Sidebar

Chúa Nhật

05.05.2024

Anh nhận em làm vợ

ANH NHẬN EM LÀM VỢ

 Thánh Gio-an Tẩy Giả đã giới thiệu Đức Giê-su với các môn đệ bằng những lời lẽ chân thành: “Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói: 'Tôi đây không phải là Đấng Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người.' Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn. Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.” (Ga 3, 28-30). Trong câu nói “Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể” Thánh Gio-an có ngụ ý ví Đức Giê-su là “chú rể” và Hội Thánh là “cô dâu”. Còn bản thân Thánh Gio-an chỉ là “người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng”. Người bạn ấy vui mừng và “niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn”.

 Giáo hội là Hiền Thê tinh tuyền, thánh thiện, không tì vết (Kh 22, 17; Ep 1, 4; 5, 27), Hiền Thê mà Ðức Phu Quân Giê-su yêu thương và hiến mình để "thánh hoá và thanh tẩy bằng nước và Lời hằng sống" (Ep 5, 26). Người liên kết với Hội Thánh bằng một giao ước vĩnh cửu, và không ngừng “nuôi nấng và chăm sóc” Hội Thánh như chính Thân Thể mình (Ep 5, 29). Tương quan giữa Chúa Ki-tô và Giáo hội – tức đầu và các chi thể – luôn được diễn tả bằng hình ảnh bạn tình là “phu quân” và “hiền thê” (1Cr 6, 15-16). Phải chân nhận một điều là Hội Thánh luôn mong muốn các đôi phối ngẫu trong hôn nhân – nhất là các bạn trẻ trước ngưỡng cửa gia đình – luôn sống xứng đáng là những phần tử ưu tú của Hiền thê Giáo hội gắn kết với Đức Phu quân Giê-su Ki-tô.

 Chủ đề mục vụ gia đình tháng 7/2018 là: “Anh nhận em làm vợ”. Đây là lời hứa của người phối ngẫu (nam) với người nữ trong lễ cưới. Nguyên văn lời thề hứa này là: “Anh (em) nhận em (anh) làm vợ (chồng), và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em (anh), khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời anh (em)”. Lời hứa này là một giao ước vĩnh viễn và bất khả phân ly; nói cụ thể, lời thề hứa trong bí tích hôn phối là cố định, không được chia ly, cách biệt (“Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly” – Mc 10, 9). Xin cùng tìm hiểu:

 1- LỜI HỨA HÔN NHÂN LÀ MỘT GIAO ƯỚC:

 Hôn nhân là một Giao ước như Hiến chế về Mục vụ “Gaudium et Spes” (số 48) khẳng định: “Thiên Chúa đã thiết lập và ban những định luật riêng cho đời sống chung thân mật và cho cộng đoàn tình yêu vợ chồng. Ðời sống chung này được gầy dựng do giao ước hôn nhân, nghĩa là sự ưng thuận cá nhân không thể rút lại. Như thế, bởi một hành vi nhân linh, trong đó, hai vợ chồng tự hiến cho nhau và đón nhận nhau, nhờ sự an bài của Thiên Chúa, phát sinh một định chế vững chắc có giá trị trước mặt xã hội nữa. Vì lợi ích của lứa đôi, của con cái và của xã hội, nên sợi dây liên kết thánh thiện này không lệ thuộc sở thích của con người.”

 

Theo từ nguyên, Giao ước là “cam kết với nhau về những điều mỗi bên sẽ làm”. Vì thế, về mặt pháp lý tự nhiên thì hôn nhân phải có lời hứa, có chữ ký, và có người làm chứng. Còn đối với những tín hữu Ki-tô giáo đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội, thì cuộc sống của họ như thánh Phao-lô nói: "Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Ðức Ki-tô sống trong tôi." (Gl 2, 20). Hiển nhiên họ đã được ơn nên một với Chúa Giê-su, thì khi thề hứa yêu nhau, họ không thề hứa bằng trái tim hạn hẹp của họ mà bằng Trái tim Chúa Giê-su ở trong họ, nếu họ vững lòng Tin-Cậy-Mến. Cũng vì mầu nhiệm Ðức Hôn phu Ki-tô và Hiền thê Hội Thánh, mà lời thề hứa của đôi tân hôn sẽ tồn tại vĩnh viễn trong quyền năng Ðấng Sáng Tạo.

 Vì Hôn nhân là một Bí tích, đồng thời cũng là một Giao ước; nên tất nhiên khi cử hành Hôn phối, hai bên nam nữ phải có những lời thề hứa trao đổi với nhau thì hôn nhân mới thành sự. Do đó, câu: "Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly" (Mt 19, 6) không còn là một lời răn đe, mà là một lời khuyến cáo đầy yêu thương: "Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.  Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15, 9-13).

