Sidebar

Thứ Hai
29.04.2024

Tĩnh Tâm Linh Mục_2008_Đức Cha Tôma


GIẢNG TĨNH TÂM LINH MỤC 2008

TĨNH TÂM VỚI THÁNH PHAOLÔ

Hãy để Chúa đến gặp gỡ và biến đổi cuộc đời chúng ta


ƠN GỌI LÀM TÔNG ĐỒ

"Phaolô, tôi tớ của Đức Giêsu Kitô, được kêu gọi làm Tông đồ, đuợc dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa" (Roma 1,1)

Ngày 28.6.2008, trong buổi cử hành Kinh Chiều I Lễ Trọng hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô ngoài thành , Đức Bênêđitô XVI đã chính thức công bố dành một Năm Mừng đặc biệt Thánh Tông Đồ Phaolô, từ ngày 28.6.2008 đến 29.6.2009, nhân dịp kỷ niệm hai ngàn năm sinh nhật của ngài, ngày sinh nhật của Thánh Phaolô theo các sử gia cho biết, ở vào giữa năm 7 và năm 10 sau Chúa Giáng Sinh. Đức Thánh Cha cũng nêu lên hai lý do : trước tiên, ngài là vị Tông Đồ lỗi lạc, sáng giá nhất ; kế đến ngài là Tông Đồ của chư dân, của Hợp nhất .


1. Được kêu gọi làm Tông Đồ


Phaolô không thuộc nhóm 12 đã từng ở với Chúa Giêsu trong suốt thời gian Người rao giảng, nhưng ngài đã gặp gỡ Đấng Phục Sinh , đã được biến đổi và làm Tông Đồ do ơn gọi "Dixit Dominus ad eum" (Ananiam): Vade, quoniam vas electionis est mihi iste, ut portet nomen meum coram gentibus et regibus, et filiis Israel" (Act.9,15). Và Phaolô là một khuôn mặt sáng giá nhất, và chúng ta có nhiều nguồn nhất để biết ngài , qua 14 Lá Thư mang tên ngài và Bài tường thuật của Luca trong sách Tông Đồ Công Vụ, từ chương 9 trở đi.


Thánh Phaolô biết ngài "được kêu gọi để trở thành vị Tông đồ", tức là ngài không cho mình là một ứng viên (non par auto-candidature), cũng không phải do ủy nhiệm nhân loại ( ni par charge humaine), mà hoàn toàn do được Thiên Chúa kêu gọi và tuyển chọn (mais seulement par appel et élection divine).


Vị Tông Đồ cho Chư Dân lập lại mấy lần ở các Bức Thư của mình rằng trọn cuộc sống của ngài là hoa quả của ân sủng nhân hậu nhưng không của Thiên Chúa: 'Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Chúa. Nhưng tôi có là gì , cũng là nhờ ơn Thiên Chúa'(1 Cor 15,9-10 ; x.2 Cor 4,1; Gal 1,15). Ngài được tuyển chọn để loan báo "Phúc Âm của Thiên Chúa" (Roma 1,1), để gieo vãi Tin Mừng về Aân Huệ của Thiên Chúa là hòa giải trong Chúa Kitô giữa con người với Thiên Chúa, với chính họ và với kẻ khác ( Bênêđitô XVI, Huấn từ trong giờ kinh tối ngày 28.6.2008).


2.Tông Đồ Chư Dân, Tông Đồ của Hợp Nhất :


Thánh Phaolô đặc biệt dấn thân mang Tin Mừng cho mọi dân tộc, không ngừng hoạt động cho mối hiệp nhất và hòa hợp giữa tất cả các Kitô hữu ( Bênêđitô XVI, nt. Phần cuối).


Thánh Phaolô ý thức sứ vụ đã được trao phó cho ngài: "Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà giảng hòa ta lại với chính mình Ngài, và ban cho chúng tôi được giúp việc giảng hòa" (2 Cor 5,18).


Tại Côrintô có sự chia rẽ giữa các tín hữu, Phaolô lên tiếng để giảng hòa: "Bao lâu giữa anh em có sự ghen tương và cãi cọ, thì anh em chẳng phải là những con người sống theo tính xác thịt và theo thói người phàm tục sao? Khi người nầy nói: Tôi thuộc về ông Phaolô, và người khác: Tôi, tôi thuộc về ông Apollo, thì anh em chẳng là người phàm tục sao? Vậy Apollo là gì ? Phaolô là gì ? Đó là những tôi tớ đã giúp cho anh em có đức tin, mỗi người đã làm theo khả năng Chúa ban. Tôi trồng, Apollo tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên.. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên mới đáng kể" (1 Cor 3,3-7).


