Sidebar

Thứ Ba
19.03.2024

Trung Tâm Hành Hương và Thắng Cảnh

- Trung tâm hành hương Đình Khao

Địa chỉ: xã Thanh Đức, huyện Long Hồ (gần phà Đình Khao Cổ Chiên). Ngày 03/07/1853 Thánh Philipphê Phan Văn Minh đã tử đạo tại Đình Khao, máu của Thánh Minh sẽ là hạt giống làm nảy sinh những người Kitô hữu. Ngay từ khi nhận nhiệm vụ chủ chăn Giáo Phận Vĩnh Long năm 1938, Đức Cha Phêrô Ngô Đình Thục đã tôn vinh Á Thánh Philipphê Phan Văn Minh vị anh hùng đã tử đạo tại sân Đình Khao vào ngày lễ Chúa Nhật Mình Máu Thánh Chúa 3/7/1953, nhận ngài là bổn mạng Giáo Phận Vĩnh Long và sau này là bổn mạng Tiểu Chủng Viện Vĩnh Long, 88 Trưng Nữ Vương- F1- Thành phố Vĩnh Long.

Sau ngày Giáo Phận Vĩnh Long kỷ niệm long trọng mừng 100 năm Á Thánh Minh tử đạo, cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang (1965 là Giám Mục Cần Thơ thay thế Đức Cha Philipphê Nguyễn Kim Điền nhận chức Tổng Giám Mục Huế), lúc đó là Cha sở Nhà thờ Chánh tòa Vĩnh Long đã xúc tiến mua một thửa đất gần chỗ Á Thánh Minh tử đạo để xây một trung tâm. Trung tâm nầy là nơi tôn kính Á Thánh Minh : Nhắc giáo dân Vĩnh Long nhớ đến vị Thánh bổn mạng Giáo phận, gương mẫu sống tuyệt vời và tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô, vào Thiên Chúa trên đất Vĩnh Long.

Đức Giám mục Giacôbê Nguyễn Văn Mầu đã thành lập Trung Tâm Hành Hương năm 1980 để giáo dân xa gần hành hương, cầu nguyện và học hỏi vào ngày 3-7, kính nhớ Á Thánh Philipphê Phan Văn Minh, bổn mạng địa phận và ngày 24-11 kính nhớ Á Thánh Anrê Dũng Lạc và các bạn tử đạo (các Thánh Tử Đạo Việt Nam).

Trung tâm hành hương Đình Khao được xây dựng trên phần đất với tổng diện tích 9000m2. Bước qua cổng trung tâm, chúng ta thấy tượng Thánh Philipphê Phan Văn Minh 2m mặc trang phục vị Linh mục của Chúa với gương mặt rất đẹp và rất trẻ trung bởi vì khi chết ngài được 38 tuổi xuân. Phía phải có một Nhà thờ nhỏ dành cho bổn đạo xứ Đình Khao tập hợp thờ phượng Thiên Chúa và cho khách hành hương Chầu Mình Thánh trong những ngày hành hương. Sau Nhà thờ là những dãy nhà sinh hoạt của họ Đạo và của trung tâm. Xa xa phía trái, một nhà tiền chế rộng rãi dùng để làm nhà ăn, nhà sinh hoạt chung cho những khách hành hương. Đi qua khoảng sân rộng 4000m2 dành cho giáo dân tham dự thánh lễ là Lễ đài ở phần cuối trung tâm. Trên sân nầy Linh mục phụ trách đã cho trồng những hàng cây xinh đẹp có tàn rộng và cho bóng mát dễ chịu. Sân nầy tập trung từ 2000 đến 3000 khách hành hương và cũng là chỗ dành cho hàng ngàn em thiếu nhi Thánh Thể sinh hoạt nhảy múa. Lễ đài hiện đang sử dụng được xây dựng năm 2003 cao 1m2, ngang 20m và chiều sâu vào trong là 8m, có mái che cho khoảng 200 Linh mục đồng tế. Gần Trung Tâm Hành Hương Đình Khao còn có một di tích khác nữa. Đó là Đài kính Thánh Philipphê Minh.

