc thái Thánh Kinh và Phúc Am một cách rõ ràng; tập trung chính yếu trên danh thánh và trên diện mạo Chúa Giêsu, kết chặt trong việc chiêm ngắm các mầu nhiệm và đọc đi đọc lại các Kinh Kính Mừng. Lần chuỗi là một phương pháp giáo dục tình yêu, nhằm đốt nóng trái tim bằng chính tình yêu mà Đức Maria đã nuôi dưỡng đối với Con của Mẹ. Chính vì thế, để đưa một lộ trình có truyền thống nhiều thế kỷ đến một mức hòan hảo mới, cha đã muốn thêm các Mầu Nhiệm Sáng vào cách chiêm ngưỡng đặc biệt nầy để thật sự là một bản tóm lược Tin Mừng trọn vẹn (x.Rosarium Virginis Mariae, 19-20). Và sao không đặt Mầu Nhiệm Thánh Thể làm chóp đỉnh của các mầu nhiệm sáng ?" ( Mane nobiscum, Domine, 9).


Giữa Năm Mân Côi, ngày 17.4.2003, Thứ Năm Tuần Thánh, Đức Thánh Cha gởi đền các Linh mục và mọi thành phần Dân Chúa Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia,


thay cho những "Tâm thư " mà ngài có thói quen gởi đến các Linh mục trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Với Thông điệp nầy, Đức Thánh Cha muốn minh họa mầu nhiệm Thánh Thể trong mối tương quan độc nhất và sinh động với Hội Thánh. Ngài thúc giục mỗi người cử hành Hy Tế Thánh Thể với lòng nhiệt thành xứng đáng, là dâng lên Chúa Giêsu hiện diện trong Phép Thánh Thể, trong Thánh Lễ và ngay cả ngòai Thánh Lễ, một sự tôn thờ xứng đáng với một mầu nhiệm cao cả như thế. Đức Thánh Cha nhắc lại cần phải có một "Linh đạo Thánh Thể" (spiritualité eucharistique), nêu cao Đức Maria "người phụ nữ thánh thể" làm mẫu gương (Ecclesia de Eucharistia, 53).


Thông điệp Ecclesia de Eucharistia dẫn chúng ta vào nguồn suối và đỉnh cao của tất cả đời sống Kitô hữu, khi mời gọi chúng ta nhiệt thành sốt sắng hơn khi dâng lễ cũng như trong việc tôn thờ Thánh Thể ngòai Thánh Lễ. Huấn Thị Redemptionis Sacramentum được công bố ngày 25.3.2004 nhắc bảo chúng ta về bổn phận cử hành phụng vụ Thánh Thể sao cho xứng đáng với một mầu nhiệm cao trọng như thế.


Ngày 10.6.2004, Đức Thánh Cha chủ sự Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô , công bố quyết định thiết lập Năm Thánh Thể.


Tông Thư Mane nobiscum Domine (7.10.2004) giới thiệu và định hướng Năm Thánh Thể. Đó là một thời cơ quan trọng về mục vụ nhằm cảm kích tòan thể cộng đồng Kitô hữu và làm sao cho việc cử hành Hy Tế kỳ diệu nầy với việc tôn thờ Bí Tích Thánh Thể thật sự là tâm điểm của đời sống Hội Thánh..


Như vậy Năm Mân Côi và Năm Thánh Thể nằm trong chương trình mục vụ hậu Năm Thánh 2000 : Con Thiên Chúa Nhập Thể là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, là EMMANUEL, và khi thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Người muốn ở lại cùng chúng ta cho đến tận thế , cho chúng ta nhờ cử hành Hy Tế Bàn Thờ , nhờ tôn thờ và lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể, mà được hiệp thông với Người, và qua Người hiệp thông với Chúa Cha, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần.


"Tại phòng Tiệc Ly, Thầy Chí Thánh đã trao cho các môn đệ kho tàng quí báu nhất: đó là chính bản thân Người trong Bí Tích Bàn Thờ"(Sứ Điệp Truyền Giáo năm 2003, số 4).


"Mục đích của Bí Tích Thánh Thể chính là sự hiệp thông của mọi người với Chúa Kitô và trong Người hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần" (Sứ Điệp Truyền Giáo năm 2004, số 2 ; xem Ecclesia de Eucharistia, số 22).


