Sidebar

Thứ Hai
29.04.2024

Tĩnh Tâm Linh Mục_2005_Đức Cha Tôma


GIẢNG TĨNH TÂM LINH MỤC 2005

CHÚA GIÊSU, SỨ GIẢ TIN MỪNG

"Hãy làm sống lại ơn Chúa mà bạn đã lãnh nhận qua việc đặt tay"

(2 Tim 1,6)


Bài 1. CUỘC GẶP GỠ ĐỔI ĐỜI (Gioan 1,35-51)

1. "Các bạn tìm kiếm gì?"

Các chứng từ: Phúc Âm thứ tư trình bày cho chúng ta trước tiên chứng từ của Gioan Tẩy giả: Gioan công khai xác nhận mình không phải là Đấng Kitô, nhưng một cách khiêm tốn nhìn nhận mình chỉ là tiếng kêu trong sa mạc bảo phải dọn đường cho Chúa. Rồi khi thấy Chúa Giêsu đến với mình, thì không ngần ngại giới thiệu (cho đám dân chúng đến để nghe Gioan và xin nhận phép rửa thống hối): " Đây là chiên Thiên Chúa, đây Đấng gánh tội trần gian ..." (1,29). Gioan còn làm chứng: " Tôi đã trông thấy Thánh Thần như chim câu từ trời xuống và đậu lại trên Người" Đấng sai tôi đến làm phép rửa trong nước đã nói với tôi: Ngươi thấy Thánh Thần đáp xuống và đậu lại trên ai, thì chính là Đấng thanh tẩy trong Thánh Thần. Và tôi đã xem thấy, và đoan chứng: Chính Ngài là Con Thiên Chúa " (1,32-34). Hôm sau nữa Chúa Giêsu quay trở lại nơi Gioan đã làm phép rửa cho Người. Để làm gì ? PÂ kể lại: Gioan đang đứng đó với hai môn đệ của ông. Ông nhìn về phía Chúa Giêsu đang đi ngang qua mà nói: " Đây là Chiên Thiên Chúa " .

Hai môn đệ đã nghe lời Gioan nói và đi theo Chúa Giêsu. Quay lại và thấy họ đi theo mình, Chúa Giêsu nói với họ: " Các bạn tìm kiếm gì? Đây là lời đầu tiên của Chúa Giêsu trong PÂ thứ tư, lời mang nhiều ý nghĩa. Hai môn đệ của Gioan bất ngờ nghe giới thiệu ông Giêsu Nazareth như Đấng Messia, có thể vì tò mò, quyết định đi theo xa xa, e dè lúng túng, cho tời khi Người quay lại hỏi họ " Các bạn tìm kiếm gì? " Những lời nầy làm cho họ hết do dự, nhưng thêm bạo dạn, mở đầu cho cuộc đối thoại dẫn tới cuộc mạo hiểm của các môn đồ đầu tiên. Thay vì trả lời, họ thưa lại: " Thưa Thầy, Thầy ở đâu?" Chúa Giêsu đáp lại bằng một lời mời gọi: " Hãy đến mà xem " .

Cuộc gặp gỡ, tuy chỉ được mô tả cách vắn gọn, nhưng gây ngạc nhiên, phát họa bước đầu của mọi hành trình đức tin. Chính Chúa Giêsu có sáng kiến quay trở lại nơi Gioan làm phép rửa, để được giới thiệu và để gặp gỡ hai người môn đệ nầy. Người biết rõ mỗi người chúng ta và yêu thương chúng ta trước (x. 1 Gioan 4,10). Không phải chúng ta đi tìm Người, nhưng chính Người tìm đến chúng ta. Người tạo cơ hội cho ta được gặp gỡ và nâng đỡ ý chí của chúng ta. Điều căn bản của cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu là gì ? không phải là nhắm tới một lợi lộc nào đó , nhưng tiếp xúc với Đấng Hằng Sống, là Đấng có những dự định, những đề nghị cho mỗi người trong kế hoạch của Người. Người Kitô hữu không phải là những môn sinh của một hệ thống triết học, nhưng họ là những con người, nhờ đức tin, sống kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Kitô (x.1 Gioan 1,14).


2. " Họ đã đến và xem nơi Người ở, và ở lại bên Người "

PÂ thứ tư không ghi lại chi tiết nào khác, không cho biết họ đã nghe Chúa nói gì và cũng không cho biết họ đã thưa với Người những điều gì, không bảo cho biết họ có xin được làm môn đệ của Người hay đã được Người mời gọi làm môn đệ của Người. Điều quan trọng là họ đã theo lời giới thiệu của Gioan, và đáp lại lời mời gọi của Người: Họ đã đến xem và ở lại bên Người. Chính họ đã gặp gỡ Người. Và cuộc gặp gỡ nầy đã đặt họ trong một tương quan mới với Chúa Giêsu. Các ông đã nhờ Gioan giới thiệu, mà đi gặp Người, thì cuộc gặp gỡ cũng làm cho các ông trở thành người giới thiệu Chúa cho người khác. Anrê, em của Simon Phêrô, là một trong hai người đã nghe lời Gioan mà đi theo Người, ông gặp anh mình trước hết, thì nói: " Chúng tôi đã gặp Đức Messia " rồi đưa Simon đến với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã nhận Simon làm môn đồ của mình khi Người nhìn ông mà nói " Ngươi là Simon, con của Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Đá " .