Cạnh bờ sông Cổ Chiên, gần bến phà Đình Khao Vĩnh Long, có một ngôi Chùa cổ tên Bửu Long cùng với cây dương có lẽ hai cảnh vật nầy độ tuổi trên cả trăm năm. Và cũng gần đây chính là nơi khi xưa Thánh Philipphê Phan Văn Minh bị chém đầu.

Chủ Chùa đã chuyển nhượng cho Nhà thờ Đình Khao một mảnh đất nhỏ với diện tích 35 m2 ngay trong sân Chùa để dựng tượng đài kính Thánh Philipphê Minh. Vào ngày 24 tháng 11 năm 2008, Trung tâm Hành hưong Đình Khao đã khởi công xây dựng. Nhân ngày kỷ niệm khai mạc năm thánh thánh hoá Linh mục, 19 tháng 6 năm 2009, Đức cha Tôma Nguyễn Văn Tân đã đến làm phép tượng đài cùng với một số Cha hạt trưởng, các Cha trong Giáo phận và giáo dân của các họ đạo chung quanh đến tham dự. Lạy Thánh Philipphê Minh. Cầu cho chúng con.

Chương trình hành hương được tổ chức như sau : Từ cuối năm 1990, với sự động viên và hỗ trợ của Đức Cha phó Raphae Nguyễn Văn Diệp, Cha Giuse Đinh Quang Lục bắt đầu tổ chức hành hương vào ngày 2-3/7 và ngày 23-24/11 hàng năm để kính Thánh Philipphê Phan văn Minh và các Thánh tử đạo Việt Nam.

Cha Giuse Lục cảm nhận ra Cha Giacôbê Quang đã dự kiến trong tương lai giáo phận Vĩnh Long phải đến hành hương làm sống lại dấu ấn anh hùng Tử Đạo. Về Đình Khao trông lại dấu ấn, Cha Giacôbê đã mua hơn hai công vườn. Sau đó, Cha Bênêđictô Thắng, Cha sở Chính toà, cũng linh cảm số người đến Đình Khao kính viếng vị anh hùng tử đạo của giáo phận sẽ đông, nên Cha Bênêđictô mua gần bảy công ruộng của bà Phan thị Lài.

Đến tay Cha Giuse Lục, những dự kiến và linh cảm của các vị tiền nhiệm phải trở thành hiện thực. Cha Giuse vẫn luôn luôn có ý tưởng trong đầu : sỉ số người đến Đình Khao những ngày đầu thì ít, nhưng mai ngày đông đảo mấy hồi. Trong cái nhìn lâu dài của Cha Giuse Lục thì Đình Khao là nơi giới thiệu và trình bày cuộc đời, ảnh hưởng của cha Thánh Philiphê Minh, đồng thời là nơi tiến hành việc giáo dục đức tin của Giáo phận. Với các Thánh Tử Đạo Việt Nam (TTĐVN), Đình Khao là một trường đào luyện các giới lớp của Giáo phận. Với cái nhìn đó, Cha Giuse đã dùng văn nghệ, đố vui để học những đề tài liên quan đến Thánh Minh và việc Tử đạo, để mọi người hiểu biết và làm quen với Thánh Minh và các TTĐVN.

Cha Giuse Lục đã sắp xếp chương trình chiều 2/7 và 23/11 sẽ có những giờ cầu nguyện, xưng tội. Thánh Lễ khai mạc lúc 5giờ chiều. 7giờ chương trình vui để học, học để sống vui qua văn nghệ : Đố vui để học. Chương trình này có chủ đề thay đổi hằng năm được các họ đạo, các nhà dòng như Mến Thánh Giá Cái Nhum và Mến Thánh Giá Cái Mơn tích cực đóng góp. Người đóng góp thì học sâu, người tham dự thì nghe lâu. Nghe nhiều cũng rành rẽ.

