Sidebar

Thứ Tư
04.12.2024

Ba cái không trong đời sống người tu sĩ

 


 

Để không rơi vào đời sống tầm thường, mỗi người tu sĩ cũng như cộng đoàn phải có một sự đánh giá đúng trong những cử chỉ cụ thể nơi chính con người mình. Không cho nó là tầm thường, không đi tìm những gì ngoại thường, không nên nghĩ rằng chỉ nên thánh với những việc phi thường hay được đánh giá cao với chức vụ nào đó trong cộng đoàn. Đường nên thánh không phải là “làm những điều tầm thường, nhưng không làm cách tầm thường”. Tâm thức coi khinh cái tầm thường dễ xảy ra, khi người tu sĩ sống lâu trong một dòng tu, tại một cộng đoàn. Chúng ta có cái phấn khởi đầu tiên thật nồng nhiệt, thật cao độ, thật ngoại thường. Nhưng cái hằng ngày, cái đều đều đã ít nhiều làm cho người tu sĩ mất đi ý nghĩa cao cả của đời tu. Đôi khi có những câu hỏi vụt lên trong suy nghĩ, khi thấy bạn bè cùng lớp làm được việc này việc kia hay đang giữ những chức vụ cao trong cộng đoàn hay ngoài xã hội mà tại sao tôi lại làm công việc tầm thường nơi cộng đoàn? Thế rồi cám dỗ đến và làm cho họ muốn làm hay đi tìm các ngoại thường của đời tu. Từ đây, các hậu quả không hay sẽ kéo đến, như một sự chán chường, bỏ qua các việc hằng ngày, bỏ qua các luật lệ phải giữ…

2. Không Sống Trưởng Giả

“Cái không” tiếp theo là “Không sống trưởng giả” như người đời. Đây quả là một lời mà Đức thánh cha cảnh báo làm mọi người ngỡ ngàng. Làm sao người tu sĩ khấn khó nghèo, lại có thể sống trưởng giả? Công đồng Vatican II đã mang lại một cái nhìn mới về con người của Giáo hội, về hình ảnh của Giáo hội, về cách hành xử trong sinh hoạt của Giáo hội. Tất cả phải theo tinh thần Tin mừng, là đơn sơ, nghèo khó, như Con Thiên Chúa làm người, đến để phục vụ thay vì để được phục vụ. Điều này áp dụng cho mọi người thi hành quyền bính trong Giáo hội, trong các hội dòng, cho các linh mục, tu sĩ nói riêng. Lời của Công đồng gửi cho các linh mục, trong Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục: “Vì thế, các Linh mục cũng như Giám mục, được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, Ðấng đã xức dầu cho Chúa Cứu Thế và sai đi giảng Tin mừng cho người nghèo khó, phải tránh tất cả những gì bằng cách này hay cách khác có thể làm xa cách người nghèo khó, và hơn các môn đệ khác Chúa Kitô các ngài phải loại bỏ mọi thứ khoe khoang trong các đồ dùng của mình. Các ngài phải xếp đặt chỗ ở thế nào để không ai coi đó là nơi bất khả xâm phạm, và để không ai dù nghèo hèn đến đâu phải sợ hãi không bao giờ dám lui tới” (PO, 17).

Đâu là thái độ trưởng giả, chúng ta dễ nhận ra nơi người chung quanh và nơi thế gian, từ đó tu sĩ chúng ta sẽ lo tránh những lối sống này. Điều này chỉ có thể nhìn dưới con mắt đức tin, nghĩa là biết nhìn thế giới, nhìn con người và lịch sử trong ánh sáng của Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại, nghĩa là trong cái nhìn dưới ánh sáng của mầu nhiệm vượt qua.