Trong Tuần Tĩnh Tâm nầy, chúng ta tận dụng thời giờ để cầu nguyện, suy nghĩ và tìm kiếm những phương cách giúp chúng ta sống ơn gọi của chúng ta , là phục vụ Mầu Nhiệm Thánh Thể và phục vụ Hội Thánh.


"Còn các Linh mục, các con không ngừng lập lại lời truyền phép hàng ngày; các con là những chứng nhân và những người loan tin phép lạ cao cả của tình yêu xảy ra ngay trên tay các con: hãy để hồng ân của Năm Đặc Biệt nầy hướng dẫn các con cử hành Thánh Lễ hàng ngày với niềm vui và lòng sốt mến như Thánh Lễ đầu đời Linh Mục của các con; hãy dành thời giờ để cầu nguyện trước Nhà Tạm" (Mane nobiscum,Domine, số 30).


NGÀY THỨ NHẤT: MẦU NHIỆM THÁNH THỂ VÀ THIÊN CHỨC LINH MỤC


Bái giảng sáng: Ơn gọi quản lý các Mầu Nhiệm Thánh


"Mỗi người hãy coi chúng tôi như những thừa tác viên của Chúa Kitô và những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Mà đại để,nơi những người quản lý, người ta chỉ cốt tìm được người trung tín"(I Cor 4,1-2).


1.Làm Linh Mục là thế nào ?


Theo thánh Phaolô, làm Linh Mục trước tiên là làm người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Từ "người quản lý" không thể được thay thế bằng bất cứ từ nào khác. Trong Phúc Am chúng ta có dụ ngôn người quản lý trung tín và người quản lý bất trung (Luca 12,42-48). Người quản lý không phải là người chủ, nhưng là người được chủ giao phó các tài sãn của mỉnh để điều hành cách công minh và chịu trách nhiệm.


Cũng giống như vậy, Linh Mục được Chúa Kitô trao phó kho tàng ơn cứu độ, để nhiệt thành phân phát cho những ai được trao cho mình chăm sóc. Đó là kho tàng đức tin. Thế nên Linh Mục là người rao giảng Lời Chúa, là người ban Bí Tích, người của mầu nhiệm đức tin. Nhờ đức tin, Linh Mục gắn bó với các tài sản vô hình, là gia sản của Ơn Cứu Độ mà chính Con Thiên Chúa đã tạo nên. Không ai được coi như người làm chủ các tài sản nầy. Tất cả chúng ta cùng được thông phần gia sản nầy. Và do quyết định của Chúa Kitô, Linh Mục có nhiệm vụ quản lý các tài sản nầy.


2. Ơn gọi LinhMục là một mầu nhiệm.


Ơn gọi Linh Mục quả thật là một mầu nhiệm. "Đó là mầu nhiệm của một sự trao đổi kỳ diệu" admirabile commercium" giữa Thiên Chúa và con người. Con người trao cho Chúa Kitô nhân tính của mình (toàn thân của mình), để Chúa Kitô có thể xử dụng nó làm dụng cụ ban ơn cứu độ, có thể nói được Chúa biến đổi con người đó trở thành hiện thân của Chúa (un altro se stesso, alter Christus). Nếu không hiểu được mầu nhiệm của sự trao đổi nầy, thì cũng không thể hiểu được vì sao một bạn trẻ, khi nghe tiếng gọi "Hãy theo Ta", lại có thể từ bỏ tất cả vì Chúa Kitô, với xác tín rằng qua con đường nầy anh sẽ thể hiện nhân cách của mình cách đầy đủ." ( Gioan Phaolô II, Dono e Mistero, trang 84 ).


Ơn gọi Linh mục là ân ban và mầu nhiệm, ơn được Thiên Chúa tuyển chọn và mầu nhiệm của sự tuyển chọn nhưng không: Chính Chúa Kitô yêu thương và tự ý tuyển chọn chúng ta, Người không hề bị thúc đẩy do một động cơ nào khác, mà chỉ có tình yêu làm cho Người muốn mời gọi chúng ta.


