Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Việc Làm Nhỏ, Hiệu Quả Cao

Theo tôi được biết, một số vùng quê miền Nam Việt Nam có việc chơi Hụi khá phổ biến. Không biết cách thức chơi nầy có từ bao giờ và xuất xứ của nó từ đâu, nhưng xem ra đây là một lối hùn vốn giúp nhau làm ăn rất hiệu quả. Các “tay chơi” không cần thế chấp gì cả. Người trong làng rủ nhau lập nên một dây hụi. Người đứng ra lập thì gọi là đầu thảo. Người nầy có bổn phận thông báo cho các tay em ngày giờ khui hụi. Khi có người hốt (người nào kêu cao hơn hết) thì người đầu thảo đi gom tiền của các tay em để giao cho người hốt. Người đã hốt có nghĩa vụ phải đóng trả lại hằng tuần hay hằng tháng tùy theo dây hụi tuần hay tháng, gọi là đóng hụi chết. Nếu có tay em nào thiếu hụt chưa đủ tiền đóng vào thì đầu thảo phải bỏ tiền ra đóng giùm cho người đó vài ngày, gọi là “chàng” cho tay em. Vài năm trở lại đây, vì kinh tế khó khăn sa sút nên hiện tượng giựt hụi khá phổ biến làm cho hình thức giúp vốn nầy ở nhiều địa phương không còn lưu dụng nữa.

Từ năm 2004, các Dì thuộc 2 Hội Dòng MTG Cái Nhum và Cái Mơn đã cho phổ biến một kiểu tương trợ giúp vốn ở một hình thức khác: TÍN DỤNG-TIẾT KIỆM-TƯƠNG TRỢ cũng nhằm mục đích giúp bà con nông thôn nghèo, đặc biệt là các chị em phụ nữ, có số vốn nhỏ để chăn nuôi, buôn bán nhỏ lẻ. Đến năm 2008, Caritas Việt Nam hoạt động trở lại, Caritas Vĩnh Long cũng thành lập và đẩy mạnh hình thức tín dụng nầy đến nhiều họ đạo trong Giáo phận.

Điểm khác biệt sâu xa và làm nên điểm đặc thù của chương trình TD -TK- TT so với việc chơi hụi trình bày trên đây hay với việc vay vốn ngân hàng là: tập cho các Tổ viên thói quen TIẾT KIỆM & TƯƠNG TRỢ. Bằng cách hằng tuần, có nơi 2 tuần hoặc 4 tuần phải trả dần số vốn theo mức thỏa thuận ban đầu, kèm theo tiền lãi và Tiết kiệm cũng theo thỏa thuận lúc đầu trong vòng một năm phải hoàn tất.

Thủ quỹ giữ số tiền nầy - thông thường là các Nữ tu ở họ đạo hoặc chính cha sở -  khi gia đình các Tổ viên có việc cần tiền tiêu dùng, như: người nhà đau bệnh bất ngờ, cần tiền mua sách vở cho cái đầu niên học v. v… họ được mượn lại số tiền đã góp trước đó. Việc nầy chúng tôi gọi là vay ngắn hạn, thường thì thời hạn phải trả số vốn vay ngắn hạn trong vòng từ 3-6 tháng.

Việc làm này cũng tạo nên “tình làng nghĩa xóm” qua việc khi gia đình Tổ viên nào có người đau bệnh hay gặp tang chế, các chị em trong Tổ cử người đến thăm hỏi, giúp ít sữa đường hay tiền mặt…số tiền nầy trích từ tiền lãi quỹ ngắn hạn. Điều nầy nói lên sự quan tâm chỉa sẻ của các Tổ viên trong Tổ. Việc làm tuy nhỏ nhưng hiệu quả tinh thần mang đến cho các thành viên trong nhà một sự khích lệ, an ủi hết sức lớn lao.   

Chương trình TD-TK-TT, tuy đơn giản, nhỏ nhặt, nhưng hiệu quả cao vì nó tạo cho các tay chơi biết giữ chữ tín với nhau. Tập cho họ biết TIẾT KIỆM và biết TƯƠNG TRỢ lẫn nhau.

Vp Caritas Vĩnh Long

1222    05-09-2014 06:27:40