Sidebar

Thứ Năm
18.04.2024

Truyền Thông Công Giáo Việt Nam_2


3. Truyền Thanh Công Giáo

Hình thức phát thanh tại các họ đạo miền quê có từ rất lâu và là một đặc nét của việc truyền thanh công giáo. Sau tiếng chuông sớm đánh thức mọi người, một số chương trình nhạc thánh ca và các thông tin hữu ích của Giáo Hội được truyền đến mọi người qua loa phát thanh. Điều này giúp người giáo dân nắm bắt các nội dung đức tin, thấm nhập các giá trị Tin Mừng và hiểu biết tình hình thời sự cho dù họ có thể không biết đọc biết viết. Ngày nay nhiều giáo xứ vẫn còn duy trì hình thức truyền thông này, chẳng hạn như một số giáo xứ thuộc giáo phận Xuân Lộc hoặc ở miền Bắc. Tuy nhiên hình thức này cũng có thể gây ra những phản ứng bất bình nơi nhiều người không có niềm tin, khi họ bị đánh thức sớm ngoài ý muốn của họ.

Tại Việt Nam hiện nay không có đài Truyền thanh Công giáo nào, nhưng qua các chương trình Việt ngữ của Đài Chân lý Á Châu tại Philippines và Đài phát thanh Vatican tại Roma, người Công giáo Việt Nam vẫn có thể theo dõi những thông tin mới nhất của Giáo Hội với những nội dung phát thanh Công giáo thật hữu ích và khá phong phú. Các chương trình này rất ích lợi vì chỉ có giáo dục niềm tin qua làn sóng điện tử mới đến được với các vùng nông thôn hẻo lánh, vùng núi nghèo khổ và xa xôi, nơi vẫn còn nhiều người dân không biết chữ... Chương trình còn truyền đi các thánh lễ với bài giảng sống động giúp người dân vùng sâu vùng xa sống hiệp thông với phục vụ của Giáo Hội. Xin được lược qua đôi nét về hoạt động của các chương trình Truyền thanh Công giáo Việt ngữ hiện nay đang hoạt động, và được nhiều thính giả ưa thích.

a. Đài Phát Thanh Chân lý Á châu [19]

Đài phát thanh Chân lý Á châu (Radio Veritas Asia) là Đài Phát Thanh sóng ngắn duy nhất của Giáo Hội Công giáo trên toàn thế giới, hoạt động từ năm 1969. Đài Chân lý Á châu do Liên Hội đồng Giám mục Á châu chịu trách nhiệm, hiện nay đang phát thanh bằng 15 ngôn ngữ châu Á. Một số chương trình cũng được truyền đi qua internet (www.rveritas-asia.org). Các phòng phát thanh đặt tại Quezon City, Metro Manila, trong khi trạm phát sóng ở Palauig, Zambales, cách Manila khoảng 230 kilômét về phía tây bắc. Phần lớn các chương trình được sản xuất tại địa phương và hiện đều được xử lý bằng hệ thống tín hiệu kỹ thuật số.

Tại Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã cùng với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng tán dương Đài Phát Thanh Chân lý Á Châu: "...Là Đài phát thanh duy nhất có tầm lục địa cho Giáo Hội tại Á Châu, đã gần 30 năm phát thanh rao giảng Tin Mừng. Các Hội Đồng Giám Mục và các Giáo phận tại Á Châu cần phải củng cố khí cụ truyền giáo tuyệt hảo này, nhờ việc soạn thảo chương trình theo các ngôn ngữ cho xứng hợp, nhờ sự giúp đỡ nhân sự và tài chánh. Ngoài việc phát thanh, những nhà xuất bản và những cơ quan thông tin Công giáo có thể giúp phổ biến thông tin và cung ứng việc giáo dục và đào tạo tôn giáo thường xuyên trên khắp lục địa. Ở những nơi người Kitô hữu là thiểu số, những thứ đó có thể là phương tiện quan trọng để nâng đỡ và nuôi dưỡng một cảm thức về căn tính Công giáo và để phổ biến kiến thức về những nguyên tắc luân lý Công giáo."[20]

Chương trình tiếng Việt của Đài Chân lý Á châu có mặt rất sớm. Ban tiếng Việt bắt đầu các chương trình thử nghiệm ngay từ tháng 2 năm 1967, và là chương trình tiên phong giữa các ngôn ngữ của Đài phát thanh Chân lý Á châu. Sau đó, Ban Việt Ngữ đã bắt đầu chương trình chính thức vào ngày 21 tháng 2 năm 1969, trước khi chương trình chính thức của Đài phát thanh Chân lý Châu Á khởi sự vào ngày 11 tháng 4 năm 1969. Hiện nay Đức ông PhêrôNguyễn Văn Tài là Giám đốc của Đài phát thanh Chân lý Á Châu, và là người đã làm việc tại đây từ năm 1978. Các chương trình thông tin mục vụ của Đài Chân lý Á Châu giúp rất nhiều cho đời sống niềm tin của người tín hữu Việt Nam và các nước châu Á. Với việc truyền thanh trực tiếp các thánh lễ, chương trình giúp các tín hữu ở những vùng xa xôi có thể nghe bài giảng và tham gia vào các nghi thức chung của Giáo Hội dù không thể đến nhà thờ. Điều này nâng đỡ cách đặc biệt cho những anh chị em Công giáo sống tại những vùng sâu vùng xa trong thời gian khó khăn. Đài phát thanh Chân lý Á châu còn là nơi đón tiếp và hỗ trợ các linh mục, nữ tu và anh chị em giáo dân Việt Nam và các nước châu Á khác đang học tập hoặc làm việc tại Philippines.