10giờ30 bắt đầu đi Kiệu. Thánh giá nến cao và các người có trách nhiệm cung kính khiêng kiệu Thánh Thể (có Mình Thánh Chúa). Thánh Thể như là nguồn sống và hiến tế mẫu mực của vị "Tử Đạo tiên khởi" tuyệt vời. Chính nơi Đức Giêsu Kitô mà các Thánh Tử Đạo cùng chịu đau khổ và chịu chết. Các ngài là những người đã bền tâm quyết chí đi trên đường của Chúa Kitô, con đường khổ giá, con đường khổ nạn dẫn tới vinh quang.

Sau kiệu Thánh Thể là tượng và xương của Thánh Minh và các TTĐVN, những chứng nhân đã hoàn thành sứ mạng, kiên tâm theo Chúa trong lao nhọc thử thách gian nan, đã trung kiên bám chặt lấy Chúa tới hơi thở cuối cùng. Những người yêu Chúa tuyệt đối, không tiếc nuối điều gì, thà mất hết mọi sự kể cả con người và mạng sống, thề quyết không để mất Chúa. Các Ngài đã chọn Chúa một cách quyết liệt, đã dâng hiến một cách hoàn toàn. Các Ngài là mẫu gương cho mọi tín hữu noi theo để sống đức tin giữa lòng dân tộc.

Sau khi kiệu xong, đặt Mình Thánh chầu, có hôn xương Thánh và có chia phiên chầu cho đến 4giờ30 sáng ngày 3/7 hay 24/11.

Ngày 3/7 hay 24/11, 5giờ thức dậy, 5giờ30 phụng vụ kinh sáng, nguyện gẫm. 6giờ Thánh lễ, tiếp tục học hỏi, lãnh Bí Tích Giải Tội.

9giờ30 tập hát thánh lễ trưa do Đức Cha chủ tế. Chương trình vẫn tiếp tục rời rạc vì ít người, đến 4giờ30 chiều lễ kết thúc ngày hành hương.

Trung tâm Đình Khao là nơi cầu nguyện cho các Linh mục và Tu sĩ sống đúng ơn gọi của mình, nhiệt tâm phụng sự Chúa và phục vụ các linh hồn. Các vị là muối men, là ánh sáng làm tươi mát bộ mặt của giáo phận Vĩnh Long.

Từ năm Thánh 2003 để kỉ niệm 150 năm Thánh Minh Tử Đạo, sinh hoạt về đêm thay đổi với diễn nguyện theo chủ đề giúp khách hành hương nghe và nhìn. Các Cha dẫn giải, nhìn những hoạt cảnh để thêm hiểu biết và tích cực cầu nguyện. Cũng trong năm Thánh, Đức cha Tôma có phong chức Linh mục cho các phó tế thuộc khóa K5A theo học tại Đại Chủng Viện Thánh Quý, Cái Răng, Cần Thơ. Cũng từ đây những cuộc hành hương gắn liền với đào luyện Thiếu Nhi giáo phận vào ngày 2/7 và đào luyện Quới Chức vào ngày 23/11 hàng năm.

Các Cha phụ trách Trung Tâm Đình Khao:

Từ 1962 - 1965 cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang; Từ 1965 - 1973 cha Benoit Trương Thành Thắng ; Từ 1973 - 1977 cha Phaolô Trịnh Công Trọng; Từ 1977 - 1990 cha Antôn Ngô văn Thuật; Từ 1990 - 2003 cha Giuse Đinh Quang Lục; Từ 2003 - cha Tađêô Nguyễn văn Don;

Các Cha lo mục vụ tại họ Đình Khao:

Từ 1.1.1990- 1.12.2002 cha Giuse Lục; Từ cuối năm 2002-2006 cha Giuse Nguyễn Tiến Khoa; Từ 2007- cha Micae Nguyễn Hồng Sung.