Với xác tín rằng đầu mối của sự hợp nhất là Đức Kitô Giêsu, ngài nói với các tín hữu Eâphêsô: "Hẳn anh em đã được nghe biết về kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa đã ủy thác cho tôi, liên quan đến anh em. Ngài đã mạc khải cho tôi được biết mầu nhiệm Đức Kitô... Mầu nhiệm đó là : trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa. Tôi đã trở nên người phục vụ Tin Mừng đó, nhờ ân sủng đặc biệt Thiên Chúa ban cho tôi..." ( Êph 3, 2-3. 6-7).


3. Tĩnh Tâm với Thánh Phaolô.


Hội Thánh luôn cảm thấy bị thúc bách phải loan báo Tin Mừng ngay trong thời đại nầy. Mệnh lệnh truyền giáo vẫn còn là một ưu tiên tuyệt đối cho tất cả những ai đã chịu Phép Rửa, do đó họ được gọi làm 'tôi tớ và tông đồ của Chúa Giêsu Kitô'â trong buổi đầu của ngàn năm thứ ba nầy (Bênêđitô XVI, Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm 2008, mở đầu). Rao giảng Phúc Aâm là ơn gọi riêng biệt , là sứ vụ chính yếu của Hội Thánh (Phaolô VI, Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng, 14).


Đàng khác, Hội Thánh đang nỗ lực cho sự hợp nhất các Kitô hữu, là điều thiết yếu cho việc Truyền Giáo. Hội Thánh lại phải đối phó với tình trạng suy thoái về đạo đức trong xã hội văn minh vật chất hiện nay, đang gây ra những thách đố, những mâu thuẫn giữa người với người, giữa các dân tộc : xung đột vì lý do sắc tộc, văn hóa, tôn giáo; nạn bạo lực, áp bức, bách hại.


Thánh Phaolô là nhà kiến trúc xây dựng Kitô giáo không biết mỏi mệt, nhà Truyền Giáo lỗi lạc đã thực hiện những hành trình đầy gian lao chung quanh vùng biển Địa Trung Hải, đi đến hầu hết những thành phố lớn của Tiểu Á và Hy Lạp, ngài không ngừng loan báo Chúa Giêsu bị đóng đinh thập giá, bị giết tại Jerusalem và đã sống lại . Đức Giêsu mà trước kia ngài không biết, nhưng làm sao mà bây giờ ngài cống hiến đời mình để loan báo? Loan báo và sống cho Chúa Giêsu; đau khổ và chết cho Chúa. Đó là tất cả cuộc sống của Phaolô, bởi vì ngài đã hiểu rõ điều nầy, là chỉ trong Chúa Kitô nhân loại mới có thể tìm thấy ơn cứu chuộc và niềm hy vọng.(x. 2 Tim 1,1; 1 Tim 1,1; Bênêđitô XVI, SĐ Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2008, số 1).


Đức Bênêđitô đã kết thúc Bài Giảng trong giờ Kinh Tối ngày 28.6.2008 như sau: "Anh chị em thân mến, giống như thời Hội Thánh sơ khai, ngày nay chúng ta cũng cần những tông đồ sẵn sàng hy sinh. Chúng ta cần những nhân chứng và những vị Tử Đạo như Thánh Phaolô. Thánh Phaolô, một người trước kia bách hại đạo cách tàn nhẫn, nhưng sau khi bị ngã xuống đất và bị ánh sáng của Thiên Chúa làm chóa mắt trên đường đi Đamascô, đã không ngần ngại đứng sang bên Đấng Chịu Đóng Đinh, đã đi theo Người mà không bao giờ hối tiếc. Phaolô sống và làm việc cho Đức Kitô, chịu đau khổ và chết vì Đức Kitô. Gương sáng của ngài còn thích hợp với thời đại của chúng ta biết bao. Chính vì lý do nầy mà tôi hân hạnh chính thức công bố rằng chúng ta sẽ dành một năm Đặc Biệt cho Thánh Phaolô từ ngày 28.6.2008 đến 29.6.2009, nhân dịp mừng hai ngàn năm sinh nhật của ngài".


Cùng với Hội Thánh đang đứng trước những thách đố trong thời đại hôm nay, với niềm hy vọng, chúng ta cử hành Năm Thánh Phaolô cách đặc biệt với cuộc Tĩnh Tâm Thường Niên nầy:


Xin Chúa đến gặp gỡ và biến đổi cuộc đời chúng con.


I. CUỘC TRỞ LẠI hay ƠN GỌI LÀM TÔNG ĐỒ


"Lạy Chúa, con đã nghe lắm kẻ nói về người ấy, về biết bao điều ác người ấy đã làm cho các Thánh của Chúa ở Jerusalem. Còn ở đây, người ấy đã được các thượng tế ban quyền bắt trói tất cả những ai kêu cầu Danh Chúa"(Tđcv 9,13-14).

