Sidebar

Thứ Năm
28.03.2024

Tự Soi

Trong quyển sách về truyền thống của các vị ẩn tu có thuật lại câu chuyện sau đây:

Ngày kia khi Đức Giám Mục Amolas đến thăm mục vụ một làng nọ, dân chúng đã bày tỏ với Ngài lòng bất mãn tột độ của họ đối với một vị ẩn tu trên núi, vì ông ta đem theo một phụ nữ để chung sống với mình.

... Từ dạo ấy, vị ẩn tu không ngớt là đối tượng để dân làng đàm tiếu, chỉ trích và lên án.

Thấy Giám Mục Amolas đến, dân làng xúm lại vây quanh Ngài và nói:

- Hôm nay Đức Cha đã đến đây thì Đức Cha phải chấm dứt ngay lập tức tình trạng sa đọa bê bối, gây nhiều gương mù gương xấu của vị ẩn tu trên núi kia !

 Sau khi nghe những lời kết án gây gắt của dân làng, Giám Mục Amolas quyết định leo lên núi. Ngài đi đầu, dân làng lũ lượt nối gót theo sau.

Vị ẩn tu thấy đám đông kéo đến túp lều của mình, ông ta hoảng sợ và cấp tốc bảo người phụ nữ chui vào trốn trong một cái thùng gỗ rỗng.

Đức Giám Mục là người đầu tiên đến trước túp lều, và cũng là người đầu tiên bước chân vào. Ngài đưa mắt nhìn chung quanh và hiểu ngay tình tình. Ung dung, Ngài đi thẳng đến chỗ ngồi ngay trên chiếc thùng gỗ để nghỉ chân, nơi người phụ nữ ẩn trốn. Rồi bình thản khoát tay gọi dân làng vào và bảo:

- Vào đây, các người hãy vào mà lục xét túp lều để tìm người phụ nữ.

Khi họ không tìm đâu ra bóng dáng người đàn bà, Đức Giám Mục mới nói:

- Bây giờ các ngươi phải quỳ xuống xin lỗi Thiên Chúa vì đã nói xấu vị ẩn tu này vô cớ !

Nhưng sau đó, khi mọi người đã lục tục kéo nhau xuống núi. Đức Giám Mục Amolas tiến gần vị ẩn tu, nắm chặt hai bàn tay của ông, đưa mắt nhân từ nhưng cương nghị nhìn sâu vào đôi mắt của ông và chậm rãi nói:

- Hỡi người anh em, hãy cẩn thận giữ mình kẻo mất linh hồn đấy !

 

Hai thái độ khác nhau giữa dân làng và Giám Mục Amolas đối với vị ẩn sĩ lầm lỗi, có thể giúp bản thân mình hiểu rõ hơn về việc tự sửa mình và sửa lỗi lầm của anh em.

Ngược lại với phản ứng của dân làng. Trong một tình trạng khó xử, Đức Giám Mục Amolas đã tìm cách hóa giải vấn đề đã được mọi người xầm xì bàn tán, bình phẩm biến nó thành một vấn đề cá nhân, để tạo dịp thuận tiện nói chuyện diện đối diện với vị ẩn tu.

Tiếp đến, Ngài đã không sửa lỗi ông như một người có thẩm quyền. Trái lại, Ngài đã dùng thẩm quyền của mình bảo vệ cho vị ẩn tu, để sau đó có thể khuyên nhủ ông như một người anh em.

Và sau cùng, dù không cấu kết với đám đông để khinh thường và lên án vị ẩn tu đang vấp phạm, cũng như nêu mối nguy hiểm của lỗi lầm này với phần rỗi của đương sự, qua một lời khuyên nhẹ nhàng nhưng thẳng thắn: "Hỡi người anh em, hãy cẩn thận giữ mình kẻo mất linh hồn đấy !"

o0o

 

Câu chuyện kết thúc thật hay, có hậu và dư tràn nhân bản ! Buộc người đọc hoặc nghe kể phải định-tâm suy nghĩ ít nhiều, tự soi rọi bản thân, tự đặt để mình trong mọi chiều kích để can đảm sống chứng tá đức tin vậy ! Để rồi tự thân chợt giật mình nhận ra chiều kích không mới nhưng chẳng cũ, chẳng nhạt nhưng thắm đượm sắc màu liên đới.

Chiều kích đó chính là: Giáo Hội là một Cộng đoàn huynh đệ.