- Trung tâm hành hương Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (La Mã, Bến Tre):

Địa chỉ: xã Hương Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre (cách chợ Sơn Đốc 2 km). Đức cha Phêrô Ngô Đình Thục thành lập năm 1951 để kính nhớ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. La Mã là tên Đức Cha Phêrô Ngô đình Thục đặt cho một Họ Đạo mới được thành lập năm 1949, trước kia gọi là Bầu Dơi, thuộc làng Hiệp Hưng, tỉnh Bến Tre, miền Tây Nam Việt Nam. Bầu Dơi là một cánh đồng u minh đầy sông rạch, quanh năm ngập lụt, chỉ lưa thưa mấy xóm nhà lá nông phu nghèo nàn.

Vì chiến cuộc, nên bổn đạo Sơn Đốc kéo xuống Bầu Dơi lánh nạn. Một đêm trời tối, ông Biện Nguyễn văn Hạt lẻn về Nhà thờ Sơn Đốc đem bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp lồng kiếng về gửi tại nhà người con là anh Nguyễn văn Thành.

Ngày 2 tháng 2 năm 1950, quân đội Pháp bố ráp vùng Bầu Dơi, nhà anh Nguyễn văn Thành bị phá và bức ảnh Đức Mẹ bị mất.

Ba tháng sau, ngày 5 tháng 5 năm 1950, một bà lão theo đạo Cao Đài tên là Võ thị Liềng đi xúc cá tình cờ gặp được bức ảnh dưới một con rạch. Bức ảnh còn đủ kiếng, nhưng đã phai hết mầu, không còn hình dáng gì hết, chỉ toàn mầu bùn lầy lấm lem. Bà lão tri hô nên và nhiều người xúm lại. Họ biết đó là bức ảnh gởi nhà anh Thành. Anh Thành nhận bức ảnh đem về, nhưng vì lem luốc nên dùng để che sương nắng nơi vách nhà thủng rách. Ông Biện Hạt thấy vậy, sợ bất kính nên đem bức ảnh về nhà mình đặt trên tủ bàn thờ dưới tượng Thánh Tâm.

Lễ Đức Mẹ Mân côi, ngày 7 tháng 10 năm 1950, Bầu Dơi lại một lần nữa chìm trong khói lửa, dân làng chạy trốn hết. Nhà ông biện Hạt cũng bị bắn phá tan nát, nhưng ông và người con út tên Trọng, mười bốn tuổi, không kịp chạy nên đành nằm núp dưới vách lá sau tủ thờ. Hai cha con kêu cầu Đức Mẹ luôn miệng. Sau cơn bố ráp, ông Hạt và con trai chạy ra thấy cột kèo xiêu đổ, nhà bị đạn xuyên tứ phía, duy có bàn thờ là không sao. Hai cha con thoát chết đến trước bàn thờ cám ơn Đức Mẹ. Ôi lạ quá! Bức ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở dưới bùn hơn ba tháng đã phai nhạt hết, nay phút chốc lộ hình ra tốt đẹp và xinh tươi lạ lùng, ngoại trừ hai mũ triều thiên thì đến ngày 15 tháng 8 năm 1951 lễ Đức Mẹ Mông Triệu mới lộ rõ. Dân làng tuôn đến xem sự lạ đều sửng sốt.

Các giáo hữu bàn tán rất sôi nổi về bức ảnh lạ. Nhiều người đem lòng tin. Cha Luca Sách, cha sở Họ Cái bông dè dặt rước bức ảnh về nhà thờ họ Cái Bông. Đến ngày 20 tháng 6 năm 1951, sau khi đã trang hoàng lại nhà Thờ, bổn đạo rước Đức Mẹ về lại La Mã cách trọng thể, có cả tín đồ các giáo phái khác cùng tham dự.

