“Allô, cha Sébastien? Xin cha ở gần bên họ!”
Có những tin tức làm chúng ta xúc động. Những thảm kịch mà chúng ta cảm thấy gần với mình. Và không đúng như người ta thường nói, chúng ta xem truyền hình như những khán giả dửng dưng ngoài cuộc. Những gì chúng ta đọc, chúng ta nghe, chúng ta cảm nhận đều ghi sâu trong lòng mình, mãi mãi.
Như một ngày tháng 9 năm 2012.
Pistoia. Alessandro Marchetta, người đàn ông, anh ra khỏi nhà và lên xe. Anh chờ Luana, vợ anh và Alessia, con gái 18 tháng của anh theo anh. Anh nghĩ anh một mình, anh rồ máy và lui xe. Anh không biết là con gái đang đi theo anh đàng sau xe. Chính lúc xe đi lui.
Đụng xe, vào nhà thương, không cứu được. Báo chí loan tin: “Em bé Alessia chết trong tay cha me em”.
Cả nước Ý theo dõi câu chuyện. Người dân nói về thảm kịch này ở sở làm, ở quán cà-phê, ở ngoài đường. Ai cũng khóc cho cuộc đời ngắn ngũi của em bé, ai cũng nghĩ đến cha mẹ em, ai cũng thương cảm cho hai người, vì họ phải sống với một gánh nặng quá nặng, nặng còn hơn chính sự kiện phi lý này. Các cảm nhận mà người Ý chia sẻ thì giống nhau, thêm nữa họ không tìm ra chữ để diễn tả.
Tháng 9 năm 2012, Đức Bergoglio còn ở Buenos Aires.
Nhưng một năm sau khi ngài nhận thơ của Alessandro thì ngài đã là Giáo hoàng Phanxicô. Bây giờ chính ngài phải tìm ra chữ. Alessandro kể câu chuyện đã xảy ra, anh tả từng giây phút, từng ngày, từng tháng anh sống không có Alessia; anh nói về sự hối hận của mình, nỗi hối hận không bao giờ buông tha anh. Và cuối cùng, như một người con xin người cha, anh xin ngài một đặc ân, rửa tội cho Simone đứa con thứ nhì của anh.
Trong một cuộc nói chuyện với Đức ông Dario Vigano, bộ trưởng bộ Truyền thông, Đức Phanxicô nói về cảm nhận của mình khi ngài nhận một chữ, một bức thư của một linh mục đang gặp khó khăn, một gia đình: “Đối với tôi, đơn giản là tôi gọi họ, biết khúc mắc của họ và đề nghị một giải pháp, nếu có thể có”. Và thế là ngài gọi.
Điện thoại reo lâu. Nhưng Alessandro không trả lời. Ông đang bận một cuộc họp công việc, thêm nữa lại là số điện thoại riêng nên ông gác qua một bên.
Khi reo lần cuối và khi tắt đường dây, chính Đức Phanxicô là người buồn. Thật sự ngài mong được nói chuyện với gia đình này; ngài muốn nói một lời, ngài cảm thấy cần thiết phải tỏ ra gần gũi. Giữa bức tường trong căn phòng Nhà Thánh Marta, một mình, với điện thoại, ngài nghĩ đến gia đình ở Pistoia, Thánh Giuse của thế giới này tự hỏi không biết làm sao bây giờ (Thánh Giuse là hình ảnh đầy đủ nhất để nói lên hình ảnh của Đức Phanxicô và tình phụ tử ân cần thăm hỏi của ngài).
“Họ đau khổ rất nhiều”
Cùng lúc đó, linh mục Sébastien Nawej Mpoy đang mặc áo chùng. Cha là người Công-gô, 50 tuổi là cha xứ của họ đạo San Sebastiano, ở Piuvica, Pistoia. Nếu có một chuyện gì mà cha khó chịu nhất, đó là chuông điện thoại reo trước khi ra dâng thánh lễ.
Chuông điện thoại reo.
Phản xạ tự nhiên, cha không muốn trả lời. Nhưng cha có được phép làm như thế không? Nếu có một giáo dân nào cần đến mình? Dù sao, cha cũng còn vài phút trước khi ra dâng thánh lễ.
“Allô”.
“Allô, cha là Giáo hoàng Phanxicô, cha gọi con về chuyện hai giáo dân trong giáo xứ con”.
Cha Sébastien nói với báo chí: “Tôi… rúng động. Tôi vẫn còn rúng động. Đâu có phải ngày nào đầu dây điện thoại bên kia cũng là giáo hoàng đâu. Đức Phanxicô giải thích cuộc gọi của ngài. Ngài nói ngài không thể rửa tội như anh Alessandro mong muốn vì ngài có rất nhiều việc đã dự trù trong chương trình. Nhưng tôi có thể gặp họ ở Vatican vì họ đau khổ rất nhiều”.
Sau đó ngài dặn dò cha Sébastien một chuyện đặc biệt: “Cha xin con, hãy gần gũi với người cha, người mẹ này, họ đau khổ rất nhiều, con cầu nguyện cho họ và giúp đỡ họ!”, một công việc mà Đức Phanxicô không dặn cha Sébastien cũng đã làm. Ngài nói thêm: “Còn một chuyện, cho cha gởi lời chào Giám mục Mansueto Bianchi” (giám mục Bianchi là giám mục địa phận Pistoia).
Khi đó thánh lễ mới bắt đầu và có thể hơi trễ một chút.
Tất cả những gì xảy ra sau đó là thuộc lãnh vực riêng tư. Nếu có cuộc gặp hay không thì chỉ có Đức Phanxicô, Alessandro và Luana, và dĩ nhiên là cả linh mục Sébastien mới biết.
Marta An Nguyễn dịch