Sidebar

Thứ Ba
23.04.2024

Trách Nhiệm Giáo Dục Đức Ái Của Gia Đình - Tháng 9 năm 2009

TÒA GIÁM MỤC VĨNH LONG
103 đường 3/2 VĩnhLong
26.4.2009

Vĩnh Long, ngày 01.09.2009

V/v Gia đình Trường rèn luyện Đức Ái

Kính gởi : Các Linh Mục,
Các Tu Sĩ Nam Nữ,
Anh Chị Em Giáo Dân trong Giáo Phận Vĩnh Long

Giảng trong Thánh Lễ trên một ngọn đồi ở Nadarét, ngày 13.5.2009, Đức Bênêđitô XVI đã quả quyết Gia đình là chìa khóa cho việc xây dựng một nền văn minh tình thương.

Hàng ngày chúng ta đọc trên báo chí nhiều thảm kịch xã hội, mà một trong những biểu hiện là cuộc sống thác loạn với những vụ lừa gạt, gian dối, lợi dụng nhau rồi có khi thanh toán nhau; trong lãnh vực gia đình, cũng không thiếu cảnh vợ chồng chia tay nhau, con cái ngỗ nghịch. Gia đình là tế bào của xã hội, mà nếu gia đình rã rời, thì xã hội làm sao ổn định được.

Đâu là nguyên do làm cho gia đình, rồi xã hội đi đến bất ổn? Điều gì cần thiết để nối kết con người lại với nhau thành cộng đoàn, thành gia đình, thành xã hội?

1. Tình yêu. Chỉ có tình yêu, một thứ nam châm, một thứ keo sơn, liên kết, phối hợp đôi bạn thành một cộng đoàn, tình yêu làm dây ràng buộc mọi thành viên trong gia đình, cha mẹ với con cái, anh chị em với nhau. Con người không thể sống mà không có tình yêu (Gioan Phaolô II, TH về Gia đình,18). Như vậy,: Đức Ái là căn bản của đòi sống con người là hồng ân mà cũng là ơn gọi . Đức Ái là ơn ban của Chúa Thánh Thần (x. Gal 5,22-23) ơn làm cho chúng ta kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, và bởi tình yêu đối với Thiên Chúa, chúng ta yêu thương người khác như chính mình (Giáo lý của HT Công Giáo, 1822) nhờ đó con người tìm thấy hạnh phúc (GL cua HTCG, 1716) Con người được Thiên Chúa tạo thành để sống yêu thương, nghĩa là sống nghĩa thiết với Chúa, sống hòa hợp với đồng loại, sống thành xã hội. Xã hội đầu tiên là gia đình, mà Công Đồng Vaticanô II đã gọi là cộng đoàn yêu thương (Gaudium et Spes 47. 48).

2. Từ trong gia đình, trước tiên con người có thể học biết kính sợ Chúa. Trong Lễ Thánh Gia cũng như trong Thánh Lễ cử hành hôn phối, chúng ta hát gì?

“Vinh phúc thay người kính sợ Chúa và hằng đi trong đường quang minh Thiên Chúa”(TV 128,1).

Trong Thư gởi Giáo đoàn Colossê, Thánh Phaolô nói đến những nhân đức cần thiết để xây dựng Hội Thánh là Thân Thể của Chúa Kitô, mà cũng nhắm gia đình Công Giáo như một Hội Thánh Tại Gia: Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người nầy có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo (Col 3,12-14).

Chúng ta có thể so sánh xã hội hôm nay như dòng nước ô nhiễm, con cái chúng ta bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cả những người lớn cũng không thoát khỏi ảnh hưởng của nền văn minh bóng tối ích kỷ. Chỉ có Thiên Chúa mới giải cứu chúng ta. Nhưng người Công Giáo còn có ánh sáng đức tin, giáo lý của Hội Thánh soi dẫn. Mỗi người hãy biết chạy đến Chúa, chăm lo cầu nguyện, xét mình hàng ngày và năng lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải, phương dược của quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa. Đừng bỏ qua việc lắng nghe Lời Chúa, tìm hiễu Giáo lý , cầu nguyện và lãnh nhận các Bí Tích.

+ Tôma Nguyễn Văn Tân
                      
Giám mục Vĩnh Long

  CHỦ ĐỀ:TRÁCH NHIỆM GIÁO DỤC ĐỨC ÁI CỦA GIA ĐÌNH

I. THƯ MỤC VỤ số 15

Với những khủng hoảng gia đình trong xã hội hôm nay, chúng ta cần ý thức rằng từ ban đầu gia đình là cấu trúc của tình yêu và gia đình theo đúng thánh ý Chúa phải tồn tại và phát triển trong tình yêu. Do đó gia đình phải là môi trường giáo dục đặc biệt về tình yêu. Giáo dục đức tin phải đi đôi với giáo dục đức ái. Cần giáo dục tình yêu cho con cái biết yêu thương hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, biết yêu thương kính trọng bà con họ hàng, biết yêu thương và kính trọng mọi người. Cũng cần giáo dục con cái biết yêu thương, tôn trọng, nâng đỡ và hy sinh cho nhau. Con người không biết sống yêu thương trong gia đình thì không thể biết sống yêu thương đúng nghĩa trong các môi trường xã hội. Việc giáo dục tình yêu cần phải kiên nhẫn và nhất là cần đến gương yêu thương giữa cha mẹ, giữa vợ chồng. Gương mẫu của giáo dục tình yêu chính là Thánh Gia, cao hơn nữa chính là gương Chúa Giêsu yêu thương và phục vụ Hội Thánh, yêu thương và hy sinh đến chết vì mỗi người chúng ta. Thật lý tưởng khi mọi thành viên trong gia đình đều cảm nhận sâu xa là mình được mọi người trong gia đình yêu thương và tình yêu của mình được mọi người đón nhận, đáp trả.

II. DẪN GIẢI

Thư Mục Vụ nhắc chúng ta:

Gia đình là trung tâm khởi điểm tình yêu và thiện hảo hoá tình yêu. Gia đình không tình yêu thì không còn gia đình nữa.

Do đó, phải học biết thể hiện và giúp nhau sống yêu thương: vợ chồng thương nhau, con cái thương cha mẹ và thương nhau.

Biết thương trong gia đình thì tình yêu mới lan rộng ra xã hội được.

Gương tình yêu tuyệt hảo trong gia đình là Thánh Gia Thất. Gương sâu rộng hơn: Chúa Giêsu vị Hôn Phu thương Hội Thánh là hôn thê tuyệt vời.

III. CHUYỆN MINH HOẠ

CHỈ CẦN MỘT LỜI NÓI

Một cậu bé ở Ấn Độ dước cha mẹ gửi đến trường nội trú. Điều đáng nói là, trước khi được cho đi học xa, cậu bé từng là học sinh giỏi nhất trong lớp. Ngoài ra, cậu bé còn đứng đầu mọi cuộc tranh tài. Cậu là nhà vô địch.

Thế nhưng, cậu bé đã thay đổi sau khi đến học trường nội trú xa nhà nói trên. Điểm số của cậu bắt đầu giảm sút. Cậu không thích có mặt nơi đông người. Lúc nào cậu cũng ở một mình. Và đã có những lúc cậu bé cảm thấy như muốn tự tử. Tất cả những điều đó là do cậu cảm thấy bản thân vô dụng và chẳng có ai yêu thương cậu.

Tình trạng đó khiến cha mẹ cậu lo lắng về đứa con trai nhỏ. Tuy nhiên, ngay cả họ cũng không hề biết có chuyện gì không ổn xảy ra với cậu. Vì vậy, người cha quyết định đến trường nội trú và nói chuyện với cậu. Ông hỏi cậu bé những câu hỏi thường tình về lớp học, về các thầy cô giáo và các môn thể thao. Một lúc sau, ông bố nói: “Con có biết cha đến đây làm gì không?”.

- Cậu bé trả lời: “Để kiểm tra điểm của con”.

- “Không, không hề. Cha đến đây để nói với con rằng con là người quan trọng nhất đối với cha. Cha muốn nhìn thấy con hạnh phúc. Cha không quan tâm về điểm số. Cha chỉ quan tâm đến con thôi. Cha quan tâm đến hạnh phúc của con. Con là cuộc sống của cha”.

Mắt cậu bé nhoè đi vì nước mắt khi cậu nghe những lời nói đó của người cha. Cậu ôm chầm lấy cha. Họ không nói gì với nhau một lúc lâu…

Bây giờ, cậu bé đó đã có tất cả mọi thứ cậu muốn. Họ biết rằng có một con người trên trái đất này quan tâm đến cậu một cách sâu sắc. Đối với người ấy, cậu là tất cả. Và ngày nay, cậu đã là một chành trai trẻ đứng đầu trong lớp ở đại học. Đồng thời, điều quan trọng là chẳng một ai nhìn thấy anh buồn bao giờ.

Chàng trai nọ vẫn luôn nhủ thầm: “Cám ơn cha. Cha là cuộc sống của con”.

Vâng, chúng ta vẫn thường đánh giá thấp sức mạnh của sự vuốt ve an ủi, của nụ cười, của lời nói tử tế, của cái tai biết nghe, của lời khen chân tình hoặc một hành động quan tâm nhỏ nhất dành cho người thân. Tất cả những điều đó có tiềm lực biến đổi cả một cuộc đời đấy bạn ạ!