Tiếng lành đồn xa, giáo hữu các nơi đua nhau đến kính viếng Đức Mẹ. Nhiều ơn lạ đã được thông ban. Một ngôi Thánh Đường khang trang mọc lên giữa vùng đồng chua nước mặn. Một bầu không khí đạo hạnh bao phủ khắp miền, minh chứng hùng hồn cho sự hiện diện đầy tình Mẫu tử yêu thương của Đức Mẹ.

Trong ba ngày khánh hạ (ngày 11, 12, 13 tháng 1 năm 1957), năm vị Giám mục, hằng trăm linh mục và tu sĩ, hàng vạn giáo hữu và rất nhiều người vị vọng đã đến chầu Đức Mẹ. Người hành hương ra về, lòng tràn ngập niềm tin tưởng vô biên vào lòng từ ái vô cùng của Đức Mẹ. Nhiều đồng bào bên lương cũng được Đức Mẹ bang trợ các ơn lành hồn xác, vì thế đã có nhiều người xin tòng giáo. Họ đạo La Mã trước đây chỉ vỏn vẹn có năm mươi nhân danh mà nay đã tăng lên hơn năm trăm. Mẹ thật là Nữ Vương Việt Nam. (Trích từ mục : Đức Mẹ La Mã , trang 299-301, trong "Từ Điển Đức Mẹ" )

Chương trình tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp La Mã Năm 2009

Giờ Lễ

* Ngày Chúa nhật & Lễ Trọng:
10g00 Đọc kinh & Thánh Lễ

* Thứ Bảy Đầu tháng & ngày 13:
10g00 Làm việc Kính ĐM HCG & Thánh Lễ

* Đặc biệt Ngày truyền thống 5-5 kỷ niệm ngày tìm lại được ảnh Đức Mẹ thất lạc:
8g00 Chương trình Diễn Nguyện & Hành hương Kính Đức Mẹ HCG LaMã.
10g15 Thánh Lễ Đồng Tế trọng thể (có Đức Giám mục và quý cha trong và ngoài Giáo phận)

* Lễ Đức Mẹ Hằng cứu giúp 27 tháng 6:
Bổn mạng Nhà thờ La Mã:
8g00 Chương trình Hành hương Kính Đức Mẹ HCG.
10g15 Thánh Lễ Đồng Tế mừng Bổn mạng.

- Đại Chủng Viện Vĩnh Long

Đại Chủng Viện Vĩnh Long toạ lạc tại số 75 đường Nguyễn Huệ, Phường 2, Thành phố Vĩnh Long, cơ sở nầy có nguồn gốc do Giáo Phận Vĩnh Long mua vào năm 1939, theo tờ đoạn mãi lập ngày 12/08/1939. Năm 1957 Giáo Phận xây dựng cơ sở II Tiểu Chủng Viện Vĩnh Long và đây cũng là Trung tâm Truyền giáo. Năm 1960, năm trưởng thành của Giáo Hội Công giáo Việt Nam. Toà Thánh Vatican thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam chính thức. Nhiều Giáo phận mới được thành lập và tấn phong nhiều Giám mục, nhiều Tiểu Chủng Viện và Đại Chủng Viện được mở ra.

Từng Giáo phận tại địa phương đều mở Tiểu Chủng Viện, trong khi đó Đại Chủng Viện thì mở theo từng vùng lớn bao gồm nhiều Giáo phận. Đại Chủng Viện Vĩnh Long là nơi tập trung các Đại chủng sinh của bốn Giáo phận miền Tây : Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ và Long Xuyên.