1. Cuộc Gặp Gỡ Quyết Định.


Sáng hôm nay, Chúng ta tìm hiểu và suy ngắm kinh nghiệm của Phaolô trên đường đi đến Đamascô. Sự kiện xảy ra hôm đó quả thật là một khúc quanh, một sự thay đổi quan điểm hoàn toàn. Trước đó Phaolô là một người Do Thái nhiệt thành với Lề Luật, ra công tàn phá Hội Thánh, xông vào các nhà tư, lôi đi đàn ông đàn bà mà tống ngục (Tđcv 8,3). Được phép của các Thượng tế, ông đi Đamascô đến các hội đường, để bắt gặp bất cứ ai theo Đạo (thuộc cộng đoàn Kitô hữu), thì ông sẽ xiềng trói lại mà điệu về Jerusalem (Tđcv 9,1-2). Còn bây giờ, ông đang ở với các môn đồ (của Chúa Giêsu), vào hội đường rao giảng về Chúa Giêsu: Chính Người là Con Thiên Chúa (Tđcv 9,20).


Giây phút quyết định của đời Thánh Phaolô. Điều gì đã làm thay đổi quan điểm của Thánh Phaolô? Tất cả những gì mà trước đây là lý tưởng cao quý nhất, hầu như là lẽ sống của đời ngài, thì nay bị coi là thua lỗ bất lợi (Phil 3,7) .


Chúng ta có hai nguồn tài liệu: Trước tiên, Biến cố trên đường đi Đamascô được Thánh Luca kể lại ba lần trong Sách Tông Đồ Công Vụ (x. 9,1-19; 22,3-23 Phaolô thuật lại cho đồng bào Do Thái trong sân đền Thờ Jerusalem ; 26,4-23 Phaolô thuật lại cho vua Agrippa trước đám đông người Do Thái tại Cêsarêa). Có thể chúng ta chú ý những chi tiết như ánh sáng từ trời loé rạng bao lấy ông, Phaolô ngã xuống đất, tiếng nói với ông, tình trạng Phaolô bị mù mắt, rồi được chữa lành do việc đặt tay của Hananya, khi những cái vảy bong khỏi mắt Phaolô. Tất cả những chi tiết nầy đều qui về trung tâm của biến cố "Đức Kitô Phục Sinh xuất hiện như một ánh sáng huy hoàng và ngỏ lời với Saulô", Người biến đổi tư tưởng và cuộc sống của Saulô. Nên nhớ: tại Chyprô, trong chuyến đi đầu tiên với Barnaba, Tên Saulô của ngài đã được đổi ra Phaolô, là tên gọi Latinh (x.Tđcv 13,9)


Ánh sáng của Đấng Phục Sinh đã làm cho ngài bị mù: sự mù quáng nội tâm của ngài đối với chân lý, với ánh sáng là Đức Kitô bây giờ lộ ra ngoài. Chỉ nhờ lời xin vâng cách dứt khoát với Đức Kitô trong Phép Rửa sau đó ngài mới được chữa khỏi mù quáng nội tâm và nhìn thấy tỏ tường. Cuộc gặp gỡ Đấng Phục Sinh đã biến đổi cuộc đời của Phaolô tận căn, chớ không phải nhờ dày công tìm tòi suy nghĩ. Như thế, theo lời Đức Bênêđitô XVI, cũng nói được sự biến đổi nầy là một cuộc trở lại (x. Bênêđitô XVI, trong buổi Tiếp Kiến chung ngày 3.9.2008).


Nguồn tài liệu thứ hai là chính các Thư của Thánh Phaolô. Ngài không nói đến những chi tiết. Ngài cho rằng mọi người đều biết: từ một người bắt đạo, ngài đã được biến đổi thành một Tông Đồ nhiệt thành của Đức Kitô. Và điều nầy không phải do suy nghĩ cá nhân, mà từ một biến cố mãnh liệt, từ một cuộc gặp gỡ Đấng Phục Sinh. Rồi cũng không nhắc đến các chi tiết, ngài nói đi nói lại nhiều lần biến cố rất quan trọng đó là ngài cũng là nhân chứng sự sống lại của Chúa Giêsu, vì đã gặp gỡ Đấng Phục Sinh, đã được mạc khải và lãnh sứ vụ làm Tông Đồ trực tiếp từ chính Chúa Giêsu. Bản văn rõ ràng nhất là 1 Cor 15, gồm có hai phần:


Phaolô đã nghe biết từ truyền thống (1 Cor 15,3-7): "Tôi truyền cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Thánh Kinh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Thánh Kinh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với nhóm mười hai. Sau đó Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Đồ"