HOÀI VY (Theo You Are My Life)

Ai đó đã nói: Đau khổ được chia sẻ thì giảm đi một nữa. Hạnh phúc được chia sẻ thì tăng lên gấp đôi. Vâng, tình thương cần được chia sẻ, nhất là đối với con trẻ!

IV. DIỄN GIẢI

Thiên Chúa là Tình Yêu (x. 1Ga 4,8) đã dựng nên con người theo và giống hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1,27), đồng thời lại ban cho con người có khả năng yêu thương (x. St 2,24). Như vậy, tình yêu của con người bắt nguồn từ chính Thiên Chúa: “Chúng ta hãy yêu thương nhau vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa.“ (1Ga 4,7).

Tình yêu của Thiên Chúa luôn trung tín, bất chấp lỗi lầm của nhân loại, qua việc sai Con Một của Người là Đức Giêsu Kitô đến trần gian
“làm của lể đền tội cho chúng ta“ (1Ga 4,10) để nhờ Người mà chúng ta được sống (x. 1 Ga 4,9). Là con cái Chúa chúng ta phải học sống yêư thương như Chúa: “Anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt“ (Êphêsô 5, 1-2).

Chính Tình yêu mà Chúa Kitô yêu Hội Thánh, theo Thánh Phaolô, là mẫu mực cho tình yêu vợ chồng: “Người làm chồng hãy yêu thương vợ mình như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh“ (Êphêsô 5,25). Tình yêu chân chính luôn đòi hy sinh và hiến thân cho nhau.

Ngoài ra, Thánh Gia Thất chính là mẫu gương mà các gia đình Kitô hữu cần noi theo, đặc biệt trong việc giáo dục con cái. Thật vậy, gia đình Kitô hữu, ngoài vai trò kiến tạo hạnh phúc cho con cái, giúp chúng trở nên những người trưởng thành về tinh thần, tình cảm và tâm linh, còn làø cộng đoàn yêu thương phản ảnh gia đình của Thiên Chúa Ba Ngôi, theo gương Thánh Gia: “Gia đình Thánh Gia Thất Nazaret thật sự là nguyên mẫu cho tất cả các gia đình Kitô hữu hiệp nhấtt trong Bí tích Hôn Phối...là dấu chỉ và là phương tiện hợp nhất cho toàn thể nhân loại“ (Bài Giảng Lễ Thánh Gia của ĐTC Bênêđictô XVI, năm 2006).

Nơi Thánh Gia, chúng ta nhận ra mối tương quan cho và nhận giữa Con Thiên Chúa và gia đình nhân loại, mà Thánh Giuse và Đức Maria là đại diện. Là Thiên Chúa toàn năng, Đấng Cứu Thế không cần nhận bất cứ điều gì nơi nhân loại. Nhưng là Thiên Chúa làm người, ở giữa nhân loại, Ngài chấp nhận sinh ra và lớn lên trong một gia đình. Vì thế, Chúa Giêsu đã nhận rất nhiều từ cha mẹ của ngài là Thánh Giuse và Mẹ Maria: ơn sinh thành, ơn dưỡng dục, mái ấm gia đình, để từ cái nôi gia đình đầm ấm yêu thương ấy, Chúa Giêsu học biết sống yêu thương với những người mà Người sẽ tiếp cận sau nầy trong cuộc đời công khai.

Chúa Giêsu còn nhận rất nhiều từ cộng đoàn Nazarét, từ Hội Đường Do Thái, từ cuộc sống của những người chung quanh, nhất là những người nghèo khổ, bệnh tật, lao động, để từ đó Ngài có được sự hiểu biết về Lề Luật, về tâm tính của dân chúng và nhất là về nỗi lòng cũng như những khổ nhọc của những người nghèo khó, đau khổ...

Chúa Giêsu đã nhận rất nhiều từ gia đình nhân loại, nhưng đồng thời Chúa còn cho nhiều hơn thế. Trong cuộc sống bình dị đầy yêu thương nơi gia đình Nazarét, Chúa Giêsu vừa sống thân tình với Cha Ngài, vừa sống hiếu thảo với cha mẹ trần thế. Ngài tạo cơ hội cho Thánh Giuse và Mẹ Maria là những người luôn kính sợ và yêu mến Thiên Chúa, tâm tình tận tuỵ, yêu thương, bào bọc Con Đức Chúa Trời, cũng là con yêu của mình, đồng thời cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Chúa Giêsu còn cho nhiều hơn nữa khi khi trao ban tất cả cho chúng ta, cả bản thể Thiên Chúa, cả năm tháng, cuộc sống và cái chết của Ngài, một cách âm thầm khiêm tốn và vô vị lợi.

Noi gương Thánh Gia, gia đình Kitô hữu cũng học biết cách cho và nhận trong việc giáo dục con cái mình, với tất cả yêu thương, trách nhiệm và đúng hướng.

Điều quan trọng nhất mà con cái nhận từ gia đình là bầu khí yêu thương, đầm ấm. Có được yêu thương, con cái mới biết thế nào là thương yêu người khác. Sống trong cảnh bị bỏ rơi, không ai quan tâm chăm sóc, ghẻ lạnh, trẻ nhỏ lớn lên trong sợ hải, co cụm vào chính mình với thái độ phòng thủ, và chỉ biết nghĩ đến mình. Người ta gặp thấy đâu đó những câu thản vãn của trẻ như: “Ba má ơi làm ơn hiểu tụi con“ hay “em chỉ ước ba má thương em hơn chút nữa, chịu khó lắng nghe em một chút“. Trẻ muốn được nghe, được thấy, được cảm nhận sự quan tâm, thông cảm của cha mẹ, để chúng không cảm thấy đơn độc trên đường đời. Tình thương đòi phải thể hiện ra bên ngoài, bằng lời nói và cử chỉ, thể hiện tấm lòng của cha mẹ, tuỳ theo độ tuổi phát triển của trẻ. Chính từ bầu khí yêu thương, đầm ấm của gia đình là dòng suối mát định hình nhân cách, giúp con trẻ lớn lên thành người. Những đứa bé sống thiếu tình thương sẽ không phát triển bình thường về mặt thể xác, tình cảm, cũng như về tinh thần.

Con cái cũng đồng thời đem lại niềm vui, hạnh phúc, sự thành thật, đơn sơ, trong sáng và ý thức trách nhiệm cho các bậc cha mẹ. Thật vậy, con cái chính là mối giây gắn kết cha mẹ lại với nhau. Là hoa trái phát sinh từ tình yêu của cha mẹ, con cái cũng đồng thời giúp cha mẹ vượt qua những năm tháng tuổi già cô tịch và hăng say hơn trong việc phấn đấu tạo điều kiện cho thế hệ kế thừa được phát triển.

Muốn vậy, cha mẹ phải biết cách giáo dục con cái của mình: thương con như thế nào và thương con với tình thương gì?

Dạy con dạy thuở còn thơ. Cần có sự kiên tâm trong việc hướng dẫn con cái theo từng độ tuổi phát triển của chúng, để có những uốn nắn, giúp đỡ cần thiết, giúp chúng phát triển. Bởi vì đối với cha mẹ, đứa con dù ở độ tuổi nào, chức phận gì, cũng đều là con, dưới cái nhìn của cha mẹ. Đó chính là thiên chức và cũng là trách nhiệm của các bậc sinh thành.

Mục đích nhắm tới của việc giáo dục con cái là làm sao giúp chúng trở thành con ngoan của Chúa và hiếu thảo với cha mẹ hay nói khác đi, dạy con sống đạo đức theo tinh thần Kitô hữu: sống có Chúa. Có đạo đức thì có tất cả.

Trong trách nhiệm giáo dục con cái, cha mẹ cần ý thức rằng, dù tiêu chuẫn đạo đức trong xã hội như thế nào, cha mẹ vẫn là người có ảnh hưởng trên con cái nhiều nhất, chính cha mẹ là những người đặt nền tảng đạo đức cho con cái mình, dựa trên Lời Chúa và Giáo Huấn của Hội Thánh.

Để con cái phát triển một cách quân bình, có một nguyên tắc quan trọng mà các cha mẹ cần áp dụng trước tiên, đó là phải quân bình giữa tình thương và kỷ luật. Một đàng không thể để con cái lớn lên như cây giữa rừng, muốn mọc chồi, đâm nhánh thế nào cũng được; đàng khác, không quá áp đặt, khắc khe, chổ nào cũng cấm, điều gì cũng cấm. Quá kỷ luật thì thiếu biểu lộ tình thương, con cái cảm thấy ngột ngạt, thiếu cảm thông. Quá nuông chiều dẫn đến hệ lụy con cái muốn làm gì thì làm, thiếu uốn nắn kịp thời, dễ dẫn đến nguy cơ hư hỏng. Trong việc nuôi dạy con cũng vậy, nếu chúng ta giữ được quân bình giữa tình thương và kỷ luật chúng ta sẽ có thể đào tạo nên những đứa con trưởng thành và đạo đức.

Xin cho các bậc cha mẹ biết kính sợ Thiên Chúa, sống yêu thương hoà thuận, để con cái lớn lên trong hạnh phúc và nên người.

KIỂM ĐIỂM

Có nhận thấy tình yêu đúng tốt là nền tảng liên kết gia đình không?

Có thấy bổn phận của mỗi người phải giúp nhau, hướng dẫn nhau biết tình yêu và sống tình yêu, có nhận thấy không?

