Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Truyền Thông Công Giáo Việt Nam_3


Huấn Thị Communio et Progressio (1971) dạy rằng Chúa Giêsu là Nhà Truyền Thông Cứu Độ và là Người Thầy của Truyền Thông. Người là Ngôi Lời của Chúa Cha, trong Người mọi sự được tạo thành. Người là Ngôi Lời ở trong Chúa Cha từ nguyên thủy, và qua Người tất cả mọi tạo vật được hiệp thông trong hình ảnh của Thiên Chúa. Như thế truyền thông phát xuất từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, và có mục đích tối hậu là đưa nhân loại, cùng với các phương tiện truyền thông, đi vào sự hiệp thông với Thiên Chúa.[31] Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio lưu ý: "Uỷ Ban Truyền thông xã hội của HĐGM cấp quốc gia hay vị giám mục đặc trách truyền thông chịu trách nhiệm việc hướng dẫn mọi hoạt động của các văn phòng cấp quốc gia. Họ phải vạch ra các hướng dẫn chung cho sự phát triển việc tông đồ truyền thông xã hội ở cấp quốc gia" (CP 172). Huấn Thị Mục Vụ Aetatis Novae (1992) nhận định về sự thay đổi bản chất của truyền thông và việc sử dụng gia tăng quá nhanh của các phương tiện truyền thông. Cả hai tài liệu Giáo Hội và Internet và Đạo Đức trong Internet (2002) đều nhấn mạnh đến sức mạnh của kỹ thuật và cơ hội mà Internet đem lại, cho rằng nó có thể giúp mọi người trên hành tinh này sống trong một thế giới được điều hành bởi công bằng, hoà bình và yêu thương. [32]

Những người có trách nhiệm trong Giáo Hội được mời gọi quan tâm đặc biệt đến các hoạt động truyền thông và cố gắng thực hiện mọi điều khả thi trong hoàn cảnh của mình. Trong Tông thư Sự Phát Triển Nhanh Chóng, Đức Thánh Cha nêu rõ: "Hiện tượng truyền thông hiện nay thúc đẩy Giáo Hội phải xem xét lại về mục vụ và văn hoá để có thể thích ứng được với thời đại của chúng ta. Hơn ai hết, các mục tử phải gánh lấy trách nhiệm này. Mọi điều khả thi đều phải được đưa ra thực hiện để Tin Mừng có thể thấm nhập vào xã hội, kích thích con người lắng nghe và chấp nhận sứ điệp của Tin Mừng."[33] Nhìn chung, tài liệu về truyền thông xã hội của công đồng Vatican II (Inter Mirifica số 19-21) và các Huấn thị Mục vụ tiếp theo (Communio et Progresssio số 170-176 và Aetatis Novaesố 19-23) đều đưa ra nhiều hướng dẫn cụ thể và yêu cầu các Hội đồng Giám mục tổ chức và duy trì các văn phòng Truyền thông cấp quốc gia. Vì thế việc chuẩn bị nhân sự, đưa chương trình huấn luyện về thần học truyền thông, linh đạo truyền thông và các kỹ năng truyền thông mục vụ vào nhiều cấp độ khác nhau là cần thiết cho Giáo Hội Việt Nam.

