Sidebar

Thứ Bảy
27.04.2024

Ai thực sự đã viết ra các sách Tin Mừng?

gospels12
Matthêu, Marcô, Luca và Gioan không chỉ là những danh xưng mang tính chiếu lệ dành cho các tác giả ẩn danh và không đáng tin cậy.

Hầu hết chúng ta đều cho rằng các sách Tin Mừng (Phúc Âm) theo Thánh Matthêu, Marcô, Luca và Gioan trên thực tế lần lượt được viết bởi chính các Thánh Matthêu, Marcô, Luca và Gioan. Trong quá khứ, đây là giả định hiển nhiên và việc đặt vấn đề về giả định này sẽ bị coi là sự lãng phí thời gian vô ích.

Tuy nhiên, ngày nay không có giả định nào là chắc chắn, và danh tính về tác giả của các sách Tin Mừng hiện đang được một số học giả tranh luận sôi nổi.

Vì vậy, chúng ta hãy xem xét câu hỏi này. Ai đã viết ra các sách Tin Mừng? Và tại sao nó lại là vấn đề?

Nhìn chung, chúng ta nên bắt đầu bằng việc thiết lập những giới hạn của vấn đề. Khi nói về người đã viết ra các sách Tin Mừng, chúng ta nên làm rõ rằng mình đang nói đến những sách Tin Mừng nào. Chỉ có bốn sách Tin Mừng theo quy điển, những sách được cho là do Thánh Matthêu, Marcô, Luca và Gioan viết, được tất cả các Kitô hữu trên toàn thế giới nhìn nhận là một phần đích thực của Tân Ước. Có rất nhiều sách được gọi là “Tin mừng”. Trong số những sách khác còn có “Tin mừng của Giuđa”, “Tin mừng của Đức Maria”, “Tin mừng của Tôma”, “Tin mừng của Philipphê”, Tin mừng tiên khởi của Giacôbê, và nhiều sách khác.

Tất cả những sách này đều được nhìn nhận là đã được viết trong vòng một thế kỷ sau cái chết của Chúa Giêsu, đôi khi là vài thế kỷ sau đó, và không được quy cho những môn đệ thân cận nhất của Chúa Giêsu, hoặc ngay cả đối với các môn đệ của các ngài. Mặc dù những sự kiện này tự nó không có nghĩa cho thấy chúng là những ghi chép mang tính lịch sử không đáng tin cậy, nhưng chúng ta biết rằng các tác giả đó không được Thiên Chúa linh hứng, như Giáo Hội đã phân định và công bố quy điển về Sách Thánh, và quy điển này đã được khép lại. Kinh Thánh là sự mặc khải công khai từ Thiên Chúa, và sự mặc khải công khai đó chấm dứt sau cái chết của vị tông đồ cuối cùng (x. Dei Verbum 4, GLHTCG 66-67,73). Vì vậy, những sách gọi là “Tin Mừng” này, mặc dù chúng có thể là những tài liệu thú vị về mặt lịch sử, nhưng lại không nằm trong quy điển đó. Nguồn tác giả của những tài liệu đó không phải là vấn đề được đặt ra ở đây.

Bốn sách Tin Mừng theo quy điển đều được viết vào thế kỷ I sau Công nguyên, và rất có thể là vào nửa sau của thế kỷ này. Jimmy Akin, trong cuốn The Bible Is a Catholic Book (Kinh thánh là một Cuốn sách Công giáo), viết rằng các Tin Mừng “được biết đến qua những tên gọi này trong ký ức sống động về thời điểm chúng được viết ra, khi mọi người ý thức được tác giả là ai, và do đó chúng ta cần phải chú trọng đến danh tính của tác giả”.

Theo Akin, có bằng chứng rõ ràng rằng Tin Mừng theo Thánh Matthêu và Gioan được viết bởi các nhân chứng, còn Tin Mừng theo Thánh Marcô và Luca được viết bởi những cộng sự thân cận của các vị tông đồ này. Ngoài ra, có rất ít hoặc không có bằng chứng ngược lại - thậm chí không có những tuyên bố cổ xưa về nguồn tác giả khác. Chúng ta phải tránh cám dỗ để phớt lờ những kết luận của các thế hệ trước chỉ vì những kết luận đó giờ đã lỗi thời, và cám dỗ để chấp nhận một cách mù quáng những kết luận của giới học giả hiện đại chỉ vì nó mang tính mới mẻ. Xu hướng chạy theo thời đại như thế không có chỗ đứng trong việc chân thành theo đuổi chân lý. Vì vậy, mặc dù ngày nay một số người có thể nói rằng chúng ta không thể biết chắc chắn rằng các sách Tin Mừng được viết bởi những người được cho là tác giả, nhưng chúng ta có mọi lý do để tin rằng điều đó đúng là như.

