Sidebar

Thứ Sáu
17.05.2024

Vô Vi Vô Bất Vi

Nhìn qua quyển Đạo Đức Kinh chúng ta có thể nghĩ: Lão Tử muốn trao lại cho đời một thứ kỷ thuật chính trị, để an bang tế thế.

Đặc điểm của ông là nhìn Đạo, thấy nơi Đạo, một đường lối trị dân bình thiên hạ. Ông thấy Đạo là “Tịnh” và ông thấy đó là “vô vi”. Nhưng Đạo khởi động là Mẫu, thì sinh nên tất cả. Như thế là không có chi mà Đạo không làm: vô bất vi.

Cái “tĩnh” và cái “động” là một. Ông nhìn đó là Huyền Đồng: cái hiệp nhất huyền bí.

Đạo là căn nguyên cho tất cả, vậy sao ta không nhờ vào Đạo để đặt nền tảng cho lề lối trị quốc, bình thiên hạ.

Do đó, ông đặt nền tảng cho kỳ thuật chánh trị của ông bằng hương ngôn: vô vi vô bất vi.

Chúng ta cố tìm hiểu.

Dĩ nhiên, theo thiển ý của mình, vì những lời của ông viết thường theo lối tiêu cực, nghịch thường, lại bí ẩn, có thể làm cho độc giả hiểu mỗi người mỗi cách.

Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận định: vô vi nhi vô bất vi nghĩa là làm mà như không làm. Có thể hiểu là làm tất cả cách kín đáo, bề ngoài ra vẻ tiêu cực, dường như không làm chi cả. Đúng ra chúng ta không thấy Đạo làm bất cứ việc gì (vô vi).

Kín đáo: về phần chánh trị gia, noi gương Đạo phải làm bất cứ việc gì, nhưng không làm cách ồn ào, nhộn nhịp, không làm theo sở thích tư dục của mình (làm theo sở tư dục thì rơi vào tánh cách tương đối). Do đó, dường như làm cách tiêu cực: không tranh đua, muốn đứng đàng sau, làm tốt công việc cũng không tỏ mình là chủ, là đứng trước. Đó là khởi từ vô vi mà đạt vô bất vi: không ai tranh nổi với mình, không ai đứng trước mình. Hiệu quả công việc mình phải tốt thôi.

Ông còn nêu lên tánh cách sâu xa hơn, xem ra tiêu cực nhưng thích dụng: Nhà cửa xây dựng tùm lum mà cái gì thích dụng? Chính là những chỗ trống. Cái chén? Chỗ thích dụng chính là khoảng trống trong chén. Do đó mà ông đề xướng: không những theo gương đạo (kín đáo, xem ra tiêu cực) mà tất cả mọi vật đều phải về lại với đạo. Vật đều phải phản phục(hồi về với Đạo) để được nên một với đạo (bảo nhất: bảo vệ nên một).

Việc làm theo gương Đạo, như Đạo, với Đạo, thì việc mới tốt, mới hoàn hảo.

Ngược lại, làm lối hữu vi, nghĩa là không theo đường lối của Đạo, thì không hoàn hảo và cũng không tốt được vì rơi vào giới tương đối: thiện ác, tốt xấu, khó dễ, cao hạ… tương sanh (hữu vô tương sanh, hiểu là đối chọi nhau) không còn đơn nhất, bất biến.

Con người tự do, trên nguyên tắc phải tùy Đạo, phải hướng về Đạo và tiến đến hiệp nhất với Đạo. Nhưng bởi không áp đặt, bắt buộc, nên con người hành vi theo ý riêng của mình, dành riêng cho mình…, sinh ra muốn lên mặt tranh đua. Do đó, không làm theo ý Đạo, giống như Đạo. Ngay việc mà đời có thể cho là đức, là tốt, nhưng nếu không giống Đạo, thì không còn tốt nữa.