Công Đồng Vaticanô II dạy rằng: "Ý nghĩa cao cả nhất của phẩm giá con người hệ tại ơn gọi con người đến hiệp thông với Thiên Chúa. Lời mời gọi nầy được Thiên Chúa trao cho con người để đối thọai với Ngài cùng lúc Ngài gọi con người vào đời. Thật vậy,nếu con người hiện hữu, là vì Chúa đã yêu thương nên tạo dựng nó, và cũng vì yêu thương mà luôn luôn bảo tồn nó; hơn nữa con người chỉ sống hòan tòan theo chân lý khi tự ý nhận biết tình yêu ấy và phó thác cho Đấng tạo dựng mình"(Gaudium et Sprs, số 19).


3 . "Tiếng gọi của Thiên Chúa là điểm xuất phát của con đường mà con người phải hòan tất trong cuộc sống : Đó là chiều kích tiên khởi và căn bản của ơn gọi..."(Gioan Phaolô II, Thư gởi các Linh Mục ngày Thứ Năm Tuần Thánh 1996, số 5).


Chính cuộc đối thọai tình yêu nầy với Thiên Chúa là nền tảng cho mỗi người có khả năng phát triển tầm vóc và những đặc tính riêng biệt của mình, làm cho cuộc sống hàng ngày và những tương quan thiết yếu của cuộc sống mỗi người có một ý nghĩa, trong khi mỗi người hướng tới cuộc sống sung mãn (xem Gioan Phaolô II, Sứ điệp ngày Thế giới cầu nguyện cho Ơn gọi, ngày 6.5.2001, số 1).


Nếu Ơn Gọi phẩm định (qualifie fort bien ) các liên quan của Thiên Chúa với mỗi người trên căn bản tình yêu tự nguyện (Gioan Phaolô II, Sứ Điệp Ngày Thế giới cầu cho Ơn Gọi năm 2001, số1), thì điều cần thiết cho mỗi người là khám phá ơn gọi của riêng mình trong cộng đòan Kitô hữu và đáp lại với tấm lòng quảng đại ( SĐ nói trên, số 3).


Công Đồng Vaticanô II dạy :


"Do việc Phong Chức Thánh và sứ mệnh lãnh nhận từ các Giám mục, các Linh mục được tiến cử để phục vụ Chúa Kitô là Thầy Dạy, là Linh Mục và là Vua; các ngài tham dự vào sứ vụ của Người, nhờ đó ngày ngày kiến tạo Giáo Hội ở trần gian thành Dân Chúa, Thân Thể Chúa Kitô và Đền Thờ Chúa Thánh Thần" (Presb.Ordinis, 1).


"Ai đã lãnh chức Linh mục thừa tác, được ban quyền năng để đào tạo và dẫn dắt dân tư tế, để đóng vai Cúa Kitô (in persona Christi, dans le rôle du Christ) cử hành Hy Tế Tạ Ơn và dâng của lễ ấy lên Thiên Chúa nhân danh toàn thể dân Chúa."( Lumen Gentium, 10)


Vì thế Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viết: "Trên đời còn có cách nào khác để thể hiện nhân tính của chúng ta, mỗi ngày một cao trọng hơn, như mỗi ngày chúg ta có thể tái diễn Hy Tế cứu độ, chính Hy Tế mà Chua Kitô đã hòan tất trên thập giá ? Trong Hy Tế nầy, một đàng chính Mầu Nhiệm Ba Ngôi hiện diện cách thâm sâu, đàng khác cả vạn vật được thâu họp dưới một đầu một mối (Ephêsô 1,10). Hy Tế Thánh Thể được thực thi còn để tiến dâng lao nhọc và đau khổ của trần gian khắp nơi trên bàn thờ . Chính vì thế mà sau Thánh Lễ, trong lúc cám ơn, chúng ta mượn bài Thánh Ca của Cựu Ước "Muôn lòai muôn vật hãy ca ngợi Thiên Chúa..."(Daniel 3,57-88). Thật vậy, trong Hy Tế Tạ Ơn, mọi tạo vật hữu hình và vô hình chúc tụng Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo, là Cha Quan Phòng, Chúc tụng Chúa bằng chính những lời và việc tạ ơn của Chúa Kitô, Con Thiên Chúa" (Dono e Mistero VIII, trang 84-85).


