Trên đài truyền hình công giáo Ý TV2000 sẽ chiếu vào ngày 4 tháng 12-2018 lúc 21h05, Đức Phanxicô tiếp tục kỳ thứ tám chương trình “Ave Maria”, ngài nói: “Các người trẻ ngày nay phải bám vào gốc rễ. Mẹ Maria không bao giờ đánh mất nguồn gốc của minh. Mẹ là người con gái của Israel, của Giêrusalem. Mẹ luôn trung thành với gốc rễ của mình và Mẹ còn đi xa hơn. Trong đời sống mình không thể nào đi xa mà không bán vào gốc rễ”. Ngài suy tư về câu cuối cùng của Kinh Kính Mừng: “Bây giờ và trong thì lâm tử”.
Đó là lời Đức Phanxicô nói với các bạn trẻ trong buổi nói chuyện với Linh mục Marco Pozza, thần học gia và tuyên úy nhà tù Padoua. Đây là thành quả của sự hợp tác giữa Bộ Truyền thông Tòa Thánh và đài truyền hình Ý TV2000, chương trình gồm 11 kỳ, qua đó linh mục Marco nói chuyện với Đức Giáo hoàng về Kinh Kính Mừng và gặp gỡ các giáo dân nổi tiếng trên thế giới trong lãnh vực văn hóa.
Trong kỳ thứ tám này, Đức Phanxicô nói với các bạn trẻ về cảm giác cô đơn và bị bỏ rơi: “Chúng ta cũng vậy, chúng ta là người có tội vì lời đề nghị của chúng ta và văn hóa của chúng ta, chúng ta đã làm cho người trẻ mất gốc. Chúng ta đã tạo cho các bạn trẻ một loại văn hóa không có tính chất cụ thể, một loại ‘văn hóa lỏng’ như công thức của một triết gia; tôi có thể nói đó là loại ‘văn hóa bốc hơi’, không gốc rễ. Tôi nghĩ nền văn minh của chúng ta đã có lỗi”.
Đức Phanxicô cũng nói đến vấn đề tự tử: “Tự tử cũng tương tự như tình trạng đóng cánh cửa cứu thoát. Nhưng tôi hiểu trong các vụ tự tử, không có tự do hoàn toàn. Lời nói của Cha xứ Ars với bà góa có chồng nhảy sông tự tử đã giúp cho tôi: ‘Thưa bà, giữa chiếc cầu và dòng sông có lòng thương xót Chúa.’ Tôi nghĩ tự do không hoàn toàn có trong tự tử. Đây là ý kiến cá nhân chứ không có tính cách giáo điều.”
Khi nghĩ đến câu cuối cùng trong Kinh Kính Mừng, Đức Phanxicô cho rằng “ảo tưởng không bao giờ chết” là “một tội” : “Và Kinh Kính Mừng mở đầu bởi một sự thật cứu rỗi, kết thúc bằng sự thật của thân phận con người, kết quả của tội lỗi. Tội vào trong thế giới bởi lòng tham của ma quỷ.”
Ngài nói tiếp: “Cái chết không phải là giây phút dễ dàng, nhưng nghĩ về cái chết là một thực tế, cũng như cuối chuyến đi là một thực tế, cũng như nghĩ Đức Mẹ đầy ơn phước cũng là một thực tế khác.”
Đức Phanxicô nêu đến việc thực hành “cái chết lành” trong các khóa học, và chuẩn bị về mặt tâm linh khi đến giờ lâm chung: “Tôi đã làm xong.” Ngài giải thích với linh mục Marco Pozza, nêu rõ ý nghĩa là “làm quen với việc chúng ta phải chết. Đây cũng là một thực hành thiêng liêng, nghĩ đến cái chết của mình”.
Ngài nói thêm, vào giờ lâm tử, “tôi xin Mẹ Maria ở bên cạnh tôi và cho tôi sự bình an”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch