Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Ám ảnh hào nhoáng của Giáo Hội

Ám ảnh hào nhoáng của Giáo Hội


 
Vào những năm huy hoàng nhất của kiến trúc Ki-tô giáo, những ngôi nhà thờ đẹp nhất, hùng vĩ nhất đã đứng ra đại diện cho tinh thần hoành tráng cho tôn giáo của Chúa Ki-tô; nhưng rồi, trong những năm đầu tiên của thế kỷ XXI, ta cảm thấy đau đớn khi đó chỉ còn là địa điểm ưa thích của những người đi du lịch, hay chỉ còn là niềm tự hào bất hủ của những kẻ muốn níu kéo những gì là huy hoàng trong dĩ vãng.

Nhà thờ lác đác người dự lễ, các giáo phận bắt đầu đóng cửa nhà thờ, nó chỉ còn là cái hào nhoáng của lịch sử. Hào vì nó rất to, nhoáng vì nó vụt tắt rất nhanh. Phải chăng, Thiên Chúa đã ở đâu đó ngoài nhà thờ hay là người ta chẳng còn hứng thú tìm kiếm Thiên Chúa trong những ngôi đền thờ nguy nga nữa.

 

hao_nhoang.jpg

 

Cái hào nhoáng mà thế gian trầm trồ ngưỡng mộ thuở nào rốt cuộc đã vụt tắt cùng với những tham vọng của những người xây nó với mục đích trần thế (spiritual worldliness)[1]. Giáo Hội bị ám ảnh hào nhoáng bởi tinh thần thế tục. Nàng dâu Giáo Hội luôn bị cám dỗ từ bỏ hình ảnh chàng rể Giê-su nghèo khó, khiêm hạ và chịu sỉ nhục để chạy theo anh chàng hào nhoáng, vốn nhanh chóng lụi tàn theo thời gian, nhưng lại hứa hẹn cho cô dâu đủ thứ niềm vui ở đời này.

 

Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô muốn xây dựng một Giáo Hội ra đi, chiến đấu, chịu thương tích. Giáo Hội ấy không cố gắng tìm kiếm những hình ảnh hào nhoáng để che lấp đi hết những vết thương trên thân thể mình. Giáo Hội ấy muốn phiêu lưu thực sự để đưa thật nhiều người đến gần Chúa. Giáo Hội ấy cần nhiều mục tử mang lấy mùi chiên chứ không phải máu chiên, Giáo Hội ấy cần đi ra những vùng ngoại biên thay vì ẩn núp trong cái nguy nga của những thánh đường, của những cơ chế cứng nhắc. Giáo Hội ấy muốn phục vụ chứ không phải để ngắm nhìn.

 

Hào nhoáng, cũng chính vì sự hào nhoáng mà Mẹ Giáo Hội phải vất vả lắm mới thẳng thắn mở những lời xin lỗi cho những sai lầm đầu ngàn năm thứ 3, bởi vị Giáo Hoàng đã chứng kiến cái hào nhoáng của Đông Âu sụp đổ. Cũng chính vì hào nhoáng mà Giáo Hội, Mẹ của ta, đã thực sự khó khăn để công khai những vết thương do chính tay mình gây ra trong những bê bối gần đây. Một người đàn ông đã lớn, với biết bao thành công, vẻ vang, với lịch sử hào nhoáng, anh ta không phải rất khó để thú nhận những lỗi lầm sao? Chỉ vì anh ta sĩ diện hay là anh ta lo lắng những đứa con non nớt biết được bê bối của chính mình và chúng từ bỏ Ngôi Nhà?

 

Nhưng Giáo Hội, hiền thê của Sự Thật phải trả lời được câu hỏi của Phi-la-tô: sự thật là gì? Muốn làm điều đó, Giáo Hội phải dám yếu đuối, phải dám chịu thương tích, phải dám vứt đi cái hào nhoáng, để lộ những vết thương cho Chúa chữa lành, phải yêu Chúa Giê-su đến dại khờ, đến quên đi chính mình.