2. Định hướng của FABC

Truyền thông Kitô giáo phải đặt nền trên linh đạo sâu xa, nhờ các nhà truyền thông đầy Thánh Thần và dựa trên cơ sở thần học vững chắc về truyền thông bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi. Giáo Hội tại Á Châu cần có những nghiên cứu, suy tư có hệ thống, đào luyện thường xuyên, nối mạng và qui tụ các nguồn tài nguyên khác nhau cho các hoạt động truyền thông hiệu quả. FABC nhận xét: "Giáo Hội cần phải khai thác các lãnh vực tiềm năng khác trong các bối cảnh khác nhau của Châu Á, với vô vàn ngôn ngữ và nền văn hoá. Trong thiên niên kỷ 3, một thách thức bao la đang chờ đợi Giáo Hội Á Châu trong lãnh vực truyền thông xã hội" (FABC Papers 115: 59). Sứ Điệp của Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu cũng nêu rõ: "Cần có một chương trình mục vụ để sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, tại tất cả các giáo phận và phải thêm vào đó văn phòng đặc trách giao thiệp với công chúng..."[34] Từ năm 1996, các Giám mục Á Châu đã khởi đầu những cuộc họp hàng năm về truyền thông và yêu cầu mỗi Hội đồng Giám mục và mỗi địa phận cần triển khai một kế hoạch mục vụ toàn diện về truyền thông để nhập thể sứ vụ ngôn sứ và loan báo Tin Mừng của mình trong một xã hội bị định hình bởi các phương tiện truyền thông. Cuộc họp hàng năm lần thứ 11 (2006) đưa ra đề nghị cụ thể là "Tất cả các Hội Đồng Giám mục và các giáo phận cần phải chuẩn bị một kế hoạch mục vụ cho hoạt động truyền thông với một khung thời gian phù hợp và một viễn cảnh rõ ràng (clear vision) cũng như tuyên bố về sứ vụ (mission statement) phù hợp với vùng của mình."[35] Đây là năm bước thiết yếu của một kế hoạch mục vụ truyền thông[36]:

a) Tìm hiểu thực tế và phân tích đánh giá tình hình hiện có: các đối tượng khán thính giả, các nhóm đang thực hiện và phân phối chương trình, các nhu cầu cấp thiết...

b) Xem xét các nguồn lực về truyền thông sẵn có để sử dụng hợp lý: phương tiện, nhân sự, tài chánh, hiện trạng giáo dục về truyền thông và các khả năng hợp tác...

c) Phát triển chiến lược và thiết lập các mục tiêu: các chương trình khả thi, hướng nối kết sử dụng các nguồn lực và các phương tiện truyền thông cho việc loan báo tin mừng, các phương pháp và nội dung giáo dục truyền thông, hỗ trợ các chuyên gia truyền thông...

d) Thực hiện hiệu quả các kế hoạch hành động: đạt đến mục tiêu đề ra.

e) Các phương cách để giám sát và lượng giá thường xuyên

Quá trình lập kế hoạch của Ủy Ban Truyền thông Xã hội cấp quốc gia hoặc giáo phận cần được thực hiện với mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của mình. Việc lượng giá sau mỗi bước thực hiện là rất quan trọng để điều chỉnh và tiếp tục với các bước tiếp theo. Các nghiên cứu cần được thực hiện để có thể đóng góp hữu ích cho quá trình lập kế hoạch mục vụ truyền thông với sự hỗ trợ chuyên môn của các Ủy Ban Truyền thông Xã hội của các Hội Đồng Giám Mục khác nếu cần. Các tài liệu về truyền thông xã hội của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu rất phong phú và phù hợp với bối cảnh các nước Á Châu, đó là những hướng dẫn cụ thể, rõ ràng mà Giáo Hội Việt Nam có thể sử dụng để hoàn thành sứ mạng truyền giáo của mình trong bối cảnh toàn cầu hoá và thông tin kỹ thuật số hôm nay.