Trong nhà không thương nhau thì làm sao có tình yêu đối với xã hội?

Tình yêu vẫn có trong thâm tâm (nhân loại = loài có nhân) nhưng thể hiện phải chiến đấu với tính tỵ hiềm, ghen tương, tranh chấp, tự ái….có nghĩ đến cuộc chiến này không?

Có học tập thường xuyên không? nhất là thương người thù, người ghét mình, làm hại mình…

Không yêu, không hẳn là người có bình an và có thể cũng không được rỗi!

V. LỜI NGUYỆN CHUNG.

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Gia đình là cộng đoàn yêu thương theo mẫu gương yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi. Giáo dục đức yêu thương phải được luyện tập ngay từ trong gia đình. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:

  1. Chúa phán: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh, biết yêu thương nhau như Chúa Giêsu đã truyền dạy cho mọi tín hữu.
  2. Chúa phán: “Ai yêu mến Thầy thì giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu thương và ở trong người ấy”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu, tuân giữ lời Chúa trong tình yêu chân thành để được thuộc về gia đình nhà Chúa.
  3. Chúa phán: “Đức Giêsu là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu, biết lắng nghe và thực hành lời Chúa dạy, bày tỏ lòng yêu mến Chúa, và trở nên con Thiên Chúa.
  4. Lương dân nói: “Chúng ta hãy xem người Kitô-hữu, họ yêu thương nhau biết là dường nào!”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong gia đình họ đạo chúng ta, thể hiện tình đoàn kết yêu thương nhau trong Chúa Kitô.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa muốn gia đình nhân loại dạy bảo nhau biết yêu thương như tình yêu trong gia đình Thiên Chúa. Xin Chúa ban Thánh Thần huấn luyện đức yêu thương nơi mỗi người chúng con, để mọi người đạt tới tình yêu trong Nước Trời. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

LUNG LINH HAI TIẾNG GIA ĐÌNH

“Lung linh lung linh tình mẹ tình cha, Lung linh lung linh cùng một mái nhà ….Lung linh lung linh hai tiếng gia đình”. Đó là lời bài hát “Ba Ngọn Nến Lung Linh” của nhạc sĩ Ngọc Lễ, bài hát đã trở thành ca khúc không thể thiếu trong những cuộc gặp gỡ các gia đình. Và quả thật nói đến hai tiếng “gia đình” thì ai ai trong mỗi chúng ta không khỏi nao lòng khi nhớ về gia đình mình và cảm thấy một tình cảm thiêng liêng cao quý đang trào dâng trong tâm khảm. Khi nói về gia đình thì ta không thể không nói đến tình yêu, vì tình yêu chính là nền tảng xây dựng nên gia đình, một gia đình hạnh phúc phải là một gia đình được xây dựng trên tình yêu. Nhưng làm sao để làm cho tình yêu trong gia đình được phát triển bền vững, phải làm sao cho các thành phần trong gia đình được liên kết với nhau trong tình yêu, và đâu là nền tảng cho tình yêu của gia đình?

Có thể khẳng định ngay rằng gia đình là do ý định của Thiên Chúa khi Người dựng nên con người có nam có nữ. Vì con người được dựng nên vì tình yêu và theo hình ảnh Thiên Chúa nên con người có khả năng yêu thương, thật là bất hạnh khi con người không yêu và không được yêu, “con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng” (St 2, 20). Thiên Chúa là Thiên Chúa độc nhất Ba Ngôi Vị nên khi tạo dựng con người hay nói cách khác Người thiết lập định chế gia đình cũng trong mối tương quan ấy, tương quan của tình yêu Thiên Chúa. Chúa Cha yêu Chúa Con hết mực và Chúa Con đáp lại tình yêu của Chúa Cha hết mực và tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con là chính Chúa Thánh Thần.

Như vậy nền tảng của tình yêu gia đình chính là tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nói “chúng ta cần ý thức rằng từ ban đầu gia đình là cấu trúc của tình yêu và gia đình theo đúng thánh ý Chúa phải tồn tại và phát triển trong tình yêu”(Thư Mục vụ số15). Gia đình yêu thương là phản ảnh một Thiên Chúa yêu thương. Nhưng để làm sao để gia đình biết yêu thương nhau?

Tình yêu trong gia đình không tự nhiên mà có. Các thành viên trong gia đình phải biết đón nhận tình yêu ấy từ nơi Thiên Chúa và phát triển nó trong chính gia đình mình. Đành rằng trong mỗi con người ai ai cũng được Thiên Chúa ban cho khả năng biết yêu thương nhưng phải giáo dục khả năng ấy cho ngày một hoàn hảo hơn. “Giáo dục đức tin phải đi đôi với giáo dục đức ái. Cần giáo dục tình yêu cho con cái biết yêu thương hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, biết yêu thương kính trọng bà con họ hàng, biết yêu thương và kính trọng mọi người. Cũng cần giáo dục con cái biết yêu thương, tôn trọng, nâng đỡ và hy sinh cho nhau. Con người không biết sống yêu thương trong gia đình thì không thể biết sống yêu thương đúng nghĩa trong các môi trường xã hội. Việc giáo dục tình yêu cần phải kiên nhẫn và nhất là cần đến gương yêu thương giữa cha mẹ, giữa vợ chồng”(Thư Mục vụ số15).

Trở lại với tư tưởng của Ngọc Lễ trong bài Ba Ngọn Nến Lung Linh chúng ta có thể thấy mỗi ngọn nến đều phải lung linh, nến vàng, nến xanh, nến hồng đều phải lung linh, và ánh sáng của mỗi ngọn nến được hoà quyện vào nhau tạo nên một ánh sáng thật đẹp thật lung linh. Trong gia đình cũng vậy, có cha, có mẹ, có con cái, mỗi thành phần trong gia đình phải biết phản ảnh tình yêu của Thiên Chúa trong bổn phận của mình. Cha mẹ có bổn phận sinh, dưỡng và giáo dục con cái, đặc biệt là phải biết nêu gương yêu thương cho con cái, yêu mến Thiên Chúa và yêu thương nhau. Con cái cũng có bổn phận đối với cha mẹ, bổn phận thảo hiếu và yêu thương nhau là bổn phận hàng đầu của con cái trong gia đình. Tình yêu của cha mẹ, tình yêu của con cái cùng hoà quyện vào nhau tạo nên một gia đình hạnh phúc vì gia đình đầy ắp tình yêu thương.

Gia đình, nơi mà người ta sống yêu thương và dạy người ta sống yêu thương, gia đình chính là phản ảnh tình yêu của Thiên Chúa duy nhất. Vì thế, gia đình là môi trường giáo dục đặc biệt về tình yêu. Hãy nhìn về gia đình Nagiareth để học cách sống yêu thương nơi Mẹ Maria, Thánh Giuse, Chúa Giêsu đã sống, một gia đình đơn sơ, bình dị nhưng đầy ấp tình yêu thương, tình yêu Thiên Chúa và yêu thương nhau. Thật lý tưởng khi mọi thành viên trong gia đình đều cảm nhận sâu xa là mình được mọi người trong gia đình yêu thương và tình yêu của mình được mọi người đón nhận, đáp trả, để tình yêu của mọi thành phần trong gia đình được hoà quyện với nhau và tình yêu thương trong gia đình được mãi lung linh.

VII. HỌC KINH THÁNH

Bài 44: SÁCH BA-RÚT

1/ Ba-Rút là ai?

Ba-Rút con của Yoyaqim, vua Giuđa. Theo lời nói đầu (1,1-14) ông là thư ký của Ngôn sứ Giêrêmia. Sách được viết ở Babylon sau khi dân bị bắt lưu đày và sách được gửi về Giêrusalem để đọc trong các cuộc tập họp phụng vụ.

2/ Bố cục của sách ra sao?

Sách bao gồm:
+ Một kinh sám hối và hy vọng ( 1, 15-3, 8}.
+ Một thi khúc dạy sự khôn ngoan (3, 9-4, 4).
+ Một bài sấm (4, 5-5, 9)

3/ Ý tưởng nổi bậc trong sách nầy là gì?

Mặc dầu dân Chúa luôn thất trung, nhưng Chúa vẫn trung thành, Ngài mở đườøng cho dân trở lại và sẵn sàng tha thứ.

Lời Chúa: “Ta cũng vậy, Ta không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về và từ nay đừng phạm tội nữa”. (Ga 8, 11).

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết làm điều thiện hơn là chỉ trích điều xấu, biết kiến thiết hơn là phá đổ. Amen.

VIII. SỐNG ĐẠO

SỐNG TÌNH YÊU

Chúa ban cho con người có tình yêu để phần nào có khả năng đáp lại tình yêu của Chúa. Chúa ban cho gia đình có tình yêu, để liên kết nhau và biểu lộ tình yêu của Chúa.

Nhưng đâu phải đón nhận ơn Chúa rồi đương nhiên tình yêu đó phát triển. Phải khổ nhọc rèn luyện, thắng những trở ngại để đạt được thăng tiến.

Yêu là ưa thích những tốt đẹp, thiện hảo nơi người, và muốn có những thiện hảo đó nơi chính mình, muốn kết hợp, trao đổi cho nhau. Đó là yêu nhau.

