Ðáp lại yêu cầu của Philipphê, Chúa Giêsu đã đưa ra một khẳng định và một câu hỏi: Trước hết, Ngài nêu lên một chân lý: "Ai thấy Thầy là thấy Cha Thầy", đó là một thực tại quá hiển nhiên; câu hỏi tiếp theo sau đó là một nhắc nhở cho Philipphê: Hãy nhìn lại cuộc sống thân tình giữa Thầy và các môn đệ: "Những Lời Thầy nói, những Việc Thầy làm, không phải là của Thầy, mà là của Thiên Chúa Cha ở trong Thầy". Sự thân tình quên thuộc đã khiến cho các môn đệ không nhận ra Ngài là Thiên Chúa.
Trang Tin Mừng hôm nay, Philipphê, một người trong nhóm Mười Hai môn đệ đã xin Chúa Giêsu tỏ cho thấy Thiên Chúa Cha. Chắn hẳn, khi nói điều đó, Philipphê đã liên tưởng đến hình ảnh một Thiên Chúa quyền năng đã tỏ vinh quang trên núi Sinai; một Thiên Chúa mà Môsê chỉ được thấy phía sau lưng Ngài. Tâm trạng của Philipphê cũng là tâm trạng của rất nhiều người trong chúng ta, đó là một niềm tin đòi hỏi sự lạ. Bởi thế, không ít người hao tổn tiền bạc và thời giờ để tìm đến những nơi xảy ra sự lạ. Ðối với họ, một lần hành hương có ý nghĩa và giá trị cả cuộc đời.
Được sống với Thầy, được nghe những bài giảng của Thầy về Chúa Cha, Philipphê nhận ra Chúa Cha là Đấng cao cả nhưng cũng rất tốt lành, là nguồn hạnh phúc, cho nên ông và các tông đồ khác đã ước ao được thấy Chúa Cha: Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện ! Qua đó, chúng ta thấy được tấm lòng khao khát tìm kiếm chân lý của Philipphê và các Tông đồ.
“Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha” : mong ước của Thánh Philipphê cũng là mong ước của mọi người tin thờ Thiên Chúa. Đã tin thờ Đấng nào thì dĩ nhiên người ta muốn thấy Đấng ấy. Chúa Giêsu hiểu được mong ước ấy và đáp ứng mong ước ấy : “Ai thấy Thầy là Thấy Chúa Cha”. Chúa Giêsu là mặc khải trọn vẹn về Thiên Chúa. Muốn biết Thiên Chúa là ai, muốn hiểu Thiên Chúa là thế nào, ta hãy nhìn vào Chúa Giêsu, hãy suy gẫm những đoạn Tin Mừng viết về Ngài, hãy chiêm ngưỡng Ngài…
Ước nguyện ấy lại được Chúa Giêsu đáp ứng một cách dễ dàng không ngờ : ai Thấy Thầy là thấy Cha! Một ước vọng có vẻ cao sang nhưng lại được được đáp ứng quá nhanh chóng đến độ bất ngờ như thế, thực sự là một Tin vui hạnh phúc cho loài người chúng ta trên hành trình tìm kiếm chân lý, nhưng nhiều khi cũng vì quá dễ dàng, nên chân lý vĩ đại này lại thường bị bỏ quên. Người ta thích đi con đường dài và hiểm trở (để quan trọng hóa vấn đề) hơn là chọn con đường có vẻ quá đơn giản như thế. Người ta đi tìm Chúa nơi nao trong khi Chúa ở rất gần, ở bên cạnh, ở trong lòng ta thì lại không biết, không thấy ! Người ta thích suy tư lý luận dài dòng phức tạp nhưng lại quên rằng Thiên Chúa của chúng ta và đường lối của Ngài lại rất đơn sơ.
