Sidebar

Chúa Nhật

27.04.2025

“Allô, Linh mục Luca? Cha làm cho tôi khóc.”

 

Antonina là một phụ nữ trẻ, cô muốn hét lên vì đau. Cô ôm chặt bụng nhưng cũng chẳng giúp được gì. “Lạy Chúa, chưa phải bây giờ, làm sao cho con sinh được em bé”.

Các cơn đau cọng thêm vấn đề thị giác: hai mắt của cô trên hình đen thâm như đêm không trăng, như muốn lọt ra khỏi tròng. Cô không thấy gì.

Bên cạnh cô là Angelo, chồng cô. Antonina quặn mình đau đớn. Cô lấy hết sức ngẩng lên nhìn tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm trên đầu giường. Cô thì thầm, giọng không ra hơi: “Lạy trái tim dịu hiền của Mẹ, xin Mẹ đến cứu con”. Lúc đó là ba giờ sáng, thinh lặng bao trùm cả thành phố Syracuse nước Mỹ.

Trong một lúc, chỉ trong một giây phút rất ngắn, Antonia thấy lại, cô thấy tượng Đức Mẹ khóc. 

Nước mắt của Đức Mẹ

“Đức Mẹ khóc?” Cô hết đau hay cô không chú ý đến cơn đau nữa… Nhưng khung tượng nhỏ bằng sứ, món quà không đắt tiền của người chị họ tặng cô khi đám cưới đang khóc.

“Angelo, Đức Mẹ đang khóc!”: cô chỉ kịp báo động với chồng, rồi cô lại mất thị giác cho đến 8h30. Antonina chỉ nghe tiếng la hét và tiếng lao xao: người ta nói cả thành phố Syracuse đến căn phòng này, cảnh sát cũng đến. Một vài người mang khăn đến thấm. Có người chùi nước mắt.


Họ kêu lên: “Đó là phép lạ!” “Nhưng tại sao ở Lộ Đức thì Đức Mẹ nói mà còn ở Syracuse thì Đức Mẹ khóc?”, đó là các câu hỏi mà Antonina nghe. Đó là ngày 29 tháng 8 năm 1953. Tòa Giám mục cử một Hội đồng bác sĩ phân tích hiện tượng này. Bác sĩ Michele Cassola, một bác sĩ vô thần tham dự trong hội đồng này, sau này ông trở lại. Các giọt nước mắt được cho là giọt nước mắt của người. Tháng 11 năm 1953, người ta ghi nhận có 300 vụ chữa lành về thể xác được xem là phi thường. Từ đó nảy sinh ra lòng sốt mến Đức Mẹ nước mắt. Năm 1994, Đức Gioan-Phaolô II khánh thành đền thánh cao 103 mét, có thể chứa 17 000 người, có 6 000 ghế ngồi. Một đức tin khổng lồ!

Các giọt nước mắt của Đức Phanxicô

Năm 2015, linh mục Luca Saraceno, cha quản nhiệm đền thánh quan sát thấy Đức Phanxicô hay nhắc đến nước mắt và khóc. Trong hai năm triều giáo hoàng và trong tất cả các bài đọc của ngài, ngài nhắc đến nước mắt và khóc 54 lần, như thế trung bình mỗi tháng hơn hai lần, và thế là cha quyết định viết một quyển sách, Giám mục Marcello Semeraro, giáo phận Albano viết lời tựa và ngày 2 tháng 8 năm 2015, giám mục mang tặng Đức Phanxicô một quyển. Trong một bức thư, linh mục Luca ghi, “Đúng ra, quyển sách là của ngài và chính ngài viết”. Bốn ngày sau, Đức Phanxicô điện thoại cho linh mục Luca.

“Allô?”

“Allô, cha Luca? Đây là Giáo hoàng Phanxicô, xin chào cha”.

“Tôi nhận sách của cha về nước mắt và tôi xin cám ơn cha”, Đức Phanxicô nói tiếp. “Nhưng tôi muốn nói với cha một chuyện”.

Rồi Đức Phanxicô không nói gì.

Trong thinh lặng, linh mục Luca chờ và lo.

“Cha Luca biết không, cha làm cho tôi khóc?”, vừa nói như vậy, Đức Phanxicô vừa phá lên cười.

Linh mục Luca giải thích cho tôi: “Tiếng cười nồng ấm, dòn tan này là của ngài”, nhiều tờ báo lầm, họ nghe tin ngài gọi điện thoại và ‘phịa’ Đức Giáo hoàng thật sự cảm động đến mức ngài khóc trên điện thoại!

Những giọt nước mắt của Thánh Phêrô

Sau đó Đức Phanxicô và cha Luca nói chuyện về ý nghĩa của nước mắt. Đức Phanxicô nói: “Cha Luca rất thân mến, tôi khi nào cũng có trong mình bức hình Thánh Phêrô khóc, đó là hình ảnh tượng trưng cho khuôn mặt của Giáo hội, vì Thánh Phêrô biết xin lỗi”.

Linh mục Luca cho biết: “Tôi thật sự rất cảm động, một con người quan trọng nhất thế giới cả về mặt tôn giáo cũng như chính trị, lúc đó ngài đang chuẩn bị đi Mỹ (tôi hình dung ngài có cả một núi việc để làm), vậy mà ngài có thì giờ để gọi cho một linh mục ở Syracuse chỉ để cám ơn. Là linh mục, điều này làm cho tôi suy nghĩ: trong khi mình nghĩ mình rất bận, đến mức không có thì giờ cho ai, còn ngài, ngài là cha xứ của toàn thế giới, ngài lại có thì giờ. Ngài là như vậy, đó là phong cách của ngài và đó là cách ngài dạy chúng tôi”. Trích sách “Các cuộc gọi của Đức Phanxicô”, Rosario Carello, nxb. Fidélité

Marta An Nguyễn dịch

 

492    26-09-2018