3. Định hướng của Giáo Hội Việt Nam

Giáo Hội tại Việt Nam chưa ra một văn kiện chính thức nào liên quan riêng đến truyền thông, nhưng có thể nhận ra một số ý tưởng trong các văn kiện và hoạt động của Giáo Hội. TrongThư Chung Năm 2001 của HĐGMVN, các giám mục đã thông báo và mời gọi mọi tín hữu sống sứ mạng loan báo đức tin của mình một cách mới theo các lời dạy của Tin Mừng và của Giáo Hội. Thư chung ghi nhận: "Canh tân lối suy nghĩ có nghĩa là canh tân quan điểm của chúng ta. Tin Mừng và các giáo huấn xã hội của Giáo Hội là những qui tắc hành động nhằm xây dựng, phát triển và thăng tiến..."[37] Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam cũng muốn sử dụng truyền thông để rao giảng Tin Mừng tốt hơn. Thế nhưng một trong những thách thức lớn đối với Giáo Hội Việt Nam hiện nay là nhu cầu về nhân sự cho các hoạt động truyền thông xã hội. Việc đầu tư cho tương lai phải bắt đầu với việc chuẩn bị nhân sự, thông qua các chương trình đào tạo ngắn hạn và dài hạn. Cần phải phát hiện và khuyến khích những người có nhiều khả năng và tâm huyết trong lãnh vực này, giúp họ phát triển tài năng của và tạo điều kiện cho việc phối hợp nhân sự cách hữu hiệu trong công việc chung. Công tác đào tạo các kỹ năng kỹ thuật là cần thiết; nhưng quan trọng hơn cả là việc đào tạo tâm linh và đạo đức, vì thế những người có trách nhiệm cần đặc biệt chú ý đến việc huấn luyện về linh đạo, các giá trị và tiêu chuẩn luân lý liên quan đến công việc chuyên môn của người làm công tác truyền thông.

Ủy Ban Truyền thông Xã hội cấp quốc gia hoặc các giáo phận cũng như các vị lãnh đạo trong Giáo Hội và các Dòng tu cần phải nắm bắt những thông tin của các khóa học khác nhau về truyền thông xã hội tại Việt Nam và nước ngoài để giới thiệu và khuyến khích việc gửi các thành viên tham dự. Cần có các chương trình giảng dạy thường xuyên về Thần Học và Mục Vụ Truyền Thông cũng như Các Kỹ Năng Truyền Thông Xã Hội trong các Chủng viện, Học viện Thần học, các Trung Tâm Mục Vụ... để hình thành các linh mục, tu sĩ và những anh chị em giáo dân có chuyên môn trong lãnh vực này.

Trong tình hình Việt Nam hiện nay, chứng tá đời sống vẫn là phương cách truyền thông quan trọng nhất. Thư Chung Năm 2000 của HĐGMVN nói: "Vì Đức Giêsu tự đồng hoá mình với những người đói, người nghèo, người tàn tật, người bị bỏ rơi (x. Mt 25:31-46), chúng ta hãy dấn thân phục vụ hiệu quả cho những người nghèo khổ...Những việc phục vụ này không chỉ phát xuất từ lòng trắc ẩn tự nhiên của con người, nhưng còn từ đức ái sâu xa của người Kitô hữu (x. Rm 13:8), vì mỗi lần chúng ta làm việc đó là chúng ta làm cho chính Chúa Kitô (x. Mt 25:40)."[38] Bằng tình yêu phục vụ nhằm làm vơi đi những đau khổ của dân chúng, người Kitô hữu Việt Nam loan báo đức tin của mình và truyền thông cho dân chúng tình thương của Đức Giêsu. Ngày nay, nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân đang hiện diện trong các trại cùi, cô nhi viện, các trung tâm dành cho các nạn nhân HIV và người khuyết tật, các cơ sở từ thiện, và dấn thân trong các công cuộc xã hội, đem lại rất nhiều những cuộc trở lại đầy cảm động.