 Suy niệm kỹ Lời dạy của Đức Ki-tô như nêu trên, sẽ thấy rõ ràng đó là Lời của Đấng Bản quyền trong vai trò Hôn phu hứa với Hiền thê của mình (Giáo hội). Là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, vâng lệnh Chúa Cha xuống thế làm người cứu chuộc nhân loại, Đức Giê-su không những đã thi hành sứ vụ bằng những hành động cụ thể, bằng chính cả mạng sống của mình; mà còn hứa dành phần thưởng đích thực cho những môn đệ, và nói chung là những tín hữu đi theo và làm theo Lời dạy của Người. Vậy thì các đôi tân hôn trao đổi với nhau những lời thề hứa trước đại diện của Chúa và Giáo hội (vị linh mục chủ tế và cộng đồng dân Chúa) là điều tất nhiên, khỏi cần bàn cãi.

 2- GIAO ƯỚC GIỮA HAI ĐỐI TÁC:

 Cũng vì Hôn nhân là một Bí tích (liên quan trực tiếp đến Thiên Chúa, cụ thể là Đức Giê-su, như hôn ước giữa Đức Ki-tô với Hội Thánh), đồng thời hôn nhân cũng là một Giao ước (có sự kết ước với nhau giữa 2 người nam nữ); nên trong khi tiến hành hôn nhân, đôi bạn sẽ thề hứa, cam kết với nhau những điều khoản do bản thân mình thực hiện. Nghi thức cử hành bí tich hôn phối được thực hiện sau bài giảng của chủ tế trong Thánh lễ Hôn phối. Khi đến phần thề hứa, chủ tế đọc: “Vậy bởi vì các con (anh chị) đã quyết định kết hôn với nhau, các con (anh chị) hãy cầm tay nhau và nói lên sự ưng thuận của các con (anh chị) trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh Người.”

 Ðôi tân hôn bắt tay nhau hoặc cầm tay nhau, rồi tuyên hứa:

 

* Bên nam hứa: “Anh là X… xin nhận em T… làm vợ của anh và hứa giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày cho đến suốt đời anh.”

 

* Bên nữ hứa: “Em là T… xin nhận anh X… làm chồng của em và hứa giữ lòng chung thủy với anh, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, để yêu thương và tôn trọng anh mọi ngày cho đến suốt đời em.”

 Suy cho cùng thì hành động “cầm tay nhau và nói lên sự ưng thuận” của đôi phối ngẫu nếu chỉ có hai người với nhau thì đó mới chỉ là lời hứa; mà theo thói thường của nhân sinh, lời hứa ấy có thể là lời hứa chân thành, nhưng cũng có thể là lời hứa suông, hứa hão, hứa lèo… Tuy nhiên, nếu lời hứa được thực hiện trước sự chứng kiến của cộng đồng, và nhất là trước mặt Chúa, thì đó lại là lời tuyên thệ – lời thề hứa. Đã là lời thề hứa có sự chứng kiến của cộng đoàn và trước mặt Chúa, thì tất nhiên không thể coi thường mà phải chân nhận đây không những chỉ là giao ước giữa hai đối tác, mà còn là giao ước với Thiên Chúa.

 3- GIAO ƯỚC VỚI THIÊN CHÚA:

 Cần lưu ý một điều là khi hai người thề hứa với nhau trong hôn lễ thì cũng có nghĩa là hai người thề hứa với Thiên Chúa sẽ nhận đối tượng làm vợ (chồng) cho đến trọn đời. Khi lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy, người Ki-tô hữu đã cam kết với Thiên Chúa từ bỏ ma quỷ, từ bỏ tội lỗi và những hành động xấu xa; đồng thời tuyên xưng đức tin vào Chúa Ba Ngôi và Giáo hội của Người. Khi tuyên xưng như vậy, mỗi người đã ký kết một Giao ước với Thiên Chúa. Đi theo Đức Ki-tô là hòa mình vào truyền thống của các Giao ước đã được thực hiện trong lịch sử Cứu độ để tìm ra lẽ sống cho mình. Như vậy, mỗi cá nhân Ki-tô hữu đều tìm thấy gương mặt và vị trí của mình trong suốt chiều dài của những Giao ước Thiên Chúa đã ký kết: Lời Chúa là Lời của Giao ước, mỗi khi đọc Lời Chúa là làm sống lại những Lời Hứa, những Lời Cam Kết từ phía Thiên Chúa, đồng thời nhắc nhở mọi tín hữu hãy thực hành những gì đã tuyên hứa để trung thành với những điều đã giao ước với Người.

