4. Ăn theo văn hoá Công giáo
Trong tinh thần hội nhập văn hoá được Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đề ra trong Tông huấn Giáo Hội tại châu Á (năm 1999), người Công giáo Việt Nam hiểu rằng ăn là hiệp thông vào sự sống và tình yêu của Thiên Chúa với muôn loài.
Ăn là hiệp thông, là hoà nhập vào một cộng đồng hay một gia đình: từ gia đình riêng tư có cha mẹ, ông bà, con cháu, đến gia đình rộng lớn hơn là dân tộc, nhân loại, vũ trụ và lớn hơn cả là gia đình Thiên Chúa. Mỗi thành phần trong cộng đồng đều có trách nhiệm xây dựng và hy sinh cho nhau như những tế bào sống trong cùng một thân thể vĩ đại, nhiệm mầu..
Khi đưa lương thực vào hệ tiêu hoá để chuyển đổi chúng thành dòng máu đỏ nuôi sống mình, là con người liên kết với vạn vật trong vũ trụ và mọi người trên trái đất. Cơm bánh, rau củ, hoa trái, thịt cá… được hoà trộn thành một chất liệu chung tạo nên sự sống, như muôn trái nho ép thành chén rượu và muôn hạt lúa nấu thành nồi cơm. Sự hiệp thông như mời gọi mỗi cá nhân, mỗi thành phần bỏ đi những cái riêng tư ích kỷ để hoà nhập vào cuộc sống chung và đón nhận trách nhiệm đối với muôn loài.
Sự hiệp thông vào sự sống phải dẫn người Công giáo chúng ta tôn trọng tuyệt đối sự sống của tha nhân. Vì thế, ta không thể trở thành những kẻ “giết người” khi bán những thứ hàng độc hại, khi sản xuất những nông sản còn tồn đọng chất độc, khi ướp cá tôm, hoa trái bằng hoá chất nguy hiểm. Thiên Chúa hằng sống nhìn thấy hết mọi việc ta làm và Chúa Giêsu Thánh Thể yêu cầu ta đừng lên “ăn Người” với lương tâm ác đức. Ước mong chúng ta noi gương tín hữu Hàn Quốc chỉ bán hàng tốt, hàng sạch, hàng bổ dưỡng để tạ ơn Trời, biết ơn bao người và vạn vật hy sinh sự sống cho ta.
Thánh Phaolô đã diễn tả sự hiệp thông đó: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là chúng ta dự phần vào máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm bánh và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,16-17).
Sự hiệp thông này dẫn mỗi “thực khách” đến một “giao ước thiêng liêng”, một hợp đồng tinh thần mà mỗi bên cam kết sẽ thực hiện vì họ mắc nợ lẫn nhau. Khi ăn là ta mắc nợ với cha mẹ, ông bà, tổ tiên và cả nhân loại: nợ mồ hôi, nước mắt, sức lực, máu xương, trí tuệ và cả sinh mạng nên ta phải trả nợ cho con người, cho đất nước và nhân loại bằng đời sống tích cực học hành, làm việc thay vì chỉ ăn để sống cho mình.
Ta mắc nợ với muôn loài về sự sống, tình yêu chúng dành cho ta: bao nhiêu ngọn rau, tôm cá chết đi để ta được sống, trong khi chúng cũng yêu quý sự sống chẳng thua kém con người. Một cây xanh, dù bị chặt ngang thân, vẫn cố đâm ra những chồi non để sống. Một con giun, dù bị dẫm nát thân mình, vẫn cố lê thân về miền đất ẩm để sống. Như thế, mỗi giây phút sống của ta đều quý giá, linh thiêng nên ta phải trân trọng, bảo vệ và phát huy để biểu lộ lòng biết ơn đối với muôn loài.