4. Một số đề nghị cụ thể

- Hợp tác và nối mạng

Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Á Châu Ecclesia In Asia nêu rõ: "Xét vì ảnh hưởng sâu rộng và kỳ diệu của truyền thông xã hội, nên những người Công giáo cần làm việc với các thành viên của các Giáo Hội và Cộng Đồng Giáo Hội khác, và với những người theo các tôn giáo khác, để bảo đảm một chỗ đứng cho các giá trị thiêng liêng và luân lý trong các phương tiện truyền thông".[39] Việc nối mạng ở tất cả các cấp trong Giáo Hội có thể giúp mở rộng các nguồn tài nguyên sẵn có, trao đổi các thông tin cần thiết, thu thập và huy động sức mạnh tập thể, tổ chức các hoạt động chung với nhau. Cần cập nhật thường xuyên nội dung của các chương trình đào tạo và có các hình thức khác nhau để chuyển tải các giáo huấn về Truyền thông Xã hội của Giáo Hội toàn cầu cũng như Giáo Hội tại Á Châu và Việt Nam đến mọi người. Nên tổ chức các diễn đàn để trao đổi thông tin, gia tăng hiểu biết cho những người làm việc trong lãnh vực này. Tất cả các chương trình đào tạo về truyền thông phải xem xét đến việc trưởng thành tâm linh và đạo đức trong truyền thông. Rất nhiều nguồn thông tin hôm nay phải được chọn lọc, phân loại và giới thiệu cách hợp lý để tạo thành một mạng lưới các thông tin tốt. Thiếu sự phối hợp trong truyền thông, tiếng nói của Giáo Hội sẽ bị mất đi trong xã hội ồn ào này.

- Đề cao các phương tiện truyền thông truyền thống và kết hợp thích đáng với các phương tiện truyền thông hiện đại

Tại các nước Á Châu đều có nhiều loại nghệ thuật dân gian, nghệ thuật biểu diễn, khiêu vũ, âm nhạc và kịch nghệ với những nét đặc trưng riêng... Vì thế, tất cả các hình thức truyền thống của việc truyền thông Tin Mừng có trong nền văn hóa dân tộc phải được xem xét và được sử dụng cho công cuộc Loan báo Tin Mừng. Tại Việt Nam chúng ta đã có hoạt động giảng dạy giáo lý và các chương trình huấn luyện với các dụng cụ nghe nhìn từ đơn giản đến hiện đại như viết bảng, minh hoạ bằng hình ảnh và chuyện kể, sử dụng phim ảnh, đèn chiếu hoặc projector với các PowerPoint, các chương trình tham quan học hỏi, du khảo, hành hương, việc tổ chức diễn nguyện, các hoạt động sân khấu, kịch nghệ, thơ ca, tổ chức thi viết truyện ngắn, hội họa điêu khắc và nhiếp ảnh Công giáo, các diễn đàn trên mạng internet... Cũng cần có sự hợp tác của tất cả các thành phần trong Giáo Hội cùng với những người thiện chí và các nhà truyền thông không Công giáo. Việc tổ chức các lễ hội Công Giáo và các cuộc triển lãm về đời sống và các hoạt động xã hội của Giáo Hội cũng có thể là cơ hội khởi đầu cho các tương quan với người ngoài Kitô giáo...

- Giúp biện biệt các giá trị luân lý - đạo đức

Hiện nay trong phạm vi quốc gia lẫn quốc tế đang tràn ngập một số lượng khổng lồ các phương tiện truyền thông đủ loại, tốt xấu lẫn lộn, đang cố tranh giành ảnh hưởng: các sách báo tạp chí xuất bản định kỳ, các chương trình truyền thanh truyền hình, các loại phim ảnh, video, truyền thông điện tử hoặc kỹ thuật số qua vệ tinh và nhất là mạng internet... trong số đó có rất nhiều những nội dung xuyên tạc bóp méo sự thật, đồi bại khiêu dâm, hoặc cổ võ bạo lực hận thù. Chúng đang xói mòn các giá trị, hạ thấp phái tính, đả phá hôn nhân và đời sống gia đình, gây nên những tác dụng xấu xa và cô lập con người trong một thế giới ích kỷ, hận thù, tàn ác... Nhiều thứ tương quan "ảo", các loại tội phạm mới và các hình thức nghiện ngập mới của thời đại thông tin liên mạng đang gây ra những xáo trộn lớn lao cho gia đình và xã hội.[40] Vấn đề chính vẫn là sự hiểu biết đúng đắn, ý thức và chọn lựa của con người. Giáo Hội nhìn nhận rằng các phương tiện truyền thông không phải là những sức mạnh mù quáng của tự nhiên nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Vì cho dù mạng Internet có đưa tới những hậu quả ngoài ý muốn, nhưng chính con người vẫn có quyền lựa chọn sử dụng mạng vào các mục đích và phương cách tốt hay xấu. Những lựa chọn đó chính là trọng tâm của vấn đề luân lý đạo đức trong truyền thông, được thực hiện không phải chỉ do những người tiếp nhận thông tin - những khán giả, thính giả, độc giả - mà đặc biệt do những người kiểm soát các phương tiện truyền thông xã hội và ấn định cơ chế, chính sách, nội dung của việc truyền thông.[41]