Thế nên, dự định từ muôn thuở của Thiên Chúa Cha là căn nguyên của ơn gọi Linh Mục, cũng như của ơn gọi của mọi tín hữu: "Chúc tụng Thiên Chúa và là Cha của Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô. .. Bởi chưng Người đã chọn ta trong Ngài, từ trước tạo thiên lập địa, để ta được nên thánh và vô tì tích trước mặt Người. Bởi lòng yêu mến, Người đã tiền định cho ta được phúc làm con, nhờ Đức Giêsu Kitô, và vì Người, chiếu theo nhã ý của thánh chỉ Người để nên lời ca ngợicho vinh quang Người, bởi ân sủng Người đã ban xuống cho ta trong Đấng chí ái"(Ephêsô 1,3.4-6). Cần biết nhận ra lời mời gọi vang dội trong lịch sử riêng biệt của con người.


"Lạy Cha chí thánh, là nguồn mạch không bao giờ cạn của sự sống và của tình yêu , trong con người sống động Chúa cho thấy vẻ rạng ngời vinh quang của Chúa,


trong tâm hồn họ Chúa đặt để mầm mống ơn gọi, xin đừng để cho một ai , vì lôi thôi hoặc dốt nát, mà không biết đến hoặc đánh mất ơn nầy. Nhưng xin cho mọi người có thể tiến tới việc thể hiện Tình Yêu của Chúa với đầy lòng quảng đại.


Lạy Chúa Giêsu , trong suốt cuộc lữ hành của Chúa trên các nẻo đường xứ Palestina, Chúa đã chọn và kêu gọi các tông đồ và đã trao cho các ngài nhiệm vụ rao giảng Phúc Am, chăn dắt các tín hữu, cử hành Phụng Tự, hôm nay xin Chúa cũng làm cho Hội Thánh của Chúa không thiếu vắng những Linh Mục thánh thiện, để mang đến cho mọi người hoa quả của sự chết và sống lại của Chúa."


(Gioan Phaolô II, Sứ Điệp ngày Thế giới cầu cho Ơn Gọi năm 2001 )


Bài giảng chiều:  CHÂN TÍNH CỦA LINH MỤC


"Chúng ta biết rằng: Với những ai yêu mến Thiên Chúa, thì Người đồng công cộng tác biến mọi sự nên lành, tức là những ai đã được Người kêu gọi theo ý định của Ngươi. Vì chưng những ai Người đã biết đến từ trước, thì Người cũng đã tiền định cho họ được nên đồng hình đồng dạng với hình ảnh Con của Người, để Ngài nên trưởng tử giữa một đoàn em đông đúc. Còn những ai Người đã tiền định, thì Người cũng đã kêu gọi; và những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng đã giải án tuyên công; những ai Người đã giải án tuyên công, thì Người cũng đã tuyên công"(Roma 8,28-30).


Đời người là một ơn gọi ( Đức Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 15) Khi hòan tất công trình tạo dựng, Thiên Chúa nhìn ngắm con người và Chúa thấy rằng "Nầy tốt lành quá đổi" (Khởi Nguyên 1,31). Thiên Chúa đã tạo dựng nó "theo hình ảnh của Người và giống như Người". Chúa lại còn giao phó vũ trụ trong tay con người và mời gọi nó giữ một liên quan tình yêu mật thiết với Người.


Mọi ơn gọi bắt nguồn từ dự định của Thiên Chúa vẫn giữ kín từ muôn thuở, được tỏ bày trong thời gian khi Chúa gọi chúng ta vào đời và nhất là qua Con Một Thiên Chúa làm người: "Người đã chọn ta trong Ngài (Chúa Kitô) từ trước tạo thiên lập địa , để ta được nên thánh và vô tì tích trước mặt Người. Bởi yêu thương ta,Người đã tiền định cho ta được phúc làm con, nhờ Đức Giêsu Kitô, và vì Người, chiếu theo nhã ý của thánh chỉ Người" (Ephêsô 1,4-6). Đó là nền tảng căn nguyên của ơn gọi Kitô hữu.


