“Allô? Con nghe nè con, chính cha sẽ rửa tội cho con của con”
Giây phút mà cuộc đời của cô Anna thay đổi hoàn toàn là giây phút cô thử thai, thử nghiệm cho cô biết cô đang chờ một em bé. Anna, 35 tuổi, ly dị, bên cạnh cô là một người đàn ông nói họ yêu cô. Và cô thì vẫn vậy.
Nhưng ông thì thay đổi: “Anna, tôi thật sự không muốn có một đứa con. Tôi đã có một và như vậy là đủ. Tôi đã có gia đình. Với tôi, câu chuyện ngừng ngang đây. Xin cô đừng tìm cách gặp tôi và nếu cô muốn có một lời khuyên: cô phá thai đi!”
“Phá thai.” Chữ này nhảy dựng và vang lên trong đầu cô. Một bộ mặt sầu thảm khi cô nhìn mình trong gương. “Bây giờ tôi phải làm gì!” Cô khóc. “Con yêu quý, mẹ con vừa bị bỏ.” “Và bà cũng đang muốn bỏ con luôn”, trong lòng cô một tiếng nói vang dội lên (có phải đó là tiếng nói mà chúng ta gọi là lương tâm không?).
Lúc đó là lúc cuộc đời đen tối nhất, nhưng cô đã quyết định, cô ngồi trước máy vi tính và viết thư cho Đức Giáo hoàng. Cô kể câu chuyện của mình, cô kể tình yêu là như thế nào đối với cô. Nhưng cô cũng kể đến việc mình bị bỏ rơi, thế nào là cô đơn, đâu là tương lai cô không thể cho con của mình. Một đứa bé thật sự không được may mắn: nó chưa ra đời mà đã một mình vì người cha đã bỏ đi và người mẹ cũng đang muốn bỏ luôn.
Phép lạ
Anna sống ở Arezzo. Nhưng một phần gia đình của cô sống ở Pouilles. Và trong khi bức thư đang trên đường đến bàn giấy của Đức Phanxicô ở Nhà Thánh Marta thì một phép lạ xảy ra.
Cha mẹ của cô mời cô đi nghỉ hè ở Gallipoli và những ngày sống bên cạnh những người thân yêu đã mang đến phép lạ cho cô: phép lạ của gia đình. Tình thương chữa lành cô đơn, nó lấy đi bụi bặm của nỗi sợ và Anna bắt đầu thấy có tương lai. Cô thấy mình được che chở, được bảo bọc, được yêu thương. Cô tìm lại được niềm vui. Cô tự nhủ, nếu đây không phải là tình thương thì là gì? Và nếu tôi nhận tình thương, thì tôi có thể cho tình thương.
Và một ngày đầu tháng 9 chuông điện thoại reo, Anna đã quyết định em bé sẽ ra đời.
“Allô?”
“Allô, Anna? Đây là Giáo hoàng Phanxicô.”
Cô kể cho báo Corriere délia Sera: “Ngay lập tức, tôi nghĩ đây là chuyện đùa, nhưng sau đó ngài nói vài câu trong bức thư mà chỉ một mình cha mẹ tôi và một cô bạn thân của tôi biết.”
“Anna, cha đã đọc thư con viết cho cha. Cha chỉ muốn nói với con, mình là tín hữu kitô, mình không bao giờ để mất hy vọng, không bao giờ!”
Cô rất xúc động, nhưng những ngày ở Gallipoli đã làm cho cô mạnh hơn.
“Trọng kính Đức Thánh Cha, con rất xúc động và con rất biết ơn cha. Từ ngày con viết thư cho cha, rất nhiều chuyện đã thay đổi, con đặt rất nhiều câu hỏi, con cảm thấy con được yêu thương và con xin cha một chuyện.”
“Con cứ nói.”
“Con sẽ sinh em bé và con chỉ có một mình vì cha của đứa bé đã ra đi. Thêm nữa, con đã ly dị. Nhưng con muốn con của con được rửa tội. Dù cho tình trạng của con như vậy, thì có được không?”
“Chính cha sẽ rửa tội cho em bé.”
Biết bao nhiêu lần người ta đã hỏi Đức Bergoglio câu này? Ở Argentina, biết bao nhiêu lần ngài đã trấn an các bà mẹ đơn thân, bị bỏ, những bà mẹ cảm thấy mình tội lỗi, biết bao nhiêu lần ngài lặp lại, không có gì, không có ai có thể từ chối một em bé có quyền được rửa tội?
“Anna, nghe cha: nếu con chưa có một linh mục gần con, nếu con không có cha thiêng liêng thì có cha đây. Con chỉ cần cho cha biết. Chính cha sẽ rửa tội cho con của con.”
Những gì xảy ra sau đó, chúng ta không biết. Trang mạng Zenit chỉ cho chúng ta biết hai chuyện: rốt cuộc Đức Phanxicô đã rửa tội cho em bé và Anna đặt tên con mình là Francesco.
Một xác quyết đầy hy vọng, cô Anna kể: “Ước mong câu chuyện của tôi là tấm gương cho những phụ nữ cảm thấy mình xa Giáo hội chỉ vì họ rơi vào một người đàn ông không hợp với họ”.
Marta An Nguyễn dịch