Đại Chủng Viện Vĩnh Long là toà nhà mà trước kia được sử dụng như cơ sở II Tiểu Chủng Viện Vĩnh Long. Từ năm 1964 Đại Chủng Viện bắt đầu đào tạo các Linh mục phục vụ cho Giáo phận. Những năm đầu nhờ các Cha Xuân Bích đảm trách đào tạo. Năm 1968, Đại Chủng Viện xây thêm dãy nhà thứ hai và nhà nguyện. Năm 1969, các Cha Xuân Bích giao lại cho bốn Giáo phận liên hệ phụ trách Đại Chủng Viện. Các Giám mục phải cử Linh mục Giáo sư đến giảng dạy, dĩ nhiên trong thời gian nầy Đại Chủng Viện gặp khó khăn về việc thiếu thốn Cha giáo. Tính từ khoá đầu tiên được phong chức Linh mục 1972, Đại Chủng Viện đào tạo được bốn khoá làm Linh mục cho cả bốn Giáo phận trước 1975. Sau 1975, các Đại chủng sinh còn lại chưa hoàn thành các môn học được giao về cho Giáo phận gốc đào tạo tiếp tục.

Tuổi thọ không cao, Đại Chủng Viện đã bị Nhà nước địa phương trưng dụng theo quyết định số 1957/ QĐ.UBT ngày 06/09/1977 của UBND tỉnh Cửu Long và cho đến nay.

- Tiểu Chủng Viện Á Thánh Philipphê Phan Văn Minh.

A. Lược sử

Toạ lạc trên khu đất có số nhà 88 Trưng Nữ Vương, xã Long Châu, quận Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, giáp với trường Nam tiểu học và trường trung học Nguyễn Thông, Tiểu Chủng Viện Thánh Philipphê Phan Văn Minh Vĩnh Long được xây dựng từ năm 1943 và hoàn thành năm 1944 dưới quyền của Đức Giám Mục Phêrô Martinô Ngô Đình Thục, đương quyền cai quản địa phận Vĩnh Long (1938-1960). Để đáp ứng nhu cầu mục vụ trong địa phận ngày càng nhiều, ngày 15/8/1944, khai giảng Tiểu chủng viện Á Thánh Philipphê Phan Văn Minh gồm 3 lớp : Đệ Bát, Đệ Thất và Đệ Lục với 75 chủng sinh. Từ ngày mở lớp đầu tiên đến nay Tiểu Chủng Viện Vĩnh Long đã đóng góp rất nhiều trong việc đào tạo Linh mục và đã mang lại kết quả đáng khích lệ với con số 130 Linh mục và 1 Giám mục xuất thân từ Tiểu Chủng Viện nầy : Giám Mục Tôma Nguyễn Văn Tân. Trải qua thời gian và không gian, các Linh mục nầy cộng tác tích cực với các Đức Giám mục trong công tác mục vụ, trong lãnh vực truyền giáo và ban phát các Bí Tích cho giáo dân.

B. Các chiều kích đào tạo.

- Đào tạo đạo đức. Các Cha Giám đốc và các Cha Giáo Tiểu Chủng Viện Á Thánh Philipphê Phan Văn Minh đã hy sinh rất nhiều về vật chất lẫn tinh thần để đào tạo các Chủng sinh qua các thời kỳ và các thế hệ khác nhau theo đúng mục đích và linh đạo của Hội Thánh Công Giáo đề ra để các chủng sinh nầy trở thành những Linh mục như lòng Chúa mong ước.

- Đào tạo tri thức. Chương trình giáo dục đào tạo tri thức của Chủng sinh được thích ứng theo từng thời điểm và theo nhu cầu của địa phận : Chủ yếu là làm sao để cho các Chủng sinh có một trình độ tri thức tối thiểu tương đương với bậc Tú Tài II dân sự. Những năm của thập niên 50 đến 70 chương trình học dựa vào chương trình của Pháp (l'enseignement français). Từ năm 1970, chương trình học được chuyển đổi sang chương trình Việt của Bộ Quốc Gia Giáo Dục ấn định.