"Phép Rửa Tội đưa chúng ta vào trong sự thánh thiện của Thiên Chúa nhờ được tháp nhập vào Chúa Kitô và được Chúa Thánh Thần cư ngụ..."(Gioan Phaolô II, Sứ Điệp ngày Thế Giới cầu cho ơn gọi,năm 2002,số 1).


Trong Hội Thánh, "dân được tuyển chọn làm sở hữu" (I Phêrô 2,9),mỗi tín hữu được kêu gọi thực thi sứ vụ riêng, tùy theo đặc sủng ( x. I Cor 12,4tt) do Chúa Thánh Thần ban cho: "Anh em là Thân Mình của Chúa Kitô, và ai theo phận nấy mà làm chi thể" (I Cor 12,27).


Như thế, mỗi đời người là một Ơn Gọi và mỗi tín hữu đều được mời gọi cộng tác vào việc xây dựng Hội Thánh. Thế nhưng Hội Thánh lại cần những thừa tác viên có chức thánh để bảo đảm thường xuyên sự hiện diện bí tích của Chúa Kitô Đấng Cứu Thế trong mọi lúc và mọi nơi ( Tông Huấn Christifideles Laici, số 55, để nhờ việc loan truyền Lời Chúa và cử hành Hy Tế Tạ Ơn và các Bí Tích khác, các ngài hướng dẫn các Cộng Đoàn Kitô hữu trên các nẻo đường đến sự sống đời đời (Gioan Phaolô II, Sứ Điệp ngày Thế Giới cầu cho Ơn Gọi năm 2001,số 3).


Do ơn gọi biệt lọai đã lãnh nhận, Linh Mục cũng được tiền định để trở nên "đồng hình đồng dạng với Con của Người" (Chúa Giêsu Kitô)'(Roma 8,29).


Công Đồng Vaticanô II đã trình bày rõ nét về ơn gọi nên thánh của Dân Thiên Chúa và chức Tư Tế cộng đồng:


"Chúa Kitô, Linh Mục Thượng Phẩm được chọn nơi lòai người" (x.Do Thái 5,1-5) để biến dân tộc mới thành một "vương quốc, thành những tư tế. (prêtres) cho Thiên Chúa và Cha Ngài" (Khải Huyền 1,6; x.5,1-5), Thật vậy, những ai đã lãnh nhận Phép Rửa Tội, nhờ sự tái sinh và xức dầu Thánh Thần, được cung hiến để trở thành chỗ ở thiêng liêng và một chức tư tế thánh, hầu qua mọi họat động của người Kitô hữu, dâng của lễ thiêng liêng và loan truyền những kỳ công của Đấng đã gọi họ từ nơi tăm tốiđến ánh sáng kỳ diệu của Ngài" (x. I Phêrô 2,4-10)


Công Đồng cũng đã trình bày cách mới mẻ về chức Giám Mục :


Thánh Công Đồng dạy rằng các Giám Mục do chính Chúa thiết lập (ex Divina Institutione) nối tiếp các Tông Đồ , làm những Mục Tử của Hội Thánh...(Lumen Gentium, số 20).


"Thánh Công Đồng dạy rằng, do việc tấn phong giám mục, các ngài nhận lãnh sự viên mãn của Bí Tích Truyền Chức Thánh (plenitudinem Sacramenti Ordinis), mà tập tục phụng vụ Giáo Hội và các Thánh Giáo Phụ gọi là chức linh mục tối cao (summum sacerdotium), nhận lãnh tòan vẹn tác vụ thánh. Việc tấn phong Giám Mục trao ban nhiệm vụ thánh hóa cũng như nhiệm vụ giảng dạy và cai quản; tuy nhiên, các nhiệm vụ ấy, do bản tính, chỉ có thể được thực thi trong sự hiệp thông với Thủ Lãnh của Giám Mục Đòan và các thành viên" (Lumen Gentium, số 21).


Còn chức Tư Tế Thừa Tác ( sacerdotium Ministeriale ) thì xem ra bị lấn át, lu mờ đi.


