Sidebar

Thứ Bảy
25.01.2025

Ai chịu trách nhiệm đưa tin sai cho Đức Phanxicô trong vụ Barros? - 1

Tai tiếng bao che lạm dụng tình dục ở Chile đang làm uy tín của Đức Phanxicô bị thiệt hại nặng nề. Theo ngài, cuộc khủng hoảng đau lòng này là do tin tức không chân thực và quân bình. Mà tin tức này chắc chắn ngài không chịu trách nhiệm. Ai chịu trách nhiệm? Đó là câu hỏi đặt ra từ lâu, từ những ngày chưa có tuyên bố của Đức Phanxicô. Vị sứ thần Tòa Thánh tại Chile thì hoàn toàn im lặng. Còn người đứng đầu giáo hội Chile thì quả quyết rằng không phải ngài cũng như bất cứ vị giám mục Chile nào. Và ngài tha thiết mong những người chịu trách nhiệm hãy xuất hiện và thừa nhận với mọi người, một điều không phải riêng ngài mong đợi mà là toàn thể Giáo Hội, những người không muốn Đức Giáo Hoàng của họ bị một tai tiếng quá lớn về uy tín như thế này.

Nữ Ký giả Inés San Martin của tờ Crux, nhân dịp này, duyệt lại một số những người có thể chịu trách nhiệm đối với thứ tin tức không hẳn Fake News như Ông Trump thường tố cáo, mà là không chân thực và quân bình như Đức Phanxicô rất đúng khi nói vậy.

Theo San Martin, một số vị giám mục, trong đó, có các Hồng Y Francisco Javier Errázuriz và Ricardo Ezzati, cựu và đương kim Tổng Giám Mục Santiago, Chile, đã lên tiếng bác bỏ việc thông tin sai cho Đức Phanxicô. Nhưng theo San Martin, các nạn nhân và một số giáo sĩ không tin như thế.



Năm nay đã 84, Đức Hồng Y Errázuriz đã nghỉ hưu, nhưng ngài lãnh đạo Giáo Hội tại Santiago từ 1998 tới 2010. Dù tuổi cao, ngài vẫn có một ảnh hưởng lớn đối với Giáo Hội Chile vì vai trò là một trong 9 vị trong Hội Đồng 9 Hồng Y của Đức Phanxicô. 

Tuần rồi, ngài cho hay trong vai trò cố vấn cho Đức Giáo Hoàng, ngài không có nhiệm vụ “thông tri cho Đức Giáo Hoàng về những khó khăn, các sai lầm và tội ác có thể có xẩy ra trong Giáo Hội”.

Còn Đức Hồng Y Ezzati thì trong cuộc họp báo tuần qua, ngài quả quyết rằng cả ngài lẫn Giáo Hội Chile không lừa dối Đức Giáo Hoàng, và kêu gọi ai đó chịu trách nhiệm hãy xuất đầu lộ diện. Ngài nói: “Những ai phạm sai lầm này nên nhìn nhận chúng, hối lỗi và sửa những sai lầm này”.

Theo San Martin, một số linh mục nhấn mạnh rằng sau khi Đức Hồng Y Ezzati đưa ra những nhận xét trên, không ai hoan nghênh ngài cả. Họ cho rằng khi nói đến lạm dụng tình dục "ngài hoàn toàn phủ nhận thực tại".



Đức Hồng Y Ezzati đã 76 tuổi, có nghĩa là ngài đã đệ đơn từ chức vì đây là điều bắt buộc đối với mỗi giám mục khi đã 75 tuổi. Ngài được bổ nhiệm làm tổng giám mục Santiago vào tháng 12 năm 2010, hai tháng trước khi Vatican kết án Cha Karadima.

Một vị khác có thể có trách nhiệm là vị sứ thần Tòa Thánh tại Chile, Đức Tổng Giám Mục Ivo Scalpolo, người đã ở Chile từ tháng 7 năm 2011. Ngài được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI chuyển đến đó bốn tháng sau khi Cha Karadima bị Tòa thánh Vatican kết tội.