Rồi Phaolô kể ra kinh nghiệm của chính mình (1Cor 15,8) : "Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non". Đó là nền tảng của sứ vụ Tông Đồ và của đời sống mới của ngài. Phaolô đã nói lại điều đó trong Thư gởi tín hữu Roma "Nhờ Người ( Đức Giêsu Kitô, Đấng từ cõi chết sống lại) chúng tôi đã nhận được đặc ân và chức vụ Tông Đồ, làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục Tin Mừng hầu danh Người được rạng rỡ"(Rom 1,5) và trong Thư gởi tín hữu Côrintô ngài nhắc đến những điều mà mọi người đều biết: "Tôi không tự do ư? Tôi không phải là Tông Đồ ư? Tôi đã không thấy Đức Giêsu, Chúa chúng ta sao?" (1 Cor 9,1). Sau cùng bản văn phổ biến nhất trong Thư gởi tín hữu Galata : "Anh em hẳn đã nghe nói tôi đã ăn ở thế nào trước kia trong Đạo Do Thái: tôi đã quá hăng say bắt bớ và những muốn tiêu diệt Hội Thánh của Thiên Chúa. Trong việc giữ đạo Do Thái, tôi đã vượt xa nhiều đồng bào cùng lứa tuổi với tôi: hơn ai hết, tôi đã tỏ ra nhiệt thành với các truyền thống của cha ông.Nhưng Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi, theo ân sủng của Ngài. Ngài đã đoái thương mạc khải Con của Ngài trong tôi (ngài nhận được thị kiến), để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Ngài cho cho các dân ngoại. Tôi đã không bàn thảo với người phàm, cũng không lên Jerusalem để gặp các vị đã là Tông Đồ trước tôi, nhưng tức khắc tôi đã sang xứ Arabia, rồi lại trở về Đamascô. Ba năm sau tôi mới lên Jerusalem diện kiến ông Kêpha, và ở lại với ông mười lăm ngày" (Gal 1,13-18).


2. Chúng ta có thể thấy rằng cả hai nguồn tài liệu, Sách Tông Đồ Công Vụ và các Thư của Thánh Phaolô, đều đồng quy về một điểm căn bản: Đấng Phục Sinh đã nói với Thánh Phaolô, mời gọi ngài vào sứ vụ Tông Đồ, làm cho ngài thành một Tông Đồ thật, một nhân chứng cho việc sống lại, với một nhiệm vụ đặc biệt là công bố Tin Mừng cho Dân Ngoại, cho thế giới Hy-La. Đồng thời Thánh Phaolô cũng biết rằng, mặc dầu ngài có liên hệ trực tiếp với Đấng Phục Sinh, ngài vẫn phải hiệp thông với Hội Thánh, là được rửa tội do Ananias và sống hòa hợp với các Tông Đồ khác. Chỉ trong sự hiệp thông với mọi người nầy mà ngài sẽ có thể làm một Tông Đồ thật sự, như ngài viết cách minh nhiên trong 1 Cor 15,11: "Dầu tôi hay các vị ấy, chúng tôi đều rao giảng như thế và anh em đã tin như thế". Chỉ có một loan báo về Đấng Phục Sinh, bởi vì chỉ có một Đức Kitô duy nhất.


Không có lý do nào khác để giải thích sự thay đổi quyết liệt cuộc đời của Phaolô. Chỉ có biến cố cuộc gặp gỡ bất ngờ, mãnh liệt với Đức Kitô, là chìa khóa để hiểu biết điều gì đã xảy ra. Chết và sống lại, sự canh tân đến từ Đấng đã tỏ mình ra và ngỏ lời với Phaolô. Theo nghĩa nầy chúng ta có thể nói về cuộc trở lại. Cuộc gặp gỡ nầy là một cuộc canh tân thật sự đã thay đổi tất cả những thông số (những xác tín) của ngài. Bây giờ ngài có thể nói rằng những điều mà trước đây ngài cho là thiết yếu và căn bản, đã trở thành rác rưởi; không còn là lợi lộc nữa, mà là thua thiệt, bởi vì chỉ có sự sống trong Đức Kitô mới là điều đáng kể.