Nhờ lời thỉnh cầu này của Philipphê mà chúng ta có được những lời đầy giá trị của Chúa Giêsu:“Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”. Chúa Cha và Chúa Con là hai ngôi vị khác nhau, nhưng hoàn toàn là một với nhau. Trong thực tế, Chúa Cha và Chúa Con đồng tháp nhập vào nhau. Chúa Cha ở trong Chúa Con và Chúa Con ở trong Chúa Cha, để nơi nào có Chúa Cha thì nơi đó cũng có Chúa Con và bất cứ những gì Chúa Cha muốn Chúa Con nói và làm thì Chúa Con đã nói và làm trong sự hiệp thông với Chúa Cha.
Có lẽ Philipphê và Giacôbê cùng các Tông đồ sau khi được Chúa dạy dỗ bài học hôm nay, đã ý thức để sống thân mật với Chúa hơn, lãnh nhận chân lý với niềm tin yêu, và sau này các Ngài đã đổ máu đào để làm chứng cho chân lý ấy.
Nếu anh biết Thầy, anh cũng sẽ biết Cha. Khổ nỗi, cho đến hôm nay nhiều người trong chúng ta vẫn chưa biết Chúa Giêsu, mặc dù ta mang danh là Kitô hữu, ta vẫn nghe Kinh Thánh mỗi ngày, vẫn rước Chúa mỗi ngày! Nếu một người lương dân hỏi: Chúa Kitô là ai? Có lẽ phần đông chúng ta cũng gặp khó khăn trong câu trả lời đấy! Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại cách sống đạo của chính mình, kẻo chúng ta cũng bị trách như Chúa Giêsu trách Philipphê: Thầy ở với anh bấy lâu mà anh không biết thầy ư? Phải chăng chúng ta cần tiếp cận Kinh Thánh một cách ý thức hơn, dành thời giờ học hỏi Kinh Thánh nhiều hơn, để biết đọc, biết suy, biết cảm nếm, để chúng ta có thể gặp được Đức Kitô Phục sinh đang sống động trong từng trang, từng Lời Kinh Thánh và để chính Đức Kitô sống động trong cuộc sống thường ngày của ta.
Lời nhắc nhở của Chúa Giêsu đối với Philipphê cũng là lời nhắc nhở chúng ta: đừng để những nét quen thuộc bên ngoài che khuất thực tại bên trong. Tìm kiếm Thiên Chúa là điều tốt, nhưng thật đáng trách khi đứng trước mặt Ngài mà chẳng nhận ra Ngài. Chúng ta nôn nao tìm dấu lạ, những dấu lạ xảy ra trước mắt mà chẳng nhìn thấy: hàng ngày qua lời truyền phép, Chúa Giêsu hiện diện trên bàn thờ, nhưng đã mấy khi chúng ta tỏ thái độ cung kính tin nhận Ngài? Trong cuộc sống biết bao lời cầu xin được dâng lên Thiên Chúa, nhưng đã mấy lần chúng ta phản tỉnh để nhận ra ơn lành Ngài ban.
Khủng hoảng trần trọng nhất của xã hội ngày nay phải chăng là cuộc khủng hoảng về ý nghĩa của cuộc sống ? Con người sinh ra để làm gì ? Con người sẽ đi về đâu ? Đâu là ý nghĩa và giá trị của cuộc sống ? Đó là những vấn nạn mà tôi thường hay tự mình đặt ra khi gặp những đau khổ, những mâu thuẫn trong cuộc sống. Tôi chỉ lấy lại được sự bình an khi đối diện với Chúa, đặt trọn niềm tin nơi Ngài, và xác tín rằng Ngài chính là con đường, là sự thật và là sự sống.
Ta hãy xin hai thánh Tông đồ Philipphê và Giacôbê cầu thay nguyện giúp để ta noi gương các Ngài, khao khát tìm Chúa, siêng năng học hỏi Kinh Thánh, rước Thánh Thể một cách ý thức hơn để chúng con thực sự găp được Chúa, có được cuộc sống thân mật với Chúa Kitô, từ đó ta trở thành nhân chứng sống động, dám sống và chết cho Tin mừng Phục sinh.
CTV TT VL