Sidebar

Chúa Nhật

16.03.2025

Âu châu và văn hóa đa dạng - 2

Dominique Wolton: Tất nhiên rồi.

Đức Phanxicô: Câu này tôi nghĩ tôi nói ở Rio de Janeiro. “Nhìn từ ban-công”. Nhìn lịch sử trôi qua.

Dominique Wolton: Vì sao Giáo hội nghiêm khắc với những người công giáo cánh tả, các linh mục thợ thuyền, thần học giải phóng hơn là các người công giáo cánh hữu, huynh đoàn Thánh Piô X, hay với các nhà độc tài. Vì sao?

Đức Phanxicô: Tôi không hiểu rõ ý ông muốn nói. Vì sao Giáo hội lại nghiêm khắc với người công giáo cánh tả hơn người công giáo cánh hữu?

Dominique Wolton: Đúng vậy. Về mặt lịch sử, trong thế kỷ 20…

Đức Phanxicô: Có thể trong nghĩa là cánh tả luôn tìm những con đường mới. Nhưng khi mình giữ nguyên tình trạng, mình bị cứng nhắc, như thế là không sợ bị đe dọa, cứ bình yên mà sống… nhưng như thế thì Giáo hội không lớn lên. Nhưng đó là chuyện không đe dọa cho tôi. Nhưng khi chúng ta gọi cánh tả, nhưng không phải là cánh tả mà phía bên trái của Chúa Giêsu Kitô, như thế thì cũng nguy hiểm cho họ. Thường là cánh tả… nhưng chữ này tôi không thích cho mấy.

Dominique Wolton: Có thể, nhưng từ vựng chính trị trong dân chủ, chung chung luôn có hai phía.

Đức Phanxicô: Tin Mừng… Giáo hội thường tự nhận mình là người pharisêu. Chứ không phải Giáo hội của người phạm tội. Giáo hội của người nghèo, Giáo hội của người phạm tội…

Dominique Wolton: Cha nói “một Giáo hội nghèo cho người nghèo”. Đúng, nhưng đó là Tin Mừng và là cha. Nhưng sau đó là một tổ chức của Giáo hội.

Đức Phanxicô: Có những người có tội trong hàng ngủ lãnh đạo Giáo hội, những người thiếu thông minh hoặc để bản thân bị thao túng. Nhưng Giáo hội không phải là các giám mục, các giáo hoàng, các linh mục. Giáo hội là dân chúng. Và Công đồng Vatican II đã nói: “Dân Chúa, trong toàn thể thì không lầm”. Nếu ông muốn biết Giáo hội, ông hãy đến một ngôi làng, nơi có cuộc sống của Giáo hội. Hoặc ông đến một bệnh viện, nơi có các tín hữu kitô giúp đỡ, các giáo dân, các nữ tu… Ông đến Phi châu, nơi có rất nhiều nhà truyền giáo. Họ đốt cháy cuộc sống của họ ở đó. Và họ đã thật sự làm cách mạng. Không phải để làm cho giáo dân trở lại, đó là một thời kỳ khác, nhưng họ đến để phục vụ.

Dominique Wolton: Sứ điệp tận căn của Giáo hội, từ muôn thuở, từ Tin Mừng là lên án sự điên rồ của tiền bạc. Vì sao sứ điệp này không được nghe?

Đức Phanxicô: Nó không bao giờ được nghe sao? Nhưng vì một số người thích giảng đạo đức, trong các bài giảng hay trong các chủ đề thần học. Có một hiểm nguy lớn cho những người đi giảng, là họ rơi vào sự tầm thường. Họ chỉ lên án đạo đức loại “dưới lưng quần”, tôi xin lỗi dùng từ này. Nhưng các tội khác thì nặng hơn, hận thù, tham lam, kiêu ngạo, huênh hoang, giết người, lấy đi mạng sống…, những tội đó người ta không nói nhiều như tội kia. Tham gia vào mafia, làm những thỏa hiệp ngầm. “Bạn là người công giáo tốt ư? Vậy cho tôi chi phiếu”. 