Làm như thế, có thể gọi là hữu vi: dạy người ta khôn khéo, đưa người đến xảo trá, trọng người hiền, trọng của quý, làm cớ cho người ta ham danh, ham tiền. Dùng cường lực để thắng người thì có thể gây oán ghét. Dùng binh lực (hữu vi) có hại hơn là lợi, nên thánh nhân không dùng. Nhưng lại dùng bất ngôn chi giáo (dạy không lời): nhu thắng cương, nhược thắng cường. Bất tranh nhi thiện thắng (không tranh đua thì tất thắng).

Lối bề ngoài thấy là tiêu cực, nhưng đúng là noi gương Đạo, gần Đạo, để việc làm được tốt và được bảo nhất, nên một trong Đạo, tuyệt đối không còn biến chuyển, không còn tương đối.

Về phản phục, bảo nhất (về với Đạo, hợp nhất với Đạo), Lão Tử nói theo lối bí ẩn của ông: mìn hmuốn nên như “con đỏ” (xích tử), rắn rít không cắn được, chim không xớt được, hùm không cắn xé được. Và ai biết cách nhiếp (dưỡng) sinh, thì đi đường không gặp thú dữ, vào trận không bị đao thương.v.v… vì không có chỗ chết. Về sau, đồ đệ lại hiểu cho cuộc sống hiện tại, tương đối: biết cách nhiếp sinh thì được trường sinh bất tử.

Đúng ra, kết hợp với Đạo thì không còn sợ những tai họa hổn loạn – như xích tử (con đỏ) – lại được giống như Đạo, không còn tương đối, biến chuyển. Tử nhi bất vong giả thọ: Chết mà không mất, đó là thọ!

Kỷ thuật vô vi nhi vô bất vi vẫn còn chỗ sâu xa, và cũng có vẻ đẹp đáng mến.

Bất ngờ nhìn vào bữa tiệc cưới Cana, chúng ta thấy Mẹ Maria và chính Chúa Giêsu cũng “vô vi nhi vô bất vi”. Cả hai vị, nói được, cùng tác động cho nước thành rượu: vô bất vi (cả hai vị cùng làm).

Chúng ta thấy tánh cách kín đáo, tế nhị và ẩn khuất nữa. Mẹ Maria thưa với Chúa: Chủ đám hết rượu rồi. Chúa nói: Giờ con chưa đến (cách vô vi). Nhưng Mẹ Maria nói với những người chiêu đãi: Chúa bảo các anh làm chi, thì cứ vâng mà làm như thế. Chúa bảo: Các anh hãy đổ nước cho đầy lu (đầy là cách vô vi nhi vô bất vi: làm cách kín đáo ẩn khuất). Rồi Chúa bảo tiếp: hãy múc trao cho anh trưởng chiêu đãi…thế thôi!

Ở đây chúng ta thấy Chúa Giêsu không chút đề cao mình, dường như không để cho người ta biết mình, không tranh với ai, không ở lại để được hãnh diện, không kể mình là chủ bắt người khác phải tùy thuộc hoàn toàn theo ý mình.

Nước thành rượu rồi, nói được, Chúa rút lui. Phúc Âm không nói chi đến Chúa nữa! Công thành thân thối (xong công việc rồi thì rút lui, không ở lại).

Chúng ta thấy đường lối vô vi nhi vô bất vi, tuy không diễn tả rõ, nhưng hàm chứa tánh các tự do của con người. Mặc dầu Chúa tạo dựng, Chúa có quyền và con người phải phục tùng, nhưng Chúa vẫn để tự do.

Dầu tự do, nhưng cứ lý thì phải hành động giống như Đạo, mới đúng, mới tốt. Hành động giống Đạo, hiệp với Đạo thì mới mong chính động lực của Đạo làm cho việc chắc đúng và tốt hơn.

Chúng ta có thích đường lối vô vi nhi vô bất vi không? Xem ra Chúa Giêsu sống cả đời cách vô vi nhi vô bất vi.

Tháng 2 – 2006

6791    25-12-2010 00:41:11