Nhưng có vật thọ tạo nào hoàn hảo đến nổi có đủ mọi tốt đẹp thiện hảo? Có nhiều thiện hảo ta thích, ta muốn có, mà người ta yêu lại không có. Dĩ nhiên, mình phải hạn hẹp sở thích của mình. Cũng có thể người mình muốn thương lại có nhiều khuyết điểm về thể xác và tinh thần gần nhau lâu ngày mới biết. Tình trạng như thế mình phải chuẩn bị tinh thần nhẫn nại rộng lượng mới tiếp tục thương được.

Phần khác, biểu lộ tình thương của Chúa: thương như Chúa thương, thì cao xa một trời một vực, không bao giờ tới đỉnh được. Thương như Chúa thương, càng giống Chúa thì càng được kết hiệp với Chúa. Chúa thương muốn con người đáp lại nhưng Chúa không đàn ép, bắt buộc…Chúa thương cả những người phản bội không biết ơn Chúa.

Trên nguyên tắc, chúng ta chỉ thương những người tốt, người lành. Còn Chúa thì thương hết mọi người kể cả xấu người dữ. Khi chịu nạn, Chúa còn tỏ ra thương cả những người mắng chửi, đánh đập, và giết Chúa nữa. Tuyệt đỉnh chết vì người mình thương.

Chúng ta sống thế nào? Đạo chúng ta là đạo tình yêu. Chúa giáng trần để thể hiện tình yêu tuyệt đối. Chúng ta có quả quyết mình sống tình yêu, sống đạo tình yêu không. Ít ra có cố gắng sống như Chúa không?

Lạy Chúa, con hèn kém lắm! Xin thương xót con, nâng đỡ con, để con được nên giống Chúa nhiều hơn.

SUY NGHIỆM VỀ TÌNH YÊU

Năm chúng ta học hỏi về nhiệm vụ của gia đình, nhiệm vụ cốt yếu là giáo dục đức ái, nghĩa là giáo dục tình yêu. Thật ra mình thuộc nhân loại là loài có nhân, có thương yêu, người không có tình thương thì không đáng là người.

Nhưng chúng ta biết yêu tốt, sống yêu tốt chưa? Qua ngày đoạn tháng, tới đâu hay đấy? Cố gắng suy nghiệm xem.

Tình yêu giả định phải có đối tượng. Người một mình thì thương ai? Đối với vật thể thì ham thích không nói được là yêu. Người mình yêu thương phải có những điều thu hút mình muốn có, muốn được có cho mình. Biết trao đổi những tốt đẹp, thiện hảo cho nhau, thì mới nói được là thương nhau. Thân thiện trao đổi đó là hiệu quả của tình yêu: kết hợp nhau nên như một.

Vậy chúng ta có thể nói: Tình yêu, là tình hai người cảm thấy những điểm tốt đẹp thiện hảo của nhau, sinh ra ưa thích nhau, muốn trao đổi cho nhau và kết hợp với nhau. Đó là Tình Yêu.

Chúa thương chúng ta như thế nào?

Chúng ta nhờ mạc khải biết được Chúa là Tình yêu. Thiên Chúa Ba Ngôi, Một Bản Thể: Chúa là Ba mà Chúa cũng là Một. Đó là tình yêu tuyệt đối, ngoài tầm hiểu biết của chúng ta. Nhưng chúng ta có thể tưởng nghĩ những khác biệt nhau có thể hợp nhau, thân thiết, dầu không thể nên một nhưng cũng có thể nói tương tự như vậy, dường như nên một.

Thiên Chúa là Tình Yêu, tình yêu vô hạn nên không giữ riêng cho mình mà biểu lộ qua việc tạo dựng. Bởi thương mà Chúa tạo dựng, tạo nên con người để có đối tượng của tình yêu, có con người để yêu, và có con người để có thể đáp lại tình yêu.

Từ hư vô, Chúa tạo dựng nên chúng ta. Điều đó quả quyết được vì yêu Chúa ban cho con người tất cả gồm các yếu tố căn bản trong vũ trụ: vật thể vô tri, sức sống lớn lên, lại thêm phần cảm giác trên các yếu tố đó. Chúa ban cho phần linh thiêng, linh hồn có lý trí, nhận định được chân giả, thiệc ác, có ý chí, để mến yêu tốt đẹp lành thánh, được có tự do, đúng là con người có biệt vị.

Chúa ban cho con người được những ân huệ đó để đặt con người làm chủ vũ trụ được quyền sử dụng nhưng cũng có nhiệm vụ thay thế vũ trụ hướng mọi vật về Đấng Tạo Dựng: mọi vật thọ tạo, qua con người, ý thức được mình lệ thuộc, tôn thờ Chúa.

Nhân phẩm đáng Chúa lưu tâm, nhưng chưa đủ cho tình yêu của Chúa. Chúa lại ban cho con người sức sống giống như sống của Chúa - Biết như Chúa, biết yêu như Chúa yêu: đức tin, đức mến - để đạt đến chỗ kết hợp, không nên một như Chúa Ba Ngôi nhưng nói được thân thiết nên như một.

Về với Chúa là mục đích tối chung của con người và là hạnh phúc vĩnh cửu.

TÌNH YÊU TRONG GIA ĐÌNH

Nói đến tình yêu, thì chúng ta thường nghĩ đến tình nghĩa vợ chồng. Cảm thấy thích nhau, lấy nhau, chung sống, rồi sinh con đẻ cháu…Đó là thành lập gia đình, cũng có ý nghĩ mình có phận sự gầy dựng gia đình, vui tươi hạnh phúc…

Ý nghĩ quá đơn sơ như thế thì làm cho gia đình không còn phẩm giá chi nữa.

Gia đình là tế bào đầu tiên của xã hội. Chúa tình yêu, muốn đặt vào gia đình tình yêu của Chúa, là khởi điểm, là nền tảng tình yêu lan tràn lưu thông trong xã hội.

Tình yêu đâu phải là tình cảm ưa thích. Chúng ta biết, Chúa dựng nên con người có nam, có nữ thu hút lẫn nhau: “âm dương tương thôi” tiến đến thương yêu. Thu nhận những thiện hảo của nhau, vui chịu những khác biệt của nhau, hiến thân cho nhau….lãnh sứ mạng sinh dạy con cái. Tình yêu của con người phải do ý thức, chớ không do cảm xúc như súc vật.

Tình yêu trong gia đình còn do huyết thống, dòng tộc, đòi phải thương nhau: chúng ta nhận nhau là đồng bào (cùng một bọc) nghĩa là cùng một nguyên tổ. Nho giáo lại đề cao “Tứ hải giai huynh đệ”.

Vợ chồng thương yêu nhau vì cần bổ túc, giúp đỡ nhau; cha mẹ thương con cái vì tình huyết tộc. Con cái thương cha mẹ vì tình huyết tộc, mà cũng phải thương nhau vì cũng cần bổ túc cho nhau. Gia đình ở Việt Nam còn mở rộng thành gia tộc. Đại gia đình có thể gồm ông bà nội ngoại và cả cháu chắt.

Gia đình kể được là trung tâm điểm cho tình yêu phát khởi và lớn lên để lan rộng cho cả nhân loại.

Gia đình phải giáo dục tình yêu. Không tình yêu thì lấy gì để giáo dục! Chỉ cảm xúc si mê thì không an vui thoả mãn. Lạm dụng tình yêu thì không ổn; phản bội tình yêu thì đổ vỡ.

Tình yêu tốt mới bền đỗ, mới vui thú, giúp thi hành phận sự chu đáo.

Đồng tình luyến ái thì mất nhân phẩm. Tình yêu vợ chồng có thể không nghĩ đến cảm xúc và không giao hợp. Có thể có được làm cho nhân phẩm cao trội hơn. Sống như bằng hữu thương nhau giúp nhau. Được một bằng hữu như thế thì kể là có được một tài sản tuyệt vời.

IX. MỤC VỤ THIẾU NHI

GIA ĐÌNH VÀ VIỆC GIÁO DỤC ĐỨC ÁI

Yêu và được yêu là một trong những nhu cầu căn bản để tồn tại của mỗi con người. Chính gia đình là môi trường đầu tiên và cũng là môi trường quan trọng nhất để con người đón nhận điều thiêng liêng cao quý này.

Con người càng yêu thương và càng được yêu thương bao nhiêu thì cuộc sống càng có giá trị và ý nghĩa hơn. Bởi lẽ, tự đầu tiên con người được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh của Người. Nghĩa là con người có khả năng biết sống yêu thương.

Đối với người có đức tin thì việc giáo dục đức tin luôn đi đôi với việc giáo dục lòng yêu thương. Con cái trong gia đình cần được cha mẹ giáo dục cho biết: “yêu thương hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, biết yêu thương kính trọng bà con họ hàng, biết yêu thương và kính trọng mọi người. Cũng cần giáo dục con cái biết yêu thương, tôn trọng, nâng đỡ và hy sinh cho nhau (Thư HĐGM năm 2008 số 15).

Tiếc thay, trong thế giới hưởng thụ ngày nay có nhiều bạn trẻ chỉ biết nhận mà không biết cho. Do đó, có khá nhiều gia đình trẻ phải tan vỡ vì những lý do không đâu. Chỉ vì ích kỷ mong muốn người vợ hay chồng của mình phải đáp ứng những gì mình đòi hỏi.

