Sidebar

Thứ Năm
16.05.2024

Trường Sinh Bất Tử

Đó là hoài bảo của con người. Tuy vẫn biết từ xưa tới nay có ai sinh ra và rồi không chết (tự cổ nhân sinh thùy vô tử).

Thật ra, Chúa dựng nên con người, có hồn có xác, vì có xác nên cũng phải tan rã, phải chết; nhưng Chúa lại ban cho con người không chết, thể xác vẫn sống mãi, lại có linh hồn.

Linh hồn phần nào được có một sự sống giống sự sống của Thiên Chúa, để có thể kết hợp với Chúa và tham gia phúc lộc của Chúa. Cùng với đặc ân có sự sống giống sự sống của Chúa và kết hợp với Chúa, Chúa ban cho con người có tự do.

Để con người đáng hưởng những ân huệ đó, thì Chúa thử thách con người: Không được ăn trái cấm, ăn thì phải chết. Nguyên tổ đã lạm dụng tự do, không tuân lệnh Chúa, phá đổ chương trình của Chúa, chúng ta thường gọi là nguyên tội.

Nhưng Hội thánh lại gọi là Felix Culpa, Tội Hồng Phước, vì do đó, kéo được Chúa giáng trần để chuộc tội, tỏ tình, tiếp xúc thân mật với con người, tái tạo kết hợp gần như nên một giữa Chúa và người.

Tự bản tính con người là vật thọ tạo, khi đã phạm đến Đấng Tạo Dựng thì lấy gì, làm gì để đền tội xứng đáng. Vật thọ tạo, dường như một điểm không trong vũ trụ thì việc tôn thờ có giá trị gì?

Nhờ việc Nhập Thể, thực hiện chương trình tái tạo, nhân tính kết hợp với thiên tính. Cuộc khổ nạn của nhân tính thành việc của Thiên tính, có khả năng đền tội thích đáng. Và nhờ kết hợp với nhân tính của Chúa mà việc thờ phượng của chúng ta mới có giá trị tôn thờ thích đáng.

Về mặt tình yêu cũng thế. Ông Vua tìm gặp và thương yêu một cô gái lọ lem đó là điều phi thường, mà Thiên Chúa tạo dựng tìm yêu vật thọ tạo nhỏ hèn thì càng lạ hơn nữa.

Nhìn vào mầu nhiệm Nhập Thể và Tử Nạn của Chúa chúng ta bớt sợ sự chết chẳng những vậy mà cái chết lại còn là một mối lợi (Theo thánh Phaolô).

Chết là không còn bị thể xác ràng buộc; chết là ngưỡng cửa bước vào cuộc sống; chết là lánh được cảnh ồn ào hỗn loạn, mà vào nơi an bình

khoái lạc; chết là trở về nhà Cha; chết là em bé nhảy ngồi trên vế của cha; chết là không còn ở thế tạm mà về nơi vĩnh cửu.

Tự nhiên, ít nhiều chúng ta cũng sợ chết, vì không biết cái chết có những khổ nhọc nào và chết rồi chúng ta sẽ ra sao, có khi còn ngờ vực về kiếp sau của mình.

Nhờ đức tin, không những chúng ta tin chắc có sự sống đời sau, mà cùng tin tưởng nhờ ơn Chúa, chúng ta có thể dùng tốt cuộc sống tạm ở đời để mua chuộc cuộc sống vĩnh cửu phúc lạc ở mai sau.

Đời sống của tín hữu, là đời sống đầy hy vọng, chắc đạt hy vọng, đến lúc chết là đạt hy vọng: sống vĩnh cửu phúc lạc.

1252    13-02-2011 08:45:25