- Đào tạo thể lý. Dĩ nhiên, lãnh vực nầy ít được Tiểu Chủng Viện chú trọng, nhưng dù vậy, ban giám đốc cũng quan tâm đến tình trạng sức khoẻ của Chủng sinh, nên đã cho xây những sân chơi như sân bóng chuyền, sân bóng rổ và thỉnh thoảng có cho phép sang chơi ở trên sân bóng đá của thành Vĩnh Long.

C. Cơ sở vật chất.

Từ năm 1944, Chủng viện Vĩnh Long sinh hoạt trong những dãy nhà một tầng lầu gọi là khu A, được xây dựng vào thập niên 40, trong đó bao gồm nhà Nguyện, phòng ngủ, các phòng học, nhà cơm, nhà tắm và nhà bếp....Trong những năm 60, một số lớp phải lên cơ sở II Tiểu Chủng Viện (Đại Chủng Viện bây giờ) để học vì không đủ chỗ ở Tiểu Chủng Viện.

Năm 1964, cơ sở II Tiểu Chủng Viện trở thành Đại Chủng Viện nên Đức Giám mục giáo phận và ban Giám đốc đi đến một quyết định mới. Quyết định đó là từ niên khoá 1965 đến 1975, mở thêm một cơ sở nữa, khu B (Dưỡng Đường Thánh Minh), bên cạnh khu A cách nhau bởi một bức tường. Ngày nay, khu B nầy trở thành Nhà Dưỡng Lão cho các Linh mục Giáo phận Vĩnh Long.

Ngày hôm nay 2009, những dãy nhà cũ kỷ của khu A được sửa sang mới. Nhà chơi của những năm trước 1975 nay trở thành một dãy nhà lầu hai tầng dùng để làm nhà sinh hoạt, phòng ngủ và các phòng học.

Một nguyện đường khang trang được xây dựng lại dài 27m, rộng 17m cao 7m, có thể chứa con số giáo dân 200-300. Hằng ngày có hai thánh lễ dành cho giáo dân tham dự. Vào những dịp Linh mục tĩnh tâm, Nhà nguyện là nơi cầu nguyện và dâng lễ của các đấng.

Tiểu Chủng Viện Vĩnh Long bị đóng cửa từ năm 1975, nên từ năm 1991, hằng năm Tiểu Chủng viện có mở khoá mới vào tháng 9 để đào tạo dự tu. Các dự tu nầy sống ở chủng viện và học hỏi những môn học cần thiết từ hai năm trở lên, để chuẩn bị lên Đại Chủng Viện Cần Thơ.

- Hai Thánh Tử đạo Giáo phận Vĩnh Long

Giáo phận Vĩnh Long rất hãnh diện cống hiến cho Giáo Hội của Chúa hai vị Thánh Tử đạo trong thời kỳ cấm đạo thế kỷ XIX. Trong thời các vua nhà Nguyễn cấm đạo (1833-1862), và nhóm sĩ phu tàn sát Công giáo (1867-1872), Cha Thánh Philipphê Phan Văn Minh và Thánh Giuse Nguyễn Văn Lựu (trùm họ) thuộc Giáo phận Vĩnh Long đã dùng mạng sống để minh chứng Tin Mừng Đức Kitô trước nhà cầm quyền.

Thánh Philipphê Phan Văn Minh, Linh mục.

Thánh Philipphê Phan Văn Minh sinh năm 1815 tại họ Cái Mơn, thuộc Vĩnh Long trong một gia đình Công giáo đạo đức. Ngài được Đức Cha Taberd cho vào Chủng viện Lái Thiêu 1828. Đến năm 1840 ngài được gởi học tại Đại Chủng viện Pinang (Mã Lai). Sau sáu năm học tập và tu luyện, ngài trở về quê hương và thụ phong Linh mục vào năm 1846.