Dẫn vào chiều sâu của sự biến đổi nơi Thánh Phaolô, Đức Bênêđitô đã nói: "Chúng ta đừng nghĩ rằng Thánh Phaolô bị giam giữ trong một biến cố mù quáng. Trên thực tế, thì ngược lại, bởi vì Đức Kitô Phục Sinh là ánh sáng của chân lý, là ánh sáng của chính Thiên Chúa. Biến cố nầy đã mở rộng tâm hồn ngài, mở rộng nó cho tất cả mọi người.. Vào giây phút đó, ngài đã không đánh mất những gì là thiện hảo và chân thật trong đời ngài, trong gia sản của ngài, nhưng ngài đã hiểu cách mới mẻ sự khôn ngoan, chân lý , sự thâm sâu của Lề Luật và các Tiên Tri, ngài đã chiếm hữu nó cách mới mẻ. Đồng thời, tâm trí ngài mở ra cho sự khôn ngoan của Dân Ngoại. Khi rộng mở hết tâm hồn cho Chúa Kitô, ngài đã có thể đối thoại rộng rãi với mọi người, có thể trở nên mọi sự cho mọi người. Như thế ngài có thể thật sự trở thành Tông Đồ của Dân Ngoại" ( Buổi Tiếp kiến ngày 3.9.2008).


3. Còn đối với chúng ta, Kitô giáo không phải là một triết lý mới hay một khoa đạo đức mới. Chúng ta là những Kitô hữu nếu chúng ta gặp gỡ Đức Kitô. Nhưng chắc không phải bằng một cách như Thánh Phaolô, một cách bất khả kháng, chiếu dọi ánh sáng, biến đổi ngài thành Tông Đồ của các Dân Tộc. Nhưng chúng ta cũng có thể gặp gỡ Chúa Kitô khi đọc Kinh Thánh, khi cầu nguyện, khi cử hành Phụng Vụ của Hội Thánh. Chúng ta có thể chạm đến trái tim của Chúa Kitô và cảm thấy Người chạm đến trái tim của chúng ta. Chỉ trong quan hệ bản thân với Chúa Kitô, chỉ trong sự gặp gỡ như thế với Đấng Phục Sinh, chúng ta mới thật sự trở thành Kitô hữu. Và bằng cách đó tâm trí của chúng ta sẽ mở ra, tất cả sự khôn ngoan của Chúa Kitô và tất cả sự phong phú của chân lý cũng được mở ra. Hãy nài xin Chúa chiếu sáng chúng ta, ban cho chúng ta được gặp gỡ Người hiện diện ở trần gian nầy: Xin ban cho chúng ta một đức tin sống động, một tâm hồn rộng mở, một lòng bác ái bao la đối với mọi người, lòng bác ái có khả năng đổi mới trần gian (x. Bênêđitô XVI, Buổi tiếp kiến ngày 20.8.2008, kết thúc).


II. PHAOLÔ, TÔI TỚ CỦA ĐỨC GIÊSU KITÔ


Cuộc Gặp Gỡ bất ngờ trên đường đi Đamascô đã biến đổi con người của Phaolô, khiến ông từ người nhiệt thành với Do Thái Giáo, với Lề Luật, với truyền thống của cha ông, nên quyết tâm tiêu diệt những ai kêu cầu Danh Giêsu, chuyển sang bên Đức Giêsu và bắt đầu rao giảng Đức Giêsu trong hội đường: Người là Con Thiên Chúa( Tđcv 9,20). Kể từ hôm đó Phaolô nhờ ân sủng của Thiên Chúa đã có được tương quan mới với Chúa Giêsu. Phaolô không hổ thẹn xưng mình là "tôi tớ của Đức Giêsu Kitô".


1. Khi nghe vị Tông Đồ của chư dân xưng mình là "tôi tớ của Đức Giêsu" , chúng ta nghĩ gì? Một thái độ khiêm tốn nhìn nhận sức hèn của mình, mà cũng có thể nói đến một sự lệ thuộc hoàn toàn. Chúa Giêsu Phục Sinh giờ đây là lẽ sống và nguồn động lực của hoạt động tông đồ của Phaolô. Không phải Lề Luật, mà chính Đức Kitô mới là quan trọng. "Đức Kitô phải được tôn vinh nơi thân mình tôi, dù tôi sống hay tôi chết. Vì đối với tôi, sống là Đức Kitô,và chết là một mối lợi" ( Phil 1,20-21). Và ngài còn muốn xác định thêm "Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thua thiệt. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thua thiệt , so với mối lợi tuyệt vời, là đưôc biết Đức Giêsu Kitô, Chúa tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi như phân bón, để lợi được Đức Kitô, và được thuộc về Người"(Phil 3,7-9).


