Sidebar

Thứ Ba
10.09.2024

Anh em thân mến, hãy phạm tội

 

Đức Giêsu xuống thuyền, băng qua hồ, trở về thành của mình. Và kìa, người ta khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt: «Này con cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi!» và kìa mấy kinh sư nghĩ bụng rằng: «Ông này nói phạm thượng.» Nhưng Đức Giêsu biết ý nghĩ của họ, liền nói: «Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy? Trong hai điều, một là bảo: «Con đã được tha tội rồi, hai là bảo: «Đứng dậy mà đi» điều nào dễ hơn? Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, bấy giờ Đức Giêsu bảo người bại liệt: «Hãy đứng dậy, vác giường mà về nhà đi!» Người bại liệt đứng dậy, đi về nhà. Thấy vậy, dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người được quyền năng như thế. (Mt 9:1-8)

Trong khi các vị tư tế kịch liệt lên án tội lỗi, và nguyền rủa những người phạm tội, thì trong lòng họ, không những họ mong muốn dân chúng phạm tội, mà còn mong dân chúng phạm càng nhiều càng tốt. Đó là những gì Thiên Chúa lên án các tư tế «chúng xơi lỗi của dân Ta, chúng ngóng cổ thèm tội của nó» (Hs 4:8). Giáo chức sống nhờ vật tế lễ dân chúng mang đến xin Thiên Chúa tha tội cho họ. Để duy trì số lượng dồi dào lễ vật, các tư tế không ngừng làm cho con người có mặc cảm bất xứng trước mặt Thiên Chúa và tình trạng tội lỗi không chữa lành được của mình. Họ tự cho mình là những người trung gian duy nhất và tối cần giữa Thiên Chúa là người tha thứ và con người là người được tha thứ. Khổ thay, nếu con người không phạm tội nữa, hay tìm ra một cách khác để xin Chúa tha tội hơn là cách của họ, thì các vị tư tế sẽ chết đói.

Cũng như sự tham lam của các mục tử Ítraen mà tiên tri I-sai-a cho là «lũ chó háu ăn, không hề biết chán» (Is 56:11), thì sự tham lam của các tư tế cũng nổi tiếng và đáng gờm: « Như quân cướp rình người, một bọn tư tế ra tay chém giết trên đường Sikem. Phải, việc chúng làm thật là bỉ ổi!» (Hs 6:9) Vừa làm tính tham lam riêng của mình thành luật thánh, vừa không ngần ngại trình diễn tính tham ăn của mình: «Hễ có ai dâng một lễ tế nào, là đứa hầu của tư tế đến, cái nĩa đinh ba đã cầm tay trong lúc người ta nấu thịt. Nó thọc vào vạc, vào nồi, vào chảo, vào niêu: hễ nĩa nhắc lên được gì là tư tế lấy». Ngay trước khi người ta nướng mỡ, thì người hầu của tư tế đã đến mà bảo người dâng lễ: «Cho tôi thịt để chiên cho các tư tế. Người không muốn thịt đã chín, nhưng chỉ muốn thịt sống.» Nếu người kia nói: «Để tôi chiên trước, rồi anh sẽ lấy cái gì anh muốn!» thì nó đáp: «Không, anh cho ngay bây giờ, bằng không tôi sẽ làm hung mà giựt nó.» (1Sm 2:13-16)

Lấy một, trả gấp ba

Các tư tế không phải là những người duy nhất hưởng công quả tội lỗi con người, nhưng ngay cả đền thờ Giêrusalem cũng được hưởng. Được xem như là ngân hàng lớn nhất Trung-Đông, đền thánh Gierusalem giàu có nhờ của lễ của tất cả mọi người mang đến để xin tha tội hay xin các ơn đặc biệt. Mỗi người Do thái bắt buộc phải đến đền thờ Giêrusalem vào ba dịp lễ lớn: Vươtï Qua, Ngũ Tuần và Lễ Lều (Xh 23:14-17)