- Quan tâm đến giới trẻ

Người trẻ là tương lai của xã hội và Giáo Hội. Sự trưởng thành của người trẻ trong thế giới toàn cầu hoá hôm nay liên hệ chặt chẽ với những công nghệ kỹ thuật truyền thông mới mẻ. Trong sứ điệp của Ngày Quốc Tế Truyền Thông lần thou 43, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nghĩ đến những người thuộc về thế hệ "kỹ thuật số" này, và đánh giá cao tiềm năng phi thường của những công nghệ kỹ thuật mới khi chúng được sử dụng để tạo điều kiện cho sự hiểu biết và liên đới của con người. Ngài nói: "Nhiều thuận lợi phát sinh từ nền văn hóa truyền thông mới mẻ này: các gia đình có thể giữ liên lạc cho dù bị chia ly bởi những khoảng cách lớn, các sinh viên và các nhà nghiên cứu có thể tiếp cận dễ dàng và trực tiếp với các tài liệu, với các nguồn và với những khám phá khoa học và do đó, có thể làm việc theo nhóm từ những nơi khác nhau; vả lại, bản chất tương tác của các phương tiện truyền thông mới tạo điều kiện dễ dàng cho những hình thức học tập và giao tiếp năng động hơn, đóng góp vào sự tiến bộ của xã hội".[42] Tuy nhiên, cũng do ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông xấu, rất nhiều người trẻ đang gặp khủng hoảng niềm tin hoặc bị lôi kéo vào lối sống hưởng thụ duy vật. Hướng đến tương lai trong một xã hội toàn cầu hoá đầy phức tạp, với bối cảnh đa nguyên của các nền văn hóa và tôn giáo, giới trẻ cần có sự đồng hành, hỗ trợ và hướng dẫn của Giáo Hội. ĐTC thấy rõ rằng bổn phận phúc âm hóa "châu lục kỹ thuật số" này thuộc về họ. Ngài mời gọi họ: "Các con hãy biết gánh lấy cách nhiệt tình việc loan báo Tin Mừng cho những người đương thời với các con! Các con biết sự sợ hãi và hy vọng của họ, sự nhiệt tình và thất vọng của họ: hồng ân cao quý nhất mà các con có thể làm cho họ là chia sẻ với họ "Tin Mừng" về một Thiên Chúa đã làm người, đã đau khổ, đã chết và đã phục sinh để cứu rỗi nhân loại".[43]

KẾT LUẬN

Nhìn lại những biến cố đổi thay của nhiều thời điểm khác nhau trong đời sống của Giáo Hội, mỗi người chúng ta có thể cảm nhận được sự đổi thay của dòng lịch sử, sự tiến triển và cả những thách đố thăng trầm trong việc loan báo Tin Mừng qua các hoạt động truyền thông. Chúng ta kinh nghiệm nỗi vui mừng phấn khởi vì bao thành công rực rỡ trên mỗi bước đường, và cả những thất bại lớn lao bởi nhiều lý do nhất định của cuộc sống và thời thế... Từ những dòng lịch sử liên quan đến lãnh vực Truyền thông Công Giáo nhằm phục vụ cho công cuộc Loan báo Tin mừng tại Việt Nam, chúng ta rút ra nhiều bài học quý giá, và tri ân cảm tạ Thiên Chúa vì Người luôn đồng hành, nâng đỡ và soi sáng cho bao sáng kiến tốt đẹp, giúp Tin Mừng đi đến với mọi người trên quê hương thân yêu.

Trong Sứ điệp Ngày Quốc Tế Truyền Thông năm 2009, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đề cao sự tôn trọng phẩm giá và giá trị của nhân vị: "Nếu các công nghệ kỹ thuật mới phải phục vụ cho thiện ích của các cá nhân và xã hội, thì những người sử dụng chúng phải tránh sự chia sẻ những lời nói và hình ảnh làm mất phẩm giá con người, và như thế loại trừ những gì đang nuôi dưỡng lòng hận thù và sự bất bao dung, những gì làm giảm giá vẻ đẹp và sự sâu kín của giới tính con người, những gì khai thác những người yếu đuối và những người dễ bị thương tổn."[44] Truyền thông xã hội phải đề cao sự thật, tình liên đới, sự tương trợ, công lý hoà bình và tinh thần trách nhiệm cao. Không chỉ những nhà truyền thông mới là những người chịu trách nhiệm về luân lý đạo đức, nhưng những người tiếp nhận truyền thông cũng có phần trách nhiệm của mình. Họ cũng phải biết lựa chọn các chương trình truyền thông theo tiêu chuẩn đạo đức lành mạnh, có trách nhiệm góp ý kiến hoặc tẩy chay những loại truyền thông vô luân.

Riêng Sứ điệp Ngày Quốc Tế Truyền Thông năm 2010, năm Giáo Hội cử hành Năm thánh Linh Mục, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đặc biệt kêu gọi các linh mục hãy sử dụng các phương tiện kỹ thuật truyền thông hiện đại nhất nhằm phục vụ Lời Chúa, loan báo Tin Mừng, và giúp cho mọi người khám phá khuôn mặt Đức Kitô. Sứ điệp này nhấn mạnh đến lãnh vực mục vụ quan trọng và rất nhạy cảm, lãnh vực truyền thông kỹ thuật số, trong đó các linh mục có thể khám phá ra những khả năng mới mẻ để thực thi thừa tác vụ của mình. Chính sự bùng nổ tăng trưởng mới đây của các phương tiện truyền thông hiện đại và ảnh hưởng xã hội lớn lao của chúng đã làm cho chúng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, và có khả năng giúp cho thừa tác vụ linh mục sinh nhiều hoa trái. Như vậy, các linh mục được thách đố loan báo Tin Mừng bằng cách sử dụng những tài nguyên nghe-nhìn thuộc thế hệ mới nhất, để cùng với những phương tiện truyền thống, có thể mở ra những triển vọng lớn lao mới mẻ cho việc đối thoại, phúc âm hoá và dạy giáo lý.

Trong Đề Cương Năm Thánh 2010, Ban Soạn Thảo cũng giúp mọi thành phần Dân Chúa nhìn lại thực tế Giáo Hội Việt Nam, và nhận định rằng do những điều kiện khách quan và chủ quan, lãnh vực truyền thông xã hội còn khá mới mẻ đối với Giáo Hội tại Việt Nam. Tuy nhiên, Giáo Hội cần đặc biệt quan tâm đến lãnh vực này vì các phương tiện truyền thông hiện đại có thể góp phần không nhỏ cho việc loan báo Tin Mừng, phổ biến những mẫu sống tốt lành, có tầm mức giáo dục đại chúng cao; đàng khác nhiều lạm dụng và những khai thác vô luân đã để lại nhiều tác hại trên tâm hồn nhiều người, cách riêng là giới trẻ...[45] Giáo Hội Việt Nam thấy cần phải đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động trong lãnh vực này. Giáo Hội phải làm cho tiếng nói Chân Lý đến với mọi người, và để tình Bác Ái của Đạo Thánh Chúa luôn là linh hồn của công cuộc rao giảng Chân Lý Phúc Âm. [46]