Trong tư cách sứ thần, Đức Cha Scalpolo đóng một vai trò quan trọng trong việc bổ nhiệm Đức Cha Barros cho Giáo Phận Osorno, vì một phần trong công việc của ngài là gửi về Vatican một danh sách gồm ba ứng viên khi bất cứ giáo phận nào cần một giám mục. Ngài giả thiết cũng phải cố vấn cho Toà Thánh trong việc bổ nhiệm sáu giám mục khác được bổ nhiệm bởi Đức Phanxicô, và một số trong bảy vị được bổ nhiệm bởi Bênêđíctô XVI trong thời kỳ ngài làm giáo hoàng.

Vị sứ thần này nay đã gần 65 tuổi, vì vậy về mặt giáo luật, ngài chưa buộc phải từ chức. Ngài cương quyết giữ im lặng, không bình luận gì trước công chúng về lá thư của Đức Giáo Hoàng.

Mặc dù tin rằng cả hai vị trên nên bị tước bỏ chức vụ, một giáo dân có kiến thức bên trong của Giáo Hội Chile nói với Crux: ông có đủ bằng chứng để tin rằng cả Hồng Y Ezzati lẫn Đức Tổng Giám Mục Scalpolo đã làm mọi thứ có thể để cung cấp thông tin cần thiết cho Đức Giáo Hoàng.

Tuy nhiên, trong các cuộc phỏng vấn khác nhau và thậm chí trên phương tiện truyền thông xã hội, một số nạn nhân của Cha Karadima đã nhấn mạnh rằng cả ba vị trên phải chịu trách nhiệm đối với việc thông tin sai lạc cho Đức Giáo Hoàng.

Đức Hồng Y Sean P. O'Malley của Boston, người đứng đầu Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ trẻ vị thành niên, đã trao tận tay Đức Giáo Hoàng một lá thư của Cruz, một trong các nạn nhân, trong đó, anh ta kể chi tiết các hành vi lạm dụng mà anh từng chịu đựng và vai trò của Đức Cha Barros.

Đức Hồng Y O’Malley là người, sau khi Đức Phanxicô nói các cáo buộc chống lại Đức Cha Barros là một "vu khống", đã ra một tuyên bố nói rằng ngôn ngữ của Đức giáo hoàng gây cho các nạn nhân "nỗi đau lớn" là điều dễ hiểu.

Lá thư của Cruz đã được bốn thành viên của ủy ban giáo hoàng trao cho Đức Hồng Y O’Malley vào đầu năm 2015; họ là những người đã gặp các nạn nhân của Cha Karadima.

Thư từ giữa Đức Hồng Y Errázuriz và Đức Hồng Y Ezzati, bị rò rỉ cho các phương tiện truyền thông Chile năm ngoái, cho thấy rõ hai vị này đã quyết tâm ngăn chặn việc nêu tên nạn nhân bị lạm dụng Cruz cho ủy ban giáo hoàng.

Người cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, là linh mục dòng Tên ngườiTây Ban Nha, tên là Germán Arana. Các báo cáo về vai trò của vị này trong việc bổ nhiệm Đức Cha Barros đã có từ năm 2015, khi có tiết lộ cho rằng vị giám mục này đã có một tĩnh tâm kéo dài một tháng vào tháng Giêng do Cha Arana hướng dẫn. Ngay sau đó, có báo cáo cho rằng linh mục này đã đến Rôma, nơi ngài gặp Đức Phanxicô và đưa ra nhận xét tích cực về Đức Cha Barros.

Sau đó người ta thấy vị linh mục này ở Osorno, trong Thánh lễ tấn phong Đức Cha Barros, một buổi lễ đã bị cắt ngắn vì những cuộc biểu tình bên trong và bên ngoài nhà thờ địa phương.
Phúc trình Colazzi năm 2012

Chuyến thăm Chile và New York của Đức Tổng Giám Mục Scicluna, nơi ngài gặp 64 người, nhiều người là nạn nhân, và không phải tất cả đều liên quan đến vụ Karadima, đã được miêu tả là đánh dấu một sự thay đổi thái độ nơi Đức Phanxicô.

Mặc dù vẫn chưa rõ, nhưng nội dung bản tường trình của Đức Tổng Giám Mục Scicluna rõ ràng đã ảnh hưởng nhiều đến Đức Giáo Hoàng đến nỗi đã dẫn ngài tới chỗ viết lá thư đến Chile và tiếp cận với nạn nhân sau một tuần nhận được các tài liệu cuối cùng.