Ngoài ra, danh hiệu "người tôi tớ" còn chỉ về những ai được Thiên Chúa mạc khải và kêu gọi để chu toàn một sứ vụ đối với Thiên Chúa, những người phụng mạng Thiên Chúa: Abraham, Isaac và Giacob được gọi là những tôi tớ của Thiên Chúa (Đnl 9,27). Cũng như các Tổ phụ và còn hơn các Tổ phụ, Chúa Giêsu là Người Tôi Tớ của Thiên Chúa (Phil 2,6-11). Người không đến để được hầu hạ, nhưng là để hầu hạ và thí mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người (Mt 20,28; x. Mc 10,45). Phaolô tự xưng mình là "tôi tớ của Đức Giêsu Kitô", vì ngài cảm nhận ơn gọi , biết mình được chọn làm lợi khí mang Danh Chúa Giêsu ra trườc mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái Israel (x. Tđcv 9,15;Gal 1,16), nên dấn thân rao giảng Chúa Giêsu và loan báo Tin Mừng. Trước tiên, Phaolô cho thấy trọng tâm của đời ngài và lời rao giảng của ngài là Chúa Giêsu Kitô: "Nơi anh em, tôi không muốn biết gì ngoài Đức Giêsu Kitô và là Đức Giêsu Kitô bị đóng đinh"(1 Cor 2,2).


2. Người rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô cũng đồng hóa Tin Mừng với chính mình, trở nên đồng hình đồng dạng với Đấng mình rao giảng. Đức Kitô phải chịu khổ hình, chịu chết và sống lại thế nào, Hãy xem Cuộc đời của Tông Đồ Phaolô để nhận thấy liên hệ mật thiết giữa Phaolô với Đức Kitô mà ngài hết lòng phục vụ. Trong Thư thứ hai gởi cho giáo đoàn Côrintô, ngài viết: "Những điều gì bất cứ người ta dám làm, thì tôi cũng dám làm - tôi nói như người điên- Họ là người hébreux ? Tôi cũng vậy ! Họ là người Israel ? Tôi cũng vậy! Họ là dòng giống Abraham ? Tôi cũng vậy! Họ là tôi tớ của Đức Kitô ? Tôi nói rất mực điên khùng, tôi còn hơn gấp mấy! Hơn nhiều bởi công lao; hơn nhiều bởi tù rạc; hơn ngàn trùng bởi đòn vọt; lắm lần bởi đã hầu vong mạng.Năm lần tôi bị người Do Thái đánh đòn ba mươi chín trượng; ba lần tôi bị tra tấn; một lần tôi bị ném đá; ba lần tôi bị đắm tàu, và đã phải qua một ngày một đêm chơi vơi giữa biển. Tôi còn hơn họ bởi hành trình thường xuyên, bởi các nguy hiểm vì sông ngòi, nguy hiểm vì trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào Do Thái, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm bởi những anh em giả! Nguy hiểm bởi lao đao vất vả, bởi thức đêm , đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng, không kể những điều khác còn có những nỗi ray rứt hàng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho Hội Thánh!"( 2 Cor 11,21-28) .


3. Người tôi tớ của Đức Kitô luôn cảm thấy ơn gọi phục vụ thật là cao cả , mà được dành riêng cho con người bất xứng. Trong Thư gởi cho giáo đoàn Galata, Phaolô nhắc lại ơn gọi của mình: "Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Ngài. Ngài đã đoái thương mạc khải Con của Ngài cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Ngài cho các dân ngoại" (Gal 1,15-16).


Và trong Thư thứ I gởi cho giáo đoàn Côrintô, Phaolô cho thấy lý do nào đã làm cho ngài cảm mến hồng ân lớn lao nầy một cách sâu sắc:


"Tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng tôi có là gì , cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Ngài ban cho tôi đã không vô ích; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi" (1 Cor 15,9-10).


Nếu trước kia, Phaolô đã tin vào Lề Luật, cậy vào những việc làm theo Lề Luật, thì nay, khác hẳn rồi, Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh chớ không phải Lề Luật, và để được nên công chính, phải tin vào Chúa Giêsu Kitô chớ không phải là làm những gì Luật dạy (x. Gal 2, 16).


Giờ đây, Phaolô hiểu rằng chỉ trong Chúa Kitô nhân loại mới tìm được ơn cứu chuộc và niềm hy vọng, và xác tín rằng ơn cứu rỗi và sứ vụ rao giảng là công trình của Thiên Chúa và Tình Yêu của Ngài, Chính Tình Yêu Chúa Kitô thúc giục Phaolô rong ruổi các nẻo đường của đế quốc Roma làm người công bố, làm tông đồ, làm người loan truyền và thầy dạy Tin Mừng (x. Bênêđitô XVI, Sứ Điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo, 2008, số 2 và 3). Khi kết thúc Thư gởi Giáo đoàn Eâphêsô, ngài viết: "Hãy cầu nguyện cho tôi với, xin Thiên Chúa mở miệng tôi, ban cho tôi lời dạn dĩ thông báoMầu Nhiệm Tin Mừng, tôi được làm sứ giả loan báo và vì vậy mà bị xiềng xích; xin cho tôi dạn dĩ loan báo như tôi phải làm!" (Êphêsô 6,19-20). Thế nên , người tôi tớ của Đức Kitô chỉ mong có một điều là rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, và lấy làm vui miễn sao Đức Kitô được rao giảng (x.Phil 1,18), mà không sợ mất phần của mình cũng không nghĩ đến chuyện ngăn cản người khác rao giảng.