Lên đền thờ Giêrusalem không duy nhất là một hành vi mộ đạo. Lời cảnh cáo dứt khoát của Kinh Thánh gán cho Thiên Chúa (nhưng để dùng độc quyền cho các vị tư tế) rõ ràng minh bạch: «Người ta sẽ không ra mắt trước nhan Ta tay không.» (Xh 34:20; Hc 35:6) Và để tránh các hiểu lầm, các tư tế quyết định các loại và số lượng của lễ vật và lễ tế. Sách Lêvi viết lại danh mục chính xác giá biểu chỉ định cho mỗi lỗi phải dâng cúng những gì để được tha thứ. Lỗi của người cầm đầu dân chúng, Thiên Chúa đòi hỏi «một con dê đực hoàn hảo (Lv 4:23), nhưng «khi người phạm tội là một người dân, do sơ ý vi phạm một điều cấm kỵ của Thiên Chúa, thì họ phải đem lễ vật là một con dê cái hoàn hảo (Lv 4:27-28). Để du di, Thiên Chúa có thể bằng lòng nhận một con chiên (Lv 4:32). Với các lỗi khác, lễ vật là một con cừu đực (Lv 5:15). Nếu người dâng lễ là người nghèo, Thiên Chúa có thể hạ cơn phẫn nộ xuống còn «hai con chim cu hay hai con bồ câu non (Lv 5:7) và nếu người đó quá nghèo, không có một phương tiện nào, thì một chút bột là đủ, miễn là không được bỏ «hương thơm vào bột» (Lv5:11). Lúc dâng con vật làm lễ, sắc lệnh thiêng liêng xác định những phần ngon nhất: ngực và đùi phải dành cho các vị tư tế (Lv7: 28-35), cũng như theo ý Chúa, «phần béo nhất nơi dầu, nơi rượu mới và lúa miến» cũng dành cho các vị tư tế (Ds18:12).

Mỗi ngày, người ta dâng trong đền thờ cả ngàn con vật để chuộc không biết bao nhiêu điều vi phạm Lề Luật làm cho con người «ô uế». Vào thời Đức Giêsu, những người mua bán súc vật dùng vào lễ tế là những người thuộc gia đình vị thượng tế Anna. Là nạn nhân thật sự của lễ vật hiến sinh, người hành hương bắt buộc phải mua súc vật ở nhà vị thượng tế, để sau đó lại dâng lên người…, và nếu họ muốn ăn, họ lại phải mua thịt trong các tiệm bán thịt ở Giêrusalem, tất cả cửa hàng này lại cũng do vị  thượng tế, người bán thịt của Thiên Chúa cho thuê. 

Các vị tư tế thất nghiệp

Hành động của Đức Giêsu nhằm loại bỏ tận gốc việc mua bán thần thánh này. Gắn liền với truyền thống ngôn sứ nguyên thủy, nhất là lên án việc thờ phượng không do Thiên Chúa đòi hỏi (nhưng khốn thay, lại làm «vui lòng»  cho những người  «tự nhận» (Am 4:5), Đức Giêsu sẽ tố cáo đền thờ như là «sào huyệt của bọn cướp» (Mt 21:13), nơi người ta dâng lên Thiên Chúa lễ vật mà họ đi ăn cắp. Tiên tri Hôsê đã tuyên bố rõ ràng rằng ai tưởng tượng sẽ tìm được Thiên Chúa với «dê, bò thì sẽ không bao giờ tìm thấy người.» (Hs 5:60) Và ở sách Mikha, «Tôi phải lấy gì mà ra tiếp đón cho xứng đáng Gia-vê, với những con bê đầy năm hay hàng ngàn con cừu đực và hàng vạn tấn dầu?, Thiên Chúa trả lời: Người đã mặc khải cho người biết cái gì tốt và cái gì Thiên Chúa đòi hỏi ở ngươi: không gì khác hơn là thực thi công lý, yêu mến lòng lân tuất và khiêm tốn bước đi bên cạnh Thiên Chúa của ngươi.» (Mk 6:6-8; 1Sm- 15:22) Quan hệ với Thiên Chúa không thiết lập qua việc thờ phượng, nhưng trong đời sống: «Vì ta muốn tín nghĩa, chứ không phải tế tự.» (Hs 6:6; Mt 9:13)