Người Công giáo không tin rằng những sinh vật là tiền kiếp của con người và phải chịu trách nhiệm theo luật nhân quả. Một con kiến đốt ta, một con chó cắn ta chỉ hành động theo bản năng và chúng không có ý thức và ý chí khi thực hiện hành động ấy, nên không thể chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Hơn nữa, người Công giáo khi ăn chúng để tạo nên sự sống cho mình thì cũng là giúp chúng được chia sẻ sự sống vĩnh hằng và phi thường với con người. Như thế, ăn là cứu độ muôn loài!
Ăn còn là hiệp thông trong tình yêu. Để tạo nên sự sống cho ta, bao con người phải mòn mỏi vất vả làm việc, thậm chí đón nhận cả cái chết. Họ đổ biết bao giọt mồ hôi, nước mắt, sức lực ở chợ đời để đem về cho ta bát cơm, con cá. Mồ hôi đổ ra có khi còn nhiều hơn bát canh trước mặt ta. Có người phải vùi thân trên biển vì cơn bão bất ngờ. Có người phải cụt chân, cụt tay vì quả mìn còn sót lại trên đồng ruộng. Bao chiến sĩ đã hy sinh thân mình để bảo vệ từng tấc đất quê hương để dân tộc ta mới có được vườn rau, ruộng lúa.
Động lực khiến tất cả hy sinh cho ta ăn để sống chính là tình yêu. Muôn loài, muôn vật, muôn người đều yêu ta. Đó chẳng phải là thứ tình cảm yêu đương giữa nam nữ như người ta thường hiểu, nhưng là tình yêu trong sáng, quảng đại tạo nên bản chất thiêng liêng khi Chúa Trời Đất tạo dựng nên muôn loài. Những bông hoa khoe sắc, toả hương cho con người chẳng đòi một đồng xu nào, cũng chẳng cần biết họ là người tốt hay kẻ xấu. Những ngọn rau, con cá hy sinh sự sống cho con người mà chẳng cần biết họ là người công chính hay kẻ gian tà. Chúng bắt chước “Cha Trên Trời cho mặt trời mọc lên soi sáng cho kẻ xấu cũng như người tốt và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương” (Mt 5,45). Hiểu được và cảm nhận được tình yêu đó, chúng ta mới sẵn sàng chia sẻ tiền bạc, tài năng, tình yêu, sự sống cách quảng đại và vô vị lợi vì ta cũng biết yêu thương để đáp lại tình yêu. Sống như thế ta mới đáng ăn như những người con của Trời và anh em ruột thịt của muôn loài, mới hoàn thành giao ước tình yêu.
Trong lịch sử nhân loại, dân tộc Do Thái đã nhận được lương thực từ trời mà họ gọi là “manna” trong suốt 40 năm khi họ đi trong sa mạc Sinai để tìm về Đất Hứa. Đây là thứ bột rơi trên mặt đất mỗi sáng để họ lấy về làm bánh (x. Xh 16,2-15). Bánh từ trời này sẽ giúp họ đón nhận sự sống tinh thần kỳ diệu nếu họ tin vào Đấng ban cho họ bánh ấy. Nhưng họ đã không tin và tất cả đều chết trên sa mạc (x. Ga 6, 32.49). Thiên Chúa cũng đã gửi tấm bánh lạ lùng để tiên tri Êlia ăn và nhờ lương thực này, ông đã đi suốt 40 đêm ngày để đến núi Khoreb và gặp được Ngài (x. 1V 19,4-8).