b. Đài Phát Thanh Vatican [21]

Đài Phát Thanh Vatican đặt tại Roma, dấn thân từ hơn 70 năm nay để loan báo sứ điệp Đức Kitô và là cơ quan liên kết trung tâm của Giáo Hội Công Giáo với nhiều quốc gia và các Giáo Hội trên khắp thế giới. Mỗi ngày, qua các chương trình bằng 39 thứ tiếng, Đài Vatican phổ biến tiếng nói và giáo huấn của Đức Giáo Hoàng, thông tin về các hoạt động của Tòa Thánh và về đời sống của Giáo Hội trên thế giới. Các chương trình được truyền đi trên sóng radio, qua vệ tinh, qua trang web, qua internet trực tiếp hoặc theo lựa chọn, các bản tin qua email, podcast, videonews; là các phương tiện chúng ta đang sử dụng rất phổ biến ngày nay. Mỗi ngày đều có các tin tức thời sự, các chương trình đào sâu văn hóa và tôn giáo, truyền thanh phụng vụ và thánh lễ.

Nhìn lại lịch sử, ngày 27-7-1979 Đức Hồng Y Trịnh Như Khuê, TGM Hà Nội, gửi thư lên Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II để xin Ngài cho phép thành lập chương trình Việt Ngữ tại Đài Vatican. Đức Hồng Y nói rằng giáo dân công giáo Việt Nam rất mong được nghe trực tiếp tiếng Đức Giáo Hoàng và tiếp nhận mau chóng các tin tức từ lòng thủ đô Giáo Hội. Việc mở chương trình Việt Ngữ tại Đài Vatican sẽ đáp ứng nhu cầu của Giáo Hội Việt Nam mong được nâng đỡ và được liên kết với các cộng đoàn công giáo khác. Ngoài ra, chương trình Việt Ngữ Vatican sẽ bổ túc và củng cố các buổi phát của chương trình Việt Ngữ Veritas cũng như dự phòng một khi đài Veritas không hoạt động được nữa, thì đã có đài Vatican tiếp ứng để gởi thông tin của Giáo Hội đến người nghe. Chương Trình Phát Thanh Việt Ngữ Đài Vatican được các Linh Mục Dòng Tên khởi sự vào ngày 3 tháng 11 năm 1980. Chương trình hiện nay do cha Trần Đức Anh O.P. làm giám đốc.

Chương trình Việt Ngữ hiện nay phát thanh mỗi buổi, trong đó mỗi ngày có một bản tin tôn giáo gồm các hoạt động của Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội hoàn vũ. Tiếp đến là một bài về sinh hoạt hoặc thời sự Giáo Hội dài trình bày những biến cố nổi bật, hoặc là nội dung các văn kiện mới của Tòa Thánh, các hoạt động tại thủ đô Giáo Hội và các Giáo Hội địa phương. Hai lần một tuần, các bài sinh hoạt đó được thay thế bằng mục Gặp Đức Giáo Hoàng, tức là nội dung cuộc tiếp kiến chung của Đức Giáo Hoàng mỗi sáng thứ tư và buổi đọc kinh truyền tin trưa Chúa nhật, hoặc các thánh lễ của Đức Giáo Hoàng vào các ngày Chúa nhật. Khi Đức Giáo Hoàng viếng thăm các nước hoặc các giáo phận ở Italia, thì mục sinh hoạt được thay bằng các bài tường thuật. Sau bài sinh hoạt, là mục Gương Chứng Nhân, thuật lại cuộc sống chứng tá của các tín hữu hiện đang sống hoặc các vị thánh đã được tôn phong. Đài Vatican Việt Ngữ cũng có mục bình luận mỗi ngày thứ sáu, chương trình thánh ca mỗi tuần hai lần, mục giải đáp các thắc mắc tôn giáo... Phần cuối của chương trình được dành cho phần học hỏi, với các tiết mục như tìm hiểu giáo luật, giáo lý cho người dự tòng, thần học kinh thánh, thời sự thần học, hoặc trình bày những đường hướng mới trong các nghiên cứu thần học hiện nay. Chương trình Việt Ngữ không trình bày tin tức chính trị, mỗi tuần chỉ có 10 phút điểm những biến cố nổi bật trong tuần mà thôi. Bên cạnh đó, mỗi khi có những biến cố nổi bật như các THĐGM Thế Giới hoặc khi Đức Giáo Hoàng viếng thăm các nước, thì chương trình có bài phóng sự về các sinh hoạt đó.

Các thính giả chương trình Việt Ngữ Vatican nhắm tới trước tiên là cộng đồng công giáo tại Việt Nam, vì đài Vatican tự bản chất được coi là mối giây nối kết Đức Giáo Hoàng và Tòa Thánh với các giáo hội địa phương. Vì thế, chủ yếu nội dung các chương trình nhắm vào giới thính giả công giáo. Nhưng Ban biên tập cũng cố gắng nhắm cả vào các giới không công giáo nữa. Chương trình Việt Ngữ Vatican hiện nay được phát trực tiếp về Việt Nam qua sóng ngắn. Từ bốn năm nay, chương trình cũng được phát đi qua hai vệ tinh, một cho vùng Á châu, và một cho vùng Mỹ châu. Ngoài ra từ hai năm nay, chương trình còn được phát qua Internet để khán thính giả có thể đọc và nghe lại các bản tin.

4. Truyền hình và phim ảnh Công Giáo

Vào giữa thế kỷ 20, nền văn minh nhân loại bắt đầu trải nghiệm một biến cố lớn: thế giới chuyển từ nền văn minh cơ khí sang nền văn minh điện tử, một nền văn hóa mới chạm đến toàn thể con người: qua giác quan thính - thị, mọi kiến thức đi vào trí tuệ, tâm lý, thể lý và cả tâm linh. Nền văn minh chữ in bị lấn lướt mạnh mẽ, qua làn sóng điện tử với khả năng nghe nhìn kết hợp, con người có thể tiếp cận với nhiều cá nhân và thực tại khác nhau trong cả vũ trụ. Truyền hình và phim ảnh là một thứ ngôn ngữ toàn diện, một nghệ thuật tổng thể có khả năng kết hợp tất cả nghệ thuật khác như âm nhạc, hội họa, kiến trúc, thơ văn, kịch nghệ v.v. Đây là một thứ đa ngôn ngữ nối kết các quốc gia, các châu lục trên khắp cả hành tinh. Nền văn hóa điện tử kết hợp cả âm thanh và hình ảnh sống động không những làm thay đổi hệ thống kiến thức của nhân loại về mặt chất lượng mà cả chiều rộng, chiều sâu và chiều cao. Làn sóng điện tử có thể đến với toàn cầu bất cứ lúc nào và ở đâu nếu người ta có đủ các công cụ để phát và thu sóng, mà ngày nay giá thành của các phương tiện này càng lúc càng rẻ.[22]

Với những thế mạnh đó, truyền hình và phim ảnh đang là phương tiện truyền thông mạnh mẽ và hấp dẫn tại Việt Nam hôm nay. Đa số các gia đình đều tụ tập trước màn hình mỗi ngày. Về mặt tích cực, đây là phương tiện tốt vì nhờ sự kiểm soát gắt gao của nhà nước, các chương trình truyền hình không có nhiều cảnh sex và bạo lực mạnh. Tuy nhiên nó thường đưa những thông tin và tuyên truyền một chiều về các chính sách của nhà nước. Thêm vào đó, các băng đĩa video với nội dung tốt hay xấu có thể len lỏi vào mọi thành phần dân chúng mà không có sự theo dõi kiểm soát của nhà nước hay phía Giáo Hội. Khó ai có thể đánh giá được hết những hậu quả của chúng. Xin nhìn lại một số hoạt động liên quan đến truyền hình và phim ảnh Công giáo xưa và nay để rút ra những bài học kinh nghiệm hữu ích cho tương lai.

a. Trung Tâm Truyền Hình Đắc Lộ [23]

Do hoàn cảnh chiến tranh, làn sóng Truyền hình đã du nhập vào Sài-gòn giữa thập niên 1960. Năm 1966-1967, điểm phát sóng đầu tiên phát xuất từ trên máy bay, phủ sóng các tỉnh thành bao quanh Sài-gòn, từ PhanThiết đến Cần Thơ. Rồi cơ sở phát sóng được xây dựng từ 1970 đến 1975 nhưng nội dung ít đề cập đến lãnh vực giáo dục. Trong bối cảnh đó, Trung tâm Giáo dục truyền hình Đắc Lộ đã ra đời, do các cha Dòng Tên thiết lập từ đầu thập niên 70, nhắm đến việc giáo dục đại chúng với nhiều chương trình giáo dục thiếu nhi, giáo dục lối sống gia đình. Bên cạnh đó một số Cha bắt tay vào chương trình 'đặc nhiệm phát triển nông thôn', nghiên cứu và thực nghiệm các kỹ thuật canh nông mới, xuất bản những tài liệu phổ biết kỹ thuật canh tác chăn nuôi, ngư nghiệp vừa giúp nông dân tăng gia lợi tức, vừa nhắm đến việc phát triển cộng đồng.

Để giúp khán thính giả dễ tiếp thu nội dung chương trình, các nhân viên của Trung tâm không "lên bục giảng bài" trên màn ảnh, mà truyền đạt bài học bằng những hoạt cảnh, những vở kịch, những câu chuyện dễ gây hứng thú, để mọi người sau khi nghe - nhìn các sinh hoạt trên màn ảnh, dễ dàng kể lại cho người khác những gì mình đã chứng kiến. Vì khán thính giả là giới bình dân không thể ngồi nghe giảng dạy như học sinh trong trường lớp, Trung tâm thành lập môt nhóm diễn viên cùng nhau dựng kịch, kể cả hài kịch, có khi đệm thêm cải lương, vọng cổ... để gây hứng thú và giúp khán giả dễ nhập tâm hơn. Cùng với việc thực hiện các chương trình truyền thông ích lợi cho người dân cả trong việc đào sâu niềm tin và thăng tiến cuộc sống, Trung Tâm Đắc Lộ còn có nhiều hoạt động văn hóa quan trọng khác, đặc biệt cho giới true. Đây là một trung tâm mục vụ thu hút rất nhiều giới trẻ đến sinh hoạt thường xuyên, có các ca đoàn trẻ và có thư viện Đắc Lộ được coi là thư viện lớn nhất ở Đông Dương thời bấy giờ...

