Sidebar

Chúa Nhật

28.04.2024

Vạ Miệng Hại Thân

Ai cũng biết hư răng là bệnh tuy khó... chịu nhưng không khó chữa! Dù vậy không phải ai cũng hiểu bệnh răng miệng nguy hại đến thế nào. Chính vì vậy mà đa số bệnh nhân thường ngồi vào ghế làm răng với mục tiêu đau đâu chữa đấy. Nếu ít người đến với nha sĩ để ngừa bệnh răng thì mấy ai chịu đến phòng làm răng để ngừa bệnh... khác! Khám răng nhưng không vì răng. Nghe sao vô lý thế nào, cứ như quảng cáo vụng về cho nha sĩ!

Sai bét! Nếu tình trạng viêm tấy đâu đó trong cơ thể là mồi lửa khiến nhiều căn bệnh bộc phát, thì từ 45-65% là hậu quả của viêm nha chu với triệu chứng sưng đau và chảy máu nướu răng. Thông qua kết quả của nhiều công trình nghiên cứu dài hạn, hiện nay không còn ai nghi ngờ về mối liên hệ chặt chẽ giữa nhiều bệnh chứng nghiêm trọng và nguồn bội nhiễm trong vùng răng miệng.

Bên cạnh bệnh cao huyết áp, tình trạng béo phì, tăng chất mỡ trong máu, viêm nha chu còn là yếu tố rủi ro cho đối tượng chẳng may thiếu máu trong mạch vành. Bằng chứng là tỷ lệ người bị nhồi máu cơ tim với tiền căn viêm nướu răng rất cao. Các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện trong nhiều tụ điểm xơ vữa mạch máu dấu tích của các loại vi trùng vốn chỉ có mặt ở nướu răng. Cho dù còn cần thêm dữ kiện chứng minh nhưng hầu như thầy thuốc chuyên khoa tim mạch nào cũng đồng quan điểm về tác dụng phá hoại thành mạch máu không nhiều thì ít của các loại vi trùng hay gây hư răng. Bệnh viện chuyên khoa tim mạch hoành tráng uy nghi mà thiếu phòng răng thì thiếu rất nhiều.

Thai phụ đã có vấn đề với nướu, với răng mà còn hút thuốc, uống rượu thì hậu quả sinh non hay sảy thai là chuyện không lạ, theo dẫn chứng của nhiều chuyên gia trong ngành phụ sản. Còn đối với các nhà nghiên cứu, độc tố từ ổ viêm tấy trên răng miệng là nguyên nhân dẫn đến phản ứng sai lầm của cơ thể dưới hình thức co thắt tử cung một cách đột ngột. Thầy thuốc ở Mỹ cũng đã chứng minh tỷ lệ người bị sảy thai đồng thời bị viêm nha chu cao gấp bảy lần nếu so với nhóm đối tượng có nướu, có răng khỏe mạnh. Rất mong thai phụ cũng được khám răng thay vì chỉ tập trung vào khám siêu âm để chụp hình trẻ đang cười trong bụng mẹ. Nụ cười không đau răng của người sắp làm mẹ cũng quan trọng vô cùng.

Với nhiều người, viêm nhiễm đường hô hấp là chuyện quen thuộc đến độ không bệnh mới lạ làm sao?! Đường hô hấp tất nhiên không vô cớ mà viêm! Viêm họng, viêm phế quản trên thực tế là dấu hiệu cho thấy sức kháng bệnh đã không làm tròn chức năng để vi trùng, siêu vi hay nấm mốc thừa cơ len lỏi vào đường hô hấp. Trên đường đến phổi còn nơi nào gần hơn ngã ba cổ họng với ổ viêm trên nướu, với vi trùng ở chân răng?! Theo thống kê ở Mỹ, đa số người bị viêm phế quản mãn tính là đối tượng thiếu vệ sinh răng miệng, bị sâu răng hay có nhiều cao răng mà tránh né nha sĩ!

Ai cũng rõ là nguy cơ bội nhiễm bao giờ cũng cao trên người bị tiểu đường. Dưới ảnh hưởng của lượng đường huyết cao hơn bình thường, lớp sợi keo trong mô liên kết khó tránh cảnh bị thoái hóa nhanh hơn bình thường. Hậu quả là người bệnh tiểu đường rất dễ bị viêm nướu răng. Ngược lại, tình trạng viêm tấy chân răng, nướu răng ở người bị tiểu đường là một trong các nguyên nhân khiến khó ổn định lượng đường trong máu. Do đó, không chỉ riêng biện pháp tầm soát mà ngay cả việc điều trị ráo tiết bệnh nha chu là điều kiện cần thiết để ngăn chặn biến chứng của bệnh tiểu đường. Khám mắt, khám bàn chân cho người bệnh tiểu đường là đúng, nhưng đúng hơn nữa là khi đừng quên khám răng!

Sau hết, nếu bệnh răng miệng là lý do dẫn đến tình trạng loãng xương, cụ thể là loãng xương hàm, thì bệnh loãng xương cũng là một trong các tác nhân tạo điều kiện thuận lợi cho tình trạng viêm tấy trong vùng răng miệng. Khám bệnh cho người vào tuổi mãn kinh mà quên khám răng là một thiếu sót đáng trách.

Viêm nha chu không hình thành một sớm một chiều mà sau thời gian nhiều tuần, nghĩa là người bệnh có đủ thời giờ để bệnh đừng trở thành nặng. Có thể phòng ngừa không dưới 80% trường hợp viêm nha chu nếu phát hiện bệnh cho sớm, càng sớm càng tốt. Bên cạnh các biện pháp vệ sinh như đánh răng đúng cách, thói quen dùng chỉ chải khe răng... chương trình khám răng định kỳ là biện pháp chủ động tầm soát bệnh nha chu để qua đó phòng ngừa nhiều bệnh chứng nằm ngoài, nằm rất xa vùng răng miệng. Ở nhiều nơi trên nước mình bây giờ đã có phòng khám răng với kỹ thuật hiện đại và nha sĩ nhiều kinh nghiệm. Còn chờ gì nữa mà không ghi tên khám răng định kỳ, tối thiểu sáu tháng/lần. Rất mong độc giả đừng nhìn phòng răng như nơi "phục hồi ảnh cũ", mà là khâu quan trọng vô cùng trong quy trình dự phòng nhiều bệnh chứng nghiêm trọng. Chữa răng phòng bệnh, còn gì khéo hơn một công mà hai việc!

1426    01-01-2011 07:50:06