Vào cuối năm 1852, lệnh cấm đạo trở nên gắt gao, ngài phải vâng lệnh bề trên, đến trú ẩn tại họ Mặc Bắc, nhưng lại lãnh triều thiên tử đạo. Nguyên lúc ấy, có tên bếp Nhẫn say mê cờ bạc rượu chè, vì hy vọng vào tiền thưởng, nên đã đi báo quan đem quân về bắt Cha Phêrô Lựu, chánh sở Mặc Bắc. Không gặp được Cha Phêrô Lựu, quan quân lại bắt được Cha Minh trong đêm 25/2/1853, cùng với chủ nhà cho trú ẩn là ông Trùm Giuse Nguyễn Văn Lựu và một số giáo dân nữa. Tất cả họ bị điệu về Vĩnh Long.

Trong ngục, ngài Philipphê Minh luôn luôn hãnh diện vì là Linh mục và đầy lòng thương mến các bạn tù, dù phải chịu hình khổ và nhiều điều sỉ nhục. Vì không lay chuyển nổi đức tin sắt đá của ngài, các quan đã lên án "phát lưu ra Bắc" và đệ án vể Kinh xin châu phê. Vua Tự Đức không nghe, truyền lệnh phải xử tử. Ngày3/7/1853, ngài bị điệu đi xử trảm tại pháp trường Đình Khao (Vĩnh Long). Đức Thánh Cha Piô IX đã suy tôn Cha Philipphê Phan Văn Minh lên bậc Đáng Kính ngày 27/09/1857. Đức Thánh Cha Lêô XIII đã tôn phong ngài lên hàng Á Thánh ngày 27/5/1900 và ngày 19/6/1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã suy tông ngài lên bậc Hiển Thánh. Giáo phận Vĩnh Long và Chủng Viện Vĩnh Long đã nhận thánh Philipphê Phan Văn Minh làm thánh Bổn mạng, và mừng lễ kính vào ngày 3 tháng 7.

Thánh Giuse Nguyễn Văn Lựu, Trùm họ.

Sinh năm 1790 tại Họ Đạo Cái Nhum, Vĩnh Long, Thánh nhân được giáo dục từ nhỏ trong một gia đình đạo hạnh. Lớn lên, Ngài được bầu làm trùm họ ở Mặc Bắc. Ngài luôn luôn tỏ ra đời sống Kitô hữu gương mẫu trong thời cấm đạo. Ngày 25/2/1853, ngài cùng bị bắt với Cha Philipphê Phan Văn Minh tại họ đạo Mặc Bắc và cùng được giải về Vĩnh Long. Trong tù, bị tra tấn, chịu đòn vọt, ngài vẫn cương quyết giữ vững đức tin. Vì tuổi già sức yếu, bị đi đày ở Châu Đốc và được đưa trở lại khám đường Vĩnh Long, lại phải đeo gông mang xiềng nặng và chịu nhiều cực hình, ngài đã chết rũ tù ngày 2/5/1854 để nhận triều thiên tử đạo. Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã ban tặng ông Trùm Giuse Nguyễn Văn Lựu lên bậc Đáng Kính ngày 13/02/1879. Đức Thánh Cha Piô X đã tôn phong ngài lên bậc Chân Phước ngày 2/5/1909 và ngày 19/6/1988 Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong lên bậc Hiển Thánh. Giáo phận Vĩnh Long đã chọn Thánh Giuse Trùm Lựu làm Bổn mạng cho hàng Quí Chức, và mừng lễ kính hàng năm vào ngày 2 tháng 5.

2. Danh lam - Thắng cảnh:

Trong giáo phận có nhiều chùa Khơ Me nổi tiếng, nhất là ở Trà Vinh như : Chùa Hang (Mồng Rầy), chùa Âng (Angkorette Pali), chùa Nôdol, chùa Hạnh Phúc Tăng (Saghamangala). Ngoài ra, còn có một số danh lam thắng cảnh khác như: ao Bà Om (ao Vuông), ở Trà Vinh, Cồn Phụng ở Bến Tre, cồn Tiên ngang gần Giáo xứ Cái Mơn.

8213    08-01-2011 07:10:02