Với biến cố cử hành 50 năm Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, một kỷ nguyên mới trong Giáo Hội tại Việt Nam đang bắt đầu. Những kinh nghiệm và hướng dẫn rõ ràng của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu về Truyền thông xã hội cũng như của GH toàn cầu có thể cung cấp một định hướng cần thiết giúp Giáo Hội tại Việt Nam đẩy mạnh hơn việc khai thác năng lực lớn lao của các phương tiện truyền thông cách sáng tạo và phù hợp với thực tế của mình. Với niềm tin tưởng sâu xa vào Thiên Chúa, là cội nguồn và nội dung đích thực của mọi sứ điệp truyền thông, Giáo Hội tại Việt Nam có thể hội nhập vào một giai đoạn mới trong lịch sử với sự tự tin, niềm hy vọng, và lòng biết ơn.     ■

Nữ tu Ngọc Lan, fmm - Năm Thánh GHVN 2010

-----------------------------

[1] Xem Nguyễn Ngọc Sơn, Niên Giám Giáo Hội Công giáo Việt Nam, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2005, tr. 187-189 (Phần Lược sử Giáo Hội Công giáo Việt Nam).

[2] Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi, Roma, 1975, số 45.

[3] Karl Muller et al., eds., Dictionary of Mission: Theology, History, Perspective (Maryknoll, New York: Orbis Books, 1998), 73.

[4] Xem Eilers, Communicating in Community (2002), 38-40.

[5] Theo Wikipedia, từ điển bách khoa trên mạng tại http://en.wikipedia.org/wiki/Socialcommunications.

[6] HĐGMVN, Thư Chung Năm 1980: Rao giảng Tin Mừng giữa lòng Dân tộc, Hà Nội: HĐGMVN, 1980, 9-10.

[7] HĐGMVN, Thư Chung Năm 1980: Rao Giảng Tin Mừng giữa lòng Dân Tộc, số 7.

[8] HĐGMVN, Thư Chung Năm 2001: Để họ được sống và sống dồi dào, Hà Nội: HĐGMVN, 2001, III.22.

[9] Liên UBGM về Phụng Tự, Truyền Giáo, Văn Hóa, Thánh Nhạc & Nghệ Thuật Thánh, Kinh nghiệm Hội nhập Văn hóa trong nếp sống Kitô giáo tại Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh: UBVH, 2003, tr. 113-141.

[10] Liên UBGM, Kinh nghiệm Hội nhập Văn hóa trong nếp sống Kitô giáo tại Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh: UBVH, 2003, tr. 123-124.

[11] Xem Liên UBGM, Kinh nghiệm Hội nhập Văn hóa trong nếp sống Kitô giáo tại Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh: UBVH, 2003, tr. 129-130.

[12] Xem Lê Đình Bảng, Hành Trình 100 Năm Báo Chí Công Giáo Việt Nam, Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2009, tr.33.

[13] Xem Lê Đình Bảng, Bài tóm "Hành Trình 100 Năm Báo Chí Công Giáo Việt Nam".

[14] Xem Nguyễn Ngọc Sơn, Bài viết "Vài Nét Về Hiện Trạng Truyền Thông Xã Hội Tại Việt Nam" (10/2006), Sđd tr. 451-453.

[15] Xem bài của Lê Đình Bảng, Công Giáo và Dân tộc số 862 (21-6-1992).

[16] Xem Nguyễn Ngọc Sơn, Bài viết "Vài Nét Về Hiện Trạng Truyền Thông Xã Hội Tại Việt Nam" (10/2006), Sđd tr. 454.

[17] Xem Nguyễn Ngọc Sơn, Báo Hiệp Thông (Bản tin của HĐGMVN) số 29-30, tháng 5 & 7 năm 2005, trang 285 - 303.

[18] X. Lê Đình Bảng, Hành Trình 100 Năm Báo Chí Công Giáo Việt Nam, Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2009, tr.33.

[19] Theo thông tin từ trang web : www.rveritas-asia.org

[20] Gioan Phaolô II, Ecclesia In Asia, Số 48.