Trong khi số lượng Tivi trong các gia đình chưa nhiều, thì tại nhiều giáo xứ thời đó đã có bố trí các điểm xem truyền hình công cộng cho cả khu dân cư, do chính quyền ở cấp cơ sở điều hành hoạt động. Từ khoảng năm 1973, những điểm xem truyền hình công cộng này trở thành những điểm chiếu các chương trình của Đài Truyền hình Đắc Lộ qua các băng video. Ngoài việc chiếu phim thuần tuý, nhiều nơi Trung tâm còn tổ chức những "Câu lạc bộ truyền hình" (téléclub) với những nhóm đi chiếu phim dạo ở một số điểm thuận lợi, mang theo đủ thứ dụng cụ cần thiết như màn ảnh, ống loa, máy phát điện, bàn đạo diễn... Nhưng quan trọng nhất là các "nhà giáo truyền hình", người hướng dẫn khán thính giả thảo luận học hỏi từ phim ảnh, nắm bắt và khai thác mọi khía cạnh hữu ích của bài học xuyên qua màn chiếu. Đồng thời người phát hình cũng trao đổi để tiếp thu phản hồi của người xem. Điều nầy là cần thiết vì giáo dục không phải là nhồi nhét một chiều, mà là một cuộc đối thoại giữa người nói và người nghe. Nhờ vậy, Câu lạc bộ học được từ quần chúng qua những phản ứng bất ngờ của họ, có khi được khán giả "sửa sai", có khi họ giúp dàn dựng lại đầy đủ và phù hợp hơn đối với bối cảnh, tâm lý người địa phương.[24]

Sau ngày 30.4.1975, các cha Dòng Tên nước ngoài phải rời khỏi Việt Nam theo yêu cầu của chính quyền mới. Vào năm 1976, Trung Tâm Đắc Lộ bị chiếm hữu và Dòng Tên Việt Nam đã trao cho Nhà Nước tất cả cơ sở và máy móc trang thiết bị hiện có của Trung Tâm truyền hình Đắc Lộ. Mãi đến năm 2006 Thủ Tướng Phan Văn Khải mới ký sắc lệnh để giao trả lại Trung Tâm Đắc Lộ cho Dòng Tên trước trước thời điểm Nhà Dòng mừng kỷ niệm 50 năm Dòng Tên trở lại Việt Nam. Hiện nay Thư viện Đắc Lộ đã được tái lập, trở thành nơi nghiên cứu học hỏi rất ích lợi cho giới tu sĩ các Dòng, các nhà chuyên môn và các học sinh sinh viên Công giáo. Về phía Giáo hội Công giáo Việt Nam, tuy không còn những hoạt động chính thức trong lĩnh vực truyền hình, nhưng người Công giáo vẫn có thể tác động gián tiếp lên các chương trình truyền hình của Nhà nước bằng cách nêu những ý kiến nhận xét về các chương trình ấy. Họ cũng có thể tác động tích cực hơn bằng cách cộng tác với các nhân viên của các đài truyền hình để xây dựng những chương trình có giá trị về mặt đạo đức, nghệ thuật, văn hoá...[25]

b. Việc thực hiện các video Công Giáo

Nhìn chung, từ sau năm 1975 đến thời mở cửa (khoảng năm 1985 trở đi), hầu như việc sử dụng phương tiện truyền hình để phục vụ cho công cuộc Phúc âm hoá đều hiếm hoi, hầu như không có. Năm 1985 là thời điểm khởi đầu cho việc ứng dụng công nghệ truyền hình màu tại Việt Nam. Sau đó ít lâu, đã xuất hiện các dịch vụ quay video, ghi hình các dịp tụ họp đông đảo và lễ lạc quan trọng trong Giáo Hội để lưu giữ và phổ biến cho nhiều người cùng xem. Từ những năm 2000, khi dĩa VCD bắt đầu phổ biến, các chương trình thu hình các dịp lễ lạc hoặc các sinh hoạt lớn của Giáo phận, Giáo xứ, Dòng tu, Đoàn thể... đã bắt đầu được phổ biến bằng dĩa VCD. Việc thực hiện các video cá nhân rất dễ dàng, vì thế những cuộc cuộc Hội Nghị, Hội Thảo, diễn nguyện, văn nghệ... đều có thể được thu hình và phát hành nội bộ.