Họ quên rằng tình thương cần được diễn ra hai chiều nhận và cho. Bởi vì trong tình thương cho là nhận và nhận là cho. Hơn thế nữa sống tình thương như thế là ta đang noi gương Chúa Giêsu. Vì thương con người mà Người đã cho tất cả ngay cả hy sinh chính bản thân mình.

Hãy nhớ rằng từ nhỏ cho đến khi trưởng thành và mãi mãi cho đến khi nằm xuống ta luôn luôn đón nhận được tình thương từ rất nhiều người. Để rồi ta cũng biết trao ban tình thương cho những người mà ta sống chung hay gặp gỡ.

X. MỤC VỤ GIỚI TRẺ

TẦM THƯỜNG VÀ THANH CAO

Nhân cách và kỷ năng sống bắt nguồn từ gia đình, cái nôi, mái trường đầu tiên đào tạo con người. Cung cách sống và cách tiếp cận vấn đề của giới trẻ được định hình từ chính gia đình, sau đó trường học và xã hội góp phần hun đúc thêm. Dưới dây là bài viết của Nhà Nghiên Cứu Tâm Lý QUANG DƯƠNG về cách chọn hoặc loại bỏ nhân sự trong các Cơ Sở hoặc Công Ty, giúp chúng ta phần nào hiểu thêm về tầm quan trọng của giáo dục gia đình.

Chọn người để kết nối, hợp tác làm việc…nên theo những tiêu chí nào về cảm xúc? Những dấu chỉ khác biệt nào về cảm xúc nói lên bản chất nhân văn của đối tác?

Thời gian gần đây người ta lựa chọn nhân sự theo các tiêu chỉ của EQ (Emotional Quotient – chỉ số cảm xúc). Không như chỉ số IQ (Intelligence Quotient) đơn thuần đo lường về trí lực, EQ ngoài việc đo cảm xúc còn đo cả tâm lực và trí lực dưới dạng trí tuệ của tâm hồn hoặc thông minh trong cảm xúc (Emotional Intelligence).

Dưới đây là 10 tiêu chí để lựa chọn người:

Người tầm thường dễ nổi giận. Người thanh cao biết kềm chế.
Người tầm thường khoái hình thức. Người thanh cao muốn biết nội tâm.
Người tầm thường thích danh xưng bên ngoài. Người thanh cao chú trọng đến thực chất.
Người tần thường ưa định kiến, cố chấp. Người thanh cao biết khoan dung, rộng lượng.
Người tầm thường coi nụ cười là xa xỉ. Người thanh cao coi nụ cười là thân thiện.
Người tầm thường thích hoài niệm và ôm chặt quá khứ. Người thanh cao nổ lực để hướng tới tương lai.
Người tầm thường vô cảm khi thời giờ trôi qua. Người thanh cao bức xúc khi thời giờ bị chết.
Người tầm thường tìm lạc thù khi hưởng thụ. Người thanh cao tìm khoái cảm khi cống hiến.
Người tầm thường mua sắm những thứ mình yêu thích. Người thanh cao chỉ mua những thứ mình rất cần.
Người tầm thường kín đào “xài chùa” tài sản chung. Người thanh cao thầm lặng vun vén cho công quỹ.

Những cảm xúc tiêu cực (như nổi giận, đố kỵ, hiềm khích…) bao giờ cũng gây áp lực đẩy EQ xuống rất thấp. Còn cảm xúc nào có tác dụng thăng hoa EQ mạnh nhất? Bill Gates – người khai sinh tập đoàn Microsoft – đã cho ta lời đáp án, kho nói chuêỵn với sinh viên ĐHBK Hà Nội năm 2006, khẳng định: “Làm bất cứ việc gì với nêìm say mê miệt mài nhất, dốc hết khả năng cao nhất…cho những ai ta có thể, với những gì ta có thể và ở nơi nào ta đang sống. Đó là cảm xúc sống, cũng là phương châm sống rất EQ của những người…biết sống”

XI. MỤC VỤ ƠN GỌI

VƯỜN ƯƠM YÊU THƯƠNG

Gia đình là cái nôi đầu tiên đón tiếp con người và cung cấp cho con người những điều kiện cần thiết của cuộc sống hầu mưu tìm hạnh phúc. Đối với các kitô hữu, gia đình còn mang một ý nghĩa khác nữa: đó là một cộng đoàn yêu thương phản ảnh cộng đoàn của Thiên Chúa, theo gương gia đình Nagiarét.

Bên cạnh việc giáo dục đức tin, giáo dục tình yêu cho con cái trong gia đình là điều cần thiết. Dạy con cái biết yêu thương, thảo hiếu với ông bà, cha mẹ; biết kính trọng bà con, anh chị em, họ hàng và biết nâng đỡ, hy sinh cho nhau trong gia đình là điều cần thiết nhất. Chức năng - nhiệm vụ - bổn phận thiêng liêng ấy cha mẹ chỉ có thể hoàn thành được nếu biết yêu thương và tha thứ như chính Chúa Giêsu đã yêu thương và tha thứ cho chúng ta.

“Thầy ơi! Con chỉ muốn chết thôi Thầy ơi. Ba Mẹ con lại cãi nhau nữa rồi. Không biết có gia đình nào như gia đình con không? Tại sao Ba Mẹ con hay cãi nhau vậy? Tại sao Ba Mẹ con không nghe anh chị em con vậy?...”

Đó là dòng tin nhắn tôi nhận được từ một cô học trò cách đây hai tuần. Cô bé hay than phiền về đời sống trong gia đình của mình. Ba mẹ hay cãi vả với nhau. Ba mẹ không yêu thương, không lắng nghe, không cảm thông, không chia sẻ cho anh chị em trong gia đình. Từ một cô học trò hiếu động, ngoan hiền em trở nên một người lúc nào cũng buồn bã, âu sầu và không con ngoan hiền trong đời sống đạo nữa!

Con người có thể biến cuộc sống gia đình của mình thành thiên đàng hay hỏa ngục. Do đó, cha mẹ cần tạo cho gia đình mình những cơ hội quý báu để thể hiện tinh thần yêu thương và tha thứ, quên mình phục vụ cho nhu cầu hạnh phúc của người khác. Cũng chính nơi đây hạt giống ơn gọi sẽ nảy sinh, cây ơn gọi bám chặt và lớn mạnh. Giáo hội sẽ không có được những ơn gọi yêu thương phục vụ cho cánh đồng truyền giáo nếu không được vung trồng từ gia đình.

Bầu khí yêu thương trong gia đình trở thành mái ấm, thành dòng suối mát, để con cái lớn lên. Chính bầu khí ấy sẽ là một môi trường tuyệt hảo để gia đình ươm trồng ơn gọi; đó cũng là cách gia đình đảm nhận vai trò trường đào tạo đầu tiên, nơi đó có nhiều ảnh hưởng đến đời sống của một con người. Chúa Giêsu đã may mắn được hưởng bầu không khí gia đình đó “Hài nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy không ngoan và hằng được ơn nghĩa cùng Thiên Chúa”.

Gia đình cần cổ võ mọi thành viên trong gia đình sống có trách nhiệm với nhau. Luôn biết quan tâm đến nhau và cha mẹ chính là người làm gương trước về đời sống này. Có như thế hạt giống ơn gọi mới bén rễ sâu trong tình thương mến nhờ đó mà Giáo Hội có được những mục tử như lòng Chúa mong muốn.

XII. MỤC VỤ GIA ĐÌNH

GIÁO DỤC ĐỨC ÁI TRONG GIA ĐÌNH

Thiên Chúa là tình yêu (Ga 4.8). Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ vạn vật trong yêu thương, thông chia sự tốt lành, hoàn hảo của Chúa cho mọi loài trong quyền năng của Chúa. Con người là chóp đỉnh của vũ trụ vạn vật, được Chúa tạo dựng một cách đặt biệt theo hình ảnh của Chúa có khả năng hiểu biết, yêu thương và tự do. Con người chỉ có hạnh phúc khi biết sống yêu và đươc yêu. Khi Thiên Chúa tạo dựng Adam và trao cho ông quyền quản trị vũ trụ vạn vật, nhưng Adam không vui vì không có ai cảm thông chia sẻ, nâng đỡ và bổ túc cho ông, để ông trao gửi tình yêu và đáp trả tình yêu của ông, gia đình là cộng đồng yêu thương.

I. GIA ĐÌNH LÀ MÁI ẤM CỦA NHỮNG NGƯỜI YÊU THƯƠNG NHAU

Adam rơi vào giấc ngủ tê mê, Chúa lấy xương sườn của ông đắp thịt vào, tạo thành bà Evà, Chúa dẫn bà Evà đến với Adam. Gặp Evà là đối tượng đòi yêu và biết yêu, Adam đã hân hoan thân thương tuyên bố: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà vì đã được rút ra từ đàn ông”. Vì thế trong cuộc sống yêu, đàn ông lìa bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và đàn bà cũng lìa bỏ cha mẹ mà gắn bó với chồng mình, cả hai thành một xương một thịt. (St 2,21-24).