Công Đồng đã dành cho Giám Mục sự viên mãn của Bí Tích Truyền Chức Thánh, còn chỗ đứng và vai trò của Linh Mục trong Hội Thánh được coi là thứ yếu, phụ thuộc . Linh Mục là người cộng tác, trợ giúp và dụng cụ của hàng Giám mục :


"Linh Mục, không có quyền tư tế tối cao và phải tùy thuộc Giám Mục khi thi hành quyền bính, nhưng hiệp nhất với Giám Mục trong phẩm chức tư tế (dans la dignité sacerdotale); và do Bí Tích Truyền Chức Thánh, Linh Mục được cung hiến theo hình ảnh Chúa Kitô Tư Tế Thượng Phẩm và Vĩnh Cửu ( x. Do Thái 5,1-10; 7,24; 9,11-28), để rao giảng Phúc Am, làm mục tử chăn dắt các tín hữu và cử hành việc phụng tự với tư cách là tư tế đích thực của Tân Ước ... Linh Mục là cộng tác viên khôn ngoan của hàng Giám Mục, là trợ tá và dụng cụ của hàng Giám Mục để phục vụ dân Chúa" (x.Lumen Gentium, số 28) .


Đối với hàng Giám Mục thì Linh Mục là trợ tá, phụ thuộc Giám Mục; còn với Giáo dân thì Linh Mục được đặt lên để phục vụ: "Chức linh mục cộng đồng của các tín hữu và chức linh mục thừa tác hay phẩm trật, tuy khác nhau không chỉ về cấp bậc mà còn về bản chất, song cả hai bổ túc cho nhau. Thật vậy, cả hai đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô, theo cách thức riêng của mình.. Linh Mục Thừa Tác, nhờ quyền do Chúc Thánh, đào tạo và cai quản dân tư tế, đóng vai Chúa Kitô (in persona Christi) cử hành Hy Tế Tạ Ơn và dâng Hy Tế ấy lên Thiên Chúa nhân danh toàn thể dân Chúa" (Lumen Gentium, số 10).


Đức Hồng Y Cormack Murphy O Connor đã phát biểu như sau: "Sau Công Đồng Vaticanô II, căn tính của Linh Mục đã bị bỏ lửng giữa hai mối liên hệ nêu trên", một bên Linh Mục với Giám Mục và một bên Linh Mục với giáo dân (Bài giảng tại Malta, ngày 21.10.2004).



Cuộc khủng hỏang về căn tính của Linh Mục cũng bắt đầu thời hậu Công Đồng, đã được nêu lên trong Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới năm 1990. Đánh mất căn tính của Linh Mục thì cũng làm lu mờ sự khác biệt giữa chức Tư Tế thừa tác với chức Tư Tế cộng đồng của các tín hữu cho đến nỗi có nhiều người không hiểu có sự khác biệt nào giữa hai kiểu tham dự chức Tư Tế hoặc , nếu có hiểu thì cũng hiểu sai lạc, cho răng đó chỉ là sự khác biệt về cấp bậc, điều đó hòan tòan trái ngược với giáo huấn của Công Đồng (x.Lumen Gentium, số 10). Nếu bỏ đi hoặc hiểu sai sự phân biệt nầy, thì người ta bị lạc hướng: tục hóa giáo sĩ (laiciser le clergé) hoặc giáo sĩ hóa giáo dân (cléricaliser les laics). Đánh mất sự phân biệt giữa Mục Tử với Đàn chiên sẽ kéo đến một trong hai sai lạc sau đây: hoặc tất cả là Mục Tử hoặc tất cả là những con chiên. Hay có thể qui về một sai lạc duy nhất: không ai biết vai trò riêng biệt của mình là thế nào ( Michael Hull, l' Identità sacerdotale e il pericolo del democraticismo, 28.4.2004).


Đứng trước cuộc khủng hỏang trong đó nhiều người gợi ý lọai bỏ hẳn "chức tư tế" và chỉ nói đến "tác vụ linh mục", Đức Thánh Cha cương quyết và kiên nhẫn bảo vệ "chức tư tế" Những Búc Thư gởi cho các Linh Mục ngày Thứ Năm Tuần Thánh từ năm 1979 làm thành một sản nghiệp tông đồ, một lọai chúc thư linh mục của Đức Gioan Phaolô II. (x. Mgr Juan Esquerda Biffet, Conférence à Malta , 20.10.2004). Trong Thư gởi các Linh Mục ngày Thứ Năm Tuần Thánh 1979, Ngài viết: "Chức tư tế phổ quát của các tín hữu và chức tư tế thừa tác và phẩm trật, khác nhau về yếu tính chớ không chỉ khác nhau về cấp bậc, nhưng ca hai đều qui hứong về nhau. Cả hai , theo thể thức riêng, đều tham dự Chức Tư Tế Duy Nhất của của Chúa Kitô. Tư Tế thừa tác, do quyền thánh chức, đào luyện và hướng dẫn dân tư tế, cử hành Hy Tế Tạ Ơn in persona Christi (số 3)