[21] Theo thông tin từ trang web: www.vietvatican.net

[22] Xem bài viết của Nữ tu Mai Thành "Tiến Trình Phát Triển Ngành Truyền Thông Điện Tử", 2009.

[23] Phần này dựa trên các tài liệu của Dòng Tên.

[24] Xem bài viết của Nữ tu Mai Thành "Tiến Trình Phát Triển Ngành Truyền Thông Điện Tử", 2009.

[25] Xem Nguyễn Ngọc Sơn, Bài viết "Vài Nét Về Hiện Trạng Truyền Thông Xã Hội Tại Việt Nam" (10/2006), Sđd tr. 458-459.

[26] Xem Hội Đồng Toà Thánh về Truyền Thông Xã Hội, Đạo Đức trong Internet, Roma, 2002, Số 6, 18; Giáo Hội và Internet, Roma, 2002, Số 1, 5, 12.

[27] Xem thêm Vũ Thanh, "Bàn về Văn Hóa Internet", Maranatha 96 (tháng 7/2007), để thấy rõ hơn những giá trị và nhiều cạm bẫy của internet.

[28] Xem Hội Đồng Toà Thánh về Truyền Thông Xã Hội, Giáo Hội và Internet, Roma, 2002, Số 5.

[29] Xem Hội Đồng Toà Thánh về Truyền Thông Xã Hội, Đạo Đức trong Internet, Roma, 2002, Số 1-6.

[30] Xem Hội Đồng Toà Thánh về Truyền Thông Xã Hội, Đạo Đức trong Internet, Roma, 2002, Số 1.

[31] Xem Hội Đồng Toà Thánh về Truyền Thông Xã Hội, Communio et Progressio, Roma, 1971, Số 10-11.

[32] Xem Hội Đồng Toà Thánh về Truyền Thông Xã Hội, Đạo Đức trong Internet, Roma, 2002, Số 6, 18; Giáo Hội và Internet, Roma, 2002, Số 1, 5, 12.

[33] Gioan Phaolô II, Sự Phát Triển Nhanh Chóng, Roma, 2005, số 8.

[34] Gioan Phaolô II, Ecclesia In Asia, New Delhi, 1999, Số 5.

[35] FABC - 11th Bishop Meet, Việc Quản Trị Truyền Thông đối với các Hội Đồng Giám Mục, Rizal, Philippines, 2006, số 1.

[36] Xem Franz-Josef Eilers, (Ed.), Communicating in Ministry and Mission. Manila: Logos Publications, 2009, tr. 202.

[37] HĐGMVN, Thư Chung Năm 2001, số 16.

[38] HĐGMVN, Thư Chung Năm 2000, 11.

[39] Gioan Phaolô II, Ecclesia In Asia, New Delhi, 1999, Số 48.

[40] Xem Ngọc Lan, "Luân Lý Mạng", Báo Hiệp Thông (Bản tin của HĐGMVN) số 51, 2008 và số 52, 2009.

[41] Xem Hội Đồng Toà Thánh về Truyền Thông XH, Đạo Đức trong Truyền Thông, Roma, 2002, Số 1.

[42] Bênêđictô XVI, Sứ điệp Ngày Quốc Tế Truyền Thông lần thứ 43, năm 2009.

[43] Như trên, phần cuối.

[44] Bênêđictô XVI, "Các kỹ thuật công nghệ mới, các tương quan mới. Khuyến khích một nền văn hóa tôn trọng, đối thoại, tình bạn", Sứ điệp Ngày Quốc Tế Truyền Thông lần thứ 43, năm 2009.

[45] Xem Đề Cương Giáo Hội tại Việt Nam, Ban Soạn Thảo Năm Thánh 2010, số 48 (http://hdgmvietnam.org).

[46] Xem Bản tin số 2, Hội Nghị Kỳ I - 2009 của HĐGMVN (http://hdgmvietnam.org/News.aspx?Type=8& Act= Detail&ID=182&CateID=63).




3336    15-03-2011 07:11:22