Từ ngày họ đón nhận nhau, hẹn thề, cam kết gắn bó với nhau suốt đời, họ học sống yêu thương. Yêu thương là từ bỏ chính mình, tưởng nhớ, quan tâm, lo lắng, chăm sóc, phục vụ người mình thương tận tâm, tận tình, vận dụng mọi khả năng, mọi cơ hội để mang hạnh phúc tối đa cho người mình yêu. Càng yêu thương họ càng đồng tâm nhất trí, càng hiệp thông trọn vẹn với nhau như Chúa Ba Ngôi. Họ là một.Từ cuộc sống yêu thương khắn khít hoà quyện, tan biến trong nhau, vợ chồng được Chúa cho sinh sản và giáo dục con cái, một thành phẩm tình yêu chào đời: đứa con. Đứa con đòi hỏi cha mẹ thương mến, chăm lo, săn sóc, tâng tiu, ẵm bồng, dạy dỗ, đứa con ấy cũng yêu mến và làm hài lòng cha mẹ. Theo thánh ý Chúa, gia đình chỉ tồn tại và phát triển trong tình yêu. Cha mẹ giáo dục con cái biết yêu thương hiếu thảo với ông bà cha mẹ: kính trọng trong thái độ khiêm tốn, ăn nói nhã nhặn, đi thưa, về trình, biết chăm chú lắng nghe lời răn bảo và thực hành với lòng yêu mến. “Yêu mến là vâng lời”. (Ga 14,15-21),cộng tác với ông bà cha mẹ, phục vụ các ngài khi yếu đau, bệnh tật, nâng đỡ các ngài khi sa cơ thất thế, lo tang ma và cầu nguyện cho các ngài khi qua đời, thực hiện những ước vọng tốt lành, chính đáng mà các ngài trăn trối.

Biết yêu thương kính trọng họ hàng, khi gặp biết trọng kính chào hỏi, biết thăm nom khi họ yếu đau, biết giúp đỡ tuỳ theo khả năng. Anh chị em ruột thịt biết tôn trọng, yêu thương, nâng đỡ, tiếp giúp, bảo vệ, hy sinh phục vụ lẫn nhau theo kiểu: chị ngã- em nâng, lá lành đùm lá rách, thậm chí lá rách đùm lá nát, giúp nhau học hành, giúp nhau làm ăn sinh sống, và giúp nhau tiến thân, cùng chịu chung tủi nhục, cùng chia sẻ vinh quang.

Biết yêu thương, tôn trọng, giúp đỡ mọi người trong khả năng khi có thể: “Thương người như thể thương thân”, “bao nhiêu lần các ngươi làm cho những anh em hèn mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Matt 25,40).

II. PHƯƠNG CÁCH GIÁO DỤC SỐNG YÊU

Vô tri bất mộ: không biết không mến, sự chỉ bảo, sự dẫn dắt, sự chỉ đàng, cắt nghĩa của cha mẹ là cần thiết giúp con cái biết việc nào là việc phải làm và biết cách làm , ví dụ: là anh là chị phải thương đưa võng cho em, bồng em, dắt em, đút cơm, rót nước cho em, lo tắm giặt cho em, đưa em đi ngủ, đi học, đi lễ… Dạy em học, nhường nhịn em miếng ăn, manh áo, chỗ ngủ, đồ chơi, giải trí…hy sinh quyền lợi chính đáng của mình cho em.

Lời nói lung lay, gương lành lôi cuốn: Chính gương sáng, cách sống của cha mẹ đối với nhau, cách cha mẹ trọng kính, vâng lời, lo lắng, cộng tác, phụng dưỡng ông bà nội ngoại: Tết ông bà dịp đầu năm, thăm ông bà vào những dịp kỷ niệm ngày sinh, ngày cưới, bổn mạng…những dịp ốm đau bất ngờ. Cách hành xử của cha mẹ đối với ông bà là mẫu mực cho con cháu ứng xử với ông bà trước và cha mẹ sau. “Thấy cha cạo muỗng dừa cho ông nội, con cạo muỗng dừa cho ba”.

Cách cha mẹ cư xử với các bác, các chú thím, dì dượng, cậu mợ, cô dượng là mẫu mực cho con cái cư xử với nhau trong bầu khí gia đình. Sự bất thuận, xung khắc, kình chống giũa các bậc tiền bối làm nối cho con cháu mai sau: “sai đường, lạc lối”.

Cách ứng xử của cha mẹ với mọi người sẽ là kiểu mẫu cho con cái noi đòi bắt chước: công bằng hay bất công, yêu thương quảng đại hay ích kỷ nhỏ nhen, giúp người hay hại người, nâng người dậy hay đạp người té sẽ hằn lên ấn tượng nơi đời sống con cái.

Đọc hạnh các Thánh, chúng ta thấy gương sáng đời sống của ông bà cha mẹ trên con cháu. Sự hy sinh, chăm sóc, dạy dỗ, hướng dẫn của ông bà cha mẹ củng cố đời con cháu. Gương lành của người này ảnh hưởng đến người kia. Gương hạnh sống yêu thương nơi nhà Nazareth: Cách sống yêu thương, kính trọng, phục vụ giữa Mẹ Maria và Thánh Giuse, sự yêu mến, kính trọng, vâng lời, cộng tác, phục vụ của Chúa Giêsu với hai Đấng. Ôi gia đình yêu thương đầm ấm, hạnh phúc, nơi mọi người đều quên mình, yêu thương, hy sinh phục vụ lẫn nhau và chỉ mưu tìm hạnh phúc cho nhau. Thật là hoà thuận, thật là an vui. Sống yêu, sống thật chữ “YÊU”.

Đặc biệt là gương yêu thương, tôn trọng và phục vụ của Chúa Giêsu đối với mọi người. Yêu thương hết tình, hết mình, yêu thương đến chết cho mọi người: trẻ thơ, đàn ông, đàn bà, người già, người bệnh, kẻ tốt lành, người tội lỗi, người giàu sang, kẻ nghèo đói…mỗi người được Chúa quan tâm yêu thương giúp đỡ theo nhu cầu của mình. Số 15 Thư Mục Vụ 2008, HĐGMVN khẳng định: “Con người không biết sống yêu thương trong gia đình thì không biết yêu thương đúng nghĩa trong các môi trường xã hội”. Hãy nhìn xã hội đánh giá giáo dục gia đình. “ Thật là lý tưởng khi mọi thành viên trong gia đình đều có cảm nhận sâu xa là mình được mọi người trong gia đình yêu thương và tình yêu của mình đều được mọi người đón nhận, đáp trả”.

Hạnh phúc của tôi là biết trọng kính, yêu thương mọi người và được mọi người tôn trọng, yêu thương.

YÊU HAY GHÉT

Ngày xưa có một nàng công chúa, rất xinh đẹp, đến tuổi cặp kê, vua cha quyết định kén phò mã những mong sao cho thật xứng lứa vừa đôi. Sau khi đã kén chọn gắt gao, cuối cùng cũng chọn được một vị hoàng tử thật tài hoa tuấn tú. Thật là một cặp tài tử giai nhân.
Thế nhưng sau một thời gian chung sống, họ không thấy không thể sông chung với nhau được nữa nên mới tìm đến thần tình yêu để được tư vấn
Thần tình yêu thấy mình có trách nhiêm đối với đôi uyên ương này nên tìm cách hàn gắn.
Thần cho mỗi bên trình bày lý do để tìm ra nguyên nhân, hòng giúp họ có thể cứu vãn tình thế.
Hoàng tử trình bày: cô ta có tính ghanh ghét quá đáng, tôi không chịu nỗi
Công chúa nói: anh ta quá ích kỷ đến nỗi tôi không chịu được.
Thần tình yêu nói: thôi được. Nếu các ngươi mỗi người có thể cho ta một nữa trái tim của người kia, ta sẽ làm cho các ngươi sẽ sống bên nhau hạnh phúc suốt đời.
Công chúa nghĩ : Nếu mất đi một nữa trái tim thì mình sẽ không còn đẹp nữa lúc đó sẽ có kẻ khác đẹp hơn mình thì sao ? Như thế không được!
Còn Hoàng tử thì nhủ thầm: Nếu mình cho đi mà không được nhận lại thì sao ?
Rốt cục cả hai người chẳng ai chịu tặng cho ai nữa quả tim của mình.
Thần tình yêu đành kết thúc phiên hòa giải trong nỗi thất vọng với lời phán quyết: không đủ điều kiện để sống chung!

Có người đã nói: con người là hỏa ngục đối với con người. Sở dĩ như thế là vì con người sống với nhau không có tình yêu, người ta không thể chấp nhận người khác như chính họ, họ nghĩ rằng họ sống một mình sẽ hạnh phúc, nhưng họ đã lầm. Khi Thiên Chúa chưa dựng nên Eva, Adam sống rất buồn, du đã có muôn thú làm bạn. Nhưng sau khi thiên chúa dựng nên Eva, mới bừng mắt, Adam đã reo lên: Này xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Từ đó đời “vui như địa đàng” cho tới khi họ ăn trái cấm. Thế nhưng họ vẫn không rời nhau.


Ngày nay có nhiều kẻ lang thang bụi đời, có nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng nhiều nhất là những kẻ không có tình thương gia đình: cha mẹ ly tán, không có tình thương của cha mẹ… Những cặp vợ chồng dù có cưới hỏi họp pháp hay tự do sống chung tan vỡ, vì đâu? Đơn giản vì họ không còn yêu nhau nữa. Ngoài xã hội, những vụ thanh toán, giết chóc, tàn sát lẫn nhau cũng vì họ không có tình thương, bởi vì “ giết kẻ thù chớ ai nỡ giết bạn đành sao!”