Hôm sau Chúa Giêsu đi Galilêa và gặp Philipphê, Người nói với ông: " Hãy theo Ta! " Philipphê đi gặp Nathanael và bảo: " Đấng mà Môisen và các Tiên tri đã nói đến, chúng tôi đã gặp rồi: đó là Đức Giêsu, con của Giuse, người Nazareth " .


Nathanael đáp lại: "Tự Nazareth, thì có thể xảy ra gì tốt được " . Philipphê bảo: " Hãy đến mà xem! " Cuộc gặp gở của Nathanael dài dòng hơn. Chúa Giêsu thấy Nathanael đến với mình, thì nói về ông: " Nầy đây đích thật một người Israel , trong mình không có gian dối. Nathanael thưa: " Bởi đâu Ngài biết tôi?" Đức Giêsu trả lời: " Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi ở dưới cây vả, Ta đã thấy ngươi". Sự kiên nhẫn của Chúa Giêsu đã đưa Nathanael đến thái độ khác : " Rabbi (Thưa Thầy), Ngài là Con Thiên Chúa, Ngài là Vua Israel " . Như thế, Nathanael đã tin điều Philipphê nói với ông trước đó. Tin vì đã gặp gỡ và nhờ được giới thiệu.


3. Đây là Chiên Thiên Chúa. Điều gì thật quan trọng trong cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với các môn đồ đầu tiên nầy ?

Đi từ chứng từ của Gioan Tẩy giả đến chứng từ của các môn đệ, ta nhận thấy lập đi lập lại " Nầy là Chiên Thiên Chúa " (1,29.36), " Chính Ngài là Con Thiên Chúa " (1,34), "Chúng tôi đã gặp Đấng Messia " (1,41), " Ngài là Con Thiên Chúa, là Vua Israel " (1,49). Đó là những tước hiệu của Đức Messia. Và mặc dầu đức tin vào Chúa Giêsu Kitô của các ông nói được là còn non yếu, nhưng nó chính là động lực nối kết các ông với Chúa Giêsu. Nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa Cha, sự kiên nhẫn cảm hóa và chinh phục của Chúa Giêsu, các ông sẽ dần dần thắt chặt mối tương quan với Người.

Chúng ta cũng được mời gọi xem xét những cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa Giêsu trong các giờ Kinh nguyện, giờ suy gẫm hàng ngày, cử hành Thánh Lễ, Viếng Chúa, Ban các Bí Tích, Lần Chuỗi, Lắng nghe giáo huấn của Hội Thánh . Rồi sau đó chúng ta nói với người khác về Chúa như thế nào .

Đức Hồng Y Bernadin Gantin, được tấn phong Hồng Y một trật với Đức Bênêđitô XVI, ngày 27.6.1977, làm Tổng Trưởng Thánh Bộ Giám Mục cho đến 1998, làm niên trưởng Hồng Y Đoàn đến 2002, về hưu tại Bénin, khi được hỏi Ngài có dịp nào nói chuyện với Đức Bênêđitô XVI về Châu Phi không? Ngài đáp: Nếu Chúa muốn và nếu sức khoẻ của tôi cho phép, tôi sẽ sang Roma, như tôi mong ước, để gặp Đức Giáo Hoàng. Mà không phải để nói nhưng để lắng nghe: Chính Ngài là người thay mặt Chúa Kitô, Đấng có những lời ban sự sống đời đời. Chính Ngài là Hiền Phụ và là vị Mục Tử của Hội Thánh Công Giáo hoàn vũ.Từ xứ Bénin xa xôi nầy, chúng tôi luôn luôn cố gắng đọc những bài giảng và các Diễn từ của Ngài: Đó là những vì sao chiếu sáng trong đêm đen, thế giới của chúng ta hôm nay như bị nhận chìm trong đó. (Tập San 30 Jours, số 6/7-2006, trang 18).


Bài 2. TUYỂN CHỌN VÀ

THÀNH LẬP NHÓM MƯỜI HAI

"Và Người lên núi và kêu đến những kẻ Người muốn. Và họ đến với Người. Người đã đặt một Nhóm Mười Hai, để họ ở với Người và để Người sai đi rao giảng, Và Người ban cho họ quyền chữa lành các bệnh tật, xua trừ ma quỉ. Và Người đặt cho Simon tên gọi Phêrô,và Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan em của Giacôbê, Người đặt cho các ông tên Boanergès, nghĩa là con của sấm sét, Anrê và Philipphê, Bartôlômêô và Matthêu, Tôma và Tađêô, Simon nhiệt thành và Giuđa Iscariot, kẻ nộp Người " (Marcô 3,13-19).