Nhưng đó không phải là tường trình đầu tiên mà một vị giáo hoàng đã yêu cầu phải thực hiện đối với một cựu thành viên của nhóm thân cận với cha Karadima.

Trong khoảng thời gian từ ngày 4 tới ngày 8 tháng 12 năm 2011 và từ ngày 25 tới ngày 28 tháng 1 năm 2012, Vị giám mục người Uruguay là Carlos Colazzi đã tới Chile để phỏng vấn gần 45 linh mục - trong đó có bốn giám mục - lúc đó là thành viên của “Hiệp Hội Linh Mục Thánh Tâm” được thành lập vào những năm 1920 và cuối cùng đã nằm dưới sự kiểm soát của Cha Karadima.

Phạm vi của chuyến viếng thăm trên là đánh giá quá trình đào tạo các thành viên của Hiệp Hội và tính minh bạch tài chính của nhóm.
Năm 2010, khi các cáo buộc chống lại vị linh mục lạm dụng lần đầu tiên trở thành công khai (một trong những nạn nhân đã báo cáo cho giáo phận năm 2003), mười linh mục quyết định bỏ Hiệp Hội, lúc đó đặt dưới quyền lãnh đạo của Đức Cha Andrés Arteaga, một trong bốn bị bị cáo buộc tội che đậy.

Bản tường trình của Đức Cha Colazzi được mô tả với Crux, nhẹ nhất, cũng là "hời hợt". Trong cuộc viếng thăm, vị giám mục đã nói chuyện với từng thành viên của Hiệp Hội trong khoảng “30, 40 phút”.

Bản tường trình, được gửi đến Vatican, chưa bao giờ được công bố. Tuy nhiên, các nguồn tin nói với Crux: nó chứa một số khuyến cáo. Có tường trình cho rằng một trong số khuyến cáo này gợi ý với Đức Hồng Y Ezzati rằng ngài không nên triệt hạ hiệp hội, để, nếu có những cáo buộc từ các nạn nhân của Cha Karadima, họ sẽ kiện hiệp hội chứ không phải giáo phận.

"Đó là một nỗ lực để bảo vệ Giáo Hội như một định chế, thay vì đứng về phía các nạn nhân," một trong những linh mục vốn được Cha Karadima hướng dẫn tinh thần nói với Crux hôm thứ Năm. "Tận thẳm sâu, các giám mục coi các nạn nhân như kẻ thù của Giáo Hội và đối xử với họ như thế".

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Ezzati đã quyết định bãi bỏ hiệp hội trước khi có tường trình của Đức Cha Colazzi. Các nhân chứng cho rằng ngài không tự ý làm điều trên.

"Tổng giáo phận không có khả năng chào đón các nạn nhân", một linh mục thứ hai, một cựu thành viên của hiệp hội nói với Crux hôm thứ Hai. “Tôi biết rõ hai nạn nhân. Họ là những người rất tốt. Nếu họ tìm được sự hỗ trợ của Giáo Hội mà họ cần sau khi việc kết án đã được công bố, thì chúng ta đã có thể làm việc với họ một cách chặt chẽ chống lại việc giáo sĩ lạm dụng trong tám năm qua rồi”. Vị linh mục thứ hai nói rằng hàng giáo phẩm đã chọn "bảo vệ định chế chứ không phải người dân của nó".

Giáo dân Alejandro Álvarez, một luật sư và phát ngôn viên của Tiếng Nói Công Giáo Chile, nói với Crux rằng Giáo Hội Công Giáo ở nước ông cần "thay đổi mô hình" để đảm bảo rằng con người chứ "không phải định chế" phải luôn ở trung tâm mọi sự, đặc biệt khi nói đến các nạn nhân của việc giáo sĩ lạm dụng tình dục.

Álvarez nói rằng nếu có sự thay đổi mô hình, thì "sẽ có nhiều thay đổi, [kể cả] các vụ từ chức." Các nỗ lực của Crux nhằm tiếp cận với Đức Cha Colazzi bằng email và điện thoại đã không được trả lời.

406    28-04-2018