Vậy Matthêu, Marcô, Luca và Gioan là ai? Hai trong số các tác giả của Tin Mừng theo quy điển - Matthêu và Gioan - là các tông đồ của Chúa Giêsu. Matthêu, hay còn được gọi là Lêvi, là một người thu thuế được Chúa Giêsu kêu gọi và bỏ lại cuộc sống cũ của mình. Gioan cùng với người anh là Giacôbê, con trai của ông Zêbêđê và có biệt danh là “Con của sấm sét”, là ngư dân cùng với Phêrô và Anrê. Gioan thường được gọi là “người môn đệ được yêu” và được Chúa Giêsu trao phó Đức Mẹ cho mình khi khi Người chịu chết treo trên thập giá.

Danh tính của Marcô và Luca khó xác định hơn một chút, nhưng truyền thống lâu đời cho chúng ta biết rằng nhà truyền giáo Marcô chính là “Gioan Marcô” trong chương 12 của sách Công vụ Tông đồ, ngài cũng là bạn đồng hành của Thánh Phaolô và Banaba. Marcô là anh em họ của Banaba, theo Thư của Thánh Phaolô gửi Tín hữu Côlôxê (4,10). Ngài được nhắc đến nhiều lần trong các thư của Thánh Phaolô. Tin Mừng theo Thánh Marcô được một số người xem là Tin Mừng theo Thánh Phêrô, vì truyền thống cho rằng về cơ bản Marcô đóng vai trò là người ghi chép lại những lời dạy và hồi ức của Thánh Phêrô.

Luca là một người đi theo Thánh Phaolô (Cl 4,14), và chúng ta còn có những tài liệu tham khảo xác định ngài là tác giả của cuốn Tin Mừng thứ ba kể từ thời Thánh Irênê thành Lyon vào thế kỷ II sau Công nguyên. Ngài cũng được xác định là tác giả cuốn Công vụ Tông đồ và được Thánh Phaolô ghi nhận là một thầy thuốc.

Danh tính của các tác giả sách Tin Mừng không chỉ là một điểm đáng chú ý về mặt lịch sử. Đối với nhiều người, vấn đề về nguồn tác giả của các sách Tin Mừng ảnh hưởng đến cách họ nhìn nhận độ tin cậy về phương diện lịch sử và thẩm quyền của các sách Tin Mừng. Nếu các sách Tin Mừng thực sự không được viết bởi các tông đồ (hoặc môn đệ của các ngài), thì người ta có thể cho rằng đó không phải là lời chứng từ những người mắt thấy tai nghe và do đó không đáng tin cậy. Trên thực tế, những người chỉ trích Kitô giáo thường viện dẫn yếu tố không rõ ràng về tác giả này chính xác là để cố gắng làm suy yếu thẩm quyền của các sách Tin Mừng. Họ cho rằng chính những Kitô hữu ẩn danh, chứ không phải các tông đồ, đã soạn ra bản tường thuật dựa vào tin đồn và truyền thuyết, và điều đó làm lu mờ đi tính xác thực từ lời kể của các nhân chứng nên chúng có thể bị bác bỏ ngay lập tức.

Nhưng các sách Tin Mừng không thể bị bác bỏ và chắc chắn là không được bác bỏ. Chúng là những tài liệu quan trọng nhất trong lịch sử thế giới, được linh hứng bởi Chúa Thánh Thần. Chứng từ lịch sử và nguyên bản chỉ ra tính chất đồng nhất theo truyền thống của các thánh sử; thẩm quyền của các sách Tin Mừng đến từ sự linh hứng của Thiên Chúa. Nhưng đối với những người không chấp nhận tiền đề đó, độ tin cậy lịch sử của họ có thể được chứng minh dựa trên nguồn tác giả. Và Tin Mừng được viết bởi những nhân chứng hoặc những người khác đã ghi lại lời của các nhân chứng. Chúng là những tài liệu đáng tin cậy về mặt lịch sử và có giá trị sâu xa.

Chúng ta không thể nói chắc chắn rằng mọi từ ngữ trong mỗi sách Tin Mừng đều đến từ đôi tay (hoặc từ lời nói) của những người được cho là tác giả. Nhưng có bằng chứng cho thấy rằng truyền thống cổ xưa về nguồn tác giả của các sách Tin Mừng là đáng tin cậy và phù hợp với đức tin.


Tác giả: Paul Senz - Nguồn: Catholic Answers (25/8/2023)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên 

205    27-08-2023