Một Cộng đoàn mà trong đó mọi người là anh em với nhau, vì đã được làm con-cùng-một-Cha-trên-trời trong Đức Giêsu Kitô. Từ đó, đòi buộc mỗi Kitô hữu, bất luận ở cương vị nào hay phẩm trật nào, từ giáo sĩ cho tới giáo dân đều phải có trách nhiệm nâng đỡ nhau, liên đới với nhau để sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa trong đại gia đình của Ngài (Rm 12,4-5).

Tục ngữ có câu: "Chị ngã, em nâng"; Chúa Giêsu cũng nhắc nhớ chúng ta trách nhiệm đó (x. Mt 18,15-20). Ở đây không có ý nói về việc ai đó xía vô đời tư của người khác, nhưng có ý nói về một người anh em ý thức trách nhiệm phải giúp đỡ người anh em khác sống tốt hơn, vì ích chung của Cộng đoàn. Trách nhiệm đó được thi hành với thái độ tự nguyện, được xây dựng trong nghĩa cử bao dung "dám liên lụy" vào mình, dám "dây" vào mình chuyện của ai đó vì lợi ích nhiệm-thể-Kitô. Trách nhiệm đó luôn giữ được sự bình tĩnh, nhẫn nại. Đồng thời thể hiện tấm lòng bao dung và thái độ tôn trọng nhân vị, tự do của người anh em mình. Để tìm-trông sự hồi tâm, phản tỉnh tích cực từ phía người khác; trong đó không loại trừ người anh em của tôi.

Ngược lại, chính cá nhân mỗi người cũng phải biết trân quý những gì xứng đáng với ơn gọi tín-hữu-Kitô của mình. Biết tự soi mình. Biết sống trong hiện tại bằng những gì hiện có. Biết vui nhận những điều đang tới ở phía trước. Nghĩa là biết đón nhận cuộc sống khi nó đến, đừng đợi chờ một điều gì đó thật đầy đủ rồi mới chịu đón nhận. Hãy sống một cuộc đời chừng mực, đừng đợi chờ hay mong muốn hưởng thụ những điều xa xỉ, vì sẽ không có giới hạn nào kiểm soát những việc đó.

Điều đó tương tự như khi chúng ta làm công việc chăm sóc và tỉa cành cho cây. Khi cắt đi những nhánh dư thừa, cây sẽ tập trung nhựa sống của nó để tạo ra hoa thơm quả ngọt. Cuộc sống của chúng ta cũng thế. Khi biết loại bỏ những điều bất chính, những việc không cần thiết, chúng ta có thể tập trung sức lực của mình cho những giá trị cao đẹp hơn.

Mỗi người quan niệm lợi ích của việc đơn giản hóa cuộc sống theo một cách khác nhau. Đó có thể là tạo ra nhiều thời gian rảnh rỗi hơn, cuộc sống ít căng thẳng hơn, ít huyên náo hơn, ít ôm đồm hơn...

Hành trình chân lý tuy có cùng một đích đến nhưng lại có rất nhiều con đường khác nhau để tiến tới mục đích đó. Cách cơ bản và thông dụng nhất chúng ta có thể áp dụng cho mình là đừng chạy theo sự hào nhoáng, phù du, giả tạo đời này.

Cuộc chạy đua tìm kiếm cái gọi là biểu tượng của thành công chỉ khiến chúng ta lao vào vòng quay tất bật, để cuộc đời cuốn mình đi chứ không phải là được sống một cách đúng nghĩa.

Chức quyền, tiền tài, danh vọng ... tất cả những điều ấy không làm nên hay giúp ta có được sự thanh thản trong tâm hồn. Ngược lại, lao vào cuộc đua ấy chỉ càng khiến cho ta cảm thấy chán nản, mệt mỏi trong vòng xoáy không có điểm dừng.

Giá trị của cuộc sống không nằm ở những dục vọng bất chính, mà nằm ở phần tâm hồn chúng ta đang có. Hãy hướng đến những nhu cầu thánh thiên của chúng ta trong cuộc sống, xem chúng ta đang thiếu thứ gì, đang cần điều gì để tìm kiếm chúng, đừng cố gắng chạy theo những giá trị không xứng, không cần thiết khi bản thân không nhất thiết cần (x. Rm 13,12-14).

Cuộc đời là khôn lường và vô tận. Nhưng luôn có những điểm dừng hạnh phúc nếu chúng ta kịp nhận ra và chọn lựa!

Nguyện xin Thánh-Thần-Thiên-Chúa là Thần-Chân-Lý, soi sáng cho chúng ta biết sự thật về chính mình và tình liên đới với nhau; để chúng ta trả cho nhau món nợ duy nhất, đó là món nợ tình yêu thương, món nợ không bao giờ trả được (x. Rm 13,8). 

CÁT BIỂN

1470    27-09-2011 15:35:44