Cách đây 13 năm, vào ngày 23/8/2008, tại huyện Kandhamal, đã xảy ra một cuộc tàn sát các Kitô hữu do những người người Ấn giáo cực đoan gây ra. Các Kitô hữu bị cáo buộc là đã sát hại lãnh tụ Ấn giáo Swami Laxmanananda Saraswatidi.
Cuộc tàn sát kéo dài đến tháng 10/2008, làm cho hơn 100 người chết, hàng ngàn người bị thương, hàng chục phụ nữ bị hãm hiếp, 395 thánh đường và các nơi thờ phượng bị phá hủy, nhiều trường học và cơ sở của Kitô giáo bị phá hủy hoặc hư hại, 6.500 nhà ở của tín hữu Kitô bị đốt phá, 56.000 Kitô hữu phải tản cư và nhiều người vẫn chưa được hồi hương, và có nhiều vụ cưỡng bách theo Ấn giáo.
Để tưởng nhớ các nạn nhân, từ năm 2016, vào ngày 30/8, Giáo hội tại bang Orissa cử hành “Ngày các vị tử đạo”, do các giám mục của bang ấn định; trong khi vào ngày 25/8, “Diễn đàn liên đới toàn quốc” (National Solidarity Forum) ấn định là “Ngày Kandhamal”. “Diễn đàn liên đới toàn quốc” được thành lập trong năm 1976, quy tụ hơn 70 tổ chức xã hội dân sự của Ấn Độ, dấn thân thúc đẩy sự đa nguyên và các giá trị dân chủ được quy định trong Hiến pháp Ấn Độ, và từ năm 2008, đấu tranh cho công lý của các nạn nhân tại Kandhamal.
Trong dịp kỷ niệm năm nay, Diễn đàn đã thiết lập một giải thưởng đặc biệt, “Giải thưởng Nhân quyền Kandhamal”, dành cho những người đấu tranh cho nhân quyền ở Ấn Độ. Người chiến thắng trong lần trao giải đầu tiên này là “Liên minh Nhân dân vì Quyền tự do Dân sự", một hiệp hội vì các quyền dân sự có trụ sở tại New Delhi, dấn thân bảo vệ quyền của các dân tộc bộ lạc và người Dalit. Theo Diễn đàn liên đới toàn quốc, “Liên minh Nhân dân vì Quyền tự do Dân sự” được trao giải vì trong hơn ba mươi năm, hội đã làm việc không mệt mỏi cho những người yếu đuối và đã cố gắng tạo ra một xã hội Ấn Độ dân chủ và công bằng hơn. Giải thưởng được trao vào ngày 25/8, trong cuộc hội thảo trực tuyến về “Ngày Kandhamal” với chủ đề “Bảo vệ nhân quyền và tự do dân chủ”.
Tổ chức “Diễn đàn liên đới toàn quốc” nhận xét rằng các tín hữu Kitô ở Kandhamal không hề lấy bạo lực đáp trả bạo lực. 13 năm sau những biến cố đau thương ấy, họ vẫn còn tranh đấu cho hòa bình, công lý và hòa hợp. Và sau 13 năm, phần lớn những kẻ phạm tội ác tại Kandhamal vẫn chưa bị công lý trừng phạt. Đây là trường hợp bạo lực duy nhất vi phạm nhiều quyền cơ bản của con người và nhân phẩm của các nhóm dễ bị tổn thương.
Theo Ngọc Yến - Vatican News
321 25-08-2021