Ngày 15 tháng Mười năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxico triệu tập Đại Hội đồng Đặc biệt của Thượng Hội đồng Giám mục về vùng Liên Amazonian, với mục tiêu “tìm ra những con đường mới để rao giảng phúc âm cho một phần Dân Chúa ở đó, đặc biệt cho người Da đỏ, thường bị lãng quên và không có triển vọng về một tương lai yên bình, cũng vì cuộc khủng hoảng rừng Amazon, một lá phổi có tầm quan trọng rất lớn cho hành tinh chúng ta.”

Như được mô tả trên trang Web, Thượng Hội đồng Amazon mang ý nghĩa một “dự án xã hội, dân sự và hệ sinh thái, tìm ra con đường để vượt qua những biên giới và tái xác định lại những con đường mục vụ, điều chỉnh cho phù hợp với thời gian hiện tại.”

Tuy nhiên, trước khi bắt đầu phản ánh sâu hơn về Thượng Hội đồng này, cần phải làm rõ một loạt những câu hỏi ưu tiên về vùng Amazon, chẳng hạn như việc phân định ranh giới lãnh thổ để phù hợp với nó; lịch sử và quá trình phát triển của dân cư bản địa; những mối đe dọa mà cư dân ở đây đang đối mặt; và tầm quan trọng của hệ sinh thái Amazonia cho khí hậu toàn cầu.

Một vùng lãnh thổ rộng lớn và đa dạng

Lưu vực Amazon được tạo thành bởi tất cả các con sông chảy vào Sông Amazon. Theo dữ liệu được cung cấp bởi Tài liệu Chuẩn bị của Thượng Hội đồng, nó là một trong những khu bảo tồn lớn nhất của hệ sinh thái, vì nó chứa 30 đến 50% quần thể thực vật và động vật của thế giới, và 20% lượng nước ngọt không đóng băng của toàn hành tinh.

Ngoài ra, hơn một phần ba rừng nguyên sinh của hành tinh tập trung trong vùng Amazonia, vì thế sự hấp thụ carbon của nó là vô cùng quan trọng.

Với diện tích trải rộng của nó, lưu vực bao trùm trên chín quốc gia: Brazil, Bolivia, Colombia, Ecuador, Guyana, Peru, Surinam, Venezuela, bao gồm cả French Guyana như là lãnh thổ nước ngoài: tổng cộng hơn bảy triệu rưỡi cây số vuông.

Amazonia không phải là thuần nhất; nhiều loại “Amazons” khác nhau tồn tại trong nó, chúng cùng chia sẻ Sông Amazon như là trục hợp nhất của chúng.

Lịch sử của dân bản địa

Sự cư ngụ trong vùng lãnh thổ này có lẽ bắt đầu trước thời thuộc địa hàng ngàn năm. Theo truyền thống, nguồn dữ liệu cho thấy rằng dân cư bản địa tập trung trên bờ các con sông và hồ, trước khi có sự xuất hiện của những người thực dân.

Khi chế độ thực dân bắt đầu, khi người Da đỏ bị bắt làm nô lệ, nhiều người chạy sâu vào trong rừng, và những khu định cư mới được thành lập dọc trên bờ các con sông và hồ.

Nói chung, những dân tộc trong vùng Amazonia luôn có sự tương thuộc với các nguồn nước, “sự sống hướng đến sông” và “sông hướng đến sự sống”, như cùng nguồn dữ liệu phân tích và các dân tộc của nó — nông dân, người săn bắt –, đóng vai trò là những người trông coi rừng và những nguồn tài nguyên của nó.”

Sự di chuyển cưỡng bức về thành thị

Cho dù như vậy, các thành phố của Amazon phát triển rất nhanh chóng, một phần vì những thành phố này chào đón người di cư đến định cư trong các vùng ven của thành phố, và lấn sâu dần vào rừng. Những người anh chị em này, đa phần là hậu duệ của người Châu Phi và của những người sống dọc các dòng sông, đã bị buộc phải rời bỏ vùng đất của mình vì những hoạt động khai thác mỏ và dầu và khai quang rừng, đã bị ảnh hưởng bởi những xung đột về xã hội – môi trường là hậu quả của người di cư tạo ra.

Các thành phố này phản ánh những bất bình đẳng xã hội rất lớn và sự nghèo đói của chúng đã tạo ra sự lệ thuộc, và bạo lực chính trị và thể chế, cộng thêm sự gia tăng về nạn nghiện rượu và ma túy.

Trong thời gian gần đây, khoảng 70 đến 80 % cư dân Liên Amazon đã định cư trong những vùng đô thị này và người Da đỏ của miền rừng núi đã chịu sự huy động lớn nhất. Nhiều người họ không có giấy tờ tùy thân, trở thành người tị nạn hoặc rơi vào những tình trạng dễ bị xúc phạm.