Đó là những chủ đề mà các thánh sử triển khai trong câu chuyện chữa lành người bại liệt ở thành Caphanaum (Mt 9:1-18), một đoạn quan trọng, bởi vì trong phúc âm, đó là lần duy nhất mà Đức Giêsu tha thứ những người tội lỗi (trong phúc âm thánh Luca, Đức Giêsu cũng tha thứ cho người đàn bà làm điếm một lần, Lc 7:48). Trong giảng dạy và trong các hành động của Người, Đức Giêsu cho thấy một Thiên Chúa trao ban cho tất cả mọi người tình yêu của Người (Mt 8:1-13), « người ta khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường ». Thấy đức tin của những người này, Đức Giêsu âu yếm nói với kẻ bại liệt: «Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi», «đức tin», có nghĩa là đi theo Đức Giêsu, đã xóa hết tội của người đàn ông này. Mới đầu, hành động của Đức Giêsu hình như không đáp ứng mong chờ của người bại liệt đang mong được chữa lành. Trong văn hóa thời bấy giờ, một mong chờ như vậy không nằm trong hy vọng của người bại liệt, vì người bại liệt bị xem như một cái xác còn thở, và đương nhiên, cũng được xem như một bệnh không thể chữa lành.

Trong cả Thánh Kinh, không có một trường hợp chữa lành nào cho một người đã bại liệt hoàn toàn, và trong sách Talmud, người ta cầu nguyện cho tất cả mọi chuyện và tất cả mọi người, nhưng người ta không tìm ra một lời cầu nguyện nào để xin chữa lành cho người bại liệt. Câu tuyên bố của Đức Giêsu gây ra một phản ứng không xứng đáng nơi các nhà thần học chính thống hiện diện lúc đó: họ thấy việc tha tội được Thiên Chúa ban chuẩn không phù hợp với giáo lý truyền thống họ giảng dạy, nên họ đưa ra ngay lập tức phán quyết của họ. Ẩn ý muốn nói đến Đức Giêsu một cách khinh thường, họ quan sát, khiêu khích: «Ông này nói phạm thượng!, bởi vì theo như giáo lý giảng dạy, « chỉ có Thiên Chúa mới có thể tha thứ tội lỗi » (Mc 2:7). Thánh sử nhấn mạnh xung khắc triệt để giữa Đức Giêsu và cơ chế tôn giáo mà họ đại diện: lần đầu tiên các thành viên trong hàng ngũ tôn giáo nghe từ Đức Giêsu, không những họ không nhận biết nơi Người lời của Chúa, mà họ còn tố cáo người như kẻ phạm thượng.

Đối với những người bảo vệ chính truyền, hành vi đem lại sự sống mà  Đức Giêsu đã hoàn tựu bị xem như một tội ác đáng tội chết (Lv 24:16) và qua sự kiện này, Đức Giêsu sẽ bị vị thượng tế, quyền lực tôn giáo tối cao, và Hội Đồng Công Tọa Do Thái lên án tử hình vì tội phạm thượng: «Hắn nói phạm thượng, hắn đáng chết.» (Mt 26:65-66) Đối với cơ chế quyền lực, hành vi của Đức Giêsu rất nguy hiểm. Đức Giêsu đã tha thứ tội lỗi cho người bại liệt này mà không nhân danh Thiên Chúa và người bại liệt này cũng không xin Thiên Chúa tha thứ, không xưng tội, không đọc «lỗi tại tôi» và nhất là, không trả một cái gì hết cho việc đền tội, ngay cả một con gà cũng không trả.