1. Tuyển chọn các Tông đồ.

"Rồi Người lên núi " . Chúa Giêsu rời khỏi đám đông, đi lên núi. Cũng như Môisen để dân chúng ở lại dưới chân núi, một mình lên với Chúa trên đỉnh núi để lãnh mệnh lệnh của Thiên Chúa, là chuẩn bị con cái Israel đón nhận Giao Ước của Thiên Chúa ( Xuất Hành 19,3-6.12), Chúa Giêsu lên núi để thực hiện một việc quan trọng.

"Người kêu đến với Người những kẻ mà Người muốn " , Người vốn biết rõ bản thân họ, như việc Chúa đặt tên Kêpha cho Simon, con của sấm sét cho hai anh em Giacôbê và Gioan. Và bằng tình yêu thương nhưng không, Người gọi tên từng người, biểu hiện một tương quan riêng biệt với người được gọi " Ta biết Ta đã chọn ai " (Gioan 13,18), Người tuyển chọn và tách họ ra khỏi đám đông, cất nhắc họ lên để họ nên bạn hữu của Người, rồi có thể làm sứ giả, làm người cộng tác vào công trình của Người .


"Và họ đến với Người " . Những người được gọi tên có tự do để đáp trả, ưng nhận và đến với Người. Biết chắc rằng bản thân mình được Chúa trực tiếp kêu mời, được ưu ái như thế nên cứ tin tưởng bước tới, không do dự vì nghĩ đến những khuyết điểm của mình. Giuđa cũng được yêu thương, được gọi đích danh như mười một người kia. Nhưng anh đã không cảm nhận tình yêu của Chúa, anh bị lòng tham muốn tiền của chi phối quá mạnh, rồi liều lĩnh nộp Thầy để được tiền. Anh đã lạm dụng tình yêu của Người, lạm dụng tự do.


2. Người đã đặt một Nhóm Mười Hai .

Nhóm Mười Hai nhắc ta nhớ đến mười hai người con của Giacob, sau cuộc giải phóng khỏi đất Ai cập trở thành mười hai chi tộc, nhờ Giao Ước Sinai trở thành đoàn dân được tuyển chọn của Thiên Chúa.

Cho dầu việc rao giảng của Chúa Giêsu luôn luôn là một lời mời gọi hoán cải bản thân của mỗi người (Marcô 1,15), Người không ngừng nhắm tới việc thành lập Đoàn Dân của Thiên Chúa, mà Người đến để qui tụ và cứu chuộc. Việc thiết lập Nhóm Mười Hai là dấu chỉ hiển nhiên nhất ý định của Chúa Giêsu là qui tụ cộng đoàn giao ước: Mười Hai Tông Đồ sẽ cùng với Người làm chứng nhân và người loan báo Nước Thiên Chúa. " Người đã đặt một Nhóm Mười Hai, để họ ở với Người và để Người sai đi rao giảng " (3,14). Người đã đến chính là để hợp nhất nhân loại đã bị phân tán, để qui tụ, để kết hợp dân Thiên Chúa. . . Hệ thống mười hai chi tộc đã biến dạng từ lâu, nhưng Israel vẫn nuôi hy vọng có ngày tái lập hệ thống nầy như dấu chỉ của thời cánh chung (xem Ezéchiel 37,15-19; 39,23-29; 40-48). Khi tuyển chọn 12 Tông đồ, dẫn họ vào sống hiệp thông với Người và cho họ tham dự vào sứ vụ loan báo Nước Thiên Chúa bằng lời giảng và bằng hành động (xem Marcô 6,7-13; Mt 10,5-8; Luca 9,1-6; 6,13), Chúa Giêsu muốn nói lên rằng thời điểm quyết định để tái lập dân Chúa đã đến, và thay cho đoàn dân gồm 12 chi tộc thì nay là một đoàn dân phổ quát, là chính Hội Thánh (xem Bài Giáo Lý của Đức Bênêđitô XVI, trong buổi tiếp kiến chung ngày 15.3.2006, Osserv.Romano 21.3.2006, trang 12).


3. " Người đặt một Nhóm Mười Hai để họ ở với Người " .

Nhóm Mười Hai là tên của cộng đoàn tiên khởi được thiết lập để sống thông hiệp với Chúa Giêsu, bắt đầu nhận biết Người qua Lời Người giảng dạy cũng như qua các việc Người làm. Các ông chắc phải hãnh diện được qui tụ chung quanh Chúa Giêsu, được nghe những lời tán tụng của đám đông: " Mọi sự, Ngài đã làm cách hoàn hảo; Ngài làm cho kẻ điếc được nghe, và những người câm được nói " (Marcô 7,37); rồi cũng nghe các người Biệt phái và Luật sĩ dò xét, chỉ trích: " Vì lẽ gì mà môn đồ của Ngài không noi theo tập tục của tiền nhân, không rửa tay trước khi dùng bữa " (7,1-5).

Chúa Giêsu muốn có Nhóm Mười Hai ở với Người: " Hãy ở lại trong Thầy và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho không thể tự mình sinh hoa hoa trái, nếu không gắn liền với thân nho, các con cũng vậy, nếu không lưu lại trong Thầy " (Gioan 15,4). Dần dần các ngài cũng thấy cần phải như vậy. Sau khi Chúa Giêsu lên trời, các ngài lại họp nhau trong Phòng Tiệc Ly, cùng nhau cầu nguyện, cùng với các phụ nữ, có Đức Maria Mẹ Chúa Giêsu và các anh em Người - Đó là cộng đoàn bé nhỏ của Hội Thánh ban đầu (Gioan 13,33) - Phêrô thi hành sứ vụ của người lãnh đạo, đứng lên giữa các anh em (các tín hữu) nói về việc phải có người khác đảm nhận chức vụ của Giuđa kẻ phản bội đã chết: " Vậy trong hàng những người đã cùng đi với chúng tôi, suốt cả thời gian Chúa Giêsu đã ra vào giữa chúng tôi, khởi từ lúc Gioan thanh tẩy, cho đến ngày Chúa Giêsu được cất khỏi chúng tôi, phải chọn thêm một người để cùng với chúng tôi làm chứng cho sự sống lại của Người " (Tđcv 1,21-22).

Cần phải ở với Chúa Giêsu, ở với nhau, tức là sống thông hiệp với Chúa Giêsu, với nhau. Trở nên bạn hữu của Người: " Ta không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ mình làm, Ta đã gọi các con là bạn hữu, vì mọi điều Ta đã nghe nơi Cha Ta, Ta đã tỏ cho các con biết " (Gioan 15,15). Để thông hiệp với Chúa Giêsu, thì phải tin nhận Người là Mục Tử tốt, thí mạng sống mình vì chiên (Gioan 10,11), như lệnh truyền Người đã lãnh nhận nơi Cha (Gioan 10,18), Chúa Giêsu nói: " Và Ta, khi nào Ta được treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi ngượi đến với Ta " (Gioan 12,32). Người phải chết thay cho cả dân tộc, và không chỉ thay cho dân tộc mà thôi, nhưng còn để thu họp con cái Thiên Chúa tản mác về lại làm một mối (x.Gioan 11,52). Sống thông hiệp với Chúa Giêsu, thì sẽ yêu mến Người: " Như Cha yêu mến Ta, Ta cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong lòng yêu mến của Ta. Nếu các con giữ các lệnh truyền của Ta, các con sẽ ở lại trong lòng yêu mến của Ta ". Đó lại là nguồn thông hiệp với nhau ".... Nầy là lệnh truyền của Ta: các con hãy yêu mến nhau như Ta đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn là thí mạng sống mình vì bạn hữu. Các con là bạn hữu của Ta, nếu các con làm điều Ta truyền dạy các con " (Gioan 15,9-14).

Trong Thư Mục Vụ đầu tiên gởi cho mọi thành phần Tổng Giáo Phận Krakow năm 1979, Đức Hồng Y Franciszek Macharsky đã viết: " Anh em đừng sợ, chúng ta có nhau! Và nhất là, tôi muốn nói với anh em: can đảm lên, bởi vì chúng ta không đơn độc! Bên cạnh chúng ta có Chúa Cha vĩnh cửu luôn thương mến chúng ta, Đấng cùng với Con của Ngài ban Thánh Thần cho chúng ta, và nhờ Thánh Thần, chúng ta có thể mở lòng chúng ta ra và kêu lên với niềm tin: Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa, nhờ lời cầu bàu của Đức Maria, Mẹ chí thánh của Người " .


Bài 3. HỘI THÁNH CỦA CHÚA KITÔ: CỘNG ĐOÀN HIỆP THÔNG

"Và Người đã đến loan báo Tin Mừng bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Vì chính nhờ Người mà chúng ta đôi bên, trong một Thánh Thần, được đến cùng Cha. Vậy nên anh em không còn là người xa lạ, là khách kiều cư, mà là những người đồng hương với các thánh, và là người nhà của Thiên Chúa, được xây dựng trên nền móng là các Tông đồ và các Tiên Tri (chứng nhân của Tân Ước), mà Đỉnh góc là chính Đức Kitô Giêsu. Trong Người, tất cả tòa nhà đều ăn khớp với nhau, vươn lên làm thánh điện trong Chúa " (Ephêsô 2,17-21).

Chúa Giêsu đến trần gian để qui tụ và cứu chuộc nhân loại " Người chết thay cho cả dân tộc, và không chỉ thay cho dân tộc mà thôi, nhưng còn để thu họp con cái Thiên Chúa về lại làm một " (x.Gioan 11,51-52), nghĩa là để thực hiện ý định của Thiên Chúa Cha nhằm cứu chuộc muôn dân, gầy dựng dân mới của Thiên Chúa. Trong thần học củaThánh Phaolô, công trình cứu chuộc là công trình xây dựng nhà Thiên Chúa.


1. Hội Thánh là Tòa Nhà hiệp thông .

Từ ngữ " tòa nhà " được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau: có thể là một nơi, nơi Chúa hiện diện, nơi thờ phượng (Sáng Thế 28,17), đền thờ, nhà của Thiên Chúa (2 Samuel 12,20; 1 Vua 6,1-2); có thể chỉ gia đình (Sáng Thế 7,1:TC phán với Noe: ngươi và cả nhà của ngươi ), miêu duệ, nhà David; dân tộc, nhà Israel (Tv 113b,9 ;113a,1).

Thiên Chúa không chỉ ban cho con người một gia đình tự nhiên và một nơi trú ẩn vật chất, Ngài còn muốn đưa họ vào nhà của Ngài, không chỉ như tôi tớ, nhưng là con cái. Vì thế, sau khi đã cư ngụ giữa Israel - trong Đền Thờ - Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài đến thiết lập một nơi trú ẩn thiêng liêng xây lên bằng những viên đá sống động (1 Phêrô 2,4-10), và rộng mở đón nhận hết mọi người .


Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người, hiện diện, qui tụ đám dân chúng, giảng dạy và chữa lành các bệnh tật của họ, tuyển chọn và thiết lập Nhóm Mười Hai để ở với Người và để Người sẽ sai đi, chính Người là Đền Thờ, là nhà của Thiên Chúa. Chúa Giêsu lên Jerusalem để dự lễ Vượt Qua của người Do Thái. Thấy cảnh người ta buôn bán bò, chiên và chim câu, cảnh người đổi tiền trong Đền Thờ, ồn ào hỗn độn, Người lấy dây thừng làm roi mà xua đuổi hết thảy ra khỏi Đền Thờ và bảo: " Hãy cất khỏi đây các vật ấy, đừng biến Nhà Cha Ta thành một cái chợ " (Gioan 2,16). Người Do Thái lên tiếng nói với Người: "Ông có dấu nào tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như vậy? " Chúa Giêsu đáp lại: " Phá Đền Thờ nầy đi! Và trong ba ngày Ta sẽ dựng lại ... Người nói về Đền Thờ thân mình Người " ( Gioan 2,18.19.21). Thật vậy, Thân xác phục sinh của Chúa Kitô mới làm trọn ý nghĩa Đền Thờ: Thiên Chúa hiện diện (1,14; 7,37-39), trung tâm thờ phượng trong tinh thần và trong chân lý (4,21-23).


2. Hội Thánh cũng được gọi là một tòa nhà được " xây dựng trên nền tảng các Tông đồ và các Tiên tri, có chính Chúa Giêsu Kitô là viên đá góc " (Ephêsô 2,20). Cũng một cách tương tự, Sách Khải Huyền diễn tả Hội Thánh, Jerusalem mới, như thành thánh, " Các tường thành đặt trên mười hai móng, trên các móng là mười hai tên của mười hai Tông đồ của Chiên ... Trong thành không có Điện thờ, vì Chúa, Thiên Chúa toàn năng, là Điện thờ của Thành, và Chiên Con " (Kh 21,14.22).


Các Tông đồ là những người được tuyển chọn để ở với Chúa Giêsu và để Người sai đi rao giảng (từ ngữ Hy lạp "Apostoloi " có nghĩa là nhừng người được sai đi, ta dịch là Tông đồ). Vì được gọi để làm sứ giả Phúc Am, không đơn giản như đi phổ biến một học thuyết, nhưng phải trở thành chứng nhân của một Con Người, nên trước khi được sai đi rao giảng , các ngài phải " ở với Chúa Giêsu " (Mc 3,14), phải thiết lập một liên hệ bản thân với Người. Việc rao giảng Phúc Am là loan báo điều các ngài đã sống và mời gọi vào sống hiệp thông với Chúa Kitô : " Điều từ thuở ban đầu đã có, điều chúng tôi đã từng nghe, điều chúng tôi đã từng thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, về lời sự sống (chỉ về Con Thiên Chúa, Đấng mà các Tông đồ đã được tiếp xúc thân mật ), và sự sống đã tỏ hiện, chúng tôi đã từng thấy và chúng tôi làm chứng cùng loan báo cho anh em sự sống đời đời ( 1 Gioan 1,1-2). Và để nói lên tầm quan trọng của việc làm chứng để thiết lập sự hiệp thông, Thánh Gioan nói tiếp: "Điều chúng tôi đã từng thấy và đã từng nghe, thì chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, ngõ hầu anh em được thông hiệp với chúng tôi! Nhưng sự thông hiệp của ta là thông hiệp với Cha và với Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô " (1 Gioan 1,3).


Sống thông hiệp với Thiên Chúa và thông hiệp với nhau là cứu cánh riêng biệt của việc rao giảng Phúc Am, của việc hoán cải và gia nhập Kitô giáo. Thông hiệp với Thiên Chúa và thông hiệp với nhau là hai điều không thể tách rời nhau.