Dominique Wolton: Tôi đồng ý. Cha trả lời như thế nào với những người không ngừng nhấn mạnh đến các cuộc thanh trừng, các tội ác của Giáo hội trong nhiều thế kỷ?

Đức Phanxicô: Khi Giáo hội không là Giáo hội phục vụ, thì Giáo hội thành Giáo hội ông chủ? 

Dominique Wolton: Đúng, và điều này đã kéo dài rất lâu.

Đức Phanxicô: Đúng, nhưng đó là văn hóa thời đó. Giáo hội không còn loại văn hóa này. 

Dominique Wolton: Đó là bối cảnh lịch sử… Cha có thấy đủ để giải thích không?

Đức Phanxicô: Có một bối cảnh lịch sử quyết định và Giáo hội đã chọn. Tôi không biết tôi có nói về giáo lý thời trung cổ, giáo lý được dạy trong các nhà thờ chính tòa hay chưa. Giáo dân  học được đức tin thực sự trong các nhà thờ chính tòa. Năm 1974, khi có cuộc xung đột giữa Dòng Tên và Giáo triều La Mã. Các người theo truyền thống mang hoa đến nhà thờ mười hai thánh tông đồ, nơi có mộ của giáo hoàng Clément XIV, họ hy vọng Dòng Tên sẽ bị giải thể như thời đó. Tu sĩ Dòng Tên là tôi đang tự hào nói với ông chuyện này, Dòng Tên có được niềm vinh hạnh được bắt chước cái chết và sống lại của Chúa Giêsu Kitô vì Dòng Tên đã bị một giáo hoàng triệt hạ và vâng lời với quyết định này, để rồi sau đó được một giáo hoàng khác khôi phục lại. Dòng Tên đã được một nữ tín hữu tin lành Đức cứu, sau đó bà theo chính thống giáo, bà là một phụ nữ vĩ đại: Nữ hoàng Nga Catơrina II. Chính bà đã cứu Dòng Tên. Còn nữ hoàng Áo Marie-Thérèse đã phản đối đến cùng, nhưng cuối cùng bà đã không làm vì tất cả các con bà lập gia đình với dòng họ Bourbon.

Dominique Wolton: Đúng, đó là một câu chuyện dài. Sứ điệp đơn giản nhất cha khuyên để dấn thân vào lãnh vực chính trị?

Đức Phanxicô: Làm để phục vụ. Làm vì tình yêu. Không làm vì lợi ích cá nhân, vì tham lam, vì quyền lực. Làm giống như các vĩ nhân chính trị của Âu châu. Hãy nghĩ đến những người sáng lập Âu châu như các ông Schuman, Adenauer và De Gasperi. Đó là ba mẫu gương và còn nhiều người khác.

Dominique Wolton: Tháng 5 năm 2016, cha phát biểu khi nhận giải Charlemagne: “Phải xây các chiếc cầu, phải triệt hạ các bức tường”. Một ý tưởng cho điều này? Một ví dụ?

Đức Phanxicô: Bắt tay nhau. Khi tôi đưa tay ra cho người nào là tôi bắt một nhịp cầu. Khi tôi thấy người khác ở đàng kia, tôi quan tâm đến họ là tôi bắt đầu xây cầu.

Theo tôi, cây cầu là nhân đạo nhất, là có tính cách hoàn vũ nhất và đó là: bắt tay. Nếu một người không thể bắt tay với người kia thì họ không thể xây cầu.

Dominique Wolton: Và một chiếc cầu cho Âu châu ngày nay? Một ví dụ, một biểu tượng?

Đức Phanxicô: Đón nhận người tị nạn… Và cũng là đến nhà họ, qua nước họ, giúp đỡ họ sinh sống bằng cách kiến tạo hòa bình, tạo công ăn việc làm để họ không buộc phải bỏ nhà ra đi. Đầu tư.

Dominique Wolton: Đúng, vì Âu châu rất giàu.

Đức Phanxicô: Nhưng mình không mang tiền theo mình! Tôi chưa bao giờ thấy chiếc xe dọn nhà nào đi sau xe tang….

Marta An Nguyễn dịch

385    27-09-2018