Đó chỉ là những hình ảnh báo trước về “tấm bánh trường sinh từ trời xuống” (Ga 6,51) là Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, để muôn loài có thể đón nhận Người và đạt được sự sống vĩnh hằng, kỳ diệu của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã nhiều lần làm các phép lạ hoá bánh và cá ra nhiều, chữa lành bệnh tật, cho kẻ chết sống lại và chia sẻ cho tất cả các tông đồ và môn đệ quyền năng ấy nếu họ tin tưởng, đón nhận, kết hợp và “ăn” Người để làm nên một thân thể nhiệm mầu, có chung một sự sống phi thường của Thiên Chúa. Những người tín hữu Công giáo cũng đã ăn theo “giao ước mới” được Đức Giêsu thiết lập (x. Mc 14,22-24; Dt 9,11-15) để thực hiện bữa ăn “agape” (bác ái) khi cùng bẻ bánh ăn chung với nhau (x. Cv 2,42.46; 20,7). Tuy nhiên, hầu như họ vẫn chỉ đón nhận tấm bánh theo kiểu hình thức bên ngoài của bí tích Thánh Thể, vì họ chưa thật sự phát huy hiệu quả phi thường của bánh Giêsu này trong đời sống.
5. Chúng ta nên ăn như thế nào?
Ngoài ý nghĩa của đồ ăn và việc ăn về mặt tinh thần, chúng ta cũng cần lưu ý xem mình nên ăn những thức ăn nào, và tổ chức bữa ăn như thế nào cho hợp với ý nghĩa cao cả đó.
Trước hết, ta cần ăn đủ 4 chất dinh dưỡng chính của cơ thể: đường (glucid), mỡ (lipid), đạm (protid- protide), và vitamin với các muối khoáng. Nhiều người sợ béo phì, mất đi hình dáng thon thả nên ăn rất ít tinh bột, chất béo, chỉ ăn nhiều rau. Có người lại không ăn rau vì có lần thấy con sâu lẫn trong rau, hoặc không ăn cá biển vì ngửi thấy tanh. Có người bị rối loạn tâm lý về ăn uống khiến họ tránh thức ăn, nôn mửa khi ăn hoặc làm cho họ ăn uống quá mức (chứng cuồng ăn)[7]. Họ cần được điều trị về tâm lý và hỗ trợ về dinh dưỡng.
Do cơ thể của mỗi người cao thấp, gầy béo, già trẻ, giới tính, hoàn cảnh xã hội, môi trường sống khác nhau nên lượng đồ ăn đưa vào cũng khác nhau. Hiện nay người ta tính lượng đồ ăn này theo số calo nhưng các quốc gia khuyến nghị số calo khác nhau. Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) cho rằng nhu cầu tối thiểu của một người trung bình là 1800 calo/ngày. Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh lại ấn định nam giới trưởng thành trung bình cần 2500 calo/ngày và nữ giới là 2000 calo/ngày. Cơ quan Y tế Hoa Kỳ lại quy định con số cao hơn: 2700 calo/ngày của nam giới và 2200 calo/ngày cho nữ giới[8].
Đúng ra, chúng ta không cần đếm chính xác số calo, nhưng cần quan tâm đến chế độ ăn uống lành mạnh và cân đối giữa 4 chất chính, vận động thể chất, cân đối giữa lượng calo nạp vào và lượng calo đốt cháy mỗi ngày. Nếu là người làm việc chân tay, ta cần ăn nhiều chất đường để vận động các cơ bắp. Nếu là người làm việc nghiên cứu, lao động trí óc, ta cần ăn thêm chất đạm và bớt ăn các tinh bột tạo ra đường.
Hiện nay nhiều cơ quan đã trình bày “tháp dinh dưỡng hợp lý” [9] để ăn trong một ngày, một tuần, một tháng. Nói chung, ta nên ăn đủ các loại bánh mì, cơm, ngũ cốc; tiếp đến là các loại rau củ quả. Ta ăn vừa phải các loại phô mát, sữa chua, trứng, thịt cá. Ăn ít các loại dầu mỡ, đường và hạn chế tối đa muối, các đồ ăn có chất cồn, các đồ ăn chế biến sẵn, nước uống có gas, đường. Người Việt chúng ta vì ăn quá nhiều muối nên có nhiều người bị các bệnh tim mạch, gan thận. Không ăn quá 6g muối một ngày. Nhiều trẻ em bị bệnh béo phì, chậm phát triển trí não vì cha mẹ chiều con nên cho ăn quá nhiều chất béo, chất đường qua đủ loại đồ uống, bánh kẹo.
Thái độ ăn uống của người Việt cũng cần thay đổi cho hợp với nền văn hoá mới. Sau nhiều thế kỷ bị nô lệ cho ngoại bang, bị áp bức bóc lột bởi chế độ quân chủ độc tài, mang tâm trạng sợ phải ăn đói, mặc rách nên người ta thường tham ăn và tích trữ đồ ăn. Có dịp ăn ngon, ăn không phải trả tiền trong các lễ hội là họ ăn xả láng, lấy cho mình thật nhiều đồ ăn và bỏ mặc người khác phải đói. Ta thấy điều này thường xảy ra trong các bữa tiệc, bữa ăn buffet. Họ ăn vội vã, cười nói to tiếng, vứt các đồ ăn thừa, giấy lau tay đầy dưới chân bàn như một bãi rác. Họ không nhận ra giá trị của vật chất hy sinh cho họ, nên bỏ thừa mứa các đồ ăn.
Chúng ta cần phải học lại bài học lịch sự, ăn mặc gọn gàng sạch sẽ, nói năng nhỏ nhẹ trong bữa ăn. Dù ở trong gia đình, chúng ta cũng nên ăn mặc gọn gàng, đứng đắn vì bữa ăn còn là một dịp để ta thể hiện sự hiệp thông vào sự sống và tình yêu với muôn loài.
Hiểu được ý nghĩa cao cả của việc ăn uống, từ nay chúng ta sẽ tổ chức bữa ăn gia đình hằng ngày thành một cơ hội quý báu để diễn tả mối hiệp thông, tình liên đới trong tình yêu và sự sống của mọi thành viên: dù hoàn cảnh xã hội đô thị hoá hiện nay khiến vợ chồng, cha mẹ, con cái có thể đi học, đi làm trái giờ nhau, nhưng chúng ta cần tổ chức bữa ăn gia đình cho tươm tất mỗi tuần một vài lần, có đủ mặt mọi thành viên. Chúng ta có thể phân công cho mọi thành viên trong gia đình những công việc như sắp chén bát, nấu ăn, sắp bàn ăn, rửa chén bát.
Trừ trường hợp cả nhà muốn xem một chương trình trên tivi, giờ ăn nên tắt tivi để cùng nói chuyện, chia sẻ cho nhau những buồn vui trong đời sống. Tuy nhiên, đừng biến giờ ăn thành giờ luân lý, dạy dỗ chung con cái, nêu khuyết điểm của một người trước mặt mọi người, hay biến thành cuộc tranh luận căng thẳng về một vấn đề nào đó. Chúng ta chỉ nên nói chuyện vui, theo hướng tích cực để khích lệ mọi người.
Các người nấu ăn chỉ nên nấu những món đơn giản trong gia đình, để đừng tốn quá nhiều thời giờ cho việc ăn uống. Chỉ nên nấu lượng món ăn vừa đủ, ăn trong ngày thay vì nấu quá nhiều rồi đổ đi hay cất giữ trong tủ lạnh nhiều ngày. Nhiều gia đình thành thị đang lạm dụng việc trữ lạnh các đồ ăn để ăn cả tuần, cả tháng. Các đồ ăn khi rã đông đều mất đi nhiều chất dinh dưỡng, không ngon và có thể gây độc vì một số vi khuẩn, vi trùng có thể vẫn còn sống. Ta cũng cần biết một số những thực phẩm kỵ nhau gây chết người theo kinh nghiệm của dân gian và cũng đã được khoa học xác nhận để tránh bị ngộ độc. Thí dụ: mật ong kỵ đậu hũ, sữa đậu nành, khoai mì, mật mía, bột sắn dây; thanh long không được ăn với trái bình bát; trứng gà kỵ quả hồng, rau cần, thịt rùa, nhưng nếu ngộ độc thì dùng ngó sen để hoá giải; cá chép không được ăn với lá tía tô, thịt ba ba (cua đinh) với lá bạc hà…[10].