3. " Chúa Giêsu Kitô là Viên Đá góc "


Viên đá góc có tầm quan trọng đặc biệt, được đặt ở góc của tòa nhà để giữ hai bức tường lại với nhau cho khỏi đổ. Viên đá góc chỉ những nhân vật quan trọng. Chúa Giêsu Kitô là " viên đá bị thợ xây loại bỏ, lại trở thành viên đá góc " (Mt 21,42). Người là Đấng qui tụ và thiết lập đoàn dân mới sống thông hiệp với Thiên Chúa trong Giao Ước Mới. Nhờ bửu huyết của Chúa Kitô đổ ra trên thập giá, nhờ sự chết của Người mọi ngăn cách bị xóa bỏ, làm cho những kẻ xưa kia ở xa, thì đã nên gần, làm cho mọi thành phần được hòa hợp với nhau: "Người làm cho đôi bên nên một " (Eph. 2,14) để không còn phân biệt lương dân hay giới cắt bì, nhưng đôi bên đã được tác tạo thành một người mới nơi chính bản thân Người, được giảng hòa với Thiên Chúa , rồi cũng " nhờ Người mà đôi bên được đến cùng Cha, trong một Thánh Thần" ( Ephêsô 2,18). Chúa Giêsu là viên Đá Góc, vì, theo lời Thánh Tông đồ, trong Người toàn thể tòa nhà ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh. Khi đó các tín hữu không còn phải là người xa lạ hay khách tạm trú, nhưng là người đồng hương với các thánh, là người nhà của Thiên Chúa (x. Eph. 2,19.21-22).


Để được thông hiệp với Cha, thông hiệp với nhau, phải hợp nhất với Chúa Giêsu và nhờ Chúa Giêsu: " Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta " (Gioan 14,11), và chính Người là đường dẫn đến Cha: " Thầy là đường,là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy " (Gioan 14,6) " Hãy ở lại trong Thầy và Thầy ở trong các con " (Gioan 15,4). Phải hợp nhất với Chúa không ngừng ngay cả trong đời sống mục vụ cũng như trong công tác tông đồ, vừa loan báo Đấng mình yêu mến, vừa mời gọi người khác vào sống hiệp thông với Người. Chính Người sai phái các Tông đồ , trước tiên đến với các chiên lạc nhà Israel để loan báo " Nước Trời đã gần bên " (Mt 10,5-7); sau cuộc khổ nạn và phục sinh, Người truyền cho các ông " Hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo " (Marcô 16,15), " Nhân danh Thầy phải rao giảng cho mọi dân tộc việc hối cải để được tha tội " ( Luca 24,47). Và Người còn là Tác nhân chính: " Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,20). Người là Emmanuel Mt 1,23).


4. Sứ vụ của các Tông đồ cũng là Sứ vụ của Chúa Giêsu


" Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con " (Gioan 20,21). Vâng theo mệnh lệnh của Người, họ ra đi " thâu nạp môn đồ khắp muôn dân " (Mt 28,19),và làm chứng tá của Người " Các con sẽ là chứng nhân về các điều ấy " (Luca 24,48), trong quyền lực của Chúa Thánh Thần (Tđcv 1,8), là ơn đầu tiên của Chúa Phục Sinh (Gioan 20,22).


Trong Tông huấn Kitô hữu giáo dân, ta đọc được giáo huấn rất minh bạch của Hội Thánh: " Mối dây kết hợp các thành phần trong dân mới với nhau" trước tiên là với Đức Kitô " không phải là những liên hệ theo xác thịt và máu huyết, nhưng là những liên hệ theo tinh thần, đúng hơn là trong Chúa Thánh Thần, mà mọi người đã được rửa tội đều lãnh nhận " .


"Từ thuở đời đời, Chúa Thánh Thần là mối dây kết hợp Ba Ngôi Duy Nhất và Bất Khả Phân Ly , và là Đấng khi thời viên mãn đến (Gal4,4), đã kết hợp cách bền vững bản tính nhân loại với Con Thiên Chúa; qua mọi thế hệ Kitô giáo cũng chính Chúa Thánh Thần làm nguồn mạch liên lĩ không bao giờ cạn của sự hiệp thông trong Hội Thánh " (Christifideles laici, 19).


Đứng trước những chia rẽ và những xung đột đang tha hóa những tương quan nhân bản, sự hiệp thông được nuôi dưỡng bằng Bánh Thánh Thể và được biểu lộ trong những tương quan huynh đệ, kéo chúng ta ra khỏi những cô độc. Đó là ân huệ quí báu làm cho chúng ta cảm thấy mình được đón nhận và được thương mến trong Chúa, giữa đoàn dân hợp nhất được qui tụ nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Sống hiệp thông là ánh sáng làm cho Hội Thánh rạng rỡ giữa các dân tộc (x. Bài Giáo Lý của Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI, trong buổi tiếp kiến chung ngày 29.3.2006)


Bài 4. THIẾT LẬP VÀ CỦNG CỐ HỘI THÁNH

Khi tuyển chọn các Tông đồ và thành lập Nhóm Mười Hai để ở với Chúa và để sai họ đi rao giảng, Chúa Giêsu đã bày tỏ ý định thiết lập một đoàn dân mới, một cộng đoàn hiệp thông với Chúa và hiệp thông với nhau. Bằng chính sự hiện hữu của cộng đoàn nầy, cộng đoàn gồm mười hai Tông đồ được gọi từ những thành phần khác nhau, Chúa mời gọi Israel hoán cải để được qui tụ trong Giao Ước Mới, là Giao Ước hoàn thiện Giao Ước cũ một cách sung mãn.