Những hoàn cảnh như vậy dẫn đến tình trạng phân biệt đối xử đối với các dân tộc bị di tản, họ là đối tượng của các tội ác như buôn người, và đặc biệt là sự bóc lột tình dục và buôn bán phụ nữ.

Những mối đe dọa

Sự giàu có về hệ sinh thái của Amazon, và từ đó dẫn đến sự tồn tại của cư dân của nó, là những người lệ thuộc vào các nguồn tài nguyên của môi trường sinh thái ban tặng cho họ, đã bị rơi vào tình trạng nguy hiểm do những hậu quả bắt nguồn từ việc sử dụng các nguồn tài nguyên cho kinh tế: gia tăng nạn phá rừng; ô nhiễm các con sông, các phụ lưu và hồ do việc sử dụng những sản phẩm độc hại cho môi trường đất đai, dầu tràn, khai thác mỏ hợp pháp và bất hợp pháp, và việc sản xuất ma túy cũng như buôn lậu ma túy.

Tóm lại, việc bóc lột quá mức vùng lưu vực Amazon qua những hoạt động nêu trên đã tàn phá sự phong phú của môi trường sinh thái trong vùng, tàn phá rừng và các con sông và ép buộc sự phát triển thiếu tính bao gồm và toàn diện trong vùng, góp phần tạo nên sự kiệt quệ không chỉ về kinh tế nhưng cả về xã hội và văn hóa của nó.

Bản sắc của các cộng đồng người Da đỏ

Con người và các nền văn hóa cùng tồn tại trong vùng lưu vực Amazon là rất đa dạng, với nhiều cách sống khác nhau. Theo Tài liệu Chuẩn bị đã nêu trên, chín quốc gia tạo thành nên vùng Liên Amazon có khoảng ba triệu người Da đỏ, với 390 dân tộc khác nhau.

Ngoài ra, theo các viện chuyên môn của Giáo hội, chẳng hạn như Hội đồng Thừa sai Người Bản địa của Brazil, có khoảng 110 đến 130 Dân tộc Thổ dân khác nhau trong Voluntary Isolation (PIAV) hoặc “các dân tộc tự do.”

Về mặt khác, có một nhóm người Da đỏ sống trong một vùng đô thị.

Như là kết quả của tính đa dạng đã nói, có thể khẳng định rằng có nhiều bản sắc văn hóa và nhóm lịch sử trao cho nơi này những thế giới quan và những mối quan hệ đặc biệt với những vùng lân cận.

Cuộc chiến chống lại những mối đe dọa

Các dân tộc bản địa và những cộng đồng Amazon tự tổ chức cho họ và chiến đấu chống lại những mối đe dọa cụ thể để bảo vệ cho cuộc sống, văn hóa, lãnh thổ, và quyền của họ.

Nhóm dễ bị xúc phạm nhất là nhóm PIAV, vì họ chưa phát triển những công cụ để đối thoại và đàm phán với các nhân tố bên ngoài chiếm giữ những địa hạt của họ.

Hoàn cảnh xã hội của người Da đỏ bị phá hủy do sự loại trừ và nghèo khổ, dù sự thật rằng, như Đức Thánh Cha Phanxico nhận xét tại Puerto Maldonado, Peru, “Tầm nhìn rộng lớn của họ, sự thông thái của họ, có rất nhiều điều để dạy chúng ta là những người không thuộc về văn hóa của họ. Tất cả những nỗ lực chúng ta đưa ra để cải thiện đời sống của các dân tộc Amazon sẽ luôn luôn là bé nhỏ.”

Tầm quan trọng của Rừng Nhiệt đới Amazon

Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) giải thích rằng “cây cối thực vật trích xuất carbon dioxide của không khí và hấp thu nó qua sự quang hợp, một quy trình tạo năng lượng sản xuất ra ôxi và sau đó giải phóng nó vào không khí và … carbon, nó làm cho cây cối thực vật phát triển.”

Vì thế sự phá hủy rừng sẽ làm cho hiệu ứng nhà kính trở nên nghiêm trọng hơn, và do đó tình hình biến đổi khí hậu sẽ trở nên tồi tệ hơn trong tương lai.

Hơn nữa, WWF nhấn mạnh rằng những khu rừng nhiệt đới cũng như các vùng rừng cây trao đổi các khối lượng lớn của nước và năng lượng với khí quyển, và được tin rằng chúng đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát khí hậu địa phương và khu vực. Nước được giải phóng bởi cây cối thực vật đi vào khí quyển qua sự thoát bốc hơi nước (sự bay hơi và thoát hơi nước của cây cối) và di chuyển trong không khí đến những vùng khác trong Châu Mỹ qua “những con sông bay” thật sự. Hiện tượng này góp một khối lượng lớn nước của lưu vực mang đến cho đại dương, làm ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu và sự lưu thông của các dòng chảy đại dương.”

Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester


[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/8/2019]