Chúng ta cũng chỉ nên ăn vừa phải, không nên ăn no quá hay ăn nhiều một loại đồ ăn nào theo ý thích của mình vì các chất enzym phải tiết ra thật nhiều để phân giải đồ ăn sẽ làm cho các bộ phận trong hệ tiêu hoá phải làm việc quá mức. Tốt hơn nên ngừng ăn lúc còn đang thèm ăn thêm để tạo tâm lý tốt. Cần nhai kỹ để dễ tiêu hoá đồ ăn. Không nên ăn trên giường ở tư thế nằm, trừ khi bị bệnh nặng. Không nên ngồi vào bàn làm việc, đọc sách, xem phim, quan hệ tình dục… ngay sau khi ăn no vì các cơ quan trong hệ tiêu hoá cần tập trung máu để tiêu hoá đồ ăn. Nếu vận hành bộ não nhiều lúc đó, sẽ tạo ra sự căng thẳng trong hệ tiêu hoá, dễ sinh ra nhiều bệnh.
Lời kết
Trong nền văn minh tình yêu và văn hoá sự sống, ta không còn chỉ đạt tới điểm “ăn ngon, mặc đẹp”, nhưng “ăn thần, mặc thánh” nghĩa là ăn để phát huy đời sống tinh thần, để trở nên thần thánh, vượt ra khỏi vật chất, không gian và thời gian cho những giá trị vĩnh hằng. Như thế, niềm mơ ước của Tần Thuỷ Hoàng tìm được của ăn trường sinh bất lão đã được chúng ta biến thành hiện thực nhờ Đức Giêsu Kitô, vì Người thật sự là “bánh hằng sống từ trời xuống” (Ga 6,51). Lịch sử của Giáo hội Công giáo đã và đang làm chứng về điều đó. Bạn có bao giờ mơ ước ăn được tấm bánh đó không?
Câu hỏi gợi ý
1. Bạn có những suy tư gì về việc ăn của con người và của chính mình?
2. Bạn dự tính thay đổi bữa ăn của gia đình mình như thế nào để thể hiện mối hiệp thông trong tình yêu và sự sống?
[1] X. A.Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y học, 2015, tr.78.
[2] X. A.Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y học, 2015, tr.350-361.
[3] X. Bài Thẻ Tre 2000 năm, gọi là “Tần giản”, khai quật vào năm 2002 ở cổ thành Lý Da, Hà Nam, có niên đại 222 TCN – 208 TCN tiết lộ mật lệnh tìm tiên dược của Tần Thuỷ Hoàng, Internet, ngày 12/3/2018, Sơn Tùng.
[4] X. Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, 1965, số 14.
[5] X. HĐGMVN, Niên giám 2016 GHCGVN, NXB Tôn Giáo, 2016, tr.172.
[6] X. Nguyễn Ngọc Sơn, Sứ điệp loài Hoa, NXB Tổng Hợp TPHCM, 2008, in lần thứ 4, tr.19.
[7] X. A.Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y học, 2015, tr.443.
[8] X. Dân Trí Việt Nam, Bạn nên ăn bao nhiêu calo một ngày? Internet, 20/7/2016,. Cẩm Tú đăng.
[9] X. Dinhduong.online tổng hợp, bài Phân tích tháp dinh dưỡng cho người lớn khoẻ mạnh, Internet, ngày 17/8/2018.
[10] X. Vietnamnet, Tránh ăn những loại thực phẩm dẫn tới ngộ độc, Internet, ngày 12/09/2017.
Lm. Anton Nguyễn Ngọc Sơn
592 21-08-2018