3. Không Sống Theo Tâm Thức Hưởng Thụ

Cái không” thứ ba là “Không sống theo tâm thức hưởng thụ”. Đây là một lời cảnh báo gửi tới mọi tín hữu, theo Chúa Kitô, vì tâm thức này đi ngược lại với tinh thần Tin mừng. Lời cảnh báo này càng có giá trị cho người tu sĩ là những người muốn trở nên chứng tá của Tin mừng qua đời sống thánh hiến của mình, qua lời khấn khó nghèo, khiết tịnh. Trong một thế giới có đủ thứ tiện nghi, dễ dàng, thuận lợi mà người tu sĩ dễ bị cám dỗ chạy theo cách sống này như những người ngoài đời. Người tu sĩ cũng có nhiều lý do để tìm lối sống hưởng thụ, có khi viện lẽ phải có phương tiện để hoạt động tông đồ.

Trong cuốn sách Viết cho em người đi tu muốn làm linh mục, tác giả Tài Nhân có kể hai câu chuyện cùng một tựa đề “Vì con là linh mục”.

Câu chuyện thứ nhất: Có người em hỏi anh mình là linh mục rằng: “Em thấy anh và cha kia ở cùng một xứ; đi tu cùng một ngày; ở cùng một dòng; chịu chức cùng một lần; vậy mà sao cha kia có xe hơi, có tiền lo cho ông bà cố, còn anh thì chẳng có gì cả?” Người anh trả lời rằng: “Vì anh là linh mục”.

Câu chuyện thứ hai. Có một linh mục kia về nghỉ hè tại gia đình, nhà chỉ có hai phòng, một dành cho ông bà cố, một dành cho anh chị và hai cháu nhỏ. Vị linh mục này nói với mẹ rằng: “Con cần một phòng riêng để đọc kinh, để cầu nguyện. Ở ngoài, các cháu ồn như vậy sao con đọc kinh cầu nguyện được. Mẹ nói anh chị xuống ở tạm dưới nhà bếp vài ngày để dành phòng cho con, vì con là linh mục”.

Lời cảnh báo của Đức thánh cha, cũng như qua hai câu chuyện trên, không cần quảng diễn nhiều, vì mỗi người có thể hiểu được dễ dàng thế nào là lối sống theo tâm thức hưởng thụ.

Chứng Tá Của Người Tu Sĩ

Để trở nên chứng tá cho Tin mừng, người tu sĩ phải biết dứt khoát và can đảm từ bỏ những gì không thuộc về Thiên Chúa để chỉ dành cuộc sống mình cho Thiên Chúa. Đây là một chọn lựa tiên quyết, chọn lựa đi theo con đường hẹp (x. Mt 7,13-14), là điều kiện để thực sự dấn thân trọn vẹn đi theo Chúa. Vì từ bỏ những gì không phải là của Thiên Chúa, người tu sĩ sẽ được tự do hoàn toàn trong việc phục vụ Chúa và anh chị em đồng loại, người tu sĩ sẽ không bị vướng mắc gì trong cuộc sống làm cản trở mình đi theo Chúa. Khi người tu sĩ từ bỏ tất cả những gì để đi theo Đức Giêsu, họ sẽ tìm lại được những gì là của riêng mình trong Thiên Chúa. Việc chọn lựa này sẽ đưa ra một lối sống mới cho người tu sĩ và sẽ ảnh hưởng tất cả đời sống tu trì của mình mà không loại bỏ một khía cạnh nào. Việc chọn lựa này phải được thực hiện trong phạm vi cá nhân và cộng đoàn.

Đây là một chọn lựa của đức tin vì đòi hỏi một xác tín về sức mạnh của Thiên Chúa, về hoạt động của Ngài và về sự hiện diện của Ngài. Không có đức tin này, thì việc theo Chúa sẽ dễ bị lung lạc trước những khó khăn từ bên trong cũng như bên ngoài, trong cá nhân cũng như trong cộng đoàn. Vì vậy, người tu sĩ chúng ta hãy lo sao cho đời thánh hiến trở nên chứng tá của Tin mừng và của những điều trái nghịch với Tin mừng, chứng tá cho những điều đẹp lòng Thiên Chúa, những điều thiện hảo. Tu sĩ chúng ta hãy tỉnh táo đừng để rơi vào các đòi hỏi, các quyến rũ của thế gian.

1214    26-06-2019