Gần đây, một số các chương trình ca nhạc thánh ca và các Hội nghị công giáo đã bắt đầu ghi hình công phu và được phổ biến trên dĩa DVD với chất lượng âm thanh và hình ảnh cao. Như thế tuy không chính thức, nhưng đã có một hình thức "truyền hình công giáo" âm thầm phát hành chương trình qua các sản phẩm video. Các thể loại truyền thông có dáng vẻ "thời sự" này chỉ mang tính tự phát và hiệu quả đạt được rất hạn chế, nhưng đã giúp ích khá nhiều cho đời sống đạo của người giáo dân Việt Nam. Việc ứng dụng công nghệ truyền hình như phương tiện để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tôn giáo chưa được chú ý đúng mức. Hơn nữa, phần lớn các chương trình video đã thực hiện đều sử dụng các thiết bị dân dụng nên chất lượng kỹ thuật và nghệ thuật chưa cao. Tuy nhiên, nhìn chung thể loại của các chương trình video công giáo còn nghèo nàn, chỉ chủ yếu là các chương trình ghi hình các dịp lễ hội hoặc chương trình ca nhạc, hiếm có các chương trình phóng sự tài liệu, các chương trình talkshow, có sự đối thoại, phỏng vấn, nêu lên vấn đề và giải đáp. Bên cạnh đó, các luồng phim video đủ loại ngày càng nhiều và càng dễ tiếp cận hơn. Điều đáng lo ngại là trong số các băng hình video này có vô số thể loại phim xấu như phim sex, phim bạo lực... Những loại video ngoài luồng này rất khó kiểm soát và gây nhiều hậu quả đáng buồn, nhất là trong giới trẻ.

Các loại phim video công giáo đã lồng tiếng Việt cũng âm thầm đi đến với mọi người dù thường không hề có "bản quyền" chính thức. Một số phim video công giáo có giá trị như: "Truyền Giáo" (The Mission), nói về hoạt động và chứng tá của các Cha thừa sai Dòng Tên tại Nam Mỹ; phim "Anh Mặt Trời - Chị Mặt Trăng" kể về cuộc đời của Thánh Phanxicô Assisi, phim "Cuộc Thương Khó của Chúa Kitô" của đạo diễn Mel Gibson, tường thuật cách sống động cuộc tử nạn của Đức Kitô... phim về cuộc đời Mẹ Têrêxa Calcutta, hoặc phim "Romero" về Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero của Tổng Giáo Phận El Salvador là người đã mạnh mẽ bảo vệ đàn chiên của Ngài, đặc biệt những người nghèo và những người bị áp bức; và Ngài đã bị bắn chết khi đang cử hành Thánh Lễ... Các video này được phổ biến giúp ích nhiều cho đời sống niềm tin của người giáo dân.

Giới công giáo cần học hỏi nhiều hơn để thực hiện các loại chương trình hấp dẫn hơn để chuyển tải các nội dung đức tin, vì ngày nay việc thực hiện các chương trình như thế rất đơn giản và chi phí thấp. Việc đánh giá đúng mức tiềm năng của công nghệ và kỹ thuật truyền hình, quan tâm đầu tư sử dụng cách thích đáng, chắc chắn sẽ đẩy mạnh những đóng góp hữu hiệu của công nghệ truyền hình nhằm phục vụ cho hoạt động loan báo Tin Mừng. Đó là khả năng nằm trong tầm tay của Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam.

c. Phim ảnh Công giáo

Nhìn một cách tích cực và lạc quan về các kênh truyền hình trên toàn quốc và phim ảnh chiếu rạp, mối lo lắng của các vị chủ chăn trong Giáo Hội Việt Nam xem ra rất nhẹ nhàng, vì các chương trình này được kiểm soát kỹ lưỡng nên nội dung rất "sạch sẽ", ít có những nội dung "xấu xa - đồi bại" như tại nhiều nước khác. Tuy nhiên hiện nay đã có các chương trình truyền hình cáp (cable) và người Việt Nam cũng có thể xem các chương trình truyền hình trên khắp thế giới qua mạng nữa. Vì thế các chương trình phim truyền hình có nhiều ảnh hưởng băng hoại vẫn có thể đến với người dân.

Hơn nữa, ngoài các dịch vụ bán phim dĩa (VCD hay DVD), thì còn có những dịch vụ chép phim vào ổ cứng để xem trực tiếp trong máy vi tính. Đây là loại phim chất lượng cao, số lượng chép một lần có thể lên đến hàng ngàn phim, dung lượng có thể lên cả 4000-5000GB. Trong số đó có tất cả những phim mới nhất trên thế giới, cả những phim nổi tiếng các loại, và nhiều phim đã có phụ đề tiếng Việt cho người không biết ngoại ngữ! Đây là cả một bước đột phá lớn trong công nghệ phim ảnh, và những nhà đấu tranh để giữ bản quyền phim chỉ có nước "dở cười dở khóc". Lúc này chuyện xem phim giải trí trở thành vấn đề sở thích cá nhân, không thể kiểm soát. Tất cả chỉ trông chờ vào các chương trình giáo dục gây ý thức cho công chúng, đồng thời tuỳ thuộc vào khả năng hiểu biết, biện biệt và chọn lựa của người sử dụng.

Nhiều chương trình chiếu phim có thêm phần học hỏi rất hữu ích đã giúp người xem mở rộng nhãn quan, thay đổi qua điểm sống và có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc đời với những giá trị của nó. Có những cuốn phim liên quan trực tiếp đến các chủ đề tôn giáo, kể lại những câu chuyện về cuộc đời các thánh, những gương chứng nhân sống niềm tin, những nhân vật nổi tiếng trong Kinh Thánh, hoặc là những sự kiện và biến cố có liên quan đến đời sống của Giáo Hội trên khắp thế giới ... Cũng có những phim tuy không phải phim đạo nhưng lại rất có giá trị, chúng trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến các giá trị Tin Mừng hay cũng có thể chỉ mang ảnh hưởng Kitô giáo mà thôi. Nhiều nơi đã dùng các phim ảnh đó để khơi mào cho những cuộc thảo luận và đào sâu thêm các giá trị đức tin.