Thật vậy, Phaolô đã thực hiện những chuyến đi dài trên đất liền và trên biển để truyền giáo, đến các thành phố quan trọng, lập nhiều cộng đoàn, và còn muốn đi xa hơn nữa để rao giảng Chúa Giêsu Kitô cho lương dân. Trong Thư gởi giáo đoàn Roma, ngài viết : "Tôi chỉ có tham vọng là loan báo Tin Mừng ở những nơi người ta chưa được nghe nói đến danh Đức Kitô.Tôi làm thế vì không muốn xây dựng trên nền móng người khác đã đặt. Trái lại, như có lời chép : Những kẻ đã không được loan báo về Người, sẽ thấy; những kẻ đã không được nghe nói về Người, sẽ hiểu" (Roma 15,20-21).


Quả thật, tình yêu của Thiên Chúa đã làm cho Phaolô trở nên "tất cả cho mọi người", để dầu sao cũng cứu được một số người (x. 1 Cor 9,22). Khi suy ngắm kinh nghiệm của Thánh Phaolô, chúng ta hiểu rằng hoạt động truyền giáo là đáp lại tình yêu mà Chúa dành cho chúng ta. Tình yêu của Chúa cứu chuộc chúng ta và thúc bách chúng ta nhắm tới sứ vụ đến với muôn dân; đó là sinh lực thánh thiêng, có khả năng làm phát triển trong gia đình nhân loại , sự hòa hợp, sự công bằng, sự hiệp thông giữa người với người, giữa các chủng tộc và các dân nước, đó là điều mọi người khát mong (x. Bênêđitô XVI, SĐ ngày Thế Giới Truyền Giáo 2008, 2).


Thánh Clêmentê thành Roma đã viết về cuộc tử đạo của Thánh Phaolô như sau: Bởi lòng ganh tị và bất hòa, Phaolô đã bắt buộc phải chỉ cho chúng ta thấy làm thế nào để đạt được phần thưởng của sự nhẫn nại... Sau khi rao giảng công lý cho cả thế gian, và sau khi đã đi đến Tây Ban Nha, tận biên cương của Phương Tây mà người ta biết vào thời đó (Roma 15,28), ngài chịu tử đạo trước mặt nhà cầm quyền; bằng cách đó ngài từ biệt đời nầy và tiến về nơi thánh, nên gương cao cả nhất về lòng kiên trì (Thư gời giáo đoàn Côrintô, 5)


4. Để kết thúc, chúng ta hãy nghe lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Bênêđitô:


"Các Linh mục thân mến, anh em là những người cộng tác hàng đầu của Giám mục, anh em hãy là những mục tử quảng đại và những người nhiệt thành rao giảng Tin Mừng" (Bênêđitô XVI, nt, 4).


Đề tài để Suy nghĩ : "Không phải là tôi cầu ơn cầu nghĩa, nhưng là tôi cầu cho mục 'thu ' của anh em được dồi dào hoa lợi"( Phil 4,17).


III. PHAOLÔ TÔNG ĐỒ VỚI NHÓM MƯỜI HAI


"Tôi là người rốt hết trong các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa" ( 1 Cor 15,9)


1. Phaolô Tông Đồ do Ơn Gọi riêng biệt


Phần lớn trong các Thư gởi cho các giáo đoàn ( Roma 1,1; 1 Cor 1,1; 2 Cor 1,1; Gal 1,1; Êph 1,1;Col 1,1; 1 Tim 1,12 Tim 1,1;Tit 1,1), Phaolô tự giới thiệu mình là Tông Đồ của Đức Giêsu Kitô hoặc đơn giản là Tông Đồ.


Trong Tân Ước, Nhóm Mười Hai được gọi là Tông Đồ, vì, theo Luca, đó là những người đã cùng đi với nhau, suốt cả thời gian Chúa Giêsu đã ra vào giữa các ngài, từ lúc Người chịu phép rửa của Gioan cho đến ngày Người được cất lên trời, để làm chứng cho sự sống lại của Người (x. Tđcv 1,22). Như thế, Nhóm Mười Hai Tông Đồ là những người đã ở với Chúa Giêsu, được chính Chúa Giêsu tuyển chọn (Luca 6,12-16; Tđcv 1,2.24), đã gặp gỡ Đấng Phục Sinh và được đặt làm chứng nhân của Đức Giêsu Phục Sinh (Tđcv 1,8).