 Giáo lý Hội Thánh Công Giáo (số 1602) đã xác nhận ý nghĩa thâm sâu của hôn nhân như nêu trên, và vì thế, đã gọi hôn nhân là một “mầu nhiệm”: “Kinh Thánh mở đầu với việc Thiên Chúa tạo dựng người nam và người nữ theo hình ảnh và giống như Người (x. St 1, 26-27) và kết thúc với viễn ảnh về "đám cưới Con Chiên" (x. Kh 19, 7.9). Từ đầu đến cuối, Kinh Thánh nói về hôn nhân và "mầu nhiệm" hôn nhân, về việc thiết lập và ý nghĩa mà Thiên Chúa đã ban cho nó, về nguồn gốc và mục đích của hôn nhân, về những biến chuyển qua dòng lịch sử cứu độ, về những khó khăn do tội và việc canh tân trong Chúa (1Cr 7, 39), trong Giao Ước Mới giữa Đức Ki-tô và Hội Thánh (x. Ep 5,31-32)”.

 Quả thật khi Đức Ki-tô giảng dạy về hôn nhân, Người đã nhấn mạnh đó là một mầu nhiệm bất khả phân ly, khiến nhiều người ngỡ ngàng và coi đó là một đòi hỏi không thể thực hiện được (Mt 19, 10). Không chỉ ở thời đại cách đây trên 2000 năm, mà ngay trong thời hiện tại, không ít người vẫn quan niệm hôn nhân Ki-tô giáo đã quy định cho các đôi vợ chồng một gánh quá nặng không thể mang nổi, nặng hơn cả luật Mô-sê thời Cựu Ước. Họ đã quên mất rằng khi tái lập trật tự ban đầu của công trình sáng tạo đã bị tội lỗi làm xáo trộn, Thiên Chúa đã ban sức mạnh và ân sủng để các đôi vợ chồng sống đời hôn nhân trong chiều kích mới của Nước Thiên Chúa.

 Đức Ki-tô dạy: “Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly." Họ thưa với Người: "Thế sao ông Mô-sê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ?" Người bảo họ : "Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu… Các môn đệ thưa Người: "Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn." Nhưng Người nói với các ông: "Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu." (Mt 19, 6-11).

 Hiến chế Tín Lý về Mạc khải “Dei Verbum” (số 6) giải thích: “Chính nhờ Thiên Chúa mạc khải mà tất cả những gì thuộc về Thiên Chúa tự nó vốn không vượt quá khả năng lý trí con người, trong hoàn cảnh hiện tại của nhân loại, đều có thể biết được cách dễ dàng, chắc chắn mà không lẫn lộn sai lầm.” Quả thật khi từ bỏ mình và vác thập giá theo Đức Ki-tô (x. Mc 8, 34) các đôi vợ chồng "có thể biết được, có thể hiểu được" ý nghĩa nguyên thủy của hôn nhân và sống đời hôn nhân nhờ sự trợ giúp của Đức Ki-tô. Ân sủng của hôn nhân Ki-tô giáo là hoa quả của Thánh Giá Đức Ki-tô, nguồn mạch mọi đời sống Ki-tô hữu. Một khi đã "có thể biết được, có thể hiểu được" thì tất nhiên cũng "có thể thi hành được". Hãy thực hành trong đời sống gia đình lời thề hứa hôn nhân đã được tuyên thệ trước Thiên Chúa và cộng đoàn Giáo hội.

 KẾT LUẬN:

 Tóm lại, ngay từ Cựu Ước đã tiên báo mầu nhiệm hôn phối giữa Thiên Chúa với dân được tuyển chọn (It-ra-en) và nói chung là cộng đồng nhân loại (“Ngươi sẽ được Thiên Chúa đem lòng sủng ái. Và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi. Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ. Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể. Ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ.” – Is 62, 4- 5). Thánh Phao-lô trong Thư thứ 2 gửi tín hữu Cô-rin-tô (2Cr 11, 2) và gửi tín hữu Ê-phê-sô (Ep 5, 26–27) đã diễn tả Giáo hội là Hiền thê của Đức Ki-tô. Hình ảnh Hôn Thê chờ Hôn Phu là một hình ảnh đẹp biểu trưng lòng tín trung của Giáo hội đối với Chúa Ki-tô. Chính Chúa Giê-su cũng tự xưng là "hôn phu" của Giáo hội (Mc 2, 19; Mt 22, 1-14; 25, 13).

 Vì thế, khi hai người phối ngẫu thề hứa với nhau: “Anh (Em) nhận em (anh) làm vợ (chồng)”, xin đừng nghĩ rằng đây chỉ là nghi thức bắt buộc phải đọc trong Thánh lễ hôn phối, để rồi đọc xong thì quên đi một cách vô tư; mà phải biết “Khẩu tụng tâm suy” (miệng đọc lòng suy nghĩ) rằng đây không chỉ là lời thề hứa giữa hai người phối ngẫu với nhau, mà còn nói lên hai người cùng thề hứa với Thiên Chúa để sống đúng Lời Chúa răn dạy (“Thật thế, có lời chép rằng cả hai sẽ thành một xương một thịt. Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người.” – 1Cr 6, 116-17). Ước được như vậy. Amen.

JM. Lam Thy ĐVD.

 

1111    08-07-2018