Phim ảnh giá trị có thể mở rộng tầm nhìn của chúng ta về thế giới và con người, giúp chúng ta học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý giá, từ đó nắm bắt các vấn đề của nhân sinh và hiểu được hoàn cảnh của con người trong nhiều tình huống khác nhau. Những cảm nghiệm mạnh mẽ từ một cuốn phim có thể thức tỉnh con tim và gia tăng sự nhạy cảm của chúng ta đối với nỗi đau khổ và đói khát của nhân loại hôm nay, những lo âu và sợ hãi của họ, những hy vọng, những ước mơ và những chọn lựa can đảm của bao con người thuộc những chủng tộc, văn hóa, tôn giáo, tầng lớp xã hội và giai đoạn lịch sử khác nhau. Các thành phần trong Giáo Hội cần hợp tác giúp cổ võ, chuyển ngữ, phổ biến, và phát triển mạnh hơn các nội dung truyền hình và phim ảnh lành mạnh, hầu góp phần thăng tiến phẩm giá con người, công bình xã hội, xây dựng tình liên đới, khuyến khích đối thoại và hiệp nhất với nhau trong mọi lãnh vực và ở mọi cấp độ.

5. Mạng Internet - hệ thống truyền thông đa phương tiện

Con người hôm nay đang sống trong một thế giới phát triển cao, được trang bị ngày càng nhiều các phương tiện liên lạc hiện đại như hệ thống truyền hình toàn cầu, máy vi tính kết nối với xa lộ thông tin Internet, điện thoại di động đa chức năng, các công cụ lưu trữ dữ liệu đa dạng (hình ảnh, âm thanh, video, các file nén...) với khả năng ngày càng lớn. Chúng lại có thể kết nối với những công cụ "đọc thông tin" như máy tính xách tay (laptop), hệ thống âm thanh, máy chiếu (projector)... và nhiều phương tiện kỹ thuật tân tiến khác. Các phương tiện truyền thông đó hiện đang nối mạng liên kết với nhau và phát triển với tốc độ chóng mặt, xóa đi mọi biên giới địa lý, đem thông tin tức thời về những chuyện xảy ra trên khắp thế giới đến cho mọi người ở mọi ngõ ngách cuộc sống.

- Giá trị và khả năng lớn lao của Internet

Hơn hẳn báo chí, truyền thanh, truyền hình và điện thoại, mạng internet hiện nay đã có mặt khắp nơi, và hầu như ai ai cũng có thể sử dụng. Cả hai tài liệu Giáo Hội và Internet và Đạo Đức trong Internet đều đưa ra một số hướng dẫn cũng như những cân nhắc, vì Internet là "quà tặng của Thiên Chúa" đồng thời là "cơ hội và thách đố chứ không phải sự đe dọa".[26] Các tài liệu này nhấn mạnh đến sức mạnh của kỹ thuật và cơ hội mà Internet đem lại, cho rằng nó có thể giúp đem mọi người trên hành tinh này vào một thế giới được điều hành bởi công bằng, hoà bình và yêu thương. Quả thật, mạng Internet đang mang lại những thay đổi có tính cách mạng trong thông tin, báo chí, giáo dục, chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, tương quan giữa các dân tộc và các nền văn hóa. Các khả năng hầu như vô tận của mạng điện toán toàn cầu không ngừng gây kinh ngạc cho cả những người làm ra và tham gia vào các hoạt động của nó. Chiếc máy tính ngày nay gần như có khả năng của tất cả các loại phương tiện truyền thông khác, thêm vào đó khả năng kết nối vào mạng Internet với tốc độ đường truyền ngày càng được cải tiến và hàng loạt tiện ích khác nhau.[27] Người ta có thể vào mạng để gọi điện thoại, xem truyền hình, xem video và các loại hình ảnh, nghe radio, nghe nhạc, chơi các loại game, đọc các loại sách báo thông tin mới nhất hoặc gởi thư từ và tán gẫu với người khác...

Internet có khả năng đi đến với nhiều người thuộc nhiều khu vực khác nhau trên khắp thế giới, nhưng chỉ với tư cách cá nhân. Người sử dụng có quyền chủ động nhận hay không nhận thông tin tuỳ thích, và có thể quay trở lại xem những gì đã được đưa lên từ nhiều thời điểm khác nhau. Hơn thế nữa, người đọc có thể "tương tác" với nhiều chương trình mình đang theo dõi, để bình phẩm, đóng góp ý kiến và có khi còn có thể sửa đổi, sắp xếp lại theo ý mình nữa. Một điều tốt đẹp là ngày nay nhiều trang thông tin Công Giáo cả trong và ngoài nước đã mở rộng để đáp ứng nhu cầu "đói thông tin" của người Công Giáo Việt Nam. Các trang đó lại được liên kết với nhau để người đọc có thể tìm được những thông tin thích hợp cho nhu cầu riêng của mình. Được sử dụng đúng đắn, Internet đem lại những ích lợi rất đặc biệt, vì nó cho phép người ta tiếp cận trực tiếp và tức khắc những tài nguyên tôn giáo và tâm linh quan trọng - những thư viện khổng lồ, những văn kiện giáo huấn của Huấn quyền, những bài viết của các thần học gia cũng như kho tàng khôn ngoan tôn giáo của nhiều thời đại. Internet có một khả năng đáng kể để vượt qua mọi khoảng cách, giúp con người tiếp xúc với những người thiện chí có cùng tư tưởng, gia nhập vào những cộng đoàn đức tin ảo để khích lệ và nâng đỡ lẫn nhau.[28]