Tình yêu nối kết con người, dù là trong gia tộc, hay người dưng nước lã, không có tình yêu, ruột thị cũng trở thành người dưng.


Đã đành tình yêu là vốn quí trời ban cho con người. Thế nhưng, tình yêu cũng cần phải được nuôi dưỡng, bảo vệ và đào luyện để nó không bị mai một, biến dạng trở thành bệnh hoạn. Đó là trách nhiệm của xã hội, nhưng vai trò chánh yếu vẫn là gia đình. Trong hoàn cảnh ngày nay, nhiều gia đình lại có nguy cơ trở nên môi trường xấu trong việc giáo dục tình yêu cho những đứa trẻ. Nguyên nhân là vì ngày nay, gia đình có ít con, nên chúng được nuông chiều quá đáng. Bởi ai cũng thương con thương cháu đến nỗi sợ làm chúng mất lòng, không dám rầy dạy, chúng muốn gì được nấy, trong gia đình chúng thật sự là công chúa, hoàng tử, là trung tâm của vũ trụ. Chúng chỉ biết nhận mà không biết cho, muốn thỏa mãn mà không biết cảm thông (đâu ai dạy chúng !), và như thế vô tình mọi người đã gieo vào tâm trí chúng lối sống ích kỷ, hẹp hòi, độc đoán, kiêu ngạo…Đó là những con vi trùng làm biến dạng và giết chết tình yêu.


Tha nhân trở nên bạn do chữ yêu, trở nên thù vì chữ hận. Yêu và hận đều có chung một nguồn gốc là tình, có điều là chúng phát triển theo hai hướng khác nhau, hướng tới người khác hay hướng vào bản thân mình.

Nếu các bậc cha mẹ không dám hy sinh (sợ mất lòng con cái khi phải rầy dạy chúng) cũng có nghĩa là hướng tình cảm vào chính mình. Lúc đó vô hình chung, chúng ta đã biến yêu thành hận, bởi chúng ta đã ăn cắp tình yêu của chúng, mà một khi con người không còn tình yêu thì làm gì có hạnh phúc? Lúc đó chúng sẽ hận chúng ta. Còn nếu như chúng ta chấp nhận hy sinh tình cảm riêng tư của mình để uốn nắn, dạy dỗ con cái mình, có thể vì thơ dạy chúng có thể không hiểu, nhưng khi khôn lớn, nên người, chúng sẽ biết yêu thật sự và có được hạnh phúc, chắc chắn chúng sẽ biết suy nghĩ và thấu hiểu nỗi lòng của cha mẹ thì sợ gì chúng sẽ không yêu quí chúng ta?

Mong rằng các bậc cha mẹ đừng tráo đổi tình yêu của con bằng sự ích kỷ của chính bản thân mình, đừng để con cái phải đau khổ vì sự hèn nhát của chính chúng ta.

XIII. MỤC VỤ GIÁO LÝ VIÊN

GIÁO LÝ VIÊN LÀ NGƯỜI TRUNG THÀNH
VỚI SỨ ĐIỆP TIN MỪNG

GLV thân mến!

Trong những bài viết trước, chúng ta đã được tìm hiểu và xác tín: là 1 GLV, cùng với việc dạy giáo lý là 1 ơn gọi là 1 sứ mạng cao cả. Đúng như lời của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã nói trong tong huấn dạy giáo lý, số 66: “…..hoạt động của các con, nhiều khi khiêm tốn và kín đáo, nhưng nhiệt thành, hăng hái và quảng đại, là một hình thức tuyệt vời của tông đồ giáo dân….Các giáo lý viên ở xứ truyền giáo thực xứng đáng là với tước hiệu “Giáo Lý Viên” hơn ai hết……. có những Hội Thánh ngày nay phồn thịnh, nếu không có họ, chắc đã không xây dựng được…”.

Ơn gọi và sứ mạng này làm nên linh đạo cho GLV. Linh đạo ấy được cụ thể:

GLV là người được Chúa Giêsu yêu thương và mời gọi.
GLV là người hiểu biết Chúa Giêsu.
GLV là người yêu mến Chúa Giêsu.
GLV là người sống theo Lời Chúa Giêsu.
GLV là người gắn bó với Hội Thánh và được Hội Thánh sai đi.

Đi theo linh đạo này, GLV mới có thể ‘trung thành với sứ điệp Tin Mừng’.

GLV là người trung thành với sứ điệp Tin Mừng. Lý do người GLV phải trung thành với Sứ điệp Tin Mừng là: Việc dạy Giáo lý bao giờ cũng lấy nội dung ở nguồn mạch sống động là Lời Chúa được thông truyền qua Kinh thánh và Thánh truyền, vì “Thánh truyền và Kinh thánh hợp thành một kho tàng thánh thiện duy nhất chứa đựng Lời Chúa và được trao phó cho Hội Thánh”( DGL 27).

Do đó, mỗi GLV phải làm sao để có thể áp dụng cho chính mình lời nói nhiệm mầu của Đức Giêsu: “ Đạo lý Ta dạy không phải là của Ta mà là của Đấng đã sai Ta”( Yn 7,16). Đó là việc mà thánh Phaolo đã làm khi bàn về một vấn đề quan tối quan trọng: “Tôi đã chịu lấy nơi Chúa điều tôi truyền lại cho anh em” ( 1 Cr 11,23). Như thế, một GLV phải nói rằng: “ Giáo lý của tôi không phải do tôi”, thì họ phải chuyên cần hoc hỏi Lời Chúa do Huấn quyền của Hội Thánh thông truyền, phải kết thân sâu xa với Đức Kitô và với Chúa Cha, và phải có tinh thần cầu nguyện và bỏ mình đến chừng nào

XIV. MỤC VỤ QUỚI CHỨC

TÌM HIỂU SẮC LỆNH TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN

Chương VI. Huấn Luyện Làm Tông Đồ
28. Cần huấn luyện để làm việc Tông đồ

Việc tông đồ chỉ đạt tới kết quả mỹ mãn nhờ việc huấn luyện đầy đủ và chuyên biệt. Sở dĩ đòi hỏi phải được huấn luyện chu đáo như thế không những vì người giáo dân phải tiến bộ liên tục về đời sống thiêng liêng và về giáo lý, mà họ còn phải thích nghi trong khi hoạt động với những hoàn cảnh khác biệt tùy theo thực tại, nhân sự cũng như tùy theo nhiệm vụ. Việc huấn luyện này phải dựa trên những nền tảng đã được Thánh Công Đồng đề xướng và công bố trong nhiều văn kiện khác 1 . Ngoài việc huấn luyện chung cho mọi tín hữu, còn phải có thêm lớp huấn luyện chuyên biệt cho một vài đoàn thể tông đồ có nhiều đoàn viên và hoàn cảnh khác nhau.

Gợi ý giải thích:

Tại sao việc Tông Đồ cần phải được huấn luyện đầy đủ?
Việc huấn luyện cần được dựa trên nền tảng nào?
Phải huấn luyện cho hết mọi người hay chỉ cho một số người?

Gợi ý thực hành:

Ban Quới Chức có được huấn luyện để làm việc Tông Đồ?
Bằng cách nào để Ban Quới Chức được huấn luyện

XV. TẢN MẠN

XA MÀ GẦN – GẦN MÀ XA

Theo tâm lý bình thường, người ta thường thích cái gì đó “gần” hơn “xa”. “Gần” về phương diện không gian thường được xem như một yếu tố thuận lợi. Chẳng hạn, người ta vui mừng và hãnh diện nếu nhà mình được gần trường học, gần chợ, gần bệnh viện, gần công viên, gần nhà thờ, gần thành phố . . . Nhưng rồi cuộc sống lại có những luật trừ của nó. Có những khi người ta cảm thấy khổ sở và nặng nề khi phải sống gần một người hay một nơi nào đó, nếu người hay nơi nào đó không mang lại “sức sống” và sự phấn khởi cho người sống gần. Ví dụ, chẳng ai khoe mình sống gần nghĩa địa, lò thiêu, lò sát sinh, nhà xác, hang trộm cướp bao giờ. Đặc biệt, khi không có tình yêu, thì chuyện sống gần, ở gần trở nên vô nghĩa và nặng nề vô cùng. Chúng ta phải công nhận rằng: có những khi “tuy xa mà gần” và “tuy gần mà lại xa”.

Tôi rất thích gẫm suy về câu nói sau đây của cổ nhân: “đường tuy gần không đi không tới, việc tuy nhỏ không làm không xong”. Do đó, tôi nhận thấy thật khó khăn khi phải xác định khoảng cách “gần – xa”. Bao xa thì gọi là gần? Bao nhiêu kilômét để gọi là xa? Câu trả lời có lẽ tuỳ thuộc vào yếu tố “tình cảm” là chủ yếu. Bởi lẽ, có nhiều khi “nhà nàng ở cạnh nhà tôi” mà lại trở nên xa vô cùng, vì một năm mười hai tháng chẳng ai đi tới ai, chẳng ai hỏi thăm ai, chẳng ai quan tâm đến ai. . . những khi đó, ta thấy được rằng : “tuy gần mà lại xa”. Cái gần của yếu tố “không gian” khi thiếu vắng tình thương lại trở nên vô nghĩa, vô vị và vô duyên làm sao! Tôi đã từng chứng kiến những cảnh tượng đau lòng vì có những người anh em ruột thịt, những người “đồng chí” sống thật gần nhau nhưng rồi lại xâu xé nhau, phê bình chỉ trích nhau, kết án nhau . . . để rồi cuối cùng chẳng bao giờ “gần nhau” được, hoặc gần nhau cũng chẳng có gì để nói. Những khi đó, yếu tố không gian “gần” lại trở nên cái làm cho con người ta cảm thấy nặng nề, ray rứt, bực bội, khó chịu đến nghẹt thở! Thấy mặt nhau chỉ làm “khổ” nhau thêm mà thôi! Như thế, gần nhau có nghĩa gì nữa người ơi!

