Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Amazon: Các nữ tu “nghe xưng tội”

 


Trong lần họp báo đầu tiên của Thượng Hội đồng, nữ tu Alba Teresa Cediel Castillo kể kinh nghiệm của mình ở trong các làng hiếm khi có linh mục đến: “Chúng tôi không thể giải tội nhưng chúng tôi nghĩ đến việc an ủi họ.”

“Chúng tôi có mặt ở nhiều nơi, và chúng tôi làm những gì mà một người đã nhận được bí tích rửa tội có thể và phải làm: chúng tôi cùng sống với người dân bản địa và khi các linh mục không thể có mặt, chúng tôi rửa tội cho họ. Nếu có người muốn kết hôn, chúng tôi có mặt và chúng tôi làm chứng cho tình yêu và đôi cặp này. Và thường thường chúng tôi nghe xưng tội, nhưng chúng tôi không làm phép giải. Trong tận sâu thẳm tâm hồn chúng tôi, với tấm lòng khiêm tốn, chúng tôi nghĩ, những người chân thành theo Chúa mà chúng tôi gần họ trong bệnh tật, khi họ cận kề với cái chết, chúng tôi tin họ được tình thương của Chúa Cha bao bọc qua sự hiện diện của chúng tôi.”

Đó là lời nói đơn sơ và trực tiếp mà nữ tu Alba Teresa Cediel Castillo thuộc Hội Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm do Thánh Catơrina Siêna thành lập, sơ phát biểu trong buổi họp đầu tiên ngày thứ hai 7 tháng 10, sơ sống ở Cô-lông-bi với các cộng đoàn bản địa. Câu chuyện nữ tu Castillo kể nói lên tình trạng khó khăn ở các làng vùng Amazon, trong một vài trường hợp, khi không có linh mục, các cặp thề trung thành trong giao kết hôn nhân trước sự hiện diện của các nữ tu. Và có những người ở giai đoạn cuối đời hoặc trong tình huống khó khăn, không thể xưng tội với linh mục không có đó thì họ nói với các nữ tu các tội họ đã phạm. Dĩ nhiên các nữ tu không thể giải tội, các sơ hiểu họ không thể ban bí tích hòa giải, và những người đến với họ cũng biết điều này. Nhưng các nữ tu có thể lắng nghe và cầu nguyện. Các nữ tu biết họ không thể cử hành hôn lễ, nhưng họ hiện diện bên cạnh đôi tân hôn.

Vài năm trước khi nói về phép hòa giải trong một cuộc phỏng vấn về lòng thương xót, Đức Phanxicô đã giải thích: “Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ: ‘Những gì mà các con tha thứ dưới đất, trên trời cũng tha thứ, những gì mà các con cầm giữ dưới đất, trên trời cũng cầm giữ.’ Như thế, các tông đồ và những người kế vị các ngài – giám mục và linh mục cộng sự viên của các ngài – trở thành khí cụ lòng thương xót Chúa. Họ hành động ‘nhân danh Chúa Kitô’ (persona Christi). Và như thế là rất đẹp, điều này có một ý nghĩa sâu đậm, bởi vì chúng ta là những hữu thể  xã hội. Nếu mình, mình không thể nói các lỗi lầm của mình với người anh em thì hãy chắc rằng, mình cũng không thể nói lỗi lầm của mình cho Chúa nghe và như thế, cuối cùng rồi mình xưng tội với tấm gương, trước mặt chính mình. Chúng ta là những hữu thể xã hội và tha thứ mang khía cạnh xã hội, vì nhân loại cũng vậy, anh chị em của tôi, xã hội bị tổn thương vì tội của tôi.”

Đức Phanxicô nói thêm: “Xưng tội với một linh mục là cách đặt đời mình trong bàn tay, trong quả tim của người khác, người mà lúc đó hành động cho Chúa và nhân danh Chúa. Đó là một cách để mình trở nên cụ thể và đích thực: đứng trước thực tế bằng cách nhìn vào người khác, chứ không nhìn vào chính phản ảnh của mình trong tấm gương”. Nhìn lại trong chiều kích này một cách cụ thể mối tương quan với người khác, chứ không phải với tấm gương, Đức Phanxicô nhắc lại tấm gương của Thánh I-Nhã: “Thánh I-Nhã trước khi thay đổi cuộc đời và biết mình sẽ là chiến sĩ của Chúa Kitô, ngài đã chiến đấu trong trận chiến ở Pampelune. Ngài ở trong quân đội của vua Tây Ban Nha Charles Quint và ngài chạm trán với quân đội Pháp. Ngài bị thương nặng và tưởng mình sẽ chết. Lúc đó ngoài chiến trường không có linh mục. Ngài nhờ một trong các đồng đội của mình, ngài thú nhận tội của mình và nói với anh đó. Người đồng đội không thể giải tội, anh chỉ là một giáo dân, nhưng đối diện với một người tại thời điểm xưng tội, anh xúc động mạnh và anh quyết định làm theo cách này. Đó là một bài học rất đẹp.” Một bài học được tiếp tục.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

687    09-10-2019