- Mặt trái của Internet

Không phải mọi kiến thức và thông tin trên Internet đều trung thực, an toàn, lành mạnh và lợi ích. Không gian ảo của Internet hầu như nằm ngoài tầm kiểm soát; và luật pháp của các quốc gia ít có hiệu lực đối với mạng Internet. Nhiều người có thể hiện diện cách "ẩn danh" trên mạng. Đó cũng là lý do khiến các thế lực xấu tha hồ đưa lên mạng những chương trình xem ra hấp dẫn, nhằm khuyến khích sự tự do phóng túng và thu hút người xem rơi vào những cái bẫy có vẻ êm dịu ngọt ngào của các giá trị xấu. Về phía các trang thông tin Công Giáo thì sao? Hiện nay có tất cả bao nhiêu trang web Công Giáo Việt Nam có giá trị và uy tín trên mạng lưới Internet toàn cầu? Đó vẫn là một câu hỏi khó có thể trả lời chính xác... Các danh xưng và nội dung của nhiều trang web Công Giáo cũng đang còn gây nhiều tranh cãi. Chẳng hạn như danh xưng "Thông Tấn Xã Công Giáo Việt Nam" lại không liên quan gì nhiều đến Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Nhiều trang web mang tên Công Giáo nhưng bên cạnh các bài viết tốt vẫn có những bài viết chống đối, chỉ trích Giáo Hội, hoặc khích bác nhau. Đây đó vẫn có những cuộc bút chiến nảy lửa, những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật...

Có một vài tổ chức và cá nhân không đưa bài lên mạng theo những nguyên tắc của truyền thông Công giáo, gây ra nhiều xáo trộn trong cộng đồng, xúc phạm đến các cá nhân, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Giáo hội cũng như hoạt động rao giảng Tin Mừng. Nhiều vấn nạn đặt ra như người giáo dân Việt Nam biết hỏi ai khi có những vấn nạn liên quan đến lãnh vực luân lý - đạo đức trên mạng? Đặc biệt là giới trẻ Công Giáo, họ có thể tìm kiếm nơi đâu những lời khuyên, sự đồng hành và chỉ dẫn rõ ràng về các tiêu chuẩn để biện biệt, chọn lựa đúng đắn cho các chương trình truyền thông họ tiếp cận hàng ngày? Luân lý mạng đang đặt ra cho những người có trách nhiệm nhiều thách đố lớn lao. Mạng Internet có thể được các thế lực xấu dùng "trong những mục đích khai thác, bóp méo, thống trị, và đồi bại," hay để truyền đạt những tư tưởng mang tính "thù hận, bôi nhọ, lường gạt," hoặc chuyển tải "những hình ảnh khiêu dâm nói chung, đặc biệt những hình ảnh khiêu dâm trẻ em, cùng với những xúc phạm khác," như "vấn đề phân chia giai cấp về kỹ thuật số", "tự do ngôn luận," v.v...

Vì thế, Giáo Hội cần chú ý nhiều hơn nữa những gì liên quan đến truyền thông đặc biệt là Internet, "Giáo Hội trong mọi cấp phải sử dụng thông thạo Internet để liên lạc với mọi người một cách hiệu quả - đặc biệt giới trẻ, những người đang có những kinh nghiệm phong phú về nền kỹ thuật mới này - và dùng chúng cách tốt nhất."[29] Vấn đề chính vẫn là sự hiểu biết đúng đắn, ý thức và chọn lựa của con người. Giáo Hội nhìn nhận các phương tiện truyền thông không phải là những sức mạnh mù quáng của thiên nhiên nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Vì cho dù mạng Internet có đưa tới những hậu quả ngoài ý muốn, nhưng chính con người vẫn có quyền lựa chọn sử dụng mạng vào các mục đích và phương cách tốt hay xấu. Những lựa chọn đó chính là trọng tâm của vấn đề luân lý đạo đức trong truyền thông, được thực hiện không phải chỉ do những người tiếp nhận thông tin - những khán giả, thính giả, độc giả - mà đặc biệt do những người kiểm soát các phương tiện truyền thông xã hội và ấn định cơ chế, chính sách, nội dung của việc truyền thông ấy.[30]

- Các trang mạng Công giáo

Những địa chỉ thông tin Công Giáo trên Internet đang cung cấp những dịch vụ rất đa dạng, nội dung phong phú, và cách trình bày mỹ thuật. Các loại báo điện tử trên mạng ngày càng nhiều, chúng được gởi đến cả ngàn địa chỉ e-mail, từ đó lại được chuyển tiếp (forward) đi hoặc in ra và photo để gởi đến tay người đọc. Hiện có các trang tin Công giáo uy tín như trang Web của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (http://hdgmvietnam.org/). Các trang mạng của một số giáo phận như:

TGP Hà Nội http://tgphanoi.org/

TGP Huế http://tonggiaophanhue.net/

TGP Tp.HCM http://tgpsaigon.net/

GP Ban Mê Thuột http://www.gpbanmethuot.net/

GP Đà Lạt http://www.simonhoadalat.com/

GP Lạng Sơn http://giaophanlangson.org/

GP Long Xuyên http://www.gplongxuyen.net/

GP Mỹ Tho http://giaophanmytho.net/

GP Nha Trang http://gpnt.net/

GP Phan Thiết http://www.gpphanthiet.net/

GP Thái Bình http://www.tgmtb.net/

GP Thanh Hoá http://www.gpthanhhoa.org/

GP Vinh http://giaophanvinh.net/

GP Vĩnh Long http://www.giaophanvinhlong.net/

Các trang mạng Công giáo khác thu hút đông đảo người xem như trang Việt Catholic (www.vietcatholic.org), Công Giáo Việt Nam (www.conggiaovietnam.net), Dũng Lạc (www.dunglac.org), Tin Vui Việt Nam (www.tinvuivn.com), La Vang UK (www.lavang.co.uk), Tin Tức Giáo Hội Á Châu (UCAN) www.ucanews.com, Mạng Lưới cầu nguyện (www.ThanhLinh.net), Hồn Nhỏ (www.honnho.org)... Ngoài ra nhiều Giáo xứ, Dòng Tu, hội đoàn Công Giáo đã có mặt trên Internet. Bên cạnh đó cũng có nhiều trang web và blog cá nhân rất có giá trị, có số lượng khách viếng thăm mỗi ngày rất cao.

Hơn lúc nào hết, Giáo Hội Việt Nam hôm nay với phương tiện Internet trong tầm tay cần làm thế nào để Tin Mừng của Bình An, Niềm Vui và Hy Vọng có thể được truyền thông đến tất cả những ai đang khao khát được lắng nghe Lời Chân Lý, giúp họ được gặp gỡ chính Đấng đã đến và đang hiện diện để đồng hành với họ; để yêu thương, nâng đỡ và giải phóng họ. Giáo Hội cần hiện diện trên mạng với người trẻ để đối thoại với họ, giải đáp những vấn nạn của họ, và trợ giúp họ trước nhiều thách đố lớn lao của thời đại @ (a-còng) này. Việc tận dụng những ích lợi lớn lao của phương tiện Internet với sự hiểu biết thích đáng và khả năng biện biệt chọn lựa đúng đắn là nhu cầu của rất nhiều thành phần còn đang "mù vi tính" trong Giáo Hội, kể cả nhiều vị đang ở cấp lãnh đạo trong các Giáo phận, Giáo xứ, Dòng tu, Đoàn thể khác nhau...

III. HƯỚNG TƯƠNG LAI CHO CÁC HOẠT ĐỘNG TRUYỀN THÔNG CÔNG GIÁO TẠI VIỆT NAM

Biến cố kỷ niệm năm mươi năm của Hàng giáo phẩm vào năm 2010 mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử của Giáo Hội tại Việt Nam. Đây là cơ hội để tất cả các thành viên của Giáo Hội đoàn kết, hiệp nhất trong cùng một quan điểm để thực hiện một dự án chung. Những ân ban đức tin không chỉ là món quà để toàn Giáo Hội hoặc mỗi người tín hữu đón nhận và giữ lấy cho mình; nhưng đức tin đó phải được chia sẻ, truyền đạt, và nhân rộng ra cho cả nhân loại. Việc nhìn lại và lượng giá những gì đã thực hiện là cần thiết để Giáo Hội chuyển hóa chính mình và cải thiện đời sống nhằm thăng tiến và phục vụ tốt hơn. Riêng trong lãnh vực truyền thông xã hội, có rất nhiều yếu tố thiết yếu mà mọi thành phần trong Giáo Hội Việt Nam cần cố gắng cộng tác thực hiện nếu muốn tận dụng những khả năng lớn lao của các phương tiện truyền thông hiện nay. Xin được đề cập đến một số định hướng quan trọng như sau:

1. Định hướng của Giáo Hội toàn cầu

Trong lịch sử Giáo Hội, cái nhìn về truyền thông của Giáo Hội đã thay đổi từ một thái độ ngờ vực và bác bỏ sang thái độ hiểu biết có phê phán và chấp nhận một cách thận trọng. Các văn kiện của Giáo Hội về truyền thông phản ánh các quan điểm thần học ảnh hưởng tới lối suy nghĩ, tiếp cận và sử dụng truyền thông trong sứ mạng truyền giáo. Do lệnh truyền của Thiên Chúa và do quyền sở hữu kiến thức chung của con người, Giáo Hội có bổn phận truyền đạt một cách công khai điều mà Giáo Hội tin và cách Giáo Hội sống. Sắc lệnh Inter Mirifica (1963) mời gọi: "Giáo Hội có quyền sử dụng và làm chủ bất cứ một loại truyền thông xã hội nào, tùy theo sự cần thiết hay lợi ích cho việc giáo dục Kitô hữu và cho việc mưu cầu phần rỗi các linh hồn; các vị Chủ Chăn đáng kính có nhiệm vụ huấn luyện và hướng dẫn các tín hữu thế nào để họ biết dùng cả những phương tiện này mà theo đuổi phần rỗi và sự toàn thiện của mình cũng như của toàn thể gia đình nhân loại..." (IM, 3)

2526    15-03-2011 07:08:49