Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Từ Thiện

Vào hạ tuần tháng 12 năm 2015, qua trung gian người quen, một nhà hảo tâm đã hỗ trợ cho nhà thờ NP xây dựng một cây cầu bê-tông nối liền hai xóm. Cầu có chiều dài 20m, rộng 2m5, tổng kinh phí 77.000.000đ cùng với 20 ngày công của giáo dân. Ngày 17 tháng 01 năm 2016 vừa qua, nhóm tài trợ đã đến khánh thành chiếc cầu nầy.

 1

Hỏi chuyện với anh trưởng nhóm, người đã đến khảo sát nhu cầu và địa điểm thích hợp để bắt cây cầu, được biết đây là một Hội Từ thiện quy tụ một số cựu học sinh Trường Trung Học Tống Phước Hiệp Vĩnh Long mà giờ đây các vị đã ở tuổi ngũ tuần trở lên, dĩ nhiên toàn là quý bà. Số còn lại thuộc nhóm người trẻ, nam giới thời Trung học Lưu Văn Liệt. Các thành viên rất thành đạt trên đường công danh sự nghiệp, giờ đây lập ra Hội Từ thiện Tống Phước Hiệp - Lưu Văn Liệt nầy. Mục đích của Hội để giúp đỡ những vùng nông thôn nghèo có được những cây cầu để con em thuận tiện đến trường, các bà dễ dàng trong việc đi đến chợ búa. Ngoài ra, Hội còn giúp đỡ tập sách, gạo, mì, cho các em học sinh nghèo, người già neo đơn, khuyết tật theo thời vụ: đầu niên học, dịp lễ, Tết, thiên tai. Điều muốn nói trong Hội không có người Công giáo.

 2

Từ Thiện, hai từ nầy có lẽ rất quen với nhiều người trong chúng ta. Thỉnh thoảng trên đường ta thấy những chuyến xe căng biểu ngữ với hàng chữ: “Đoàn Từ thiện Hội… công tác giúp người nghèo vùng….”. Khi có nơi nào bị thiên tai thì ta sẽ thấy nhiều hơn nữa những chuyến xe với những biểu ngữ tương tự như thế lưu thông trên đường.

Vậy TỪ THIỆN là gì? Đối với người Kitô hữu Từ thiện có phải là BÁC ÁI không?

Theo quyển Từ điển Tiếng Việt do Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin năm 1998 đã định nghĩa: “Từ thiện là có lòng lành, hay thương người, sẵn sàng giúp đỡ người nghèo khó, khổ đau để làm phúc, tấm lòng từ thiện, hội từ thiện” (tr.1759).

Theo định nghĩa trên đây, ta thấy việc từ thiện xuất phát từ tấm lòng thương người, đưa đến việc sẵn sàng giúp đỡ với mục đích để tạo phúc cho mình hay cho gia đình mình. Như vậy, từ thiện cũng có yếu tố tương tự như Bác ái Kitô giáo là yêu người, giúp đỡ người nghèo khócầu phúc cho mình  bằng những việc làm cụ thể như trong Kinh Thương người có mười bốn mối các nhà thờ thường đọc trong ngày Chúa nhựt. Ở đây không đề cập tới những trường hợp làm Từ thiện để đánh bóng cá nhân hay thương hiệu Cơ sở, Công ty, Xí nghiệp mình thay vì dùng tiền để mướn quảng cáo. Tuy nhiên, từ thiện vẫn chưa là việc Bác ái đúng nghĩa của Kitô giáo vì thiếu đối tượng là Chúa Kitô. “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy’ (Mt 25, 40).

Vậy người Kitô hữu muốn biến việc “từ thiện” mình thực hiện trở thành việc Bác ái thì không thể thiếu yếu tố “Phục vụ, làm” với ý hướng cho Chúa Kitô xuyên qua những con người khổ đau, nghèo đói. Có vậy, việc làm “từ thiện” mới mang lại cho ta công nghiệp, mối phúc trước nhan thánh Chúa: vì ta đã làm cho chính Chúa.

                                                                                            Văn phòng Caritas Vĩnh Long 

2398    01-02-2016 16:47:21