Quyền do thánh chức để đào tạo và hướng dẫn dân Chúa, cử hành các Bí Tích, nhất la Bí Tích Thánh Thể làm cho chức tư tế của Linh Mục được gọi là chức tư tế phẩm trật.


Về ý nghĩa của mối tương quan giữa chức tư tế phẩm trật và chức tư tế cộng đồng của các tín hữu: "Nếu giữa 2 chức tư tế có một sự khác biệt cốt yếu chớ không chỉ về cấp bậc, đó là do Chức Tư Tế phong phú hòan hảo của chính Chúa Kitô, là Nguồn Duy Nhất và Trung Tâm cho các tín hữu đã chịu Phép Rửa được tham dự theo cách riêng của mình và cho linh mục chúng ta tham dự cách khác do một Bí Tích riêng biệt , tức là do Bí Tích Truyền Chức Thánh..."


"Bí Tích riêng biệt đó không những là kết quả của ơn gọi riêng biệt dành cho chúng ta mà còn là nền tảng của căn tính của chúng ta".


"Do đó, chức tư tế của chúng ta do BT Truyền Chức vừa là tư tế phẩm trật vừa là tư tế thừa tác. Thật vậy chức tư tế nầy tạo nên một tác vụ đặc biệt (peculiare ministerium ),là phục vụ cộng đồng tín hữu. Nhưng nó không phát xuất bởi cộng đồng như được chính cộng đồng mời gọi và ủy thác. Thật ra nó chính là hồng ân phát xuất từ Chúa Kitô, từ sự sung mãn của Chức Tư Tế của Người, để ban ơn ích cho cộng đòan. Sự sung mãn nầy là Chúa Kitô vừa làm cho mọi người trở nên xứng đáng dâng của lễ thiêng liêng vừa kêu gọi và cắt đặt những thừa tác viên cử hành Hy Tế Bí Tích của Người, tức là Hy Tế Thánh Thể mà mọi tín hữu tham dự và kết hợp vào Hy Tế đó các của lễ thiêng liêng củaDân Chúa"( số 4).


3.Cuối cùng, để giúp chúng ta phân biệt chức Tư Tế Thừa Tác với chức Tư Tế Cộng Đồng của các tín hữu, Đức Thánh Cha xác định: "Vì là người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa, Linh Mục phục vụ chức Tư Tế cộng đồng của các tín hữu"(Dono e Mistero, trang 90).


"Nếu Công Đồng Vaticanô II nói về ơn gọi nên thánh "phổ quát"(universale vocazione alla santità), Đức Thánh Cha viết, thì trong trường hợp của Linh Mục cần phải nói về một ơn gọi nên thánh biệt lọai (speciale vocazione alla santità). Chúa Kitô cần đến những Linh Mục thánh thiện ! Thế giới hôm nay đòi những Linh Mục thánh thiện. Chỉ Linh Mục thánh thiện mới có thể trở thành một chứng nhân trong sáng của Chúa Kitô và của Phúc Am trong một thế giới ngày càng bị thế tục hóa hơn. Chỉ như thế Linh Mục mới có thể làm người lãnh đạo người khác và thầy dạy nên thánh" (Dono e Mistero, trang 101).