1. Đoàn Dân Mới trong Giao Ước Mới.


Thời gian ba năm đi với Chúa Giêsu là thời gian cần thiết cho Nhóm Mười Hai để tập sống thông hiệp với Chúa, thông hiệp với nhau. Thông hiệp với Chúa bằng niềm tin vào Chúa Giêsu, Đấng mà Chúa Cha sai đến, là Con Thiên Chúa: " Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống " (Mt 16,16). Sau khi tuyên xưng niềm tin nầy, Phêrô đón nhận lời hứa quan trọng của Chúa Giêsu: "Con là Đá và trên Đá nầy, Ta sẽ xây Hội Thánh của Ta " (Mt 16,18).


Tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Kitô quả thật là ơn của Chúa, như chính Chúa Giêsu đã nói với Phêrô: "không phải thịt máu mạc khải cho con, mà là Cha Ta, Đấng ngự trên trời " (Mt 16,17) hay như Thánh Phaolô: " không ai có thể nói: Giêsu là Chúa, mà không phải bởi sức Thánh Thần " (1 Cor 12,3).


Thế nhưng tin và bước theo Chúa Giêsu vác Thánh Giá, bị đóng đinh, chết và sống lại để cứu chuộc phàm nhân tội lỗi, thật là điều khó chấp nhận. Các Tông đồ đã có phản ứng như thế nào mỗi lần nghe Chúa nói " Con Người phải lên Jerusalem và chịu nhiều đau khổ, bị giết đi và ngày thứ ba sẽ sống lại " (Mt 16,21; x. 17,23; 20,18-19).


Trước ngày chịu nạn như đã báo trước nhiều lần, Chúa Giêsu ăn lễ Vượt Qua với các môn đồ, và trong Bữa Tiệc Ly nầy, Người đã làm một việc rất quan trọng: "Đang lúc họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra, và trao cho họ mà nói: Hãy cầm lấy mà ăn, nầy là Mình Ta phải thí ban vì các con; hãy làm sự nầy mà nhớ đến Ta " (Lc 22,19). Đoạn Người cầm lấy chén và tạ ơn, trao cho họ mà nói: " Tất cả các con hãy uống chén nầy, vì là Máu Ta, Máu Giao Ước đổ ra vì nhiều người để nên ơn tha tội " (Mt 26,26-28).


2. Các bài tường thuật của PÂ Nhất Lãm về Bữa Tiệc Ly nầy cho phép ta nghĩ đến việc lập Phép Thánh Thể làm Nhiệm Tích tưởng niệm Hy Tế của Chúa Giêsu trên thập giá và làm Bí Tích Hiệp Thông của Hội Thánh, khi chính Chúa Giêsu hiện diện theo bản thể để hợp nhất chúng ta với Người và qua đó cũng đồng thời kết hợp chúng ta với nhau.


Đức Gioan Phaolô II cho chúng ta một cái nhìn mới mẻ đặc biệt về Bữa Tiệc Ly nầy: " Các tác giả sách Tin Mừng xác định rõ răng chính nhóm Mười Hai, là các Tông Đồ, đã tụ họp quanh Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly (x. Mt 26,20; Mc14,16; Luca 22,14).Đây chính là một điểm riêng biệt rất quan trọng, vì các Tông đồ là những " mầm giống của dân Israel mới và đồng thời là nguồn gốc của phẩm trật thánh - hiérarchie sacrée - Khi ban cho các ngài Mình và Máu Ngươi làm của ăn, Chúa Kitô đã hợp nhất các ngài một cách huyền nhiệm với hy tế của Người sẽ được hoàn tất trên thập giá sau đó không lâu. Đem so sánh với Giao Ước Sinai, được đóng ấn bằng việc rảy máu, những cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly đã đặt nền tảng cho cộng đoàn thiên sai mới, dân của Giao Ước Mới " .


Trong phòng tiệc ly, khi đón nhận lời mời gọi của Chúa Giêsu: "Các con hãy cầm lấy mà ăn ... Tất cả các con hãy uống" (Mt 26,26-28), các Tông đồ lần đầu tiên bước vào trong sự hiệp thông bí tích với Người. Từ giây phút đó và cho đến tận thế, Giáo Hội được xây dựng qua sự hiệp thông bí tích với Con Thiên Chúa được hiến tế vì chúng ta: " Các con hãy làm việc nầy mà nhớ đến Ta ... Mỗi khi uống, các con hãy làm mà nhớ đến Ta " (1 Cor 11,24-25; x.Lc 22,19; Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia, 21).