 

Để xây dựng một hình ảnh khiêm tốn nhưng chân thực hơn, nhỏ bé nhưng có sức hút hơn, dễ tổn thương nhưng mạnh mẽ hơn, Giáo Hội phải dám nói không với sự hào nhoáng mà vương quốc trần thế chạy theo đến cùng. Nhà thờ thật lớn ư? dân ngoại sẽ tìm thấy điều gì nơi nhưng ngôi nhà thờ uy nguy, Thiên Chúa hay sự giàu có và phô trương ?

 

Dẫu biết bánh xe thời gian nằm ngoài bàn tay con người, và cái dòng xoay của lịch sử như một con đường biện chứng, nhưng ta chẳng lẽ không cảm thấy chạnh lòng khi nhớ lại; thuở xưa, trong sa mạc hoang vu, dân Chúa luôn ở trong tâm trạng hướng lòng mình về cái lều nhỏ, để vui mừng khi thấy cột mây và cột lửa đi trên chiếc lều, chỉ để chờ đợi lời Chúa qua miệng ông Mô-sê. Ngày nay, những giáo đường thật nguy nga hiện diện khắp nơi, nhưng con người lại xem nó chỉ là một biểu tưởng nghệ thuật và tinh thần trừu tượng. Giáo Hội chỉ còn là cứu cánh cho những người già neo đơn thôi sao. Ai không thấy chạnh lòng cho mẹ Giáo Hội, cho Thiên Chúa ?

 

Sự kiện Đức Ki-tô bị giết ngoài thành Giê-ru-sa-lem thực sự là một cú sốc cho những ai lưu tâm đến lịch sử của dân Người, đám dân người đã chọn, đã gọi, đã đưa ra khỏi đất Ai-cập và rồi, cuối cùng, họ đóng đinh chính người bên ngoài thành trì của họ. Đền thờ Giê-ru-sa-lem, biểu tưởng cho cái hào nhoáng của người Do Thái, lại chính là nguyên nhân đẩy Chúa tử nạn ngoài thành. Cuối cùng, Thiên Chúa ấy nhìn thấy thành Giê-ru-sa-lem sụp đổ như Ngài đã tiên đoán, còn những người tín hữu thì lại tụ họp thật đơn sơ và trao cho nhau tình thương trong tư gia để bắt đầu một Hội Thánh đơn sơ, yêu thương, một kiểu mẫu chỉ còn là dĩ vãng.

 

Ngày nay, nhiều người Việt, ngắm nhìn cái tráng lệ của những thánh đường tây phương, rơi vào một cơn cám dỗ để lại dấu ấn lịch sử của chính mình nơi những công trình, nơi sự hào nhoáng. Có thể, họ sẽ đánh bóng Thiên Chúa, sơn son thếp vàng cho chính Người; nhưng cũng có thể, bằng cách đó họ đưa Thiên Chúa ra khỏi đền thờ như cách mà các kỳ mục và những người do Thái muốn đưa Giê-su ra khỏi đền thờ Giê-su-sa-lem. Có thể, họ sẽ nhân danh hội nhập văn hóa, để khoác lên cho Thiên Chúa những chiếc cẩm bào lạ lùng, hào nhoáng do tay họ làm nên. Nhưng Thiên Chúa có mặc chiếc áo ấy không, lịch sử sẽ nói cho ta. Chỉ có điều, ta biết, Chúa đã sinh ra, đã sống và đã chết đi trong cái mà thế gian cho là thấp hèn, và sỉ nhục. Bê-lem và Gôn-go-tha thậm chí còn chẳng có mái che chứ chưa nói đến mái vòm.

 

Chỉ có Chúa mới hiểu lý do ngài chọn.

 

The light
(
dongten.net 06.06.2021)



[1] Một thuật ngữ Henry De Lubac trong tác phẩm Splender of The Church.

454    08-06-2021