Và để kết thúc , chúng ta hãy đọc lại lời của Đức Thánh Cha gởi các Linh Mục :


"Trước hết tôi muốn nói lên lòng tin của tôi vào ơn gọi đã liên kết Anh Em với Giám Mục của mình trong sự hiệp thông đặc biệt của Bí Tích và của Tác Vụ, nhờ đó Giáo Hội Nhiệm Thể của Chúa Kitô được xây dựng. Ngay từ giây phút Chúa gọi tôi lên ngai tòa nầy mà xưa kia Thánh Phêrô Tông Đồ đã dùng đời sống va cái chết của mình để đáp lại câu hỏi của Chúa: "Con có mến Thầy hơn những người nầy không ? Con có thương Thầy không ? (Gioan 21,15-17), từ giây phút đó tư tưởng và tâm trí tôi hướng về tất cả Anh Em, là những người, do hồng ân đặc biệt và do sự tận hiến tòan thân cho Chúa Cứu Thế, đang mang lấy gánh nặng của ngày và của nóng bức (Matthêu 20,12), trong lúc thi hành những nhiệm vụ linh mục và công tác mục vụ.


Tôi không ngừng nghĩ tới Anh Em, cầu nguyện cho Anh Em, cùng với Anh Em tôi đi tìm những con đường dẫn tới hiệp nhất thiêng liêng và công việc trợ giúp , bởi vì do Bí Tích Truyền Chức Thánh, mà chính tôi cũng đã lãnh nhận do tay của Giám Mục của tôi, (Đức Hồng Y Adam Stephan Sapieha, Tổng Giám Mục Cracovia),Anh Em là những anh em của tôi" ( Thư gởi các Linh Mục Thứ Năm Tuần Thánh 1979, số 1).


NGÀY THỨ HAI: LINH MỤC VÀ MẦU NHIỆM THÁNH THỂ


Bài giảng buổi sáng: Phục Vụ Mầu Nhiệm Thánh Thể


1. "Tôi truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã chịu lấy nơi Chúa. Đó là Chúa Giêsu, trong đêm Người bị nộp, đã cầm lấy Bánh, và tạ ơn xong, bẻ ra và nói:Nầy là Mình Ta , vì các ngươi, hãy làm sự nầy mà nhớ đến Ta. Cũng vậy về chén, sau khi dùng bữa tối xong, Người nói: Chén nầy là Giao Ước mới trong Máu Ta, các ngươi hãy làm sự nầy mỗi khi uống, mà nhớ đến Ta"(I Cor 11,23-25).


Chúa Giêsu đến trần gian để tái tạo mọi sự và qui tụ tất cả trong vương quốc của Người. Đó là kế họach của Thiên Chúa Cha từ trước khi tạo thành vạn vật, được Chúa Giêsu Kitô mạc khải cho chúng ta: "Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến đỗi ban Nguời Con Một, để bất cứ ai tin vào Người Con ấy thì khỏi phải hư đi, nhưng được có sự sống đời đời" (Gioan 3,16).


Trong thần học của Thánh Phaolô: "Thiên Chúa Cha đã chọn chúng ta trong Đức Kitô, từ trước tạo thiên lập địa...Bởi lòng yêu mến, Chúa đã tiền định cho ta được phúc làm con, nhờ Đức Giêsu Kitô" (Ephêsô 1,4-5 ).


Nơi khác, ngài nói với các tín hữu thành Colossê: "Chính Thiên Chúa là Đấng đã kéo anh em ra khỏi quyền lực tối tăm và chuyển anh em vào nước của Con Chí Ai của Ngài, trong Người Con ấy ta có ơn cứu chuộc, ơn tha tội" (Colossê 1,13)


Chúa Giêsu đã thực hiện kế họach của Chúa Cha, nhất là bằng hy sinh chết trên thập giá: "Như Môisen giương cao con rắn trong hoang địa, Con Người cũng phải bị giương cao như vậy, ngõ hầu kẻ nào tin thì nhờ Ngài mà được sự sống đời đời" (Gioan 3,14-15). Nơi khác Chúa Giêsu quả quyết: "Còn Ta, khi nào Ta được giương cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lại với Ta"(Gioan 12,32).


Trong suy tư của Thánh Phaolô: "Thiên Chúa đã quyết ý cho tất cả Viên mãn đậu lại trong Người (Chúa Kitô), và đã giảng hòa cả vạn vật nhờ Người và cho Người, đã ban lại bình an nhờ máu Người đổ ra nơi Thập Giá của Người..."(Colossê 1,19-20).

1081    19-02-2011 03:18:55