Cùng với việc lập Phép Thánh Thể, Chúa Giêsu truyền cho các Tông đồ phải cử hành để Tưởng Niệm Người. Xưa nay chúng ta vẫn xác tín đó là việc thiết lập chức Tư Tế Thừa Tác (CĐ Trente, FC 777/ DS 1752); chức Linh Mục Thừa Tác được sinh ra, sống còn và hoạt động đem lại hoa trái từ Thánh Thể. Sẽ không có Bí Tích Thánh Thể nếu không có chức Linh Mục, cũng như không có chức Linh Mục mà không có Bí Tích Thánh Thể ( Gioan Phaolô II, Hồng Ân và Mầu Nhiệm, bản tiếng Ý trang 89). Phép Thánh Thể và Chức Linh Mục, cả hai là hồng ân của Chúa Kitô nhằm phục vụ Hội Thánh, Bí Tích Hiệp Thông. Nhờ tham dự Hy Tế Thánh Thể , nhất là nhờ sự tham dự đầy đủ qua việc rước lễ " communion sacramentelle" mà việc tháp nhập vào Chúa Kitô do Bí Tích Rửa Tội được đổi mới và củng cố vững bền. Mỗi người chúng ta đón nhận Chúa Kitô, nhưng chính Chúa Kitô cũng đón nhận mỗi người chúng ta. Được sống hiệp thông với Chúa Kitô, hiệp thông với nhau, Dân Chúa, Dân của Giao Ước Mới lại trở thành dấu chỉ và dụng cụ của ơn cứu chuộc của Chúa Kitô, thành ánh sáng thế gian (x.Mt 5,13-16).


Đức Bênêđitô XVI đã nhìn thấy trong lệnh truyền phải cử hành Lễ Tưởng Niệm cuộc Khổ Hình và Phục Sinh của Chúa Kitô việc quan trọng là Thiết Lập Hội Thánh: " Trong Bữa Ăn Tối, trước khi chịu khổ nạn, Chúa Giêsu đã trao cho các Tông đồ bổn phận cử hành Lễ Tưởng Niệm Người, như thế Chúa bày tỏ ý muốn chuyển lại cho cả cộng đoàn, qua bản thân của các thủ lãnh , sứ mệnh trong lịch sử là làm dấu chỉ và dụng cụ của việc qui tụ thời cánh chung đã bắt đầu nơi Người. Vì thế, chúng ta có thể nói rằng chính Bữa Ăn Sau Cùng là Hành Vi thiết lập Hội Thánh, bởi vì Người tự hiến chính mình và như thế tạo nên một cộng đoàn mới, một cộng đoàn hợp nhất trong sự thông hiệp với chính Người " ( Trong Buổi tiếp kiến chung, ngày 15.3.2006).


3. Trong Thư gởi Giáo Đoàn Ephêsô, chúng ta đã thấy rằng trong Đức Kitô Giêsu, nhờ bửu huyết của Người mà những người xưa kia ở xa (lương dân) được nên gần. Nhờ Thập giá và sự chết, Chúa Kitô đã triệt hạ bức tường ngăn cách, thù hằn, để đem lại bình an và giảng hòa hai dân tộc Do Thái và Hy Lạp (lương dân), và Chúa là sự Bình An của chúng ta, tức là Đầu Mối và Nguồn hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa và hiệp thông với nhau (x. Eph. 2,11-18). Sự hiệp thông nầy rất là thiết yếu, vì nó mô phỏng sự hiệp thông tuyệt hảo của Thiên Chúa Ba Ngôi, và là cứu cánh của đời sống con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, để sống hiệp thông trong tình yêu thương. Con người sống giữa trần gian cần được Lời Chúa soi dẫn và phải luôn luôn hoán cải, để củng cố và tăng cường tình hiệp thông. Vì thế, Chúa Kitô Phục Sinh, trước hết là sai các Tông đồ: " Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con " (Gioan 20,21), rồi ban Chúa Thánh Thần cho các ngài cùng với Quyền Tha Tội: " Các con hãy chịu lấy Thánh Thần. Các con tha tội cho ai, thì tội họ được tha; các con cầm giữ tội ai, thì tội người ấy bị cầm giữ " (Gioan 20,22-23)


Để kết thúc bài Suy Niệm nầy, chúng ta hết lòng tạ ơn Chúa đã thiết lập Hội Thánh để Chúa luôn hiện diện kết hợp chúng ta với Chúa, và cũng tạ ơn Chúa đã cho chúng ta được tham dự vào sứ vụ của Chúa là làm Thừa Tác Viên xây dựng Hội Thánh thành Cộng Đoàn Hiệp Thông, làm người loan báo Tin Mừng Bình An cho nhân loại hôm nay.


Trong thế giới hôm nay với nhiều thách đố về Tôn Giáo, người ta chuộng đời sống hưởng thụ, tìm kiếm lợi lộc, và, nếu không công khai chối bỏ Thiên Chúa, công khai chống lại Hội Thánh, thì cũng chểnh mảng trong đời sống đạo đức, mất ý thức về công bằng, lôi thôi trong đời sống hôn nhân, xem thường tiếng nói của Hội Thánh, người mục tử sẽ nghĩ thế nào về sứ vụ của mình và sẽ phải làm gì?


Chúa dùng lời giảng của Hội Thánh để thông ban đức tin và dùng Bí Tích Rửa Tội để qui tụ con cái Chúa thành Cộn 1046    19-02-2011 04:12:58