Nếu nghiêm túc nghe lời giảng dạy của Đức Giêsu, Người khẳng định muốn được tha thứ tội lỗi thì chỉ cần tha các lỗi của người khác (Mc 11:25), bởi vì «nơi nào đã có ơn tha tội, thì đâu cần lễ đền tội nữa.» (Dt 10:18), lúc đó người ta không đi đến đền thánh để xin được giải tội, đền thánh sẽ phá sản, các vị tư tế sẽ thất nghiệp. Cơ chế tôn giáo lo lắng: «Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy.» (Ga 11:47) Đó là đụng chạm đầu tiên giữa Đức Giêsu và các nhà cầm quyền tôn giáo. Khi đó Đức Giêsu «thấy» đức tin nơi những người mang kẻ bại liệt, và thấy «ý xấu trong bụng của họ». Đức Giêsu không chạm trán với họ trên mặt thần học, nhưng trên mặt sự sống: Theo các ông, trong hai điều: một là bảo: «Con đã được tha tội rồi», hai là bảo: «Đứng dậy mà đi, » điều nào dễ hơn? » Một người thật sự được Thiên Chúa tha thứ không phải là một sự kiện có thể thấy được, và không một ai có thể bảo đảm điều đó, nhưng chữa lành một người tàn tật đã bị xem như không thể chữa được thì đó là một điều mọi người có thể kiểm chứng.

Không chờ câu trả lời, Đức Giêsu hành động liền, chữa lành người bại liệt, người bại liệt «đứng dậy và đi về nhà». Đức Giêsu không chỉ giới hạn vào việc tha thứ quá khứ tội lỗi của người đàn ông này mà còn ban cho anh ta sức mạnh thiết yếu cho sự sống để có một đời sống mới. Hiểu được quyền lực này không phải chỉ do một mình Đức Giêsu, đám đông thấy sự kiện như vậy nên đã « tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người quyền năng như thế. » Lâu đài thần học của những người luật sĩ sập đổ kéo theo hình ảnh của một Thiên Chúa mà họ rao giảng lâu nay. Nhưng, cũng cùng một lúc, chỉ còn một việc là nếu chỉ một mình Thiên Chúa có thể « tha thứ mọi tội lỗi và chữa mọi tật nguyền » (Tv 103:3), là bởi vì Thiên Chúa đó đang ở trong Đức Giêsu. Không phải Người là « người phạm thượng », nhưng là các nhà cầm quyền tôn giáo vu cáo Thiên Chúa khi giới thiệu Người như kẻ ham muốn lễ vật của con người.

Các nhà thần học và các vị tư tế, các người có bổn phận giảng dạy dân chúng, lại « làm cho dân chết vì thiếu trí tri » (Hs 4:6). Để bảo vệ quyền lợi của họ và uy danh riêng của họ, họ đi đến việc làm giả lề luật của Thiên Chúa mà họ cho là họ quan sát một cách thận trọng: «Làm sao các ngươi dám nói: «Chúng tôi là hạng khôn ngoan, chúng tôi có luật của Yavê? Đã hẳn, đó là lời xảo trá do cây bút ngụy tạo của hàng luật sĩ!» (Gr 8:8) Các nhà cầm quyền thiêng liêng và tôn giáo loan truyền cho dân chúng một ý tưởng sai về Thiên Chúa và về các đòi hỏi của Người, đẩy dân chúng đến việc tôn thờ một ngụy thần, tạo ra việc lạm dụng cho quyền lợi riêng của mình. Như thế, dân chúng đi đến một tình trạng phi lý, vì họ càng tưởng họ tôn kính Thiên Chúa, thì thật sự, họ càng xa lánh Người: «Nó đã tăng lên số bàn thờ để tha tội, nhưng số bàn thờ này đã nên dịp tội cho nó.» (Hs 8:11)

Ignace Trần An Huy dịch

895    31-12-2019