Rồi có khi, con người ta sống cách xa nhau đến nửa vòng trái đất mà lại trở nên gần nhau vô cùng. Bởi lẽ, tâm trí của họ đêm ngày tưởng nhớ đến nhau, gọi điện thăm hỏi nhau, gửi cho nhau những hình ảnh thân thương, những thông điệp tình yêu . . . làm ấm áp lòng người. Chính “tình thương mến thương” làm cho con người ta cảm thấy gần nhau bất chấp mọi hoàn cảnh, mọi yếu tố không gian và thời gian. Những khi đó, quả thật người ta sống xa nhau nhưng vẫn cảm thấy rất gần nhau.

Nhưng ông bà ta lại thường nói: “bán anh em xa mua láng giềng gần”. Bởi lẽ, láng giềng gần rất cần cho nhau trong những khi “tối lửa tắt đèn”. Khi “hữu sự” xảy ra thì anh em xa đâu quan trọng bằng láng giềng gần. Nhưng hình như kinh nghiệm sống quí báu ấy ngày nay đang trở nên mờ nhạt, để rồi dần dần đánh mất gia sản tinh thần quí báu ấy.

Đời sống cộng đoàn là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong đời sống đức tin của người tín hữu. Các tín hữu rất cần sống gần nhau để nâng đỡ nhau, nhất là khi có những khó khăn, bắt bớ và nghịch cảnh xảy ra. Tôi cảm thấy giật mình khi suy gẫm về trường hợp của tông đồ Phêrô. Tôi thấy ông mạnh mẽ dường nào khi có Thầy Giêsu, có anh em bên cạnh ông. Ông đã từng dõng dạc tuyên bố trước mặt Thầy Giêsu và mọi người rằng “Ai bỏ Thầy chứ Phêrô này thì không đời nào”, hay “ai muốn bắt Thầy thì phải bước qua xác của Phêrô này đây”. Nhưng rồi khi Phêrô ở một mình, thì ông trở nên nhát đảm biết bao nhiêu. Lời nói bâng quơ của đứa đầy tớ gái cũng làm ông phát rét lên, khiến ông không còn dám sống theo sự thật nữa. Thế mới thấy, tầm quan trọng của anh em, của cộâng đoàn quan trọng là dường nào!

“Không ai là một hòn đảo”, không ai có thể lớn lên cách quân bình mà không có người thân và anh em mình chung quanh. Những người sống quanh mình chính là sức đẩy làm cho ta lớn lên và trưởng thành. Nếu đời sống cộng đoàn đối với người giáo dân và người đời đã quan trọng đến thế thì đời sống của những người tận hiến trong ơn gọi tu trì lại cần nhau đến là dường nào. Thế nhưng, nhiều khi vì công việc, vì tính khí khác nhau hay vì chút tự ái cá nhân đã làm cho biết bao nhiêu người vốn rất gần nhau xét về yếu tố không gian nhưng rồi lại thấy thật xa cách nhau về mặt tâm lý và tình cảm. Từ đó, họ trở nên xa cách nhau trong nhiều chuyện, khiến “đường ai nấy đi”, anh em trở nên người xa lạ. Tình trạng “anh đi đường anh tôi đi đường tôi” dường như càng ngày càng gia tăng. Mọi nguy hiểm trong đời sống thánh hiến cũng phát sinh từ đó. Chúa Giêsu đã nhìn thấy hiểm hoạ đó nên Ngài đã cầu nguyện tha thiết với Chúa Cha” Xin cho chúng nên một”. Rồi như một lời trăng trối chân thành nhất, Ngài đã nói với các tông đồ trước khi Ngài đi vào cuộc tử nạn : “Thầy truyền cho các con điều này là các con hãy yêu thương nhau”.

Ước gì lời của bài hát: “gần nhau trao cho nhau tin yêu tình loài người, gần nhau trao cho nhau tin đừng gian dối, gần nhau trao cho nhau ánh mắt nhân loại này, tình yêu trao cho nhau xây đắp nên tình người” luôn sống động trong lòng mọi người để tất cả những ai sống gần nhau trở nên thật khăng khít bên nhau, và những ai sống xa nhau cũng trở nên gần nhau trong tâm trí của mình để tình yêu nhân loại càng ngày càng triển nở và mọi người cảm thấy mình được nâng đỡ trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời.

XVI. MỘT LỐI SỐNG

TÂM NIỆM CUỘC ĐỜI

Đừng nên thờ ơ với những gì đã quá quen thuộc với bạn. Hãy giữ chắc lấy chúng như những gì quan trọng nhất, vì sẽ có lúc bạn cảm thấy tiếc nuối khi những điều thân thuộc ấy mất đi.

Đừng hạ thấp giá trị của mình bằng cách so sánh bản thân mình với người khác. Mỗi chúng ta là một con người khác nhau và đều có những giá trị khác nhau.

Đừng mải mê theo đuổi những mục tiêu mà người khác cho là quan trọng, vì chỉ có bạn mới hiểu rõ những mục tiêu nào là tốt cho mình.

Đừng ngại học hỏi. Kiến thức là một tài sản vô hình và sẽ là hành trang vô giá theo bạn suốt cuộc đời.

Đừng ngại mạo hiểm để làm những điều tốt. Ít nhất bạn cũng học được cách sống dũng cảm với những lần mạo hiểm.

Đừng nên phí phạm thời gian hoặc những lời nói thiếu suy nghĩ. Cả hai thứ ấy một khi đã qua đi hay thốt ra thì không thể nào bắt lại được.

Đừng để cuộc sống đi qua mắt bạn chỉ vì bạn đang sống trong quá khứ hay tương lai. bằng cách sống cuộc sống của mình ngày hôm nay, vào lúc này, bạn đang sống tất cả mọi ngày trong cuộc đời.

Đừng quên hy vọng, sự hy vọng cho bạn sức mạnh để tồn tại ngay khi bạn đang bị bỏ rơi.

Đừng đánh mất niềm tin vào bản thân mình, chỉ cần tin là mình có thể làm được và bạn lại có lý do để cố gắng thực hiện điều đó.

Đừng lấy của cải vật chất để đo lường thành công hay thất bại, chính tâm hồn của mỗi con người mới xác định được mức độ " giàu có" trong cuộc sống của mình.

Đừng để những khó khăn đánh gục bạn, hãy kiên nhẫn rồi bạn sẽ vượt qua.

Đừng do dự khi đón nhận sự giúp đỡ, tất cả chúng ta đều cần được giúp đỡ ở bất kỳ khoảng thời gian nào trong cuộc đời.

Đừng chạy trốn mà hãy tìm đến tình yêu, đó là niềm hạnh phúc nhất của bạn.

Đừng chờ đợi những gì bạn muốn mà hãy đi tìm kiếm chúng.

Đừng từ chối nếu bạn vẫn còn cái để cho.

Đừng ngần ngại thừa nhận rằng bạn chưa hoàn hảo.

Đừng e dè đối mặt thử thách. Chỉ khi thử sức mình, bạn mới học được can đảm.

Đừng đóng cửa trái tim và ngăn cản tình yêu đến chỉ vì bạn nghĩ không thể nào tìm ra nó. Cách nhanh nhất để nhận tình yêu là cho, cách mau lẹ để mất tình yêu là giữ nó quá chặt, cách tốt nhất để giữ gìn tình yêu là cho nó đôi cánh tự do.

Đừng đi qua cuộc sống quá nhanh đến nỗi bạn quên mất mình đang ở đâu và thậm chí quên mình đang đi đâu.

Đừng quên nhu cầu cảm xúc cao nhất của một người là cảm thấy được tôn trọng.

Đừng ngại học hỏi. Kiến thức là vô bờ, là một kho báu mà ta luôn có thể mang theo dễ dàng.

Đừng sử dụng thời gian hay ngôn từ bất cẩn. Cả hai thứ đó đều không thể lấy lại.

Cuộc sống không phải là một cuộc chạy đua, nó là một cuộc hành trình mà bạn có thể tận hưởng từng bước khám phá...

Đừng bao giờ cho là bạn đã thất bại khi những kế hoạch và giấc mơ của bạn đã sụp đổ, vì biết được thêm một điều mới mẻ thì đó là lúc bạn tiến bộ rồi.

Đừng quên mỉm cười trong cuộc sống.

Đừng quên tìm cho mình một người bạn thực sự, bởi bạn bè chính là điều cần thiết trong suốt cuộc đời.

Và cuối cùng đừng quên ơn những người đã cho bạn cuộc sống hôm nay với tất cả những gì bạn cần. Bởi vì con cháu đời sau của bạn sẽ xem bạn như tấm gương của chúng.

XVII. SỐNG LỜI CHÚA: Mác-cô 7,15
“Không có gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế”.

1003    23-04-2012 14:32:09