Mặc dầu đã không ở với Chúa Giêsu lúc Người còn tại thế , Phaolô đã được gặp gỡ Chúa Phục Sinh trên đường đi Đamascô, đã được ơn mạc khải (1 Cor 15, 3, được kêu gọi làm Tông Đồ (Roma 1,1), được tuyển chọn làm lợi khí để mang danh Chúa Giêsu Kitô ra trước mặt dân ngoại, các vua chúa và con cái Israel (x Tđcv 9,15-16).


"Phaolô nhận biết mình là một Tông Đồ đích thực và, trong quan điểm của Phaolô, chức vị Tông Đồ không giới hạn trong Nhóm Mười Hai. Tất nhiên Phaolô phân biệt rõ ràng trường hợp của mình với trường hợp của những người 'đã làm Tông Đồ''trước ngài (Gal 1,17). Ngài công nhận họ có một vị thế riêng biệt trong đời sống Hội Thánh. Và, dầu sao, Phaolô cũng được hiểu là một Tông Đồ đúng nghĩa. Vàù điều chắc chắn là trong thời sơ khai của Kitô giáo không có ai đã đi nhiều dặm đường như Phaolô, trên bộ cũng như trên biển, để rao giảng Phúc Âm" (Bênêđitô XVI, Buổi tiếp kiến ngày 10.9.2008)


Đối với Phaolô, người Tông Đồ thể hiện ba đặc điểm:

Đã xem thấy Chúa Giêsu (x.1 Cor 9,1), tức là đã có một cuộc gặp gỡ với Người, cuộc gặp gỡ quyết định cho đời mình. 'Khi Đấng đã tách riêng tôi ngay từ lòng mẹ, và kêu gọi tôi do bởi ân huệ của Ngài đã có nhã ý mạc khải Con của Ngài trong tôi (bằng một thị kiến), để tôi giảng Tin Mừng về Người nơi các dân ngoại...'(Gal 1,15-16). Chính Chúa gọi Phaolô làm Tông Đồ, chớ không phải ngài tự phong cho mình . Ngài là Tông Đồ do ơn gọi (Rom 1,1).


Đã được sai đi. Từ ngữ Hy lạp apostolos có nghĩa là được gởi đi, được trao cho sứ mạng, tức là làm sứ giả và người mang một sứ điệp ; phải hành động với tư cách là người có trách nhiệm và người đại diện cho Đấng sai phái mình. Phaolô khẳng định mình là Tông Đồ của Chúa Giêsu Kitô (1 Cor 1,1; 2 Cor 1,1), tức là người được Chúa sai phái, hoàn toàn sẵn sàng phục vụ Chúa, nên cũng được gọi là tôi tớ của Chúa Giêsu Kitô (Roma 1,1).


Rao giảng Phúc Âm và thiết lập các Giáo Đoàn. Tước vị Tông Đồ không hẳn và cũng không thể là một chức hàm, nhưng là sự dấn thân của con người, đưa cả cuộc sống vào sứ mạng phải thực hiện. Trong Thư I gởi Giáo đoàn Côrintô, Phaolô kêu lên : "Tôi không phải là Tông Đồ ư? Tôi đã không thấy Đức Giêsu, Chúa chúng ta sao? Anh em không phải là công trình của tôi trong Chúa sao? Nếu đối với những người khác tôi không phải là Tông Đồ, thì ít ra đối với anh em tôi là Tông Đồ, vì ấn tín chứng thực chức vụ Tông Đồ của tôi là anh em" (1 Cor 9,1-2). Cũng thế, trong Thư II gởi Giáo Đoàn Côrintô, ngài quả quyết : "Phải chăng chúng tôi lại bắt đầu tự giới thệu mình? Hoặc chẳng lẽ chúng tôi lại cần có Thư giới thiệu chúng tôi với anh em...? Thư giới thiệu chúng tôi là chính anh em. Thư ấy viết trong tâm hồn chúng tôi , mọi người đều nhận ra và đã đọc. Thì đã rõ ràng anh em là bức thư của Đức Kitô, do tay chúng tôi soạn ra, không phải viết bằng mực , nhưng bằng Thánh Thần của Thiên Chúa hằng sống ; không phải trên những bia đá, mà là trên bia lòng, bia thịt!" (1 Cor 3,1-3).


Một nét đặc thù của người Tông Đồ: sự đồng hóa giữa Tin Mừng với người rao giảng. Trong Thư I gởi Giáo đoàn Côrintô, gợi lên ý tưởng Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá và bị coi như điên dại, Phaolô viết : "Thiết nghĩ Thiên Chúa đã bêu chúng tôi, các Tông đồ, làm trò đùa như những tên tử tội. Vì chưng chúng tôi đã nên trò đ&ugr 840    19-02-2011 03:40:30